Trang chủ Quy hoạch Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Cao Bằng đến 2030, tầm...

Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Cao Bằng đến 2030, tầm nhìn 2050

472
0

Quy hoạch đô thị tỉnh Cao Bằng gồm có 15 đô thị, trong đó: thành phố Cao Bằng và các thị trấn Bảo Lạc, TT. Bảo Lâm, TT. Thanh Nhật, TT. Xuân Hòa, TT. Nước Hai, TT. Nguyên Bình, TT. Tĩnh Túc, TT. Hòa Thuận, TT. Tà Lùng, TT. Quảng Uyên, TT. Đông Khê, TT. Thông Nông, TT. Trà Lĩnh và TT. Trùng Khánh.

Hiện trạng hệ thống đô thị tỉnh Cao Bằng

Hệ thống đô thị tại tỉnh Cao Bằng gồm có 15 đô thị, trong đó: 01 đô thị loại III là thành phố Cao Bằng; 14 đô thị loại V là thị trấn của 10 huyện (TT. Bảo Lạc, TT. Bảo Lâm, TT. Thanh Nhật, TT. Xuân Hòa, TT. Nước Hai, TT. Nguyên Bình, TT. Tĩnh Túc, TT. Hòa Thuận, TT. Tà Lùng, TT. Quảng Uyên, TT. Đông Khê, TT. Thông Nông, TT. Trà Lĩnh và TT. Trùng Khánh). Diện tích các đô thị trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có diện tích phổ biến từ 12 – 20 km2; một số thị trấn diện tích nhỏ (<14 km2) như: thị trấn Tà Lùng (7,91 km2); thị trấn Thông Nông (11,41 km2); thị trấn Trùng khánh (13,81 km2). Khoảng cách giữa các điểm đô thị phổ biến từ 30 – 80km, tuy nhiên do đặc điểm địa hình phức tạp nên ảnh hưởng lớn đến việc giao lưu phát triển kinh tế – xã hội và đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở, đặc biệt là giao thông.


Quy mô dân số các đô thị trong tỉnh đều nhỏ, chỉ có thành phố Cao Bằng có dân số đô thị ở mức khá, còn lại các thị trấn đểu có quy mô dân số thấp, phổ biến khoảng 4.000 – 12.000 người; một số thị trấn có quy mô dân số dưới 4000 người như: thị trấn Thông Nông với dân số 3.253 người, thị trấn Tà Lùng: 3.169 người; thị trấn Tĩnh Túc: 2.382 người, thấp dưới 50% theo quy định của UBTV Quốc hội về tiêu chuẩn dân số của thị trấn.

Bản đồ hiện trạng hệ thống đô thị tỉnh Cao Bằng
Bản đồ hiện trạng hệ thống đô thị tỉnh Cao Bằng

Do đặc thù điều kiện tự nhiên và địa hình, nên mạng lưới đô thị của tỉnh Cao Bằng phân bố chưa đều trên địa bàn toàn tỉnh, chủ yếu phân bố chuỗi ven QL3, QL4A, QL34. Hệ thống đô thị được chia làm 3 tiểu vùng:

+ Vùng I: Tiểu vùng trung tâm gồm thành phố Cao Bằng và các huyện Hòa An và Hà Quảng, có 01 thành phố cấp tỉnh là TP Cao Bằng và 03 đô thị cấp huyện.


+ Vùng II: Tiểu vùng miền Đông gồm các huyện Trùng Khánh, Hạ Lang, Thạch An, Quảng Hòa có 07 đô thị cấp huyện.

+ Vùng III: Tiểu vùng miền Tây gồm huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc và Nguyên Bình có 04 đô thị cấp huyện.

Bản đồ hiện trạng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn tỉnh Cao Bằng
Bản đồ hiện trạng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn tỉnh Cao Bằng

Phương án quy hoạch phát triển hệ thống đô thị tỉnh Cao Bằng

Mục tiêu quy hoạch phát triển hệ thống đô thị tỉnh Cao Bằng

Theo đồ án quy hoạch tỉnh Cao Bằng, đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 43,96%; có 01 đô thị loại II (Thành phố Cao Bằng), 05 đô thị loại IV (Phục Hòa, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Quảng Uyên, Nước Hai), 11 đô thị loại V.


Sau năm 2030, tầm nhìn 2050 toàn tỉnh Cao Bằng có 01 đô thị loại I (với mục tiêu xây dựng một đô thị xanh, thông minh, phát triển bền vững); 03 thị xã loại IV (Quảng Hòa, Trùng Khánh và Hòa An), 10 đô thị loại V.

Quy hoạch đô thị Cao Bằng được thực hiện theo đồ án quy hoạch tỉnh Cao Bằng đến 2030, tầm nhìn đến 2050 với không gian đô thị gồm 03 tiểu vùng phát triển.

Không gian hệ thống đô thị tiểu vùng Trung tâm (Tiểu vùng I) tỉnh Cao Bằng

Tiểu vùng trung tâm gồm thành phố Cao Bằng và các huyện Hòa An, Hà Quảng. Thành phố Cao Bằng là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của tiểu vùng.


Tiểu vùng Trung tâm có hệ thống đường giao thông thuận tiện, gồm quốc lộ 3 từ Bắc Kạn nối với Thành phố Cao Bằng với một số huyện tiểu vùng miền Đông như Quảng Hòa; QL4A từ Lạng Sơn qua Thạch An, nối với đường Hồ Chí Minh lên Hà Quảng; QL34 nối tiểu vùng trung tâm với các xã tiểu vùng miền Tây và sang Hà Giang. Bao gồm các chức năng chính như sau:

  • Chức năng đô thị của tiểu vùng và là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Cao Bằng với các cơ quan nhà nước cấp tỉnh và Thành phố Cao Bằng được quy hoạch và đầu tư nâng cấp và xây mới đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng công cộng, hạ tầng kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu.
  • Chức năng phát triển công nghiệp bao gồm công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông sản với việc hình thành các cụm công nghiệp đa nghề tập trung.
  • Chức năng thương mại dịch vụ, bao gồm: Bán buôn, bán lẻ hàng hóa, đặc biệt nhấn mạnh chức năng bán buôn với việc hình nhành các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tổng hợp, siêu thị. Vùng I sẽ trở thành trung tâm tập kết và phân phối hàng hóa, là điểm trung gian để luân chuyển các hàng hóa nông sản, các hàng hóa khác từ các tỉnh, tiểu vùng lân cận vào các KCN tập trung, hoặc tiếp tục vận chuyển qua các cửa khẩu.
Không gian hệ tống đô thị Tiểu vùng Trung tâm
Không gian hệ tống đô thị Tiểu vùng Trung tâm
  • Chức năng du lịch, bao gồm du lịch lịch sử, du lịch sinh thái và du lịch tâm linh với việc phát triển các tuyến du lịch dài bắt nguồn từ Thành phố Cao Bằng. Kết hợp với các tuyến du lịch là phát triển mạng lưới CSHT dịch vụ du lịch.
  • Chức năng phát triển nông nghiệp, bao gồm chủ yếu nông nghiệp sản xuất hàng hóa chất lượng cao, nông nghiệp sạch (trồng lúa, rau màu, hoa) để cung cấp cho tiêu dùng nội địa trong vùng, các sản phẩm nông nghiệp ôn đới, trồng cây thuốc lá.

Định hướng phát triển Thành phố Cao Bằng là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của tiểu vùng. Nâng cấp mở rộng không gian thành phố và vùng phụ cận. Hướng đến xây dựng thành vùng không chỉ có vai trò động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế trong Tỉnh mà trở thành một trung tâm kinh tế của khu vực trong hành lang kinh tế biên giới Việt – Trung.

Đến năm 2030, phát triển thị trấn Nước Hai (mở rộng thêm xã Đức Long) lên đô thị loại IV; TT Thông Nông, TT Xuân Hòa (H. Hà Quảng) hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại V còn thấp và phấn đấu xã Sóc Hà đạt tiêu chí đô thị loại V (TT Sóc Hà).

Nâng cấp mở rộng không gian thành phố và vùng phụ cận, khai thác tối đa tiềm năng về các khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, khu Rừng Trần Hưng Đạo, khu du lịch nghỉ dưỡng Phia Đén là các khu vực có ưu thế vượt trội để hình thành các trung tâm du lịch chất lượng cao, các trung tâm thương mại dịch vụ kinh tế cửa khẩu, các khu cụm công nghiệp…

Sau năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Định hướng và phát triển toàn bộ huyện Hòa An thành thị xã Hòa An. Từng bước phát triển đô thị quy mô nhỏ như thị trấn du lịch, thị trấn nông, lâm trường, phát triển du lịch có chọn lọc gắn với bảo tồn thiên nhiên, phát triển nông nghiệp chất lượng cao, phát triển rừng phòng hộ và an ninh quốc phòng.

Quy hoạch đô thị Thành phố Cao Bằng

Là thành phố tỉnh lỵ, với vai trò đô thị trung tâm tỉnh, là đô thị động lực của vùng kinh tế động lực trung tâm, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, thương mại dịch vụ, du lịch của tỉnh. Phát triển thành phố Cao Bằng theo hướng đô thị hiện đại theo định hướng phát triển “Một trục, Ba trung tâm” trong đó:

Tiến hành phân chia và sắp xếp hợp lý khu đô thị tập trung trên địa bàn thành phố Cao Bằng, bao gồm 03 khu chính:

  • Khu trung tâm đô thị cũ (tại phường Hợp Giang, Sông Bằng hiện nay) phải được sắp xếp lại, cải tạo hoàn chỉnh theo hướng đô thị văn minh, tạo ra những diện mạo mới của khu đô thị này;
  • Khu trung tâm hành chính mới của tỉnh và Khu đô thị mới Đề Thám (tại khu phía Nam – đô thị Đề Thám và khu đô thị Sông Hiến) được quy hoạch và đầu tư xây dựng theo đúng các tiêu chí đô thị hiện đại;
  • Khu trung tâm cố đô Cao Bình (tại xã Hưng Đạo) được quy hoạch thành khu đô thị du lịch sinh thái kết hợp du lịch tâm linh, bảo tồn phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa.

Sau năm 2030, khi sân bay Cao Bằng hình thành, định hướng phát triển trục không gian cảnh quan liên kết TP với sân bay và khu vực xung quanh.

Xác định rõ và phân định ranh giới cụ thể các KCN, CCN, bảo đảm tránh trùng lắp, chồng chéo và không vi phạm nguyên tắc bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm. Cụ thể: phát triển công nghiệp “sạch” trong KCN Đề Thám, bao gồm các ngành công nghiệp tự động hóa, lắp ráp, cơ khí, điện tử, sản xuất thiết bị, chế biến nông sản; CCN Chu Trinh: tập trung phát triển công nghiệp chế biến khoáng sản, sản xuất VLXD, sản xuất phân vi sinh; xây dựng CCN thành phố tại khu vực đường tránh QL3, xã Hưng Đạo.

Đầu tư nâng cấp hạ tầng đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị loại I sau năm 2030.

Quy hoạch đô thị Thị trấn Nước Hai  (Huyện Hòa An)

Là thị trấn huyện lỵ của huyện Hòa An, là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, thương mại dịch vụ của huyện, có vị trí, vai trò an ninh quốc phòng quan trọng.

Đến năm 2030, phát triển gắn kết hài hòa đồng bộ giữa cải tạo đô thị cũ và phát triển đô thị mới. Cải tạo chỉnh trang khu trung tâm hành chính, chính trị, bố trí thêm không gian xanh, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Phát triển khu thương mại dịch vụ phía Tây thị trấn thành khu vực của ngõ của đô thị. Dành thêm quỹ đất xây dựng khu văn hóa thể thao tại khu vực phía Bắc. Bố trí các khu công viên cây xanh kết hợp với mặt nước. Quy hoạch tuyến đường tránh về phía Bắc thị trấn.

Đến năm 2030, Thị trấn Nước Hai đạt các tiêu chí đô thị loại IV, dân số khoảng 25.000 người. Đến sau năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dành quỹ đất toàn huyện để phát triển thành thị xã Hòa An.

Quy hoạch đô thị Thị trấn Xuân Hòa (Huyện Hà Quảng)

Là thị trấn huyện lỵ huyện Hà Quảng, trung tâm hành chính chính trị, kinh tế xã hội, trung tâm văn hóa giáo dục, thương mại – dịch vụ của huyện, có vị trí an ninh quốc phòng quan trọng. Xây dựng cụm dịch vụ thương mại tổng hợp mới tại Nặm Nhằn. Xây dựng khu công nghiệp tập trung tại phía Tây Nam thị trấn.

Đầu tư xây dựng khu hệ thống hạ tầng khu trung tâm hành chính, chính trị mới. Xây dựng, nâng cấp hoàn thiện các cơ sở trường học trong thị trấn để đảm bảo cơ sở vật chất, đạt chuẩn Quốc gia. Thiết lập hệ thống cây xanh đô thị, các công trình văn hoá TDTT.

Nâng cấp các tuyến đường đối ngoại. Cải tạo, mở rộng và làm mới mạng giao thông nội thị, xây dựng cầu qua suối tạo mối liên hệ tốt trong đô thị. Xây dựng bến xe đối ngoại và hệ thống giao tĩnh. Đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật thoát nước bẩn trạm xử lý nước thải, hệ thống chiếu sáng đô thị, nâng cấp cải tạo lưới điện trung áp 35KVvà lưới 0,4KV

Đến năm 2030, sẽ hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại V, dân số khoảng 8.170 người.

Quy hoạch đô thị Thị trấn Thông Nông ( Huyện Hà Quảng)

Là trung tâm kinh tế, văn hóa giáo dục, thương mại – du lịch – dịch vụ của huyện, có vị trí an ninh quốc phòng quan trọng. Hướng phát triển của đô thị chủ yếu là phía Nam, phía Tây nam của thị trấn, được kết nối với khu vực đô thị hiện hữu bằng trục giao thông đô thị xuyên suốt từ phía Nam (khu vực mở rộng đô thị) qua trung tâm đô thị hiện hữu đến của khẩu Cần Yên. Cải tạo chỉnh trang khu trung tâm hành chính trị, khu thương mại dịch vụ và các cơ sở giáo dục đào tạo tại khu vực hiện trạng. Xây dựng khu văn hóa thể thao, công viên cây xanh cảnh quan tại khu vực chân đồi xóm Đoàn Kết bênh cạnh sông Tà Rọt. Cải tạo chỉnh trang các khu dân cư hiện trạng, xây dựng khu dân cư mới tại khu vực phía Nam thị trấn.

Đến năm 2030, sẽ hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại V, dân số khoảng 5.800 người.

Quy hoạch đô thị Thị trấn Sóc Giang (Huyện Hà Quảng)

Là thị trấn mới phát triển từ khu dân cư nông thôn xã Sóc Hà, gắn kết khu vực phát triển kinh tế cửa khẩu. Đến năm 2030, sẽ hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại V, dân số khoảng 4500 người.

Quy hoạch không gian hệ thống đô thị Tiểu vùng miền Đông (Tiểu vùng II) tỉnh Cao Bằng

Vùng miền Đông gồm các huyện Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Hòa, Thạch An, tổng diện tích khoảng 202.004,23 ha, chiếm 30,13% diện tích toàn tỉnh.

Vùng tập trung kinh tế và trung tâm phát triển đô thị cửa khẩu của tỉnh Cao Bằng, đến năm 2030 hình thành 03 đô thị loại IV (TT Trà Lĩnh, TT Trùng Khánh, đô thị Phục Hòa). Sau năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ phát triển lên thị xã Quảng Hòa.

Vùng tập trung kinh tế và trung tâm phát triển đô thị cửa khẩu của tỉnh Cao Bằng, đến năm 2030 hình thành 04 đô thị loại IV (TT Trà Lĩnh, TT Trùng Khánh, TT Quảng Uyên, đô thị Phục Hòa). Sau năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ phát triển toàn huyện Quảng Hòa lên thị xã Quảng Hòa.

Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng phát triển gắn với các không gian đô thị, các khu danh lam thắng cảnh, các khu sinh thái nông nghiệp, các bản làng văn hóa hài hòa, phù hợp với điều kiên tự nhiên, khai thác thế mạnh của kinh tế cửa khẩu. Đảm bảo liên kết các khu chức năng với đô thị Tà Lùng, Trà lĩnh với vai trò là hai đô thị hạt nhân của tiểu vùng, hỗ trợ dịch vụ, du lịch hậu cần cho khu kinh tế, là điểm trung chuyển của hành lang kinh tế phía Đông của tỉnh.

Không gian hệ thống đô thị Tiểu vùng miền Đông (Tiểu vùng II)
Không gian hệ thống đô thị Tiểu vùng miền Đông (Tiểu vùng II)

Quy hoạch đô thị Thị trấn Trà Lĩnh (Huyện Trùng Khánh)

Là thị trấn cửa khẩu quốc gia. Hình thành một đô thị hỗ trợ cho quá trình phát triển đồng bộ của hệ thống đô thị và dân cư nông thôn toàn tỉnh Cao Bằng, đồng thời là đô thị hạt nhân phát triển kinh tế biên mậu. Phát triển Trà Lĩnh thành một trung tâm kinh tế tổng hợp có tốc độ tăng trưởng và trình độ cao. Đặc biệt là mũi nhọn thương mại, dịch vụ xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, CN – TTCN, du lịch

Đến năm 2030, sẽ phát triển đạt đô thị loại IV (mở rộng sát nhập thêm xã Quang Hán và Cao Chương), dân số khoảng 15.550 người. Sau năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nâng cấp toàn huyện Trùng Khánh trở thành thị xã Trùng Khánh.

Quy hoạch đô thị Thị trấn Trùng Khánh (Huyện Trùng Khánh)

Là thị trấn huyện lỵ của huyện Trùng Khánh, là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của huyện biên giới.

Đến năm 2030, sẽ phát triển đạt đô thị loại IV (mở rộng sát nhập thêm xã Đức Hồng và Cao Thăng), dân số khoảng 19.600 người. Sau năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nâng cấp toàn huyện Trùng Khánh trở thành thị xã Trùng Khánh.

Quy hoạch đô thị Thị trấn Bản Giốc (Huyện Trùng Khánh)

Là thị trấn mới phát triển từ trung tâm xã Đàm Thủy gắn kết khu du lịch thác Bản Giốc, trung tâm văn hóa, dịch vụ du lịch cấp Quốc gia và quốc tế, là khu vực phát triển kinh tế của khẩu của huyện, có vị trí an ninh quốc phòng quan trọng. Định hướng đến năm 2030 hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại V, dân số khoảng 8.000 người.

Quy hoạch đô thị Thị trấn Thanh Nhật (Huyện Hạ Lang)

Là thị trấn huyện lỵ của huyện Hạ Lang, là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của huyện. Cải tạo chỉnh trang khu trung tâm hành chính công cộng hiện trạng, phát triển khu thương mại dịch vụ mới ở phía Đông, khu văn hóa thể thao ở phía Bắc. Định hướng đến năm 2030 hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại V dân số khoảng 8.110 người.

Quy hoạch đô thị Thị trấn Quảng Uyên (Huyện Quảng Hòa)

Là thị trấn của huyện Quảng Hòa, là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa xã hội, thương mại – dịch vụ của huyện. Là đầu mối giao thương của một số huyện miền Đông. Hướng phát triển đô thị về phía Tây Nam, Đông Nam, Phía Bắc và phía Đông của thị trấn và một khu chức năng phát triển về phía xã Chí Thảo và thị trấn Quảng Uyên. Dịch chuyển một số công trình đã được đầu tư xây dựng trong đô thị hiện hữu nhưng diện tích chưa phù hợp sang khu Đổng Ất và Pác Cam. Bố trí các công trình dịch vụ thương mại, siêu thị, khách sạn, khu vui chơi giải trí, vườn hoa cây xanh… đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị.

Đến năm 2030, sẽ phát triển đạt đô thị loại IV (mở rộng sát nhập thêm xã Phúc Sen và Chi Thảo), dân số khoảng 19.140 người. Sau năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nâng cấp toàn huyện Quảng Hòa trở thành thị xã Quảng Hòa.

Quy hoạch Đô thị Phục Hòa (Huyện Quảng Hòa)

Thành lập trên cơ sở sát nhập TT Tà Lùng, TT Hòa Thuận, các xã Mỹ Hưng, Cách Linh, Đại Sơn thành đô thị Phục Hòa, loại IV. Đến năm 2030, dân số đô thị Phục Hòa khoảng 26.120 người. Sau năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nâng cấp toàn huyện Quảng Hòa trở thành thị xã Quảng Hòa.

Quy hoạch đô thị Thị trấn Đông Khê (Huyện Thạch An)

Là thị trấn huyện lỵ của huyện Thạch An, là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, thương mại dịch vụ của huyện; Là thị trấn du lịch gắn liền với di tích lịch sử, có vị trí, vai trò an ninh quốc phòng quan trọng. Hướng phát triển đô thị mở rộng sang phía Đông và phía Tây. Xây dựng tuyến đường tránh QL 4A qua thị trấn. Bố trí khu trung tâm văn hóa, giáo dục, công cộng sang khu vực phía Tây dọc theo QL 4A, khu thương mại dịch vụ phát triển ở phía đông dọc đường 208 và tại khu vực cũ chợ hiện nay. Khu công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp bố trí ở dọc đường đi Cửa khẩu Đức Long. Khu dân cư tập trung bố trí dọc các trục đường mới mở và bố trí xen kẽ giữa các khu chức năng. Đến năm 2030, hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại V, dân số khoảng 9.030 người.

Bản đồ phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn tỉnh Cao Bằng đến 2030, tầm nhìn 2050
Bản đồ phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn tỉnh Cao Bằng đến 2030, tầm nhìn 2050

Quy hoạch không gian hệ thống đô thị Tiểu vùng miền Tây (Tiểu vùng III) tỉnh Cao Bằng

Tiểu vùng miền Tây gồm các huyện: Nguyên Bình, Bảo Lâm và Bảo Lạc với tổng diện tích là 2.671,74km2.

Tiểu vùng III có địa hình cao, hiểm trở, núi đất rộng. Định hướng phát triển là tập trung phát triển thị trấn Bảo Lạc, thị trấn Pác Miầu làm đô thị động lực của tiểu vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đảm bảo an ninh quốc phòng với các khu vực giáp ranh với Trung Quốc; xây dựng phát triển TT Nguyên Bình, TT Tĩnh Túc, TT mới Phja Đén (H. Nguyên Bình) là đô thị loại V.

Vùng miền Tây tỉnh Cao Bằng
Vùng miền Tây tỉnh Cao Bằng

Phát triển hành lang kinh tế dọc quốc lộ 34. Chú trọng đầu tư các tuyến đường ngang quốc lộ 4A mới gắn kết vùng du lịch Hà Giang với các vùng du lịch của Cao Bằng, xây dựng các trung tâm cụm xã gắn với hạ tầng kỹ thuật các khu chợ cửa khẩu, các nông lâm trường, các khu kinh tế quốc phòng. Phát triển các thủy điện nhỏ, trồng các cây công nghiệp.

Quy hoạch đô thị Thị trấn Nguyên Bình (Huyện Nguyên Bình)

Là thị trấn huyện lỵ của huyện Nguyên Bình, là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, thương mại dịch vụ của huyện, có vị trí, vai trò an ninh quốc phòng quan trọng.

Quy hoạch đường Quốc lộ 34 sang phía làng Pác Măn tránh đường giao thông qua đô thị, tạo tiền đề cho việc phát triển đô thị sang phía làng Pác Măn và làng Nà Cọn cần được xây dựng hệ thống đường, cầu phù hợp với cảnh quan đô thị mới. Khai thác được các khu đất kém hiệu quả để phát triển đô thị. Đến năm 2030, sẽ hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại V, dân số khoảng 9490 người.

Quy hoạch đô thị Thị trấn Tĩnh Túc (Huyện Nguyên Bình) tỉnh Cao Bằng

Là đô thị chuyên ngành công nghiệp và khai khoáng, là trung tâm kinh tế công nghiệp và dịch vụ của huyện Nguyên Bình. Cải tạo mở rộng thị trấn, xây dựng thị trấn Tĩnh Túc trở thành một đô thị công nghiệp mang tính hiện đại, văn minh và phát triển lâu dài. Đến năm 2030, sẽ hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại V, dân số khoảng 3.360 người.

Quy hoạch đô thị Thị trấn Phia Đén (Huyện Nguyên Bình) tỉnh Cao Bằng

Là thị trấn mới phát triển từ khu dân cư nông thôn gắn kết khu du lịch Phia Đén, trung tâm dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, là khu vực phát triển kinh tế nông nghiệp. Đến năm 2030, sẽ hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại V, dân số khoảng 4000 người.

Quy hoạch đô thị Thị trấn Bảo Lạc (Huyện Bảo Lạc) tỉnh Cao Bằng

Là trung tâm huyện lỵ huyện Bảo Lạc, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của huyện, của vùng miền Tây tỉnh Cao Bằng.

Khai thác cảnh quan sông Neo và sông Gâm. Cải tạo chỉnh trang khu vực đô thị hiện hữu với các khu chức năng như trung tâm hành chính, y tế và dân cư. Phát triển khu vực mới phía Nà Phạ và bãi Soi xóm Nà Chùa với các khu chức năng như trung tâm thương mại dịch vụ mới, khu trung tâm văn hóa – thể dục thể thao, trung tâm giáo dục đào tạo và dân cư. Đến năm 2030, hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại V, dân số khoảng 5500 người.

Quy hoạch đô thị Thị trấn Pác Miầu (Huyện Bảo Lâm)

Là thị trấn huyện lỵ huyện Bảo Lâm, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục của huyện mới được thành lập năm 2000, có vị trí an ninh quốc phòng quan trọng.

Quy hoạch Đô thị phát triển dọc theo sông Gâm. Mở rộng đường trục trung tâm, kết hợp xây dựng cầu qua sông Gâm phát triển đô thị sang khu Bản Báng. Cải tạo chỉnh trang khu trung tâm hành chính và thương mại dịch vụ công cộng hiện trạng. Phát triển dân cư theo dọc hai bên tuyến đường trục chính Bắc – Nam của đô thị. Khu trung tâm thể dục thể thao, công viên cây xanh xây dựng tại khu vực phía Đông Bắc. Đến năm 2030, hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại V, dân số khoảng 7000 người.

Các dự án phát triển đô thị và nông thôn

  • Dự án khu đô thị Nà Chùa – 27 ha
  • Dự án khu đô thị Nà Phạ – 25 ha
  • Dự án khu đô thị Nà Bản – 3,5 ha
  • Khu đô thị bờ sông Gâm – 21,26 ha
  • Khu đô thị trung tâm thị trấn Pác Miầu – 10,28 ha
  • Khu đô thị Nà Tăng (phía Tây) thị trấn Pác Miầu – 25,8 ha
  • Khu đô thị sinh thái Cao Bình – 20 ha
  • …..

Tài liệu kèm theo:


Rate this post
Bài trướcQuy hoạch phát triển Khu/cụm công nghiệp tỉnh Cao Bằng đến 2030, tầm nhìn 2050
Bài tiếp theoQuy hoạch Khu – Điểm du lịch tỉnh Cao Bằng đến 2030, tầm nhìn 2050

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây