Trang chủ Quy hoạch Quy hoạch không gian vùng huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng đến...

Quy hoạch không gian vùng huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng đến 2030, tầm nhìn 2050

204
0

Quy hoạch vùng huyện Hạ Lang tỉnh Cao Bằng với nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển về kinh tế nông nghiệp hữu cơ, phát triển thị trấn Thanh Nhật trở thành đô thị văn minh, hiện đại, trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch của huyện Hạ Lang.

Huyện Hạ Lang nằm ở phía đông tỉnh Cao Bằng, nằm trên tỉnh lộ 207 và Quốc lộ 4A, cách thành phố Cao Bằng 70 km về phía đông, cách thành phố Lạng Sơn 149 km về phía bắc và cách Thủ đô Hà Nội 302 km về hướng đông bắc, có vị trí địa lý:


  • Phía đông và phía nam giáp Trung Quốc có đường biên giới dài 72 km
  • Phía tây giáp các huyện Trùng Khánh và Quảng Hòa
  • Phía bắc giáp huyện Trùng Khánh và Trung Quốc.

Huyện Hạ Lang có diện tích 456,51 km² và dân số năm 2019 là 25.439 người, mật độ dân số đạt 56 người/km².

Phương án phát triển và tổ chức không gian vùng huyện Hạ Lang

Quy hoạch không gian vùng huyện Hạ Lang đi cùng với những nhiệm vụ trọng tâm phát triển cụ thể như sau:

  • Tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch từ 04 điểm di sản công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng (Đại dương cổ, Lục địa cổ, đồn Pháp Lý Quốc, Chùa Sùng Phúc, Tay Cuộn An Lạc); di tích lịch sử cấp quốc gia Bia Chùa Sùng Phúc; đền thờ Tô Thị Hoạn; Động Dơi; cây nghiến xã Kim Loan và các danh lam thắng cảnh như đồi hoa Dã qùy ở xã Thị Hoa, Thống Nhất; đường hoa Trạng nguyên xã Quang Long; Thác Hoa ở xã Lý Quốc để phát triển du lịch nhanh với các sản phẩm du lịch đặc sắc, mang đậm nét đặc trưng của vùng Đông Bắc.
  • Phát triển kinh tế nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có thương hiệu của tỉnh và vùng Đông Bắc; Đồng thời, phát triển các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp truyền thống, gắn phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn với phát triển du lịch.
  • Phát triển thị trấn Thanh Nhật trở thành đô thị văn minh, hiện đại, trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch của huyện Hạ Lang; xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối với cửa khẩu, lối mở của huyện. Hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Ngược lại, một hệ thống cơ sở hạ tầng kém phát triển là một trở lực lớn đối với sự phát triển.
Bản đồ phương án quy hoạch tổ chức không gian và các vùng chức năng tỉnh Cao Bằng
Bản đồ phương án quy hoạch tổ chức không gian và các vùng chức năng tỉnh Cao Bằng

Quy hoạch phân vùng phát triển.

Khu vực cửa khẩu Lý Vạn – lối mở Bản Khoòng: là một trong 03 cửa khẩu phụ của tỉnh, nơi giao lưu trao đổi buôn bán, hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa, thăm quan, du lịch với Trung Quốc; hỗ trợ về dịch vụ thương mại, kho bãi trung chuyển cho công nghiệp khai khoáng tại mỏ Bằng Ca; là Trung tâm phục vụ phát triển các xã: Minh Long, Đồng Loan, Thắng Lợi.


Khu vực cửa khẩu Hạ Lang –  xã Thị Hoa: là cửa khẩu thông thương với cửa khẩu Khoa Giáp (Trung Quốc), nối trung tâm huyện (thị trấn Thanh Nhật) với huyện Long Châu (tỉnh Quảng Tây), là một trong 03 cửa khẩu phụ của tỉnh, nơi trao đổi buôn bán, hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa, thăm quan, du lịch giữa hai quốc gia; là trung tâm cụm xã vùng biên, trung tâm kinh tế của các xã Quang Long, Cô Ngân, Thống Nhất và Thị Hoa.

  • Định hướng phát triển khu cửa khẩu Hạ Lang tạo thành động lực phát triển kinh tế – xã hội của vùng huyện Hạ Lang. Hình thành các trung tâm dịch vụ – thương mại gắn với thị tứ Thị Hoa và khu cửa khẩu; Xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ và hoàn chỉnh, bố trí các khu chức năng hợp lý cho các hoạt động giao thương tại cửa khẩu.
  • Phát triển khu vực thị trấn Thanh Nhật đạt tiêu chí đô thị loại V trước năm 2025. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.
  • Chú trọng Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Hạ Lang: diện tích tự nhiên khoảng 7.343ha trên cơ sở khu rừng nguyên sinh trên núi đá vôi của huyện Hạ Lang, nằm trên địa bàn các xã Đồng Loan, Thắng Lợi, Đức Quang, Kim Loan, An Lạc, Quang Long.

Phương án quy hoạch phát triển hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn vùng huyện Hạ Lang

Phương án phát triển hệ thống đô thị

Đến năm 2030, xây dựng thị trấn Thanh Nhật hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại V; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn yếu và thiếu; lập danh mục thứ tự các dự án cần xây dựng theo kế hoạch, lộ trình cụ thể cho từng năm; thu hút các nhà đầu tư, các hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch vào địa bàn thị trấn.


Phát triển quỹ đất, phân lô khu nhà ở chợ trung tâm thị trấn (đất ODT; Phát triển quỹ đất, phân lô khu dân cư phía bắc (xóm Nà Ến 2), thị trấn Thanh Nhật; tái định cư Đỏng Hoan.

Phương án phát triển các điểm dân cư nông thôn

Hình thành các khu dân cư tập trung, liên kết chặt chẽ với mạng lưới đô thị, trên cơ sở định hướng về tổ chức sản xuất, canh tác tập trung và phát triển kinh tế toàn vùng, các điểm dân cư nông thôn kết nối giao thông với các tuyến liên xã, liên vùng đáp ứng yêu cầu sinh sống và sản xuất của người dân.


Phát triển các trung tâm cụm xã(TTCX) là các cơ sở tạo thị: TTCX, điểm đô thị vùng biên Lý Quốc, là trung tâm thương mại giao lưu trao đổi hàng hoá với Trung Quốc và hỗ trợ cho công nghiệp khai khoáng tại mỏ Bằng Ca, trung tâm phục vụ phát triển các xã Minh Long, Đồng Loan, Thắng Lợi; TTCX, điểm đô thị vùng biên Thị Hoa là trung tâm phục vụ các xã Cô Ngân, Thống Nhất.

Phát triển TTCX, quy hoạch mỗi xã có một trung tâm với quy mô diện tích 10 – 30ha, là trung tâm kinh tế, văn hoá của xã có các công trình văn hoá thể thao, các công trình hạ tầng khác như bưu điện, chợ…

Trung tâm thôn xóm: nhà văn hóa thôn, trường mầm non… nên được bố trí tập trung kết hợp với các không gian công cộng, nghỉ ngơi để tạo không gian trung tâm cho thôn xóm.

Bản đồ quy hoạch phương án tổ chức không gian vùng liên huyện tỉnh Cao Bằng
Bản đồ quy hoạch phương án tổ chức không gian vùng liên huyện tỉnh Cao Bằng

Phương án quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội vùng huyện Hạ Lang

Phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội

  • Quy hoạch mạng lưới trường lớp học đến năm 2030, xây mới 8 trường, mở rộng 3 trường và các điểm trường tại các xã, thị trấn theo phương án quy hoạch sử dụng đất (xây mới Trung tâm dạy nghề huyện, trường MN xã Minh Long, (điểm trường Bản Kít) xã Thắng Lợi, trường tiểu học xã Đồng Loan, trường TH (xóm Âu Kít) xã Kim Loan, trường MN (xóm Mò Nhàn) xã Kim Loan, trường MN (điểm trường Ngam Khưa) xã Quang Long, trường tiểu học và THCS xã Vinh Quý; nâng cấp, cải tạo và mở rộng cải tạo Trường THPT, Dân tộc nội trú, trường tiểu học TT).
  • Nâng cấp lên bệnh viện huyện đạt 120 giường bệnh; Đến năm 2030 nâng bệnh viện Đa khoa huyện lên 130 giường bệnh. Sau năm 2030 nâng cấp bệnh viện Đa khoa huyện lên 250 giường bệnh và ứng dụng được các kỹ thuật Y học cao, phát huy khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền đạt 50%.
  • Hoàn thiện các Trung tâm Văn Hóa, Thể thao và Du lịch, nhà thi đấu TDTT huyện, sân vận động huyện đạt chuẩn theo quy định; Xây dựng khu vực sân chơi chung biên giới (theo quy hoạch chung khu vực Bản Khoòng) xã Lý Quốc. Quy hoạch, giao đất xây dựng nhà văn hóa cấp xã Đồng Loan, Đức Quang, An Lạc, Quang Long.

Phương án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Phát triển hạ tầng giao thông kết nối để thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và tâm linh. Ưu tiên tập trung vào những khu vực tập trung phát triển du lịch, các nông nghiệp hữu cơ và kinh tế cửa khẩu, trong đó, phát triển mạnh kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị thị trấn Thanh Nhật, cửa khẩu Lý Vạn, lối mở Bản Khoòng, xã Thị Hoa…

Duy tu, nâng cấp các đường Quốc lộ, tỉnh lộ: Đường tỉnh 208, từ thị trấn Đông Khê (huyện Thạch An) – xã Cách Linh, xã Bế Văn Đàn (huyện Quảng Hòa) – xã An Lạc, thị trấn Thanh Nhật, xã Đức Quang (huyện Hạ Lang) – xã Chí Viễn (huyện Trùng Khánh); Đường tỉnh 206 (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh) – Cửa khẩu Lý Vạn (xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang). Xây dựng hệ thống đường tuần tra biên giới phục vụ công tác quản lý biên giới địa phận xã Quang Long, Vân Trình.

Nâng cấp một số tuyến đường huyện đạt tiêu chuẩn cấp 6 miền núi, loại A nông thôn. Mở các tuyến đường liên xã đảm bảo giao thông thuận tiện trong khu vực; Mở mới đường giao thông nông thôn loại A vào đến các cụm xã. Đến năm 2025, nâng cấp, cứng hóa đường giao thông nông thôn đạt trên 95% tổng chiều dài đường trục bản, nội bản và dân sinh. Nâng cấp hệ thống đường huyện đạt tiêu chuẩn đường cấp A; 100% thôn, bản có đường bê tông xe máy đi lại được thuận tiện vào các mùa.


Rate this post
Bài trướcQuy hoạch tổ chức không gian vùng huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng đến 2030, tầm nhìn 2050
Bài tiếp theoQuy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng đến 2030, tầm nhìn 2050

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây