Trang chủ Quy hoạch Quy hoạch phát triển khu du lịch tỉnh Sơn La đến 2030,...

Quy hoạch phát triển khu du lịch tỉnh Sơn La đến 2030, tầm nhìn 2050

51
0

Quy hoạch định hướng phát triển không gian các khu du lịch tỉnh Sơn La đến 2030, tầm nhìn đến 2050.

Sơn La là tỉnh có nhiều tiềm năng về tự nhiên (cảnh quan thiên nhiên đẹp và hấp dẫn; khí hậu trong lành, mát mẻ; hệ thống hang động kỳ thú, bí ẩn, còn hoang sơ; có nhiều loài hoa bản địa: hoa Ban, hoa đào, hoa gạo, hoa ngũ sắc…); về xã hội, tài nguyên du lịch văn hóa (với 12 dân tộc giàu bản sắc truyền thống dân tộc) và hệ thống hạ tầng kinh tế du lịch khá phong phú nên có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Giai đoạn 2011-2020, tỉnh đã phát triển 05 nhóm sản phẩm du lịch chủ đạo bao gồm: (1) Du lịch sinh thái, nông nghiệp; (2) Du lịch văn hoá, lịch sử; (3) Du lịch cộng đồng; (4) Du lịch nghỉ dưỡng, giải trí; (5) Du lịch MICE (hội thảo, hội nghị).


Hiện trạng các khu du lịch tỉnh Sơn La

1. Khu du lịch QG Mộc châu – Vân Hồ

Đây là cụm du lịch quan trọng nhất tỉnh Sơn La, giá trị nổi bật của cụm du lịch là điều kiện khí hậu thuận lợi của cao nguyên Mộc Châu cùng cảnh quan nông nghiệp, cảnh quan địa hình và bản làng văn hóa. Chính vì vậy loại hình du lịch nổi bật gồm du lịch nghỉ dưỡng; du lịch chữa bệnh; du lịch nông nghiệp; du lịch sinh thái kết hợp văn hóa, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, du lịch cộng đồng và du lịch tham quan. Trong đó khu trung tâm của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu có diện tích 1.502 ha (thuộc địa bàn huyện Mộc Châu 920 ha và huyện Vân Hồ 582 ha).

Thắng cảnh thác Nàng tiên, một địa điểm du lịch ấn tượng tại huyện Vân Hồ. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)
Thắng cảnh thác Nàng tiên, một địa điểm du lịch ấn tượng tại huyện Vân Hồ. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

2. Khu du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La

Khu du lịch gồm hai phân khu là Khu du lịch lòng hồ huyện Mường La và Khu du lịch lòng hồ huyện Quỳnh Nhai có các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch tham quan văn hoá lịch sử; du lịch cộng đồng; du lịch khám phá và thể thao mạo hiểm. Đặc biệt hệ sinh thái tại khu bảo tồn thiên nhiên Mường La và KBTTN COPIA

3. Khu du lịch Bắc yên – Tà Xùa

Khu du lịch có quy mô 13.000 ha(thiên đường săn mây) nổi bật với giá trị tài nguyên du lịch văn hóa như bản làng văn hóa, cảnh quan văn hóa, di tích lịch sử) kết hợp tài nguyên du lịch nhiên tạo nên sự hấp dẫn du lịch cho vùng phía Đông tỉnh Sơn La.


4. Khu du lịch xã Ngọc Chiến

Khu du lịch xã Ngọc Chiến huyện Mường La cách nhà máy thủy điện Sơn La khoảng 40km có suối nước nóng nổi tiếng. Có thể xem đây là khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tắm khoáng chữa bệnh và vui chơi giải.

5. Khu du lịch Đèo Pha Đin

Khu du lịch này có độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, cách trung tâm văn hoá lịch sử Tp. Sơn La 50km, được mệnh danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” vùng Tây Bắc với vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng, nhiều ngọn núi cao hòa quyện với mây trời.

Khu du lịch Pha Đin Top - Điểm đến hấp dẫn du khách trên đèo Pha Đin.
Khu du lịch Pha Đin Top – Điểm đến hấp dẫn du khách trên đèo Pha Đin.

Quy hoạch đến 2030, tầm nhìn đến 2050

Quy hoạch phát triển du lịch Sơn La trên cơ sở kế thừa, phát huy và hoàn chỉnh 05 loại hình du lịch đã hình thành từ giai đoạn 2011-2020 như: 05 nhóm sản phẩm du lịch chủ đạo bao gồm:


(1) Du lịch sinh thái, nông nghiệp;

(2) Du lịch văn hoá, lịch sử;

(3) Du lịch cộng đồng;


(4) Du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và sức khỏe;

(5) Du lịch chuyên đề, với hạ tầng dịch vụ đồng bộ, hiện đại và chuyên nghiệp;

Tỉnh xác định phấn đấu đến năm 2030 du lịch Sơn La trở thành một ngành kinh tế quan trọng đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh, thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển; góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo; bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và an ninh quốc phòng. Cụ thể:

1. Giai đoạn 2021-2030: Phấn đấu đưa du lịch Sơn La trở thành điểm đến an toàn hấp dẫn của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên nghiệp bền vững và hội nhập quốc tế; phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch.

Định hướng đến năm 2025, Mộc Châu được công nhận là Khu du lịch Quốc gia, trở thành một trong những khu du lịch hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; giữ vững hạng mục giải thưởng “Điểm đến du lịch thiên nhiên hàng đầu thế giới”

Định hướng đến năm 2030, phát triển các khu du lịch cấp tỉnh như: (1) khu DL vùng lòng hồ thủy điện Sơn La huyện Quỳnh Nhai-Mường La; (2) khu DL Bắc Yên (Tà Xùa); (3) khu DL Đèo Pha Đin huyện Thuận Châu; (4) Khu du lịch Ngọc Chiến huyện Mường La; xây dựng sản phẩm điểm du lịch khác biệt, đặc sắc. Phấn đấu Khu du lịch “vùng lòng hồ thủy điện Sơn La” được BVHTTDL đưa vào khu vực có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia.

Đẩy mạnh hình thành và xây dựng hạ tầng du lịch tại các trọng điểm du lịch như: (1) Thành phố Sơn La và phụ cận; (2) Khu du lịch quốc gia Mộc Châu với vùng du lịch Mộc Châu và phụ cận; (3) Vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La; (4) Khu du lịch Pha Đin; (5) Khu du lịch Ngọc Chiến ; (6) các KBTTN Xuân Nha, Sốp Cộp, Tà Xùa… Trong đó trọng điểm (1) & (2) là động lực chủ đạo đến 2030; các trọng điểm còn lại tiếp tục phát triển mạnh ở giai đoạn 2030-2050. Thúc đẩy đào tạo nhân lực và chuyển đổi số trong ngành du lịch; phát triển du lịch thông minh vận hành hiệu quả trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và nền tảng công nghệ số.

2. Giai đoạn 2030-2050: Tiếp tục xây dựng thương hiệu và hoàn chỉnh hạ tầng dịch vụ các khu, điểm, tuyến du lịch; hoàn chỉnh thiết chế du lịch và vận hành hiệu quả các cụm du lịch trong mối liên kết du lịch thành các tour, tuyến; đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch nội địa và quốc tế với Lào, Trung quốc và các nước tiểu vùng Mêkông. Phát triển khu du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La huyện Quỳnh Nhai-Mường La trở thành khu du lịch cấp quốc gia. Phấn đấu đưa Sơn La là điểm đến trong chiến lược “điểm đến hấp dẫn” của du lịch Việt Nam giai đoạn 2030-2050, hướng tới đóng góp một phần quan trọng vào thương hiệu: Việt Nam là một trong ba quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.

Phát triển các loại hình du lịch trên địa bàn tỉnh

Bản đồ phương án quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Sơn La
Bản đồ phương án quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Sơn La

Định hướng các loại hình du lịch

(1). Phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp:

Không gian du lịch sinh thái, nông nghiệp ở Sơn La khá phong phú đa dạng, có thể chia làm hai nhóm chính: (1) Du lịch sinh thái thiên nhiên núi và hồ (Khu DL Mộc châu; Khu DL vùng lòng hồ Sông Đà; Khu DL suối nước nóng Bản Mòng, Hua La, TP. Sơn La; Bản Lướt, Ngọc Chiến, Mường La…); (2) Du lịch sinh thái rừng Xuân Nha, Pa Cốp… Khai thác thêm các khu vực có tiềm năng du lịch sinh thái dựa vào tài nguyên thiên nhiên như thác Dải Yếm (Bản Vặt), Nàng Tiên (Chiềng Khoa, Vân Hồ), Hang Dơi (Mộc Châu), hang vợ chồng A Phủ (Hồng Ngài, Bắc Yên).v.v)

(2). Phát triển du lịch văn hóa, lịch sử:

Tiềm năng phát triển du lịch văn hoá, lịch sử Sơn La có thể chia làm 04 nhóm:

1- Lễ hội truyền thống đặc sắc tại Sơn La (lễ hội của 12 dân tộc như: Lễ hội đua thuyền truyền thống, Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội Mừng Cơm Mới, Lễ hội Hết Chá của người Thái; Lễ hội Cầu mưa của người Thái, xã Mường Sang; Lễ Pang A của người La Ha);

2- Các giá trị kiến trúc, nghệ thuật Sơn La (có Sơn La có 12 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; 63 di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong đó nổi bật nhất là Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La và di tích cách mạng Việt Nam – Lào, cùng 15 di tích Quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh);

3- Các giá trị văn hoá dân gian, nếp sống nương rẫy, trang phục của đồng bào dân tộc tại Sơn La (tại các bản du lịch cộng động, homestay, chợ phiên, ngày hội văn hóa các dân tộc…); Các giá trị tài nguyên nổi trội về văn hoá như Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thê đại diện của nhân loại.

4- Các giá trị lịch sử, cách mạng tại Sơn La (Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, di tích lịch sử cách mạng Việt Nam – Lào, di tích địa điểm lưu niệm Trung đoàn Tây Tiến, Văn bia Quế Lâm ngự chế – Đền thờ vua Lê Thái Tông; Đồn Mộc Lỵ; Kỳ Đài Thuận Châu; Rừng Bản Nhọt; Tập đoàn Cứ điểm Nà Sản, Ngã ba Cò Nòi…)

(3). Phát triển du lịch cộng đồng:

Hiện nay, tỉnh Sơn La đã xây dựng được hơn 10 bản du lịch cộng động tiêu biểu như: Bản Hua Tạt xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ); bản Áng xã Đông Sang, bản Dọi xã Tân Lập, bản Vặt xã Mường Sang, Bàn Tà Số xã Chiềng Hắc (huyện Mộc Châu); Bản Bó Phường Chiềng An, Bản Mòng xã Hua La, bản Hùn, xã Chiềng Cọ; bản Hụm xã Chiềng Xôm (Thành phố Sơn La); Bản Lướt, bản Nà Tâu (huyện Mường La); bản Bon (huyện Quỳnh Nhai)…;

(4) Phát triển du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và sức khỏe:

Nắm bắt được xu thế đó, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La đang đầu tư, phát triển tham quan ngắm cảnh gắn với nhiều loại hình vui chơi giải trí giúp du khách có nhiều sự lựa chọn hơn (Khu du lịch Mộc Châu Island, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu – với điểm nhấn là cầu kính Bạch Long, thì ở đây còn có nhiều dịch vụ vui chơi giải trí đang được đầu tư: nhà hàng Tabamboo được dựng từ 60.000 cây tre tầm vông, tham quan hang động Chim Thần, Zipline, đường trượt Air Sline, khu vui chơi ngoài trời Bouncing Clound…

Khu du lịch Happy Land Mộc Châu:  ở đây du khách có thể thăm quan, chụp ảnh với các thảm hoa rực rỡ sắc màu, trải ngiệm chợ phiên vùng cao, trang trại cừu happy fam và thử thách bản thân với nhiều trò chơi mạo hiểm như trò chơi bóng lăn cỏ, lăn nước… 

Khu du lịch Rừng thông bản Áng (Phonix Mộc Châu, với Khu nhà kính nông nghiệp công nghệ cao được đầu tư hiện đại áp dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến tạo ra những sản phẩm nông nghiệp lần đầu tiên xuất hiện tại Mộc Châu như: dâu tây Nhật Bản, dưa Nam Mỹ, dưa Pepino, cà chua Cherry, rau thủy canh,…Nhà tập Golf 3 tầng với tổng diện tích 800m2, khu du lịch tâm linh, khu vui chơi cảm giác mạnh); Khu chợ đêm Mộc Châu..

Bản đồ khoanh vùng các trọng điểm du lich 2030 & 2050
Bản đồ khoanh vùng các trọng điểm du lich 2030 & 2050

(5). Phát triển du lịch chuyên đề:

Du lịch thể thao, du lịch hội thảo hội nghị, du lịch ẩm thực… du lịch đồng đội – teambuilding là một hình thái du lịch mà trong đó là sinh hoạt tập thể dùng làm cầu nối mang mọi người đến gần nhau để cùng đạt được mục tiêu chung cao hơn như phát triển đội ngũ, tăng tính đoàn kết nội bộ, nâng cao tinh thần tập thể…

Phát triển không gian du lịch:

Các trọng điểm du lịch: Tiếp tục kế thừa và phát triển những định hướng đã hình thành với 03 trọng điểm về du lịch như: (1) Thành phố Sơn La và phụ cận; (2) Khu lịch Mộc Châu gắn với vùng du lịch Mộc Châu và phụ cận; (3) Vùng lòng hồ thuỷ điện Sông Đà. Trong đó trọng điểm (1) & (2) là động lực chủ đạo đến 2030; các trọng điểm còn lại tiếp tục phát triển mạnh ở giai đoạn 2030-2050.

Các khu, điểm du lịch: Tiếp tục kế thừa và phát triển các khu, điểm du lịch đã có định hướng hình thành hoặc đang phát huy tác dụng như:

(1) Khu vực thành phố Sơn La và phụ cận: Tận dụng lợi thế địa phương phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp, nghỉ dưỡng, chữa bệnh và văn hóa lịch sử, cộng đồng gắn với sinh thái núi rừng, lịch sử hình thành và phát triển; Các làng bản dân tộc thiểu số; Hệ thống hạ tầng cho du lịch hội thảo, hội nghị (Tổ chức các hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế). Hệ thống khách sạn, bệnh viện… và các điểm du lịch như: Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La; đình, đền, chùa và các di tích lịch sử khác…

Thống kê các khu điểm du lịch tiêu biểu tại trọng điểm Thành phố Sơn La và phụ cận
Thống kê các khu điểm du lịch tiêu biểu tại trọng điểm Thành phố Sơn La và phụ cận

(2) Khu vực Mộc Châu & phụ cận: Hạt nhân là Khu du lịch quốc gia Mộc Châu bao gồm địa giới hành chính 02 huyện Mộc Châu, Vân Hồ có diện tích 205.405 ha. Trong đó khu trung tâm của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu có diện tích 1.502 ha (thuộc địa bàn huyện Mộc Châu 920 ha và huyện Vân Hồ 582 ha), nằm trên địa bàn xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ), xã Chiềng Khoa (huyện Vân Hồ) và xã Phiêng Luông (huyện Mộc Châu).

Các điểm du lịch tiêu biểu tại khu vực Mộc Châu - Vân hồ
Các điểm du lịch tiêu biểu tại khu vực Mộc Châu – Vân hồ

(3) Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu có tiềm năng về thiên nhiên và văn hóa hiện đang lập “Đề án định hướng phát triển Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành Khu du lịch quốc gia thời kỳ 2021-2030.

Thống kê các khu, điểm du lịch tiêu biểu tại vùng Lòng hồ thủy điện Sơn La & phụ cận
Thống kê các khu, điểm du lịch tiêu biểu tại vùng Lòng hồ thủy điện Sơn La & phụ cận

(4) Các khu vực khác: Là các khu, điểm du lịch hiện hữu và dự kiến mới như: Khu du lịch Ngọc Chiến, Khu KBTTN Mường La gắn với trung tâm Ngọc Chiến; Khu du lịch Bắc yên – Tà Xùa gồm các điểm du lịch Bắc Yên (Pu Nhi, Tà Xùa, Háng Đồng, …) gắn với trung tâm dịch vụ thị trấn Bắc Yên là động lực lớn nhất giúp huyện Bắc Yên phát triển; điểm du lịch Dấu tích xưa tại xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ gắn với di tích hang mộ Tạng Mè và một số điểm tham quan, tín ngưỡng khu vực lân cận; Điểm du lịch sinh thái Hồ Tiền Phong, Hồ Chiềng Khoi; Các điểm dịch vụ bổ trợ khác tại Thuận Châu, Yên Châu, Mai Sơn..

Thống kê các khu, điểm du lịch tiêu biểu phân tán trên địa bàn tỉnh Sơn La
Thống kê các khu, điểm du lịch tiêu biểu phân tán trên địa bàn tỉnh Sơn La

Mặt khác, Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030 dự kiến sẽ nghiên cứu điều chỉnh tổng thể 15 khu vực, cụ thể như sau: (1) Khu vực phía Nam xã Mường Sang, huyện Mộc Châu; (2) Khu vực tiểu khu 8 thuộc địa bàn xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu và xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ; dự kiến xây dựng ga cáp treo, đô thị du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf… (3) Đỉnh Pha Luông, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu; dự kiến xây dựng cáp treo; (4) Khu vực dọc Quốc lộ 6, xã Chiềng Đi, huyện Vân Hồ; (5) Khu vực phía Đông xã Mường Sang, huyện Mộc Châu; (6) Khu vực Bó Nhàng, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ; (7) Khu vực phía Nam, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu; (8) Khu vực xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu và xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ; (9) Khu vực bản Ôn, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu và xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ; (10) Khu vực Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu; (11) Khu vực bản Bướt, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ; (12) Khu vực xã Tân Lập, huyện Mộc Châu; (13) Khu vực bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu; (14) Khu vực Nà Bó, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu; (15)Khu vực xã Hua Păng, huyện Mộc Châu.

Sơ đồ các dự án trong tổng thể quy hoạch chung KDL Quốc Gia Mộc Châu
Sơ đồ các dự án trong tổng thể quy hoạch chung KDL Quốc Gia Mộc Châu

Tài liệu kèm theo:


Rate this post
Bài trướcY Thô Ayun là ai? Cầm đầu nhóm tấn công trụ sở huyện Cu kuin khai gì?
Bài tiếp theoQuy hoạch giao thông tỉnh Sơn La đến 2030, tầm nhìn đến 2050

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây