Trang chủ Quy hoạch Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến 2030, tầm...

Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến 2030, tầm nhìn 2050

75
0

Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến 2030, gồm định hướng phát triển các khu du lịch và khu bảo tồn trên địa bàn.

Hiện trạng các khu du lịch và khu bảo tồn tỉnh Ninh Bình

Hiện trạng khu du lịch

Khái quát hiện trạng phát triển các khu du lịch:


Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt, Ninh Bình sẽ hình thành:

  • 02 khu du lịch QG là: Khu du lịch quốc gia Tràng An (chức năng du lịch Di sản Thế giới) Khu du lịch quốc gia Kênh Gà – Vân Trình (chức năng du lịch tổng hợp)
  • 06 khu du lịch cấp Tỉnh: Khu du lịch Tam Cốc Bích Động ( chức năng du lịch tháitâm linh); Khu du lịch Vân Long (chức năng du lịch sinh thái); Khu vực Kim Sơn – Cồn Nổi (chức năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển); Khu du lịch vườn quốc gia Cúc Phương; Khu du lịch Thung Nham- Động Thiên Hà ( chức năng tham quan hang động và sinh thái làng quê); Khu du lịch hồ Đồng Thái (chức năng du lịch thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng)

* Khu du lịch quốc gia Tràng An:

Được xác định là một khu du lịch quốc gia có quy mô lớn (Khu Di sản khoảng 6.226ha và vùng đệm bao quanh khoảng 6.026ha), nằm trên địa bàn của nhiều đơn vị hành chính (Khu Di sản gồm 12 xã; và vùng đệm gồm 20 xã, phường của 5 huyện và thành phố là TP.Ninh Bình, TP.Tam Điệp, các huyện: Gia Viễn, Hoa Lư và Nho Quan).


Tràng An hiện đang là điểm nhấn thu hút nhiều khách du lịch nhất tại Ninh Bình. Các hoạt động du lịch chủ yếu tại đây là:

  • Du lịch tham quan, nghiên cứu di sản thế giới Tràng An.
  • Du lịch tham quan Làng Thổ dân – phim trường Kong: Skull Island và Hành cung Vũ Lâm.
  • Du lịch tham quan các hang động.
  • Du lịch văn hóa tâm linh (Cố đô Hoa Lư, đền Thái Vi, đền Suối Tiên…).
  • Du lịch sinh thái.
  • Du lịch cộng đồng…

* Khu du lịch QG Nước khoáng nóng Kênh Gà: 

Suối nước khoáng nóng Kênh Gà thuộc thôn Kênh Gà – xã Gia Thịnh – huyện Gia Viễn. Suối chảy ra từ lòng một quả núi nằm trên làng nổi Kênh Gà và đổ vào nhánh sông Hoàng Long. Đây là suối nước khoáng nóng nổi tiếng, đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đưa vào Top 5 suối nước khoáng nóng thu hút khách ở Việt Nam.


* Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động

Khu Tam Cốc – Bích Động nằm trong ranh giới của Quần thể danh thắng Tràng An, có diện tích tự nhiên khoảng 350,3ha. Tam Cốc – Bích Động còn được biết đến với những cái tên nổi tiếng như “Vịnh Hạ Long cạn” hay “Nam thiên đệ nhị động”, là một khu du lịch trọng điểm quốc gia… Toàn khu vực bao gồm hệ thống các hang động núi đá vôi và các di tích lịch sử liên quan đến triều đại nhà Trần nằm chủ yếu ở xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư).

Tam Cốc nghĩa là ba hang: hang Cả, hang Hai và hang Ba. Cả ba hang đều được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng đâm xuyên qua núi. Hang Cả dài 127m, xuyên qua một quả núi lớn, cửa hang rộng trên 20m; trong hang khí hậu khá mát và có nhiều nhũ đá rủ xuống với muôn hình vạn trạng. Hang Hai, cách hang Cả gần 1km, dài 60m, trần hang có nhiều nhũ đá rủ xuống rất kỳ lạ. Hang Ba, gần hang Hai, dài 50m, trần hang như một vòm đá, thấp hơn so với hang Cả và hang Hai.


* Khu du lịch vườn quốc gia Cúc Phương

Hiện nay, vườn quốc gia Cúc Phương đã trở thành một trung tâm cung cấp các loài thực vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao phục vụ cho các chương trình trồng rừng trong khu vực và trên cả nước. Đồng thời Cúc Phương còn là trung tâm bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm, có nguy có tuyệt chủng cao và là nơi tham quan của khách du lịch; giáo dục môi trường cho học sinh, sinh viên; nghiên cứu của các nhà khoa học. 

* Khu du lịch sinh thái Vân Long

Vân Long nằm ở phía đông bắc huyện Gia Viễn, là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Vân Long được đưa vào khai thác phục vụ du lịch từ năm 1998 và hiện nay là một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của cả nước. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long đang sở hữu 2 kỷ lục của Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam năm 2010 đó là: “Nơi có số lượng cá thể voọc mông trắng nhiều nhất” và “Nơi có bức tranh tự nhiên lớn nhất”. Năm 1999, Vân Long trở thành khu bảo tồn thiên nhiên, được ghi trong danh sách các khu bảo vệ đất ngập nước và danh mục hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam.

* Khu du lịch Biển Kim Sơn – Cồn Nổi

Vùng ven biển Kim Sơn là những dải cát mịn ven biển và những cánh rừng ngập mặn trải dài ngút ngàn, những đầm lầy mặn, bãi bồi, cửa sông… dài khoảng 18km, với diện tích trên 105.000 ha, phần lớn còn giữ được trạng thái hoang sơ. Đây là nơi hội tụ của hơn 500 loài động, thực vật thủy sinh, hơn 50 loài cây ngập mặn trên các bãi bồi cửa sông, 200 loài chim, trong đó có nhiều loài quý hiếm đã được ghi vào sách đỏ thế giới như Cò mỏ thìa, Rẽ mỏ thìa… Hiện khu du lịch còn đang sơ khai, chuẩn bị được qui hoạch và kêu gọi đầu tư

* Khu du lịch Hồ Đồng Thái:

Là một hồ nước ngọt nằm bên dãy núi Tam Điệp hùng vĩ thuộc địa bàn xã Yên Đồng và Yên Thái, huyện Yên Mô. Diện tích hồ ở điều kiện mực nước bình thường khoảng 380 ha. Hồ Đồng Thái cùng với vùng núi xung quanh là nơi hoang sơ, có nhiều loài động thực vật quý hiếm.

Hồ Đồng Thái với một bên là tuyến đê dài và một bên là ven núi nên có hình dạng bị cắt xẻ nhiều. Bờ hồ nằm uốn lượn tạo ra nhiều “bán đảo” với nhiều thung lũng đẹp, diện tích từ 2 – 10 ha. Gần với hồ Đồng Thái, nằm trong dãy núi Tam Điệp còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa khác như Cửa Thần Phù, động Thiên Cung, động Suối Lỗ, Phòng Tuyến Tam Điệp…, thuận lợi kết hợp thành những tour du lịch hấp dẫn. Hiện tại hồ Đồng Thái vẫn đang là tiềm năng chờ được qui hoạch và đầu tư. 

* Khu du lịch Thung Nham – Động Thiên Hà:

Thung Nham nằm trong khu rừng đặc dụng Hoa Lư với địa hình cát-tơ đá vôi trồi lên giữa vùng đồng bằng ven biển tương đối bằng phẳng của Miền Bắc Việt Nam. Vùng đá vôi nổi lên này nằm xen kẽ với hàng loạt các khe suối có nước thường xuyên và các thung lũng ngập nước theo mùa. Độ cao tuyệt đối của vùng từ 10 đến 281m.

Thung Nham hiện đang được Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại và du lịch Doanh Sinh đầu tư và khai thác phát triển du lịch thành khu du lịch sinh thái lý tưởng.

Hiện trạng khu bảo tồn

Theo kết quả kiểm kê, đến năm 2016 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 1.499 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 346 di tích đã được xếp hạng, bao gồm: 79 di tích xếp hạng cấp quốc gia (trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt), và 267 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Một số di tích lịch sử văn hóa quan trọng, bao gồm:

* Cố đô Hoa Lư: 

Cố đô Hoa Lư là Quần thể di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt, đồng thời là một trong 4 vùng lõi của Quần thể danh thắng Tràng An. Hệ thống di tích ở Hoa Lư liên quan đến sự nghiệp của các nhân vật lịch sử thuộc ba triều đại Nhà Đinh, Nhà Tiền Lê và khởi đầu Nhà Lý, tính từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ trong lịch sử Việt Nam.

* Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng (làng Trường Yên Thượng, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư)

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng được tọa lạc trên khuôn viên với diện tích khoảng 5ha. Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 17, theo kiểu “nội công, ngoại quốc”. Lớp ngoài là Ngọ môn quan (cổng ngoài) có 3 gian lợp ngói; qua một sân vào đến lớp thứ hai là Nghi môn (cổng trong) với 3 gian dựng bằng gỗ lim kiến trúc theo 3 hàng chân cột. Bốn góc ngoài của Nghi môn có xây bốn cột trụ cao. Đi hết chính đạo, qua hai cột trụ lớn là đến sân rồng. Giữa sân rồng có một long sàng bằng đá xung quanh chạm nổi, dài 1,8m, rộng 1,4m. Hai bên sập rồng có 2 con nghê đá chầu, được tạc trên hai tảng đá xanh nguyên khối.

* Đền thờ Vua Lê Đại Hành (làng Trường Yên Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư)

Đền thờ vua Lê Đại Hành cách đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng chừng 300m. Đền nằm ở làng Trường Yên Hạ nên còn gọi là đền Hạ. Trước mặt đền là núi Đèn, sau lưng là núi Đìa. Đền có quy mô nhỏ hơn đền vua Đinh. Qua Nghi môn ngoại (cửa ngoài) theo đường chính đạo lát gạch, phía bên trái là một hòn non bộ lớn, cao 3m tượng hình chim phượng múa, mỏ quay vào đền, hai cánh như đang bay; phía bên phải là nhà Tiền bái, ở mặt tiền có hòn non bộ “hổ phục” gồm gốc cây duối thân to có 9 núi, tuổi thọ trên 300 năm. Bên trái nhà Tiền bái có hòn non bộ có dáng “voi quỳ” được khắc hai chữ Hán “Bất di”.

* Đền Thái Vy

Đền Thái Vy thuộc thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, được xây dựng theo kiểu “nội công, ngoại quốc”, thờ Vua Trần Nhân Tông, hoàng hậu Thuận Thiên và Vua Trần Thánh Tông, những vị vua đã có công với đất Hoa Lư.

* Đền Vua Đinh Tiên Hoàng (thôn Văn Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn)

Thôn Văn Bòng là quê hương của Đinh Tiên Hoàng đế, vì vậy người dân nơi đây đã lập đền thờ ông. Đền tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 2.500m² quay mặt về hướng Tây, xây tường thấp bao quanh với 3 tòa, kiến trúc theo kiểu “tiền nhất, hậu đinh” liền nhau.

* Đền Trương Hán Siêu

Đền thờ danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu nằm trên địa bàn phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình). Đền được xây dựng cạnh chân núi Non Nước, nơi ngã ba sông Đáy và sông Vân. Đền thờ Trương Hán Siêu được xây dựng năm 1998, gồm 3 gian bái đường và 2 gian hậu cung.

* Chùa Bái Đính

Khu tâm linh núi chùa Bái Đính thuộc Quần thể Danh thắng Tràng An, nằm trên địa bàn xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, cách thành phố Ninh Bình khoảng 15 km, nằm ở phía tây khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư. Bái Đính được mệnh danh là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á, được biết đến với nhiều kỷ lục Châu Á và Việt Nam như: chùa có tượng Phật dát vàng lớn nhất Châu Á, hành lang La Hán dài nhất Châu Á, tháp xá lợi Phật cao nhất Châu Á và tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á…

* Chùa Bích Động (thôn Đam Khê trong, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư)

Chùa Bích Động là một công trình kiến trúc cổ được xây dựng trên sườn núi Bích Động. Điều độc đáo là chùa được xây dụng ở sườn núi cao, dựa vào thế núi. Núi, động và chùa đan quyện, hài hòa bổ sung cho nhau, ẩn hiện giữa những cây đại thụ hòa nhập với cảnh trí thiên nhiên. Chùa Bích Động bao gồm 3 ngôi chùa: chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng.

* Chùa và động Địch Lộng (thuộc xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn)

Chùa Địch Lộng nằm ở phía bắc xã Gia Thanh, cách cầu Đoan Vĩ khoảng 600m về phía Tây, cách thành phố Ninh Bình 15 km về phía Bắc, cách Hà Nội 80 km về phía Nam. Địch Lộng nghĩa là tiếng sáo thổi, khi đứng ở cửa động, gió thổi vào, nghe có tiếng vi vu như tiếng sáo. Chùa Địch Lộng còn có tên gọi khác là Chùa Hang, Cổ Am Tự, hay Nham Sơn.

* Chùa Non Nước

Đây là một ngôi chùa cổ, tọa lạc dưới chân núi Dục Thúy (núi Non Nước), bên bờ sông Đáy và cửa sông Vân. Chùa nằm trên địa phận phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình. Chùa Non Nước được xây dựng từ thời Nhà Lý, dưới đời vua Lý Nhân Tông, quốc sư Nguyễn Minh Không để thờ Phật. Chùa được xây bằng đá, mái cong rồng lượn và đã xuất hiện tháp, trong tháp đặt một tượng Phật chính và một số tượng phụ.

* Nhà thờ đá Phát Diệm (thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn)

Nhà thờ đá Phát Diệm được xây dựng từ năm 1875 đến năm 1898 với trình độ kỹ thuật và điều kiện giao thông còn hạn chế, nhưng việc vận chuyển hàng nghìn tấn đá, có những phiến nặng 20 tấn, hàng trăm cây gỗ lim về tới Phát Diệm để xây nhà thờ cũng là một kỳ tích.

Phương án quy hoạch phát triển các khu du lịch

Quan điểm, mục tiêu

Quan điểm:

– Phát triển du lịch bền vững, phù hợp với chiến lược, quy hoạch cấp trên; hài hòa với các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và môi trường; lợi ích của các ngành, các tổ chức, các doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào chuỗi giá trị du lịch.

– Phát triển du lịch linh hoạt trong bối cảnh kinh tế – xã hội toàn cầu, khu vực và cả nước trước các diễn biến và tác động trực tiếp của BĐKH, dịch bệnh, chính trị, an ninh, quốc phòng cùng với cơ chế, chính sách và phương án phát triển kịp thời thích ứng, linh hoạt trong từng giai đoạn.

– Phát triển du lịch theo tư duy đột phá, đổi mới, sáng tạo gắn với cách mạng 4.0, kinh tế số và công nghệ thông tin truyền thông (ICT) trong việc bảo vệ, khai thác các nguồn tài nguyên du lịch quý giá và quản lý để xây dựng ngành công nghiệp văn hóa với các sản phẩm du lịch khác biệt chất lượng và có tính cạnh tranh cao mang tính liên ngành, liên vùng, đa dạng và độc đáo, tiết kiệm tài nguyên, chi phí đầu tư và ít làm tổn hại đến môi trường.

– Phát triển du lịch trong mối liên kết chặt chẽ liên ngành, liên vùng, liên mùa nhằm khai thác toàn diện các nguồn lực và đa dạng hoá loại hình sản phẩm.

Xem xét bổ sung thêm ”Hiện nay có nhiều loại hình du lịch phù hợp với du lịch cộng đồng, vì nó được sở hữu và quản lý bở cộng đồng như: Du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch bản địa, du lịch làng và du lịch văn hóa. Ngoài ra, việc thúc đẩy các hoạt động nghệ thuật và tổ chức sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở địa phương là một thành phần quan trọng trong các hoạt động du lịch cộng đồng.”

Mục tiêu phát triển:

– Giai đoạn: 2021-2025: Chuyển đổi mô hình hoạt động du lịch và các loại hình dịch vụ kinh doanh du lịch, sản phẩm du lịch để thích ứng với thị trường mới, bối cảnh mới hậu Covid 19. Linh hoạt sáng tạo để tìm các giải pháp khôi phục hoạt động du lịch sau ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19. Xây dựng nền tảng cho ngành công nghiệp văn hóa để bảo tồn, phát huy hiệu quả, bền vững các giá trị di sản thiên nhiên – văn hóa, tạo ra chuỗi giá trị toàn diện, thu hút nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, đón 1,0 triệu lượt khách du lịch quốc tế (trong đó có 250 nghìn lượt khách lưu trú) và 7 triệu lượt khách du lịch nội địa (trong đó có 1,0 triệu lượt khách lưu trú); tốc độ tăng GRDP du lịch đạt khoảng 13,8%/năm, chiếm 5,6% GRDP toàn tỉnh;

– Giai đoạn: 2026-2030: Ninh Bình phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch của cả nước, trung tâm du lịch văn hoá tâm linh hàng đầu Việt nam. Du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn đầu tàu tạo động lực cho sự phát triển của các ngành liên quan. Tạo bước đột phá phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ. Thu hút 2,0 triệu lượt khách du lịch quốc tế (trong đó có 0,6 triệu lượt khách lưu trú) và 10,0 triệu lượt khách du lịch nội địa (trong đó có 2,0 triệu lượt khách lưu trú); tốc độ tăng GRDP du lịch đạt khoảng 16,7%/năm, chiếm 5,8% GRDP toàn tỉnh;

– Tầm nhìn đến năm 2050: Ninh Bình phấn đấu trở thành điểm du lịch nổi tiếng Thế giới với thương hiệu có sức cạnh tranh cao ở khu vực châu Á. Hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ ở tầm quốc tế. Thu hút 6,3 triệu lượt khách du lịch quốc tế (trong đó 2,8 triệu lượt khách lưu trú) và 22 triệu lượt khách nội địa (trong đó 8 triệu lượt khách lưu trú). 

Dự báo nhu cầu và các chỉ tiêu phát triển

– Giai đoạn: 2021-2025: Đón 1,0 triệu lượt khách du lịch quốc tế (trong đó có 250 nghìn lượt khách lưu trú) và 7 triệu lượt khách du lịch nội địa (trong đó có 1,0 triệu lượt khách lưu trú); tốc độ tăng GRDP du lịch đạt khoảng 13,8%/năm, chiếm 5,6% GRDP toàn tỉnh.

Năm 2025: Dự kiến số lượng buồng phòng lưu trú là 9.200 phòng (trong đó 1.500 phòng đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao). Ưu tiên phát triển khách sạn 5 sao tại thành phố Ninh Bình và phụ cận, khu vực Quần thể danh thắng Tràng An và khu vực Kênh Gà – Vân Trình.

– Giai đoạn: 2026-2030: Đón 2,0 triệu lượt khách du lịch quốc tế (trong đó có 0,6 triệu lượt khách lưu trú) và 10,0 triệu lượt khách du lịch nội địa (trong đó có 2,0 triệu lượt khách lưu trú); tốc độ tăng GRDP du lịch đạt khoảng 16,7%/năm, chiếm 5,8% GRDP toàn tỉnh.

Năm 2030: Dự kiến số lượng buồng phòng lưu trú là 13.000 phòng (trong đó 2.600 phòng đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao). Ưu tiên phát triển khách sạn 5 sao tại thành phố Ninh Bình và phụ cận (3 khách sạn), khu vực Quần thể danh thắng Tràng An (2 khách sạn) và khu vực Kênh Gà – Vân Trình (2 khách sạn), khu vực Vân Long (1 khách sạn), khu vực ven biển Kim Sơn – Cồn Nổi (2 khách sạn), khu vực Vườn quốc gia Cúc Phương – hồ Đồng Chương (2 khách sạn).

– Tầm nhìn đến năm 2050: Đón 6,3 triệu lượt khách du lịch quốc tế (trong đó 2,8 triệu lượt khách lưu trú) và 22 triệu lượt khách nội địa (trong đó 8 triệu lượt khách lưu trú).

Năm 2050: Dự kiến số lượng buồng phòng lưu trú là 45.000 phòng (trong đó 15.000 phòng đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao)

Các định hướng phát triển

Không gian du lịch theo cấu trúc: 08 phân khu, 03 điểm nhấn, 03 tuyến và 01 trung tâm theo quy hoạch phát triển du lịch tỉnh 2018.

Bản đồ định hướng tổ chức không gian và tuyến, điểm du lịch Ninh Bình
Bản đồ định hướng tổ chức không gian và tuyến, điểm du lịch Ninh Bình

* 08 phân khu bao gồm:

  • Thành phố Ninh Bình và phụ cận (chức năng du lịch đô thị). Dự kiến cần thêm 3 KS cao cấp (4,5 sao)
  • Khu vực Quần thể danh thắng Tràng An (chức năng du lịch Di sản Thế giới và văn hóa – lịch sử). Dự kiến cần thêm 2 KS cao cấp (4,5 sao).
  • Khu vực Kênh Gà – Vân Trình (chức năng du lịch tổng hợp). Dự kiến cần thêm 2 KS cao cấp (4,5 sao)
  • Khu vực Vân Long (chức năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng). Dự kiến cần thêm 1 KS cao cấp (4,5 sao)
  • Khu vực ven biển Kim Sơn – Cồn Nổi (du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển). Dự kiến cần thêm 2 KS cao cấp (4,5 sao)
  • Khu vực vườn quốc gia Cúc Phương – hồ Đồng Chương (du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, nghiên cứu động vật hoang dã, thể thao…). Dự kiến cần thêm 2 KS cao cấp (4,5 sao).
  • Khu vực Hồ Yên Thắng, hồ Đồng Thái (chức năng du lịch thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp).
  • Khu vực Đồng Giao – Tam Điệp (du lịch văn hóa – lịch sử, sinh thái nông nghiệp công nghệ cao).

* 03 điểm nhấn để tạo đột phá cho du lịch tỉnh Ninh Bình là:

– Khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An (bao gồm khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, Cố đô Hoa Lư, Chùa Bái Đính): Trong giai đoạn tới xây dựng và hoàn thiện để trở thành khu du lịch quốc gia của tỉnh, phát triển loại hình du lịch di sản, văn hóa – lịch sử, tham quan thắng cảnh gắn với bảo tồn, bảo tàng nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Ưu tiên xây dựng và tái hiện không gian văn hóa kinh đô Hoa Lư xưa ở khu vực xã Trường Yên, phát triển du lịch sinh thái khu vực xã Yên Sơn giáp với sông Bến Đang, không gian văn hóa làng nghề thêu truyền thống ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư và tái hiện cách người tiền sử sinh sống, thích ứng với những biến đổi khí hậu, môi trường, cảnh quan trong Quần thể danh thắng Tràng An gắn với diễn giải các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản. Vùng đệm xung quanh khu vực di tích Tràng An, Hoa Lư, ưu tiên nông nghiệp sạch, công nghiệp chất lượng cao. Các vùng Sơn Hà, Nho Quan tập trung dự trữ đất dành cho phát triển các dự án phát triển dịch vụ du lịch gắn với phát huy giá trị di tích.

– Tổ hợp nghỉ dưỡng du lịch Kênh Gà – Vân Trình: Định hướng phát triển với các chức năng chính: sân golf; khách sạn, biệt thự du lịch; khu nghỉ dưỡng, chữa bệnh khoáng nóng; khu vui chơi giải trí đa chức năng; hồ nước; thung lũng thiên nhiên; khu hội nghị, hội thảo, spa; khu mua sắm; trường đua…

– Các khu du lịch nghỉ dưỡng Cúc Phương, Vân Long, vùng ven biển Kim Sơn: Quy hoạch khu vực vườn quốc gia Cúc Phương, Vân Long trở thành các phân khu chức năng du lịch sinh thái hấp dẫn bậc nhất ở khu vực phía Bắc và cả nước. Đặc biệt, để có sự phát triển bứt phá, du lịch Ninh Bình cần hướng ra biển. Dải rừng ngập mặn ven biển Kim Sơn với nhiều loài loài chim, thú, thủy sản sinh sống…; cùng với Cồn Nổi nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới liên tỉnh Châu thổ Sông Hồng là tài nguyên du lịch biển rất có giá trị phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển.

Các điểm nhấn chính này sẽ trở thành đầu tàu, động lực thu hút khách, định vị hình ảnh, thương hiệu cho du lịch Ninh Bình đồng thời từng bước mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm trên cơ sở lan tỏa tới các không gian du lịch còn lại, tạo nên các tuyến du lịch đan xen và liên kết trong tỉnh và liên vùng.

* 03 tuyến du lịch then chốt là:

– Tuyến du lịch tâm linh độc đáo hành trình con đường di sản: Quần thể Danh thắng Tràng An – Cố đô Hoa Lư – Động Am Tiên – Khu tâm linh núi chùa Bái Đính – Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình) – chùa Tam Chúc (Hà Nam) – chùa Hương và Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).

– Các tuyến du lịch du thuyền bằng đường thủy: Tuyến đường thủy kết nối thành phố Ninh Bình với khu du lịch sinh thái Tràng An qua sông Sào Khê, công viên văn hóa Tràng An; Tuyến du thuyền từ thành phố Ninh Bình đến Khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình qua sông Đáy và sông Hoàng Long; Tuyến du lịch sông trong thành phố Ninh Bình kéo dài từ núi Kỳ Lân ra sông Đáy…

– Tuyến du lịch liên vùng hành trình di sản kinh đô Việt cổ: Đền Hùng (Phú Thọ) – Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) – cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) – Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) – Phượng Hoàng Trung Đô (Nghệ An) – cố đô Huế (Thừa Thiên Huế).

* 01 Trung tâm dịch vụ du lịch tại thành phố Ninh Bình:

Phát triển các trọng điểm trong khu vực đô thị tập trung thành các tuyến, phố du lịch, hình thành hệ thống khách sạn, nhà hàng, dịch vụ cao cấp, trung tâm mu sắm, vui chơi giải trí, du thuyền trên sông tại trung tâm đô thị; xây dựng các tuyến phố mua sắm đặc trưng, nâng cấp, phát triển các tuyến phố đi bộ, phát triển kinh tế ban đêm.

Đầu tư trở thành tâm điểm đón tiếp, phân phối khách, tập trung lưu trú, lữ hành, dịch vụ MICE, giải trí, ẩm thực, mua sắm…và hệ thống dịch vụ bổ sung kết nối với các điểm du lịch vệ tinh trên địa bàn toàn tỉnh.

* Các khu, điểm du lịch bao gồm:

  • 02 khu du lịch cấp quốc gia: (i) Khu du lịch quốc gia Quần thể danh thắng Tràng An; (ii) Khu du lịch quốc gia Kênh Gà – Vân Trình;
  • 06 khu du lịch cấp tỉnh gồm: (i) Khu du lịch Tam Cốc Bích Động; (ii) Khu du lịch Cúc Phương; (iii) Khu du lịch sinh thái Vân Long; (iv) Khu du lịch hồ Đồng Thái; (v) Khu du lịch Thung Nham – Động Thiên Hà; (vi) Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển Cồn Nổi;
  • Các điểm du lịch di tích lịch sử – văn hóa, danh thắng thiên nhiên, các làng nghề truyền thống trên địa bàn;
  • Các trung tâm dịch vụ bổ trợ các khu du lịch và các điểm du lịch:

Thành phố Ninh Bình – Trung tâm bổ trợ chính; thành phố Tam Điệp; thị trấn thuộc các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn;

Giải pháp và nguồn lực thực hiện

Quản lý chặt chẽ việc thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và trong quy hoạch các ngành, lĩnh vực liên quan. Bổ sung các nội dung phát triển du lịch đến năm 2050 trong Quy hoạch vùng tỉnh Ninh Bình, phù hợp chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Cơ cấu lại ngành du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo 4 lĩnh vực cơ bản: cơ cấu lại thị trường khách du lịch; cơ cấu lại sản phẩm du lịch; cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch; cơ cấu lại nguồn nhân lực du lịch.

Ưu tiên thị trường khách du lịch chi trả cao, lưu trú dài ngày; điều chỉnh linh hoạt, kịp thời thị trường du lịch khi có biến động tích cực hoặc khủng hoảng.

Nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch sáng tạo đột phá, với hàm lượng chất xám cao, có khả năng thích ứng linh hoạt với biến đổi khí hậu và đại dịch. Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, có giá trị gia tăng cao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nội địa và quốc tế; ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch “xanh”, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương.

Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành du lịch để kết nối nhằm hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch và phục vụ công tác quản lý; xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh để kết nối hạ tầng dịch vụ du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ và cơ sở lưu trú du lịch.

Xây dựng chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng dài hạn, chuyên nghiệp,hiệuquả, có nội dung cụ thể gắn với nhu cầu, thị hiếu của từng thị trường, đảm bảo đồng bộtừ khâu nghiên cứuthị trường, xây dựng sản phẩm đến xúc tiến,quảng bá. Xây dựng các trạm hỗ trợ du khách tương tác ảo tìm hiểu thông tin du lịch trực tuyến và tại các khu du lịch lớn của tỉnh.

Hoàn thiện các chính sách, cơ chế phù hợp thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững. Ban hành các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích các hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công – tư, tạo môi trường thuận lợi thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự trong lĩnh vực du lịch, tạo môi trường thuận lợi để phát triển ngành du lịch của tỉnh. Khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng tham gia vào các hoạt động du lịch nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực (vốn đầu tư, lao động và kinh nghiệm…) trong cộng đồng dân cư để đa dạng hóa các dịch vụ du lịch như dịch vụ homestay, dịch vụ chuyên chở khách, hướng dẫn du lịch, sản xuất và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cung cấp lương thực, thực phẩm…


Rate this post
Bài trướcQuy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến 2030, tầm nhìn 2050
Bài tiếp theoQuy hoạch phát triển hệ thống đô thị tỉnh Ninh Bình đến 2030, tầm nhìn 2050

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây