Trang chủ Quy hoạch Quy hoạch phát triển Khu/cụm công nghiệp tỉnh Cao Bằng đến 2030,...

Quy hoạch phát triển Khu/cụm công nghiệp tỉnh Cao Bằng đến 2030, tầm nhìn 2050

249
0

Quy hoạch phát triển Khu/cụm công nghiệp đến 2030 tỉnh Cao Bằng theo hướng ứng dụng công nghệ cao, quy hoạch 02 Khu công nghiệp, 9 Cụm công nghiệp; 1 khu chế xuất và 02 khu logistic trung chuyển hàng hóa.

Hiện trạng các Khu – Cụm công nghiệp – Làng nghề tỉnh Cao Bằng

Thực trạng Khu công nghiệp:

Hiện nay trên địa bàn tỉnh quy hoạch 01 Khu công nghiệp với diện tích là 80,94ha. Khu công nghiệp Chu Trinh được quyết định thành lập từ năm 2015 với định hướng thu hút các ngành nghề chế biến nông lâm sản và thực phẩm; các ngành công nghiệp chế biến khoáng sản, luyện kim và cơ khí lắp ráp; các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và công nghiệp khác. Hiện KCN này chưa hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng và mới chỉ thu hút được 01 dự án với tổng vốn đăng ký là 16.9 tỷ đồng.


Thực trạng Cụm công nghiệp:

Đến nay trên địa bàn tỉnh có 03 CCN gồm Cụm công nghiệp Hưng Đạo diện tích 70ha tại thành phố Cao Bằng, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 438,5 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa thu hút được DN đầu tư hạ tầng kỹ thuật; Cụm công nghiệp miền Đông I diện tích 86ha tại thị trấn Tà Lùng (H. Quảng Hòa) cũng chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật; Cụm công nghiệp Đề Thám (phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng) có 2 doanh nghiệp được cấp phép đầu tư nhưng hoạt động không hiệu quả và dự kiến đưa ra khỏi quy hoạch vì nằm trong quy hoạch đô thị của thành phố Cao Bằng.

Hiện trạng phát triển TTCN và làng nghề:

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 10 nghề đang hoạt động tại 21 làng nghề bao gồm các nghề: dệt thổ cẩm, làm giấy do, đan lát, làm bánh, rèn đúc, làm ngói, đường phên, miến dong, chạm khắc bạc, … mang tính thời vụ, thời gian nông nhàn, giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 đến 2.500 lao động nông nhàn với mức thu nhập bình quân khoảng 1,5 – 2,5 triệu đồng/người/tháng. Có 02 làng nghề được UBND tỉnh công nhận gồm: Làng nghề làm đường phên Bó Tờ (thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa) và làng nghề làm hương thảo mộc xóm Nà Kéo (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng). Hoạt động của các làng nghề vẫn mang tính cá thể, chưa có cơ chế hợp tác giữa các hộ gia đình liên kết sản xuất theo một quy trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Bản đồ hiện trạng phát triển khu công nghiệp Tình Cao Bằng
Bản đồ hiện trạng phát triển khu công nghiệp Tình Cao Bằng

Phát triển công nghiệp tỉnh Cao Bằng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chưa có sự thay đổi, bứt phá. Đầu tư phát triển công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nội lực còn yếu, thiếu tính bền vững; tái cơ cấu ngành còn chậm, chưa rõ nét; giá trị sản xuất công nghiệp đạt thấp.


Phương án quy hoạch phát triển Khu – Cụm công nghiệp – Làng nghề đến 2030 tỉnh Cao Bằng

Định hướng phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp chủ lực

Giai đoạn 2021 – 2030 công nghiệp tỉnh Cao Bằng tập trung vào một số ngành công nghiệp chủ lực: Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản; Công nghiệp luyện kim; Công nghiệp cơ khí chế tạo; Công nghiệp điện tử; Công nghiệp hóa chất, hóa dược và dược; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện; Công nghiệp sản xuất chế biến nông, lâm sản; Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng;

Xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác cụm công nghiệp Hưng Đạo, cụm công nghiệp Trùng Khánh và một số cụm công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh.

Công nghiệp luyện kim


Tiếp tục đầu tư phát triển các dự án luyện gang thép, luyện feromangan, dioxit mangan, chì, kẽm, đồng… hiện có, triển khai dự án khai thác chế biến khoáng sản niken – đồng đạt giá trị cao; sản xuất các sản xuất các sản phẩm mới, các sản phẩm có giá trị cao như: đúc chi tiết, cán tấm, thép hợp kim, các sản phẩm fero cho ngành đúc, fero có hàm lượng cacbon thấp.

Công nghiệp cơ khí chế tạo

Phát triển ngành cơ khí chế tạo đáp ứng cơ bản các nhu cầu của tỉnh về các thiết bị, máy móc phục vụ nông nghiệp và nông thôn (dụng cụ, nông cụ cầm tay và các dịch vụ sửa chữa, bảo hành máy và thiết bị). Khuyến khích phát triển sản xuất cơ khí lắp ráp, chế tạo thiết bị, máy móc phụ tùng lắp ráp máy móc thiết bị chế biến nông lâm sản thực phẩm và hàng tiêu dùng.


Công nghiệp điện tử

Khuyến khích đầu tư phát triển ngành cơ khí điện tử, các dự án lắp ráp hàng điện tử dân dụng như nồi cơm điện, máy bơm nước, máy nổ, động cơ điện và các trang thiết bị đồ điện gia dụng,… tại khu kinh tế cửa khẩu và các khu, cụm công nghiệp đã được thành lập. Có cơ chế cho đầu tư công nghiệp hỗ trợ như: sản xuất linh kiện điện tử, pin, thiết kế mạch in, bo mạch điều khiển, cung ứng cho các nhà sản xuất lắp ráp trong nước và xuất khẩu.

CN hóa chất, hóa dược và dược:

Phát triển công nghiệp hóa chất tập trung phục vụ cho nhu cầu ngành khai thác và chế biến khoáng sản. Phát triển ngành hóa chất, hóa dược và dược; thu hút dự án chưng cất tinh dầu hồi, quế, dầu sả, dầu lạc; sơ chế dược liệu từ nguồn phát triển cây dược liệu có tiềm năng trên địa bàn tỉnh.

Công nghiệp sản xuất và phân phối điện

Tập trung vào hoàn thành và đưa vào hoạt động một số dự án trọng điểm có tính chiến lược: các nhà máy thủy điện Hồng Nam, Bình Long, Pác Khuổi, Bảo Lạc A, Bảo Lạc B, Khánh Xuân, Bản Ngà, Bản Riển, Bản Chiếu.

Công nghiệp sản xuất chế biến nông, lâm sản

Phát triển ngành gắn liền với chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các dự án trọng điểm của ngành nông lâm nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Khuyến khích phát triển các sản phẩm có thế mạnh của Cao Bằng như trúc sáo, gỗ, miến dong…thành các sản phẩm có giá trị và quy mô lớn phục vụ xuất khẩu.

Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng

Phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng theo chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050; Phát triển sản xuất các loại VLXD phù hợp với điều kiện tài nguyên và tập quán xây dựng trong tỉnh, có quy mô sản xuất hợp lý nhưng với kỹ thuật công nghệ sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, đạt hiệu quả đầu tư cao. Theo đó, định hướng không gian phát triển công nghiệp tỉnh Cao Bằng theo 3 tiểu vùng:

định hướng không gian phát triển công nghiệp tỉnh Cao Bằng theo 3 tiểu vùng
định hướng không gian phát triển công nghiệp tỉnh Cao Bằng theo 3 tiểu vùng

Phương án phát triển Khu – Cụm công nghiệp

Giai đoạn 2021 – 2030: Tỉnh Cao Bằng định hướng quy hoạch 02 Khu công nghiệp, 9 Cụm công nghiệp; 1 khu chế xuất và 02 khu logistic trung chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, được phân bố như sau:

(1) Tiểu vùng Trung tâm, quy hoạch 01 KCN và 02 CCN bao gồm: 01 Khu công nghiệp Chu Trinh 150 ha (TP. Cao Bằng); 01 Cụm công nghiệp (50 ha) huyện Hà Quảng; 01 Cụm công nghiệp (40 ha) tại huyện Hòa An và điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại Sóc Giang (huyện Hà Quảng).

Bản đồ phương án phát triển khu công nghiệp tỉnh Cao Bằng đến 2030
Bản đồ phương án phát triển khu công nghiệp tỉnh Cao Bằng đến 2030

(2) Tiểu vùng miền Đông, quy hoạch 01 KCN, 6 cụm công nghiệp, 01 khu chế xuất là:

  • (1) Cụm công nghiệp kho vận cửa khẩu khoảng 70 -100 ha tại TT Tà Lùng (H.Quảng Hòa);
  • (2) CCN chế biến nông, thủy sản khoảng 20 ha tại TT Hòa Thuận (H.Quảng Hòa);
  • (3) CCN chế biến lâm sản, nội thất, đồ gia dụng khoảng 40 ha tại xã Đại Sơn, xã Cách Linh (H.Quảng Hòa);
  • (4) CCN chế biến nông sản Đại Sơn khoảng 40 ha tại xã Đại Sơn (H.Quảng Hòa);
  • (5) CCN Thông Huề 40 ha tại xã Đoài Dương (H.Trùng Khánh);
  • (6) CCN Chi Phương 40 ha tại xã Tri Phương (H.Trùng Khánh);
  • Khu chế xuất tại cửa khẩu Trà Lĩnh khoảng 100ha;
  • Quy hoạch 01 KCN khoảng 100-150 ha tại Trùng Khánh.

Ngoài ra là các điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các xã: Cách Linh, Đại Sơn (huyện Quảng Hòa), Đình Phong (huyện Trùng Khánh). Tổng diện tích các khu công nghiệp – chế xuất quy hoạch khoảng 450-500 ha.

(3) Tiểu vùng miền Tây, quy hoạch 03 cụm công nghiệp gồm: 01 CCN Bảo Lâm 30 ha tại Thị trấn Pác Miầu (H. Bảo Lâm); 01 CCN (30 ha) tại các huyện tại TT. Nguyên Bình huyện và 01 CCN (35-40ha) tại TT .Bảo Lạc, huyện Bảo Lạc.

Khu logistics, hệ thống kho bãi, khu trung chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu: Phát triển các khu dịch vụ logistics, tập trung tại Tà Lùng, Trà Lĩnh. Quy hoạch hệ thống kho bãi tại tất cả các cửa khẩu, lối mở. Tổng, diện tích các khu logistic, kho bãi, khu trung chuyển hàng hóa trong Khu kinh tế cửa khẩu khoảng 380-400 ha.

Giai đoạn 2031-2050: quy hoạch thành lập mới 01 KCN khoảng 150 ha (khai thác tuyến cao tốc Bắc Kạn-Cao Bằng); 1-2 cụm CCN tại tiểu vùng Trung tâm; 03 CCN tại vùng miền Đông; 1-2 CCN tại vùng miền Tây.

Quy hoạch công nghiệp trong khu kinh tế cửa khẩu

Quy hoạch công nghiệp trong khu kinh tế cơ bản là loại hình sản xuất hàng hóa, gia công, tái chế, lắp ráp, đóng gói… phục vụ xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất. Quy hoạch khu chế xuất tại cửa khẩu Trà Lĩnh, 04 cụm công nghiệp tại huyện Quảng Hòa (thị trấn Tà Lùng, thị trấn Hòa Thuận, xã Đại Sơn, xã Cách Linh). Ngoài ra là các điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các xã: Cách Linh, Đại Sơn (huyện Quảng Hòa), Sóc Giang (huyện Hà Quảng), Đình Phong (huyện Trùng Khánh).

Tổng hợp các Khu chế xuất, CCN, tiểu thủ công nghiệp trong khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng bao gồm:  02 khu chế xuất và 08 Cụm công nghiệp. Cụ thể:

Khu chế xuất:

  • Khu chế xuất Trà Lĩnh 1 – Tại TT Trà Lĩnh – H. Trùng Khánh – Diện tích 20 – 30 ha
  • Khu chế xuất Trà Lĩnh 2 – Tại TT Trà Lĩnh – H. Trùng Khánh – Diện tích 25 – 35 ha
Bản đồ phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Cao Bằng đến 2030
Bản đồ phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Cao Bằng đến 2030

Cụm công nghiệp, tiểu thủ CN:

  • Cụm công nghiệp kho vận cửa khẩu – Địa điểm: TT Tà Lùng – H. Quảng Hòa; diện tích 60ha.
  • Cụm công nghiệp chế biến nông, thủy sản – Địa điểm: TT Hòa Thuận – H. Quảng Hòa; diện tích 20 -25ha
  • Cụm công nghiệp chế biến lâm sản, nội thất, đồ gia dụng – Địa điểm: X. Đại Sơn, x. Cách Linh – H. Quảng Hòa; diện tích 35-40ha.
  • Cụm công nghiệp chế biến nông sản Đại Sơn – Địa điểm: xã Đại Sơn, H. Quảng Hòa; diện tích 40ha
  • 14 điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đô thị Phục Hòa
  • Điểm công nghiệp khu vực LM Bản Khòong
  • Tiểu thủ công nghiệp Sóc Giang
  • Tiểu thủ công nghiệp Sóc Giang

Định hướng sử dụng đất đối với khu phát triển công nghiệp đến 2050

Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp:

Đến năm 2050, toàn tỉnh phát triển 01 khu công nghiệp (KCN) với diện tích khoảng 197ha (KCN Chu Trinh – thành phố Cao Bằng) và 06 Cụm CN với diện tích khoảng 268ha tại các huyện Quảng Hòa (Cụm công nghiệp Miền Đông); huyện Hạ Lang (Cụm Công nghiệp Hạ Lang); Trùng Khánh (Cụm Công nghiệp Tri Phương và Cụm công nghiệp Thông Huề); và thành phố Cao Bằng (Cụm công nghiệp Đề Thám và Cụm công nghiệp xã Hưng Đạo).

Phát triển cụm công nghiệp sẽ được ưu tiên, đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng kết hợp với khuyến khích đầu tư. Giai đoạn đến năm 2030, dự kiến sẽ lấp đầy 100% đất công nghiệp của khu công nghiệp Chu Trinh và 70% Cụm công nghiệp miền Đông (huyện Quảng Hòa). Các cụm công nghiệp gắn với ngành công nghiệp khai thác chế biến và những vị trí tương đối thuận lợi như gần cửa khẩu hoạt động phát triển, gần trung tâm như cụm công nghiệp Thông Huề (huyện Trùng Khánh) với khai thác chế biến Mangan, cụm công nghiệp Hưng Đạo (TP Cao Bằng) có nhiều lợi thế thu hút các dự án đầu tư, dự kiến đến năm 2030 sẽ lấp đầy trên 70% đất công nghiệp. Các cụm công nghiệp còn lại dự kiến thu hút lấp đầy trên 50% . Đến năm 2050, phát triển thêm các cụm công nghiệp Thông Nông, Tính Túc, Trùng Khánh, tổng diện tích Cụm công nghiệp và khu công nghiệp trên toàn tỉnh sẽ là 465 ha.

Tổng quỹ đất cho công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đến năm 2030 là 8.320 ha. Trong đó: Đất khu công nghiệp: Đến năm 2030 có 01 khu công nghiệp (Khu công nghiệp Chu Trinh – thành phố Cao Bằng) với tổng diện tích 81 ha, tăng 81ha so với năm 2020. Đất cụm công nghiệp: Đến năm 2030 có 03 cụm công nghiệp với tổng diện tích 145 ha, tăng 145ha so với năm 2020. Diện tích đất cụm công nghiệp phân bổ ở: TP Cao Bằng 70 ha; Quảng Hòa 75 ha.  Đến năm 2030, diện tích đất khu phát triển công nghiệp là 226 ha, tăng 226ha so với hiện trạng năm 2020.

Tài liệu kèm theo:


Rate this post
Bài trướcQuy hoạch phát triển giao thông tỉnh Cao Bằng đến 2030, tầm nhìn đến 2050
Bài tiếp theoQuy hoạch phát triển đô thị tỉnh Cao Bằng đến 2030, tầm nhìn 2050

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây