Trang chủ Quy hoạch Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Hậu Giang đến 2030, tầm...

Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Hậu Giang đến 2030, tầm nhìn 2050

135
0

Quy hoạch đô thị tỉnh Hậu Giang bao gồm phương án phát triển các đô thị bao gồm đô thị tỉnh lỵ và các thành phố, thị xã, thị trấn trên địa bàn.

Thực trạng đô thị tỉnh Hậu Giang

Hiện trạng phân bố đô thị

Mạng lưới đô thị tỉnh Hậu Giang được hình thành trong thời kỳ thuôc tỉnh Cần Thơ chưa tách lập. Vì vậy, mạng lưới đô thị tỉnh Hậu Giang chịu ảnh hướng lớn của đô thị hạt nhân trong vùng là Tp. Cần Thơ và mạng lưới giao thông mang tính hướng tâm xung quanh thành phố này.


Các đô thị gần Tp. Cần Thơ nhất bao gồm TT Một Ngàn, TT. Rạch Gòi, TT. Cái Tắc, TT. Ngã Sáu và TT. Mái Dầm đều nằm trong bán kính khoảng 20 km từ trung tâm Tp. Cần Thơ, tạo thành vành đai đầu tiên. Các đô thị thành phố Ngã Bảy, TT. Cây Dương, TT. Kinh Cùng và TT. Bảy Ngàn nằm trong bán kính khoảng 30 km từ trung tâm Tp. Cần Thơ, tạo thành vành đai thứ hai. Với khoảng cách cận kề so với thành phố Cần Thơ, các đô thị của tỉnh có xu hướng phát triển trong mối quan hệ mật thiết và tương hỗ với thành phố trung tâm của ĐBSCL này.

Ngoài ra, quá trình hình thành mạng lưới đô thị của tỉnh Hậu Giang chịu ảnh hướng của hệ thông kênh rạch, là các tuyến vận chuyển hành hóa chính của tỉnh. Các đô thị thường nằm tại ngã giao các các tuyến giao thông đường thủy lớn, điển hình là thành phố Ngã Bảy. Các đô thị được liên kết bởi các tuyến kênh và giao thông chính như sau:

  • Kênh Xà No/QL 61C: Thành phố Vị Thanh, TT. Bảy Ngàn và TT. Một Ngàn.
  • Kênh Lái Hiếu – Sông Cái Lớn: Thành phố Ngã Bảy, TT. Cây Dương và thị xã Long Mỹ.
  • Kênh Nàng Mau: TT. Nàng Mau, TT. Kinh Cùng và TT. Mái Dầm.
  • Kênh Đồng Lợi/ TL 928: TT. Búng Tàu, TT. Cây Dương, TT. Rạch Gòi và TT. Một Ngàn.
  • QL 1A: TT. Cái Tắc và thành phố Ngã Bảy.
  • QL 61: TT. Cái Tắc, TT. Kinh Cùng, TT. Nàng Mau và Tp. Vị Thanh.

Khoảng cách đường bộ trung bình giữa 18 đô thị trong hệ thống đô thị giao động trong khoảng 10 – 80 km. TT. Rạch Gòi có vị trí trung tâm nhất với khoảng cách trung bình đến các đô thị là 40 km, trong khi đó TT. Mái Dầm liên kết xa nhất với đô thị tỉnh lỵ là thành phố Vị Thanh với khoảng cách trung bình đến 80 km. Các đô thị phía Bắc (TT. Một Ngàn, TT. Cái Tắc, TT. Rạch Gòi, TT. Bảy Ngàn) liên kết tốt do khoảng cách gần và kết nối giao thông hiệu quả. Trung tân Tp.Vị Thanh đến Tp.Ngã Bảy và TT Ngã Sáu 60 km, đến TT Cây Dương 40 km, TT Một Ngàn 25km, TT Nàng Mau 10km.


Ngoài các đô thị, trong tỉnh còn có các khu vực cũng đang có tốc độ phát triển nhanh về nhà ở, kinh doanh dịch vụ như thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ, huyện Châu Thành, thị trấn Cái Tắc và khu vực dọc theo tuyến Quốc lộ 61C thuộc huyện Châu Thành A, … Những khu vực nằm kề cận các khu công nghiệp đang hoạt động, các khu vực có tiềm năng phát triển mạnh dịch vụ thương mại, dịch vụ nhà ở.

Bản đồ hiện trạng hệ thống đô thị tỉnh Hậu Giang
Bản đồ hiện trạng hệ thống đô thị tỉnh Hậu Giang

Hiện trạng phân cấp, phân loại đô thị

Tỉnh Hậu Giang sau hơn 17 năm xây dựng và phát triển, hệ thống đô thị của tỉnh phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, khi thành lập trên địa bàn tỉnh chỉ có 09 đô thị (08 đô thị loại V và 01 đô thị loại IV); đến nay đã có 18 đô thị (01 đô thị loại II; 02 đô thị loại III; 15 đô thị loại V, trong đó có 04 đô thị loại V chưa được công nhận là thị trấn). Các đô thị được phân bố khá đồng đều trên mặt bằng địa giới hành chính của tỉnh Hậu Giang.

Về phát triển đô thị: Các đồ án quy hoạch chung đô thị còn chậm được triển khai rà soát, điều chỉnh để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của các đô thị; chất lượng các đồ án quy hoạch đô thị còn chưa cao, tỷ lệ phủ kính quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết còn thấp; một số đồ án quy hoạch chưa đảm bảo, còn phải điều chỉnh nhiều lần.


Hạ tầng đô thị đầu tư còn chưa được đồng bộ, nhất là hệ thống thoát nước, thu gom, xử lý nước thải, đường điện, hệ thống viễn thông hầu như chưa được ngầm hóa; hiện tượng ngập úng xảy ra cục bộ khi trời mưa

Phương án quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Hậu Giang

1- Định hướng chung:

Quy hoạch phát triển và hài hòa giữa cải tạo, chỉnh trang đô thị với phát triển các đô thị mới, bảo đảm kiến trúc đô thị hiện đại, giàu bản sắc; phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị; chú trọng tổ chức lại đời sống dân cư và bảo đảm chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho dân cư đô thị.

– Nâng cao chất lượng đô thị, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Xây dựng kết cấu hạ tầng các đô thị trọng tâm của Tỉnh, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại, hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế của Tỉnh.


Đô thị trung tâm tại các vùng nông nghiệp trong điểm cần sẵn sàng về kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực để hoàn thành tốt vai trò cung cấp đầy đủ các dịch vụ thương mại, tài chính, vận chuyển hàng hóa logistics.

Phát triển kinh tế đô thị dựa trên việc chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đặc trưng có lợi thế, bản sắc riêng của từng đô thị và từng vùng, miền trên địa bàn cả nước.

2- Mục tiêu cụ thể về định hướng phát triển đô thị

– Đến năm 2030:

(1). Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 32%, phấn đấu đến năm 2030 đạt 37%.

(2). Số lượng đô thị của Tỉnh đến năm 2030 đạt 19 đô thị.

(3). Phấn đấu đến năm 2025, các đô thị phủ kín quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đạt 80%; đến năm 2030 tỷ lệ quy hoạch phân khu đạt 100%.

(4). Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 28m2/người vào năm 2025; đạt tối thiểu 32m2/người vào năm 2030.

(5). Phấn đấu đến năm 2025, nâng chất, hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II đối với thành phố Vị Thanh, đô thị loại III đối với thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ; xây dựng huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A theo hướng phát triển đô thị – công nghiệp. Đến năm 2030, các đô thị loại III cơ bản hoàn thành các tiêu chuẩn phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị.

– Định hướng đến năm 2050:

(1). Phấn đấu các chỉ tiêu về phát triển đô thị, nhà ở đạt tỷ lệ trung bình của vùng ĐBSCL. Hệ thống đô thị của Tỉnh được nâng chất, kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, theo hướng hiện đại, tiếp cận các tiêu chuẩn đô thị xanh, đô thị thông minh đối với các đô thị trọng điểm. Các đô thị được liên kết thành mạng lưới của Tỉnh, của vùng, đồng bộ, thống nhất, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại, ưu tiên các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn.

(2). Phấn đấu xây dựng và phát triển huyện Châu Thành đạt tiêu chí đô thị loại IV và trở thành thị xã thuộc tỉnh Hậu Giang.

3- Định hướng phát triển hệ thống đô thị

Định hướng phát triển hệ thống đô thị tỉnh Hậu Giang được xác định theo chương trình phát triển đô thị như sau:

– Đến 2025: có 19 đô thị, trong đó 1 thành phố đô thị loại II, 1 thành phố và 1 thị xã đô thị loại III, 01 đô thị loại IV (thị trấn Cái Tắc), 15 đô thị loại V (9 thị trấn, 6 đô thị mới).

Sơ đồ định hướng phát triển hệ thống đô thị nông thôn đến năm 2025
Sơ đồ định hướng phát triển hệ thống đô thị nông thôn đến năm 2025

– Đến năm 2030: có 19 đô thị; trong đó có 02 đô thị loại II, 01 đô thị loại III, 07 đô thị loại IV và 9 đô thị loại V (4 thị trấn, 5 đô thị mới).

– Định hướng phát triển 3 đô thị chính + 1 tâm (1-Vị Thanh, 2- Ngã Bảy, 3-Long Mỹ, 4- Châu Thành);

– Lập quy hoạch chung xây dựng các đô thị còn lại để kết nối với 4 đô thị trên; rà soát, định hướng, đề xuất đầu tư các dự án khu đô thị mới, các tuyến đường giao thông kết nối các đô thị và khai thác quỹ đất hai bên đường tạo dòng tiền dương từ đầu tư đô thị để bổ sung nguồn lực tài chính cho đầu tư công nghiệp, nông nghiệp và du lịch.

– Quy hoạch xây dựng: 1) khu đô thị sinh thái – nghỉ dưỡng thuộc vùng đệm của Lung Ngọc Hoàng (3.000ha); 2) khu đô thị giải trí sinh thái, nghỉ dưỡng Mekong Châu Thành (3.000ha). 2 khu vực này được tích hợp để phát triển ngành du lịch-đặc biệt chú trọng công năng nghỉ dưỡng.

Sơ đồ định hướng phát triển hệ thống đô thị nông thôn đến 2030
Sơ đồ định hướng phát triển hệ thống đô thị nông thôn đến 2030

– Thành phố Vị Thanh là đô thị loại II đóng vai trò là đô thị hạt nhân, trung tâm của vùng kinh tế trung tâm, cực phát triển phía Tây của tỉnh Hậu Giang, trung tâm chính trị, hành chính, thương mại, dịch vụ và du lịch của tỉnh.

– Thành phố Ngã Bảy, là đô thị loại III, đô thị vệ tinh của vùng du lịch cảnh quan sinh thái, đô thị trung tâm của vùng kinh tế ven sông Hậu, là cực phát triển phía Đông của tỉnh Hậu Giang, phát triển thương mại dịch vụ và du lịch.

– Thị xã Long Mỹ là đô thị vệ tinh, trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật phía Nam của vùng kinh tế trung tâm, là đô thị đầu mối, trung chuyển nông sản công nghệ cao theo đường QL 61B kết nối với Bạc Liêu và Sóc Trăng; là đô thị phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử và công nghiệp chế biến nông sản.

– Đô thị Ngã Sáu, đến năm 2030 là đô thị loại IV, trung tâm của vùng phát triển đô thị công nghiệp ven thành phố Cần Thơ – sông Hậu. Là trung tâm kinh tế văn hóa, thương mại dịch vụ, du lịch sinh thái, văn hóa giáo dục và khoa học công nghệ cấp vùng. Đô thị có vị trí quan trọng là đầu mối giao lưu, trung tâm thương mại dịch vụ gắn với phát triển công nghiệp thông qua hành lang kinh tế QL.Nam Sông Hâu và Sông Hậu.

– Các đô thị còn lại (thị trấn Một Ngàn, Nàng Mau, Cây Dương, Vĩnh Viễn), là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục, khoa học kỹ thuật của huyện và các đô thị chuyên ngành (Cái Tắc, Bảy Ngàn, Rạch Gòi, Mái Dầm, Đông Phú, Kinh Cùng, Búng Tàu, Xà Phiên, Lương Nghĩa, Cái Sơn, Tân Long).

Sơ đồ định hướng phát triển hệ thống đô thị nông thôn đến 2050
Sơ đồ định hướng phát triển hệ thống đô thị nông thôn đến 2050

4- Phương án phát triển các đô thị

Phương án phát triển các đô thị bao gồm đô thị tỉnh lỵ và các thành phố, thị xã, thị trấn trên địa bàn. Trên cơ sở thực trạng về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, thực trạng về kết cấu hạ tầng, các định hướng chiến lược về hệ thống đô thị quốc gia, phát triển đô thị tỉnh Hậu Giang trong giai đoạn tới dự kiến sẽ diễn ra theo các kịch bản sau:

1. Thành phố Vị Thanh: Đến năm 2030, thành phố Vị Thanh là đô thị loại II trực thuộc Tỉnh; Thành phố Vị Thanh đóng vai trò vừa là đô thị hạt nhân của tỉnh Hậu Giang vừa là đô thị vệ tinh vùng đô thị đối trọng với các đô thị của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm hành chính của tỉnh. Đến năm 2030, Vị Thanh sẽ là một đô thị trung tâm có đà tăng trưởng mạnh mẽ làm động lực phát triển chính cho toàn Tỉnh, liên kết và hỗ trợ cho sự phát triển củ vùng Đô thị – Công nghiệp phía Đông Bắc của tỉnh Hậu Giang. Đến năm 2050, Vị Thanh sẽ trở thành đô thị trung tâm về chính trị, thương mại – dịch vụ, du lịch và đóng vai trò một cực động lực phát triển cho tỉnh Hậu Giang.

– Tính chất:

  • Là đô thị loại II trực thuộc tỉnh, là đầu mối quan trọng trong mối quan hệ liên vùng giữa Tp. Cần Thơ – tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng.
  • Là đô thị hạt nhân đô thị chính vùng tỉnh Hậu Giang. Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh Hậu Giang.
  • Là trung tâm Thương mại – Dịch vụ của vùng tỉnh và các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp phía Nam của tỉnh Hậu Giang sau năm 2030.

2. Thành phố Ngã Bảy: Đến năm 2030, thành phố Ngã Bảy là đô thị loại III trực thuộc Tỉnh;

– Thành phố Ngã Bảy là trung tâm Thương mại – Dịch vụ, Du lịch, phát triển kinh tế – xã hội theo hướng Thương mại – Dịch vụ – Du lịch, là đầu mối giao thông thủy bộ quan trọng nối giữa vùng Tây Sông Hậu với vùng bán đảo Cà Mau, thuận lợi để giao thương phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa.

– Thành phố Ngã Bảy có vị trí gần với các trung tâm công nghiệp lớn nhất Hậu Giang, có vị trí liên kết thuận lợi với vùng thành phố Cần Thơ, thành phố Sóc Trăng – tỉnh Sóc Trăng. Thành phố này có tiềm năng rất lớn để thúc đẩy phát triển và giữ vai trò quan trọng trong hệ thống đô thị của tỉnh chỉ sau thành phố Vị Thanh.

– Đến năm 2030 hình thành khu vực dân cư, khu đô thị mới tập trung chất lượng cao, phục vụ cho các vùng công nghiệp tại huyện Châu Thành, hỗ trợ cho sự mở rộng phát triển Công nghiệp – Du lịch của tỉnh Hậu Giang.

– Đến năm 2050 hình thành khu vực đô thị tập trung chất lượng cao, với chất lượng đô thị tương đương và gắn kết, trở thành một phần của thành phố Cần Thơ; Hình thành các khu công nghiệp tập trung với quy mô từ 200ha đến 500ha tại khu vực xã Tân Thành để tiếp nhận sự lan tỏa phát triển công nghiệp của huyện Châu Thành.

– Tính chất:

  • Là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục – đào tạo khu vực phía Đông của tỉnh Hậu Giang; có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tiểu vùng phía Đông tỉnh Hậu Giang và một số huyện lân cận tỉnh Sóc Trăng.
  • Là vùng du lịch cảnh quan, sinh thái. Thế mạnh của vùng là phát triển dịch vụ du lịch, văn hóa, sinh thái và nghỉ ngơi, giải trí của người dân, phát triển vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến.
  • Là đầu mối giao thông thủy bộ quan trọng nối giữa vùng Tây Sông Hậu với vùng bán đảo Cà Mau, thuận lợi để giao thương phát triển kinh tế.

3. Thị xã Long Mỹ: Đến năm 2030, Thị xã Long Mỹ là đô thị loại III;

Phát triển thị xã Long Mỹ đến năm 2030 trở thành một trong những đô thị phát triển của tỉnh và vùng phụ cận (Bạc Liêu và Sóc Trăng) với chức năng của đô thị là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật phía Nam của tỉnh. Xây dựng đô thị Long Mỹ trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp với hệ thống kiến trúc hiện đại, mang đậm nét văn hóa vùng sông nước ĐBSCL.

– Tập trung nhiều nguồn lực của thị xã để chỉnh trang đô thị, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm và nâng chất các tiêu chí đô thị loại III đạt trên mức điểm tối thiểu nhưng chưa đạt điểm tối đa, quyết tâm tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị đối với các nhóm chỉ tiêu chưa đạt điểm, khắc phục và hoàn thiện cơ bản về hạ tầng đô thị, hướng đến thực hiện mục tiêu nâng chất đô thị Long Mỹ đạt tiêu chuẩn đô thị loại III, tạo tiền đề phát triển thị xã trong những năm tiếp theo.

4. Thị trấn Nàng Mau

– Tính chất:

  • Là đô thị loại V trực thuộc tỉnh, trung tâm hành chính, kinh tế của Vị Thủy.
  • Là trung tâm kinh tế, văn hoá, hành chính, giáo dục – đào tạo, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu của một vùng huyện Vị Thủy, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của một vùng tỉnh Hậu Giang.

– Động lực phát triển:

  • Phát triển các hoạt động dịch vụ, hậu cần hỗ trợ cho phát triển du lịch của huyện Vị Thủy.
  • Phát triển thương mại – dịch vụ và là cầu nối liên kết giữa thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy.

5. Thị trấn Vĩnh Viễn

– Tính chất:

  • Là đô thị loại V trực thuộc tỉnh, trung tâm hành chính, kinh tế của huyện Long Mỹ.
  • Là trung tâm kinh tế, văn hoá, hành chính, giáo dục – đào tạo, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu của một vùng huyện Long Mỹ, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của một vùng tỉnh Hậu Giang.

– Động lực phát triển:

  • Phát triển các hoạt động dịch vụ, hậu cần hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp trong giai đoạn sau năm 2030.
  • Phát triển thương mại – dịch vụ, phát triển du lịch sinh thái miệt vườn kết hợp với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

6. Đô thị Xà Phiên (xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ)

– Tính chất:

  • Là đô thị loại V trực thuộc tỉnh, trung tâm kinh tế của huyện Long Mỹ. Đến năm 2025 thành lập thị trấn Xà Phiên, thuộc huyện Long Mỹ.
  • Là trung tâm kinh tế, văn hoá, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu của một vùng huyện Long Mỹ, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của một vùng tỉnh Hậu Giang.

– Động lực phát triển:

  • Phát triển các hoạt động dịch vụ, các giá trị về lịch sử văn hóa, dân tộc.
  • Phát triển thương mại – dịch vụ và các dịch vụ hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao của huyện Long Mỹ.

7. Đô thị Lương Nghĩa (xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ)

– Tính chất:

  • Là đô thị loại V trực thuộc tỉnh, trung tâm kinh tế của huyện Long Mỹ. Đến năm 2030 thành lập thị trấn Lương Nghĩa, thuộc huyện Long Mỹ.
  • Là trung tâm kinh tế, văn hoá, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu của một vùng huyện Long Mỹ, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của một vùng tỉnh Hậu Giang.

– Động lực phát triển:

  • Phát triển các hoạt động dịch vụ, là cửa ngỏ giao thương hàng hóa với tỉnh Bạc Liêu.
  • Phát triển thương mại – dịch vụ và khác thác lợi thế gần tuyến đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau; hậu cần hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Long Mỹ.

8. Thị trấn Cây Dương

– Tính chất:

  • Là đô thị loại V trực thuộc tỉnh, trung tâm hành chính, kinh tế của huyện Phụng Hiệp. Đến năm 2030 là đô thị loại IV.
  • Là trung tâm kinh tế, văn hoá, hành chính, giáo dục – đào tạo, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu của một vùng huyện Phụng Hiệp, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của một vùng tỉnh Hậu Giang.

– Động lực phát triển:

  • Phát triển các hoạt động dịch vụ, hậu cần hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.
  • Phát triển thương mại – dịch vụ và là cầu nối liên kết để phát triển du lịch tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, du lịch về nguồn tại Khu di tích Tỉnh ủy Cần Thơ tại xã Phương Bình.

9. Thị trấn Kinh Cùng

– Tính chất:

  • Là đô thị loại V trực thuộc tỉnh, trung tâm kinh tế của huyện Phụng Hiệp.
  • Là trung tâm kinh tế, văn hoá, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu của một vùng huyện Phụng Hiệp, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của một vùng tỉnh Hậu Giang.

– Động lực phát triển:

  • Phát triển các hoạt động dịch vụ, hậu cần hỗ trợ cho phát triển công nghiệp tại khu vực giao nhau của 02 tuyến đường cao tốc.
  • Phát triển thương mại – dịch vụ và các dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường bộ.

10. Thị trấn Búng Tàu

– Tính chất:

  • Là đô thị loại V trực thuộc tỉnh, trung tâm kinh tế của huyện Phụng Hiệp.
  • Là trung tâm kinh tế, văn hoá, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu của một vùng huyện Phụng Hiệp, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của một vùng tỉnh Hậu Giang.

– Động lực phát triển:

  • Phát triển các hoạt động dịch vụ, là cửa ngỏ tiếp giáp với tỉnh Sóc Trăng, khai thác hiệu quả tuyến đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đi qua địa bàn thị trấn.
  • Phát triển thương mại – dịch vụ và các dịch vụ cho phát triển du lịch Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.

11. Đô thị Tân Long (xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp)

– Tính chất:

  • Là đô thị loại V trực thuộc tỉnh, trung tâm kinh tế của huyện Phụng Hiệp. Đến năm 2025 thành lập thị trấn Tân Long, thuộc huyện Phụng Hiệp.
  • Là trung tâm kinh tế, văn hoá, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu của một vùng huyện Phụng Hiệp và huyện Châu Thành (tiếp giáp xã Đông Phước sẽ phát triển mạnh về du lịch nghỉ dưỡng), có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của một vùng tỉnh Hậu Giang.

– Động lực phát triển:

  • Phát triển các hoạt động dịch vụ, là trung chuyển hàng hóa trên tuyến Quốc lộ 1A, khai thác hiệu quả khi gần vị trí đường dẫn tuyến đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đi qua địa bàn huyện Phụng Hiệp.
  • Phát triển thương mại – dịch vụ và các dịch vụ hỗ trợ cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng tại huyện Châu Thành.

12. Đô thị Cái Sơn (xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp)

– Tính chất:

  • Là đô thị loại V trực thuộc tỉnh, trung tâm kinh tế của huyện Phụng Hiệp. Đến năm 2030 thành lập thị trấn Cái Sơn, thuộc huyện Phụng Hiệp.
  • Là trung tâm kinh tế, văn hoá, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu của một vùng huyện Phụng Hiệp, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của một vùng tỉnh Hậu Giang.

– Động lực phát triển:

  • Phát triển các hoạt động dịch vụ, khai thác hiệu quả dịch vụ hậu cần trong quá trình phát triển du lịch tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.
  • Phát triển thương mại – dịch vụ và các giá trị lịch sử, văn hóa.

13. Thị trấn Cái Tắc

– Tính chất:

  • Là đô thị loại V trực thuộc tỉnh, trung tâm kinh tế của huyện Châu Thành A. Đến năm 2025 được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV.
  • Là trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục – đào tạo, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu của một vùng huyện Châu Thành A và được phát triển không gian đô thị qua các xã Thạnh Hòa, Long Thạnh của huyện Phụng Hiệp, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của một vùng tỉnh Hậu Giang.

– Động lực phát triển:

  • Phát triển các hoạt động dịch vụ, là cửa ngỏ tiếp giáp với thành phố Cần Thơ, phát triển giao thương về thương mại dịch vụ, hậu cần bến bãi, vận chuyển hàng hóa liên thông các tỉnh trên tuyến đường Quốc lộ 1A kết nối các tỉnh, thành phố trong khu vực.
  • Phát triển thương mại – dịch vụ và hỗ trợ cho sự phát triển chung của huyện Phụng Hiệp, huyện Châu Thành.

14. Thị trấn Một Ngàn

– Tính chất:

  • Là đô thị loại V trực thuộc tỉnh, trung tâm hành chính, kinh tế của huyện Châu Thành A. Đến năm 2030 được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV.
  • Là trung tâm kinh tế, văn hoá, hành chính, giáo dục – đào tạo, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu của một vùng huyện Châu Thành A, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của một vùng tỉnh Hậu Giang.

– Động lực phát triển:

  • Phát triển các hoạt động dịch vụ, là cửa ngỏ tiếp giáp với thành phố Cần Thơ, phát triển giao thương về thương mại dịch vụ, hậu cần cho quá trình phát triển huyện Châu Thành A thành huyện công nghiệp – đô thị – dịch vụ sau năm 2030.
  • Phát triển thương mại – dịch vụ, du lịch miệt vườn, phát triển các sản phẩm nông nghiệp về cây ăn trái chủ lực của huyện, sản phẩm Ocop đạt tiêu chuẩn.

15. Thị trấn Bảy Ngàn

– Tính chất:

  • Là đô thị loại V trực thuộc tỉnh, trung tâm kinh tế của huyện Châu Thành A.
  • Là trung tâm kinh tế, văn hoá, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu của một vùng huyện Châu Thành A, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của một vùng tỉnh Hậu Giang.

– Động lực phát triển:

  • Phát triển các hoạt động dịch vụ, phát triển giao thương về thương mại dịch vụ, hậu cần cho quá trình phát triển huyện Châu Thành A trở thành huyện công nghiệp – đô thị – dịch vụ sau năm 2030.
  • Phát triển thương mại – dịch vụ, khai thác hiệu qua tiềm năng các tuyến đường cao tốc, đường giao thông mang tính chất liên kết vùng để tạo động lực phát triển bền vững.

16. Thị trấn Rạch Gòi

– Tính chất:

  • Là đô thị loại V trực thuộc tỉnh, trung tâm kinh tế của huyện Châu Thành A.
  • Là trung tâm kinh tế, văn hoá, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu của một vùng huyện Châu Thành A, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của một vùng tỉnh Hậu Giang.

– Động lực phát triển:

  • Phát triển các hoạt động dịch vụ, phát triển giao thương về thương mại dịch vụ, hậu cần cho quá trình phát triển huyện Châu Thành A trở thành huyện công nghiệp – đô thị – dịch vụ sau năm 2030.
  • Phát triển thương mại – dịch vụ, và hỗ trợ cho sự phát triển chung cho các xã: Tân Bình, Thạnh Hòa và Bình Thành, huyện Phụng Hiệp.

17. Thị trấn Ngã Sáu

– Tính chất:

  • Là đô thị loại V trực thuộc tỉnh, trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục – đào tạo của huyện Châu Thành. Đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại IV.
  • Là trung tâm kinh tế, hành chính, Giáo dục – đào tạo, văn hoá, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu của một vùng huyện Châu Thành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của một vùng tỉnh Hậu Giang.

– Động lực phát triển:

  • Phát triển các hoạt động dịch vụ, phát triển giao thương về thương mại dịch vụ, du lịch, là hậu cần cho quá trình phát triển huyện Châu Thành trở thành huyện công nghiệp – đô thị – dịch vụ đến năm 2030.
  • Phát triển thương mại – dịch vụ và hỗ trợ cho sự phát công nghiệp, du lịch của huyện Châu Thành.

18. Thị trấn Mái Dầm

– Tính chất:

  • Là đô thị loại V trực thuộc tỉnh, trung kinh tế, giáo dục – đào tạo nghề của huyện Châu Thành. Đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại IV.
  • Sóc Trăng và đầu mối giao thông, giao lưu của một vùng huyện Châu Thành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của một vùng tỉnh Hậu Giang.

– Động lực phát triển:

  • Phát triển các hoạt động dịch vụ, phát triển giao thương về thương mại dịch vụ, du lịch, là động lực chính cho quá trình phát triển huyện Châu Thành trở thành huyện công nghiệp – đô thị – dịch vụ đến năm 2030.
  • Phát triển thương mại – dịch vụ và hỗ trợ cho sự phát công nghiệp, du lịch của huyện Châu Thành.

19. Đô thị Đông Phú (xã Đông Phú, huyện Châu Thành)

– Tính chất:

  • Đến năm 2025 là đô thị loại V và thành lập thị trấn Đông Phú trực thuộc tỉnh, trung kinh tế, giáo dục – đào tạo nghề của huyện Châu Thành.
  • Là trung tâm kinh tế, giáo dục – đào tạo nghề, văn hoá, dịch vụ, là cửa ngõ tiếp giáp thành phố Cần Thơ và đầu mối giao thông, giao lưu của một vùng huyện Châu Thành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của một vùng tỉnh Hậu Giang.

– Động lực phát triển:

  • Phát triển các hoạt động dịch vụ, phát triển giao thương về thương mại dịch vụ, du lịch, là động lực chính cho quá trình phát triển huyện Châu Thành trở thành huyện công nghiệp – đô thị – dịch vụ đến năm 2030.
  • Phát triển thương mại – dịch vụ và hỗ trợ cho sự phát công nghiệp, du lịch của huyện Châu Thành.

20. Đô thị Châu Thành (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang)

– Tính chất:

  • Sau năm 2030 được định hướng phát triển thành đô thị loại IV và thành lập thị xã Châu Thành thuộc tỉnh Hậu Giang.
  • Là trung tâm kinh tế, giáo dục – đào tạo nghề, văn hoá, dịch vụ, là cửa ngỏ tiếp giáp thành phố Cần Thơ và đầu mối giao thông, giao lưu của một vùng, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của một vùng tỉnh Hậu Giang.

– Động lực phát triển:

  • Phát triển các hoạt động thương mại – dịch vụ, phát triển giao thương về thương mại dịch vụ, du lịch, là trung tâm đô thị – công nghiệp của tỉnh Hậu Giang.
  • Phát triển thương mại – dịch vụ và công nghiệp, du lịch của của tỉnh Hậu Giang.

Định hướng sử dụng đất cho khu vực đô thị

– Xây dựng kết cấu hạ tầng các đô thị đồng bộ, theo hướng hiện đại, tiếp cận các tiêu chuẩn đô thị xanh, đô thị thông minh, giàu bản sắc.

– Xây dựng và phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, con người và thiên nhiên, bảo vệ tốt môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu.

– Về quy mô các đô thị: Mở rộng diện tích các đô thị, phát triển bất động sản đô thị quy mô lớn, có thể gấp 2 lần hiện nay để thu hút dòng tiền, dòng vốn đầu tư và tạo ra dòng tiền dương. Tuy nhiên, cần xác định những cấu trúc đô thị hóa đặc thù để vừa có được thị trường bất động sản đô thị mở rộng, vừa không nhất thiết phải dàn trải đầu tư vào hạ tầng và xây dựng.

Xây dựng không gian đô thị mới phải gắn với cải tạo các đô thị hiện hữu để đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chung. Chú trọng xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường sinh thái tương đồng giữa không gian đô thị hiện hữu và không gian đô thị mới nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh tập trung phát triển các khu đô thị tại thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ và huyện Châu Thành (đô thị công nghiệp).

Xây dựng các Khu đô thị mới

Trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, việc xây dựng các khu đô thị để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cũng như tác động tích cực đến cơ cấu dân cư thành thị, nông thôn, góp phần vào công cuộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Hậu Giang là rất cần thiết. Xây dựng không gian đô thị mới phải gắn với cải tạo các đô thị hiện hữu để đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chung. Chú trọng xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường sinh thái tương đồng giữa không gian đô thị hiện hữu và không gian đô thị mới nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh tập trung phát triển các khu đô thị tại thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ và huyện Châu Thành (đô thị công nghiệp).

– Một số khu đô thị dự kiến xây dựng trong thời gian tới như:

  • Thành phố du lịch nghỉ dưỡng Mê Kông (Tổng diện tích dự án là 2.945 ha); trên địa bàn huyện Châu Thành và huyện Phụng Hiệp;
  • Khu đô thị mới Phường Lái Hiếu (Tổng diện tích dự án là 300 ha);
  • Khu đô thị mới sông Mái Dầm, thị trấn Mái Dầm (Tổng diện tích dự án là 156 ha);
  • Khu đô thị mới Lê Quý Đôn, khu vực 1, phường III, thành phố Vị Thanh;
  • Khu đô thị mới phường Hiệp Lợi, thành phố Ngã Bảy;
  • Khu đô thị mới thị xã Long Mỹ 1;
  • Khu đô thị mới Mái Dầm, huyện Châu Thành;…

– Đến năm 2030, diện tích đất khu đô thị là 3.326 ha, tăng 3.326 ha so với hiện trạng năm 2020.

Dự kiến phân bổ đất khu đô thị cho các huyện, thành phố đến năm 2030 như sau:

1- Thành phố Vị Thanh: 527 ha

2- Thành phố Ngã Bảy: 455 ha

3- Thị xã Long Mỹ: 176 ha

4- Huyện Châu Thành: 1.811 ha

5- Huyện Châu Thành A: 80 ha

6- Huyện Phụng Hiệp: 108 ha

7- Huyện Long Mỹ: 49 ha

8- Huyện Vị Thuỷ: 120 ha.

Tài liệu kèm theo:


Rate this post
Bài trướcHậu Giang lập quy hoạch chung đô thị Cây Dương
Bài tiếp theoQuy hoạch giao thông tỉnh Ninh Bình 2021-2030

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây