Trang chủ Du lịch Quy hoạch phát triển khu/cụm du lịch tỉnh Gia Lai đến 2030,...

Quy hoạch phát triển khu/cụm du lịch tỉnh Gia Lai đến 2030, tầm nhìn 2050

115
0

Quy hoạch phát triển các khu/cụm du lịch tỉnh Gia Lai gồm 05 vùng du lịch trọng điểm như Vùng du lịch TP. Pleiku và TT. Đak Đoa; huyện Chư Păh; TX. An Khê và huyện K’Bang; TX. Ayun Pa và huyện Phú Thiện; đô thị Chư Sê và huyện Chư Prông.

1. Quan điểm, mục tiêu quy hoạch phát triển ngành du lịch tỉnh Gia Lai

1.1. Quan điểm phát triển

Quy hoạch du lịch tỉnh Gia Lai nhằm phát huy những lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về cảnh quan, môi trường, lễ hội, di tích lịch sử – văn hóa, các giá trị văn hóa giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng (di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại) để khai thác và tổ chức các loại hình du lịch sinh thái gắn với thể thao, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch lễ hội cồng chiêng, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp.


1.2. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng phương án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch thời kỳ 2021 – 2030 với mục tiêu đến năm 2030 và những năm tiếp theo xây dựng Gia Lai trở thành trung tâm du lịch về nghỉ dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khỏe và rèn luyện thể lực, thể dục thể thao; phát triển ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; thu hút đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư dựa trên các chính sách ưu đãi, phát triển các cơ sở lưu trú chất lượng, tăng số lượng các khách sạn lớn, khu thương mại, dịch vụ tổng hợp, quần thể du lịch nghỉ dưỡng kết hợp thể thao, sân golf. Thúc đẩy du lịch thông minh, chuyển đổi số trong du lịch.

1.3. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

  • Các chỉ tiêu đến năm 2025

Đến năm 2025 đạt 1,7 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng lượt khách bình quân đạt 16,8%, tổng doanh thu từ du lịch đến năm 2025 đạt 900 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân là 18,6%, thời gian lưu trú bình quân 2 ngày đối với khách nội địa và 3 ngày đối với khách quốc tế, chi bình quân 1,55 triệu đồng/khách/ngày. Tạo việc làm cho 3.000 lao động trực tiếp. Tập trung thu hút đầu tư vào các dự án du lịch, có ít nhất 02 dự án khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao và 3-5 dự án khu du lịch, khu vui chơi giải trí đi vào hoạt động để thu hút khách du lịch.

  • Các chỉ tiêu đến 2030

– Đến năm 2030 đạt 4,2 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa 4.1 triệu lượt, khách quốc tế 0,1 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng lượt khách bình quân đạt 20%; tổng thu từ du lịch đạt 5.500 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân đạt 20%; thời gian lưu trú bình quân 02 ngày đối với khách nội địa và 04 ngày đối với khách quốc tế, chi tiêu bình quân 02 triệu đồng/lượt khách/ngày. Tạo việc làm cho 5.000 lao động trực tiếp và 7.000 lao động gián tiếp.


– Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch:

+ Hạ tầng là điều kiện cần để đặt nền tảng cho khai thác một điểm du lịch. Từ hạ tầng cơ sở như đến làm đường giao thông đến cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động du lịch trên địa bàn cần từng bước được đầu tư, hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm du lịch được hoàn thiện và thường xuyên được nâng cấp, đồng thời lưu trú và hưởng các dịch vụ theo nhu cầu.. Xây dựng các công trình hạ tầng lưu trú du lịch: xây dựng các dự án phát triển du lịch mới như các khách sạn lớn 4 sao, 5 sao, hoàn thiện và đưa vào khai thác sử dụng các dự án đã được quy hoạch, phê duyệt và đầu tư. Kết cấu hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật được quan tâm đầu tư, công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch được đảm bảo. Phương án phát triển các hoạt động hợp tác phát triển du lịch, mở rộng giao lưu, hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch, các địa phương trong nước, trong đó đặc biệt chú ý tăng cường mối liên kết chặt chẽ giữa du lịch Gia Lai với hệ thống du lịch các tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng), các tỉnh Duyên hải miền Trung (Bình Định, Phú Yên, Quy nhơn, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế…) và TP. Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến trên các phương tiện thông tin đại chúng.

+ Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch theo hướng tích hợp: du lịch nghỉ dưỡng tạo nên các quần thể thương mại dịch vụ tại Đak Đoa; các dự án khu đô thị nghỉ dưỡng Diên Phú, Chi Lăng, Trà Bá; Nam Gia Lai, khu du lịch nghỉ dưỡng đồi thông, Hồ Ia Băng, Hồ Ayun Hạ… tạo bước đột phá cho ngành du lịch, dịch vụ phát triển. Trước mắt tập trung vào một số dự án trọng điểm: Dự án sân golf Đak Đoa, Khu phố đi bộ – Chợ đêm Hội Phú, Khu du lịch sinh thái thác Phú Cường.


+ Thiết lập đường bay thẳng quốc tế đầu tiên đến Pleiku; hoặc thuê theo lịch trình.

+ Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh trở thành” Một cửa ngõ kết nối, trung chuyển các hoạt động du lịch trong tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng(GMS) nhằm tăng cường giao thông sản phẩm và con người giữa Việt Nam, Campuchia và Lào cũng như các thành viên ASEAN khác.

Bản đồ hiện trạng văn hoá - thể thao - Du lịch tỉnh Gia Lai
Bản đồ hiện trạng văn hoá – thể thao – Du lịch tỉnh Gia Lai

2. Hiện trạng Khu, cụm, vùng du lịch

2.1. Hệ thống các vùng, khu cụm, du lịch tỉnh Gia Lai

– Các khu du lịch trọng điểm của tỉnh: bao gồm các khu du lịch tự nhiên (Núi Chư Đang Ya, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, …) khu di tích lịch sử (Quần thể di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo, Khu di tích sơ kỳ đá cũ Rộc Tưng – Gò Đá ở thị xã An Khê, làng kháng chiến Stơr, …), du lịch sinh thái (hệ thống thác nước huyện K’Bang, KDL sinh thái hồ Ayun Hạ, …).


– Toàn tỉnh có 5 vùng du lịch trọng điểm:

  • Vùng du lịch TP. Pleiku và TT. Đak Đoa.
  • Vùng du lịch huyện Chư Păh.
  • Vùng du lịch TX. An Khê và huyện K’Bang
  • Vùng du lịch TX. Ayun Pa và huyện Phú Thiện.
  • Vùng du lịch đô thị Chư Sê và huyện Chư Prông.

– Toàn tình Gia Lai có 2 khu du lịch tự nhiên:

+ Khu sinh thái vườn quốc gia Kon Ka King

Vườn quốc gia Kon Ka Kinh là vườn quốc gia của Việt Nam được thành lập theo quyết định số: 167/2002/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2002 của Thủ tướng Phan Văn Khải. Vườn quốc gia Kon Ka Kinh là khu vực ưu tiên bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam và khu vực ASEAN, đây cũng là một địa điểm du lịch sinh thái. Bên cạnh sự đa dạng sinh học của hệ động thực vật nơi đây, Kon Ka Kinh còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ thượng nguồn sông Ba và sông Đắk Pne – nơi cung cấp nước tưới cho hàng chục km vuông diện tích cây trồng của tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum. Về phía tây của vườn quốc gia là nhà máy thủy điện Ia Ly.

Vườn quốc gia Kon Ka Kinh nằm trên cao nguyên Kon Tum, thuộc địa bàn các huyện Mang Yang, K’Bang và Đak Đoa của tỉnh Gia Lai. Trung tâm của vườn nằm ở xã Ayun, huyện Mang Yang, phía đông bắc tỉnh Gia Lai, và cách TP. Pleiku 50 km về phía đông bắc, trên phần diện tích 417,8 km². Tiến về phía bắc của Vườn là xã Đăk Roong, huyện K’Bang; về phía nam của Vườn là xã Hà Ra và một phần của xã Ayun và xã Đắk Ya của huyện Mang Yang; phía Đông giáp các xã Đăk Roong, Kon P’Ne, Krông, Lơ Ku của huyện K’Bang; phía Tây giáp xã Hà Đông, huyện Đak Đoa.

Vườn quốc gia Kon Ka Kinh là một trong bốn vườn quốc gia của Việt Nam, cùng với ba vườn quốc gia khác của Việt Nam là: Ba Bể, Chư Mom Ray và Hoàng Liên, cũng là một trong 27 vườn quốc gia của khu vực ASEAN được đưa vào danh sách Công viên Di sản ASEAN.

Độ cao của Vườn quốc gia thay đổi từ 570 m (đoạn thung lũng sông Ba) đến 1.748 m (đỉnh Kon Ka Kinh). Các con suối từ phía đông của Vườn là nguồn cung cấp nước cho sông Ba – một đoạn sông ngoằn ngoèo chạy theo hướng Bắc – Nam cho đến khi gặp ngã ba sông Ayun rồi đổi hướng theo hướng Tây Bắc – Đông Nam trước khi đổ ra biển tại thành phố Tuy Hòa, còn về phía tây của sông là một nhánh phân lưu của sông Mê Kông. Do địa hình dốc nên các con sông trong khu vực vườn ngắn, chảy xiết và tạo ra nhiều thác nước.

+ Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng

Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng được đưa vào Quyết định số 194/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ngày 09/08/1986, với diện tích là 16.000 ha (Bộ NN & PTNT). Một cao nguyên miền núi chiếm ưu thế về địa hình của khu bảo tồn sinh quyển. Đỉnh cao nhất là ở núi Kon Chư Răng với độ cao 1.452 m. Một số đỉnh núi khác có độ cao trên 1.000 m ở khu vực phía bắc của khu bảo tồn thiên nhiên. Điểm thấp nhất tại khu vực này là 800 m.

Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng nằm trong lưu vực sông Kôn (hay sông Côn). Nhiều dòng suối bắt nguồn từ trong ranh giới của khu bảo tồn, tất cả đều đổ ra sông Kôn. Con sông này chảy qua các huyện/thị xã An Khê và Tây Sơn trước khi đổ ra biển tại Quy Nhơn. Hạ lưu sông Kôn được đắp đập tại nhiều vị trí nhằm mục đích phục vụ sản xuất thủy điện cho tỉnh Bình Định. Thượng nguồn sông Kôn nằm trong khu bảo tồn có một số thác nước dọc theo tuyến sông, trong đó nổi tiếng và cao nhất là thác cao trên 50 m – thác K50.

Rừng có diện tích 15.610 ha, chiếm 98% tổng diện tích của Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Kiểu rừng chính là rừng thường xanh núi thấp, phân bố ở độ cao từ 900 đến 1.500 m ở phía tây bắc khu bảo tồn. Với 2% diện tích của khu bảo tồn được bao phủ bởi thảm thực vật cây bụi thưa thớt. Các loài thực vật phổ biến xuất hiện trong kiểu thảm thực vật này bao gồm Miscanthus sinensis, Memecylon riditicosum, Melastoma normale, Imperata cylindrica và Cynodon dactylon.

– Còn lại là các cụm điểm du lịch phân bố rải rác ở các huyện, thị xã và thành phố.

2.2. hệ thống kết nối du lịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Kết nối mạng lưới du lịch tỉnh Gia Lai với các tỉnh thành khác được thực hiện qua QL14 đi Đắk Lắk nối thành tuyến Con đường xanh Tây Nguyên, qua QL14C nối tuyến Con đường Hồ Chí Minh, qua QL25 nối tuyến con đường di sản miền trung. Đây là các tuyến chính nối các khu, cụm du lịch trong tỉnh với các tỉnh thành lân cận.

Hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Gia Lai với các tỉnh thành đã phát huy tích cực, triển khai các chương trình ký kết hợp tác với các địa phương lân cận. Các hoạt động liên kết tập trung vào việc nối ghép tour tạo sản phẩm chung của vùng Tây Nguyên, hỗ trợ nhau trong công tác quảng bá du lịch như tham gia gian hàng chung tại các hội chợ du lịch, tổ chức famtrip (khảo sát du lịch), liên kết website du lịch.

Sơ đồ phân bố các vùng du lịch – cảnh quan tỉnh Gia Lai
Sơ đồ phân bố các vùng du lịch – cảnh quan tỉnh Gia Lai

3. Phương án quy hoạch phát triển các khu, cụm điểm du lịch

Mở rộng và phát triển không gian du lịch, văn hóa, giải trí gắn với danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa, lịch sử, địa chất của tỉnh để phục vụ nhu cầu phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên phát triển các khu du lịch theo hướng liên kết không gian du lịch vùng và các địa phương xung quanh, kết nối và hình thành các tuyến, tour du lịch liên vùng (Kon Tum – Gia Lai – Đắk Lắk, Tây Nguyên – Campuchia – Lào, Tây Nguyên – Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ).

Hình thành các Trung tâm du lịch cấp tỉnh:

+ Tiểu vùng trung tâm: TP. Pleiku và vùng phụ cận là trung tâm du lịch của tỉnh, Phát triển các loại hình du lịch tại vùng bao gồm: du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp tại các vùng trồng cây nông nghiệp hữu cơ, NN-CNC vùng trồng hoa, trồng rau tại khu vực ngoại ô thành phố Pleiku; du lịch TDTT, sân golf tại các huyện Đak Đoa.

Khu Du lịch sinh thái Biển Hồ – Chư Đang Ya tại khu vực phía Bắc của thành phố Pleiku.

+ Tiểu vùng phía Tây: phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái, du lịch Homestay kết hợp với các dịch vụ đầu mối, hậu cần cho hoạt động của khu vực cửa khẩu; du lịch văn hóa làng đồng bào tại làng Trol Đeng.

+ Tiểu vùng phía Đông Bắc: phát triển du lịch văn hoá và sinh thái.

– Quy hoạch các điểm, khu du lịch có ý nghĩa quốc gia và vùng: khu vườn quốc gia – vườn di sản ASEAN Kon Ka Kinh; Biển Hồ – Chư Đang Ya; hồ Ia Ly, khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, hồ Ayun Hạ, Các di tích thuộc quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo, làng kháng chiến Stơr, Di chỉ khảo cổ tại Gò Đá – Rộc Tưng…

– Quy hoạch các cụm du lịch: 05 cụm du lịch chính (Cụm du lịch trung tâm Pleiku và phụ cận; Cụm du lịch động lực phía Nam-Ayun Pa; Cụm du lịch động lực phía Đông-An Khê; Cụm du lịch động lực phía Tây-Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh; Cụm du lịch Đak Đoa-Mang Yang-K’Bang ) làm động lực và 02 cụm du lịch phụ trợ (Cụm du lịch Ia Ly (Chư Păh, IaGrai; Cụm du lịch Chư Sê-Chư Pưh).

– Quy hoạch tuyến du lịch quốc tế: tuyến du lịch quốc tế “con đường di sản Đông Dương” nối Việt Nam – Lào – Campuchia và tuyến hành lang kinh tế Đông Tây – EWEC (Con đường hữu nghị) nối Việt Nam – Lào – Thái Lan – Myanmar,…

Quy hoạch các tuyến du lịch nội địa liên vùng: tuyến đường bộ, tuyến hàng không.

+ Giai đoạn 2021 – 2025: phát triển các điểm đến hấp dẫn như dự án du lịch Biển Hồ (Pleiku) – Chư Đang Ya, dự án du lịch hồ miệng núi lửa Ia Băng (Đak Đoa), dự án triển lãm du lịch nông nghiệp (Đak Đoa), dự án du lịch rừng – khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (K’Bang), dự án du lịch bảo tồn hồ Ayun Hạ (Phú Thiện), dự án du lịch văn hóa Bahnar (Mang Yang)

+ Giai đoạn 2026 – 2030: phát triển các điểm đến hấp dẫn, dự án du lịch sinh thái sông Sê San (Chư Păh, Ia Grai), dự án du lịch biên giới (Đức Cơ), dự án du lịch văn hóa Jrai (Chư Prông), dự án bảo tồn du lịch sinh thái (Ia Pa), dự án du lịch nông nghiệp (Ayun Pa), dự án du lịch thác (Ia Grai), dự án giáo dục thực vật kết hợp du lịch nông nghiệp (Phú Thiện, An Khê), dự án giáo dục thiên nhiên kết hợp du lịch nông nghiệp (K’Bang), dự án du lịch rừng – vườn quốc gia Kon Ka Kinh (K’Bang).

3.1. Tập trung phát triển không gian các vùng trọng điểm

3.1.1. Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái lưu vực sông

Khu vực: Huyện Chư Păh, Hồ Ia Ly và ven sông Sê San.

Du lịch sinh thái khuyến khích sự coi trọng môi trường và văn hóa trong du lịch, cũng như trao đổi kinh nghiệm quốc tế trên cơ sở bảo tồn môi trường thiên nhiên. Loại hình du lịch này dựa trên các lựa chọn du lịch thông minh và hỗ trợ các nền kinh tế địa phương. Trong du lịch sinh thái, du khách tiếp xúc mật thiết với môi trường và văn hóa khu vực đến thăm theo cách không phá hoại mà mang tính xây dựng. Sự đa dạng văn hóa, truyền thống, lịch sử và truyền thống địa phương là nền tảng của của du lịch sinh thái. Vì các giải pháp môi trường là mục tiêu dài hạn: tránh những xung đột giữa phát triển du lịch và bảo tồn rừng và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đặc trưng của Gia Lai và Tây Nguyên nên du khách cũng được khuyến khích khẳng định đầy đủ vai trò của mình trong việc bảo tồn tài sản văn hóa và thiên nhiên của điểm đến vì lợi ích tương lai và sự thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.

3.1.2. Quy hoạch phát triển du lịch biên giới

Khu vực: Huyện Đức Cơ, Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và thị trấn Chư Ty.

Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh thành “Một cửa ngõ kết nối, trung chuyển các hoạt động du lịch trong tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng(GMS)” nhằm thúc đẩy chính sách mở cửa biên giới; trong kế hoạch của khu vực TGPT: Campuchia – Lào – Việt Nam.

3.1.3. Quy hoạch phát triển du lịch văn hóa (Jrai, Bahnar)

Khu vực: Huyện Chư Prông (Jrai) và huyện Mang Yang, K’Bang (Bahnar), Phát triển trải nghiệm du lịch văn hóa hấp dẫn trong cộng đồng dân tộc Jrai và Bahnar.

3.1.4. Quy hoạch phát triển du lịch ngoài trời

Trải nghiệm núi lửa: Khu vực: TP. Pleiku, các huyện Đak Đoa, Chư Păh, Chư Sê, Ia Grai, Chư Prông và Mang Yang.

Trải nghiệm rừng: Khu vực: Huyện K’Bang và huyện Mang Yang

Tôn vinh các giá trị di sản của trái đất trong khi duy trì các cộng đồng địa phương (cộng đồng dân tộc thiểu số; phát triển một điểm đến du lịch nổi tiếng với sự ủng hộ của cả người dân và chính quyền địa phương).

3.1.5. Quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp

Trải nghiệm hệ thực vật

Khu vực: Các huyện K’Bang, An Khê và Đak Pơ.

Trải nghiệm nông trại

Khu vực: Thành phố Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, huyện Đak Đoa, huyện Chư Sê và huyện K’Bang

Kết hợp các yếu tố thiết yếu về thực hành, thưởng thức sản phẩm nông nghiệp trong khu vực với các trải nghiệm độc đáo cho người dân và du khách; cung cấp trải nghiệm vui chơi, giải trí hoặc giáo dục.

3.1.6. Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái bảo tồn

Khu vực: Huyện Ia Pa. Quy mô khu du lịch trên 40.000 ha (phía đông hồ Ayun Pa)

Tạo sự hấp dẫn của việc bảo tồn trong các cộng đồng địa phương cho người dân và du khách; cung cấp trải nghiệm vui chơi, giải trí hoặc giáo dục.

Bản đồ phương án quy hoạch phát triển khu, vùng, điểm du lịch tỉnh Gia Lai đến 2030, tầm nhìn đến 2050.
Bản đồ phương án quy hoạch phát triển khu, vùng, điểm du lịch tỉnh Gia Lai đến 2030, tầm nhìn đến 2050.

3.2. Quy hoạch phát triển các điểm du lịch chính trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Khu du lịch phát triển thành khu du lịch quốc tế: Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh– Đây là hoạt động thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Campuchia và Việt Nam trong khu vực Tam giác kinh tế – CLV.

Khu du lịch quốc gia: Bố trí 8 khu du lịch phát triển thành khu du lịch quốc gia, gồm:

  • Khu du lịch sinh thái lưu vực sông huyện Chư Păh, hồ Ia ly và dọc sông Sê San. Quy mô của khu du lịch hơn 10.000 ha.
  • Khu du lịch văn hóa (Jrai) huyện Chư Prông. Quy mô của khu du lịch hơn 600 ha.
  • Khu du lịch văn hóa (Bahnar) huyện Mang Yang và huyện K’Bang. Quy mô của khu du lịch hơn 600 ha.
  • Khu du lịch ngoài trời (trải nghiệm núi lửa) TP. Pleiku, các huyện Đak Đoa, Chư Păh, Chư Sê, Ia Grai, Chư Prông và Mang Yang.
  • Khu du lịch ngoài trời (trải nghiệm rừng) huyện K’Bang và huyện Mang Yang. Quy mô du lịch trên 57.680 ha (Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng).
  • Khu du lịch nông nghiệp (trải nghiệm hệ thực vật) huyện K’Bang, An Khê và Đak Pơ. Quy mô khu du lịch hơn 1.000 ha.
  • Khu du lịch nông nghiệp (trải nghiệm nông trại) huyện Krông Pa, Ayun Pa và Phú Thiện. Quy mô khu du lịch hơn 1.000 ha.
  • Du lịch sinh thái hồ Ayun Hạ (Xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) Quy mô: 500 ha. Đất khu du lịch sinh thái hồ Ayun Hạ tại xã Chư A Thai 20ha và diện tích mặt nước Ayun Hạ.

Khu du lịch tỉnh: Bố trí 3 khu du lịch để phát triển thành khu du lịch nội tỉnh gồm:

  • Công viên nước – Thành phố Pleiku: Quy mô của khu du lịch hơn 2,5 ha.
  • Khu thể thao – Trung tâm Huấn luyện Thể dục thể thao tỉnh – Thành phố Pleiku. Quy mô của khu hơn 20 ha.
  • Thảo Cầm Viên – Thành phố Pleiku. Quy mô của khu hơn 15 ha.

Mạng lưới các cụm du lịch theo chủ đề: Chủ đề thương mại – Mạng lưới sản phẩm, dịch vụ du lịch thương mại vùng Đông, Tây và Nam tỉnh Gia Lai. Cụ thể:

  • Chủ đề ngoài trời – Mạng lưới sản phẩm, dịch vụ du lịch thương mại vùng Tây Bắc và Đông Bắc tỉnh Gia Lai.
  • Chủ đề nông nghiệp – Mạng lưới sản phẩm và dịch vụ du lịch nông nghiệp ở vùng Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai.
  • Chủ đề văn hóa – Mạng lưới sản phẩm, dịch vụ du lịch văn hóa vùng Đông và Tây Nam tỉnh Gia Lai.

Đến năm 2030, Gia Lai chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, điểm đến…đề nghị Bộ văn hóa, thể thao và du lịch cho phép đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia tại Gia Lai để giới thiệu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, lễ hội truyền thống với du khách trong nước và quốc tế. Định kỳ 2 – 3 năm tổ chức Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tạo nên thương hiệu riêng cho du lịch Gia Lai.

Tầm nhìn đến năm 2050: Tỉnh Gia Lai phấn đấu trở thành “Cao nguyên Sinh thái, Thể thao và Sức khoẻ”. Thương hiệu và tính bền vững của du lịch tỉnh Gia Lai. Theo đó, định hướng phát triển các khách sạn lớn, khu thương mại, dịch vụ tổng hợp, quần thể nghỉ dưỡng kết hợp du lịch và  thể dục thể thao, sân golf tại các vị trí dự kiến: Xã Ia Kênh, xã Diên Phú- Pleiku; xã Ia Băng, xã Bàu Cạn – huyện Chư Prông; thị trấn Phú Hoà- huyện Chư Păh; xã IaBă, xã Iahrung, xã Ia Der – huyện Ia Grai; xã Ia Băng – huyện Đak Đoa, thị trấn Kong Dơng, xã Đăk Yă – Mang Yang; xã Lơ Ku, xã Đăk Smar, thị trấn K’Bang – huyện K’Bang…


Rate this post
Bài trướcQuy hoạch phát triển khu/cụm công nghiệp tỉnh Gia Lai đến 2030, tầm nhìn 2050
Bài tiếp theoTây Nguyên xiết an ninh hàng không và quân phục rằn ri lậu sau vụ tấn công bạo lực

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây