Trang chủ Quy hoạch Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đến 2030

Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đến 2030

151
0

Quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trên địa bàn 02 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, tỉnh Sơn La, có tổng diện tích tự nhiên là 206.150 ha.

Mới đây, UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến 2030.


1. Phạm vi quy hoạch

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trên địa bàn 02 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, tỉnh Sơn La, có tổng diện tích tự nhiên là 206.150 ha, được giới hạn như sau:

  • Phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh Hòa Bình;
  • Phía Tây và Tây Bắc giáp huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La;
  • Phía Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào;
  • Phía Bắc giáp huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch chung xây dựng trung tâm du lịch trọng điểm gồm 03 khu: Trung tâm nghỉ dưỡng Mộc Châu; trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu; trung tâm vui chơi giải trí Mộc Châu, quy mô khoảng 1.500 ha. Lập quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 gắn kết tổng thể 03 trung tâm với quy mô khoảng 2000 ha (trong đó các khu vực dân cư lân cận quy mô khoảng 500 ha), được giới hạn như sau:


  • Phía Tây Bắc giáp thị trấn nông trường Mộc Châu;
  • Phía Tây Nam và phía Đông Nam giáp xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ;
  • Phía Đông Bắc giáp xã Chiềng Khoa và xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ.

2. Mục tiêu:

– Cụ thể hóa Quyết định số 2050/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Xây dựng và phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trở thành một trong những động lực phát triển du lịch vùng trung du miền núi Bắc Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân và đảm bảo an ninh quốc phòng.

– Quy hoạch xây dựng nhằm phát huy các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa dân tộc, bản sắc địa phương đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển du lịch của vùng trung du miền núi Bắc Bộ cũng như cả nước.

– Định hướng tổ chức không gian, quy hoạch sử dụng đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường, hạ tầng xã hội và dịch vụ đồng bộ cho Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.


– Làm cơ sở pháp lý để quản lý xây dựng và kiểm soát phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu theo quy hoạch, tạo điều kiện triển khai các bước dự án và đầu tư xây dựng tiếp theo.

3. Tính chất:

  • Là khu du lịch cấp quốc gia có tính chất sinh thái, văn hóa với các loại hình du lịch đa dạng.
  • Là vùng trọng điểm phát triển kinh tế phía Nam của tỉnh Sơn La.
  • Là trung tâm sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Sơn La.
  • Là vùng bảo tồn rừng sinh thái quốc gia.
  • Là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng.

4. Các chỉ tiêu phát triển:

– Dân số đến năm 2020 đạt khoảng 205.000 người; đến năm 2030 đạt khoảng 274.500 người.

– Khách du lịch: Đến năm 2020 đạt khoảng 1.650.000 lượt khách; đến năm 2030 đạt khoảng 5.000.000 lượt khách.


– Quy mô cơ sở lưu trú: Đến năm 2020 có nhu cầu khoảng 6.200 phòng; đến năm 2030 có nhu cầu khoảng 20.000 phòng.

5. Định hướng phát triển không gian và sử dụng đất

a) Định hướng phát triển không gian tổng thể:

– Phân vùng kiểm soát, quản lý phát triển:

  • Phân vùng phía Bắc – Đông Bắc: Bao gồm các xã Tân Hợp, Quy Hướng, Nà Mường, Tà Lại, Hua Păng của huyện Mộc Châu và các xã Suối Bàng, Tô Múa, Liên Hòa, Song Khủa, Mường Tè, Quang Minh, Mường Men của huyện Vân Hồ, phát triển dân cư, nông nghiệp, sinh thái gắn với cây lương thực, chăn nuôi gia súc và khai thác phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch trên sông Đà. Xây dựng mật độ thấp, bảo vệ cảnh quan tự nhiên.
  • Phân vùng trung tâm: Bao gồm thị trấn Mộc Châu, thị trấn Nông trường Mộc Châu và các xã Chiềng Hắc, Tân Lập, Phiêng Luông, Mường Sang, Đông Sang của huyện Mộc Châu; các xã Vân Hồ, Chiềng Khoa, Lóng Luông, Chiềng Yên và Mường Men của huyện Vân Hồ. Phát triển kinh tế đô thị – du lịch – nông nghiệp gắn với khai thác tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu và quốc lộ 6, phát triển nông nghiệp công nghệ cao với các sản phẩm đặc trưng (chè, các sản phẩm sữa, rau, hoa, v.v…). Hạt nhân phát triển là thị trấn Mộc Châu, thị trấn Nông trường Mộc Châu và trung tâm du lịch trọng điểm. Xây dựng mật độ trung bình và thấp, khai thác phát triển các dịch vụ du lịch, lưu trú đa dạng, bảo vệ phát triển đồi chè, đồng cỏ đặc trưng phục vụ du lịch sinh thái.
  • Phân vùng Nam – Tây Nam: Bao gồm các xã Chiềng Khừa, Lóng Sập, Chiềng Sơn của huyện Mộc Châu; các xã Chiềng Xuân, Xuân Nha, Tân Xuân của huyện Vân Hồ. Phát triển dân cư – phát triển dịch vụ thương mại và du lịch quốc tế qua cửa khẩu Lóng Sập; du lịch sinh thái rừng đặc dụng Xuân Nha. Xây dựng mật độ thấp, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái tự nhiên.

– Định hướng phát triển hệ thống đô thị gắn với phát triển du lịch:

  • Đô thị Mộc Châu (gồm thị trấn Mộc Châu và thị trấn Nông trường Mộc Châu hiện hữu): Là đô thị du lịch xanh, sinh thái, truyền thống kết hợp hiện đại; là đô thị trung tâm của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV vào năm 2020. Phát triển không gian đô thị gắn kết hài hòa với cảnh quan địa hình tự nhiên. Bảo vệ phát triển các không gian xanh, đồi chè, đồng cỏ trong đô thị. Phát triển các dịch vụ du lịch, lưu trú khách sạn, homestay, vui chơi giải trí đa dạng.
  • Đô thị Vân Hồ: Là đô thị huyện lỵ của huyện Vân Hồ, trung tâm dịch vụ hỗ trợ du lịch. Đạt tiêu chuẩn đô thị loại V vào giai đoạn 2018 – 2020. Phát triển không gian đô thị gắn kết hài hòa với cảnh quan cây xanh, mặt nước, địa hình tự nhiên.
  • Đô thị Lóng Sập: Là đô thị cửa khẩu (nâng cấp lên thành cửa khẩu quốc tế) đóng vai trò hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế – xã hội và dân cư của khu vực biên giới. Đạt tiêu chuẩn đô thị loại V vào giai đoạn 2020 – 2025. Là đô thị hỗ trợ dịch vụ du lịch cửa khẩu.
  • Đô thị Tô Múa: Là đô thị hỗ trợ cho sự phát triển dân cư nông thôn, nông – lâm – thủy sản vùng dọc sông Đà, hỗ trợ du lịch sinh thái nông nghiệp và vùng dọc sông Đà. Đạt tiêu chuẩn đô thị loại V vào giai đoạn 2025 – 2030. Phát triển không gian đô thị gắn kết hài hòa với cảnh quan địa hình tự nhiên.
  • Đô thị Chiềng Sơn: Là đô thị hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế – xã hội và dân cư của tiểu vùng biên giới gắn với du lịch sinh thái rừng đặc dụng Xuân Nha. Đạt tiêu chuẩn đô thị loại V vào giai đoạn 2030. Phát triển không gian đô thị gắn kết hài hòa với cảnh quan địa hình tự nhiên.

– Định hướng phát triển khu dân cư nông thôn gắn với phát triển du lịch:

  • Phân vùng phía Bắc – Đông Bắc: Phân bố theo các tuyến giao thông chính, gắn với các vùng sản xuất tập trung, xây dựng hệ thống hạ tầng nông thôn theo hướng hiện đại hoá. Phát triển nông nghiệp với phương thức nông – lâm – thủy sản kết hợp, phát triển hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn, phát triển du lịch sinh thái.
  • Phân vùng trung tâm: Phân bố dọc theo các trục quốc lộ và lân cận các khu du lịch. Nâng cấp điều kiện ở và dịch vụ hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.
  • Phân vùng Nam – Tây Nam: Phân bố dân cư gắn với các vùng sản xuất tập trung, phát triển nông nghiệp theo phương thức nông, lâm kết hợp, rừng phòng hộ đầu nguồn, đẩy mạnh trồng cây dược liệu, phát triển du lịch sinh thái.

– Định hướng phát triển không gian các ngành kinh tế gắn với phát triển du lịch, dịch vụ: Theo định hướng phát triển du lịch tại Quyết định số 2050/QĐ-TTg, ngày 12 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:

  • Các khu du lịch, bao gồm: Khu du lịch Rừng thông Bản Áng, Khu du lịch Thác Dải Yếm, Trung tâm thương mại cửa khẩu Lóng Sập, Khu du lịch Ngũ động Bản Ôn, Khu du lịch cộng đồng Chiềng Yên, Khu du lịch sinh thái rừng Pa Cốp, Khu du lịch sinh thái rừng Xuân Nha. Hệ thống các điểm du lịch vệ tinh bao gồm: Các bản văn hóa dân tộc, các điểm di tích lịch sử văn hóa, tâm linh, các điểm danh thắng, các suối nước khoáng.
  • Phát triển không gian dịch vụ: Trung tâm dịch vụ gắn với đô thị Mộc Châu và đô thị Vân Hồ; không gian thương mại, cửa khẩu quốc tế Lóng Sập, tạo ra điểm đến du lịch mới và tạo đột phá tăng trưởng.
  • Hệ thống tuyến du lịch bao gồm: Tuyến du lịch liên quốc gia (tuyến du lịch Mộc Châu – Lào; tuyến du lịch Hà Nội – Mộc Châu – Lào – Thái Lan); tuyến du lịch liên vùng Mộc Châu – Sơn La – Điện Biên – Lai Châu và Mộc Châu – Hòa Bình – Hà Nội; tuyến du lịch trong khu du lịch quốc gia Mộc Châu (các tuyến kết nối trung tâm du lịch trọng điểm tới các khu, điểm du lịch vệ tinh); tuyến du lịch khai thác tiềm năng du lịch sông nước dọc theo sông Đà.

– Định hướng phát triển không gian nông, lâm nghiệp: Phát triển các loại cây công nghiệp như chè, dâu tằm. Phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp thúc đẩy phát triển du lịch (trang trại rau, hoa, quả, dược liệu). Quy hoạch và quản lý bảo vệ các khu rừng đặc dụng, rừng sinh thái, rừng bảo tồn thiên nhiên kết hợp phát triển du lịch sinh thái, tham quan, trải nghiệm.

– Định hướng phát triển không gian công nghiệp: Cụm công nghiệp Bó Bun và các điểm công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu. Phát huy các ngành nghề thủ công truyền thống kết hợp hỗ trợ phát triển du lịch làng nghề.

b) Định hướng phát triển không gian trung tâm du lịch trọng điểm, gồm 03 khu: Trung tâm nghỉ dưỡng Mộc Châu; trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu; trung tâm vui chơi giải trí Mộc Châu, quy mô khoảng 2.000 ha (trong đó các khu vực dân cư lân cận quy mô khoảng 500 ha).

– Trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu: Thuộc thị trấn Nông trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu). Diện tích tự nhiên khoảng 442 ha. Phát triển các sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái, văn hóa, dịch vụ lưu trú…. Phát triển các khu chức năng phục vụ các loại hình du lịch đa dạng chính trong trung tâm; các khu dân cư dịch vụ; cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu. Mật độ xây dựng thấp và trung bình; bảo vệ đồi chè, tôn trọng địa hình cảnh quan tự nhiên.

– Trung tâm vui chơi giải trí Mộc Châu: Thuộc xã Phiêng Luông (huyện Mộc Châu) và xã Vân Hồ, Chiềng Khoa (huyện Vân Hồ). Diện tích tự nhiên khoảng 460 ha. Phát triển các loại hình sản phẩm du lịch như vui chơi giải trí đa dạng, nghỉ dưỡng, dịch vụ lưu trú, homestay, khai thác các yếu tố địa hình đồi núi tự nhiên tạo sự đa dạng cảnh quan; cải tạo phát triển các khu dân cư dịch vụ dọc theo tuyến quốc lộ 43. Mật độ xây dựng thấp; bảo vệ, tôn tạo địa hình cảnh quan thiên nhiên.

– Trung tâm nghỉ dưỡng Mộc Châu: Thuộc xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ) và xã Phiêng Luông (huyện Mộc Châu). Diện tích tự nhiên khoảng 600 ha. Phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, nghỉ dưỡng núi, các khu phục vụ nghỉ dưỡng. Mật độ xây dựng thấp (nhà vườn), khai thác tối đa địa hình tự nhiên để tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan.

– Khu dân cư lân cận: Thuộc xã Phiêng Luông, thị trấn Nông trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu), diện tích tự nhiên khoảng 500 ha. Cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu; các khu vực còn lại phát triển các khu chức năng phục vụ du lịch. Xây dựng mới, bổ sung các công trình công cộng tiện ích phục vụ sinh hoạt văn hóa xã hội, giáo dục, y tế, cây xanh công viên thể dục thể thao, kết hợp phát triển du lịch cộng đồng.

c) Định hướng phát triển không gian các khu du lịch khác:

– Khu du lịch Rừng thông Bản Áng: Thuộc xã Đông Sang (huyện Mộc Châu). Là khu vui chơi giải trí, du lịch cuối tuần và các dịch vụ đa dạng khác. Quy mô khu vực lõi khoảng 62 ha, bao gồm: Khu trung tâm, làng văn hóa dân tộc, làng du lịch sinh thái, khu cắm trại, v.v… Mật độ xây dựng thấp, bảo vệ cảnh quan tự nhiên rừng thông, hồ nước, không gian truyền thống bản Áng.

– Khu du lịch Thác Dải Yếm: Thuộc xã Mường Sang (huyện Mộc Châu). Là khu du lịch thăm quan, lưu trú, nghỉ cuối tuần. Quy mô khu vực lõi khoảng 50 ha, bao gồm: Trung tâm dịch vụ và ngắm cảnh, biệt thự du lịch, vườn cây, cửa hàng dịch vụ nhỏ, khu ẩm thực, bãi đỗ xe,… Mật độ xây dựng thấp, bảo vệ cảnh quan, môi trường tự nhiên của thác nước và rừng.

– Khu trung tâm thương mại cửa khẩu Lóng Sập: Thuộc xã Lóng Sập (huyện Mộc Châu). Quy mô khu vực lõi khoảng 10 ha, bao gồm: Trung tâm thương mại cửa khẩu và các hạng mục công trình dịch vụ khác,…. Tổ chức du lịch tham quan, trải nghiệm, giao lưu văn hóa, dịch vụ thương mại cửa khẩu…

– Khu du lịch Ngũ động Bản Ôn: Thuộc thị trấn Nông trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu). Là khu du lịch phục vụ nhu cầu tín ngưỡng và thăm quan. Quy mô vùng lõi khoảng 160 ha, bao gồm: Khu thăm quan hệ thống Ngũ động thiên tạo, khu du lịch văn hóa bản làng, khu du lịch tâm linh, dịch vụ mua sắm,… Mật độ xây dựng thấp, bảo vệ cảnh quan tự nhiên.

– Khu du lịch cộng đồng Chiềng Yên: Thuộc xã Chiềng Yên (huyện Vân Hồ). Quy mô khu vực lõi khoảng 20 ha tập trung xây dựng các công trình dịch vụ phục vụ đón tiếp và các dịch vụ ăn uống, lưu trú, hàng hóa lưu niệm phục vụ khách du lịch. Phát triển du lịch trải nghiệm cộng đồng (homestay), giao lưu văn hóa truyền thống, khai thác bản sắc văn hóa, không gian kiến trúc truyền thống để phát triển du lịch.

– Khu du lịch thác Tạt Nàng: Thuộc xã Chiềng Yên (huyện Vân Hồ). Phát triển du lịch tham quan, lưu trú, nghỉ cuối tuần, sinh hoạt văn hóa. Quy mô khu vực lõi khoảng 50 ha, gồm các hạng mục: Khu trung tâm dịch vụ và ngắm cảnh, hồ cảnh, sân lửa trại, nhà sinh hoạt cộng đồng, cửa hàng dịch vụ nhỏ, khu ẩm thực, bãi đỗ xe, khu lưu trú dạng homestay,…Mật độ xây dựng thấp, thấp tầng, khai thác vật liệu thân thiện môi trường, kiến trúc truyền thống, bảo vệ cảnh quan tự nhiên thác nước, hồ nước, rừng.

– Khu du lịch sinh thái rừng Pa Cốp: Thuộc xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ). Phát triển du lịch dã ngoại, thăm quan, du lịch sinh thái, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái tự nhiên.

– Khu du lịch sinh thái rừng đặc dụng Xuân Nha: Thuộc các xã Chiềng Xuân, Tân Xuân, Xuân Nha (huyện Vân Hồ) và xã Chiềng Sơn (huyện Mộc Châu). Phát triển du lịch dã ngoại, thăm quan, nghiên cứu, học tập. Bảo vệ cảnh quan môi trường tự nhiên rừng đặc dụng phục vụ du lịch sinh thái.

d) Định hướng phát triển không gian vùng đệm Trung tâm du lịch trọng điểm.

Thuộc thị trấn Nông trường Mộc Châu, xã Phiêng Luông (huyện Mộc Châu), xã Chiềng Khoa và xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ). Diện tích khoảng 2.000 ha. Là khu vực hỗ trợ hậu cần, dịch vụ du lịch, chia sẻ một số chức năng linh hoạt cho Trung tâm du lịch trọng điểm:

– Khu vực phía Bắc (hai bên đường cao tốc dự kiến Hòa Bình – Mộc Châu): Dự kiến phát triển hỗn hợp đa chức năng, nhà ở sinh thái hỗ trợ dịch vụ du lịch (homestay), gắn kết đồng bộ với khu dân cư hiện hữu.

– Khu phía Nam (hai bên quốc lộ 6): Dự trữ phát triển các khu dân cư mật độ xây dựng thấp (nhà vườn) với không gian truyền thống gắn với bản làng dân tộc hiện hữu có hạ tầng cơ sở đồng bộ, tiện nghi, hiện đại, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.

6. Định hướng hệ thống hạ tầng xã hội

a) Phát triển hệ thống cơ quan, công sở gắn với quy hoạch khu trung tâm hành chính – chính trị tại các đô thị, trung tâm các xã, phù hợp yêu cầu quản lý, phát triển chung.

b) Xây dựng và phát triển hệ thống các công trình văn hóa gắn với trung tâm du lịch trọng điểm, trung tâm các đô thị. Tôn tạo, bảo vệ các công trình có giá trị nghệ thuật, các di tích cách mạng, lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển kinh tế – du lịch.

c) Bố trí quỹ đất phù hợp cho các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, đặc biệt đào tạo nghiệp vụ kỹ năng dịch vụ du lịch, đào tạo các ngành nghề nông nghiệp công nghệ cao.

d) Xây dựng và phát triển hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe; nâng cấp, hiện đại hóa bệnh viện và trung tâm y tế hiện có; khuyến khích phát triển hệ thống y tế tư nhân.

đ) Hình thành liên kết mạng lưới cây xanh và mặt nước trong toàn bộ không gian khu du lịch, bảo vệ môi trường cảnh quan tự nhiên, rừng đặc dụng, hình thành hành lang bảo vệ dọc các sông, suối lớn, đảm bảo tiêu thoát nước, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng công viên, xây mới hoặc nâng cấp hệ thống công trình thể dục thể thao cấp đô thị, xã, bản.

e) Xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại đảm bảo đáp ứng đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân, đặc biệt đồng bào vùng sâu, vùng xa. Nâng cấp đồng bộ cửa khẩu quốc tế Lóng Sập.

g) Định hướng phát triển nhà ở: Phát triển, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng nhà ở, phù hợp với phong tục tập quán định cư và đời sống kinh tế xã hội, hỗ trợ phát triển dịch vụ cho khu du lịch. Đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội, cải thiện chất lượng nhà ở nông thôn hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.

7. Định hướng phát triển kiến trúc, cảnh quan

a) Kiến trúc, cảnh quan tổng thể vùng du lịch:

– Khai thác và phát huy bản sắc kiến trúc truyền thống các dân tộc, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái tự nhiên. Hạn chế tối đa san lấp, chỉ san lấp cục bộ khi xây dựng để đảm bảo hài hòa với địa hình cảnh quan tự nhiên.

– Các khu vực đô thị hiện hữu: Cải tạo, chỉnh trang cảnh quan đô thị, cải tạo và xây mới các không gian công cộng, không gian mở, không gian xanh, tăng cường các tiện ích công cộng, phát triển hài hòa, gìn giữ phát huy các bản sắc riêng.

– Kiểm soát phát triển xây dựng đô thị, tránh ảnh hưởng, làm biến dạng tới cấu trúc cảnh quan tự nhiên.

b) Kiến trúc, cảnh quan trung tâm du lịch trọng điểm và các khu du lịch:

– Kết hợp hài hòa các yếu tố địa hình tự nhiên, cảnh quan khu vực nông nghiệp với cấu trúc không gian truyền thống, gắn kết với các khu dân cư lân cận.

– Công trình hài hòa với cảnh quan tự nhiên; không xây dựng công trình khối tích lớn làm che khuất tầm nhìn cảnh quan tự nhiên, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, xanh hóa công trình phù hợp với điều kiện vi khí hậu.

c) Kiến trúc, cảnh quan khu dân cư nông thôn:

– Kế thừa phát huy các không gian kiến trúc cảnh quan bản làng truyền thống của các dân tộc, hài hòa với cảnh quan tự nhiên. Khuyến khích xây dựng phát triển nhà vườn sinh thái kết hợp dịch vụ du lịch.

– Khai thác phát huy bản sắc kiến trúc truyền thống cho tổ chức xây dựng công trình công cộng, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, gắn với các tuyến cảnh quan nông nghiệp và tự nhiên. Kiến trúc nhà ở nông thôn phù hợp với phong tục tập quán văn hóa truyền thống các dân tộc.

8. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật

a) Định hướng phát triển hệ thống giao thông:

– Định hướng giao thông đối ngoại:

  • Đường bộ: Đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, quy mô 4 làn xe; các tuyến nâng cấp cải tạo có quốc lộ 6, quốc lộ 43 và hệ thống đường tỉnh 101, 102 và 104.
  • Bến xe đối ngoại: Xây dựng 01 bến xe loại II tại thị trấn Nông trường Mộc Châu và các bến xe loại V và loại VI tại trung tâm các xã.
  • Đường thủy: Nâng cấp cảng Bản Giăng xã Quy Hướng, bến Sao Tua xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu thành cảng chuyên dùng cấp IV.

– Định hướng giao thông đô thị: Các tuyến giao thông đô thị có lộ giới từ 13,5 – 31,5 m.

– Định hướng giao thông Khu trung tâm du lịch trọng điểm: Các tuyến trục chính có lộ giới 31 – 31,5 m; các tuyến liên khu vực có lộ giới 28 – 30 m; các tuyến chính nội khu có lộ giới 20,5 – 22,5 m; các tuyến khác có lộ giới từ 13,5 – 16,5 m. Nghiên cứu bố trí tuyến cáp treo và ga cáp treo trong trung tâm du lịch trọng điểm. Tổ chức mạng lưới đường bám theo địa hình tự nhiên, khai thác cảnh quan, hạn chế san lấp.

– Định hướng giao thông của các điểm du lịch quan trọng khác trong toàn khu du lịch: Các tuyến giao thông nội bộ khu du lịch có lộ giới từ 13,5 m – 16,5 m. Giao thông tôn trọng địa hình cảnh quan tự nhiên, hạn chế san lấp.

– Định hướng giao thông công cộng: Xây dựng hệ thống giao thông vận chuyển hành khách công cộng phù hợp với quy mô, tính chất của từng đô thị, từng khu du lịch.

b) Định hướng cao độ nền và thoát nước mặt:

– Nền xây dựng cho các đô thị, trung tâm du lịch trọng điểm và các khu du lịch tuân thủ quy định tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về quy hoạch xây dựng, QCVN 01: 2008. Hạn chế san lấp lớn, chỉ san lấp cục bộ, khai thác hợp lý địa hình tự nhiên.

– Hành lang thoát lũ, hành lang an toàn lưới điện, hành lang an toàn đê điều; khu vực ven núi đất có khả năng bị lở, trượt, khu vực bị lũ quét: Cấm xây dựng.

– Tăng cường bảo vệ, trồng mới rừng phòng hộ và rừng đầu nguồn; quản lý hiệu quả lưu vực sông Đà. Khoanh vùng cảnh báo theo bản đồ cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá do Viện Địa chất khoáng sản Việt Nam lập.

– Xây dựng hệ thống thoát nước cho các đô thị đạt từ 60 ÷ 100% đường giao thông có cống thoát nước mưa. Tận dụng tối đa địa hình tự nhiên, tiêu thoát nước phân tán, tiêu thoát vào các trục thoát nước tự nhiên.

– Giải pháp cấp nước cho Trung tâm du lịch trọng điểm: Được cấp từ nhà máy nước Mộc Châu 3 công suất 5.000 – 10.000 m3/ngày; khai thác nước mặt hồ Sao Đỏ và nguồn nước ngầm. Sử dụng mạng lưới cấp nước chữa cháy chung với mạng lưới cấp nước của khu vực.

– Giải pháp cấp nước cho các khu du lịch khác: Nguồn nước cấp cho các điểm du lịch lấy từ hệ thống cấp nước tập trung tại khu vực. Một số điểm du lịch có điều kiện địa hình phức tạp, khoảng cách xa, có thể khai thác nguồn nước tại chỗ.

d) Định hướng cấp điện:

– Nguồn điện đến năm 2020: Từ trạm 110 kV Mộc Châu (hiện có) 2 x 25MVA. Các trạm, lưới điện 110 kV phát triển theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Sơn La và được điều chỉnh theo nhu cầu công suất thực tiễn.

– Nguồn điện đến năm 2030: Dự kiến xây dựng trạm 110 kV Vân Hồ công suất 1 x 25MVA. Các trạm, lưới điện 220, 110kV phát triển theo định hướng phát triển điện lực tỉnh Sơn La và được điều chỉnh cho phù hợp trong giai đoạn 2025 – 2035.

đ) Định hướng thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang:

– Thoát nước thải:

  • Xây dựng các trạm xử lý nước thải cho đô thị Mộc Châu với tổng công suất 15.000 m3/ngày đêm, trạm xử lý nước thải cho đô thị Vân Hồ 6.000 m3/ngày đêm.
  • Xây dựng hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn cho đô thị Lóng Sập, Chiềng Sơn và Tô Múa. Nước thải được tập trung và đưa về các khu trạm xử lý hoặc tận dụng khai thác các ao hồ sẵn có để làm sạch sinh học, đảm bảo quy định về môi trường.
  • Khu vực dân cư nông thôn: Sử dụng hệ thống thoát nước chung. Xây dựng nhà vệ sinh hợp quy cách, đảm bảo vệ sinh môi trường.
  • Nước thải công nghiệp, bệnh viện xây dựng riêng biệt theo dự án.
  • Đối với khu du lịch: Các khu vực đón tiếp và dịch vụ du lịch, nước thải sinh hoạt được xử lý cục bộ bằng bể tự hoại hợp quy cách, sau đó sẽ tự thấm hoặc thoát ra hệ thống cống chung.

– Xử lý chất thải rắn: Xây dựng khu xử lý có công nghệ tiên tiến, hiện đại tại Mộc Châu, Vân Hồ.

– Xây dựng mới 02 nghĩa trang trên địa bàn huyện Mộc Châu, huyện Vân Hồ.

e) Định hướng thông tin liên lạc: Đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, đảm bảo cung cấp đầy đủ các loại hình dịch vụ viễn thông. Ngầm hóa hệ thống cấp thông tin liên lạc tại khu vực trung tâm đô thị, trung tâm du lịch trọng điểm. Từng bước hạ ngầm cáp thông tin liên lạc tại các khu đô thị hiện hữu.

9. Định hướng bảo vệ môi trường

a) Các giải pháp chính về bảo vệ môi trường:

Phát triển mô hình kiến trúc xanh thân thiện, duy trì, mở rộng và bảo vệ diện tích mặt nước cây xanh tại khu vực nông thôn và một số khu trung tâm đô thị để bảo vệ môi trường; khuyến khích sử dụng công nghệ thân thiện môi trường trong các lĩnh vực sản xuất và sinh hoạt; khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông công cộng sử dụng năng lượng sạch; sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản, nguồn nước, đảm bảo các quy định về môi trường, xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát định kỳ về môi trường tại các cụm công nghiệp, khu khai thác khoáng sản, khu vực làng nghề và các khu vực khác có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

b) Các giải pháp chủ yếu đối với từng khu vực:

– Các khu du lịch: Gìn giữ và bảo vệ giá trị cảnh quan môi trường tự nhiên; bảo tồn và phát huy hệ sinh thái, tăng cường diện tích cây xanh, duy trì đa dạng sinh học; cải thiện chất lượng nước. Khuyến khích hoạt động du lịch thân thiện môi trường.

– Khu vực phát triển đô thị: Xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom, xử lý nước thải và chất thải rắn; duy trì và phát triển hệ thống cây xanh cảnh quan, mặt nước, hồ điều hòa.

– Cụm công nghiệp: Áp dụng hệ thống quản lý và bảo vệ môi trường theo Bộ tiêu chuẩn ISO 14000.

– Khu vực nông thôn: Đầu tư hệ thống thiết bị phân loại và thu gom rác thải sinh hoạt; xây dựng hệ thống thoát nước hợp vệ sinh; quy hoạch các khu chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung không làm ảnh hưởng tới môi trường; áp dụng các quy trình sản xuất công nghệ cao, sạch trong sản xuất nông nghiệp.

c) Các giải pháp thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu:

Nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng, thích ứng với biến đổi khí hậu; lồng ghép vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, phát triển du lịch, đô thị và nông thôn. Hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Có giải pháp phòng ngừa kịp thời giảm thiểu tối đa do tác động tiêu cực của gió bão, ngập lụt, lũ ống, sạt lở đất.

10. Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư

a) Các chương trình hành động bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa:

Không xem xét các chương trình dự án có tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới môi trường cảnh quan tự nhiên và văn hóa truyền thống bản địa.

Lập các quy định chặt chẽ để quản lý việc xây dựng và kiểm soát phát triển, đặc biệt tại các đô thị đóng vai trò là trung tâm hỗ trợ dịch vụ du lịch như đô thị Mộc Châu và đô thị Vân Hồ.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt chè và chăn nuôi bò sữa và các sản phẩm dược liệu. Phát triển, bảo vệ rừng phòng hộ cảnh quan.

b) Các lĩnh vực ưu tiên đầu tư:

Phát triển các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn, đặc biệt hạ tầng tại các bản làng có tiềm năng khai thác phát triển du lịch cộng đồng, homestay.

Phát triển các khu chức năng, công trình trọng điểm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là du lịch.

Cải tạo và phát huy nguồn tài nguyên đất và tự nhiên, phát triển cộng đồng văn hóa, đào tạo kỹ năng phục vụ du lịch cho cộng đồng, thông tin du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái.

11. Cơ chế kiểm soát và chính sách phát triển khu du lịch Mộc Châu

Kiểm soát quản lý và phát triển khu du lịch có sự tham gia của cộng đồng dân cư và các bộ, ngành trung ương, đảm bảo công khai minh bạch. Kết nối các đơn vị đầu tư, cộng đồng dân cư và các tổ chức có liên quan, cơ quan, chuyên gia từ cấp trung ương đến địa phương và chuyên gia quốc tế.

Áp dụng các cơ chế chính sách ưu tiên cho đầu tư phát triển đối với những dự án xây dựng công trình tiện ích công cộng, cảnh quan, cây xanh, cải tạo vệ sinh môi trường các khu du lịch, khuyến khích sử dụng lao động địa phương. Khuyến khích người dân tham gia đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

Ngày 01/06/2023, UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định số 931/QĐ-UBND về việc Phê duyệt dự toán lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030.


Rate this post
Bài trướcBản đồ quy hoạch – Kế hoạch sử dụng đất thành phố Hòa Bình đến 11/2024
Bài tiếp theoBản đồ quy hoạch – Kế hoạch sử dụng đất huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) đến 11/2024

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây