Khu vực đô thị phát triển ở Việt Nam đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, để đạt được mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, là nước phát triển, thu nhập cao, đòi hỏi phải phát triển các đô thị nhanh và hiệu quả hơn nữa để là động lực, hỗ trợ tích cực cho phát triển vùng và các địa phương.
Phát triển đô thị hay đô thị hoá?
Phát triển đô thị là sự mở mang toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, không gian cũng như môi trường sống đô thị; nội dung phát triển bao gồm phát triển vật chất và phi vật chất. Phát triển đô thị khác với đô thị hóa ở chỗ, phát triển đô thị chỉ xét cho từng đô thị riêng biệt, còn đô thị hóa thì xét cho cả mạng lưới đô thị.
Theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới và ở Việt Nam, đô thị hóa là xu hướng tất yếu của toàn cầu. Đô thị hóa không chỉ là sự phát triển riêng của một đô thị về quy mô và số lượng dân số, mà còn gắn liền với những biến đổi về kinh tế – xã hội và môi trường thiên nhiên của một hệ thống đô thị.
Mức độ đô thị hóa là tỷ lệ phần trăm của dân số đô thị trên toàn bộ dân số khu vực, tùy theo các cấp độ khác nhau, như tỷ lệ đô thị hóa của toàn quốc, toàn vùng, toàn tỉnh hoặc của một thành phố hay thị xã…, thường được đánh giá tại từng thời điểm nhất định. Tốc độ đô thị hóa là chỉ số thể hiện tỷ lệ tăng hoặc giảm của giai đoạn sau so với thời điểm trước.
Đặc điểm chính của đô thị hóa
Trên thế giới, dân số đô thị tăng lên rất nhanh. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 1920 chỉ có 266,4 triệu người dân đô thị, chiếm 14,3% tổng số dân nhưng đến năm 1960 đã tăng lên đến 760,3 triệu người và chiếm 25,4% tổng số dân; mức độ đô thị hóa trên thế giới năm 2000 là gần 50%, năm 2018 là 55% và đến năm 2050 sẽ đạt khoảng 62,5% với số dân khoảng 5.107 triệu người. Số lượng đô thị lớn đã và đang tăng lên nhanh chóng, số dân đô thị tập trung cao độ vào các đô thị lớn.
Năm 1950, trên thế giới chỉ có thành phố Niu Oóc (Mỹ) có số dân trên 10 triệu người, thành phố lớn thứ 15 là Béc-lin (Đức) chỉ có 3,3 triệu người. Năm 2005 và năm 2011, trên thế giới có lần lượt là 20 và 26 thành phố trên 10 triệu dân. Năm 2015, kể cả các vùng lân cận, trên thế giới đã có 32 thành phố (và vùng đô thị) có trên 10 triệu người. Đến cuối năm 2016, con số này là 36 đô thị.
Tại Việt Nam, nhìn chung, các đô thị có số dân tăng trưởng trung bình, các đô thị nhỏ có số dân tăng trưởng chậm, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có số dân tăng trưởng nhanh. Chỉ tính trong hơn 10 năm gần đây, dân số Hà Nội tính đến tháng 4-2009 là 6.451.909 người và tháng 4-2019 là 8.053.663 người; dân số Thành phố Hồ Chí Minh tính đến tháng 4-2009 là 7.162.864 người và tính đến tháng 4-2019 là 8.993.082 người. Cả hai thành phố đều có mức tăng dân số khoảng 25% sau 10 năm so với năm 2009. Số lượng dân cư trên đây của hai thành phố chưa tính đến những người sinh hoạt và lao động không chính thức.
Sự phát triển các đô thị đã tạo nên các vùng đô thị hóa cao độ.
Ở Việt Nam, hai vùng đô thị lớn được hình thành và phát triển là Vùng Thủ đô Hà Nội và Vùng Thành phố Hồ Chí Minh.
Vùng Thủ đô Hà Nội: bao gồm thành phố Hà Nội và 9 tỉnh lân cận: Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang.
Tổng diện tích toàn vùng khoảng 24.314,7km2 (chiếm 7,3% diện tích tự nhiên toàn quốc), với dân số toàn vùng đến năm 2030 ước tính khoảng 21 – 23 triệu người, trong đó, dân số đô thị khoảng 11,5 – 13,8 triệu người, dân số nông thôn khoảng 9,2 – 9,5 triệu người; khoảng 12 - 13,2 triệu lao động; mức độ đô thị hóa đạt khoảng 55% – 60%.
Vùng Thành phố Hồ Chí Minh: bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và 7 tỉnh lân cận, là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai và Tiền Giang.
Tổng diện tích toàn vùng khoảng 30.404km2 (chiếm 9,2% diện tích tự nhiên toàn quốc), với dân số toàn vùng đến năm 2030 ước tính khoảng 24 – 25 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 18 – 19 triệu người, dân số nông thôn khoảng 6 – 7 triệu người; khoảng 18 – 19 triệu lao động; mức độ đô thị hóa khoảng 70% – 75%.
Tại Việt Nam, số lượng đô thị tăng nhanh và phân bố không đồng đều trên cả nước, chất lượng đô thị giữa các địa phương, vùng miền trong từng loại đô thị còn chênh lệch nhau rất lớn. Mức độ đô thị hóa cũng khác nhau nhiều giữa các vùng; ở vùng Đông Nam Bộ là trên 72%, trong khi ở vùng trung du và miền núi phía Bắc là dưới 22%(16). Quy mô đất đai của các đô thị cũng rất khác nhau, trong 25 đô thị lớn nhất nước ta, chỉ có Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là khác biệt.
Đô thị hóa ở Việt Nam chứa đựng đặc trưng sự gia tăng tốc độ cũng như gia tăng diện tích và dân số. Tuy nhiên, những đặc trưng này chủ yếu diễn ra tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; tỷ lệ mở rộng khu vực đô thị của hai thành phố này là 3,8% và 4% hằng năm.
Phát triển đô thị trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại
Đô thị hóa và vấn đề di dân:
Một trong những nhân tố quan trọng của sự tăng trưởng đô thị hóa là di dân từ nông thôn ra thành thị gắn với các hoạt động kinh tế, như việc làm, sản xuất công nghiệp, trao đổi kinh tế. Quá trình di dân đã làm thay đổi không chỉ nơi cư trú mà cả nghề nghiệp của họ. Cơ hội tìm kiếm việc làm và các điều kiện văn hóa – xã hội, như giáo dục, y tế, nhà ở, thông tin liên lạc, điều kiện làm việc và nghỉ ngơi đã kích thích việc di dân từ nông thôn ra thành thị. Các thành phố đòi hỏi lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp nhiều hơn trong lĩnh vực nông nghiệp và các nhân tố văn hóa – xã hội ngày càng có ảnh hưởng quan trọng hơn trong việc di cư từ nông thôn ra thành thị.
Ở Việt Nam, các khu vực công nghiệp phát triển là các điểm đến thu hút nhất đối với người di cư, nhất là các khu công nghiệp ở vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.
Đô thị hóa với lối sống đô thị:
Lối sống bao gồm những điều kiện và hình thức hoạt động sống của con người đặc trưng cho xã hội, giai cấp và tầng lớp. Quá trình chuyển đổi từ lối sống nông thôn sang lối sống đô thị diễn ra phổ biến tại tất cả các nước. Quá trình này bao gồm hai hình thức:
- 1- Quá trình chuyển đổi sang lối sống đô thị của những người nhập cư từ nông thôn đến;
- 2- Quá trình mở rộng ảnh hưởng của lối sống đô thị tại các vùng nông thôn. Văn hóa và lối sống đô thị, xét về mặt lịch sử và trình độ phát triển kinh tế – xã hội, thể hiện sự tiến bộ của văn minh công nghiệp.
Lối sống đô thị có những đặc điểm nhất định. Đó là dân cư đô thị có thể dễ dàng thay đổi môi trường làm việc và nơi ở do tính chất sản xuất công nghiệp; có nhu cầu giao tiếp cao, có sự giao tiếp đa dạng và phức tạp hơn so với dân cư nông thôn.
Lối sống đô thị phụ thuộc phần lớn vào dịch vụ công cộng và yêu cầu ngày càng cao của người dân. Nhu cầu văn hóa, giáo dục của người dân đô thị ngày càng tăng.
Đô thị hóa với môi trường đô thị:
Sự tăng trưởng của đô thị tạo ra hàng loạt ảnh hưởng tích cực đến môi trường và con người. Mặt khác, sự tăng trưởng của đô thị làm cho môi trường của hầu hết các thành phố đang bị xấu đi nhanh chóng, ô nhiễm nước và không khí, các chất thải ngày càng tăng, kể cả các chất độc hại.
Chất lượng môi trường đô thị xuống cấp đã gây ra tình trạng dịch bệnh gia tăng, sức khỏe kém và không an toàn cho người dân, đặc biệt là người nghèo, và sức sản xuất của đô thị cũng giảm, đồng thời gây ra những thiệt hại không thể khôi phục được cho các hệ sinh thái tự nhiên.
Tại một số nước đang phát triển, chính sách kinh tế của họ đã coi trọng việc tăng trưởng kinh tế mà không quan tâm đến tác động của vấn đề ô nhiễm gây nên các thiệt hại đáng kể về môi trường.
Quá trình đô thị hóa là hệ quả của sự bùng nổ dân số, sự phát triển công nghiệp thấp kém, sự phát triển không đồng đều giữa các vùng trong một nước và sự suy thoái của nông nghiệp và nông thôn tạo ra sự mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa đô thị và nông thôn, giữa vùng chậm phát triển và vùng phát triển.
Quá trình đô thị hóa thường dẫn đến việc hạ tầng đô thị bị quá tải, mất cân bằng sinh thái và sự phát triển kinh tế – xã hội không cân bằng với tăng trưởng dân số, khi việc di cư từ các đô thị nhỏ, vừa và các vùng nông thôn vào các đô thị lớn không có khả năng kiểm soát. Hệ quả là hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị xuống cấp nhanh chóng, đặc biệt là vấn đề nhà ở và vệ sinh môi trường ngày càng nan giải và nhiều vấn đề xã hội xuất hiện. Đô thị hóa nếu thiếu kiểm soát sẽ tạo nên sự phát triển giả tạo, gây quá tải trong các đô thị lớn và tình trạng nghèo đói ở đô thị.
Thế nào là dự án phát triển đô thị?
Về khái niệm dự án đầu tư phát triển đô thị, theo quy định tại Khoản 8, Điều 2 Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/1/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị, dự án đầu tư phát triển đô thị là dự án đầu tư xây dựng một công trình hoặc một tổ hợp công trình trong khu vực phát triển đô thị đã được cấp có thẩm quyền quyết định và công bố, bao gồm:
– Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị: Là dự án đầu tư xây dựng các công trình (có thể bao gồm nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng…) trên một khu đất được giao trong khu vực phát triển đô thị theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– Dự án đầu tư xây dựng công trình trong đô thị: Là dự án đầu tư xây dựng mới; hoặc là mở rộng, cải tạo chỉnh trang công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật.
Khu vực phát triển đô thị là gì?
Khu vực phát triển đô thị được định nghĩa tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị như sau:
Khu vực phát triển đô thị là một khu vực được xác định để đầu tư phát triển đô thị trong một giai đoạn nhất định. Khu vực phát triển đô thị bao gồm: Khu vực phát triển đô thị mới, khu vực phát triển đô thị mở rộng, khu vực cải tạo, khu vực bảo tồn, khu vực tái thiết đô thị, khu vực có chức năng chuyên biệt.
Khu vực phát triển đô thị có thể gồm một hoặc nhiều khu chức năng đô thị. Khu vực phát triển đô thị có thể thuộc địa giới hành chính của một hoặc nhiều tỉnh, thành phố. Khu vực phát triển đô thị có thể bao gồm một hoặc nhiều dự án đầu tư phát triển đô thị.
Trên đây là quy định về Khu vực phát triển đô thị. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 11/2013/NĐ-CP.
Quy hoạch phát triển đô thị là gì?
“Quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án qui hoạch đô thị.”
Quy hoạch đô thị, còn được gọi là quy hoạch vùng, quy hoạch thị trấn, quy hoạch thành phố hoặc quy hoạch nông thôn, là một quy trình chính trị và kỹ thuật tập trung vào việc phát triển và thiết kế sử dụng đất và môi trường xây dựng, bao gồm không khí, nước và cơ sở hạ tầng đi qua. vào và ra khỏi các khu vực đô thị, chẳng hạn như giao thông vận tải, thông tin liên lạc và mạng lưới phân phối và khả năng tiếp cận của chúng.