Trang chủ Quy hoạch Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Quảng Trị đến 2030, tầm...

Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Quảng Trị đến 2030, tầm nhìn đến 2050

139
0

Quy hoạch đô thị tỉnh Quảng Trị bao gồm Tp. Đông Hà, thị xã Quảng Trị và các huyện Hải Lăng, Gio Linh, Cam Lộ, Vĩnh Linh, Hương Hoá, Triệu Phong, ĐaKrông và huyện Cồn Cỏ.

Quảng Trị là một tỉnh nằm ở dải đất miền Trung Việt Nam, nơi chuyển tiếp giữa hai miền địa lý Bắc – Nam. Tọa độ địa lý tỉnh Quảng Trị ở vào vị trí từ 16°18′ đến 17°10′ vĩ độ Bắc, 106°32′ đến 107°34′ kinh độ Đông. Nằm cách thủ đô Hà Nội 593 km về phía Nam, cách thành phố Đà Nẵng 178 km về phía Bắc. Có vị trí địa lý:


  • Phía bắc giáp tỉnh Quảng Bình.
  • Phía nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế.
  • Phía tây giáp 2 tỉnh Savannakhet và Salavan của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
  • Phía Đông giáp biển Đông.

Với tọa độ địa lý này, Quảng Trị được tạo nên bởi một không gian lãnh thổ mang sắc thái khí hậu nhiệt đới ẩm, điển hình của vòng đai nội chí tuyến Bắc bán cầu và chịu ảnh hưởng rất lớn của biển Đông.

Hiện trạng phát triển hệ thống đô thị tỉnh Quảng Trị

Các đô thị của tỉnh Quảng Trị phân bố chủ yếu trên hai hành lang kinh tế chính của tỉnh là Hành lang kinh tế Bắc – Nam (gắn với tuyến Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh nhánh Đông và tuyến đường ven biển, trong khu vực địa hình đồng bằng và vùng cát ven biển) và hành lang Kinh tế Đông – Tây (dọc tuyến đường 9).

Hiện trạng hệ thống đô thị tỉnh Quảng Trị
Hiện trạng hệ thống đô thị tỉnh Quảng Trị

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, dân số toàn tỉnh đạt khoảng 750.000 người, trong đó dân số đô thị là 355.100 người. Theo thống kê hiện trạng đến năm 2020, dân số toàn tỉnh là 638.219 người và dân số đô thị là 207.305 người, chưa đạt được các mục tiêu đề ra so với quy hoạch về dân số.


Hiện trạng hệ thống đô thị tỉnh Quảng Trị
Hiện trạng hệ thống đô thị tỉnh Quảng Trị

Hiện nay, việc đô thị hóa ở Quảng Trị đang diễn ra theo hướng mở rộng diện tích đô thị ra các khu vực nông thôn lân cận. Hạ tầng đô thị đầu tư thiếu đồng bộ, nhất là hệ thống thoát nước, thu gom, xử lý nước thải, đường điện, hệ thống viễn thông hầu như chưa được ngầm hóa; hiện tượng ngập úng xảy ra thường xuyên.

Hệ thống giao thông mới chỉ tập trung đầu tư đồng bộ ở các đô thị chính của Tỉnh, rất hạn chế ở khu vực núi cao phía Tây. Kết nối giao thông theo hướng Đông-Tây đang rất yếu. Hiện nay mới chỉ có tuyến đường tỉnh DT9 kết nối các đô thị vùng núi cao phía Tây với các đô thị trung tâm và vùng cát ven biển phía Đông.

Theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 – 2020, mục tiêu đặt ra đến năm 2020 Quảng Trị sẽ có 04 đô thị loại IVthị trấn Lao Bảo, Khe Sanh, Cam Lộ và Hồ Xá; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Quảng Trị đến năm 2020(Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 02/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ), nâng cấp TP. Đông Hà lên đô thị loại II, TX. Quảng Trị, KKT thương mại đặc biệt Lao Bảo lên đô thị loại IIIthị trấn Hồ Xá lên đô thị loại IV, thành lập mới các thị trấn Bồ Bản, Mỹ Thủy, Tà Rụt, A Túc và Hướng Phùng các mục tiêu này vẫn chưa hoàn thành.


Về triển khai các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch khu chức năng:

+ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị đến năm 2020 của tỉnh Quảng Trị được phê duyệt theo quyết định số 1509/QĐ-UBND của UBND tỉnh với định hướng nâng cấp, mở rộng các đô thị hiện có và phát triển thêm các đô thị mới; điều chỉnh chức năng một số đô thị, tạo lập hệ thống đô thị liên vùng và phát triển một cách có hiệu quả các đô thị có tính chất đặc thù của vùng.

+ Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ tại Quyết định số 776/QĐ-TTg, ngày 08/06/2020 trong đó với mục tiêu hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển, loại bỏ các quy hoạch chồng chéo trên địa bàn, tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.


+ Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 13 đô thị, hầu hết quy hoạch chung các đô thị đã được phê duyệt (thị trấn Cửa Việt chưa có Quy hoạch chung), làm cơ sở để triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, Quy hoạch chung/ Điều chỉnh quy hoạch chung các thị trấn Ái Tử, Krông klang, Bến Quan, Hồ Xá, Gio Linh giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030 đã tới niên hạn, quy mô đô thị không còn phù hợp với nhu cầu phát triển thực tế cũng như chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về đơn vị hành chính, phân loại đô thị.

+ Về các khu chức năng, tỉnh Quảng Trị có 02 khu kinh tế:

  • Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo đã được Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đến năm 2025 theo quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 07/4/2011. Hiện nay đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đến năm 2025 sắp tới niên hạn và thực tế phát triển đã có nhiều thay đổi so với quy hoạch.
  • Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đã được phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 theo quyết định số 1936/QĐ-TTg ngày 11/10/2016. Theo rà soát cho thấy một số vấn đề hạn chế, bất cập, nhất là những tác động đến khu vực dân cư hiện hữu, cũng như sự thay đổi trong định hướng xây dựng khu vực sân bay trở thành đô thị sân bay. Do đó, tỉnh Quảng Trị hiện đang tiến hành triển khai lập Điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị để phù hợp với nhu cầu hiện tại và định hướng phát triển trong tương lai, tăng tính khả thi cho quy hoạch.
Bản đồ hiện trạng hệ thống đô thị tỉnh Quảng Trị
Bản đồ hiện trạng hệ thống đô thị tỉnh Quảng Trị

Phương án quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Quảng Trị đến 2030, tầm nhìn 2050

Phương án phát triển hệ thống đô thị

Đến năm 2025: Toàn tỉnh có 13 đô thị và một số khu vực phát triển đô thị mới bao gồm:

– 01 đô thị loại II: Thành phố Đông Hà;

– 01 đô thị loại IV: TX. Quảng Trị;

– 11 đô thị loại V: thị trấn Lao Bảo, Khe Sanh, Bến Quan, Hồ Xá, Diên Sanh, Cam Lộ, Cửa Tùng, Cửa Việt, Gio Linh, Ái Tử và Krông Klang.

– 05 khu vực phát triển đô thị mới (được đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiêu chí đô thị loại V) là: Nam Cửa Việt (các xã Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng, Triệu Trạch), La Vang (xã Hải Phú), Sòng (xã Thanh An), Tà Rụt (xã Tà Rụt), Lìa (xã Lìa).

Sơ đồ định hướng hệ thống đô thị toàn tỉnh đến năm 2030
Sơ đồ định hướng hệ thống đô thị toàn tỉnh đến năm 2030

Đến năm 2030: Toàn tỉnh có 18 đô thị và một số khu vực phát triển đô thị mới, bao gồm:

– 01 đô thị loại II: Thành phố Đông Hà;

– 01 đô thị loại IV/III: TX. Quảng Trị và vùng phụ cận;

– 03 đô thị loại IV: thị trấn Lao Bảo, Khe Sanh, Hồ Xá,

– 04 đô thị loại V/IV: Thị trấn Diên Sanh, Cam Lộ, Gio Linh (mở rộng không gian phát triển về phía các xã  Gio Mỹ,  Gio Châu) và Ái Tử.

– 09 đô thị loại V trong đó có:

+ 04 đô thị hiện hữu là các thị trấn: Bến Quan, Cửa Tùng, Cửa Việt (mở rộng về phía các xã Gio Việt, Gio Hải, Gio Mai, Trung Giang và Gio Quang), Krông Klang;

+ 05 đô thị phát triển mới (nâng cấp từ các xã) là: Nam Cửa Việt (các xã Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng, Triệu Trạch), La Vang (xã Hải Phú), Sòng (xã Thanh An), Tà Rụt (xã Tà Rụt), Lìa (xã Lìa).

– 04 khu vực phát triển đô thị mới: Cùa (xã Cam Chính), Hải Chánh (xã Hải Chánh), Hướng Phùng (xã Hướng Phùng), khu đô thị sân bay Quảng Trị (bao gồm tổ hợp công nghiệp, dịch vụ và đô thị gần sân bay Quảng Trị) và một số khu vực khác.

Đến năm 2050: Toàn tỉnh có 19 đô thị và một số khu vực phát triển đô thị, bao gồm:

– 01 đô thị loại II là thành phố Đông Hà.

– 01 đô thị loại III là thị xã Quảng Trị và vùng phụ cận

– 09 đô thị loại IV là: thị trấn Lao Bảo, Khe Sanh, Hồ Xá, Cam Lộ, Gio Linh, Ái Tử, Cửa Việt, đô thị Nam Cửa Việt và thị xã Hải Lăng (nâng cấp từ huyện Hải Lăng).

– 08 đô thị loại V, bao gồm:

+ 06 đô thị hiện hữu là các thị trấn: Bến Quan, Cửa Tùng, Krông Klang, Sòng (Thanh An), Tà Rụt, Lìa;

+ 02 đô thị phát triển mới (từ giai đoạn đến 2030) là: Cùa (Cam Chính), Hướng Phùng.

– Khu vực phát triển đô thị mới: Khu đô thị sân bay Quảng Trị (bao gồm tổ hợp công nghiệp, dịch vụ và đô thị gần sân bay Quảng Trị).

Sơ đồ định hướng hệ thống đô thị toàn tỉnh đến năm 2050
Sơ đồ định hướng hệ thống đô thị toàn tỉnh đến năm 2050

Các đô thị trung tâm vùng, tỉnh

1. Thành phố Đông Hà – đô thị loại II:

Diện tích tự nhiên toàn thành phố 7.309 ha, dự kiến đến năm 2025 đạt tiêu chuẩn đô thị loại II.

– Chức năng đô thị: Là thành phố tỉnh lỵ, trung tâm tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh; đồng thời là một trong các đô thị động lực trên HLKT Đông-Tây; Là trung tâm giao dịch quốc gia và quốc tế – đầu cầu phát triển trên hành lang kinh tế Đông Tây; Là một trong những đô thị động lực của vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung.

2. Đô thị Lao Bảo – đô thị loại IV:

Chức năng đô thị: đô thị – công thương mại dịch vụ; cửa khẩu quốc tế quan trọng, một trong những trung tâm thương mại, dịch vụ ý nghĩa vùng và quốc tế.

Hướng phát triển không gian: bao gồm các không gian khu vực cửa khẩu, không gian các cụm công nghiệp, không gian khu đô thị chính và khu đô thị mới phía Đông Lao Bảo phát triển hài hòa với sự phân bố xen kẽ của các yếu tố tự nhiên là không gian cây xanh mặt nước, không gian vùng sinh thái nông – lâm nghiệp.

Giai đoạn đến năm 2030, đầu tư nâng cấp hạ tầng và chất lượng đô thị theo tiêu chuẩn đô thị loại IV. Giai đoạn sau năm 2030, căn cứ vào tình hình phát triển thực tế và nếu có điều kiện thuận lợi, có thể lập đề án nâng loại đô thị lên loại IV.

Giai đoạn đến năm 2030, đầu tư nâng cấp hạ tầng và chất lượng đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.

Động lực chính là làm trung tâm dịch vụ cho tiểu vùng sinh thái lâm nghiệp huyện Hướng Hóa, cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo và hành lang kinh tế Đường 9.

Các thị xã thuộc tỉnh

3. Thị xã Quảng Trị – đô thị loại IV-III:

Trong tương lai (ở bước QHC đô thị và QH xây dựng vùng huyện), có thể nghiên cứu các phương án mở rộng TX. Quảng Trị sang các xã thuộc các huyện lân cận.

Chức năng đô thị: là thị xã thuộc tỉnh, đô thị trung  tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch vùng phía Nam của tỉnh.

Động lực phát triển đô thị: thương mại – dịch vụ, công nghiệp và du lịch, gắn kết với Khu kinh tế Đông Nam và vùng kinh tế dọc QL1 đến đường bộ cao tốc, theo tuyến Đông – Tây mới, đi qua Thị xã.

4. Thị xã Hải Lăng – đô thị loại IV:

Giai đoạn sau năm 2030: nâng cấp toàn bộ huyện Hải Lăng lên thành thị xã Hải Lăng, với 8/16 đơn vị hành chính cấp xã là phường – bao gồm các phường: P.Diên Sanh, P. Hải Phú, P. Hải Thượng, P.Hải Định, P.Hải Hưng, P.Hải An, P.Hải Khê và P.Hải Chánh (được nâng lên từ TT. Diên Sanh và các xã Hải Phú, Hải Thượng, Hải Định, Hải Hưng, Hải An, Hải Khê, Hải Chánh).

Các đô thị trung tâm huyện lỵ:

1. Thị trấn Hồ Xá – đô thị loại IV:

Chức năng đô thị: là đô thị huyện lỵ huyện Vĩnh Linh. Động lực phát triển đô thị: đô thị dịch vụ tại cửa ngõ phía Bắc tỉnh thuộc hành lang kinh tế QL 1, phát triển mạnh các ngành dịch vụ, tài chính, công nghiệp, du lịch. Hướng phát triển không gian: chủ yếu dọc quốc lộ 1A và phát triển trong khu vực thị trấn hiện có.

2. Gio Linh (H. Gio Linh) – đô thị loại V- IV

– Chức năng đô thị: là đô thị huyện lỵ huyện Gio Linh.

– Động lực phát triển đô thị: khai thác dịch vụ – thương mại trên tuyến hành lang kinh tế QL 1, cụm công nghiệp thị trấn Gio Linh, là điểm cung cấp các cơ sở dịch vụ – thương mại – vui chơi giải trí cho khu công nghiệp Quán Ngang nằm gần kề.

– Hướng phát triển không gian: không gian đô thị phát triển trong phạm vi địa giới hành chính hiện hữu, đồng thời gắn kết với các không gian phát triển lân cận, để không gian phát triển được phát triển theo 2 hướng chính: phía Đông QL 1 và hướng theo trục đường tỉnh lộ 575A là nơi có nhiều quỹ đất thuận lợi xây dựng đô thị và các khu chức năng mà không ảnh hưởng đến đất nông nghiệp. Hai bên đường 575A bố trí khu trung tâm hành chính – văn hóa, công viên cây xanh, khu thể dục thể thao. Khu thương mại dịch vụ chủ yếu dọc QL 1 và 2 bên đường 575A. Quỹ đất dự trữ phát triển đô thị bố trí dọc theo đường 575A về hướng Đông.

– Giai đoạn đến năm 2030, đầu tư nâng cấp hạ tầng và chất lượng đô thị theo tiêu chuẩn đô thị loại IV, căn cứ vào tình hình phát triển thực tế và nếu có điều kiện thuận lợi, có thể lập đề án nâng loại đô thị lên loại IV.

Bản đồ quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh Quảng Trị đến 2030
Bản đồ quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh Quảng Trị đến 2030

3. Thị trấn Cam Lộ (H. Cam Lộ) – đô thị loại V-IV:

– Chức năng đô thị: đô thị huyện lỵ huyện Cam Lộ.

– Động lực phát triển đô thị: khai thác dịch vụ – thương mại- công nghiệp trên tuyến hành lang kinh tế đường 9 .

– Hướng phát triển không gian: phát triển hướng Đông – Tây dọc theo Phía Bắc quốc lộ 9, Hướng Bắc Nam theo trục trung tâm ra đường Hồ Chí Minh và gắn kết với các không gian phát triển lân cận. Không gian phát triển được phân chia thành 2 khu phía Bắc và Nam sông Cam Lộ.

– Giai đoạn đến năm 2030, đầu tư nâng cấp hạ tầng và chất lượng đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, căn cứ vào tình hình phát triển thực tế và nếu có điều kiện thuận lợi, có thể lập đề án nâng loại đô thị lên loại IV.

4. Ái Tử (H. Triệu Phong) – đô thị loại V-IV:

– Chức năng đô thị: là đô thị huyện lỵ huyện Triệu Phong.

– Động lực phát triển đô thị: khai thác dịch vụ – thương mại trên tuyến hành lang kinh tế QL1, cụm công nghiệp thị trấn Ái Tử; tác động lan tỏa của 02 đô thị động lực chính của tỉnh là thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị

– Phát triển thị trấn Ái Tử hiện hữu theo hướng tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật và nâng cao chất lượng đô thị, định hướng mở rộng không gian đô thị, hoàn thiện tiêu chuẩn đô thị loại V, căn cứ vào tình hình phát triển thực tế và nếu có điều kiện thuận lợi, có thể lập đề án nâng loại đô thị lên loại IV vào giai đoạn đến năm 2030.

5. Diên Sanh (H. Hải Lăng) – đô thị loại V-IV/phường của TX Hải Lăng trong tương lai:

– Thị trấn Diên Sanh đã được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị trấn Hải Lăng với xã Hải Thọ theo Nghị quyết số 832/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành ngành 17/12/2019.

– Chức năng đô thị: là đô thị huyện lỵ, trung tâm chính trị kinh tế, văn hóa xã hội, công nghiệp của huyện Hải Lăng. – Động lực phát triển đô thị: khai thác dịch vụ – thương mại trên tuyến hành lang kinh tế QL 1 và tuyến 15D kết nối cửa khẩu La Lay đến KKT Đông Nam và vùng ven biển, cụm công nghiệp Diên Sanh.

6. Đô thị Krông Klang – đô thị loại V

– Chức năng đô thị: là đô thị huyện lỵ huyện Đakrông đồng thời là đô thị trung tâm tiểu vùng – kết nối giữa vùng núi cao và vùng trung du.

– Động lực phát triển đô thị: khai thác dịch vụ – thương mại trên tuyến hành lang kinh tế đường 9, cụm công nghiệp Krông Klang; là đô thị miền núi có bản sắc văn hóa đặc trưng để phát triển du lịch.

– Hướng phát triển không gian: không gian đô thị phát triển theo các hướng Bắc đường 9, Tây đường 9 và phía Đông km 41. Trong đó, khu vực trung tâm đô thị bố trí tại km 41 là nơi tập trung các cơ quan hành chính của huyện, thị trấn. Quỹ đất dự trữ phát triển đô thị bố trí ở phía Bắc và phía Nam.

– Định hướng tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại V vào năm 2025 và đạt chất lượng đô thị loại IV vào năm 2030.

7. Đô thị Khe Sanh – đô thị loại IV

– Chức năng đô thị: là đô thị huyện lỵ huyện Hướng Hóa, đồng thời là đô thị trung tâm kinh tế – văn hóa khu vực Lao Bảo – Khe Sanh.

– Hướng phát triển không gian: Tập trung phát triển trong địa giới hành chính của Thị trấn hiện nay. Tuy nhiên có kết nối với các khu vực phát triển lân cận, là các khu vực hình thành mới, như: không gian các khu trung tâm thương mại – tài chính, các khu phố đi bộ kết hợp tham quan du lịch, mua sắm, ẩm thực, xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng theo dạng resort (khu vực phía Tây đường Hồ Chí Minh). Mở rộng không gian phát triển lên phía Bắc, dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh (hình thành khu đô thị mới Tà Cơn).

– Giai đoạn đến năm 2030, đầu tư nâng cấp hạ tầng và chất lượng đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.

Các đô thị kinh tế tổng hợp, chuyên ngành

Gồm 10 đô thị gắn với các trọng điểm thương mại, du lịch, văn hóa, tín ngưỡng, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, các trục giao thông chính:

1- Bến Quan (h. Vĩnh Linh)

  • Chức năng đô thị: là đô thị kinh tế tổng hợp thuộc huyện Vĩnh Linh.
  • Động lực phát triển đô thị: khai thác dịch vụ – thương mại trên tuyến đường Hồ Chí Minh, cụm công nghiệp Bến Quan.
  • Hướng phát triển không gian: phát triển 2 bên của trục kinh tế đường Hồ Chí Minh và đường tỉnh 571. Khu trung tâm hành chính – thương mại dịch vụ là điểm nhấn đô thị.

2- Cửa Tùng (h. Vĩnh Linh)

  • Chức năng đô thị: là đô thị du lịch – dịch vụ – thương mại, thuộc huyện Vĩnh Linh.
  • Động lực phát triển đô thị: dịch vụ, du lịch, chế biến thủy sản, dịch vụ cảng biển.
  • Hướng phát triển không gian: không gian đô thị phát triển dọc ven biển từ khu vực mũi Si đến cảng Cửa Tùng. Quỹ đất dự trữ phát triển bố trí ở phía Tây Bắc.
  • Hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại V.

3- Cửa Việt (h. Gio Linh)

  • Chức năng đô thị: là đô thị du lịch – dịch vụ – công nghiệp – sân bay.
  • Động lực phát triển đô thị: dịch vụ, du lịch, chế biến thủy sản, dịch vụ cảng biển, sân bay.
  • Hướng phát triển không gian: mở rộng ra phía các xã Gio Việt, Gio Hải, Gio Mai, Gio Quang và Trung Giang.

4- Lìa (h. Hướng Hóa):

  • Đô thị Lìa được phát triển trên cơ sở địa giới hành chính của toàn bộ xã Lìa.
  • Chức năng đô thị: là đô thị kinh tế tổng hợp vùng biên giới thuộc huyện Hướng Hóa.
  • Động lực phát triển đô thị: khai thác thương mại – dịch vụ – du lịch và chế biến nông lâm sản.
  • Hướng phát triển không gian: phát triển đô thị về phía Bắc tỉnh lộ 586.
  • Xây dựng đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị loại V vào giai đoạn đến năm 2030.

5- Hướng Phùng (h. Hướng Hóa)

  • Chức năng đô thị: là đô thị kinh tế tổng hợp, thuộc huyện Hướng Hóa.
  • Động lực phát triển đô thị: khai thác dịch vụ – thương mại trên trục kinh tế đường Hồ Chí Minh, các cơ sở thương mại – dịch vụ tại cửa khẩu Bản Cheng; khai thác và chế biến nông lâm sản, cung cấp cơ sở dịch vụ cho tuyến du lịch tham quan vùng núi phía Tây Bắc tỉnh và khu bảo tồn tự nhiên Bắc Hướng Hóa.
  • Hướng phát triển không gian: được phát triển trên cơ sở địa giới hành chính của toàn bộ xã Hướng Phùng. Không gian đô thị phát triển dọc đường Hồ Chí Minh, chủ yếu về phía Bắc. Là đô thị miền núi mang không gian kiến trúc thân thiện, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Quỹ đất dự trữ phát triển đô thị bố trí ở phía Bắc.
  • Xây dựng đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị loại V vào giai đoạn sau năm 2030.

6- Đô thị Nam Cửa Việt (huyện Triệu Phong)

  • Phạm vi: được phát triển trên cơ sở địa giới hành chính của toàn bộ các xã Triệu Trạch, Triệu Vân, Triệu Lăng và Triệu An.
  • Chức năng đô thị: là đô thị du lịch – thương mại – dịch vụ – tiểu thủ công nghiệp.
  • Động lực phát triển đô thị: khai thác các ngành kinh tế biển thương mại, dịch vụ, du lịch biển, cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
  • Hướng phát triển không gian: không gian đô thị phát triển bám dọc 2 bên Quốc lộ 49C, hướng mở rộng đô thị về phía Bắc ra đến sông Thạch Hãn. Bố trí quỹ đất dự trữ phát triển đô thị dọc theo dải ven biển từ khu vực Bồ Bản đến xã Hải An (h. Hải Lăng).
  • Định hướng đến năm 2030, xây dựng đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị loại V. Sau năm 2030 định hướng đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.

7- Đô thị La Vang (h. Hải Lăng)

  • Phạm vi: phát triển trên cơ sở địa giới hành chính của toàn bộ xã Hải Phú.
  • Chức năng đô thị: là đô thị phát triển kinh tế du lịch tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo thuộc huyện Hải Lăng.
  • Động lực phát triển đô thị: khai thác dịch vụ du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng.
  • Hướng phát triển không gian: phát triển không gian đô thị gắn với khai thác cảnh quan di tích văn hóa tâm linh nhà thờ La Vang.
  • Định hướng đến năm 2030, xây dựng đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị loại V, chất lượng đô thị loại IV, trở thành phường của TX. Hải Lăng trong tương lai.

8- Đô thị Tà Rụt (huyện Đakrông)

  • Chức năng đô thị: là đô thị thương mại – dịch vụ – du lịch – chế biến nông lâm sản gắn với phát triển cửa khẩu quốc tế La Lay – huyện Đakrông.
  • Động lực phát triển đô thị: khai thác dịch vụ – du lịch, sản xuất chế biến nông lâm sản của vùng phía Tây Nam tỉnh, khai thác cụm công nghiệp Tà Rụt.
  • Hướng phát triển không gian: dọc đường Hồ Chí Minh chủ yếu về phía Đông.
  • Giai đoạn đến năm 2030, xây dựng đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị loại V.

9- Đô thị Cùa (huyện Cam Lộ)

  • Phạm vi: phát triển trên cơ sở địa giới hành chính của toàn bộ xã Cam Chính và không gian phát triển kết nối với một phần xã Cam Nghĩa.
  • Chức năng đô thị: là đô thị thương mại – dịch vụ – văn hóa du lịch – chế biến nông sản, thuộc huyện Cam Lộ.
  • Động lực phát triển đô thị: Khai thác thế mạnh trồng và chế biến đặc sản hồ tiêu, nghệ… gắn chế biến nông sản với mô hình dịch vụ du lịch và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất Tân Sở.
  • Hướng phát triển không gian: phát triển mở rộng từ vùng Cùa thuộc khu vực xã Cam Chính.
  • Giai đoạn sau năm 2030, xây dựng đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị loại V

10- Đô thị Sòng (huyện Cam Lộ)

  • Chức năng đô thị: là đô thị thương mại – dịch vụ – công nghiệp/tiểu thủ công nghiệp, thuộc huyện Cam Lộ.
  • Động lực phát triển đô thị: Khai thác thế mạnh là cửa ngõ phía Bắc của huyện Cam Lộ, giáp ranh với thành phố Đông Hà, có vị trí giao thông đường bộ thuận lợi với tuyến QL1, tuyến DT 71 nối từ cảng Cửa Việt đến QL15 đi qua địa bàn, tạo điều kiện phát triển dịch vụ vận tải, logistics… Ngoài ra, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp – xây dựng gắn với tiềm năng về nguyên liệu trên địa bàn như nông – lâm sản, 398 sản xuất vật liệu xây dựng.
  • Hướng phát triển không gian: phát triển đô thị tại khu vực ngã tư Sòng, dọc tuyến QL1, DT71, phát triển trên cơ sở địa giới hành chính của toàn bộ xã Thanh An.
  • Giai đoạn đến  năm 2030, xây dựng đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị loại V.

11- Huyện đảo Cồn Cỏ:

Chức năng: là trung tâm du lịch sinh thái biển, đảo, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, tránh trú bão và cứu hộ cho tàu thuyền trên biển. Có vị trí quan trọng về anh ninh và quốc phòng.

Định hướng phát triển: du lịch dịch vụ (nghỉ dưỡng, khám phá hệ sinh vật biển của Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, tài nguyên rừng nhiệt đới nóng ẩm chủ yếu ở rìa phía Tây của đảo). Bổ sung và hoàn thiện các chức năng xây dựng trên đảo, đảm bảo phù hợp với mục tiêu hình thành một điểm đến du lịch có sức hấp dẫn; Tập trung phát triển các khu chức năng đô thị du lịch về phía Tây Nam của đảo, đan xen với cảnh quan sinh thái rừng tự nhiên.


Rate this post
Bài trướcLip Plumping Allegations: Did Carrie Underwood Get Her Lips Plumped, Go Under the Needle? Natural Beauty or Enhancement?
Bài tiếp theoBắc Giang chuẩn bị khởi công xây dựng cầu Như Nguyệt mới, nối với Bắc Ninh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây