Trang chủ Quy hoạch Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

329
0

Quy hoạch tỉnh Bình Phước đến 2030 gồm phạm vi, ranh giới, các đột phá chiến lược về giao thông, phát triển các ngành, tổ chức không gian và quy hoạch hệ thống đô thị – công nghiệp.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Huỳnh Thị Hằng vừa ký ban hành Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 17/01/2023 về việc thông qua Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.


Mục tiêu của quy hoạch tỉnh Bình Phước đưa ra gồm:

  • Đến năm 2025: Bình Phước cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng “cứng và mềm”. Phát triển các cụm ngành có tiềm năng tạo nhiều việc làm có thu nhập và nguồn thu ngân sách. Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với đô thị. Tăng cường kết nối vùng thông qua phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu. Hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số. Đảm bảo quốc phòng – an ninh vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vừng mạnh toàn diện.
  • Đến năm 2030: Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam bộ. Đến năm 2050, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt 9%, trong đó giai đoạn 2021 – 2025 đạt 8,5%, giai đoạn 2026 – 2030 đạt 9,5%, giai đoạn 2031 – 2050 đạt 8 – 9%.
Bản đồ tỉnh Bình Phước
Bản đồ tỉnh Bình Phước

Phạm vi và ranh giới quy hoạch

Theo Nghị quyết này, phạm vi, ranh giới quy hoạch bao gồm toàn bộ phạm vi ranh giới hành chính của tỉnh Bình Phước; tổng diện tích tự nhiên là 6.873,56 km2, ở toạ độ địa lý từ 11°22’ đến 12°16’ độ vĩ Bắc, 102°8’ đến 107°8’ độ kinh Đông.

Tỉnh Bình Phước sẽ quy hoạch đột phá về hạ tầng

Theo Nghị quyết đưa ra, chỉ tiêu phát triển kế cấu hạ tầng giao thông với các tuyến giao thông nhằm kết nối tỉnh Bình Phước với các địa phương khác (đường Đồng Phú – Bình Dương, tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước), tuyến đường phía Tây Quốc lộ 13 kết nối Bàu Bàng – Chơn Thành Hoa Lư, tuyến ĐT 753,…), hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh, hệ thống kết nối giao thông giữa các trục động lực phát triển của tỉnh.


Trong thời kỳ quy hoạch, tỉnh Bình Phước ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nhất là cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước); tuyến giao thông ĐT 753 kết nối với sân bay Quốc tế Long Thành (Đồng Nai), cảng Cái Mép, Thị Vải; đường Đồng Phú – Bình Dương. Phát triển hệ thống đường giao thông liên huyện, trong đó mở mới đường Minh Lập – Phú Riềng quy mô 4 – 6 làn xe để kết nối Phước Long – Phú Riềng với cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; chú trọng phát triển, kết nối giao thông đến các khu, điểm du lịch; đảm bảo việc duy tu, bảo dưỡng các tuyến giao thông trên địa bàn. Phát triển hệ thống bến bãi, cảng cạn, cầu vượt và dịch vụ logistics;

Phương hướng phát triển các ngành – Lĩnh vực

Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực trong Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xác định cụ thể như sau:

Về Công nghiệp: 

Phát triển công nghiệp nhanh và bền vững theo hướng ưu tiên các ngành có giá trị gia tăng cao như: chế biến, chế tạo, phụ trợ, năng lượng tái tạo, vật liệu, công nghệ thông tin,… Chú trọng nâng cao trình độ công nghệ. Mở rộng và phát triển mới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Cụ thể:


  • Công nghiệp chế biến: phát triển công nghiệp chế biến sâu phải theo hướng cụm ngành; tăng tốc phát triển 03 nhóm ngành điều, gỗ và thực phẩm xuất khẩu chủ lực (các sản phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm) một cách bền vững trước năm 2025, đóng góp cao vào tỷ trọng trong GRDP, thu ngân sách và tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh;
  • Công nghiệp chế tạo: tận dụng cơ hội tham gia Hiệp định CPTPP, EVFTA để thu hút đầu tư nâng cấp chuỗi công nghiệp chế biến, chế tạo; khuyến khích các doanh nghiệp có hoạt động nâng cấp chuỗi giá trị và hướng tới các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn;
  • Công nghiệp hỗ trợ: hình thành một số cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ đủ lớn, có khả năng đào tạo, nghiên cứu, có năng lực dẫn dắt ngành điện – điện tử trong tương lai;
  • Công nghiệp năng lượng tái tạo: phát triển năng lượng tái tạo, nhất là các dự án điện năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của tỉnh;
  • Công nghiệp vật liệu xây dựng: phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng có thế mạnh của tỉnh, có hiệu quả kinh tế cao. Sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
  • Công nghệ thông tin: chủ động triển khai những công việc cần thiết để đón đầu các tín hiệu thị trường bằng cách tìm kiếm và làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này để nắm nhu cầu và khả năng, từ đó đưa ra những chính sách chủ động để thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.

Về Nông, lâm nghiệp và thủy sản: 

Phát triển nông nghiệp với tư duy kinh tế nông nghiệp, tiếp cận theo hướng cụm ngành, chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chuẩn an toàn, từng bước hình thành các vùng nông nghiệp quy mô lớn, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống người nông dân và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.


Về Thương mại – dịch vụ

Phát triển thương mại dịch vụ tập trung vào các lĩnh vực phân phối, bán lẻ, vận tải, logistics; thu hút đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ như: trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối, chợ nông thôn,… nhằm đảm bảo việc hỗ trợ, gắn kết giữa sản xuất với thương mại và nhu cầu tiêu dùng của người dân; kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, giữa khu vực thành thị và nông thôn. Tích cực thúc đẩy thương mại thị trường trong nước, thương mại điện tử, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại biên giới.

Đầu tư xây dựng 6 sân golf tại các huyện, thị xã, thành phố, gồm:

Việc thu hút đầu tư sân golf được thực hiện trên cơ sở đáp ứng hiệu quả đầu tư, sự phù hợp với thời kỳ phát triển, bảo vệ môi trường, đáp ứng quy định tại Nghị định số 52/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn và các văn bản pháp luật liên quan.

Về phát triển du lịch

Tập trung thu hút một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là các nhà đầu tư về hạ tầng và vận hành các cơ sở du lịch. Xây dựng các khách sạn từ 4 – 5 sao. Xây dựng, phát triển các tuyến du lịch, tua du lịch nội địa và quốc tế.

Tiếp tục tập trung đầu tư và kêu gọi đầu tư 04 dự án du lịch hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, điểm đến hấp dẫn gồm:

  • Dự án Khu đô thị – du lịch sinh thái hồ Suối Giai và tây hồ Bà Mụ (huyện Đồng Phú),
  • Dự án Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng),
  • Dự án Khu Quần thể văn hóa – cứu sinh Bà Rá (thị xã Phước Long)
  • Dự án Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (huyện Lộc Ninh).

Phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế của tỉnh

Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 – 2030 xác định tổ chức không gian theo vùng phát triển và các trục động lực của tỉnh.

Phương án tổ chức không gian theo vùng:

a) Vùng phía Nam: đây là trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp – đô thị – dịch vụ và là tam giác phát triển của tỉnh bao gồm thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú.

b) Vùng phía Tây: bao gồm thị xã Bình Long, huyện Hớn Quản và huyện Lộc Ninh với trung tâm phát triển là thị xã Bình Long.

c) Vùng phía Đông Bắc: bao gồm huyện Bù Đốp, huyện Bù Gia Mập, thị xã Phước Long, huyện Phú Riềng, huyện Bù Đăng với trung tâm phát triển là thị xã Phước Long.

Vị trí 03 vùng động lực, 03 trục phát triển, 01 vành đai an sinh
Vị trí 03 vùng động lực, 03 trục phát triển, 01 vành đai an sinh

Phương án tổ chức không gian theo các trục động lực:

a) Trục phía Đông (Chơn Thành – Bù Đăng): trọng tâm là Quốc lộ 14, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) và đường phía Đông Nam Quốc lộ 14.

b) Trục phía Tây (Chơn Thành – Lộc Ninh): phát triển công nghiệp gắn với Quốc lộ 13 và cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Chơn Thành, kết nối lên Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư.

c) Trục trung tâm (Đồng Phú – Phước Long): phát triển kinh tế gắn với ĐT 741, kết nối thị xã Phước Long, huyện Phú Riềng với Quốc lộ 14 và cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành.

Phương án quy hoạch hệ thống đô thị, khu chức năng và phát triển nông thôn

Phương án quy hoạch hệ thống đô thị: 

Hệ thống đô thị của tỉnh Bình Phước sẽ được định hướng quy hoạch theo 02 giai đoạn. Cụ thể như sau:

a) Giai đoạn 1 (2021 – 2025): Nâng cấp các xã đủ tiêu chuẩn lên đô thị loại V để hình thành 07 đô thị mới đối với các xã: Đức Liễu, huyện Bù Đăng; Bù Nho, huyện Phú Riềng; Đồng Nơ, huyện Hớn Quản; Tân Lập và Tân Hòa, huyện Đồng Phú; Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh; Thiện Hưng, huyện Bù Đốp. Số lượng đô thị toàn tỉnh đến năm 2025 là 18 đô thị.

b) Giai đoạn 2 (2026 – 2030): Đầu tư phát triển các đô thị: Đồng Xoài hướng đến là đô thị loại II; Bình Long, Phước Long, Chơn Thành hướng đến là đô thị loại III; Tân Khai, huyện Hớn Quản và Tân Phú, huyện Đồng Phú hướng đến là đô thị loại IV;

Nâng cấp các xã đủ tiêu chuẩn lên đô thị loại V để hình thành 04 đô thị mới đối với các xã: Tân Tiến, huyện Đồng Phú; Lộc Thái, huyện Lộc Ninh; Thanh An, huyện Hớn Quản; Tân Hưng, huyện Hớn Quản. Số lượng đô thị toàn tỉnh đến năm 2030 là 22 đô thị.

Phương án hệ thống đô thị tỉnh Bình Phước đến năm 2030
Phương án hệ thống đô thị tỉnh Bình Phước đến năm 2030

Phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp:

a) Quy hoạch khu công nghiệp: Số khu công nghiệp được quy hoạch và xây dựng đến năm 2025 là 20 khu công nghiệp và đến năm 2030 là 27 khu công nghiệp.

Diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp tỉnh Bình Phước đến năm 2025 là 7.584 ha, cao hơn 1.523 ha so với số quy hoạch được phê duyệt và đến năm 2030 là 18.105 ha, cao hơn 10.521 ha so với thời kỳ 2021 – 2025 và so với Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó:

  • Quy hoạch phát triển mới các Khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 với diện tích 6.283 ha;
  • Quy hoạch phát triển mới các Khu công nghiệp giai đoạn 2026 – 2030 với diện tích 4.117 ha;
  • Quy hoạch đất Công nghiệp tại Khu kinh tế 1.640 ha.
Bản đồ phương án quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bình Phước
Bản đồ phương án quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bình Phước

b) Quy hoạch khu kinh tế:

Quy hoạch phát triển Khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2025 là 1 khu và đến năm 2030 là 1 khu. Giảm diện tích Khu kinh tế Cửa khẩu Hoa Lư từ 28.364 ha xuống còn 25.864 hạ (đưa ra khỏi quy hoạch 2.500 ha sang đất quy hoạch mở rộng thị trấn Lộc Ninh và xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh).

c) Quy hoạch cụm công nghiệp:

Trong thời kỳ Quy hoạch tỉnh Bình Phước đến 2030, tỉnh sẽ thực hiện quy hoạch 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.827,41 ha, các cụm công nghiêm này được phân bố tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hình thành ít nhất 3 cụm công nghiệp chuyên ngành chế biến nông sản: hạt điều, tiêu, cà phê, trái cây,…

Phương án quy hoạch phát triển nông thôn

Theo đồ án Quy hoạch tỉnh Bình Phước, việc tổ chức bố trí sắp xếp, ổn định dân cư nông thôn phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch hệ thống đô thị – nông thôn, quy hoạch nông thôn mới, đảm bảo bền vững, định cư lâu dài, giảm thiểu những thiệt hại tiềm ẩn do thiên tai gây ra. Phát triển các khu dân cư tập trung gắn với phát triển thương mại, dịch vụ nông thôn tại các xã trên địa bàn tỉnh.

Phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật

Bản đồ phương án quy hoạch hạ tầng giao thông tỉnh Bình Phước
Bản đồ phương án quy hoạch hạ tầng giao thông tỉnh Bình Phước

Phương án phát triển hạ tầng giao thông

a) Đường bộ

Hạ tầng giao thông đường bộ trong Quy hoạch tỉnh Bình Phước đến 2030 được tỉnh xác định ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng, đặc biệt là các trục giao thông quan trọng như:

  • Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành,
  • Cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước),
  • Tuyến đường Đồng Phú – Bình Dương,
  • Tuyến đường phía Tây Quốc lộ 13 kết nối Bàu Bàng – Chơn Thành – Hoa Lư,
  • Tuyến ĐT 753,…

Các tuyến giao thông nói trên khi hoàn thiện sẽ kết nối tỉnh Bình Phước với các trung tâm kinh tế lớn của Khu vực miền Đông Nam bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam như: thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương và kết nối xuống Cảng nước sâu Cái Mép, Thị Vải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Sân bay quốc tế Long Thành.

Ngoài ra, tỉnh cũng ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh, đặc biệt là các trục giao thông kết nối tam giác phát triển gồm: thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành, huyện Đồng Phú; ba vùng đô thị có sức lan tỏa của tỉnh gồm: thành phố Đồng Xoài, thị xã Bình Long và thị xã Phước Long; và các trung tâm kinh tế khác của tỉnh.

Theo đó, tỉnh Bình Phước tập trung phát triển hệ thống kết nối giao thông huyết mạch giữa 3 trục phát triển và các tuyến đường chính của tỉnh như:

  • (1) Trục phát triển dọc theo tuyến Quốc lộ 14 kết nối Bù Đăng – Đồng Xoài – Chơn Thành;
  • (2) Trục phát triển dọc theo tuyến Quốc lộ 13, gắn kết Hoa Lư – Lộc Ninh – Bình Long – Hớn Quản – Chơn Thành;
  • (3) Trục trung tâm phát triển dọc theo tuyến ĐT 741 kết nối huyện Đồng Phú, thành phố Đồng Xoài, huyện Phú Riềng và thị xã Phước Long; dự kiến mở thêm đường Minh Lập – Phú Riềng để kết nối thị xã Phước Long, huyện Phú Riềng với Quốc lộ 14 và cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành nhằm phá thế độc đạo của Phước Long và Phú Riềng;
  • (4) Phát triển dọc theo tuyến ĐT 752, ĐT 758 và tuyến ĐT 753 (dự kiến được nâng cấp thành Quốc lộ 13C);
  • (5) Phát triển dọc theo tuyến ĐT 759B (Lộc Tấn – Bù Đốp), tuyến ĐT 759 và tuyến ĐT 755B dự kiến được nâng cấp thành Quốc lộ 55B, nhằm gắn kết các huyện khu vực biên giới như Lộc Ninh, Bù Đốp với các huyện, thị xã còn lại của tỉnh như: Đồng Xoài, Phước Long, Phú Riềng, Bù Đăng.

b) Đường sắt: Theo quy hoạch phát triển giao thông đường sắt quốc gia đến 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh – Lộc Ninh, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước được quy hoạch với độ dài 73,3 km;

Tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên (Đà Nẵng – Kon Tum – Gia Lại – Đắk Lắk – Đắk Nông – Bình Phước), đoạn Chơn Thành – Đắk Nông với chiều dài tuyến khoảng 102 km.

c) Sân bay: Quy hoạch Sân bay quân sự Technic thành sân bay chuyên dụng Hớn Quản, quy mô diện tích khoảng 350 ha.

d) Cảng cạn ICD: Hệ thống cảng cạn ICD sẽ được quy hoạch gồm 03 cảng, gồm:

  • Cảng cạn ICD tại cửa khẩu Hoa Lư huyện Lộc Ninh với quy mô 24,43 ha;
  • Cảng cạn ICD tại thị xã Chơn Thành với quy mô dự kiến 45,47 ha;
  • Cảng cạn ICD tại huyện Đồng Phú với quy mô dự kiến 39,5 ha.

Phương án phát triển hạ tầng điện

a) Lưới điện và Trạm biến áp 500Kv: Xây mới 05 tuyến: Thuận Nam – Chơn Thành; Ninh Sơn – rẽ Thuận Nam – Chơn Thành; Tây Ninh 1 – rẽ Chơn Thành – Đức Hòa; Bình Dương 1 – Chơn Thành; Đức Hòa – Chơn Thành.

b) Lưới điện và Trạm biến áp 220Kv: Xây mới 07 tuyến: Phước Long – rẽ Bình Long – Đắk Nông; Bến Cát 2 – rẽ Chơn Thành – Bến Cát; Lai Uyên – rẽ Chơn Thành – Bến Cát; Chơn Thành – Bến Cát; Đồng Xoài – Chơn Thành; Bình Long – Chơn Thành (mạch 3,4); điện mặt trời Hải Lý Bình Phước 1 – trạm cắt Lộc Tấn.

c) Lưới điện và Trạm biến áp 110kV: Xây dựng mới và nâng cấp cải tạo 62 tuyến.

Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; phù hợp với Nghị quyết số 24-NQ-TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, bền vững và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia và thích nghi tốt trước những thay đổi khó lường trên thế giới./.

Tài liệu kèn theo:


4.7/5 - (9 bình chọn)
Bài trướcTrung Thuỷ Group thực hiện sứ mệnh đưa Nam Ô – Đà Nẵng thành thương hiệu quốc tế
Bài tiếp theoBản đồ quy hoạch – Kế hoạch sử dụng đất huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đến 04/2024

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây