Trang chủ Quy hoạch Quy hoạch Khu – Điểm du lịch tỉnh Cao Bằng đến 2030,...

Quy hoạch Khu – Điểm du lịch tỉnh Cao Bằng đến 2030, tầm nhìn 2050

54
0

Quy hoạch du lịch tỉnh Cao Bằng với định hướng phát triển tại thành phố Cao Bằng và các thị trấn Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thanh Nhật, Xuân Hòa, Nước Hai, Nguyên Bình, Tĩnh Túc, Hòa Thuận, Tà Lùng, Quảng Uyên, Đông Khê, Thông Nông, Trà Lĩnh và Trùng Khánh.

Hiện trạng phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng

Hiện trạng Du lịch Cao Bằng đã được tổ chức không gian gắn với hệ thống tài nguyên du lịch hình thành 4 không gian chính như sau:


+ Không gian du lịch trung tâm: bao gồm ranh giới hành chính thành phố Cao Bằng và huyện Hoà An. Trong đó, thành phố Cao Bằng giữ vai trò trung tâm. Đây là đầu mối khách du lịch đến tỉnh Cao Bằng cũng như phân phối khách đến các khu, điểm du lịch thuộc các không gian du lịch khác. Không gian du lịch trung tâm chủ yếu khai thác dòng sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch thương mại công vụ và du lịch MICE.

+ Không gian du lịch phía Tây: bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Nguyên Bình, đây là cửa ngõ phía Tây của du lịch Cao Bằng theo quốc lộ 34, cầu nối du lịch Cao Bằng với Hà Giang, Bắc Kạn và các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc. Không gian du lịch phía Tây chủ yếu khai thác sản phẩm du lịch văn hoá, lịch sử gắn với quần thể di tích thuộc di tích cấp quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo; du lịch sinh thái, tại khu vực vườn quốc gia Phja Oắc, Phja Đén; du lịch cộng đồng ở Hoài Khao,…

+ Không gian du lịch phía Bắc: bao gồm địa giới hành chính huyện Hà Quảng, đây là cửa ngõ phía Bắc của du lịch Cao Bằng và là điểm khởi nguồn của du lịch quốc gia theo đường Hồ Chí Minh. Không gian du lịch phía Bắc chủ yếu khai thác sản phẩm du lịch tìm hiểu lịch sử, cách mạng quần thể di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó và sản phẩm du lịch sinh thái gắn với cảnh quan vùng núi phía Bắc và bắt đầu hình thành du lịch tham quan nghiên cứu các giá trị địa chất dọc theo quốc lộ 4A…


+ Không gian du lịch phía Đông: bao gồm các huyện Trùng Khánh và Quảng Hoà, đây là cửa ngõ phía Đông của du lịch Cao Bằng, cầu nối du lịch tỉnh với Cao Bằng với du lịch khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Không gian du lịch phía Đông chủ yếu khai thác sản phẩm du lịch sinh thái gắn với đèo Mã Phục (Quảng Hòa), hồ Thăng Hen (Trùng Khánh) và đặc biệt là thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, cảnh quan sông Quây Sơn (Trùng Khánh). Tại đây cũng đã phát triển du lịch cộng đồng tại các xóm Pác Rằng (Quảng Hoà), Khuổi Ky (Trùng Khánh).

Đã hình thành các tuyến du lịch nội tỉnh và liên tỉnh để khai thác hiệu quả không gian du lịch của tỉnh. Tuyến du lịch nội tỉnh có tuyến du lịch văn hoá, lịch sử về với cội nguồn cách mạng thành phố Cao Bằng – Pác Bó; tuyến du lịch sinh thái, tham quan cảnh quan, trải nghiệm văn hoá bản địa thành phố Cao Bằng – Bản Giốc; Tuyến du lịch văn hoá, lịch sử kết hợp du lịch sinh thái vườn quốc gia Phja Oắc, Phja Đén thành phố Cao Bằng – Nguyên Bình. Tuyến liên tỉnh có các tuyến du lịch theo các quốc lộ, trong tổng thể chung phát triển du lịch quốc gia và vùng như tuyến Cao Bằng – Bắc Kạn – Hà Nội theo quốc lộ 3; Tuyến Cao Bằng – Lạng Sơn – Hà Nội theo quốc lộ 4A và 1A.

Phương hướng phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng đến 2030, tầm nhìn đến 2050

Mục tiêu phát triển du lịch Cao Bằng

 –  Đến năm 2025: Cao Bằng đón được 3,2 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt 450 nghìn lượt, khách nội địa đạt 2,75 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng khách giai đoạn 2019 – 2025 đạt 12,9%/năm. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 3.375 tỷ đồng, đóng góp của du lịch vào GRDP đạt khoảng 8%. Nhu cầu buồng lưu trú khoảng 4.000 (buồng), công suất buồng trung bình đạt 55%. Du lịch tạo việc làm cho khoảng 12 nghìn lao động, trong đó, lao động trực tiếp khoảng 4.000 người.


 –  Đến năm 2030: Cao Bằng đón được 4,45 – 5 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt 700 nghìn lượt, khách nội địa đạt 3,75 – 4 triệu lượt; tốc độ tăng trưởng bình quân tổng khách giai đoạn 2025 – 2030 đạt 6,8 – 7%/năm. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 9.000 – 10.000 tỷ đồng, đóng góp của du lịch vào GRDP đạt khoảng 13 – 14%. Nhu cầu buồng lưu trú khoảng 6.300 – 6.500 (buồng), công suất buồng trung bình đạt 58%. Du lịch tạo việc làm cho khoảng 22.500 lao động, trong đó, lao động trực tiếp khoảng 7.500 người.

 –  Đến năm 2040: Cao Bằng đón 7,5 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt 1,5 triệu lượt, khách nội địa 6 triệu lượt; tốc độ tăng trưởng bình quân tổng khách giai đoạn 2030 – 2040 đạt 5,4%/năm. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 35.775 tỷ đồng, đóng góp của du lịch vào GRDP đạt khoảng 24%.

 –  Đến năm 2050: Cao Bằng đón được 10,5 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt 2,5 triệu lượt, khách nội địa đạt 8 triệu lượt; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2040 – 2050 đạt 3,4%/năm. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 72.500 tỷ đồng, đóng góp của du lịch vào GRDP đạt khoảng 24,5%.


Định hướng chung phát triển du lịch Cao Bằng

Trên cơ sở tiềm năng, hiện trạng phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng, xu hướng thay đổi nhu cầu du lịch trên thế giới và trong nước, phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo định hướng sau đây:

  • Phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng phù hợp với định hướng chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch của cả nước và vùng trung du miền núi phía Bắc.
  • Phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo, đặc thù gắn với nâng cao chất lượng các tuyến du lịch và tăng cường liên kết hoạt động du lịch với các trung tâm du lịch lớn của cả nước, với các tỉnh lân cận và với các tỉnh phía Nam Trung Quốc.
  • Phát triển đồng thời du lịch văn hóa, du lịch dựa trên các giá trị cảnh quan tự nhiên và du lịch biên giới.
  • Xây dựng đồng bộ cơ sở vật chất phục vụ du lịch như các trung tâm giới thiệu, thông tin; Các dịch vụ hỗ trợ, dừng chân, bưu điện, lưu trú ngắn, bến bãi đỗ chuyển tiếp; Khu trưng bày, triển lãm;  Khu lưu trú, nhà hàng ăn uống, các trung tâm mua sắm đồ lưu niệm từ sản phẩm của địa phương, khu biểu diễn ngoài trời, trong nhà đảm bảo đáp ứng các tuyến du lịch..
Sơ đồ hệ thống các khu cụm, tuyến du lịch tỉnh Cao Bằng
Sơ đồ hệ thống các khu cụm, tuyến du lịch tỉnh Cao Bằng

Thị trường khách du lịch đến Cao Bằng

Giai đoạn 2021 – 2025: Tập trung khôi phục các thị trường du lịch phù hợp với các diễn biến của đại dịch COVID – 19. Thị trường khách chủ yếu của giai đoạn này là thị trường khách du lịch nội địa. Giai đoạn 2026 – 2030: Phát triển đồng thời cả thị trường du lịch nội địa và thị trường khách quốc tế. Cụ thể:

  • Khách nội tỉnh, nội vùng: Đây là thị trường khách nội địa trọng điểm cần tập trung khai thác đặc biệt trong vài năm tới.
  • Khách từ các tỉnh miền Bắc: Đây là thị trường khách nội địa có số lượng lớn đến Cao Bằng.
  • Khách từ các tỉnh miền Trung, miền Nam: Sự bùng nổ và tăng trưởng mạnh mẽ của các hãng hàng không nội địa, đặc biệt là hàng không giá rẻ đã góp phần tăng số lượng khách du lịch nội địa nói chung.
  • Thị trường khách Trung Quốc: Sau khi lối mở tại khu vực thác Bản Giốc chính thức khai thông, mỗi ngày Cao Bằng sẽ thí điểm đón 200 khách Trung Quốc, trong giai đoạn tiếp theo số lượng sẽ được tăng lên theo nhu cầu thực tế và khả năng đáp ứng của tỉnh.
  • Thị trường khách Châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…): Là thị trường có thị phần du lịch lớn nhất đến Việt Nam. Sản phẩm du lịch thích hợp cho thị trường khách Châu Á là du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch sinh thái – chăm sóc sức khoẻ, tham quan, ngắm cảnh và mua sắm sản vật địa phương, ẩm thực.
  • Thị trường khách Châu Âu và Châu Úc: Là thị trường khách quốc tế truyền thống rất quan trọng đến Việt Nam, đây là thị trường khách có khả năng chi trả cao và cũng là đối tượng khách có xu hướng yêu thích trải nghiệm văn hóa và ẩm thực vùng cao, du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch thể thao – dã ngoại, đặc biệt phù hợp với tài nguyên du lịch tỉnh Cao Bằng.
  • Thị trường khách Châu Mỹ (Mỹ và Canada): Chỉ chiếm 5,4% thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đây là thị trường tiềm năng cần hướng đến bởi khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày và phù hợp với các sản phẩm du lịch của Cao Bằng như trải nghiệm văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch lễ hội, du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, du lịch thể thao – thể thao mạo hiểm,…
  • Thị trường khách cho du lịch khám phá hang động, chinh phục các điểm cao: Với hệ thống hang động đa dạng, trong đó có những hang động lớn, kỳ vĩ như động Ngườm Ngao, Ngườm Pục, động Dơi… có thể hình thành sản phẩm du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm chinh phục thác nước, chinh phục núi và khám phá hang động, chinh phục đèo Khau Cốc Chà, chinh phục đỉnh Phja Oắc – Phja Đén…
  • Thị trường khách du lịch thể thao, thể thao mạo hiểm: Nhóm đối tượng khách này tuy không lớn về số lượng nhưng lại là nhóm đối tượng có khả năng chi trả cao và có nhiều khả năng sẽ quay lại. Với việc được bình chọn trong top những điểm trekking hàng đầu Đông Nam Á và đứng ở vị trí thứ 5, Cao Bằng có nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch thể thao như trekking, chạy bộ, đi xe đạp và thể thao mạo hiểm như dù lượn, khinh khí cầu, chèo thuyền vượt thác, leo núi, các hoạt động du lịch chinh phục dòng sông Nho Quế và dòng sông Gâm ở Bảo Lâm, Bảo Lạc…

Phương hướng phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh Cao Bằng

Giai đoạn 2021 – 2025: Tập trung rà soát, điều chỉnh và phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của khách du lịch trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID – 19, đặc biệt là nhu cầu của khách du lịch nội địa.

Giai đoạn 2026 – 2030: Phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của khách du lịch nội địa và quốc tế, tập trung vào các sản phẩm có thế mạnh của Cao Bằng như: Du lịch tham quan di tích văn hóa – lịch sử, du lịch địa chất, du lịch nông nghiệp,  du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng núi; du lịch biên giới…

Các sản phẩm du lịch được tỉnh Cao Bằng tập trung phát triển gồm:

 –  Du lịch tham quan di tích văn hóa – lịch sử: Đây là sản phẩm du lịch đã phát triển tại Cao Bằng trong nhiều năm qua và sẽ tiếp tục là sản phẩm du lịch chủ đạo cần đầu tư phát triển của tỉnh. Các tài nguyên du lịch nổi bật để tổ chức loại hình du lịch này là Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó; Rừng Trần Hưng Đạo; Địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950; Cột mốc biên giới 108 (cũ), Biểu tượng cột mốc Km0 đường Hồ Chí Minh…

–  Du lịch địa chất: Với việc UNESCO đã công nhận Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đem lại cho Cao Bằng cơ hội mới cho phát triển du lịch.

–  Du lịch nông nghiệp: Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch rất có tiềm năng phát triển tại khu vực Đông Bắc nói chung, Cao Bằng nói riêng bởi cảnh quan tự nhiên vùng núi kết hợp với cảnh quan nhân sinh tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch.

 –   Du lịch cộng đồng: Với sự đa dạng về văn hóa của cộng đồng các dân tộc cùng cảnh quan thiên nhiên khác biệt ở mỗi làng/bản, du lịch cộng đồng hứa hẹn sẽ là một trong những sản phẩm du lịch thu hút được số lượng khách du lịch lớn tại Cao Bằng.

–  Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng núi: Cao Bằng sở hữu tài nguyên du lịch tự nhiên thích hợp để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng có khả năng thu hút khách du lịch có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày phù hợp với định hướng phát triển thị trường khách du lịch của tỉnh Cao Bằng.

–  Du lịch biên giới: Cao Bằng có ba cửa khẩu lớn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế gồm Trà Lĩnh (huyện Trùng Khánh), Sóc Giang (huyện Hà Quảng), Tà Lùng (huyện Quảng Hòa), trong đó quan trọng nhất là cửa khẩu Tà Lùng (huyện Quảng Hòa) – đây cửa khẩu quốc tế mở ra nhiều cơ hội để Cao Bằng trao đổi, giao thương với quốc tế góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế, văn hóa, đặc biệt là du lịch.

 –  Du lịch đêm: Kinh tế ban đêm ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong nhiều nền kinh tế trên thế giới. Ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng, cuộc sống về đêm mới là điểm nhấn thú vị cho du khách và cũng là “mỏ vàng” cho địa phương.

 –  Du lịch lễ hội, tâm linh: Cao Bằng có nhiều đền, chùa, phân bố ở nhiều địa điểm khác nhau trên toàn tỉnh như Chùa Đà Quận (Hòa An); Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc, Đền Hoàng Lục (Trùng Khánh), Đền Kỳ Sầm, Chùa Đống Lân (Thành phố), Chùa Sùng Phúc (Hạ Lang); đền thờ vua Lê, Đền Dẻ Đoóng (Hòa An); Miếu Vân An (Bảo Lạc)…

Phương án tổ chức không gian phát triển du lịch

Tổ chức không gian phát triển du lịch bảo đảm phù hợp với phương án phát triển không gian du lịch Việt Nam, vùng Trung du và miền núi phía Bắc và không gian kinh tế – xã hội tỉnh Cao Bằng cũng như tính thống nhất đối với phương án phát triển không gian các ngành liên quan trên địa bàn tỉnh thời kỳ đến năm 2030.

Đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 du lịch Cao Bằng dự kiến khoanh vùng phát triển theo 06 không gian du lịch chính như sau:

(1) Không gian du lịch Trung tâm gồm thành phố Cao Bằng và phụ cận gồm cụm điểm du lịch của thành phố Cao Bằng và huyện Hoà An.

Bản đồ không gian du lịch Trung tâm
Bản đồ không gian du lịch Trung tâm

Phương hướng phát triển du lịch gồm: Du lịch nghỉ cuối tuần, camping, vui chơi giải trí; Du lịch tham quan, nghiên cứu các giá trị văn hoá, lịch sử; Du lịch trang trại, du lịch trải nghiệm nông nghiệp tại Hòa An; Du lịch công vụ, thương mại… Trung tâm điều hành các hoạt động du lịch.

–   Các điểm du lịch thuộc thành phố Cao Bằng: Quần thể di tích lịch sử văn hóa Đà Quận (Thôn Đà Quận, xã Hưng Đạo, thành Phố Cao Bằng), du lịch tham quan, nghiên cứu, lễ hội tâm linh. Đền Kỳ Sầm (Xóm 8, xã Vĩnh Quang, thành phố Cao Bằng), du lịch tham quan, giáo dục truyền thống, lễ hội, tâm linh. Khu lưu niệm Hoàng Đình Giong (Xóm Nà Toàn, phường Đề Thám, cách trung tâm TP. Cao Bằng khoảng 6km), tham quan, giáo dục truyền thống cách mạng, tri ân,… Chùa Đống Lân (Xóm 6 Hồng Quang, Xã Hưng Đạo, thành Phố Cao Bằng), tham quan, thư giãn, tâm linh, lễ hội văn hoá…

Ngoài những điểm du lịch chính trên, trong giai đoạn này, tại thành phố Cao Bằng có thể khai thác phát triển các điểm tham quan bổ trợ như: Chùa Đống Lân (Chùa Đống Lân nằm trên gò Đống Lân (tiếng Tày là Đoỏng Lân); Di tích lịch sử văn hoá Đền Bà Hoàng (phường Sông Bằng); Di tích lịch sử văn hoá Chùa Phố Cũ (Phường Hợp Giang); Di tích lịch sử cách mạng Miếu Khau Roỏc (phường Đề Thám); Di tích lịch sử Pháo Đài quân sự tỉnh (Phường Tân Giang), Thành Bản Phủ (xã Hưng Đạo),v.v…

(2) Không gian du lịch phía Bắc gồm Pác Bó và phụ cận, thuộc địa phận huyện Hà Quảng. Trung tâm của không gian là quần thể di tích cấp quốc gia đặc biệt Pác Bó, là cái nôi của cách mạng Việt Nam, nơi gắn bó với hình ảnh của vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc – Hồ Chí Minh. Đây là cụm du lịch tâm linh có ý nghĩa quan trọng không những chỉ đối với Cao Bằng mà còn đối với cả nước.

Bản đồ không gian du lịch phía Bắc
Bản đồ không gian du lịch phía Bắc

Phương hướng phát triển du lịch là Du lịch tham quan di tích Pác Bó kết hợp với các điểm thăm quan của công viên địa chất; du lịch hành hương về cội nguồn; Du lịch tham quan di tích, nghiên cứu, giáo dục truyền thống cách mạng; Du lịch tham quan, nghiên cứu các giá trị địa chất, địa mạo; Du lịch sinh thái, các hoạt động vui chơi giải trí thể thao; Du lịch cộng đồng;

(3) Không gian du lịch phía Đông gồm Bản Giốc – Ngườm Ngao và phụ cận, thuộc địa phận huyện Trùng Khánh, Quảng Hoà và Hạ Lang. Đây là không gian lớn, chứa đựng nhiều tài nguyên du lịch nhất của tỉnh Cao Bằng.

Bản đồ không gian du lịch phía Đông
Bản đồ không gian du lịch phía Đông

Phương hướng phát triển du lịch gồm: Du lịch tham quan cảnh quan, bản văn hóa; Nghỉ cuối tuần, camping, thể thao, mạo hiểm….Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; Du lịch tham quan, nghiên cứu các giá trị địa chất, địa mạo (du lịch thác Bản Giốc kết hợp với các điểm thăm quan của công viên địa chất)… Du lịch tham quan, nghiên cứu các giá trị địa chất, địa mạo; Du lịch tín ngưỡng, tâm linh.

(4) Không gian du lịch phía Tây gồm Phja Đén, Phja Oắc, rừng Trần Hưng Đạo, thuộc địa phận huyện Nguyên Bình. Là cụm điểm du lịch thuộc huyện Nguyên Bình, tập trung ở Phja Đén, Phja Oắc. Phja Đén, Phja Oắc là khu vực có độ cao trên 1.000 m khí hậu tốt, cảnh quan đẹp thích hợp du lịch nghỉ dưỡng.

Bản đồ không gian du lịch phía Tây
Bản đồ không gian du lịch phía Tây

Phương hướng phát triển du lịch gồm: Du lịch sinh thái; Du lịch tham quan, nghiên cứu các giá trị địa chất, địa mạo; Du lịch nghỉ cuối tuần. Du lịch văn hóa: tham quan các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa dân tộc; Du lịch cộng đồng.

(5) Không gian du lịch Đông Nam trung tâm cụm là Thị trấn Đông Khê và phụ cận, đây là cửa ngõ Đông Nam của du lịch Cao Bằng với Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội… là khu vực có cụm điểm du lịch huyện Thạch An và một phần huyện Quảng Hoà.

Bản đồ không gian du lịch phía Đông Nam
Bản đồ không gian du lịch phía Đông Nam

Phương hướng phát triển du lịch gồm: Du lịch sinh thái; Du lịch tham quan, nghiên cứu các giá trị địa chất, địa mạo;Du lịch văn hóa: tham quan các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa dân tộc; Du lịch thể thao mạo hiểm, thám hiểm hang động; Du lịch gắn với cửa khẩu biên giới; Du lịch thể thao mạo hiểm, thám hiểm hang động; Du lịch cộng đồng.

(6) Không gian du lịch Tây Bắc gồm cụm điểm du lịch các huyện Bảo Lạc và Bảo Lâm. Không gian này là cửa ngõ Tây Bắc của du lịch Cao Bằng kết nối với du lịch Hà Giang và các tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây Bắc Việt Nam, là cầu nối của hai Công viên địa chất toàn cầu (Non nước Cao Bằng và Cao nguyên đá Đồng Văn).

Bản đồ không gian du lịch phía Tây Bắc
Bản đồ không gian du lịch phía Tây Bắc

Phương hướng phát triển du lịch gồm: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch trải nghiệm nông nghiệp; Du lịch thể thao mạo hiểm, khám phá; Du lịch văn hóa, trải nghiệm cộng đồng.

Phương án tổ chức phát triển các tuyến tham quan, trải nghiệm du lịch

Căn cứ tổ chức không gian, các khu, điểm du lịch theo lãnh thổ của tỉnh; sự phân bố mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh và cảnh quan môi trường dọc các tuyến đường, định hướng phát triển hệ thống tuyến du lịch chính của Cao Bằng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 bao gồm các tuyến nội tỉnh; các tuyến liên tỉnh, liên vùng và quốc tế như sau:

 –  Tuyến thành phố Cao Bằng – Hà Quảng (Tuyến du lịch “Hành trình về
nguồn cội”): Đây là tuyến du lịch quan trọng nhất của tỉnh Cao Bằng. Các điểm tham quan chính tại thành phố Cao Bằng, huyện Hoà An và huyện Hà Quảng:  Đền Kỳ Sầm, thờ Nùng Chí Cao; Di tích thành Nà Lữ; Di tích thành nhà Mạc; Di tích núi Lam Sơn; Di tích Kim Đồng; Quần thể khu di tích Pắc Bó, Đền Dẻ Đoóng, hang Ngườm Bốc, đền Vua Lê, Vườn Đá, Ngườm Slưa, hóa thạch Cúc Đá, cảnh quan karst Kéo Yên, di chỉ hoạt động của đứt gãy Cao Bằng – Tiên Yên. Trong đó trọng tâm là Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó cùng các dấu ấn quãng đời hoạt động cách mạng 1941 – 1944 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 –  Tuyến thành phố Cao Bằng – Trùng Khánh (Tuyến du lịch “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”): Theo quốc lộ số 3 nối với đường tỉnh 206 và 211, chiều dài toàn tuyến khoảng 100 km; Các điểm tham quan chính gồm: Đèo Mã Phục, làng nghề rèn Pác Rằng (xã Phúc Sen), Thị trấn Thông Huề; thị trấn Trùng Khánh; Thác Bản Giốc, Động Ngườm Ngao, Chùa Trúc Lâm Bản Giốc, cảnh quan sông Quây Sơn, Bản dân tộc Khuổi Ky, cửa khẩu Trà Lĩnh (huyện Trùng Khánh) và các giá trị địa chất… Trong đó trọng tâm là cụm điểm của khu du lịch thác Bản Giốc;

 –  Tuyến thành phố Cao Bằng – Nguyên Bình (Tuyến du lịch “Khám phá Phja Oắc vùng núi của những đổi thay”) đi theo quốc lộ 34 và đường tỉnh 102, chiều dài khoảng 50 km; Các điểm tham quan chính: Di chỉ đại dương cổ, đồn Khai Phắt, Hợp tác xã thêu hoa văn và in sáp ong của người Dao Tiền, mỏ thiếc Tĩnh Túc, vonfram Lũng Mười và Bản Ổ, trang trại cá hồi Phja Đến, đồn điền chè Kolia và trọng tâm là Vườn quốc gia Phja Oắc – Phja Đén và Di tích quốc gia đặc biệt Khu rừng Trần Hưng Đạo;

 –  Tuyến thành phố Cao Bằng – Thạch An (Tuyến đường lửa hùng tráng) theo quốc lộ 4A, chiều dài khoảng 40km; Quần thể di tích chiến thắng biên giới; động Ngườm Pục, núi Báo Đông, các giá trị địa chất;

Các tuyến du lịch bổ trợ được định hướng để kết nối với các tuyến chính làm tăng thêm thời gian cũng như bổ sung điểm tham quan du lịch cho tuyến du lịch chính gồm:

 –  Tuyến Nguyên Bình – Bảo Lạc – Bảo Lâm: Đây là tuyến nối dài của tuyến du lịch chính thành phố Cao Bằng với Nguyên Bình theo quốc lộ 34 và các tuyến đường tỉnh. Các điểm tham quan chính: Các điểm du lịch của Bảo Lạc và Bảo Lâm;

 –  Tuyến Hà Quảng (thị trấn Xuân Hòa) – Trùng Khánh: Đây là tuyến vành đai biên giới, nối dài cho các tuyến thành phố Cao Bằng – Hà Quảng và thành phố Cao Bằng – Trùng Khánh theo quốc lộ 4A và các tuyến đường tỉnh 211, 206.  Các điểm tham quan chính: Các điểm cảnh quan, bản dân tộc và các giá trị địa chất dọc biên giới Việt Trung;

 –  Tuyến Hà Quảng (thị trấn Xuân Hòa)Nguyên Bình: Đây là tuyến nối dài cho các tuyến thành phố Cao Bằng – Hà Quảng và thành phố Cao Bằng – Nguyên Bình theo đường tỉnh 204 qua thị trấn Thông Nông. Các điểm tham quan chính: Các điểm cảnh quan, bản dân tộc trên địa bàn Hà Quảng như cửa khẩu Sóc Giang, Bãi Tình, thác Nặm Ngùa, v.v…;

 –  Tuyến Trùng Khánh – Quảng Hoà: Đây là tuyến nối dài cho các tuyến thành phố Cao Bằng – Trùng Khánh theo đường tỉnh 206 và quốc lộ 3. Các điểm tham quan chính: Các điểm cảnh quan, bản dân tộc trên địa bàn huyện Quảng Hoà như cửa khẩu Tà Lùng, Chùa Trúc lâm Tà Lùng, Khu lưu niệm Bế Văn Đàn, Ngườm Lồm, Năm Khao, v.v…

 –  Tuyến Trùng KhánhHạ Lang: Đây là tuyến nối dài cho các tuyến thành phố Cao Bằng – Trùng Khánh theo đường tỉnh 206, 207. Các điểm tham quan chính: Các điểm cảnh quan, bản dân tộc trên địa bàn huyện Hạ Lang như Cửa khẩu Lý Vạn, cảnh quan hạ lưu sông Quây Sơn, thôn Lũng Luông, v.v…

 –  Tuyến Thạch An – Quảng Hoà: Đây là tuyến nối dài cho các tuyến thành phố Cao Bằng – Thạch An theo đường tỉnh 208 và quốc lộ 3. Các điểm tham quan chính: Các điểm cảnh quan, bản dân tộc trên địa bàn huyện Quảng Hoà.

Tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng của Cao Bằng được định hướng phát triển dựa trên hệ thống tuyến du lịch quốc gia và vùng Trung du miền núi phía Bắc:

 Tuyến Cao Bằng – Bắc Kạn – Thái Nguyên – Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng: Lộ trình tuyến theo quốc lộ 3.

 –  Tuyến Cao Bằng – Lạng Sơn – Quảng Ninh và các tỉnh Duyên hải Đông Bắc: Lộ trình tuyến theo quốc lộ 4 (Avà B), quốc lộ 18…

 Tuyến Cao Bằng – Lạng Sơn – Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng: Lộ trình tuyến theo quốc lộ 4A và quốc lộ 1A. Trong giai đoạn phát triển đến năm 2030, tuyến Cao Bằng – Lạng Sơn có thể phát triển dựa trên tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trùng Khánh (Trà Lĩnh cũ).

 –  Tuyến du lịch Cao Bằng – Hà Giang và các tỉnh vùng núi phía Bắc: Lộ trình tuyến theo quốc lộ 34 và 4C

Du lịch Cao Bằng chủ yếu phát triển các tuyến quốc tế với Quảng Tây (Trung Quốc) và lân cận qua cửa khẩu Tà Lùng:

 –  Tuyến du lịch Cao Bằng – Long Châu – Nam Ninh – Bắc Hải. Thời gian dự kiến: 4 ngày, 3 đêm.

 –   Tuyến du lịch Cao Bằng – Nam Ninh – Quế Lâm – Liễu Châu: Thời gian dự kiến: 5 ngày, 4 đêm.

 –  Tuyến du lịch Cao Bằng – Long Châu – Nam Ninh – Bắc Kinh: Thời gian dự kiến 5 ngày, 4 đêm.

Tài liệu kèm theo:


Rate this post
Bài trướcQuy hoạch phát triển đô thị tỉnh Cao Bằng đến 2030, tầm nhìn 2050
Bài tiếp theoBản đồ quy hoạch – Kế hoạch sử dụng đất huyện Đông Hưng (Thái Bình) đến 04/2024

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây