Trang chủ Công nghiệp Bắc Giang sáp nhập 6 cụm công nghiệp vào khu công nghiệp...

Bắc Giang sáp nhập 6 cụm công nghiệp vào khu công nghiệp để thu hút đầu tư

82
0

Sẽ có 6 Cụm công nghiệp được sáp nhập vào các Khu công nghiệp nhằm thu hút và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào Bắc Giang được hưởng các chính sách ưu đãi, đồng thời giúp quản lý hoạt động sản xuất công nghiệp hiệu quả.

Sáp nhập 6 Cụm công nghiệp vào Khu công nghiệp

Theo Nghị quyết số 147, ngày 15/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ sáp nhập 6 Cụm công nghiệp vào các Khu công nghiệp. Bao gồm:


  • Cụm công nghiệp Tân Hưng (Lạng Giang), diện tích 49,7 ha;
  • Cụm công nghiệp Tăng Tiến (Việt Yên), diện tích 37 ha;
  • Cụm công nghiệp Nội Hoàng (Yên Dũng), diện tích 37,5 ha;
  • Cụm công nghiệp Cầu Gồ (Yên Thế), diện tích hơn 4 ha;
  • Cụm công nghiệp Trại Ba (Lục Ngạn), diện tích 8,6 ha;
  • Cụm công nghiệp Đức Thắng (Hiệp Hòa), diện tích gần 3 ha.
Hạ tầng Cụm công nghiệp Tân Hưng (Lạng Giang) đã cơ bản hoàn thiện.
Hạ tầng Cụm công nghiệp Tân Hưng (Lạng Giang) đã cơ bản hoàn thiện.

Hiện tại, Cụm công nghiệp Nội Hoàng và Đức Thắng đã cơ bản lấp đầy; CCN Cầu Gồ đã có 2 DN đầu tư; CCN Tăng Tiến, Tân Hưng cơ bản đã hoàn thiện hạ tầng nhưng chưa có nhà đầu tư thứ cấp; riêng CCN Trại Ba (chủ đầu tư là UBND huyện Lục Ngạn) đến nay vẫn chưa có kinh phí xây dựng hạ tầng.

Việc sáp nhập các Cụm công nghiệp vào Khu công nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi về mặt quản lý nhà nước và thu hút các DN thứ cấp vào đầu tư. Bởi hiện quyền quản lý nhà nước các CCN đang thuộc về Sở Công Thương còn các KCN do Ban Quản lý các KCN tỉnh quản lý. Bên cạnh đó, so với CCN, các DN đầu tư vào KCN sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hơn về tiền thuê đất và các loại thuế.

Cụ thể, các DN đầu tư mới (sau khi sáp nhập CCN vào KCN) sẽ được miễn thuế 2 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới và thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới tại KCN (trừ KCN nằm trên địa bàn có điều kiện KT-XH thuận lợi). Đối với DN đầu tư vào KCN, pháp luật còn cho phép thành lập DN chế xuất (được ưu đãi về thuế xuất, nhập khẩu). Do đó, các DN, nhất là DN lớn luôn muốn đầu tư vào các KCN.


Đại diện Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương cho biết, căn cứ quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Quyết định số 326 ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 nên tỉnh có chủ trương xóa bỏ 3 CCN, gồm: CCN Đức Thắng (hiện đã lấp đầy nhưng diện tích quá nhỏ lại nằm trong vùng lõi đô thị thị trấn Thắng đã được quy hoạch), CCN Cầu Gồ (đã có 2 DN thứ cấp vào đầu tư nhưng diện tích CCN nhỏ, lại có dân cư xen kẽ khó giải phóng mặt bằng) và Cụm công nghiệp Trại Ba.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ sáp nhập xong Cụm công nghiệp Tân Hưng vào KCN Tân Hưng (Lạng Giang) và Cụm công nghiệp Tăng Tiến vào KCN Vân Trung (Việt Yên). Riêng Cụm công nghiệp Nội Hoàng, các DN thứ cấp đã vào đầu tư nên cơ bản lấp đầy, do đó sẽ sáp nhập vào KCN Song Khê – Nội Hoàng ở giai đoạn kế tiếp.

Chủ động lấp đầy KCN

Dù có nhiều ưu điểm song việc sáp nhập Cụm công nghiệp vào Khu công nghiệp cũng nảy sinh một số vấn đề, như: Đấu nối hạ tầng giao thông, xử lý nước thải, quan hệ hợp tác và san sẻ lợi ích giữa các chủ đầu tư hạ tầng KCN và CCN sau khi sáp nhập…


Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Không chỉ vậy, Nghị định số 35 ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý Khu công nghiệp và khu kinh tế (có hiệu lực từ ngày 15/7/2022) không có điều khoản quy định về việc sáp nhập Cụm công nghiệp vào KCN. Nghị định chỉ quy định về mở rộng KCN nhưng phải đủ điều kiện tỷ lệ lấp đầy KCN.

Cụ thể, Điều 9 của Nghị định nêu: “Khu công nghiệp đã được thành lập trước đó đạt tỷ lệ lấp đầy tối thiểu là 60% và đã đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc đã hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo quy hoạch xây dựng KCN được cấp có thẩm quyền phê duyệt” thì mới được phép mở rộng KCN.

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, việc mở rộng Cụm công nghiệp sang Khu công nghiệp là hoàn toàn hợp pháp. Vừa qua, Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Cửu Long (chủ đầu tư CCN Tăng Tiến) đã nộp hồ sơ đề xuất xin sáp nhập vào Khu công nghiệp Vân Trung lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đang chờ phản hồi trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


Đối với Khu công nghiệp Tân Hưng, đến thời điểm này đã cơ bản giải phóng xong mặt bằng, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Lideco 1 chuẩn bị xây dựng hạ tầng, phấn đấu đến quý I/2023 sẽ đủ điều kiện thu hút nhà đầu tư thứ cấp với diện tích khoảng 50 ha; hết tháng 6/2023 cơ bản toàn bộ diện tích 105,3 ha của KCN đủ điều kiện để thu hút đầu tư. Như vậy, thời hạn có thể sáp nhập CCN Tân Hưng vào KCN Tân Hưng phải sau năm 2023 mới có thể hoàn thành.

Ông Đặng Hoàng Long, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên môi trường, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cho biết, hiện chủ đầu tư các CCN Tăng Tiến, Tân Hưng vẫn phải chờ hướng dẫn từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới biết thực hiện theo hình thức sáp nhập hay mở rộng KCN.

Ông Long cho rằng, để việc sáp nhập (hoặc mở rộng) các CCN, đặc biệt là CCN Tân Hưng vào KCN Tân Hưng bảo đảm tiến độ thì chủ đầu tư cần khẩn trương hoàn thiện hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, bảo đảm tỷ lệ lấp đầy theo quy định của pháp luật.

Việc sáp nhập các CCN vào KCN là chủ trương đúng, mang lại lợi ích cho cả DN đầu tư và tỉnh Bắc Giang. Do vậy, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có hướng dẫn giúp các chủ đầu tư CCN và KCN trên địa bàn tỉnh thực hiện việc sáp nhập, kịp thời đón bắt cơ hội đầu tư để phát triển KT-XH địa phương./.


Rate this post
Bài trướcThái Nguyên khởi công Cụm công nghiệp Tân Phú 1 và 2 quy mô trên 130 ha
Bài tiếp theoThông tin Khu công nghiệp Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây