Trang chủ Quy hoạch Quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh Gia Lai đến 2030, tầm...

Quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh Gia Lai đến 2030, tầm nhìn 2050

120
0

Quy hoạch hệ thống đô thị của tỉnh Gia Lai được xây dựng dựa trên cấp đơn vị hành chính, gồm: TP Pleiku, thị xã An Khê và Ayun Pa. Các đô thị chủ yếu được phân bố trên các hành lang kinh tế đô thị quốc tế và quốc gia như Quốc lộ 19, Quốc lộ 14 và Quốc lộ 25.

Hiện trạng phân bố hệ thống đô thị tỉnh Gia Lai

Hệ thống đô thị của tỉnh Gia Lai được xây dựng dựa trên cấp đơn vị hành chính. Thành phố Pleiku là đô thị trung tâm của tỉnh, trong khi các thị xã An Khê và Ayun Pa đóng vai trò là trung tâm của các tiểu vùng. Hiện nay, mạng lưới đô thị trên toàn tỉnh đã hoàn chỉnh. Các tiểu vùng đã có trung tâm tiểu vùng, đó là các đô thị loại IV (thị xã). Hầu hết các huyện trong tỉnh cũng có đô thị trung tâm huyện, trừ huyện Ia Pa hiện vẫn chưa có đô thị trung tâm huyện lỵ. Các đô thị chủ yếu được phân bố trên các hành lang kinh tế đô thị quốc tế và quốc gia như Quốc lộ 19, Quốc lộ 14 và Quốc lộ 25.


Bản đồ hiện trạng hệ thống đô thị tỉnh Gia Lai
Bản đồ hiện trạng hệ thống đô thị tỉnh Gia Lai

Tình trạng hiện tại và các vấn đề đang tồn tại

Hiện nay, các trung tâm đô thị của tỉnh Gia Lai vẫn còn tương đối phân tán và chưa có sự phát triển đồng đều giữa đô thị trọng tâm và đô thị động lực của các tiểu vùng.

Đối với đô thị trung tâm là thành phố Pleiku, đã có sự công nhận là đô thị loại I. Tuy nhiên, chất lượng đô thị hiện tại được đánh giá qua hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật chỉ đạt ở mức tối thiểu theo tiêu chuẩn. Thành phố đã có Chương trình phát triển đô thị được phê duyệt, đây sẽ là căn cứ để triển khai từng bước xây dựng và nâng cao chất lượng đô thị.

Thị xã An Khê đã đạt được 46/59 tiêu chuẩn theo yêu cầu của đô thị loại III (miền núi). Thị xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện 9/13 tiêu chuẩn chưa đạt, nhằm hoàn thành trong giai đoạn 2020-2025. Các tiêu chí còn lại không thể đạt do điều kiện khách quan theo quy định của tiêu chuẩn đô thị loại III và yêu cầu đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Các tiêu chí chưa đạt chủ yếu tập trung vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông, viễn thông, thoát nước thải và xử lý chất thải rắn.


Thị xã Ayun Pa sau khi được thành lập đã nhận được sự quan tâm và đầu tư phát triển, nhằm đạt các tiêu chuẩn của đô thị loại III. Các tiêu chí về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đã đạt được cơ bản.

Các đô thị còn lại chủ yếu là các đô thị trung tâm huyện. Các đô thị này thường có quy mô nhỏ, chất lượng đô thị còn kém, và hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ do thiếu nguồn lực của địa phương. Hệ thống hạ tầng xã hội chỉ đạt mức cơ bản và không đồng đều giữa các đô thị.

Liên kết đô thị – đô thị

Hệ thống đô thị của tỉnh Gia Lai trước đây được quy hoạch và hình thành theo các cấp, các tiểu vùng


  • TP. Pleiku là đô thị trung tâm của tỉnh, đồng thời là trung tâm của khu vực Bắc Tây Nguyên.
  • Thị xã An Khê là trung tâm vùng phía Đông Bắc với các đô thị hỗ trợ bao gồm các trung tâm huyện, xã của các huyện K’Bang, Đak Pơ, Kông Chro.
  • Thị xã Ayun Pa là trung tâm vùng phía Đông Nam của tỉnh với các đô thị hỗ trợ bao gồm các trung tâm huyện, xã của các huyện Krông Pa, Phú Thiện, Ia Pa.
  • Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) và thị trấn Chư Ty là trung tâm vùng phía Tây tỉnh.

Do đó, các đô thị trong tỉnh về cơ bản được liên kết với nhau bởi hệ thống đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua địa bàn tỉnh Gia Lai. Các tuyến đường này hầu hết có quy mô mặt cắt đường nhỏ hẹp, tại một số vị trí hướng tuyến đi theo địa hình quanh co, uốn khúc, bán kính cong nhỏ, chất lượng mặt đường xấu nên tốc độ lưu thông vẫn còn hạn chế, đặc biệt là khu vực phía Nam tỉnh dọc theo quốc lộ 25. Một số đô thị như thị trấn Kông Chro, khu vực trung tâm huyện Ia Pa hiện nay chưa liên kết trực tiếp được với thành phố Pleiku; các đô thị trung tâm các huyện ở phía Nam có hệ thống giao thông liên kết chưa hợp lý.

Các quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện hiện chưa được triển khai (Tính đến thời điểm hiện tại, mới có Quy hoạch xây dựng vùng huyện K’Bang đã được lập và phê duyệt) cũng là khó khăn cho việc định hướng các liên kết phát triển cho các vùng huyện, vùng liên huyện, giữa các khu vực đô thị và nông thôn.

Phương án quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh Gia Lai đến 2030

Kế thừa và phát triển nâng cấp hệ thống đô thị đang sẵn có, tỉnh Gia Lai thực hiện quy hoạch đô thị đến 2030, tầm nhìn đến 2050 theo hướng đa cực, lấy thành phố Pleiku làm trong tâm, các trục liên kết gồm Quốc lộ 19, QL 25 và các trục Quốc lộ 14, QL 14C và đường Trường Sơn Đông.


Theo đó, trục Đa cực bao gồm: thành phố Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa và KKTCK Lệ Thanh là 4 cực động lực phát triển của tỉnh Gia Lai, có tác động lan tỏa hỗ trợ sự phát triển của các khu vực. Cụ thể:

  • Thành phố Pleiku: Là trung tâm động lực tổng hợp, trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh.
  • Thị xã An Khê: Là trung tâm kinh tế, thương mại dịch vụ, du lịch và văn hóa xã hội của khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai, là cửa ngõ phía Đông kết nối với các tỉnh Duyên hải miền Trung.
  • Thị xã Ayun Pa: Là cực tăng trưởng phía Đông Nam của tỉnh. Là trung tâm đầu mối nông sản , trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế vùng phía Đông Nam Tỉnh.
  • Khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh: Là vùng động lực phát triển của tỉnh Gia Lai, đầu mối giao thương với các vùng kinh tế trong khu vực Đông Bắc Campuchia và khu vực Tây Nguyên.
Bản đồ Phương án quy hoạch phát triển hệ thống đô thị tỉnh Gia Lai đến 2030
Bản đồ Phương án quy hoạch phát triển hệ thống đô thị tỉnh Gia Lai đến 2030

Quy hoạch hệ thống đô thị toàn tỉnh Gia Lai đến năm 2025

Hệ thống đô thị toàn tỉnh Gia Lai được quy hoạch, bao gồm 18 đô thị, trong đó 01 đô thị loại I, 01 đô thị loại III, 03 đô thị loại IV và 13 đô thị loại V. Trong đó:

  • Đô thị trung tâm vùng, tỉnh: Thành phố Pleiku, có vị thế quan trọng trong tỉnh, trong vùng cũng như có những ý nghĩa trong hệ thống đô thị Việt Nam; là đô thị loại I.
  • Đô thị cấp tỉnh: Gồm 03 đô thị là thị xã An Khê (loại III), thị xã Ayun Pa (loại IV) và thị xã Chư Sê (loại IV)
  • Các đô thị cấp huyện của tỉnh Gia Lai, bao gồm:+ Đô thị trung tâm huyện: Gồm 13 đô thị trung tâm hành chính huyện (huyện lỵ) là K’Bang (h. K’Bang), Đak Đoa (h.Đak Đoa), Phú Hòa (h. Chư Păh), Ia Kha (h. Ia Grai), Kon Dơng (h. Mang Yang), Kông Chro (h. Kông Chro), Chư Ty (h. Đức Cơ), Chư Prông (h. Chư Prông), Đak Pơ (h. Đak Pơ), Phú Túc (h. Krông Pa), Phú Thiện (h. Phú Thiện), Nhơn Hòa (h. Chư Pưh) và Ia Pa (h. Ia Pa – nâng cấp lên Thị trấn).

    + Đô thị thuộc huyện: Thị trấn Ya ly.

Vị trí 18 đô thị của tỉnh Gia Lai được quy hoạch đến 2025
Vị trí 18 đô thị của tỉnh Gia Lai được quy hoạch đến 2025

Quy hoạch hệ thống đô thị toàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030

Toàn tỉnh Gia Lai được quy hoạch đến 2030, bao gồm 20 đô thị, gồm 18 đô thị hiện có và hình thành mới 02 đô thị loại V: đô thị cửa khẩu Lệ Thanh (H. Đức Cơ) và đô thị Bàu Cạn (H. Chư Prông) trên cơ sở nâng cấp các trung tâm xã

Sơ đồ quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh Gia Lai đến 2030
Sơ đồ quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh Gia Lai đến 2030

Quy hoạch hệ thống đô thị toàn tỉnh Gia Lai đến năm 2050

Đến 2050 toàn tỉnh Gia Lai được quy hoạch có 30 đô thị, gồm 20 đô thị hiện có và hình thành mới 10 đô thị loại V gồm: Đô thị Bờ Ngoong (huyện Chư Sê), Đô thị Nam Yang (huyện Đak Đoa), Đô thị Ia Ga (huyện Chư Prông), Đô thị Sơn Lang (huyện K’Bang), Đô thị Pờ Tớ (huyện Ia Pa), đô thị Ia Krái, Ia Sao (H. Ia Grai), Ia Le (H. Chư Pưh), Lệ Bắc (H. Krông Pa), Kon Thụp (H. Mang Yang) trên cơ sở nâng cấp các trung tâm xã.

Vị trí hệ thống đô thị tỉnh Gia Lai được quy hoạch đến 2050
Vị trí hệ thống đô thị tỉnh Gia Lai được quy hoạch đến 2050

Quy hoạch và phát triển đô thị tỉnh Gia Lai được xác định bền vững, lấy con người làm trọng tâm, góp phần xây dựng tỉnh Gia Lai “Sinh thái – Thể thao – Sức khoẻ”. Hệ thống đô thị Gia Lai phải phù hợp với Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 – 2030; có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với quy luật phát triển đô thị và thực tiễn của tỉnh; sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển đô thị tập trung, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đô thị phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, bảo đảm phát triển bền vững.

Định hướng phát triển hệ thống đô thị tỉnh Gia Lai

Định hướng phát triển không gian đô thị

a) Các vùng và khu vực đô thị hóa
  • Vùng 1: Thành phố Pleiku – đô thị Chư Sê – Đak Đoa – Chư Păh

Phạm vi: Gồm toàn địa giới hành chính thành phố Pleiku, đô thị Chư Sê, huyện Đak Đoa, huyện Chư Păh và các xã Ia Sao, Ia Dêr, Ia Pếch (huyện Ia Grai), các xã Bàu Cạn, Ia Băng huyện Chư Prông.

Quy mô: Diện tích tự nhiên 2.859 km2; Dân số năm 2020 khoảng 589.000 người; Dân số đến năm 2030 khoảng 750.000 người; Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 49%.

Định hướng phát triển:

+ Thu hút phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch tập trung vào đô thị Pleiku, Đak Đoa và Chư Păh. Đẩy mạnh thu hút các dự án phát triển du lịch, dịch vụ nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của vùng.

+ Tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ, khoa học công nghệ vào khu vực phía Nam Pleiku và Chư Sê.

+ Ngoài thành phố Pleiku cần đầu tư tiếp tục phát triển trở thành trung tâm vùng phía Bắc Tây Nguyên thì cần ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho đô thị Chư Sê và Đak Đoa để 02 đô thị này trở thành các đô thị vệ tinh hỗ trợ cho thành phố Pleiku.

Phạm vi: Gồm toàn bộ ranh giới KKTCK QT Lệ Thanh (thị trấn Chư Ty, các xã Ia Kla, Ia Dom, Ia Nan, Ia Pnôn thuộc huyện Đức Cơ).

Quy mô: Diện tích tự nhiên 415,15km2; Dân số năm 2020 khoảng 42.000 người; Dân số đến năm 2030 khoảng 55.000 người; Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 65%.

Định hướng phát triển:

+ Phát triển khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh trở thành điểm trung chuyển hàng hóa, khách du lịch quan trọng trên tuyến hành lang Đông – Tây trên cơ sở thu hút hợp tác, thúc đẩy đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.

+ Tập trung thu hút và hình thành hạ tầng thương mại thiết yếu ở trung tâm các xã và khu vực gần cửa khẩu.

+ Đầu tư phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất và sinh hoạt của KKTCK như dịch vụ cung cấp điện, nước; dịch vụ ăn uống và lưu trú, dịch vụ bốc xếp hàng hoá, dịch vụ hải quan, xuất nhập cảnh, dịch vụ tài chính, ngân hàng, dịch vụ viễn thông, dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ khoa học và công nghệ, dịch vụ bảo hiểm…

+ Quy hoạch, bố trí các bến xe, bãi đỗ, các cửa hàng cửa hiệu, dịch vụ ăn uống, khách sạn, nhà nghỉ cho khách lưu trú qua đêm theo quy hoạch và phát triển với các bước đi thích hợp.

  • Vùng 3: Thị xã An Khê – Thị trấn K’bang – Đak Pơ

Phạm vi: Gồm toàn bộ địa giới hành chính thị xã An Khê, huyện Đak Pơ, các xã phía Nam huyện K’Bang.

Quy mô: Diện tích tự nhiên 997,9km2; Dân số năm 2020 khoảng 149.000 người; Dân số đến năm 2030 khoảng 180.000 người; Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 41,6%.

Định hướng phát triển:

+ Khai thác các lợi thế về cảnh quan tự nhiên sinh thái, các khu, điểm du lịch để phát triển dịch vụ du lịch.

+ Khai thác lợi thế về giao thông liên kết với các tỉnh duyên hải miền trung để phát triển dịch vụ thương mại, du lịch. Hình thành các trung tâm dịch vụ thương mại, dịch vụ du lịch, hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp và công nghiệp.

+ Tập trung phát triển thị xã An Khê trở thành đô thị loại III, trung tâm động lực của tiểu vùng Đông Bắc. Phát triển đô thị K’bang thành đô thị cửa ngõ trên trục Đông Trường Sơn.

  • Vùng 4: Thị xã Ayun Pa – Phú Thiện – Krông Pa

Phạm vi: Gồm toàn bộ địa giới hành chính thị xã Ayun Pa, huyện Phú Thiện, Krông Pa

Quy mô: Diện tích tự nhiên 2416km2; Dân số năm 2020 khoảng 208.000 người; Dân số đến năm 2030 khoảng 250.000 người; Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 34,8%.

Định hướng phát triển:

+ Phát triển mở rộng các thị trấn huyện lỵ thành trung tâm dịch vụ, cho vùng huyện, thu hút nhu cầu dịch vụ trong địa bàn huyện để phát triển mở rộng đô thị, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa.

+ Tập trung xây dựng thị xã Ayun Pa trở thành đô thị loại III. Phát triển thị trấn Phú Túc thành đô thị cửa ngõ phía Đông Nam của tỉnh trên trục QL.25. Phát triển đô thị Phú Thiện trở thành đô thị dịch vụ, du lịch.

b) Hệ thống các đô thị trung tâm
  • Đô thị Pleiku và phụ cận
  • Tính chất: Là cực động lực chính của tỉnh Gia Lai và tiểu vùng Bắc Tây Nguyên. Là trung tâm kinh tế – xã hội tổng hợp của tỉnh.
  • Quy mô: Gồm thành phố Pleiku và các đô thị vệ tinh Đak Đoa, Chư Sê, Phú Hòa.
  • Đô thị An Khê
  • Tính chất: Là đô thị cửa ngõ phía Đông của tỉnh Gia Lai; là cực tăng trưởng chính của tiểu vùng phía Đông Bắc tỉnh.
  • Quy mô: Diện tích tự nhiên khoảng 20.006,78ha; Dân số năm 2030 khoảng 81.000 người.
  • Đô thị Ayun Pa
  • Tính chất: Là cực động lực chính của tiểu vùng phía Đông Nam tỉnh Gia Lai; là trung tâm giao dịch trên tuyến Pleiku – Tuy Hòa
  • Quy mô: Diện tích tự nhiên khoảng 28.717,72 ha; Dân số đến năm 2030 khoảng 62.650 người;
  • Đô thị Chư Ty
  • Tính chất: Là đô thị trung tâm kết nối với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Là đầu mối giao thương và điểm trung chuyển hàng hóa, khách du lịch quan trọng trên tuyến hành lang Đông Tây giữa hai nước Việt Nam – Campuchia, đảm bảo cung ứng dịch vụ hậu cần cho hoạt động của khu vực cửa khẩu; là địa điểm gắn kết du lịch với các huyện biên giới của tỉnh và điểm dừng chân lưu trú cho khách du lịch quốc tế qua cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh.
  • Quy mô: Diện tích tự nhiên khoảng 1.544ha ; Dân số đến năm 2030 khoảng 20.000 người;

Định hướng kế hoạch phân loại đô thị

a) Đô thị chỉnh trang và mở rộng không gian

– Giai đoạn 2021-2025: Nâng cấp thị xã An Khê lên đô thị loại III và thị trấn Đak Đoa lên đô thị loại IV.

– Giai đoạn 2026-2030: Nâng cấp các đô thị Chư Ty, Phú Thiện, Nhơn Hoà, Ia Ly, Phú Hoà, K’Bang, Đak Pơ, Kon Dơng lên đô thị loại IV.

b) Đô thị hình thành mới

– Giai đoạn 2021-2025: Giữ nguyên hệ thống đô thị hiện có, không hình thành đô thị mới.

– Giai đoạn 2026-2030: Hình thành mới 02 đô thị gồm Bàu Cạn (huyện Chư Prông) và Lệ Thanh (huyện Đức Cơ).

Các câu hỏi (FAQs)

1. Cấp độ phân cấp hệ thống đô thị của tỉnh như thế nào?
2. Thành phố nào là đô thị trung tâm của tỉnh?
3. Các tiểu vùng có trung tâm tiểu vùng là gì?
4. Các đô thị trung tâm huyện được phân bố như thế nào trong tỉnh?
5. Hiện trạng chất lượng đô thị của thành phố Pleiku như thế nào?
6. Thị xã An Khê được quy hoạch thế nào?
7. Thị xã Ayun Pa đã được quy hoạch thế nào?
8. Các đô thị trung tâm huyện có chất lượng đô thị như thế nào?

Tài liệu kèm theo:


Rate this post
Bài trướcTăng cường xây dựng nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ đến năm 2025
Bài tiếp theoIn Search of Answers: The Viral Video Depicting Woo Lotti Death, A Dark Reflection of Youth Violence

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây