Trang chủ QH giao thông Quy hoạch hạ tầng giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng đến...

Quy hoạch hạ tầng giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng đến 2030, tầm nhìn đến 2050

621
0

Quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng được thực hiện theo đồ án quy hoạch tỉnh Lâm Đồng đến 2030, tầm nhìn đến 2050, bao gồm đường bộ cao tốc, đường hàng không, đường thủy và đường sắt.

Hiện trạng hệ thống hạ tầng giao thông tỉnh Lâm Đồng

Hiện trạng giao thông đường bộ


Mạng lưới giao thông đường bộ đến nay có tổng chiều dài khoảng 9.389 km gồm 19,2 km đường cao tốc loại B; 588 km đường QL (đã được rải bê tông nhựa và láng nhựa toàn bộ, hệ thống đường QL đạt tiêu chuẩn cấp IV đến cấp III miền núi); 729 km đường tỉnh (nhựa là 85,7%, cấp phối đá dăm 6,3%, đất là 8%); 651 km đường đô thị (nhựa là 86,5%, bê tông xi măng 8,5%, cấp phối đá dăm 5%); khoảng 7.491 km đường huyện, xã và đường giao thông nông thôn, số km được cứng hóa khoảng 6.637km đạt tỉ lệ 88%. Số lượng cầu 504 cầu (trong đó 353 cầu nhỏ, 138 cầu trung, 13 cầu lớn).

Hệ thống đường Quốc lộ: Theo đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, Bộ GTVT đã dự kiến ưu tiên 1 và thu xếp nguồn vốn cho dự án cải tạo, nâng cấp QL.28B đoạn Km0 – Km69 và dự án nâng cấp, cải tạo toàn tuyến qua đèo Mimoza và 1 số công trình trên QL.20; trong điều kiện nguồn lực NSNN hạn hẹp, chưa thể cân đối nguồn vốn để thực hiện dự án Cải tạo, nâng cấp QL.27 đoạn Km0 – Km174 và dự án cải tạo, nâng cấp QL 55 trong giai đoạn trung hạn 2021 – 2025; Dự án tuyến tránh phía Nam TP Bảo Lộc thuộc Dự án khôi phục, cải tạo QL 20 đoạn Km0-Km123+105,17 hiện đang tạm dừng.

Hệ thống đường tỉnh: Ngoài tuyến đường tỉnh ĐT.721, ĐT.724, ĐT.725 đã được đầu tư, các tuyến ĐT.722, ĐT.726, ĐT.727. ĐT.728 và ĐT.729 chậm đầu tư nâng cấp theo định hướng quy hoạch, chỉ khai thác từng đoạn, chất lượng khai thác công trình nền mặt đường, cầu cống thấp.


Hệ thống đường địa phương bao gồm đường huyện, xã và GTNT nhìn chung chất lượng còn thấp, tỷ lệ cầu, cống mặt đường xây dựng kiên cố chưa đạt yêu cầu, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa.

Cao tốc Liên Khương – Prenn:

Đoạn Liên Khương – chân đèo Prenn dài khoảng 19,2 km (điểm đầu từ Km 203+600 QL20; điểm cuối Km222+820 QL20) đã đầu tư đưa vào khai thác năm 2008 với quy mô mặt cắt ngang: B = 25,5 – 52m. Trong đó:


  • Đoạn trong TT Liên Nghĩa (Km203+600 – Km207) có Bnền = 52m;
  • Đoạn ngoài TT Liên Nghĩa (Km 219 – Km 228+820) có Bnền = 45m;
  • Đoạn đi men sườn núi (Km 207 – Km 219) có Bnền = 25,5m;

Đường Quốc lộ: Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 tuyến QL đi qua gồm QL 20, QL 27, QL 27C, QL 28, QL 28B, QL 55, Trường Sơn Đông tất cả đều đạt tiêu chuẩn cấp IV đến cấp III miền núi.+ QL 20 là tuyến đường bộ quan trọng nhất kết nối tỉnh Lâm Đồng với vùng Đông Nam Bộ. Toàn tuyến có chiều dài 286km vừa được nâng cấp đạt cấp III, trong đó đoạn trong tỉnh Lâm Đồng dài 192,4km.

  • QL 27 kết nối các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Ninh Thuận. Đoạn trên địa bàn Lâm Đồng từ cầu Krông Nô (giáp Đắk Lắk) đến Eo Gió giáp ranh với Ninh Thuận dài 123,5km, phần lớn chiều dài tuyến đạt cấp IV miền núi.
  • QL 27C kết nối Lâm Đồng với Khánh Hòa. Tuyến đường đi qua TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương có điểm đầu tại Km 239+500 của QL 20 đến Đạ Cháy (ranh giới Lâm Đồng và Khánh Hoà) dài 54,0km. đạt cấp III miền núi, Tình trạng đường tốt.
  • QL 28 kết nối các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận, có chiều dài trên đất Lâm Đồng là 96,6km đạt chất lượng cấp IV miền núi.
  • QL 28B: đoạn hiện hữu từ ranh Bình Thuận đến QL 20 dài 16km, quy mô đường cấp IV, 2 làn xe.
  • QL 55 kết nối các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Bà Rịa Vũng Tàu, đoạn đi qua tỉnh dài 24km, đạt cấp III miền núi, nền đường tối thiểu đạt 9-12m, mặt đường thảm bê tông nhựa chất lượng tốt.
  • Đường Trường Sơn Đông: đi qua địa phận tỉnh Lâm Đồng dài 62,3 km quy mô đường cấp IV, 2 làn xe.

Hệ thống các tuyến QL trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, một số công trình lớn được đưa vào khai thác, rút ngắn thời gian lưu thông: Từ TP Đà Lạt tới các tỉnh Đông Nam Bộ (QL20 tới TP Hồ Chí Minh 300km, TP Biên Hoà 270km, TP Vũng Tàu 340km), Duyên hải miền Trung (theo QL27C tới TP Nha Trang 140km, TP Phan Rang 96km, QL28 từ huyện Di Linh đi tỉnh Phan Thiết 90km, QL55 từ TP Bảo Lộc đi Tân Minh – giao QL1 – 30km) và Tây Nguyên (QL28 tới TT Gia Nghĩa 157km, QL27 tới TP Buôn Ma Thuột 191 km).

Cầu, cống chủ yếu tải trọng tương tương H30-XB80 khổ 7m – 12m có dầm bằng thép, bê tông liên hợp và bê tông cốt thép. Tổng số cầu trên toàn tuyến là 26 cầu với chiều dài 1117.02m. Khu quản lý Đường bộ VII là đơn vị quản lý.


Đường tỉnh: Gồm 08 tuyến với tổng chiều dài 663 km, phân bố tương đối đồng đều và phủ khắp toàn tỉnh, kết nối với hệ thống QL tạo thành mạng lưới bàn cờ thuận lợi cho việc kết nối giao thông nội tỉnh và liên tỉnh. Hệ thống các tuyến đường tỉnh ĐT.721, ĐT.724, ĐT.725 đã và đang được đầu tư nâng cấp đồng bộ góp phần tăng cường hiệu quả kết nối hệ thống đường địa phương với mạng lưới đường bộ quốc gia, các tuyến ĐT.722, ĐT.726, ĐT.727. ĐT.728 và ĐT.729 chậm đầu tư nâng cấp theo định hướng quy hoạch, chỉ khai thác từng đoạn, chất lượng khai thác công trình nền mặt đường, cầu cống thấp.

Đường tỉnh 721 (TT. Ma Đa Guôi – Cát Tiên và TT. Đạmbri – ranh giới tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận) có tổng chiều dài 72,5km, gồm 2 đoạn:

  • Đoạn 1: Chiều dài 62km, điểm đầu từ Km77+800 của QL 20 (ngã ba Mađaguôi) huyện Đạ Huoai đến cầu Vĩnh Ninh, xã Phước Cát 2 huyện Cát Tiên. Đường đạt cấp IV miền núi, toàn tuyến có 50km được rải nhựa (BTN và đá nhựa), tập trung từ TT Mađaguoi qua Đạ Tẻh và TT Đồng Nai đến cầu Phước Cát. Phần còn lại từ cầu treo Phước Cát đến Bến Cầu dài 12,0km là đường cấp phối và đường đất với nền đường 6,5m, mặt 3,5m nhiều ổ gà, đạt đường cấp V miền núi. Trên đoạn tuyến có 15 cầu với chiều dài 755.9m , đa số là cầu tạm có kết cấu nhịp bằng thép hoặc dàn Bailey. Đoạn này có 15km tình trạng đường tốt, 35km trung bình xấu và 12km tình trạng đường rất xấu.
  • Đoạn 2 từ ranh giới giữa tỉnh Lâm Đồng vối tỉnh Bình Thuận đến Km94+800 của QL20 có chiều dài 10,5Km. Đoạn này đường đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, nền 7,5m, mặt 5,5m, chất lượng đường tốt. ĐT.721 là tuyến quan trọng phục vụ phát triển kinh tế các huyện phía Nam, giao lưu kinh tế với 2 tỉnh Bình Phước, Bình Thuận và một bộ phận của vùng Tây Bắc tỉnh Đồng Nai.

Đường tỉnh 722: Chiều dài toàn tuyến là 76 km, gồm 02 đoạn:

  • Đoạn 1: Dài 45 km, điểm đầu từ ngã ba Tùng Lâm, TP Đà Lạt đến ngã ba Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương (đây là tuyến có đoạn trùng với đường Trường Sơn Đông). Đầu tư xây dựng, nâng cấp đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV miền núi.
  • Đoạn 2: Dài 31 km, từ ngã ba Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương – xã Đạ Long, Đạ Tông, Đạ R’Sal thuộc huyện Đam Rông – sông K’Rông Nô (ranh giới tỉnh Đắk Lắk). Đầu tư xây dựng, nâng cấp đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV miền núi.

Đường ĐT.724: chiều dài toàn tuyến là 72,7km, gồm 02 đoạn:

  • Đoạn 1: Dài 49km, từ Km193+400 của QL 20 (ngã ba Tân Hội) qua xã Tân Hội, xã Tân Thành, huyện Đức Trọng, qua xã Tân Hà, xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà, qua xã Đạ K’ Nàng, huyện Đam Rông đến QL 27 tại Km125. Đầu tư xây dựng, nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV miền núi.
  • Đoạn 2: Dài 23,7km, từ Km101 của QL 27 (ngã ba Bằng Lăng) đi theo tuyến đường Liên Hung – Đàm Ròn, qua TT Bằng Lăng đến ngã tư Đa Tế, xã Đầm Ròn, huyện Đam Rông. Đầu tư xây dựng, nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV miền núi.- Đường tỉnh ĐT.725: kết nối Đà Lạt – Nam Ban – Tân Rai – Lộc Bắc – Đạ Tẻh, có chiều dài 174,5km.

Đường tỉnh ĐT.726: Chiều dài toàn tuyến 155 km, gồm 03 đoạn :

  • Đoạn 1: Dài 65 km, từ TP Đà Lạt qua huyện Lạc Dương, đến QL 27 tại Km146, đi trùng QL 27 đến Km148 – giao với đường tỉnh ĐT.724 tại xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà, đi trùng đường tỉnh ĐT.724 đến giao với QL 28 tại Km129. Chất lượng xấu.
  • Đoạn 2: Dài 35 km, từ Km120+900 của QL 28 tại xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh đến giao với đường tỉnh ĐT.725 tại Km106.
  • Đoạn 3: Dài 55 km, từ Km125+850 của đường tỉnh ĐT.725 tại xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, đến giao với đường tỉnh ĐT.721 tại Km17+250 ở trung tâm huyện Đạ Tẻh có chất lượng xấu.

Đường tỉnh ĐT.727: Dài 30 km, từ Km 187 QL 27 qua huyện Đơn Dương, đi theo đường ĐH.413 qua cầu Ka Đô đến đường ĐH.412 tại ngã ba Lò Than – thôn Ya Hoa xã Ka Đô, qua xã P’Ró đến ranh giới tỉnh Ninh Thuận có chất lượng xấu.

Đường tỉnh ĐT.728: Dài 20 km, từ Km²18+100 QL 20 tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng đến Km²53+400 QL 20 tại xã Xuân Trường, TP Đà Lạt có chất lượng xấu.

Đường tỉnh ĐT.729: Dài 127 km, từ Km²02+100 QL 27 theo đường ĐH.412, ĐH.413 huyện Đơn Dương, qua các xã Đà Loan, xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng, nối vào đường tỉnh ĐT.724.

Đường huyện, đường xã, đường đô thị:

  • Đường đô thị: Có 651 km (nhựa là 86,5%, bê tông xi măng 8,5%, cấp phối đá dăm 5%);
  • Xã và đường giao thông nông thôn khoảng 7.491 km, số km được cứng hóa khoảng 6.637km đạt tỉ lệ 88%.
  • Giao thông nông thôn: Có tổng chiều dài 1.211,3km với 152,6km mặt đường được thảm, láng nhựa đạt 12,6% và 1.058,7km đường cấp phối hoặc đường đất chiếm 87,4%.

Hiện trạng giao thông đường sắt: Tuyến đường sắt từ ga Tháp Chàm đến ga Đà Lạt dài 84 km, có 8 ga, một số hầm,
trong đó có đoạn đường răng cưa dài 10km vượt đèo độ dốc hơn 12% để về TP Đà Lạt. Đường được xây dựng vào năm 1931, có hướng tuyến gần song song với QL 27. Hiện nay, chỉ khai thác đoạn từ ga Đà Lạt đến Trại Mát khoảng 7km, phục vụ cho các đoàn tàu khách kéo từ 2 đến 4 toa nhẹ và ga Đà Lạt với 4 đường đón, tuyến chỉ phục vụ vận chuyển khách du lịch.

Hiện trạng giao thông đường hàng không: Lâm Đồng chỉ có một Cảng Hàng không Liên Khương (dân dụng và quân sự) đạt cấp sân bay 4D theo tiêu chuẩn ICAO, có thể tiếp thu các loại tàu bay tầm A320, A321, B737 và tương đương, công suất 2 triệu HK/năm, có thể đảm bảo phục vụ hơn 800 hành khách/giờ cao điểm, 3.000 tấn hàng hóa/năm (số lượng thông quan 2019: 7.321 tấn hàng hóa/năm). Hiện đang khai thác thường lệ 10 tuyến bay nội địa, quốc tế đi, đến Hà Nội, TP HCM, Đà
Nẵng, Huế, Hải Phòng, Vinh, Vũ Hán (Trung Quốc), BangKok (Thái Lan), Incheon (Hàn Quốc), Muan (Hàn Quốc) và nhiều chuyến bay thuê chuyến quốc tế khác đi Seoul (Hàn Quốc), Singapore, Lào, Campuchia… của các Hãng hàng không Vietnam Airline, Vietjet air, Korean Air, Silk Air, DHT Aviations… Tần suất khai thác từ 28-30 chuyến/ngày. Sản lượng khai thác vận tải qua Cảng Hàng không Liên Khương những năm gần đây luôn tăng trưởng cao (vận tải hành khách tăng trung bình 30%/năm, vận tải hàng hóa tăng trung bình 32%/năm, số lần bay tăng trung bình 20%/năm).

Hiện trạng giao thông đường thủy: Do địa hình của tỉnh đồi núi cao, không có địa hình biển. Trên địa bàn chỉ có hồ, đập
thuỷ điện, sông, suối có độ dốc lớn, mùa mưa nước chảy xiết và mùa nắng nhiều đoạn sông khô cạn nên không phát triển được giao thông thuỷ nội địa, chỉ có một số phương tiện thuỷ nội địa công suất dưới 25 khách hoạt động du lịch nội bộ trong lòng hồ, phương tiện khai thác cát. Hiện địa phương chưa có quy hoạch giao thông thuỷ và Quyết định số 1829/QĐTTg ngày 31/10/2021 của Thủ tướng Chính Phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 thì không phát triển giao thông thuỷ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông tỉnh Lâm Đồng

Đường cao tốc và quốc lộ:

Quy hoạch hệ thống đường cao tốc, quốc lộ của tỉnh Lâm Đồng đã được phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó: Đường cao tốc: 03 tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Cụ thể như sau:

  • Cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) – Liên Khương (Lâm Đồng) (CT.25): điểm đầu giao với cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, chân đèo Prenn, huyện Đức Trọng, điểm cuối giáp ranh tỉnh Khánh Hòa, huyện Lạc Dương, chiều dài khoảng 46 km, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật cao tốc 4 làn xe, giai đoạn thực hiện sau 2030.
  • Cao tốc Liên Khương (Lâm Đồng) – Buôn Ma Thuột (Đắk Lăk) (CT.26): điểm đầu giao với cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, huyện Đức Trọng, điểm cuối giáp ranh tỉnh Đắk Lắk, huyện Đam Rông, chiều dài khoảng 62 km, quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật cao tốc 4 làn xe, giai đoạn thực hiện sau 2030.
  • Cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) – Liên Khương (Lâm Đồng) (CT.27): Đoạn 1: điểm đầu giao Km222+820 QL.20, TP. Đà Lạt, điểm cuối Km 203+600 QL.20, huyện Đức Trọng, chiều dài khoảng 19,2 km, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật cao tốc 4
    làn xe, duy tu bảo trì giữ cấp. Đoạn 2: điểm đầu giao với CT. Liên Khương-Prenn, huyện Đức Trọng, điểm cuối giáp ranh tỉnh Đồng Nai, huyện Đạ Huoai, chiều dài khoảng 130 km, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật cao tốc 4 làn xe, giai đoạn thực hiện trước 2030.

Ngoài ra cần bố trí các nút giao liên thông để kết nối các tuyến cao tốc với các tuyến quốc lộ và mạng lưới giao thông của tỉnh Lâm Đồng.

Đường quốc lộ: trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng quy hoạch 08 tuyến

  • QL.20: điểm đầu giao với QL.27, huyện Đơn Dương, điểm cuối giáp ranh tỉnh Đồng Nai, huyện Đạ Huoai, dài khoảng 192,4 km, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, cấp III, 2-4 làn xe. Quy hoạch 02 đoạn tuyến tránh: Tuyến tránh Liên Nghĩa, dài khoảng 22 km, quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật cấp III, 2-4 làn xe; Tuyến tránh Di Linh, dài khoảng 11,5 km, quy mô, tiêu
    chuẩn kỹ thuật cấp III, 2-4 làn xe.
  • QL.27: điểm đầu giáp ranh tỉnh Ninh Thuận ở Eo Gió, huyện Đơn Dương, điểm cuối giáp ranh tỉnh Đắk Lắk ở cầu Krông Nô, huyện Đam Rông, dài khoảng 123,5 km, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật cấp III-IV, 2-4 làn xe.
  • QL.27C: điểm đầu Km 239+500 của QL.20, Tp. Đà Lạt, điểm cuối giáp ranh tỉnh Khánh Hoà, xã Đạ Cháy, huyện Lạc Dương, dài khoảng 54 km, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật cấp III-IV, 2-4 làn xe.
  • QL.28: điểm đầu giáp ranh tỉnh Đắk Nông, huyện Lâm Hà, điểm cuối giáp ranh tỉnh Bình Thuận, huyện Di Linh, dài khoảng 96,6 km, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật cấp III-IV, 2- 4 làn xe.
  • QL.28B: điểm đầu giao với QL.20, huyện Đức Trọng, điểm cuối giáp ranh tỉnh Bình Thuận, huyện Đức Trọng, dài khoảng 16 km, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật cấp IV, 2 làn xe. + QL.55: điểm đầu giáp ranh tỉnh Đắk Nông, huyện Bảo Lâm, điểm cuối giáp ranh tỉnh Bình Thuận, huyện Bảo Lâm, dài khoảng 94 km, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật cấp III, 2-4 làn xe.
  • QL.55B: điểm đầu giáp ranh tỉnh Bình Phước, huyện Dạ Tẻh, điểm cuối giáp ranh tỉnh Đồng Nai, huyện Đạ Huoai, dài khoảng 72,5 km, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật cấp III, 2-4 làn xe.
  • Đường Trường Sơn Đông: điểm đầu giáp ranh tỉnh Đắk Lăk, huyện Lạc Dương, điểm cuối giao với QL.55B, huyện Cát Tiên, dài khoảng 174,5 km, quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật cấp III-IV, 2-4 làn xe.
Bản đồ quy hoạch mạng lưới giao thông tỉnh Lâm Đồng
Bản đồ quy hoạch mạng lưới giao thông tỉnh Lâm Đồng

Đường tỉnh, đường vành đai đô thị

Quy hoạch mạng lưới đường tỉnh Lâm Đồng đảm bảo việc kết nối với mạng lưới giao thông quốc gia (đường cao tốc, đường QL) đến các vùng trong tỉnh; kết nối từ trung tâm tỉnh đến các huyện, các vùng kinh tế của tỉnh, các tỉnh lân cận; kết nối liên huyện, tạo thành mạng lưới giao thông rộng khắp.

Quy hoạch 10 tuyến đường tỉnh, cụ thể:

  • ĐT.722: điểm đầu tại ngã ba Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương, điểm cuối giao QL.27, huyện Đam Rông, dài khoảng 41 km, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cấp IV, 2 làn xe.
  • ĐT.722B: điểm đầu giao với QL.27, huyện Đam Rông, điểm cuối giáp ranh tỉnh Đắk Lắk ở sông K’Rông Nô, huyện Đam Rông, dài khoảng 27 km, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cấp IV, 2 làn xe.
  • ĐT.723: điểm đầu giao với QL.20, Tp. Bảo Lộc, điểm cuối giao với QL.28, huyện Di Linh, dài khoảng 49 km, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cấp IV, 2 làn xe.
  • ĐT.723B: điểm đầu giao với tuyến tránh Di Linh, huyện Di Linh, điểm cuối giáp ranh tỉnh Bình Thuận, huyện Di Linh, dài khoảng 41 km, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cấp IV, 2 làn xe.
  • ĐT. 724: điểm đầu Km193+400 của QL.20 (ngã ba Tân Hội), huyện Đức Trọng, điểm cuối tại Km125 của QL.27, huyện Đam Rông, dài khoảng 49 km, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cấp IV, 2 làn xe.
  • ĐT.725: điểm đầu giao với đường Trường Sơn Đông, huyện Lâm Hà, điểm cuối giao với QL.27, huyện Đức Trọng, dài khoảng 8,5 km, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cấp IV, 2 làn xe.
  • ĐT.725B: điểm đầu giao với ĐT.724, huyện Lâm Hà, điểm cuối giao với QL.20, huyện Di Linh, dài khoảng 21 km, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cấp IV, 2 làn xe.
  • ĐT.726: điểm đầu giao với đường Trường Sơn Đông, Tp. Đà Lạt, điểm cuối giao QL.55B, huyện Dạ Tẻh, dài khoảng 156 km, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cấp IV, 2 làn xe.
  • ĐT.727: điểm đầu tại km187+00 QL.27, huyện Đơn Dương, điểm cuối giáp ranh tỉnh Ninh Thuận, huyện Đơn Dương, dài khoảng 30 km, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cấp IV, 2 làn xe.
  • ĐT. 729: điểm đầu Km202+100 của QL.27, huyện Đơn Dương, điểm cuối giáp ranh tỉnh Bình Thuận, huyện Đức Trọng, dài khoảng 43 km, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật cấp tối thiểu IV, 2 làn xe.
  • ĐT.729B: điểm đầu giao với QL.28B, huyện Đức Trọng, điểm cuối giáp ranh tỉnh Ninh Thuận, huyện Đức Trọng, dài khoảng 34 km, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cấp IV, 2 làn xe.

Công trình đường bộ

Hệ thống bến, bãi: Tiếp tục duy trì khai thác 14 bến xe hiện hữu. Ngoài các bến xe hiện đang khai thác, dự kiến bố trí tại mỗi huyện có ít nhất 1 bến xe liên tỉnh loại IV, một số bến trong khu vực nội thành, khu đông dân cư hoặc các bến cuối không có tính kết nối cao sẽ được chuyển về bến buýt, các tuyến liên tỉnh sẽ được chuyển về các bến vành đai có tính kết nối cao. Quy
hoạch bến xe theo nguyên tắc bố trí tại các trục giao thông chính ở các đô thị rìa ngoài và đô thị trung tâm của tỉnh kết nối ngoại tỉnh bằng các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, kết nối trong tỉnh bằng xe buýt, bến xe hàng hóa bố trí tại các trung tâm logistic và gần các tuyến đường vành đai đô thị để tập trung, phân phối hàng hóa vào khu vực nội thị. Nghiên cứu một số bến hàng hóa tại các khu vực đầu mối. Nghiên cứu các bến, bãi chính đậu dỗ xe trong TP Đà Lạt. Một số bến xe được quy hoạch mở mới giai đoạn trước 2030, cụ thể như sau:

  • Bến xe Tp. Đà Lạt, loại I.
  • Bến xe phía Tây Đà Lạt, loại II.
  • Bến xe trung tâm huyện Di Linh, loại III

Hệ thống trạm dừng nghỉ: Theo quy hoạch hệ thống trạm dừng nghỉ dọc các tuyến cao tốc, quốc lộ của quốc gia.

Hệ thống cầu, hầm, phà (nếu có): Quy hoạch các cầu vượt sông trên các tuyến QL, đường tỉnh để tăng cường kết nối vùng, miền; kết nối tỉnh với các tỉnh lân cận.

Quy hoạch giao thông đường thủy tỉnh Lâm Đồng: Do địa hình của tỉnh đồi núi cao, không có địa hình biển. Trên địa bàn chỉ có hồ, đập thuỷ điện, sông, suối có độ dốc lớn, mùa mưa nước chảy xiết và mùa nắng nhiều đoạn sông khô cạn nên không phát triển được giao thông thuỷ nội địa, chỉ có một số phương tiện thuỷ nội địa công suất dưới 25 khách hoạt động du lịch nội bộ trong lòng hồ, phương tiện khai thác cát. Hiện địa phương chưa có quy hoạch giao thông thuỷ và trong dự thảo cuối kỳ của Bộ GTVT về Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 thì không phát triển giao thông thuỷ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Quy hoạch giao thông đường sắt tỉnh Lâm Đồng:

Đường sắt quốc gia: Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt, chiều dài 84 km, khổ 1000, giai đoạn thực hiện sau 2030.
Đường sắt đô thị: Quy hoạch 06 tuyến ĐSĐT kết nối trung tâm TP Đà Lạt với các khu vực xung quanh và khu vực TP Đà Lạt mở rộng, đến TP Bảo Lộc và các đô thị vệ tinh với tổng chiều dài khoảng 89,63 km.

Sau năm 2030, khi nhu cầu đi lại hằng ngày tăng cao giữa các đô thị TP Đà Lạt, TT Liên Khương, TT Di Linh và TP Bảo Lộc, nghiên cứu đề xuất loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn cho phù hợp như BRT, monorail, xe điện mặt đất,….

Quy hoạch giao thông đường hàng không tỉnh Lâm Đồng: Thực hiện theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2018, tỉnh Lâm Đồng sẽ thực hiện như sau:

  • Nâng cấp cảng hàng không Liên Khương đạt tiêu chuẩn 4E là cảng hàng không nội địa có các hoạt động bay quốc tế, đến năm 2030, công suất 5 triệu KH/năm, quy mô dự kiến 340 ha; đến năm 2050, công suất 7 triệu KH/năm, quy mô dự kiến là 340 ha.
  • Sân bay Cam Ly (Đà Lạt) do Bộ quốc phòng quản lý, QHT chỉ cập nhật địa điểm.

Mạng lưới cảng cạn (ICD) kết hợp trung tâm logistic: Lâm Đồng là một vùng chuyên cung cấp các loại nông sản cho Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước, nên định hướng đầu tư xây dựng 2 cảng cạn kết hợp trung tâm logistics ở huyện Đức Trọng (50-100 ha) và TP Bảo Lộc (30-50 ha), cùng với các kho lạnh, kho trung chuyển vệ tinh để phục vụ cho sản xuất, tiêu thụ hàng hoá, nông sản trên địa bàn. Bên cạnh đó, cũng cần có các trung tâm sau thu hoạch kết hợp với logistics để nâng cao giá trị nông sản để đẩy mạnh hoạt động cung cấp nông sản cho thị trường.

Tài liệu kèm theo:


Rate this post
Bài trướcBản đồ quy hoạch sử dụng đất tỉnh Lâm Đồng đến 04/2024
Bài tiếp theoQuy hoạch xây dựng vùng huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đến 2040

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây