Trang chủ QH giao thông Phương án quy hoạch giao thông tỉnh Quảng Trị đến 2030, tầm...

Phương án quy hoạch giao thông tỉnh Quảng Trị đến 2030, tầm nhìn 2050

114
0

Quy hoạch giao thông tỉnh Quảng Trị gồm các loại hình giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không đi qua thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị và các huyện Hải Lăng, Gio Linh, Cam Lộ, Vĩnh Linh, Hương Hoá, Triệu Phong, ĐaKrông và huyện Cồn Cỏ.

Với vị trí là cửa ngõ quan trọng của Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC) về phía Việt Nam, Quảng Trị có vị trí đầu mối để thu hút đầu tư, giao thương, giao lưu văn hóa, thu hút khách du lịch các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), đặc biệt là các nước trên EWEC và các nước thứ 3 vào miền Trung Việt Nam.


Bên cạnh đó, Quảng Trị cũng là đầu mối, điểm kết nối giữa 3 sản phẩm du lịch là: EWEC – Con đường di sản miền Trung – Con đường huyền thoại, cộng với những điều kiện tự nhiên và hệ thống di tích lịch sử đồ sộ, Quảng Trị có nhiều tiềm năng trở thành một điểm đến nổi trội của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên du lịch Quảng Trị chỉ có thể phát triển mạnh trong thế liên kết với các tỉnh miền Trung Việt Nam và các địa phương trên EWEC, các nước trong khu vực.

Hiện trạng hạ tầng giao thông tỉnh Quảng Trị

Qua địa phận Quảng Trị có các tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh (nhánh Đông và nhánh Tây), tuyến đường sắt Bắc-Nam chạy dọc qua tỉnh, và Quốc lộ 9 gắn với đường xuyên Á cho phép Quảng Trị có thể giao lưu kinh tế với các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ, Duyên hải miền trung và cả nước. Ngoài ra tỉnh cũng có lợi thế với chiều dài 75km bờ biển và Cảng Cửa Việt là cảng biển phục vụ cho vận chuyển hàng hóa trong vùng và trung chuyển hàng hóa qua đường Xuyên Á. Hệ thống mạng lưới giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị hiện tại bao gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và đường biển.

Bản đồ hiện trạng hạ tầng giao thông tỉnh Quảng Trị
Bản đồ hiện trạng hạ tầng giao thông tỉnh Quảng Trị

Hiện trạng đường bộ:


Theo số liệu thống kê tính đến tháng 10/2021, tổng chiều dài đường bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là 8.756 km, trong đó có 508km quốc lộ, 279km đường tỉnh, 871 km đường đô thị, 98 km đường chuyên dùng và 7.000 km đường huyện, đường xã, đường thôn, xóm.

Mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh Quảng Trị được cấu thành chủ yếu bởi hệ thống quốc lộ theo trục dọc, trục ngang, hệ thống đường địa phương bên cạnh đường sắt Bắc – Nam.

Hiện trạng đường sắt:


Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện tại có 1 tuyến đường sắt quốc gia (tuyến đường sắt Bắc – Nam) chạy qua với chiều dài  khoảng 76 km (từ Km 580+000 đến Km 656+000). Hướng tuyến trên địa bàn Tỉnh đi qua 7 huyện thị xã: Cam Lộ, Đông Hà, Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh. Hiện vốn đầu tư nâng cấp cải tạo hàng năm không đáp ứng đủ nhu cầu nên ngày càng xuống cấp, hiện không phát huy được vai trò vị thế vốn có của nó…

Hiện trạng đường thủy nội địa:

Tỉnh Quảng Trị có hệ thống sông ngòi khá dày đặc, mật độ trung bình 0,8-1,0km/km2  với tổng chiều dài trên 400km, trong đó có 133,2km được đưa vào khai thác, quản lý, trong đó 110,4km Trung ương quản lý, 22,8 km tỉnh quản lý.


Quảng Trị có 1 cảng thuỷ nội địa trên tuyến sông Hiếu thuộc TP.Đông Hà. Cảng có 2 bến (1 bến đứng và 1 bến nghiêng) với tổng chiều dài 190m. Khả năng thông qua bến 50.000 tấn/nămtuy nhiên, hiện nay hư hỏng, không khai thác được.

Hiện trạng hệ thống Cảng biển:

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 1 cảng biển (Cửa Việt) và 2 luồng hàng hải (Cửa Việt và Cồn Cỏ). Bến cảng Cửa Việt nằm trong khu vực hàng hải Cửa Việt, bao gồm 03 cầu cảng và 01 bến phao.

Hiện trạng dệ thống cảng hàng không:

Quảng Trị có 2 sân bay được hình thành thời Mỹ-Nguỵ là sân bay dã chiến phục vụ quân sự là sân bay Ái Tử và Tà Cơn. Hiện tại cả 2 đều không hoạt động.

Hiện trạng hệ thống bến xe và kinh doanh vận tải

+ Hiện tại tỉnh Quảng Trị có 15 bến xe và các Điểm dừng đỗ, đón trả khách gồm: 06 bến xe đã được xếp loại (01 bến xe loại 1; 01 bến xe loại 3; 01 bến xe loại 4 và 02 bến loại 5; 01 bến xe loại 6) và 09 bến tạm và các Điểm dừng đỗ, đón trả khách (Bến xe tạm: Bồ Bản, Hướng Phùng; Các Điểm dừng đõ, đón trả khách tại các xã: Triệu An, Triệu Lăng, Hải Xuân, Hải Vĩnh, Hải Thành, Hải Ba, A Dơi.

Hiện trạng kết nối Quốc tế:

+ Hiện trên địa bàn Tỉnh có 2 cửa khẩu quốc tế là Lao Bảo và La Lay tuy nhiên hạ tầng giao thông kết nối phụ thuộc chủ yếu vào QL9 và đường HCM nhánh Tây với tiêu chuẩn kỹ thuật chưa đồng nhất, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan. Ngoài ra chưa có kết nối trực tiếp từ khu vực Đông Nam tỉnh tới cửa khẩu La Lay nên tính hấp dẫn kém.

+ Hành lang Đông – Tây dọc theo QL.9 là 1 phần của tuyến đường bộ xuyên Á số 16 (AH16) kết nối từ Đông Hà – Quảng Trị của Việt Nam qua Lào và giao với AH1, AH2 tại Thái Lan với tổng chiều dài là 1032km.

Phương án Quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông tỉnh Quảng Trị đến 2030, tầm nhìn 2050

Mục tiêu phát triển mạng lưới giao thông

Giai đoạn 2021-2030:

– Đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia: Tăng cường chỉ đạo, kiên quyết, dứt điểm tạo chuyển biến rõ nét về công tác GPMB, chuẩn bị quỹ đất, mặt bằng sạch cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm theo quy hoạch ngành quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tạo tiền đề để hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án giao thông quốc gia quan trọng như CHK Quảng Trị, cảng biển Mỹ Thủy, các tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ – La Sơn, Vạn Ninh – Cam Lộ, Đông Hà – Lao Bảo theo đúng lộ trình quy hoạch đã đề ra. Cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có Hà Nội – TP.HCM; chuẩn bị đầu tư, huy động vốn đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tuyến đường sắt Mỹ Thủy – Đông Hà – Lao Bảo (kết nối với Lào).

– Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Tỉnh: Tập trung đầu tư nâng cấp, xây dựng mới hệ thống đường bộ địa phương đảm bảo kết nối hiệu quả với các loại hình giao thông quốc gia và khu vực. Trong đó đặc biệt chú trọng tới việc liên kết giữa các trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ tới các đầu mối giao thông quan trọng như cảng biển Mỹ Thủy, CHK Quảng Trị…

Tầm nhìn tới năm 2050:

– Ưu tiên nguồn lực để cùng với Trung ương phát triển loại hình vận tải đường sắt chất lượng cao như đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đoạn Vinh – Nha Trang, tuyến đường sắt liên vận quốc tế Đông Hà – Lao Bảo.

– Đầu tư xây dựng bổ sung các công trình theo nhu cầu: Cảng vụ hàng không, Vp các hãng hàng không; khu cấp nhiên liệu; chế biến suất ăn… Trong quá trình khai thác, nếu xuất hiện các yếu tố thuận lợi, có thể đầu tư đảm bảo điều kiện khai thác cho các loại máy bay lớn như 737 Max hoặc máy bay vận tải…

Bản đồ quy hoạch hạ tầng giao thông tỉnh Quảng Trị đến 2030, tầm nhìn đến 2050
Bản đồ quy hoạch hạ tầng giao thông tỉnh Quảng Trị đến 2030, tầm nhìn đến 2050

Quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường bộ

Đường bộ cao tốc

Đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông: Đoạn tuyến cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ:

Đoạn tuyến cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ là một phần của tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, có chiều dài 68 km, trong đó đoạn đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị dài khoảng 32km với điểm đầu tại Km708+400 ranh giới giữa Quảng Bình và Quảng Trị, điểm cuối tại Km740+400 giao với đường QL9 và khớp nối với điểm đầu dự án cao tốc Cam Lộ – La Sơn đang triển khai thi công. Hướng tuyến chủ yếu bám theo đường Hồ Chí Minh phía Đông hiện tại. Quy mô thiết kế 6 làn xe. Tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Đoạn tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn:

Đoạn tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn là một phần của tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông có chiều dài 98km, trong đó đoạn đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị dài khoảng 37,3km được quy hoạch với quy mô 6 làn xe. Điểm đầu từ vị trí giao với Quốc lộ 9 tại Km 740+400 tuyến đi về phía hạ lưu đập Nghĩa Hy; sau đó đi qua vùng đồi núi thấp và địa hình bát úp, gặp ĐT.579 tại Km753+930, vượt sông Thạch Hãn tại Km760+400 khu vực thôn Trấm Thượng (cách đập Trấm khoảng 3,5km về phía thượng lưu). Tuyến tiếp tục đi qua khu vực phía Đông núi Trường Phước, vượt sông Mỹ Chánh tại Km 776+400, đến Km777+700 hết địa phận tỉnh Quảng Trị tại khu vực xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng. Tiến trình đầu tư trước năm 2030 (hiện đã hoàn thành đưa vào khai thác GĐ1 với quy mô 02 làn xe).

Tuyến cao tốc Triệu Phong – Lao Bảo (thay thế cao tốc Cam lộ – Lao Bảo):

Tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo (CT.19) thuộc hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên có điểm đầu tại Thị trấn Cam Lộ (Quảng Trị), điểm cuối cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), chiều dài 70km. Tuy nhiên, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ số 1454/QĐ-TTg ngày 01 tháng 09 năm 2021, tuyến ĐBCT Cam Lộ – Lao Bảo có điểm đầu tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, điểm cuối tại cửa khẩu Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Tiến trình đầu tư trước năm 2030. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Trị là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư (tại văn bản số 350/TTg-CN ngày 15/4/2022).

Quốc lộ

Theo quy hoạch ngành quốc gia về lĩnh vực đường bộ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (QH 1454), hệ thống đường Quốc lộ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị định hướng phát triển bao gồm:

a) Nhóm quốc lộ chính yếu:

  • Quốc lộ 1A (tuyến trục dọc D2): Tuyến đường bộ quan trọng chạy dọc tỉnh Quảng Trị kéo dài từ Vĩnh Chấp đến thôn Câu Nhi Hải dài 87,42km. Toàn bộ tuyến đã được nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp II theo từng giai đoạn nhằm tăng cường khả năng lưu thông các phương tiện giao thông và không gian đô thị.
  • Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (tuyến trục dọc D4): Đoạn qua tỉnh Quảng Trị dài 139km, nâng cấp tuyến  đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi, nền đường rộng 6,5 – 18m, mặt đường rộng 5,5-13,5m.
  • Quốc lộ 9: Điểm đầu: Cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Điểm cuối: Cửa khẩu Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Hướng tuyến: Cơ bản đi theo hướng đường hiện tại. Chiều dài tuyến: 118Km. Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật: cấp II-III, 2-4 làn xe.
  • Quốc lộ 15D: Điểm đầu: Cảng Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Điểm cuối: Cửa khẩu La Lay, huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị. Hướng tuyến: Điều chỉnh hướng tuyến so với Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Trị giai đoạn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Chiều dài tuyến: 77.2Km. Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật: cấp III-IV, 2 – 4 làn xe.

b) Nhóm quốc lộ thứ yếu:

Là các hành lang thứ yếu trong từng vùng gồm các trục phân nhánh từ các vùng kinh tế trọng điểm nối tới các vùng sản xuất/ tiêu thụ dọc hành lang. Các trục kết nối giữa các địa phương, phân bổ vận tải từ các quốc lộ thuộc nhóm chính yếu, thứ yếu; phục vụ chính dân cư quanh khu vực tuyến đi qua.

  • Quốc lộ 9D: Điểm đầu: Cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Điểm cuối: Cửa khẩu Tà Rùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Hướng tuyến: Cơ bản đi theo hướng đường hiện tại đến giao với QL.1 tuyến tiếp tục đi theo hướng Đông Tây đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi trùng với đường Hồ Chí Minh rồi kết nối với cửa khẩu Tà Rùng. Chiều dài tuyến: 105.9Km. Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật: cấp III-IV, 2 làn xe.
  • Quốc lộ 9F: (QL.T100): Điểm đầu: Giao đường HCM nhánh Đông, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Điểm cuối: Giao QL.9D, Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Hướng tuyến: từ Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn đến QL.1 hướng đến phía Nam cầu Cửa Tùng. Chiều dài tuyến: 25Km. Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật: cấp III-IV, 2-4 làn xe.
  • Quốc lộ 9H: Điểm đầu: Km775+00/QL.1, huyện Hải Lăng. Điểm cuối: Km41+250/QL.9, thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông. Hướng tuyến: Tại Km41+250/QL.9 (trái tuyến) đi theo đường tỉnh ĐT.558a đến chiến khu Ba Lòng kết nối thị xã Quảng Trị và giao với QL.1 tại Km775+00/QL.1, huyện Hải Lăng. Chiều dài tuyến: 50Km. Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật: cấp III-IV, 2-4 làn xe.
  • Quốc lộ 49B (Chủ yếu hướng tuyến nằm trên địa phận tỉnh TT Huế): Điểm đầu: Giao QL.1, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Điểm cuối: cảng Chân Mây, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hướng tuyến: Cơ bản đi theo hướng đường hiện tại. Chiều dài tuyến: 105Km. Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật: cấp III, 2-4 làn xe.
  • Quốc lộ 49C: Điểm đầu: Cảng Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị. điểm cuối: Giao QL.49B, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hướng tuyến: Cơ bản đi theo hướng đường hiện. Chiều dài tuyến: 41.1Km. Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật: cấp III, 2-4 làn xe.

Hệ thống đường ven biển

Cơ bản tuân thủ mục tiêu và hướng tuyến đã được phê duyệt tại Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18/1/2010 và văn bản số 2409/TTg-KTN ngày 31/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ có điều chỉnh một số đoạn tuyến để phù hợp với các dự án đã triển khai và quy hoạch của các địa phương có tuyến đi qua. Cụ thể như sau:

Đoạn qua tỉnh Quảng Trị: 

  • Mạch Nước – Thử Luật dài 13,00 km
  • Thử Luật – Vịnh Mốc dài 3 km
  • Vịnh Mốc – giao ĐT 572 (đường Hồ Xá – Cạp Lài) đai 5,18 km
  • Giao ĐT 572 – giao giữa ĐT 572 với ĐT 574 dài 5,60km
  • Giao giữa ĐT 572 với ĐT 574 – đầu cầu cửa Tùng dài 1,36km
  • Đoạn cầu Cửa Tùng dài 0,98km
  • Sau Cầu Cửa Tùng (cát Sơn)- đầu cầu Cửa Việt dài 14,60km
  • Đoạn cầu Cửa Việt dài 1,05 km
  • Sau cầu Cửa Việt (Phú Hội) – Mỹ Thuỷ dài 25 km
  • Mỹ Thuỷ – Thâm Khê (ranh giới giữa tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên – Huế) dài 8,0 km

Quy hoạch hệ thống đường Tỉnh

  • Các tuyến đường Tỉnh nâng cấp thành quốc lộ: Căn cứ vào định hướng phát triển trong quy hoạch ngành quốc gia cho lĩnh vực đường bộ, một số tuyến đường tỉnh được đề xuất nâng thành quốc lộ, bao gồm: ĐT 571 (QL 9D); ĐT 588a (QL 9H); ĐT 582b (QL 15D).
  • Các tuyến đường tỉnh đề xuất bổ sung, giảm bớt: Bên cạnh việc tiếp tục triển khai đầu tư để hoàn thành tuyến tránh phía Đông thành phố Đông Hà (tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 22,4 km theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, đã hoàn thành xây dựng 5,02km), đề xuất bổ sung tuyến tránh phía Tây QL1 để giảm tải lưu lượng giao thông cho QL1 hiện tại và liên kết, hỗ trợ cho dải đô thị – kinh tế động lực của Tỉnh theo định hướng cấu trúc không gian phát triển.
  • Các tuyến đường tỉnh nâng cấp, mở rộng, kéo dài: Để đáp ứng nhu cầu vận tải cũng như tăng khả năng kết nối giữa mạng giao thông địa phương với các trục giao thông quốc gia trong tương lai, kiến nghị đầu tư mở rộng, kéo dài một số tuyến đường tỉnh hiện hữu như: ĐT573A; ĐT 575B; ĐT 579…

Ngoài ra, tiếp tục duy trì đảm bảo khai thác ổn định các tuyến đường tỉnh hiện nay bao gồm: ĐT.576C, ĐT.578B, ĐT.585C và ĐT.575B .

Quy hoạch mạng lưới đường tuần tra biên giới:

Theo đề án Quy hoạch xây dựng đường tuần tra biên giới của Bộ Quốc Phòng, hệ thống đường tuần tra biên giới kéo dài được xây dựng trên địa bàn 25 tỉnh biên giới đất liền từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Kiên Giang. Tổng khối lượng theo quy hoạch xây dựng là 10196km, đường dọc biên được xây dựng trong khu vực vành đai biên giới trong phạm vi khoảng 1000m  tính từ đường biên giới quốc gia.

Đoạn tuyến tuần tra biên giới qua tỉnh Quảng Trị dài 175km, quy mô mặt cắt nền đường rộng 5,5m; mặt đường rộng 3,5m.

Quy hoạch giao thông nông thôn

Đề án Kiên cố hóa giao thông nông thôn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2015-2020 đã được Sở Giao thông vận tải hoàn thành và thực hiện, đến nay đã đạt được các kết quả đáng kể. Trong phạm vi của quy hoạch xây dựng vùng tỉnh chỉ đưa ra những định hướng phát triển và mục tiêu phát triển của mạng lưới giao thông thôn.

Giai đoạn đến 2030: 100% đường huyện, tối thiểu 80% đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa, đường huyện đạt tối thiểu cấp V, đường xã đạt tối thiểu cấp AH; Hệ thống cầu, cống trên các tuyến này được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường quy hoạch.

Giai đoạn sau 2030: Hoàn thiện cơ bản mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. 100% đường huyện, đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa và được bảo trì theo kế hoạch.

Quy hoạch đường sắt

Tuyến nâng cấp cải tạo:

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 (QH 1769): Tuyến đường sắt Bắc- Nam nói chung và đoạn tuyến 76 km qua địa bàn tỉnh Quảng Trị nói riêng sẽ được tiếp tục được đầu tư nâng cấp cải tạo để khai thác có hiệu quả, đồng thời đảm bảo kết nối đường sắt với các cảng biển quốc tế, nhà máy, khu kinh tế thương mại và các trung tâm du lịch lớn.

* Giai đoạn đến năm 2030: Cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có Hà Nội – TP.HCM;

* Tầm nhìn đến năm 2050: Duy trì, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa;

Tuyến đường sắt xây mới:

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt (QH 1769): giai đoạn sau 2030 sẽ định hướng phát triển 1 tuyến ĐSTĐC Bắc – Nam dài 1545 km đi qua 20 tỉnh, thành phố trong đó có tỉnh Quảng Trị. Tuyến đường quy hoạch với quy mô tiêu chuẩn đường đôi, khổ đường 1435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h. Ngoài ra, còn định hướng phát triển một tuyến đường sắt liên vận quốc tế để kết nối với Lào qua cửa khẩu Lao Bảo với chiều dài khoảng 114km với quy mô tiêu chuẩn đường đơn khổ đường 1435mm. Tuyến đường này có kết nối tới cảng Mỹ Thủy.

Quy hoạch đường thủy nội địa

Đối với luồng, tuyến thủy nội địa

Định hướng phát triển các tuyến đường thủy nội địa quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Trị theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số số 1829/QĐ-TTg ngày 31/10/2021, các tuyến đường thủy nội địa quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được quy hoạch đến năm 2030 như sau: (i) tuyến sông Hiếu dài 27 km cách cầu Cửa Việt 150 m về phía hạ lưu đến bến Đuồi, quy hoạch đến năm 2030 đạt cấp III; (ii) sông Thạch Hãn từ ngã 3 Gia Độ đến ba Lòng dài 46 km, quy hoạch đạt cấp IV; (iii) sông Bến Hải từ kẻ Cửa Tùng đến đập Sa Lung và nhánh Bến Tắt dài 37,4 km, quy hoạch đạt cấp III; đoạn từ cầu Hiền Lương cũ đến đập Sa Lung dài 14,9 km, quy hoạch đạt cấp V; nhánh phụ từ cầu Hiền Lương mới đến Bến tắt dài 13 km, quy hoạch cấp V.

– Trong giai đoạn trước mắt tập trung đẩy mạnh công tác nâng cấp, hoàn chỉnh mạng lưới đường thủy nội địa trong đó ưu tiên nạo vét luồng lạch trên các tuyến sông Hiếu, Thạch Hãn, Bến Hải để đáp ứng nhu cầu phát triển tuyến vận tải pha sông biển theo quy hoạch ngành quốc gia về lĩnh vực đường thủy nội địa. Đồng thời, từng bước xử lý các điểm khống chế về khẩu độ, tĩnh không thông thuyền tại một số cầu đường bộ, đường sắt như cầu An Mô (cũ), cầu Sa Lung, trụ cầu cũ đường sắt sông Hiếu… nhằm đảm bảo tốt nhất yêu cầu khống chế qua lại giữa đường bộ và đường thủy;  Nâng cấp sông Bến Hải đoạn từ kè Cửa Tùng đến cầu Hiền Lương cũ với chiều dài 9,5km đạt tiêu chuẩn sông Cấp III (hiện tại đang đạt cấp IV). Tiến độ thực hiện trong giai đoạn 2021-2030; Bổ sung tuyến vận tải Cửa Tùng – Cồn Cỏ vào danh mục các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam; Thi hành các chính sách thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc triển khai cá dự án du lịch văn hóa – tâm linh – lịch sử trên sông, phát huy lợi thế tự nhiên các tuyến sông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Đối với cảng,  bến thủy nội địa

a) Cảng thủy nội địa: Đầu tư nâng cấp và xây dựng hoàn thiện cảng hành khách Đông Hà, Cửa Việt, Cồn Cỏ; tăng cường thực hiện công tác xã hội hóa việc xây dựng cảng, bến thủy nội địa trên sông Hiếu, sông Thạch Hãn, sông Bến Hải, sông Ô Giang. Đồng thời, tiếp tục triển khai nạo vét nâng cấp các tuyến sông để nâng cao năng lực khai thác, kết nối tốt với các loại hình giao thông khác.

– Đối với cảng hiện tại:

+ Cảng Đông Hà: Cải tạo, nạo vét luồng vào cảng và chân cầu cảng, đảm bảo tàu có trọng tải 200-300 tấn ra vào. Xây dựng bến cập tàu (dạng bến liền bờ dài 92,3,m luồng tàu rộng 32m, sâu -2m; đường bãi bằng BTM 300 dày 22cm. Kè bến nghiêng dài 88m, kè nối đỉnh bến nghiêng với bến tàu dài 18m;

+ Cảng Cửa Tùng: cải tạo, nạo vét luồng vào cảng.

+ Cải tạo, xây dựng bến cập tàu tại đảo Cồn Cỏ.

b) Bến thủy nội địa: Phát triển các bến thủy nội địa theo hướng linh hoạt, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh. Thu hút và cho phép các nhà đầu tư xây dựng các bến thủy theo nhu cầu vận chuyển hàng hóa, phục vụ kinh doanh dịch vụ du lịch với điều kiện không ảnh hưởng đến các tuyến giao thông trên các sông, đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường và các vấn đề liên quan theo quy định hiện hành của pháp luật.

– Quy hoạch mới cảng, bến thủy nội địa: Quy hoạch các cụm bến và cảng trên 3 tuyến sông chính với quy mô như sau:

+) Cảng Nhà máy đóng tàu Cửa Việt: trên sông Hiếu, với chức năng cảng chuyên dùng đáp ứng cỡ tàu 3000T;

+) Cụm bến xã Gio Mai: trên sông Hiếu, quy hoạch bến sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, vật liệu xây dựng; cỡ tàu 2.500 tấn, công suất 0,01 triệu tấn/năm;

+) Cụm bến Đại Lộc; Tân Đức Hải Lệ, Đập Trấm: trên sông Thạch Hãn, quy hoạch cụm bến vật liệu xây dựng cỡ tàu 200T- 300T, công suất 0,02-0,1 triệu tấn/năm;

+) Cụm bến Sa Lung: trên sông Bến Hải, xã Vĩnh Giang. Quy hoạch bến sửa chữa đóng mới tàu thuyền với cỡ tàu 1000T, công suất 15-20 chiếc/năm;

+) Cụm bến nhánh Bến Tắt, Vĩnh Sơn, Trung Sơn, Hồ Xá, Vĩnh Lâm: trên sông Bến Hải. Quy hoạch bến tập kết cát sỏi với cỡ tàu 200T-300T, công suất 0,02-0,1 triệu tấn/năm;

Quy hoạch phát triển cảng biển

– Theo đồ án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định định hướng phát triển cảng biển trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bao gồm cảng Cửa Việt và cảng Mỹ Thủy với quy mô như sau:

* Khu bến Cửa Việt:

– Khu bến Bắc Cửa Việt

  • Nối dài cầu 3 khoảng 40m về phía thượng lưu;
  • Điều chỉnh công năng bến số 4 thành bến CD tiếp nhận hành khách phù hợp với dự án phát triển CSHT DL hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng sông Mêkông.

– Khu bến Nam Cửa Việt:

  • Điều chỉnh công năng cầu cảng số 4 (Bến cảng CFG Nam Cửa Việt) từ cảng chuyên dùng sang cảng quân sự và quy mô có chiều dài từ 120m tăng lên 200m.
  • Điều chỉnh các bến còn lại là bến CD kết hợp làm hàng TH.
  • Bổ sung điều chỉnh bến cảng tổng hợp và bến cảng xăng dầu thuộc khu bến Nam Cửa Việt phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương.

– Đối với luồng Cửa Việt:

  • Nâng cao độ đỉnh đê từ +1,0 lên +2,0m tại khu vực gốc Đê Bắc dài 250m, Đê Nam dài 280m.
  • Kéo dài tuyến đê Bắc hiện hữu thêm 260m và tuyến đê Nam hiện hữu thêm 320m ra đồng mức -7,0m .
  • Thiết lập, nạo vét luồng hàng hải cho tàu từ 3.000-5.000 DWT. (B=60m, Đáy -5,6mHĐ
Quy hoạch khu bến Cửa Việt
Quy hoạch khu bến Cửa Việt

* Khu bến Mỹ Thủy:  Bến cảng Mỹ Thủy đầu tư theo QĐ chủ trương của TTCP số 16/QĐ-TTg ngày 04/01/2019: Quy mô đầu tư theo 03 GĐ/685ha – 10 cầu cảng chính/3.200m: TMĐT 14.234 tỷ:

  • GĐ1 đến năm 2025: 04 cầu/1.340m
  • GĐ2 đến năm 2031: thêm 03 cầu/930m
  • GĐ3 đến năm 2036: thêm 03 cầu/930m

Hệ thống đê chắn cát, chắn sóng với Đê phía Bắc GĐ1 dài 1.000m và đê phía Nam dài 530m (hoàn chỉnh).

Quy hoạch khu bến Mỹ Thủy
Quy hoạch khu bến Mỹ Thủy

* Bến cảng TTĐL Quảng Trị: Quy mô phát triển và tiến trình đầu tư phù hợp với QH điện lực quốc gia và QH ngành năng lượng.

Bên cạnh đó, để tăng cường năng lực vận tải giữa đất liền và đảo Cồn Cỏ, kiến nghị cải tạo, nâng cấp âu tầu huyện Đảo Cồn Cỏ thành cảng tổng hợp: cải tạo luồng vào âu tầu và bổ sung hệ thống báo hiệu để tàu ra vào an toàn.

Quy hoạch phát triển cảng hàng không

Tại Quy hoạch ngành quốc gia đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã tiến hành rà soát, đưa ra 06 tiêu chí chính (22 tiêu chí chi tiết) đánh giá khách quan từng CHK trên 63 tỉnh thành. Kết quả chấm điểm CHK Quảng Trị: Xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố.

Theo Quyết định 188/QĐ-BGTVT ngày 26/1/2021 của Bộ GTVT về việc phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030, Cảng HK Quảng trị được định hướng phát triển như sau:

  • Địa điểm: Xã Gio Quang và xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị;
  • Cấp sân bay: 4C và sân bay quân sự cấp II;
  • Công suất 01 triệu HK/ năm và 3100 tấn hàng hóa/ năm.

Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Trị đang tiến hành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và các thủ tục liên quan để sớm khởi công xây dựng CHK Quảng Trị. Do đó kiến nghị phát triển theo đúng quy mô quy hoạch đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định 188/QĐ-BGTVT ngày 26/1/2021.

Trong quá trình khai thác, nếu xuất hiện các yêu cầu thuận lợi, có thể đầu tư đảm bảo điều kiện khai thác cho các loại tàu bay lớn (ví dụ như Boing 737 Max hoặc máy bay vận tải…).

Quy hoạch hệ thống bến xe

Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và đi lại của nhân dân ngày càng tăng; định hướng đến năm 2030, đầu tư cải tạo, mở rộng các bến xe khu vực Cửa Việt và Hải Lăng. Ngoài ra, bổ sung xây dựng mới các bến xe tại khu vực Đông Hà, Vĩnh Linh.

  1. Bến xe đầu tư xây dựng mới

► Bến xe trung tâm TP. Đông Hà

– Diện tích: 45.000m2 ;

– Vị trí: Giao đường Thuận Châu và đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, phường Đông Lương, thành phố Đông Hà.

– Đạt tiêu chuẩn bến xe loại 1;

► Bến xe khu vực Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng

– Diện tích: 10.000m2 ;

– Vị trí: Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị;

– Đạt tiêu chuẩn bến xe loại 2.

► Bến xe La Lay, huyện Đakrông

– Diện tích: 3.000m2 ;

– Vị trí: Khu vực cửa khẩu quốc tế La Lay;

– Đạt tiêu chuẩn bến xe loại 4.

► Bến xe phía Bắc thành phố Đông Hà

– Diện tích: 20.000m2 ;

– Vị trí: Km 754/QL.1A;

– Đạt tiêu chuẩn bến xe loại 1.

► Bến xe Bồ Bản

– Diện tích: 3.000m2 ;

– Vị trí: Bồ Bản, Triệu Phước, Triệu Phong;

– Đạt tiêu chuẩn bến xe loại 4.

  1. Bến xe đầu tư nâng cấp

► Bến xe thị xã Quảng Trị:

– Diện tích: 3.300m2

– Vị trí: Phường 1-thị xã Quảng Trị.

– Đạt tiêu chuẩn bến xe loại 4.

► Bến xe Hải Lăng:

– Diện tích: 1.650m2

– Vị trí: thị trấn Hải Lăng.

– Đạt tiêu chuẩn bến xe loại 5.

► Bến xe Khe Sanh:

– Diện tích: 1.322m2

– Vị trí: thị trấn Khe Sanh.

– Đạt tiêu chuẩn bến xe loại 5.

► Bến xe Cửa Việt

– Diện tích :12.000m2

– Vị trí:  TT.Cửa Việt

– Đạt tiêu chuẩn bến xe loại 2

► Bến xe Vĩnh Linh (di dời bến xe Hồ Xá hiện tại):

– Diện tích: 1.362m2

– Vị trí: Huyện Vĩnh Linh

– Đạt tiêu chuẩn bến xe loại 5.

► Bến xe Lao Bảo:

– Diện tích: 13.009m2

– Vị trí : thị trấn Lao Bảo huyện Hướng Hoá.

– Đạt tiêu chuẩn bến xe loại 2.

Tài liệu kèm theo:


Rate this post
Bài trướcBắc Giang chuẩn bị khởi công xây dựng cầu Như Nguyệt mới, nối với Bắc Ninh
Bài tiếp theoDanh sách Khu, Cụm công nghiệp tại Quảng Trị đang hoạt động và thành lập mới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây