Trang chủ QH giao thông Quy hoạch giao thông tỉnh Bạc Liêu đến 2030, tầm nhìn 2050

Quy hoạch giao thông tỉnh Bạc Liêu đến 2030, tầm nhìn 2050

341
0

Bài viết này giới thiệu quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm các phương án phát triển mạng lưới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, cùng với quy hoạch sử dụng đất phát triển hạ tầng giao thông. Nội dung chi tiết bao gồm các phân đoạn của đường giao thông cấp quốc gia, cấp tỉnh, các tuyến đường sắt và đường thủy nội địa, các cảng bến xe, và thị trấn trung tâm kết nối.

I- Phương án quy hoạch phát triển giao thông tỉnh Bạc Liêu đến 2030

1- Các hạ tầng giao thông đã được xác định trong quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng 

1.1- Đường bộ quốc gia: Thực hiện Quyết định 1454/QĐ-TTg ngày 1 tháng 9 năm 2021 phê duyệt mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; theo đó, các tuyến đường bộ quốc gia đi qua địa bàn tỉnh được quy hoạch như sau:


1/ Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (CT.01): Thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài 7,7 km, đi trên địa bàn xã Vĩnh Lộc và xã Vĩnh Lộc A – huyện Hồng Dân; quy hoạch theo tiêu chuẩn đường cao tốc với quy mô 4 làn xe, đầu tư trước năm 2030.

2/ Cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu (CT.35): Tuyến xuất phát từ cửa khẩu Xà Xía (Thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) – qua Thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) đến huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu). Đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài 756,3 km, từ giáp ranh tỉnh Hậu Giang qua huyện Hồng Dân, Vĩnh Lợi, TP.Bạc Liêu đến đê biển Bạc Liêu (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình); quy hoạch theo tiêu chuẩn đường cao tốc với quy mô 4 làn xe, đầu tư sau năm 2030.

3/ Quốc lộ 1: Là tuyến xương sống đi qua hầu hết các tỉnh/thành trong cả nước. Đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài 63,0 km, từ giáp ranh tỉnh Sóc Trăng đến giáp ranh tỉnh Cà Mau; quy hoạch nâng cấp – mở rộng đạt tiêu chuẩn cấp III – 4 làn xe. Xây mới tuyến tránh qua 3 đô thị, gồm:


– Tuyến tránh đô thị Hòa Bình dài 11km, tuyến tránh đô thị Giá Rai – Hộ Phòng dài 12,2km; quy hoạch trước năm 2025 đạt cấp III, đến năm 2030 mở rộng đạt cấp II – 4 làn xe;

– Tuyến đường tránh vòng ngoài thành phố Bạc Liêu dài 13,5km, lộ giới 46m, hướng tuyến dự kiến chạy về phía Tây Nam Quốc lộ 1; điểm đầu đấu nối với Quốc lộ 1 tại lý trình Km2171+500 (ĐH.28) trên địa bàn ấp Trà Ban I, xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi; điểm cuối đấu nối vào Quốc lộ 1 tại lý trình Km2189+180 (nút giao đường tránh nội ô thị trấn Hòa Bình) trên địa bàn ấp Cái Tràm A1, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi; quy hoạch đạt cấp II-4 làn xe, đầu tư trước năm 2030.

Phương án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tảitỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021-2030
Phương án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021-2030

4/ Quốc lộ 91B (đường Nam Sông Hậu): Tuyến nối TP.cần Thơ qua tỉnh Hậu Giang – Sóc Trăng đến TP.Bạc Liêu. Đoạn đi qua tỉnh Bạc Liêu dài 13,0 km từ giáp ranh tỉnh Sóc Trăng đến giao Quốc lộ 1, TP.Bạc Liêu; quy hoạch nâng cấp – mở rộng- đạt tiêu chuẩn cấp III, quy mô 2-4 làn xe, đầu tư trước năm 2030.


5/ Đường Quản Lộ – Phụng Hiệp: Tuyến nối QL.1, thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang qua tỉnh Sóc Trăng – Bạc Liêu đến thành phố Cà Mau. Đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài 52,0 km từ giáp ranh tỉnh Sóc Trăng đến giáp ranh tỉnh Cà Mau; quy hoạch nâng cấp – mở rộng đạt tiêu chuẩn cấp III, quy mô 2-4 làn xe, đầu tư trước năm 2030.

6/ Đường Hồ Chí Minh: Tuyến chạy dài Bắc – Nam (từ Pác Pó, Cao Bằng đến Đất Mũi, Cà Mau). Đoạn qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu dài 5,6 km, lộ trình tuyến chạy theo kênh Lộ Xe; quy hoạch xây dựng đạt cấp III, 4 làn xe, đầu tư trước năm 2030.

7/ Quốc lộ 63B (trục ngang): Tuyến nối QL.63 (Vĩnh Thuận, Kiên Giang) qua huyện Hồng Dân – huyện Phước Longthị xã Giá Rai (QL.1) – huyện Đông Hải (giao tuyến Đường bộ ven biển). Đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài 55,0 km, tuyến được nâng cấp từ ĐT.980; quy hoạch nâng cấp-mở mới đạt cấp III, 2-4 làn xe, đầu tư trước năm 2030.


8/ Đường bộ ven biển: Tuyến chạy dọc ven biển Việt nam từ cảng Núi Đỏ (Mũi Ngọc, Bình Ngọc, TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) tới cửa khẩu Hà Tiên (TX.Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) với chiều dài khoảng 3.041 km. Đoạn qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu có chiều dài dự kiến 53,56 km từ ranh tỉnh Sóc Trăng đến cầu Gành Hào kết nối với tỉnh Cà Mau; quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp III, 2-4 làn xe, đầu tư trước năm 2030. Qui mô đoạn tuyến qua thị trấn Gành Hào dài 3,1km thực hiện theo quy hoạch của thị trấn Gành Hào.

9/ Quốc lộ 61B: Tuyến nối QL.61 (Ngã 3 Vĩnh Tường, Hậu Giang) đến QL.91B (Đường Nam Sông Hậu, Vĩnh Châu, Sóc Trăng); tuyến đi qua xã Hưng Thành (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) dài khoảng 4,5 km; quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp III, 2-4 làn xe, đầu tư trước năm 2030. 

1.2- Đường thủy quốc gia: Thực hiện Quyết định số 1829/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2021 phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, quy hoạch các tuyến đường thủy quốc gia đi qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu gồm:

1/ Tuyến duyên hải Tp.Hồ Chí Minh – Cà Mau: Từ Tp.Hồ Chí Minh, qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau với tổng chiều dài toàn tuyến là 367 km. Quy hoạch toàn tuyến đạt cấp III – ĐTNĐ, đảm bảo cho tàu tự hành 500T, đoàn sà lan 250CV (3x300T) đi lại thường xuyên.

Đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu là kênh Vàm Lẻo – Cà Mau – Bạc Liêu (điểm đầu giáp ranh tỉnh Sóc Trăng, điểm cuối giáp ranh tỉnh Cà Mau) dài 66,5 km.

2/ Tuyến Cần Thơ – Cà Mau: Từ cảng Cần Thơ theo sông Hậu đến Ngã ba rạch Cái Côn, từ đây tuyến đi theo rạch Cái Côn đến ngã bảy Phụng Hiệp rồi theo kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp đến cảng Cà Mau.

3/ Tuyến Tp.Hồ Chí Minh – Cà Mau (qua kênh Xà No): Từ ngã ba kênh Tẻ (giao với sông Sài Gòn) đến cảng Cà Mau; Quy hoạch cấp III, dài khoảng 341 km. Đoạn đi qua tỉnh Bạc Liêu khoảng 10km thuộc kênh Sông Trẹm-Cạnh Đền, phía tây bắc của huyện Hồng Dân.

4/ Tuyến vận tải đường thủy từ bờ ra đảo: Từ bến tàu khách Nhà Mát TP. Bạc Liêu – Hòn Trứng – Côn Đảo.

1.3. Hệ thống cảng quốc gia

a. Hệ thống cảng biển: Thực hiện Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Theo đó, tỉnh Bạc Liệu thuộc nhóm cảng biển Đồng bằng sông Cửu Long (Nhóm 5) được quy hoạch có cảng biển Bạc Liêu (loại III). Gồm các khu bến:

1/ Bến cảng Gành Hào: có chức năng phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của Bạc Liêu; có bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí và bến khách, tiếp nhận trọng tải đến 5.000 Tấn.

2/ Bến cảng Vĩnh Hậu A: là bến hàng khí/lỏng phục vụ Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu, tiếp nhận cỡ tàu đến 150.000 Tấn. Các bến phà, khu neo đậu chuyển tải, tránh, trú bão tại khu vực Gành Hào, Vĩnh Hậu và các khu vực khác đủ điều kiện.

b. Hệ thống cảng thủy nội địa: Thực hiện Quyết định số 1829/QĐ-BGTVT ngày 30/10/2021 của Bộ GTVT phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Theo đó, hệ thống cảng thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu được quy hoạch bao gồm:

1/ Cụm cảng khách Sóc Trăng – Bạc Liêu: Nằm trên Sông Cồ Cò, kênh Phú Hữu Bãi Xàu, kênh Vàm Lẽo, Bạc Liêu – Cà Mau. Quy hoạch đến năm 2030 có diện tích 7,5ha, tiếp nhận cỡ tàu 100 ghế với công suất 1.500HK/năm.

2/ Cụm cảng hàng hóa Bạc Liêu: nằm trên kênh Vàm Lẽo, Bạc Liêu – Cà Mau, Hộ Phòng – Gành Hào có diện tích 21ha, tiếp nhận cỡ tàu 1.000Tấn với công suất 3.000 Tấn/năm. Bao gồm các khu cảng sau:

  • Cảng Hộ Phòng (gồm cảng Tân Tân Phát): trên kênh Bạc Liêu – Cà Mau tại Huyện Gía Rai, quy hoạch đến năm 2030 công suất là 800 ngàn tấn/năm.
  • Cảng Bạc Liêu: Nằm trên kênh Bạc Liêu – Cà Mau tại phường 5 thành phố Bạc Liêu. Đây là cảng kết hợp với chợ nông sản. Quy hoạch đến năm 2030 có công suất 500 ngàn tấn/năm.
  • Cảng Văn Hiền: Nằm trên kênh Bạc Liêu – Vàm Lẽo tại huyện Vĩnh Lợi. Quy hoạch đến năm 2030 có công suất 500 ngàn tấn/năm.
  • Cảng Kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp: Xây dựng mới nằm trên kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp tại huyện Hồng Dân, Phước Long. Quy hoạch đến năm 2030 có công suất 900 ngàn tấn/năm.
  • Đề xuất xây dựng mới Cảng Cái Cùng (vì hiện nay có nhà đầu tư đang khảo sát, đề xuất) và một số cảng khác với tổng công suất 500 ngàn tấn/năm vào năm 2030.

2. Phương án quy hoạch giao thông cấp tỉnh:

2.1- Giao thông đường bộ

2.1.1. Hệ thống đường tỉnh: Dựa trên kết qủa dự báo nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách nội tỉnh Bạc Liêu phân bổ trên mạng lưới đường bộ dự kiến như sau:

– Đối với hệ thống các tuyến đường tỉnh hiện hữu: đến năm 2050 tất cả các tuyến đường tỉnh đạt cấp III, mặt đường tối thiểu 2 làn xe cơ giới, lộ giới tối thiểu 46m. Từ nay đến năm 2030, các tuyến sẽ được đầu tư nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV, quy mô 2 làn xe.

– Đối với các tuyến đường tỉnh dự kiến mới: là các tuyến được hình thành từ nâng cấp các tuyến đường huyện, đường xã hiện hữu kết hợp với mở mới hoàn toàn một vài đoạn tuyến. Từ nay đến năm 2030 ưu tiên xây dựng các tuyến với quy mô tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV, các công trình vượt sông trên tuyến đạt tiêu chuẩn HL93; tầm nhìn đến năm 2050 đạt cấp III, mặt đường tối thiểu 2 làn xe cơ giới, lộ giới tối thiểu 46m.

– Đối với những đoạn tuyến đi qua khu vực đô thị, sẽ được đầu tư theo quy hoạch xây dựng đô thị.

Dựa trên kết quả dự báo nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách nội tỉnh Bạc Liêu, Quy hoạch đề xuất nâng cấp, mở mới mạng lưới Đường tỉnh như sau:

1/ ĐT.976 (Bạc Liêu – Hưng Thành): Tuyến dài 18,8 km, kết nối từ TP. Bạc Liêu đến các xã của huyện Vĩnh Lợi như Hưng Hội, Hưng Thành, bổ sung đoạn kết nối với cầu Vàm Lẻo tỉnh Sóc Trăng dài 5,8km, để kết nối liên tỉnh với tỉnh Sóc Trăng (H. Mỹ Xuyên).

Giai đoạn 2021- 2030: Nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, mặt đường nhựa rộng 7m, giữ lộ giới đường cấp III (46 m). Hệ thống cầu trên tuyến được xây dựng đạt tải trọng thiết kế HL93; giai đoạn 2031-2050 nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III, mặt đường nhựa tối thiểu 9m.

2/ ĐT.976B: Tuyến dài 12,8km, điểm đầu QL.1 điểm cuối giáp ĐT.976 (Bạc Liêu – Hưng Thành) đây là trục giao thông chạy dọc huyện Vĩnh Lợi.

Giai đoạn 2021- 2030: Nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, mặt đường nhựa rộng 7m, giữ lộ giới đường cấp III (46 m). Hệ thống cầu trên tuyến được xây dựng đạt tải trọng thiết kế HL93; giai đoạn 2031-2050 nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III mặt đường nhựa tối thiểu 9m.

3/ ĐT.977 (Giồng Nhãn – Gò Cát, chuyển về Bộ GTVT quản lý): Tuyến dài 40,4 km, từ ranh giới tỉnh Sóc Trăng đến ĐT.980, kết nối các huyện Đông Hải, Hòa Bình và TP.Bạc Liêu đến tỉnh Sóc Trăng tạo thành hành lang kinh tế ven biển, lộ trình của tuyến trùng với đường bộ ven biển (theo QĐ 129/QĐ-TTG), sẽ chuyển về Bộ GTVT quản lý theo quy hoạch đường bộ quốc gia.

Giai đoạn 2021 – 2025: Nâng cấp tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp III, mặt đường nhựa rộng 7m, lộ giới 46m. Hệ thống cầu trên tuyến được xây dựng đạt tải trọng thiết kế HL93.

4/ ĐT.977B (Thuận Hòa – Xiêm Cán – Đê Biển): Tuyến dài 9,5 km bao gồm 9,5 km từ bờ Nam sông Bạc Liêu-Cà Mau đến đê biển (ĐH.36).

Dự kiến giai đoạn 2021- 2030: nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, mặt đường nhựa rộng 7 m, giữ lộ giới đường cấp III (46 m); giai đoạn 2031-2050 nâng cấp lên đạt tiêu chuẩn đường cấp III, mặt đường nhựa rộng tối thiểu 9m.

5/ ĐT.978 (Cầu Sập – Ninh Quới – Ngan Dừa – Vĩnh Lộc A): Tuyến có chiều dài 63,5 km, kết nối từ TP.Bạc Liêu đến các huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Phước Long, Hồng Dân, và nối vào đường Hồ Chí Minh. Quy hoạch chia thành các đoạn như sau:

– Đoạn 1: Dài 39,3 km từ QL.1 đến cầu Đầu Sấu duy tu bảo dưỡng hàng năm. Giai đoạn 2021- 2025 nâng cấp đoạn tuyến từ Cầu Đầu Sấu đến Quản lộ Phụng Hiệp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV; giai đoạn 2026- 2030 nâng cấp và cải tạo tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp III, mặt đường nhựa rộng 9m, lộ giới 46m.

– Đoạn 2: Dài 13,5 km từ cầu Đầu Sấu đến UBND xã Vĩnh Lộc, đoạn 3 dài 10,7 km từ UBND xã Vĩnh Lộc đến UBND xã Vĩnh Lộc A, giai đoạn năm 2021- 2030 nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, mặt đường nhựa rộng 7 m, giữ lộ giới đường cấp III (46 m); giai đoạn sau năm 2030 nâng cấp lên đạt tiêu chuẩn đường cấp III, mặt đường nhựa rộng 9 m.

– Hệ thống cầu trên toàn tuyến được xây dựng đạt tải trọng thiết kế HL93.

6/ ĐT.978B (Phước Long – Hòa Bình – Vĩnh Hậu): Tuyến dài 36,4km bao gồm 12,1 km hiện hữu và 24,3km nâng cấp từ ĐH.17, là trục ngang kết nối từ đường Quản lộ-Phụng Hiệp đến trung tâm huyện Hòa Bình, đến Đê Biển.

Quy hoạch giai đoạn 2021- 2030 nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, mặt đường nhựa rộng 7 m, giữ lộ giới đường cấp III (46 m); giai đoạn 2031-2050, sẽ nâng cấp toàn tuyến 36,4km đạt tiêu chuẩn đường cấp III, mặt đường nhựa tối thiểu 9m.

7/ ĐT.979 (Vĩnh Mỹ B – Phước Long – Vĩnh Lộc A): Đây là trục giao thông quan trọng, dài 52,4 km từ QL.1- thuộc địa bàn huyện Hòa Bình đi qua các huyện Phước Long, Hồng Dân đến Ba Đình (xã Vĩnh Lộc A) và kết nối với Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, tuyến đường Hồ Chí Minh. Quy hoạch chia thành các đoạn như sau:

– Đoạn 1: dài 23,5 km từ QL.1 (H. Hòa Bình) đến cầu Phước Long, giai đoạn 2021 – 2030 duy tu bảo dưỡng hàng năm, giữ lộ giới đường cấp III (46 m);

– Đoạn 2: dài 20,7 km từ cầu Phước Long đến đường Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021 – 2025 nâng cấp lên đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, mặt đường nhựa rộng 7 m, giữ lộ giới đường cấp III (46 m); giai đoạn sau 2030 nâng cấp cả đoạn 1 và đoạn 2 đạt tiêu chuẩn đường cấp III, mặt đường nhựa rộng 9 m.

– Đoạn 3: dài 8,2 km từ đường Hồ Chí Minh đến Ba Đình ranh giới giữa 3 tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang, dự kiến quy hoạch đường và cầu đồng bộ kết nối với tỉnh Kiên Giang.

8/ ĐT.979B (Xóm Lung – Cái Cùng): Tuyến dài 13,5 km, từ QL.1-TX. Giá Rai đến ĐH.36, kết nối Thị xã Giá Rai với 2 huyện Hoà Bình và Đông Hải.

Quy hoạch: giai đoạn 2021- 2030 nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, mặt đường nhựa rộng 7 m, giữ lộ giới đường cấp III (46 m); giai đoạn 2031-2050 sẽ nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III mặt đường nhựa rộng tối thiểu 9m.

9/ ĐT.980 (Gành Hào – Giá Rai – Phó Sinh – Cạnh Đền): Đường dài 63,0 km, kết nối từ đường ĐT.977 đến Thị Xã Giá Rai, Phước Long và Hồng Dân, là trục ngang nối vào đường Hồ Chí Minh (có 11,5 km trùng với đường bộ ven biển, còn lại sẽ chuyển thành trục ngang QL.63B, chuyển về Bộ GTVT quản lý theo quy hoạch đường bộ quốc gia. Đoạn tuyến đi qua các đô thị (thị xã Giá Rai, Điền Hải Gành Hào), mặt cắt quy hoạch xây dựng và lộ giới được điều chỉnh theo quy hoạch đô thị được duyệt.

10/ ĐT.980B (Châu Hưng – Tân Phong): Đây là trục giao thông quan trọng nhằm chia sẻ lưu lượng cho tuyến QL.1 được hình thành trên cơ sở nâng cấp từ hai tuyến đường huyện là tuyến Vĩnh Hưng – Phong Thạnh A (ĐH.12) và tuyến Vĩnh Lợi – Vĩnh Hưng (ĐH.16). Tuyến có chiều dài 43,8km, từ QL.1 (Thị trấn Châu Hưng) đến ĐT.981 (xã Tân Phong – TX. Giá Rai). Quy hoạch: giai đoạn 2021- 2030 nâng cấp và mở mới tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, mặt đường nhựa rộng 7 m, giữ lộ giới đường cấp III (46 m); giai đoạn 2031-2050 sẽ nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III mặt đường nhựa rộng tối thiểu 9m.

11/ ĐT.981 (Hộ Phòng – Chủ Chí): Đây là trục giao thông thuộc hệ thống đường ngang nối vào đường Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 371/QĐ-TTg. Đoạn qua địa bàn Tỉnh dài 22,3 km, từ QL.1 (Thị xã Giá Rai) đến ranh tỉnh Cà Mau. Quy hoạch giai đoạn 2021- 2030 nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, mặt đường nhựa rộng 7 m, giữ lộ giới đường cấp III (46 m); giai đoạn 2031-2050 sẽ nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III mặt đường nhựa rộng tối thiểu 9m.

12/ ĐT.982 (An Trạch – Định Thành – An Phúc – Gành Hào): Tuyến dài 28,5 km, từ QL.1 (TX. Giá Rai) đến ĐT.980 (Gành Hào), là tuyến đường quan trọng giúp gắn kết các xã Định Thành A và Định Thành với tuyến Quốc lộ 1A, duy tu bảo dưỡng hàng năm. Quy hoạch:

+ Giai đoạn 2021- 2030: Nâng cấp và cải tạo tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, mặt đường nhựa rộng 7 m, giữ lộ giới đường cấp III (46 m).

+ Định hướng giai đoạn 2031-2050 sẽ nâng cấp cải tạo tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp III, mặt đường nhựa rộng tối thiểu 9m. Đoạn tuyến đi qua đô thị thị trấn Gành Hào, mặt cắt quy hoạch xây dựng và lộ giới được điều chỉnh theo quy hoạch đô thị được duyệt.

13/ ĐT.978C (đường Thống Nhất II): dài 3,3km, điểm đầu ĐT.978, điểm cuối giáp ranh Hậu Giang. Quy hoạch chuyển về đường huyện (huyện Hồng Dân quản lý).

14/ ĐT.981B (Hộ Phòng – Gành Hào): Đường dài 17,5 km, từ QL.1-TX. Giá Rai đến ĐT.980 (Gành Hào), kết nối từ Thị Xã Giá Rai đến huyện Đông Hải, đến ranh giới tỉnh Cà Mau. Quy hoạch giai đoạn 2021- 2025: đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, mặt đường nhựa rộng 7 m, lộ giới 46 m; giai đoạn 2031- 2050 nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III, mặt đường nhựa rộng tối thiểu 9 m, lộ giới 46 m.

15/ ĐT.982B (Bờ Tây kênh Láng Trâm): Tuyến dài 7,8 km, từ QL.1 – TX. Giá Rai đến ranh giới tỉnh Cà Mau, kết nối Quốc Lộ 1 và ranh tỉnh Cà Mau gắn kết các xã Tân Thạnh, Tân Phong. Quy hoạch giai đoạn 2021- 2030: Nâng cấp và cải tạo tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, mặt đường nhựa rộng 7 m, giữ lộ giới đường cấp III (46 m); giai đoạn 2031-2050 sẽ nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III mặt đường nhựa rộng tối thiểu 9m.

16/ Đường Vành Đai ngoài thành phố Bạc Liêu: dài 26km (bao gồm cả nhánh kết nối với đê biển 5,7km) điểm đầu Cầu Bạc Liêu 4, điểm cuối Ngã 5 vòng xoay.

17/ Tuyến đường song hành phía Đông Quốc lộ 1: Tuyến dài 6,5km, lộ giới 34m. Dự kiến tuyến chạy dọc song song theo phía Đông của Quốc lộ 1, điểm đầu đấu nối vào đường Vành đai ngoài thành phố Bạc Liêu tại lý trình Km 1+500, điểm cuối đấu nối vào ĐH.28 (Châu Hưng A – Hưng Thành) tại lý trình Km1+00.

* Hệ thống cầu trên đường tỉnh

Giai đoạn từ 2021-2030 quy hoạch hệ thống cầu trên đường tỉnh đồng bộ với quy mô đường cấp III, mặt rộng tối thiểu 9m, kết cấu BTDƯL đạt tiêu chuẩn HL93. Tống số cầu cần xây dựng 53 cầu, với tổng chiều dài 5.507 m, kết cấu bê tông dự ứng lực.

Với dự kiến quy hoạch như trên, đến năm 2030, hầu hết hệ thống đường tỉnh được nâng cấp lên cấp III đồng bằng, mặt đường nhựa rộng tối thiểu 7 m, lộ giới 46 m, xây dựng đồng bộ các cầu trên hệ thống đường, một số tuyến chuyển thành đường quốc gia, kết nối với hệ thống đường quốc gia và các tỉnh lân cận, đảm bảo tốc độ và lưu lượng thông xe tăng lên đáng kể, góp phần giảm chi phí vận tải hàng hóa, hành khách ra, vào và trong nội tỉnh.

2.1.2- Hệ thống đường huyện: Hệ thống đường huyện trên địa bàn tỉnh được công bố theo Quyết định số 1775/QĐ-UBND ngày 18/08/2009 của UBND tỉnh Bạc Liêu, bao gồm 66 tuyến với tổng chiều dài 982,1km. Định hướng phát triển mạng lưới đường huyện cụ thể từng giai đoạn như sau:

– Giai đoạn 2021 – 2030: nâng cấp các tuyến đường huyện quan trọng đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp VI, V mặt đường rộng 3,5-5,5 m, nền 5,5-7,5 m, theo tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô TCVN 4054-2005, giữ lộ giới chung 32,0 m cho tất cả các tuyến đường huyện. Riêng đường ĐH.36 (đê biển) và ĐH.34 (đoạn từ ĐH.36 đến ĐT.977) được nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng. Ưu tiên nâng cấp các tuyến và đoạn tuyến chưa được cứng hóa. Mở mới một số tuyến nhằm hoàn thiện hơn mạng lưới đường bộ trên địa bàn Tỉnh. Đến năm 2030, hệ thống đường huyện đạt tỷ lệ cứng hóa 100%.

2.1.3- Hệ thống đường trục chính đô thị: Phát triển mạng lưới giao thông đô thị hiện đại, nhựa hóa 100%, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, liên hệ thuận lợi trong và ngoài đô thị.

Quản lý xây dựng hệ thống giao thông đô thị theo các đồ án quy hoạch chung đô thị đã được phê duyệt. Cần lập quy hoạch chung xây dựng các đô thị mới để làm cơ sở quản lý đầu tư xây dựng hệ thống giao thông.

Nâng cấp và xây dựng mới các tuyến đường hướng tâm và đường tránh thành phố Bạc Liêu. Xây dựng thành phố thành trung tâm đầu mối giao thông của tỉnh.

– Giai đoạn 2031 – 2050: nâng cấp và mở mới các tuyến đường đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp IV, mặt đường rộng 7,0 m, nền 9,0 m, theo tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô TCVN 4054-2005, lộ giới 32,0 m.

2.1.4- Hệ thống bến, bãi đường bộ

1/ Bến xe khách: 

– Nâng cấp, chuyển đổi công năng các bến xe hiện hữu nhằm đáp ứng yêu cầu đậu đỗ phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, gồm: bến xe Hộ Phòng, Gành Hào: nâng cấp đạt loại 3 với diện tích đạt tối thiểu 0,5 ha, tại Thị trấn Gía Rai và huyện Đông Hải, thành phố Bạc Liêu; bến xe Châu Thới (H. Vĩnh Lợi), bến xe Phước Long (H.Phước Long), bến xe Ngan Dừa (H.Hồng Dân): nâng cấp đạt loại 3 với diện tích đạt tối thiểu 0,5 ha.

– Mở mới các bến xe sau: 

+ Bến xe Bạc Liêu (Mới): Bến xe khách hiện nay đang nằm trong khu vực nội thị có mật độ giao thông tương đối cao, lượng xe vào bến ngày càng tăng dẫn đến quá tải, ảnh hưởng đến đi lại của nhân dân, nhưng diện tích và vị trí hiện có không còn khả năng mở rộng và nâng cấp, nên báo cáo đề xuất xây dựng một bến xe mới tại TT.Châu Hưng huyện Vĩnh Lợi với qui mô 5 ha, đạt tiêu chuẩn bến xe loại 1.

+ Bến xe Nhà Mát: đề xuất đầu tư xây dựng bến xe và trạm dừng chân, diện tích 0,79 ha, quy mô loại 4, tại phường Nhà Mát – thành phố Bạc Liêu.

+ Bến xe Điền Hải: Do trung tâm hành chính của huyện Đông Hải di dời về vị trí mới tại xã Điền Hải, đề xuất xây dựng một bến xe mới với diện tích 0,25 ha, tiêu chuẩn bến xe loại 4.

+ Bến xe Cái Chanh: Để phục vụ khách du lịch đi tham quan khu du lịch căn cứ địa tỉnh ủy Cái Chanh, đề xuất xây dựng một bến xe mới với diện tích 0,25 ha, tiêu chuẩn bến xe loại 4 tại Cái Chanh, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân.

+ Bến xe Phó Sinh: Để phục vụ nhu cầu đậu đỗ phương tiện xe khách trong tương lai, quy hoạch đề xuất xây dựng một bến xe mới tại xã Phước Long, huyện Phước Long với diện tích 0,25 ha, đạt tiêu chuẩn bến xe loại 4.

+ Bến xe Chủ Chí: Trong tương lai xã Phong Thạnh Tây B, huyện Phước Long, sẽ xây dựng và phát triển cụm công nghiệp Chủ Chí, do đó đề xuất xây dựng một bến xe mới với diện tích 0,4ha, đạt tiêu chuẩn bến xe loại 4. Bến xe này dự kiến sẽ kết hợp với bến xe buýt hiện hữu.

+ Bến xe Hòa Bình (H. Hòa Bình): xây mới bến xe Hòa Bình nằm trên tuyến đường tránh Quốc lộ 1, đạt loại 4 với diện tích tối thiểu là 0,25ha.

ến xe bãi đỗ xe Tắc Sậy (xã Tân Phong, thị xã Giá Rai): Xây mới quy mô 8 ha.

2/ Bãi đỗ xe buýt

Ngoài việc sử dụng 02 bãi đỗ xe buýt hiện hữu và các bến xe làm điểm đầu cuối phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đề xuất mờ mới thêm 04 bãi đỗ để phục vụ hoạt động của hệ thống xe buýt, cụ thể như:

– Bãi xe buýt trung tâm: Khi bến xe khách mới Bạc Liêu được đưa vào sử dụng chuyển đổi công năng bến xe khách hiện hữu thành bãi xe buýt trung tâm kết hợp với bến kỹ thuật.

– Bãi xe Hưng Thành tại xã Hưng Thành huyện Vĩnh Lợi với quy mô 0,1 ha.

– Bãi xe Châu Hưng A tại xã Châu Hưng A huyện Vĩnh Lợi với quy mô 0,1 ha.

2.2. Giao thông đường thủy

2.2.1- Các tuyến vận tải nội tỉnh (trục ngang):

Bạc Liêu có đủ các yếu tố cơ bản để phát triển mạng lưới giao thông thủy liên hoàn kết nối thuận lợi giữa các địa phương trong tỉnh cũng như với các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, hệ thống các cống ngăn mặn hiện có đã làm cho toàn bộ hệ thống kênh vận tải phía Bắc QL.1 không thể nối kết trực tiếp với các kênh phía Nam QL.1.

Do đó, mạng lưới giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu sẽ được quy hoạch thành 2 tiểu vùng khai thác là phía Bắc QL.1 và phía Nam QL.1.

Quy hoạch gồm các tuyến trục chính, các tuyến nhánh và các tuyến kết nối, tạo điều kiện kết nối trung tâm tỉnh với các huyện thị, nối các vùng sản xuất hàng hoá với các vùng tiêu thụ trong tỉnh, thuận lợi cho việc tổ chức vận tải gom hàng từ nông ra sâu, từ các cảng, bến thủy nội địa ra cảng biển và ngược lại, phục vụ trực tiếp cho các khu công nghiệp, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế – xã hội phát triển.

Quy hoạch các tuyến vận tải nội thủy trên địa bàn tỉnh
Quy hoạch các tuyến vận tải nội thủy trên địa bàn tỉnh

2.2.2- Hệ thống bến thủy nội địa:

1/ Bến tàu khách

Bến tàu khách Bạc Liêu: nằm trên kênh Cà Mau – Bạc Liêu thuộc phường 2, TP. Bạc Liêu. Quy hoạch đạt quy mô 1,0 ha.

Bến tàu khách Hộ Phòng: nằm kênh Cà Mau – Bạc Liêu thuộc phường Hộ Phòng, TX. Giá Rai. Quy hoạch đạt quy mô 0,7 ha.

Bến tàu khách Gành Hào: nằm trên sông Gành Hào thuộc TT. Gành Hào, H. Đông Hải. Quy hoạch đạt quy mô 1,0 ha.

Bến tàu khách Phước Long: nằm trên kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp thuộc TT. Phước Long, H. Phước Long. Quy hoạch đạt quy mô 0,75 ha.

Bến tàu khách Chủ Chí: nằm trên kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp thuộc xã Phong Thạnh Tây B, H. Phước Long. Quy hoạch đạt quy mô 0,75 ha.

Bến tàu khách Phó Sinh: nằm trên kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp thuộc xã Vĩnh Phú Tây, H. Phước Long. Quy hoạch đạt quy mô 0,75 ha.

Bến Hòa Bình: Vị trí nằm cặp kênh Cà Mau – Bạc Liêu thuộc TT. Hòa Bình, H. Hòa Bình; quy mô 0,5 ha, xây dựng hệ thống kho bãi và công trình phụ trợ; chức năng: bến tổng hợp.

Bến Vĩnh Hưng: Vị trí nằm cặp kênh Cầu Sập – Ninh Quới và ĐT.978 thuộc xã Vĩnh Hưng, H. Vĩnh Lợi; Quy mô 0,5 ha, xây dựng hệ thống kho bãi và công trình phụ trợ; Chức năng bến tổng hợp.

Bến Định Thành: Vị trí nằm cặp kênh Tắc Vân và ĐT.982 thuộc xã Định Thành, H. Đông Hải; Quy mô 0,5 ha, xây dựng hệ thống kho bãi và công trình phụ trợ; Chức năng bến tổng hợp.

Bến Cái Cùng: Vị trí nằm khu vực cửa biển Cái Cùng bờ phía huyện Hòa Bình, bên ngoài Cống đập trụ đở Cái Cùng; Mục đích để phục vụ các dự án điện gió; Quy mô 2,61 ha (theo đề xuất của nhà đầu tư), xây dựng hệ thống kho bãi và công trình phụ trợ; Chức năng bến tổng hợp.

Bến Hộ Phòng: Vị trí nằm cặp kênh Hộ Phòng – Gành Hào, gần ngã 3 kênh Cà Mau – Bạc Liêu thuộc phường Hộ Phòng, TX. Giá Rai; Quy mô: 1 – 2 ha, xây dựng hệ thống kho bãi và công trình phụ trợ; Chức năng bến tổng hợp. Sau năm 2030 nâng cấp thành cảng thủy nội địa.

Bến Ninh Quới A: Vị trí nằm cặp kênh Ninh Quới – Ngan Dừa và ĐT.978, gần ngã 3 kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp thuộc xã Ninh Quới A, H. Hồng Dân; Quy mô 0,5 ha, xây dựng hệ thống kho bãi và công trình phụ trợ; Chức năng bến tổng hợp.

Bến Ngan Dừa: Vị trí nằm cặp kênh Ninh Quới – Ngan Dừa và ĐT.978 thuộc TT. Ngan Dừa, H. Hồng Dân; Quy mô: 0,3 ha, xây dựng hệ thống kho bãi và công trình phụ trợ; Chức năng bến tổng hợp.

Bến Phước Long: Vị trí nằm cặp kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp và ĐH.09 thuộc TT. Phước Long, H. Phước Long; Quy mô 0,5 ha, xây dựng hệ thống kho bãi và công trình phụ trợ; Chức năng bến tổng hợp.

Bến Phó Sinh: Vị trí nằm cặp kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp thuộc xã Phước Long, H. Phước Long; Quy mô 0,3 ha, xây dựng hệ thống kho bãi và công trình phụ trợ; Chức năng bến tổng hợp.

Bến Chủ Chí: Vị trí nằm cặp kênh Hộ Phòng – Chủ Chí và ĐT.981 thuộc xã Phong Thạnh Tây B, H. Phước Long; Quy mô 1,5 ha, xây dựng hệ thống kho bãi và công trình phụ trợ; Chức năng bến tổng hợp.

– Bến Ninh Thạnh Lợi: Vị trí nằm cặp sông Cạnh Đền và ĐT.980 thuộc xã Ninh Thạnh Lợi – Huyện Hồng Dân; Quy mô 0,5 ha, xây dựng hệ thống kho bãi và công trình phụ trợ; Chức năng bến tổng hợp.

– Bến Xẻo Chích: Vị trí nằm cặp sông Xẻo Chích và QL.1 thuộc thị trấn Châu Hưng – Huyện Vĩnh Lợi; Quy mô 0,3 ha, xây dựng hệ thống kho bãi và công trình phụ trợ; Chức năng bến tổng hợp.

Bến tàu khách Nhà Mát: nằm trên kênh 30 tháng 4 thuộc phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu. Quy hoạch đạt quy mô 0,75 ha.

Bến tàu khách Ngan Dừa: nằm trên kênh Ninh Quới – Ngan Dừa thuộc TT. Ngan Dừa, H. Hồng Dân. Quy hoạch đạt quy mô 0,75 ha.

Bến tàu khách Vĩnh Lộc A: nằm trên Nhánh sông Cái Lớn thuộc xã Vĩnh Lộc A, H. Hồng Dân. Quy hoạch đạt quy mô 0,75 ha.

2/ Bến hàng hóa

Bến Bạc Liêu 1: Vị trí nằm cặp kênh 30/4 và ĐT.977 thuộc phường Nhà Mát, TP.Bạc Liêu; quy mô 1,0 ha, xây dựng hệ thống kho bãi và công trình phụ trợ; chức năng bến tổng hợp.

Bến Bạc Liêu 2: Vị trí nằm cặp sông Bạc Liêu – Vàm Lẻo thuộc phường 3, TP.Bạc Liêu; quy mô 0,5 ha, xây dựng hệ thống kho bãi và công trình phụ trợ; chức năng bến tổng hợp.

Bến Bạc Liêu 3: Vị trí nằm cặp sông Bạc Liêu – Vàm Lẻo và ĐT.976 thuộc phường 5, TP. Bạc Liêu; quy mô 1 – 2 ha, xây dựng hệ thống kho bãi và công trình.

3. Tổng hợp quỹ đất dành cho giao thông

Phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được ưu tiên bố trí quỹ đất, dự kiến nhu cầu tăng thêm trong 10 năm 2021-2030 khoảng 1.750 ha, bằng 44,5% quỹ đất giao thông hiện có đến năm 2020, trong đó lấy từ đất nông nghiệp khoảng 1.662 ha, (trong đó đất chuyên lúa nước 603 ha), còn lại lấy vào đất ở nông thôn và đất ở thành thị và đất chưa sử dụng, đưa tổng số quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông toàn tỉnh đến năm 2030 lên 5.682 ha (chưa kể giao thông thủy), chiếm 2,1% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Tài liệu lèm theo:


Rate this post
Bài trướcGiới thiệu dự án Đà Lạt Paradise Garden: Khu đô thị cao cấp với tiện ích đồng bộ và tối đa hóa thiên nhiên
Bài tiếp theoQuy hoạch phát triển hệ thống đô thị tỉnh Bạc Liêu đến 2030, tầm nhìn 2050

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây