Trang chủ Pháp lý Khu kinh tế là gì? Quy định – quản lý – thành...

Khu kinh tế là gì? Quy định – quản lý – thành lập khu kinh tế tại Việt Nam

72
0

Khu kinh tế là gì? quy định về quản lý, thành lập các khu kinh tế như thế nào? Hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé!

1. Khu kinh tế là gì?

Khoản 7 Điều 2 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP giải thích như sau:


Khu kinh tế là khu vực có ranh giới địa lý xác định, gồm nhiều khu chức năng, được thành lập để thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Khu kinh tế bao gồm khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu (sau đây gọi chung là Khu kinh tế, trừ trường hợp có quy định riêng đối với từng loại hình);

Khu kinh tế ven biển là khu kinh tế hình thành ở khu vực ven biển và địa bàn lân cận khu vực ven biển, được thành lập theo các điều kiện, trình tự và thủ tục quy định tại Nghị định này;


Khu kinh tế cửa khẩu là khu kinh tế hình thành ở khu vực biên giới đất liền và địa bàn lân cận khu vực biên giới đất liền có cửa khẩu quốc tế hoặc cửa khẩu chính và được thành lập theo các điều kiện, trình tự và thủ tục quy định tại Nghị định này.

Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh
Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh

2. Điều kiện thành lập khu kinh tế

Khu kinh tế được thành lập nếu đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 35/2022/NĐ-CP, cụ thể như sau:

  • Phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; có trong Danh mục các khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
  • Có khả năng huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu kinh tế và phát triển sản xuất, kinh doanh;
  • Có hiệu quả kinh tế – xã hội;
  • Đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
  • Bảo đảm quốc phòng, an ninh.

3. Hồ sơ thành lập khu kinh tế

Cụ thể tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 35/2022/NĐ-CP, đề án thành lập khu kinh tế của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm các nội dung sau đây:


  • Căn cứ pháp lý và sự cần thiết của việc thành lập khu kinh tế;
  • Đánh giá hiện trạng, các yếu tố và điều kiện về vị trí địa lý, tự nhiên, tài nguyên, kinh tế – xã hội, các hạn chế và lợi thế so sánh của khu vực dự kiến thành lập khu kinh tế so với các khu vực khác trên địa bàn cả nước;
  • Đánh giá và giải trình khả năng đáp ứng các điều kiện thành lập khu kinh tế quy định tại mục 2 (kèm theo các tài liệu có liên quan);
  • Dự kiến phương hướng phát triển của khu kinh tế gồm: mục tiêu phát triển, quy mô diện tích, tính chất, chức năng của khu kinh tế; phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực; định hướng phát triển không gian, các khu chức năng trong khu kinh tế; kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng và phát triển khu kinh tế;
  • Kiến nghị các giải pháp và tổ chức thực hiện;
  • Thể hiện phương án thành lập khu kinh tế trên bản đồ tỷ lệ 1:10.000 – 1:25.000.

4. Chính sách ưu đãi đầu tư đối với khu kinh tế

(1) Khu kinh tế là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Ưu đãi đầu tư đối với địa bàn khu kinh tế quy định tại pháp luật về đầu tư được áp dụng kể từ thời điểm khu kinh tế được thành lập.

(2) Mức ưu đãi cụ thể đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu chức năng trong khu kinh tế và dự án đầu tư trong khu kinh tế được áp dụng theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về đất đai, pháp luật về tín dụng, pháp luật về kế toán và quy định khác của pháp luật có liên quan.


(3) Chi phí đầu tư xây dựng, vận hành hoặc mua, thuê mua, thuê nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu kinh tế, công trình hạ tầng kỹ thuật kết nối với khu chức năng của nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu chức năng trong khu kinh tế, nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trong khu kinh tế là khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

(4) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu kinh tế được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật về xây dựng nhà ở xã hội và quy định khác của pháp luật có liên quan.

(5)  Nhà đầu tư có dự án đầu tư trong khu kinh tế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, lao động, thương mại theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, hỗ trợ về tuyển dụng lao động và các vấn đề có liên quan khác trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

(Điều 22 Nghị định 35/2022/NĐ-CP)

5. Quản lý đi lại và cư trú với người Việt Nam và nước ngoài trong khu kinh tế

Điều 27 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, đi lại và cư trú ở khu kinh tế. Theo đó:

Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm việc, hoạt động đầu tư, kinh doanh tại khu kinh tế và các thành viên gia đình của họ được cấp thị thực xuất, nhập cảnh có giá trị nhiều lần và có thời hạn phù hợp theo quy định; được tạm trú, thường trú trong khu kinh tế và ở Việt Nam theo quy định pháp luật về cư trú và pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Như vậy, đối tượng được nhập cảnh, đi lại, cư trú trong khu kinh tế gồm: Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm việc, hoạt động đầu tư, kinh doanh tại khu kinh tế; thành viên gia đình của những người này.

Riêng đối với khu kinh tế cửa khẩu việc xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú được thực hiện theo quy định sau:

– Công dân của huyện nước láng giềng có chung biên giới đối diện với khu kinh tế cửa khẩu được qua lại cửa khẩu vào khu kinh tế cửa khẩu bằng giấy thông hành biên giới do cơ quan có thẩm quyền của nước láng giềng cấp hoặc các giấy tờ hợp lệ khác theo quy định của pháp luật, phù hợp với điều ước quốc tế giữa Việt Nam và nước láng giềng có liên quan; thời gian tạm trú của công dân nước láng giềng sử dụng giấy thông hành biên giới nhập cảnh vào khu kinh tế cửa khẩu tối đa là 15 ngày và giấy thông hành biên giới phải còn thời hạn ít nhất 45 ngày trước thời điểm nhập cảnh; trường hợp muốn đi đến các địa điểm khác trong tỉnh có khu kinh tế cửa khẩu thì cơ quan công an tại tỉnh cấp giấy phép một lần, có giá trị không quá 15 ngày;

– Người mang hộ chiếu không thuộc diện miễn thị thực (là công dân của nước láng giềng có chung biên giới hoặc nước thứ ba), được miễn thị thực nhập cảnh và được lưu trú tại khu kinh tế cửa khẩu, thời gian lưu trú không quá 15 ngày; nếu đi du lịch ra khu vực khác của Việt Nam theo chương trình do các doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền xét cấp thị thực nhập cảnh tại cửa khẩu;

– Phương tiện vận tải hàng hóa của nước láng giềng và nước thứ ba được vào khu kinh tế cửa khẩu theo các hợp đồng kinh doanh của đối tác nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam, thực hiện các quy định của Hiệp định vận tải đường bộ, đường thủy giữa Việt Nam và các nước có chung đường biên giới, chịu sự kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu; trường hợp phương tiện vận tải này có nhu cầu giao nhận hàng hóa tại các địa điểm khác ngoài địa phận khu kinh tế cửa khẩu thì phải thực hiện theo quy định hiện hành.

Người điều hành phương tiện (thuyền viên trên các tàu, lái xe, phụ xe) được ra vào khu kinh tế cửa khẩu bằng hộ chiếu, số thuyền viên, chứng minh thư biên giới hoặc giấy thông hành biên giới do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, phù hợp với điều ước quốc tế giữa Việt Nam và nước láng giềng có liên quan;

– Chủ hàng, chủ phương tiện cùng lái xe của Việt Nam, có quan hệ kinh doanh với đối tác láng giềng được phép mang hàng hóa và phương tiện sang nước láng giềng để giao nhận hàng hóa bằng giấy thông hành biên giới hoặc giấy tờ hợp lệ khác do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;

– Công dân Việt Nam làm ăn, sinh sống trên địa bàn xã, phưng, thị trấn có khu kinh tế cửa khẩu được sang nước láng giềng bằng giấy thông hành biên giới hoặc giấy tờ hợp lệ khác phù hợp với điều ước quốc tế giữa Việt Nam và nước láng giềng có liên quan nếu được nước này đồng ý.


Rate this post
Bài trướcĐất chưa sử dụng là gì? Quy định quản lý đất chưa sử dụng như thế nào?
Bài tiếp theoLogistics là gì? Lịch sử hình thành và phát triển ngành Logistics thế nào?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây