Trang chủ Quy hoạch Quy hoạch tổ chức không gian vùng huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao...

Quy hoạch tổ chức không gian vùng huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng đến 2030, tầm nhìn 2050

326
0

Quy hoạch phát triển và tổ chức không gian vùng huyện Trùng Khánh được xác định với 3 trụ cột, gồm: Phát triển du lịch –  dịch vụ bền vững; Phát triển Khu cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh và lối mở Nà Đoỏng; Phát triển thị trấn Trùng Khánh, thị trấn Trà Lĩnh.

Xác định ba trụ cột phát triển của huyện Trùng Khánh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đó là:


  • Phát triển du lịch –  dịch vụ bền vững theo hướng trở thành một trung tâm du lịch của tỉnh Cao Bằng với các sản phẩm du lịch đặc sắc, mang đậm nét đặc trưng của vùng Đông Bắc.
  • Phát triển Khu cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh và lối mở Nà Đoỏng (thị trấn Trà Lĩnh) trở thành trung tâm của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng, cửa ngõ kết nối Trung Quốc và ASEAN.
  • Phát triển thị trấn Trùng Khánh, thị trấn Trà Lĩnh trở thành đô thị văn minh, hiện đại, trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch của huyện. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển du lịch, sản xuất nông nghiệp và kinh tế cửa khẩu. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách…
Bản đồ quy hoạch vùng liên huyện tỉnh Cao Bằng đến 2030, tầm nhìn đến 2050
Bản đồ quy hoạch vùng liên huyện tỉnh Cao Bằng đến 2030, tầm nhìn đến 2050

Phương án quy hoạch phân vùng không gian phát triển, huyện Trùng Khánh

Vùng động lực phát triển:

  • Khu vực cửa khẩu – Thị trấn Trà Lĩnh, là khu đô thị cửa khẩu, gắn với thương mại dịch vụ phát triển kinh tế biên mậu, nằm trên đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh của hành lang kinh tế dọc tuyến biên giới QL 4A, 4B: Trung Quốc – Cao Bằng – Lạng Sơn – Hải Phòng – Quảng Ninh, cửa ngõ kết lối khu vực cửa ngõ kết nối Trung Quốc và ASEAN.
  • Khu vực cửa khẩu Pò Peo là 1 trong 3 cửa khẩu phụ, nơi trao đổi buôn bán, hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc; Khu dân cư gắn với phát triển dịch vụ thương mại – du lịch, nông nghiệp công nghệ cao.
  • Khu vực lối mở Đình Phong – xã Đình Phong, là trung tâm cụm xã, trung tâm hành chính, văn hóa, giáo dục, thương mại, dịch vụ giao lưu trao đổi hàng hóa của xã Đình Phong và vùng lân cận; Khu vực phát triển kinh tế biên mậu thông qua lối mở/cặp chợ thương mại biên giới, trung tâm dịch vụ du lịch.
  • Khu vực lối mở Đình Phong – xã Đình Phong, là trung tâm cụm xã, trung tâm hành chính, văn hóa, giáo dục, thương mại, dịch vụ giao lưu trao đổi hàng hóa của xã Đình Phong và vùng lân cận; Khu vực phát triển kinh tế biên mậu thông qua lối mở/cặp chợ thương mại biên giới, trung tâm dịch vụ du lịch.

Vùng kiểm soát nghiêm ngặt:

  • Thị trấn Bản Giốc: Tổng diện tích của vùng khoảng 658ha. Được xác định là vùng dọc theo hành lang thoát lũ của dòng sông Quây Sơn (khoảng 150ha), vùng thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao (khoảng 33ha), vùng trong phạm vi cấm xây dựng theo Luật biên giới; Hiệp định biên giới đất liền giữa Việt Nam – Trung Quốc và vùng đồi núi cao (từ cao độ trên 450m so với mặt nước biển và khu vực đồi núi có độ dốc ≥ 30%) có diện tích khoảng 475ha.
  • Khu vực rừng phòng hộ: Đến năm 2030, huyện Trùng Khánh có 32.273,82ha đất khu vực rừng phòng hộ. Phân bố chủ yếu trên địa bàn các xã: Quang Vinh (4.162,42ha), Đoài Dương (3.080,94ha), Khâm Thành (2.655,38ha), Chí Viễn (2.566,60ha),…
  • Khu vực rừng đặc dụng: Khu bảo tồn loài sinh cảnh Vượn Cao Vít, huyện Trùng Khánh có diện tích tự nhiên 2.880,74ha, nằm trong phạm vi các xã Ngọc Côn, Ngọc Khê và Phong Nặm. Thực hiện mở rộng để hình thành khu bảo tồn loài sinh cảnh cấp Quốc gia, nhằm bảo tồn và phát triển quần thể Vượn Cao Vít, bảo vệ môi trường sống của chúng là hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi và các hệ sinh thái rừng tự nhiên.
  • Khu bảo tồn cảnh quan du lịch sinh thái môi trường thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao với diện tích 565,18ha.

Vùng hạn chế phát triển


  • Thác bản Giốc: Tổng diện tích của phân vùng khoảng 160ha. Được xác định là vùng không gian đệm đóng góp giá trị tạo dựng cảnh quan đặc trưng cho Khu du lịch bao gồm: Vùng cảnh quan sinh thái nông nghiệp gồm vùng nông nghiệp dọc theo bờ sông Quây Sơn, vùng đồng ruộng bậc thang tại các thung lũng (có tổng diện tích khoảng 85ha); Vùng có địa hình, địa chất phức tạp có cao độ địa hình từ +(365m ÷ 450)m so với mặt nước biển, độ dốc từ 10%÷30% (72ha) và Vùng xây dựng công trình văn hóa tâm linh.
  • Các điểm di sản địa chất và khu vực vùng đệm của các điểm di sản thuộc Công viên non nước Cao Bằng nằm trên địa bàn huyện.

Phương án quy hoạch phát triển hệ thống đô thị vùng huyện Trùng Khánh

Quy hoạch đô thị vùng huyện Trùng Khánh được xác định tập trung phát triển đô thị tại 3 khu vực: Thị trấn Trùng Khánh, Thị trấn Trà Lĩnh và khu vực xã Đàm Thủy tiến tới thành lập thị trấn Bản Giốc.

Đô thị Trùng Khánh – Thị Trấn Trùng Khánh: là thị trấn huyện lỵ, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của huyện biên giới Trùng Khánh và là đô thị trung tâm của Tiểu vùng miền Đông, hỗ trợ cho thị trấn du lịch thác Bản Giốc.

Định hướng phát triển, cải tạo và xây dựng  mở rộng trung tâm thị trấn hiện có. Phân khu chức năng tạo được sự liên hệ giữa khu trung tâm cũ với sự phát triển đô thị mới trong tương lai, bố cục không gian kiến trúc rõ ràng, nhấn mạnh được khu trung tâm chính trị trên cơ sở khai thác điều kiện địa hình tự nhiên sẵn có tại khu vực, tuyến đường tránh tạo được sự phát triển và mở rộng trung tâm thị trấn. Đảm bảo sự phát triển lâu dài trong tương lai, nhất là khu trung tâm chính trị và khu trung tâm văn hoá thể thao, khu vui chơi giải trí mở rộng được sự phát triển đô thị. Hoàn thiện các tiêu chí đô thị, phấn đấu đạt đô thị loại IV vào năm 2030.


Cải tạo chỉnh trang khu vực trung tâm thị trấn hiện hữu – phía Tây Bắc thị trấn; khu vực phát triển mới phía Đông Nam thị trấn. Xây dựng khách sạn, khu nhà hàng – khách sạn và xây dựng khu du lịch sinh thái.

Sơ đồ quy hoạch chung đô thị thị trấn Trùng Khánh đến 2030
Sơ đồ quy hoạch chung đô thị thị trấn Trùng Khánh đến 2030

Xây dựng khu thương mại dịch vụ và cụm công nghiệp mới phía Đông Nam thị trấn.

Thị trấn Trà Lĩnh: là cửa khẩu quốc tế, trung tâm của KKTCK tỉnh Cao Bằng, cửa ngõ kết nối Trung Quốc và ASEAN. Thị trấn Trà Lĩnh nằm bên cạnh các hành lang cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh đang được triển khai xây dựng, sẽ tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và khu vực Đông Bắc; kết nối giao thương hàng hóa qua cảng quốc tế Lạch Huyện, TP Hải Phòng, đưa cửa khẩu Trà Lĩnh thành cửa ngõ quan trọng trên hành lang kết nối, giao lưu thương mại giữa ASEAN – Việt Nam – Trung Quốc.


Khu cửa khẩu Trà Lĩnh cửa ngõ kết nối Trung Quốc và ASEAN, được định hướng cơ bản với cấu trúc gồm 2 khu chức năng chính: Khu cửa khẩu Trà Lĩnh ở phía Bắc và khu đô thị – thị trấn Trà Lĩnh ở phía Nam. Khu vực cửa khẩu phát triển các khu chức năng quản lý, kiểm soát, các khu hỗn hợp thương mại dịch vụ cửa khẩu, trung tâm logistics với cảng cạn ICD, hệ thống kho bãi, trung tâm sản xuất chế biến phục vụ xuất khẩu (khu chế xuất), khu dân cư hiện trạng và khu dân cư mới phục vụ tái định cư. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thị trấn Trà Lĩnh đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.

Sơ đồ quy hoạch chung đô thị thị trấn Trà Lĩnh đến 2030
Sơ đồ quy hoạch chung đô thị thị trấn Trà Lĩnh đến 2030

Khu vực phía Tây: Lối mở Nà Đoỏng – Nà Ráy là khu vực kết nối với dự án Vạn Sinh Long từ tuyến đường Nà Đoỏng, bao gồm các chức năng chính: cửa khẩu xuất nhập khẩu hàng hóa, cơ quan quản lý cửa khẩu, hệ thống kho bãi, khu chế xuất, dịch vụ thương mại và khu dân cư hiện trạng. Trung tâm thương mại dịch vụ được nâng cấp trên cơ sở chợ Trà lĩnh cùng các khu thương mại dịch vụ mới.

Khu vực phía Nam: điều chỉnh chức năng khu đất dự kiến là đất công nghiệp trong quy hoạch cũ thành đất xây dựng khu tái định cư ven QL 34 (phía Bắc khu trung chuyển phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa).

Quy hoạch mới khu công nghiệp, chế xuất quy mô khoảng 45ha tại khu vực phía Đông, khai thác quỹ đất bằng xen lẫn đồi thấp tại vị trí này. Khu CN, chế xuất tại đây sẽ chủ yếu là sản xuất đóng gói, sản xuất nông sản thực phẩm xuất khẩu.

Hình thành tuyến đường vành đai phía Nam của đô thị Trà Lĩnh kết nối với đường hành lang biên giới và TL 211. Mở hướng giao thông kết nối từ cao tốc Trà Lĩnh – Đồng Đăng qua khu vực phía Nam Dự án Khu trung chuyển Trà Lĩnh để kết nối vào khu vực đô thị. Phát triển cụm hỗn hợp thương mại dịch vụ tại khu vực này, hình thành cửa ngõ mới của đô thị.

Thị trấn Bản Giốc (Xã Đàm Thủy): là thị trấn mới phát triển từ trung tâm xã Đàm Thủy gắn kết khu du lịch thác Bản Giốc, trung tâm văn hóa, dịch vụ du lịch cấp quốc gia và quốc tế, là khu vực phát triển kinh tế của khẩu của huyện, có vị trí an ninh quốc phòng quan trọng. Đến năm 2030, đạt các tiêu chí đô thị loại V.

  • Phát triển Thác Bản Giốc thành Khu du lịch trọng điểm Quốc gia, một khu du lịch đa dạng chất lượng cao với các sản phẩm du lịch tham quan thắng cảnh,  nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, thể thao mạo hiểm, vui chơi giải trí và đặc biệt phát triển du lịch thể hiện được đặc trưng riêng về cảnh quan, văn hóa xã hội của khu vực thác Bản Giốc.
  • Khu vực phát triển phía Tây của Khu du lịch (quy mô 590ha) với các chức năng hình thành Khu trung tâm thị trấn du lịch đảm bảo đạt tiêu chí đô thị loại V. Phát triển các chức năng về du lịch dịch vụ, khu ở và hành chính với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ.
  • Khu vực phát triển Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc sẽ phát triển tập trung tại phía Đông của Khu du lịch (quy mô 410ha). Khu vực này sẽ ưu tiên phát triển các cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ du lịch và khu trung tâm điều hành, quản lý phát triển chung cho toàn Khu du lịch thác Bản Giốc.
Sơ đồ quy hoạch chung đô thị thị trấn Bản Giốc đến 2030
Sơ đồ quy hoạch chung đô thị thị trấn Bản Giốc đến 2030.

Phương án phát triển các điểm dân cư nông thôn vùng huyện Trùng Khánh

Quy hoạch đối với các vùng nông thôn, động lực chủ yếu để phát triển các khu dân cư nông thôn là phát triển tiểu thủ công nghiệp và nông lâm nghiệp, xây dựng các trung tâm cụm xã – các điểm dân cư nông thôn để vừa khai thác các tiềm năng sẵn có, vừa tạo động lực mới, làm điểm tựa phát triển kinh tế, trung tâm dịch vụ thương mại, giáo dục, y tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội cho khu vực nông thôn.

Hướng phát triển dân cư nông thôn theo Chương trình phát triển nông thôn mới với mục tiêu chung: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội từng bước hiện đại với các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giầu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh – trật tự được giữ vũng; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Quy hoạch xây dựng các điểm trung tâm cụm xã và các cơ sở tạo thị:

Ngọc Khê – TTCX, điểm đô thị vùng biên: Phát triển từ trung tâm xã Ngọc Khê, là trung tâm thương mại giao lưu trao đổi hàng hóa với Trung Quốc và là trung tâm phục vụ phát triển các xã như xã Phong Nặm, xã Ngọc Côn và xã Đình Phong).

Quy hoạch mạng lưới các điểm dân cư, các trung tâm hành chính xã, hệ thống trung tâm công cộng và kết cấu hạ tầng: 

  • Trung tâm các xã: Trung tâm các xã được quy hoạch mỗi trung tâm có quy mô diện tích 10 – 30ha, quy mô dân số từ 2.000 – 5.000 người. Đây là trung tâm kinh tế, văn hoá của xã. Mỗi cụm trung tâm xã có các công trình văn hoá thể thao, các công trình hạ tầng khác như bưu điện, chợ, sân thể thao xã (60x90m)…được xây dựng theo quy chuẩn và được bố trí ở khu vực thuận tiện với các thôn xóm, bán kính phục vụ trong khoảng 2km.
  • Trung tâm thôn xóm: nhà văn hóa thôn, trường mầm non… nên được bố trí tập trung kết hợp với các không gian công cộng, nghỉ ngơi để tạo không gian trung tâm cho thôn xóm
  • Các tuyến dân cư tập trung: Phân bố dọc theo các tuyến đường giao thông liên xã, hiện nay các tuyến này đã có dân cư bám theo dọc đường, cần quy hoạch đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng như đường giao thông, lưới điện, nước, sinh hoạt, hệ thống trường lớp, hệ thống y tế, hệ thống các thiết chế văn hóa – xã hội,v.v.

Phương án quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng xã hội vùng huyện Trung Khánh

 Mạng lưới giáo dục: Đầu tư thay thế các phòng học bán kiên cố hết niên hạn sử dụng. Đến năm 2030, xây mới 7 trường, mở rộng 15 trường và các điểm trường tại các xã, thị trấn theo phương án quy hoạch sử dụng đất. Giai đoạn 2031 – 2050: Quy hoạch các đơn vị trường có chất lượng tốt, ưu tiên đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường học thông minh – hiện đại.

Mạng lưới y tế: Đến năm 2030 có trên 80% dân số được quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử; trên 6 bác sỹ/1 vạn dân; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi dưới 16%. Đến năm 2050 có trên 90% dân số được quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử; trên 8 – 10 bác sỹ/1vạn dân; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi dưới 10%.

Nâng cấp bệnh viện Đa khoa huyện đạt 130 giường bệnh và ứng dụng được các kỹ thuật Y học cao, trạm Y tế xã, thị trấn đáp ứng được các yêu cầu về điều trị theo phân cấp và làm tốt công tác phòng bệnh tại cơ sở, phát huy khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền đạt 40%. Ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật số trong khám, chữa bệnh: bệnh án điện tử, quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử. Sau năm 2030 nâng cấp bệnh viện Đa khoa huyện đạt 250 giường bệnh và ứng dụng được các kỹ thuật Y học cao, phát huy khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền đạt 50%.

Mạng lưới giao thông: Giai đoạn 2021 – 2025, Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 208, từ thị trấn Đông Khê (huyện Thạch An) – xã Cách Linh, xã Bế Văn Đàn (huyện Quảng Hòa) – xã An Lạc, thị trấn Thanh Nhật, xã Đức Quang (huyện Hạ Lang) – xã Chí Viễn (huyện Trùng Khánh); đường tỉnh 213 (thị trấn Trùng Khánh – Cửa khẩu Pò Peo, xã Ngọc Côn); đường tỉnh 206 (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh) – Cửa khẩu Lý Vạn (xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang). Nâng cấp cải tạo tuyến QL4A, đoạn qua trung tâm thị trấn và trung tâm khu du lịch thác Bản Giốc. Đầu tư, nâng cấp xây mới các tuyến đường nhánh, nội thị tại thị trấn Trùng Khánh và TT Trà Lĩnh; xây dựng hệ thống đường tuần tra biên giới phục vụ công tác quản lý biên giới;

Xây mới tuyến đường nội thị đoạn nối ĐT 206 cũ với ĐT 206 mới và đoạn từ trung tâm giáo dục thường xuyên đến CCN tại thị trấn Trùng Khánh; đoạn từ trung tâm phường đến trường THCS phía Bắc thị trấn Trùng Khánh; đoạn nối ĐT 206 mới qua trung tâm TDTT đến khu XL nước thải tại thị trấn Trùng Khánh;  tuyến vành đai phía Tây Bắc khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh. Xây mới tuyến Bắc Nam đoạn từ trạm kiểm soát liên hợp đi trung tâm thị trấn Trà Lĩnh.  Xây dựng tuyến nối QL34 với ĐT210 thị trấn Trà Lĩnh. Đường nội thị thị từ QL 4A qua sông Nà Máng – C5 ra QL34 thị trấn Trà Lĩnh.

Nâng cấp một số tuyến đường hiện có đạt tiêu chuẩn đường giao thông cấp 6 miền núi, loại A nông thôn. Đối với đường huyện mặt đường nhựa 3 – 3,5m, nền đường rộng 5,5 – 6m , đối với đường liên xã liên thôn mặt đường nhựa hoặc bê tông rộng 3m nền đường rộng 5 – 5,5m. Mở các tuyến đường liên xã đảm bảo giao thông thuận tiện trong khu vực. Mở mới đường giao thông vào đến các cụm xã và 12 xã đạt tiêu chuẩn giao thông nông thôn loại A. Mở đường dân sinh đến các bản, xã đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại B. Phấn đấu cứng hóa mặt đường GTNT với tốc độ tăng trung bình năm là 15 – 20% để đến năm 2025 có 80% đường GTNT được cứng hóa đến năm 2030 có trên 90% đường giao thông nông thôn được cứng hóa. Đến năm 2050 có 100% đường giao giao thông nông thôn được cứng hóa.

Sau năm 2030 xây dựng hệ thống trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường chính, nhất là các tuyến đường phục vụ du lịch, gắn với việc phát triển các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương;


5/5 - (1 bình chọn)
Bài trướcThông tin Dự án Khu đô thị mới Yên Ninh tại phường Yên Ninh và xã Văn Phú, TP Yên Bái
Bài tiếp theoQuy hoạch không gian vùng huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng đến 2030, tầm nhìn 2050

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây