Trang chủ Quy hoạch Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Cao Bằng đến 2030

Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Cao Bằng đến 2030

145
0

Quy hoạch vùng tỉnh Cao Bằng nhằm xác định mục tiêu, định hướng phát triển không gian vùng, xây dựng đô thị, thương mại – dịch vụ, giao thông trên địa bàn tỉnh.

Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới ở vùng Đông Bắc có diện tích tự nhiên là 6.707,86 km2. Với 333,125km tiếp giáp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), Cao Bằng là tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc dài nhất Việt Nam. Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Cao Bằng nhằm cụ thể hóa các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đề ra trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Cao Bằng giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.


Phạm vi ranh giới, tính chất vùng tỉnh Cao Bằng

Phạm vi quy hoạch vùng tỉnh Cao Bằng bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính tỉnh Cao Bằng với tổng diện tích tự nhiên 6.703,42km2 (năm 2013); trên phạm vi 13 đơn vị hành chính: 01 Thành phố (Cao Bằng) và12 huyện.

Tính chất vùng:

  • Là điểm nối trong vành đai phát triển kinh tế – xã hội – an ninh quốc phòng các tỉnh miền núi phía Đông Bắc;
  • Là vùng kinh tế tổng hợp, phát triển từ hạt nhân kinh tế là TP Cao Bằng và Khu kinh tế cửa khẩu;
  • Là một trong những đầu mối trung chuyển quan trọng, cửa ngõ giao thương với Trung Quốc thông qua các cửa khẩu quốc gia và quốc tế.

Quy hoạch phát triển không gian vùng tỉnh Cao Bằng

Định hướng phát triển không gian vùng tỉnh Cao Bằng theo 03 tiểu vùng như sau:


Tiểu vùng trung tâm (vùng I): Bao gồm thành phố Cao Bằng và các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Hà Quảng. Tổng diện tích là: 249.791,07 ha bằng 37,22% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Tính chất là vùng trung tâm phát triển của tỉnh được xây dựng và phát triển theo hướng vùng kinh tế mang tính tổng hợp và chất lượng cao.

Định hướng phát triển: Thành phố Cao Bằng là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của tiểu vùng. Nâng cấp mở rộng không gian thành phố và vùng phụ cận, khai thác tối đa tiềm năng về các khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Pó, khu Rừng Trần Hưng Đạo, khu du lịch nghỉ dưỡng Pia Đén là các khu vực có ưu thế vượt trội để hình thành các trung tâm du lịch chất lượng cao, các trung tâm thương mại dịch vụ kinh tế cửa khẩu, các khu cụm công nghiệp

Từng bước phát triển đô thị quy mô nhỏ như thị trấn du lịch, thị trấn nông, lâm trường, phát triển du lịch có chọn lọc gắn với bảo tồn thiên nhiên, phát triển nông nghiệp chất lượng cao, phát triển rừng phòng hộ và an ninh quốc phòng.


Sơ đồ quy hoạch định hướng phát triển không gian tỉnh Cao Bằng
Sơ đồ quy hoạch định hướng phát triển không gian tỉnh Cao Bằng

Tiểu vùng phía Đông (vùng II): Bao gồm các huyện Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Uyên, Phục Hòa, Thạch An, tổng diện tích là 202.004,23 ha, chiếm 30,13% diện tích toàn tỉnh. Tính chất là vùng có nhiều tiềm năng phát triển với đặc trưng là kinh tế cửa khẩu, thương mai dịch vụ và công nghiệp chế biến nông sản.

Định hướng phát triển: Xây dựng khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng gắn với các không gian đô thị, các khu danh lam thắng cảnh, các khu sinh thái nông nghiệp, các bản làng văn hóa hài hòa, phù hợp với điều kiên tự nhiên, khai thác thế mạnh của kinh tế cửa khẩu.

Phát triển hành lang quốc lộ 3, 4A theo hướng mở, xây dựng tuyến đường vành đài biên giới, tạo ra mối liên hệ phát triển giữa các cửa khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế đối ngoại với Trung Quốc với các tỉnh đồng bằng sông Hồng.


Tiểu vùng phía Tây (tiểu vùng III): Bao gồm các huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc Thông Nông, với tổng diện tích là 218.990,26 ha, chiếm 32,65% diện tích toàn tỉnh. Tính chất là vùng chậm phát triển của tỉnh.

Định hướng phát triển: Mở rộng thị trấn Bảo Lạc làm đô thị động lực của tiểu vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đảm bảo an ninh quốc phòng với các khu vực giáp ranh với Trung Quốc.

Phát triển hành lang kinh tế dọc quốc lộ 34. Chú trọng đầu tư các tuyến đường ngang quốc lộ 4A mới gắn kết vùng du lịch Hà Giang với các vùng du lịch của Cao Bằng.

Quy hoạch phát triển công trình hạ tầng xã hội tỉnh Cao Bằng

Hệ thống thương mại – dịch vụ:

Trung tâm thương mại – dịch vụ:

Đến 2030, tỉnh Cao Bằng sẽ có 03 trung tâm thương mại trong đó 01 trung tâm thương mại hạng I tại TP Cao Bằng, 01 trung tâm thương mại hạng II tại khu kinh tế của khẩu Trà Lùng, 01 trung tâm thương mại hạng II tại huyện Thạch An. 24 siêu thị với 04 siêu thị hạng II và 20 siêu thị hạng III (tổng hợp và chuyên doanh) đáp ứng nhu cầu mua sắm của dân cư đô thị và các KCN, khu du lịch trên địa bàn; trong đó các công trình xây dựng mới gồm 01 trung tâm thương mại tại khu đô thị mới Đề Thám, 01 siêu thị hạng II tại thị trấn Nước Hai (Hòa An) và 17 siêu thị hạng III tại các khu trung tâm huyện, khu tập trung dân cư, các khu đô thị mới, KCN, khu du lịch nghỉ dưỡng tập trung nhiều khách du lịch.

Đến năm 2030, phát triển thêm 01 trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế tại khu vực thị xã Phục Hòa (Khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng).

Trung tâm logistic:

Quy hoạch hình thành hệ thống khu logistic tại khu vực ngoại vi thành phố Cao Bằng với vị trí thuận tiện gần các khu kinh tế cửa khẩu và các tuyến giao thông trọng yếu: quốc lộ 3, quốc lộ 4A, quốc lộ 34, cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng và cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn – Cao Bằng trong tương lai.

Trung tâm dịch vụ du lịch:

Quy hoạch xây dựng, phát triển các khu du lịch, dịch vụ trong đô thị và các điểm du lịch: Các điểm du lịch cấp quốc gia như:

  • Khu di tích lịch sử Pác Bó (huyện Hà Quảng) là điểm tham quan di tích kết hợp sinh thái, lễ hội về nguồn, giáo dục và là trọng tâm của cụm du lịch phía Bắc.
  • Khu du lịch Thác Bản Giốc – Ngườm Ngao (huyện Trùng Khánh): là điểm du lịch sinh thái tham quan cảnh quan, thể thao.v.v…
  • Khu du lịch Phja Đén, Phja Oắc (huyện Nguyên Bình): Điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, định hướng phát triển thành khu du lịch quốc gia vào giai đoạn đến năm 2030.
  • Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình).

Hệ thống công trình y tế

  • Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên quy mô 500 giường bệnh, xây mới tại địa điểm mới;
  • Nâng cấp và xây mới Bệnh viện Y học cổ truyền theo hướng bệnh viện đa khoa với quy mô 200 giường bệnh;
  • Xây mới Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, quy mô 100 giường bệnh;
  • Xây mới Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng trên cơ sở Nhà điều dưỡng cán bộ của tỉnh với quy mô 100 giường bệnh;
  • Nâng cấp Trung tâm Nội tiết thành Bệnh viện Nội tiết quy mô 60 giường bệnh.
  • Xây dựng bệnh viện Sản – Nhi, bệnh viện Tâm thần.
  • Nâng cấp và đầu tư xây dựng mới trường Trung cấp y tế thành trường Cao đẳng y tế.

Hệ thống công trình giáo dục, đào tạo

  • Xây dựng Trung tâm dạy nghề cụm huyện Miền Tây; Trung cấp nghề cụm huyện Miền Đông: giữ nguyên hiện trạng
  • Nâng cấp và đầu tư xây dựng mới trường Trung cấp Y tế thành trường Cao đẳng Y tế.
  • Thành lập trường Đại học Cao Bằng trên cơ sở trường cao đẳng sư phạm Cao Bằng.

Hệ thống công trình thể dục thể thao – văn hóa

Đối với các công trình văn hóa cấp tỉnh:

  • Tiếp tục củng cố mạng lưới thư viện tỉnh.
  • Đầu tư xây dựng nhà Bảo tàng tỉnh tại khu đô thị mới Đề Thám.
  • Cải tạo sửa chữa Nhà văn hoá trung tâm đảm bảo đạt chuẩn.
  • Xây dựng công trình nhà tưởng niệm Võ Nguyên Giáp tại khu rừng lịch sử Trần Hưng Đạo.
  • Đầu tư xây dựng Rạp chiếu phim tỉnh Cao Bằng tại TP Cao Bằng, quy mô 500 chỗ;
  • Đầu tư xây dựng Trung tâm Điện ảnh, Sách, Văn hóa phẩm Cao Bằng, tại TP Cao Bằng.
  • Đầu tư xây dựng Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phố Vườn Cam, thành Phố Cao Bằng.
  • Xây dựng mới một trung tâm văn hóa quốc tế tại khu du lịch thác Bản Giốc.

Đối với hệ thống công trình thể dục thể thao cấp tỉnh:

  • Hoàn thiện các hạng mục của Trung tâm huấn luyện thi đấu TDTT tỉnh;
  • Xây dựng nhà thi đấu TDTT,
  • Xây dựng Trường năng khiếu nghệ thuật và thể thao tỉnh tại TP Cao Bằng.

Quy hoạch giao thông vân tải tỉnh Cao Bằng

Hệ thống giao thông Vùng được quy hoạch theo đúng quy mô đã được phê duyệt và đảm bảo hành lang an toàn đường bộ theo nghị định số 11/2010/NĐ-CP Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Hệ thống giao thông đường bộ cấp Quốc gia:

  • Đường nhánh Hồ Chí Minh: Từ Nước Hai qua Hồng Việt – Nà Bao – QL.34 – ĐT.212 (Pác Bó – đèo Cô Lê A) – ĐT.253 (Bắc Kạn) đến Hà Hiệu. Chiều dài qua tỉnh Cao Bằng khoảng 70 km với tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp IV miền núi.
  • Quốc lộ 3 quy mô đường cấp III miền núi.
  • Giai đoạn 2030 xây dựng đường Cao tốc Bắc Kạn – TP Cao Bằng – cửa khẩu Trà Lĩnh theo đường tránh QL.3 mới.
  • Dự kiến thiết kế tuyến mới kết nối từ QL3 (phía Bắc TX Phục Hòa) với cao tốc Lạng Sơn – cửa khẩu Trà Lĩnh (đoạn phía Bắc cầu qua sông Bằng) quy mô đường cấp III miền núi.
  • QL. 4A quy mô đường cấp II MN. Định hướng đến năm 2030 sẽ xây dựng đường Cao tốc Lạng Sơn – cửa khẩu Trà Lĩnh, kết nối tiếp từ cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn.
  • QL.4C (Niêm Sơn- Lý Bôn) quy mô đường cấp IV miền núi. Tuyến tránh QL.4C Từ Mèo Vạc – Khâu Vai (Hà Giang) – Đức Hạnh – Cốc Pàng – Bảo Lạc (Cao Bằng) quy mô đường cấp III MN.
  • QL.34 (Pác Nhùng – Khâu Đồn; Mã Phục – Cửa khẩu Trà Lĩnh) quy mô đường cấp III MN.
  • QL.3C quy mô đường cấp III MN.
Sơ đồ định hướng quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông tỉnh Cao Bằng
Sơ đồ định hướng quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông tỉnh Cao Bằng

Đường hàng không

Triển khai đầu tư xây dựng sân bay Cao Bằng theo Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 08/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch phát triển Giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2030.

Bến xe:

TP Cao Bằng quy hoạch 3 bến xe, quy mô bến loại 2, thị trấn Tà Lùng quy hoạch 1 bến xe loại 3, quy hoạch bến xe ở cửa khẩu Trà Lĩnh, thị trấn Trùng Khánh quy mô bến xe loại 3.

Bến xe huyện: Mỗi thị trấn hoặc mỗi cửa khẩu quy hoạch 1 bến xe ít nhất là bến loại 4 trong giai đoạn trước mắt.

Cảng ICD:

Xây dựng cảng ICD diện tích sử dụng khoảng 10 ha, địa điểm sẽ được xem xét để phù hợp nhu cầu, trong đó có kho lạnh và các dịch vụ khác phục vụ cho hàng hóa đi đến xuất nhập khẩu từ Việt Nam qua Trung Quốc và ngược lại. Trước mắt cần xây dựng 01 điểm kiểm tra hải quan ngoài cửa khẩu tại Quảng Uyên.

Bãi đỗ xe:

Tại TP, các huyện và các cửa khẩu cần xây dựng các bãi đỗ xe, gửi xe và hàng hóa với tổng hợp đầy đủ các dịch vụ kho bãi, siêu thị, nhà nghỉ, trạm tiếp xăng dầu, nhà sửa chữa, chăm sóc kỹ thuật xe và rửa xe… diện tích khoảng 1.000 – 5.000 m2/bãi đỗ.


Rate this post
Bài trướcĐịnh hướng Thị xã Bỉm Sơn sát nhập với huyện Hà Trung đến 2030
Bài tiếp theoQuy hoạch xây dựng vùng huyện Gò Công Tây đến 2030, tầm nhìn 2045

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây