Trang chủ Quy hoạch Quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến...

Quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến 2030

271
0

Quy hoạch đô thị – nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030. Số lượng đô thị toàn tỉnh đến năm 2025 là 32 đô thị, đến năm 2030 là 45 đô thị.

Tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu (đối với các thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc, thành phố Hồng Ngự) và chương trình phát triển từng đô thị; bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hoá cấp đô thị. Đến năm 2030, thành phố Cao Lãnh và thành phố Sa Đéc được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, thành phố Hồng Ngự được công nhận là đô thị loại II.


Quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh Đồng Tháp

Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Đồng Tháp được xác định theo mô hình các mạng lưới tiểu vùng đô thị đa trung tâm, với 01 chuỗi đô thị trung tâm và 03 tiểu vùng đô thị độc lập. Mô hình tổ chức này phù hợp với định hướng phân vùng 04 không gian kinh tế chủ đạo của tỉnh.

Bản đồ phương án quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030
Bản đồ phương án quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 – 2030

Tổ chức hệ thống đô thị tỉnh Đồng Tháp bao gồm:

Chuỗi đô thị ven sông Tiền (chuỗi đô thị trung tâm) bao gồm TP. Cao Lãnh, TP. Sa Đéc; hệ thống đô thị phía Tây các huyện Tam Nông, huyện Thanh Bình; phía Nam huyện Cao Lãnh; phía Bắc các huyện Lấp Vò, huyện Lai Vung, huyện Châu Thành. Chuỗi đô thị này gắn với các trục cao tốc Hồng Ngự – Cao Lãnh – Trà Vinh, QL N2, QL30, Đường ven sông Tiền, QL80; với TP. Cao Lãnh và TP. Sa Đéc là đô thị trung tâm tiểu vùng.


Tiểu vùng đô thị biên giới (chuỗi đô thị phía Bắc) bao gồm TP. Hồng Ngự và hệ thống đô thị thuộc các huyện Hồng Ngự, huyện Tân Hồng. Tiểu vùng đô thị phía Bắc gắn với điểm đầu của tuyến cao tốc Hồng Ngự – Cao Lãnh – Trà Vinh, QL N1 và hệ thống cửa khẩu đường bộ, đường thuỷ phía Bắc tỉnh Đồng Tháp; với TP. Hồng Ngự là đô thị trung tâm tiểu vùng.

Tiểu vùng đô thị ven sông Hậu (chuỗi đô thị phía Tây Nam) bao gồm hệ thống đô thị phía Tây các huyện Lấp Vò, huyện Lai Vung, huyện Châu Thành. Tiểu vùng đô thị phía Tây Nam gắn với QL N2, hành lang kinh tế công nghiệp – hậu cần ven sông Hậu; với TT. Lấp Vò là đô thị trung tâm tiểu vùng.

Tiểu vùng đô thị trung tâm Đồng Tháp Mười (chuỗi đô thị phía Đông Bắc) bao gồm hệ thống đô thị phía Đông các huyện Tân Hồng, huyện Tam Nông, phía Bắc huyện Cao Lãnh, và huyện Tháp Mười. Tiểu vùng đô thị phía Đông Bắc gắn với QL N2; với TT. Mỹ An là đô thị trung tâm tiểu vùng.


Chuỗi đô thị ven sông Tiền (chuỗi đô thị trung tâm)

Phạm vi: Bao gồm TP. Cao Lãnh, TP. Sa Đéc; hệ thống đô thị phía Tây các huyện Tam Nông, huyện Thanh Bình; phía Nam huyện Cao Lãnh; phía Bắc các huyện Lấp Vò, huyện Lai Vung, huyện Châu Thành.

Tính chất: Là vùng động lực phát triển liên kết không gian giữa TP. Cao Lãnh, TP. Sa Đéc, các thị trấn huyện lỵ và chuỗi đô thị thuộc các huyện Thanh Bình, huyện Cao Lãnh, huyện Lấp Vò, huyện Châu Thành; là trục động lực phát triển kinh tế – đô thị chiến lược của tỉnh Đồng Tháp, tạo ra các chuỗi giá trị đô thị có quan hệ hữu cơ chặt chẽ với các vùng sản xuất và nông thôn.

Định hướng phát triển: Trung tâm đầu mối cấp vùng đặt tại TP. Cao Lãnh với quy mô dự kiến từ 200 – 400 ha gắn với khu công nghiệp Trần Quốc Toản hiện hữu sẽ trở thành tâm điểm của một thị trường hoàn toàn mới với các sản phẩm đa dạng, dựa trên vùng nguyên liệu ổn định tại chỗ và sản phẩm có khả năng chế biến sâu.


Chuỗi đô thị ven sông Tiền (chuỗi đô thị trung tâm)
Chuỗi đô thị ven sông Tiền (chuỗi đô thị trung tâm)

Tiểu vùng đô thị biên giới (chuỗi đô thị phía Bắc)

Phạm vi: Bao gồm TP. Hồng Ngự và hệ thống đô thị thuộc các huyện Hồng Ngự, huyện Tân Hồng.

Tính chất: Là vùng động lực phát triển liên kết không gian giữa TP. Hồng Ngự, các thị trấn huyện lỵ của huyện Hồng Ngự, huyện Tân Hồng và vùng kinh tế cửa khẩu phía Bắc tỉnh Đồng Tháp. Là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng: là cửa ngõ của sông Mekong đi vào Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời là điểm khởi đầu của ba cung kinh tế chủ đạo ven sông Hậu, ven sông Tiền và Đồng Tháp Mười. Vị trí này định vị vai trò cửa ngõ giao thương quốc tế của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung, nắm giữ vai trò quan trọng và tiên phong trong liên kết và hợp tác liên vùng.

Định hướng phát triển: Hồng Ngự tiếp tục là đô thị hạt nhân của tiểu vùng, với các lợi thế mới từ vị trí đô thị điểm đầu trên tuyến cao tốc Hồng Ngự – Trà Vinh. Phát huy thương hiệu “thủ phủ cá tra” hiện tại gắn với các tiềm năng và lợi thế về chế biến thủy sản, hướng tới hình thành các tổ hợp công nghiệp chế biến gắn với dịch vụ hỗ trợ về giống, vật tư nông nghiệp, hoàn thiện liên kết không gian sản xuất – định cư – dịch vụ đô thị, góp phần đảm bảo an ninh biên giới.

Cung không gian biên giới kết nối 02 cửa khẩu quốc tế Thường Phước, Dinh Bà và 05 cửa khẩu phụ Sở Thượng, Mộc Rá, Á Đôn, Bình Phú, Thông Bình là trục chiến lược về kinh tế biên mậu và an ninh quốc phòng.

Sơ đồ Tiểu vùng đô thị biên giới (chuỗi đô thị phía Bắc)
Sơ đồ Tiểu vùng đô thị biên giới (chuỗi đô thị phía Bắc)

Tiểu vùng đô thị kinh tế hậu cần ven sông Hậu (chuỗi đô thị phía Tây Nam)

Phạm vi: Bao gồm hệ thống đô thị phía Tây các huyện Lấp Vò, huyện Lai Vung, huyện Châu Thành.

Tính chất: Là vùng động lực phát triển liên kết không gian vùng các huyện phía Nam tỉnh Đồng Tháp (huyện Lấp Vò, huyện Lai Vung, huyện Châu Thành). Với vị thế điểm giao giữa trục đường bộ quốc gia N2 và trục đường thuỷ quốc gia theo sông Hậu, tiểu vùng đóng vai trò là đầu mối hạ tầng, dịch vụ cấp vùng quan trọng, giúp kết nối hoàn thiện các chuỗi giá trị cho tỉnh Đồng Tháp nói riêng và cụm đô thị trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Đây là khu vực có lợi thế về các lĩnh vực kinh tế mới nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các tỉnh lân cận: dịch vụ hậu cần; đầu mối hạ tầng trung chuyển phục vụ xuất nhập khẩu; công nghiệp đóng tàu; công nghiệp khai thác, nghiên cứu và phát triển vật liệu xây dựng; xử lý công nghệ xanh – thu hồi năng lượng; nghiên cứu chế phẩm sinh học.

Định hướng phát triển: Các dự án chiến lược cần thu hút đầu tư để tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội địa phương bao gồm:

  • Cụm cảng sông công nghiệp và dịch vụ hậu cần logistic nông nghiệp ven sông Hậu;
  • Khu công nghiệp Sông Hậu 2 (xã Định An, Định Yên, Bình Thành, H. Lấp Vò) quy mô khoảng 672 ha: tập trung phát triển kết hợp chuổi ngành hàng về dịch vụ logistics, kho bảo quản, chế biến nông – thủy sản chuyên sâu và nhóm ngành thương mại, dịch vụ khép kín phục vụ khu công nghiệp;
  • Khu công nghiệp Sông Hậu 3 (xã Tân Phước, H. Lai Vung) quy mô khoảng 300ha: tập trung phát triển nhóm ngành về chế biến lương thực, thực phẩm, thức ăn, chế biến thủy sản, kho lạnh, vật liệu xây dựng, trích ly tinh dầu, là khu phụ trợ tập trung cung cấp dịch vụ về kho bãi cho thuê, dịch vụ liên quan logisitics phục vụ KCN kề cận như Gillimex, Tân Mỹ huyện Lấp Vò.
Sơ đồ tiểu vùng đô thị kinh tế hậu cần ven sông Hậu (chuỗi đô thị phía Tây Nam)
Sơ đồ tiểu vùng đô thị kinh tế hậu cần ven sông Hậu (chuỗi đô thị phía Tây Nam)

Tiểu vùng đô thị trung tâm Đồng Tháp Mười (chuỗi đô thị phía Đông Bắc)

Phạm vi: Bao gồm hệ thống đô thị phía Đông các huyện Tân Hồng, huyện Tam Nông, phía Bắc huyện Cao Lãnh, và huyện Tháp Mười.

Tính chất: Là vùng động lực phát triển liên kết tổng thể không gian vùng nội địa phía Bắc tỉnh Đổng Tháp, bao gồm các huyện Tân Hồng, huyện Tam Nông, huyện Thanh Bình, huyện Cao Lãnh, huyện Tháp Mười. Với vị trí cữa ngõ kết nối với Long An và TPHCM, đây là phân vùng có nhiều dư địa phát triển, nhiều lợi thế trở thành vùng sản xuất nông nghiệp đổi mới thích ứng cao, vườn ươm cho những giá trị phát triển bền vững trong tương lai. Các đô thị huyện lỵ (TT. Tràm Chim, TT. Mỹ An) sẽ là trung tâm của phân vùng.

Định hướng phát triển: Thị trấn Mỹ An là đô thị trung tâm của vùng trồng lúa rộng lớn thuộc huyện Tháp Mười, huyện Tam Nông, và huyện Cao Lãnh nói riêng và tiểu vùng Đồng Tháp Mười nói chung. Tuyến cao tốc N2 là động lực chủ đạo để TT. Mỹ An trở thành một đô thị lúa gạo với các tổ hợp kinh tế nông nghiệp chuyên sâu gắn với tăng trưởng xanh.

Sơ đồ tiểu vùng đô thị trung tâm Đồng Tháp Mười (chuỗi đô thị phía Đông Bắc)
Sơ đồ tiểu vùng đô thị trung tâm Đồng Tháp Mười (chuỗi đô thị phía Đông Bắc)

Quy hoạch phát triển mạng lưới đô thị theo giai đoạn

Định hướng hệ thống đô thị đến năm 2025: Đến năm 2025, toàn tỉnh có 32 đô thị, gồm:

  • 02 Đô thị loại II: TP. Cao Lãnh, TP. Sa Đéc.
  • 01 Đô thị loại III: TP. Hồng Ngự.
  • 04 đô thị loại IV: TT. Mỹ An, TT. Lấp Vò, TT. Mỹ Thọ, TT. Cái Tàu Hạ – Nha Mân.
  • 25 đô thị loại V: Trong đó, 14 đô thị hiện có: Tràm Chim, Lai Vung, Thanh Bình, Sa Rài, Thường Thới Tiền, Trường Xuân, Mỹ Hiệp, Vĩnh Thạnh, Định Yên, Tân Thành, An Long, Tân Khánh Trung, Mỹ An Hưng B, Dinh Bà; 11 đô thị thành lập mới gồm: Phương Trà, Thanh Mỹ, Đốc Binh Kiều, Mỹ Hòa, Phong Hòa, Tân Dương, Bình Thành, Giồng Găng, Thường Phước, Long Khánh B, Tân Phú Trung,

Định hướng hệ thống đô thị đến năm 2030: Đến năm 2030, toàn tỉnh có 45 đô thị, gồm:

  • 02 đô thị loại I: TP. Cao Lãnh, TP. Sa Đéc.
  • 01 Đô thị loại II: TP. Hồng Ngự.
  • 01 Đô thị loại III: TT. Mỹ An.
  • 08 đô thị loại IV: TT. Lấp Vò, TT. Mỹ Thọ, TT. Cái Tàu Hạ – Nha Mân, TT. Tràm Chim, TT. Lai Vung, TT. Thanh Bình, TT. Sa Rài, TT. Thường Thới Tiền.
  • 33 đô thị loại V: Bao gồm: 09 đô thị hiện có: Trường Xuân, Mỹ Hiệp, Vĩnh Thạnh, Định Yên, Tân Thành, An Long, Tân Khánh Trung, Mỹ An Hưng B, Dinh Bà; 24 đô thị thành lập mới gồm: Phương Trà, Mỹ Long, An Bình, Gáo Giồng, Thanh Mỹ, Đốc Binh Kiều, Mỹ Hòa, Phú Điền, Mỹ Quý, Tân Mỹ, Long Hưng A, Bình Thành, Phú Thành A, Hoà Bình, Phong Hòa, Tân Dương, Bình Thành, An Phong, Tân Thạnh, Tân Mỹ, Giồng Găng, Thường Phước, Long Khánh B, Tân Phú Trung.

Phương án quy hoạch phát triển khu dân cư nông thôn tỉnh Đồng Tháp

Mục tiêu quy hoạch xây dựng nông thôn tỉnh Đồng Tháp phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với mục tiêu chung: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội từng bước hiện đại với các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh – trật tự được giữ vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Bản đồ phương án quy hoạch hệ thống phát triển đô thị nông thôn tỉnh Đồng Tháp
Bản đồ phương án quy hoạch hệ thống phát triển đô thị nông thôn tỉnh Đồng Tháp

Các hình thái phân bố dân cư nông thôn tỉnh Đồng Tháp:

– Vùng phía Bắc: gồm thành phố Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, huyện Tân Hồng, Vùng bị ngập sâu, chịu ảnh hưởng thường xuyên của lũ lụt hàng năm, nên dân cư nông thôn phân bố theo hình thái tuyến – cụm dân cư gắn với vùng sản xuất lúa, gắn kết các hình thái dân cư này với mô hình kinh tế biên mậu. Phát triển hoàn chỉnh các cụm, tuyến dân cư vùng dọc theo các tuyến đường tuần tra biên giới, các cửa khẩu phụ.

– Vùng phía kinh tế vùng kinh tế sinh thái – nông nghiệp trung tâm Đồng Tháp Mười: gồm huyện Thanh Bình, huyện Tam Nông, huyện Cao Lãnh, huyện Tháp Mười, Vùng bị ngập sâu, chịu ảnh hưởng thường xuyên của lũ lụt hàng năm, nên dân cư nông thôn phân bố theo hình thái tuyến – cụm dân cư gắn với vùng sản xuất nông nghiệp đổi mới với tính thích ứng cao, vườn ươm cho những giá trị phát triển bền vững trong tương lai. Thiết lập vùng dự trữ sinh quyển, thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học và sinh cảnh ngập nước Đồng Tháp Mười.. Phát triển hạ tầng hoàn chỉnh các cụm, tuyến dân cư, các khu trung tâm xã hiện hữu.

– Vùng các huyện phía Nam: gồm huyện Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành. Phân bố theo hình thái tuyến cụm và làng nghề, làng vườn. Hiện có 50 – 60% dân cư sống phân tán trên các tuyến giao thông, sông, kênh rạch, nội đồng, nhà ở riêng lẻ gắn với đất canh tác. Phân bổ hợp lý các khu dân cư, giảm dần các khu dân cư đơn lẻ, tăng mật độ cư trú các điểm dân cư nông thôn theo hướng đô thị hóa nông thôn. Hình thành một số cụm tuyến dân cư gắn với các khu, cụm công nghiệp. Đưa dân định cư phân tán rải rác trong nội đồng, trên các tuyến giao thông, kênh rạch vào các điểm dân cư tập trung. Khuyến khích phát triển các cụm dân cư Làng nghề truyền thống làng hoa, dệt chiếu, làng bột, nuôi heo, đóng ghe,…

Tham khảo thêm: 

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến 2030, các huyện, thị, TP, tỉnh Đồng Tháp


Rate this post
Bài trướcLợi nhuận thuận là gì? Công thức tính lợi nhuận thuần như thế nào?
Bài tiếp theoQuy hoạch giao thông tỉnh Đồng Tháp đến 2030, tầm nhìn đến 2050

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây