Trang chủ Quy hoạch Quy hoạch phân vùng không gian phát triển liên huyện, tỉnh Trà...

Quy hoạch phân vùng không gian phát triển liên huyện, tỉnh Trà Vinh

495
0

Trên cơ sở địa lý tự nhiên, đặc điểm dân cư và văn hóa xã hội, quy hoạch vùng tỉnh Trà Vinh phân thành 2 không gian vùng liên huyện, gồm: Vùng liên huyện phía Tây và Vùng liên huyện phía Đông.

Việc xác định vùng liên huyện là cơ sở để phân công phát triển từng vùng, phân bổ các chỉ tiêu về phát triển KTXH, đô thị, bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội dùng chung, đầu tư trọng tâm, phục vụ hiệu quả hơn.


Phương án phân vùng liên huyện làm cơ sở, tiền đề để lập các quy hoạch vùng liên huyện và vùng huyện, đảm bảo tính thống nhất chung toàn tỉnh trong việc phát triển đồng bộ KTXH. 

Ngoài ra, phương án phân vùng không gian liên huyện cũng là căn cứ để điều chỉnh hoặc điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chi tiết các khu chức năng liên quan.

Trên cơ sở địa lý tự nhiên, đặc điểm dân cư và văn hóa xã hội, điều kiện, trình độ phát triển và dự báo khả năng phát triển, tỉnh Trà Vinh phân thành 2 không gian vùng liên huyện, bao gồm:


  • Vùng liên huyện phía Tây: bao gồm TP Trà Vinh mở rộng, các huyện Châu Thành, Càng Long, Cầu Kè, cùng với Đô thị Tiểu Cần (huyện Tiểu Cần phát triển lên thị xã) làm trung tâm liên huyện.
  • Vùng liên huyện phía Đông: Gồm các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang và Trà Cú. Với TP Duyên Hải (TX Duyên Hải lên thành phố) làm trung tâm vùng liên huyện.
Sơ đồ phân vùng không gian phát triển liên huyện, tỉnh Trà Vinh
Sơ đồ phân vùng không gian phát triển liên huyện, tỉnh Trà Vinh

Quy hoạch Vùng liên huyện phía Tây, tỉnh Trà Vinh

Đây là vùng có chức năng kinh tế đô thị, tạo động lực phát triển cho toàn tỉnh. Với hạ tầng giao thông phát triển với bốn tuyến quốc lộ chính là QL53, QL53B, QL54 và QL60. Đây là khu vực đầu mối giao thông vùng phía Tây tỉnh Trà Vinh, kết nối với chùm đô thị liên vùng tỉnh Sóc Trăng, đồng thời kết nối tỉnh thông suốt với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.

Lợi thế cạnh tranh: Là vùng có dân cư tập trung, trình độ văn hóa cao, nguồn nhân lực dồi dào; quỹ đất thuận lợi xây dựng rộng; cơ sở hạ tầng đã phát triển, đầu mối nhiều loại hình giao thông quan trọng;

Định hướng phát triển chính:


  • Khu vực phát triển các hoạt động kinh tế tổng hợp nằm tại huyện Càng Long và TP Trà Vinh, và một phần của Huyện Cầu Kè và Châu Thành. Đây là vùng cửa ngõ phía Bắc thuận tiện cho giao thông kết nối các tỉnh Bến Tre, Cần Thơ qua QL53,
    QL54, QL60 và hệ thống đường cao tốc Hồng Ngự – Trà Vinh (sẽ xây dựng) nối với tỉnh Vĩnh Long. Trọng tâm của khu vực là các địa bàn thuộc Khu công nghiệp Long Đức.
  • Khu vực phát triển sản xuất nông nghiệp được bố trí toàn bộ vùng huyện Cầu kè, Tiểu Cần – nằm trong vùng ngọt (phía Bắc tỉnh) tiếp giáp với tỉnh Sóc Trăng, với điều kiện đất đai thuận lợi và nằm trong mối liên kết vùng sản xuất nông nghiệp. Khu vực này tập trung phát triển các vùng chuyên canh lúa gạo chất lượng cao; cây ăn quả, cây công nghiệp; phát triển thủy sản nước ngọt.

Hệ thống đô thị vùng phía Tây:

Theo Quy hoạch vùng tỉnh Trà Vinh đến 2030, các đô thị trong vùng phía Tây được quy hoạch định hướng phát triển, bao gồm:

  • Huyện Càng Long: Có đô thị Càng Long, quy hoạch đến 2030 đạt tiêu chí loại VI; Đô thị Tân An, quy hoạch đến 2030 đạt tiêu chí loại V.
  • Huyện Châu Thành: Có đô thị Châu Thành, quy hoạch đến 2030 đạt tiêu chí loại V; Đô thị Hưng Mỹ, quy hoạch đến 2030 đạt tiêu chí loại V.

Quy hoạch Vùng liên huyện phía Đông, tỉnh Trà Vinh

Vùng liên huyện phía Đông là cửa ngõ giao thông về đường thủy của ĐBSCL, với hệ thống cảng sông, cảng biển và đường luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu. Tuyến luồng này đóng vai trò là huyết mạch ổn định lâu dài, nâng cao thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế và trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng của khu vực ĐBSCL đến các khu vực khác trong nước và trên thế giới bằng đường thủy, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế địa phương.


Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì cảng biển Trà Vinh thuộc Nhóm cảng biển số 5 và thuộc Cảng biển loại I, bao gồm: Khu bến cảng Trà Cú-Kim Sơn phục vụ phát triển KTXH tỉnh Trà Vinh, có bến tổng hợp, hàng lỏng/khí (tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 tấn), Khu bến cảng Duyên Hải – Định An phục vụ phát triển KTXH tỉnh Trà Vinh và vùng ĐBSCL, có bến tổng hợp, container, hàng lỏng/khí (tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 tấn).

Vùng này tập trung phát triển các ngành như là: khai thác hải sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy – hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; phát triển công nghiệp, thương mại và du lịch biển; bảo vệ, trồng mới và khôi phục vành đai rừng phòng hộ xung yếu ven biển, ven sông. Trọng tâm của vùng là phát triển KKT Định An thành một trong những trung tâm phát triển dịch vụ gắn cảng, công nghiệp và du lịch của vùng ven biển; phát triển khu du lịch Ba Động.

Lợi thế cạnh tranh: Có phần diện tích giáp biển, vùng đồng bằng, vùng có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái, kinh tế biển; nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy – hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; phát triển công nghiệp, thương mại và du lịch biển.

Định hướng phát triển chính: Với các lợi thế của kinh tế biển và hình thành cụm đô thị ven biển cùng với việc khai thác du lịch sông nước miệt vườn gắn với làng nghề, du lịch trải nghiệm (homestay), di tích lịch sử văn hóa, cách mạng trong mối liên kết các hoạt động này với các tỉnh lân cận vùng ĐBSCL (Bến Tre, Vĩnh Long) sẽ là động lực kéo theo sự phát triển KTXH của hai huyện Cầu Ngang và Trà Cú. Một số định hướng và chỉ tiêu phát triển của từng khu vực trong vùng:

  • Khu vực phát triển khai thác hải sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy – hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá: bố trí tại địa bàn có đường ven sông huyện Trà Cú và Duyên Hải, gắn với cảng Trà Cú, cảng cá Định An;
  • Khu vực trồng mới và khôi phục vành đai rừng phòng hộ xung yếu ven biển: Dọc đường ven biển của TX Duyên Hải và huyện Duyên Hải;
  • Khu vực phát triển công nghiệp, thương mại và du lịch biển: toàn bộ địa bàn TX Duyên Hải.
  • Khu vực phát triển hoạt động du lịch sông nước miệt vườn gắn với làng nghề truyền thống, du lịch trải nghiệm (homestay), di tích lịch sử văn hóa, cách mạng: Vùng cù lao sông Cổ Chiên dọc theo đường hành lang ven biển, huyện Cầu Ngang.

Hệ thống đô thị vùng phía Đông:

Theo Quy hoạch vùng tỉnh Trà Vinh, hệ thống đô thị trong vùng phát triển của vùng phía Đông được định hướng quy hoạch, bao gồm:

  • Huyện Cầu Kè: Đô thị Cầu Kè, quy hoạch đến 2030 đạt tiêu chí loại V; Đô thị Ninh Thới, xã Ninh Thới, quy hoạch đến 2030 đạt tiêu chí loại V.
  • Huyện Trà Cú: Đô thị Trà Cú, quy hoạch đến 2030 đạt tiêu chí loại V; Đô thị Định An, quy hoạch đến 2030 đạt tiêu chí loại V.
  • Huyện Cầu Ngang: Đô thị Cầu Ngang, quy hoạch đến 2030 đạt tiêu chí loại IV; Đô thị Mỹ Long, quy hoạch đến 2030 đạt tiêu chí loại V.
  • Huyện Duyên Hải: Đô thị Long Thành, quy hoạch đến 2030 đạt tiêu chí loại V; Đô Thị Ngũ Lạc(xã Ngũ Lạc), quy hoạch đến 2030 đạt tiêu chí loại V.

Quy hoạch phương án kết nối không gian liên huyện, tỉnh Trà Vinh

Quy hoạch vùng tỉnh Trà Vinh, xác định phương án kết nối không gian liên huyện bao gồm: trục động lực; trục không gian liên huyện; trục cửa ngõ kết nối. Cụ thể như sau:

Các trục động lực phát triển:

  • Quốc lộ 60: Kết nối Cầu Đại Ngãi, tuyến Nam sông Hậu và cầu Cổ Chiên qua tỉnh Bến Tre về TP Hồ Chí Minh.
  • Tuyến cao tốc Trà Vinh- Hồng Ngự: Cửa khẩu Dinh Bà, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp- TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
  • Tuyến đường ven biển: dài 750km từ TP Hồ Chí Minh qua Trà Vinh tới Kiên Giang, quy hoạch cấp IV đồng bằng.
  • Giao thông đường thủy: Luồng Định An – Cần Thơ: thuộc sông Hậu, bắt đầu từ phao “0” kết thúc tại khu bến Trà Nóc – Cần Thơ. Luồng dài 120km tiếp nhận tàu trọng tải 5.000-10.000DWT.
 Sơ đồ kết nối không gian phát triển liên huyện, tỉnh Trà Vinh
Sơ đồ kết nối không gian phát triển liên huyện, tỉnh Trà Vinh

Các trục không gian kết nối liên huyện

  • Quốc lộ 53: Đây là tuyến đường huyết mạch nối từ QL.1A (Vĩnh Long) qua nhiều trung tâm KTXH của tỉnh Trà Vinh. Trục QL53 đi qua các huyện: Càng Long, Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú, TP Duyên Hải (TX Duyên Hải) và TP Trà Vinh.
    Đây là trục kết nối không gian hướng Bắc và Đông của tỉnh. Kết nối vùng liên huyện phía Tây và vùng liên huyện phía Đông với trung tâm vùng tỉnh là TP Trà Vinh và trung tâm tiểu vùng phía Đông là TP Duyên Hải (TX duyên Hải)
  • Quốc lộ 54: Là tuyến đường trục dọc nối từ phà Vàm Cống, cắt qua QL.1A địa phận Vĩnh Long và kết thúc tại TP Trà Vinh (QL.53). Trục QL54 đi qua các huyện: Cầu Kè, Trà Cú, Châu Thành, TX Tiểu Cần (huyện Tiểu Cần) và TP Trà Vinh. Đây là trục kết nối không gian hướng Tây và Nam của tỉnh. Kết nối vùng liên huyện phía Tây và vùng liên huyện phía Đông với trung tâm vùng tỉnh là TP Trà Vinh
    và trung tâm tiểu vùng phía Tây là TX Tiểu Cần (huyện Tiểu Cần).

Các cửa ngõ liên kết

  • Phía Tây Bắc: Huyện Càng Long và TP Trà Vinh mở rộng: Đây là cửa ngõ giao lưu kinh tế – văn hóa – xã hội của tỉnh Trà Vinh với các tỉnh khu vực ĐBSCL với hai trục giao thông quan trọng của tỉnh là QL53 kết nối với tỉnh Vĩnh Long đi các tỉnh miền Tây và QL60 kết nối với tỉnh Bến Tre đi TP Hồ Chí Minh.
  • Phía Tây Nam: Thị xã Tiểu Cần ( huyện Tiểu Cần) và huyện Trà Cú: Đây là cửa ngõ quan trọng của tỉnh Trà Vinh với trục phát triển hình thành bởi hành lang đô thị phía Đông sông Hậu, với việc kết nối với tuyến QL60, QL54 cũng như QL60 mở rộng, đường thủy qua sông Hậu, Trong tương lai mới việc mở rộng QL60 và xây dựng cầu Đại Ngãi kết nối với tuyến Nam sông Hậu đi Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, tạo thuận lợi trong việc giao lưu phát triển KTXH với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.
  • Phía Đông: Cảng biển Định An: Tiếp giáp cửa biển Định An và kênh Quan Chánh Bố, có tiềm năng mở rộng thành đường vận tải hàng hải quốc tế và hình thành KKT Định An của tỉnh.

Quy hoạch định hướng phát triển hệ thống đô thị vùng, tỉnh Trà Vinh

Theo Quy hoạch vùng tỉnh Trà Vinh, các đô thị trong vùng được phân thành 03 vùng phát triển đô thị, gồm:

Không gian đô thị và nông thôn vùng phát triển trung tâm: gồm Đô thị TP Trà Vinh mở rộng với tổng diện tích 161,5 km2, phần còn lại của huyện Càng Long (243,64 km2), Huyện Châu Thành (299,79 km2), cùng với các hành lang phát triển theo QL53, QL54, QL60. Giai đoạn 2021 -2030, TP Trà Vinh mở rộng sẽ là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Trà Vinh, phấn đấu đến năm 2050 sẽ là đô thị loại I, phát triển theo mô hình đô thị thông minh, sáng tạo, tương tác cao.

Sơ đồ quy hoạch định hướng phát triển không gian đô thị-nông thôn, tỉnh Trà Vinh
Sơ đồ quy hoạch định hướng phát triển không gian đô thị-nông thôn, tỉnh Trà Vinh

Không gian đô thị và nông thôn vùng phát triển phía Tây: Bao gồm huyện Tiểu Cần – dự kiến lên TX giai đoạn 2021-2025 và huyện Cầu Kè. Là khu vực đầu mối giao thông vùng Tây Bắc tỉnh Trà Vinh, kết nối với chùm đô thị liên vùng tỉnh Sóc Trăng.

Không gian đô thị và nông thôn vùng phát triển phía Đông (Khu vực ven biển) gồm: TX Duyên Hải, huyện Duyên Hải, huyện Cầu Ngang, Huyện Trà Cú. Là đầu mối giao thông hàng hải, động lực phát triển kinh tế biển của tỉnh và từng bước được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thu hút đầu tư từng bước đồng bộ với sự phát triển của nhiều dự án cấp vùng, trọng điểm. Trong đó TX Duyên Hải đóng vai trò hạt nhân và trở thành đô thị loại III giai đoạn 2021-2025 và phấn đấu lên TP giai đoạn 2026-2030.

Tổng hợp bởi vuongphat.com.vn


Rate this post
Bài trướcKhu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Bài tiếp theoQuy hoạch phát triển đô thị tỉnh Trà Vinh đến 2030, tầm nhìn 2050

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây