Theo kế hoạch vừa được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị ban hành, trong năm 2022 sẽ thanh tra hai chuyên đề diện rộng về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư và thanh tra về thực hiện việc dành quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị ở 11 tỉnh, thành.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký ban hành Quyết định 1285 kế hoạch thanh tra năm 2022 của Bộ. Cụ thể, trong năm 2022, Bộ Xây dựng thanh tra công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng tại Ban quản lý dự án Thăng Long Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam – CTCP.
Theo đó, danh sách các tỉnh nằm trong diện thanh tra gồm:
Thanh tra trong lĩnh vực quy hoạch
- Tỉnh Lào Cai
- Tỉnh Tuyên Quang
- Tỉnh Hậu Giang.
Thanh tra 2 chuyên đề diện rộng đối với 11 tỉnh, thành phố gồm:
- Thành phố Hà Nội
- Thành phố Hồ Chí Minh
- Thành phố Đà Nẵng
- Tỉnh Bắc Giang
- Tỉnh Hải Dương
- Thành phố Hải Phòng
- Tỉnh Quảng Ninh
- Tỉnh Ninh Bình
- Tỉnh Bình Dương
- Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
- Tỉnh Long An.
Chuyên đề thứ nhất: Về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn. Đối tượng thanh tra là chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Chuyên đề thứ hai: Là thanh tra về thực hiện việc dành quỹ đất để đầu tư, phát triển NƠXH theo quy định của pháp luật đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị ở 11 tỉnh, thành trên. Đối tượng thanh tra là UBND tỉnh, chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Tại quyết định trên, Bộ trưởng Xây dựng giao Chánh thanh tra Bộ tổ chức triển khai, đôn đốc việc thực hiện theo kế hoạch thanh tra, định kỳ báo cáo Bộ trưởng theo quy định.
Phí bảo trì chung cư là gì?
Theo Luật Nhà ở năm 2014 quy định rằng: Phí bảo trì chung cư là khoản phí được sử dụng để bảo trì các hạng mục thuộc sở hữu chung tại tòa nhà bị xuống cấp trong quá trình sử dụng.
Với đặc thù của tòa nhà ngoài các hạng mục căn hộ thuộc sở hữu riêng của từng chủ hộ thì còn có các diện tích thuộc sở hữu chung như: hành lang, hầm đỗ xe, hệ thống phòng cháy chữa cháy, máy phát điện, hệ thống chiếu sáng… Do vậy trong quá trình vận hành khi phát sinh các sự cố hỏng hóc, xuống cấp thì cần thiết phải có nguồn kinh phí kịp thời khắc phục để hạn chế tối đa những ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống cư dân.
Quy định pháp luật về phí bảo trì chung cư
Điều 108 Luật Nhà ở năm 2014 (Luật Nhà ở) và điểm b khoản 1 Điều 3 Mẫu hợp đồng mua bán căn hộ chung cư thương mại ký giữa chủ đầu tư (CĐT) và người mua căn hộ kèm theo Thông tư số 03/2014/TT-BXD, quy định phí bảo trì nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được xác định thông qua các tiêu chí sau đây:
Thứ nhất, phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư mà người mua hoặc thuê nhà phải nộp là 2% giá trị căn hộ hoặc diện tích khác.
Thứ hai, thời điểm người mua hoặc thuê nhà phải đóng phí bảo trì chung cư là khi nhận bàn giao nhà và được quy định rõ trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua. Ngay tại thời điểm nhận bàn giao nhà, người mua hoặc thuê sẽ phải nộp toàn bộ phí bảo trì nhà chung cư cho CĐT.
Thứ ba, chủ sở hữu có trách nhiệm đóng góp thêm kinh phí bảo trì tương ứng với phần diện tích thuộc sở hữu riêng của từng chủ sở hữu khi phí bảo trì thực hiện bảo trì không đủ. Bảo trì nhà chung cư bao gồm bảo trì phần sở hữu riêng và bảo trì phần sở hữu chung. Chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu riêng và đóng góp phí bảo trì để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.
Ai chịu trách nhiệm quản lý phí bảo trì chung cư?
Đối tượng chịu trách nhiệm quản lý phí bảo trì chung cư được quy định tại Điều 108 Luật Nhà ở 2014 như sau:
Sau khi thu quỹ bảo trì chung cư, trong vòng 7 ngày chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển khoản tiền đó vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm của một tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam.
Sau 12 tháng kể từ thời điểm tòa nhà được bàn giao và đưa vào sử dụng và có trên 50% căn hộ nhận bàn giao, Chủ đầu tư có trách nhiệm phối hợp tổ chức Hội nghị nhà chung cư để bầu ra Ban quản trị tòa nhà.
Trong vòng 7 ngày làm việc kể từ khi thành lập, Ban quản trị nhà chung cư cần có văn bản đề nghị chuyển giao kinh phí bảo trì, chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển giao kinh phí bảo trì chung cư đã thu của người mua, thuê mua và kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư phải nộp đối với phần diện tích giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua sang tài khoản do Ban quản trị.
Tài khoản này được lập tại một tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam do một hoặc nhiều thành viên thuộc ban quản trị đứng tên chủ tài khoản.
Thực trạng quản lý, sử dụng phí bảo trì nhà chung cư
Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng giữa năm 2019, trong 458 vụ tranh chấp tại các dự án nhà chung cư có 68 vụ tranh chấp (chiếm khoảng 10.3%) liên quan đến việc quản lý, sử dụng phí bảo trì chung cư. Tại thành phố Hà Nội, có 254/492 chung cư (chiếm 52%), có 33/82 chung cư tái định cư (chiếm 40%) mà CĐT chưa bàn giao phí bảo trì cho BQT nhà chung cư. Giá trị phí bảo trì chung cư phụ thuộc vào giá bán hoặc giá thuê nhà nên tại các thành phố lớn việc tranh chấp phí bảo trì càng trở nên gay gắt. Nhìn chung, đa số những tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quản lý, sử dụng phí bảo trì chung cư là do CĐT không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần phí bảo trì cho BQT.
Theo tổng hợp