Trang chủ Công nghiệp Quy hoạch Ngành – Khu – Cụm công nghiệp tỉnh Tuyên Quang...

Quy hoạch Ngành – Khu – Cụm công nghiệp tỉnh Tuyên Quang đến 2030

298
0

Quy hoạch phát triển ngành, khu/cụm công nghiệp tỉnh Tuyên Quang với định hướng và phương án sắp xếp các khu/cụm công nghiệp trên địa bàn.

Ngày 30 tháng 03 năm 2023, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 325/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang đến 2030, tầm nhìn đến 2050.


Theo quyết định này, hệ thống các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh Tuyên Quang được định hướng quy hoạch cụ thể như sau:

Thực trạng phát triển ngành và các khu, cụm công nghiệp tỉnh Tuyên Quang

Thực trạng ngành công nghiệp:

Thời kỳ 2011-2020, tăng trưởng giá trị gia tăng (VA) ngành công nghiệp bình quân đạt 11,1%/năm (vùng Trung du và miền núi phía Bắc 15,4%; cả nước 7,4%/năm), trong đó giai đoạn 2011-2015 đạt 16%/năm (vùng Trung du và miền núi phía Bắc 16%; cả nước 7,6%/năm), giai đoạn 2016-2020 đạt 6,4%/năm (vùng Trung du và miền núi phía Bắc 14,9%; cả nước 7,2%/năm). Như vậy, so với mục tiêu”, tăng trưởng công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016-2020 thấp hơn mục tiêu của Quyết định số 2426/QĐ-TTg ngày 28/11/2015 (mục tiêu trên 10%/năm giai đoạn 2016-2020).

Về năng suất lao động (NSLĐ): NSLĐ ngành công nghiệp Tuyên Quang năm 2010 đạt 39,3 triệu đồng (vùng 72,7 triệu đồng; cả nước 74,4 triệu đồng), tăng lên 117,4 triệu đồng năm 2015 (vùng 108,2 triệu đồng; cả nước 130,2 triệu đồng) và đạt 134,8 triệu đồng năm 2020, cao hơn mức bình quân của vùng (vùng 131,2 triệu đồng), thấp hơn mức bình quân của cả nước (cả nước 146,7 triệu đồng). Như vậy, NSLĐ ngành công nghiệp tỉnh Tuyên Quang cao hơn mức bình quân của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.


Về tốc độ tăng trưởng NSLĐ: Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng NSLĐ Tuyên Quang đạt 24,5%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của vùng (vùng đạt 18,7%/năm) và cả nước (cả nước đạt 4,0%/năm); giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng NSLĐ khá thấp, đạt 2,8%/năm (vùng đạt 4,9%/năm; cả nước 1,4%/năm); tính cả thời kỳ 2011-2020, tăng trưởng NSLĐ đạt 13,1%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của vùng (vùng đạt 11,6%/năm) và cả nước (cả nước đạt 2,7%/năm).

Công nghiệp chế biến chế tạo: Năm 2020, VA công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 3.564,6 tỷ đồng (giá hiện hành), tăng gấp 6,3 lần so với năm 2010 (vùng tăng gấp 5,1 lần; cả nước tăng gấp 3,8 lần).

Công nghiệp chế biến chè xuất khẩu: Thời kỳ 2011-2020, chế biến chè xuất khẩu có sự phát triển sản lượng và số lượng cơ sở chế biến chè xuất khẩu. Năm 2020, sản lượng chè chế biến xuất khẩu đạt trên 6.159,9 tấn, bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 5.599,9 tấn/năm. Năm 2020, tổng doanh thu công nghiệp chế biến chè đạt trên 480 tỷ đồng.


Về phát triển vùng nguyên liệu chế biến gỗ: hằng năm, các cơ sở giống lâm nghiệp cung cấp cho thị trường tỉnh trên 3 triệu giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô, diện tích rừng trồng bằng giống nuôi cấy mô hằng năm khoảng trên 2.827 ha.

Công nghiệp dệt may, da giày: Năm 2020, sản phẩm may xuất khẩu đạt trên 12.995 ngàn sản phẩm, bằng 78,4% so với năm 2015, bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 12.325 sản phẩm/năm.

Bản đồ hiện trạng khu/cụm công nghiệp tỉnh Tuyên Quang
Bản đồ hiện trạng khu/cụm công nghiệp tỉnh Tuyên Quang

Thực trạng các khu công nghiệp tỉnh Tuyên Quang

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện nay có 02 Khu công nghiệp. Cụ thể:


a) Khu công nghiệp Long Bình An: Khu công nghiệp Long Bình An là khu công nghiệp hiện hữu, khu công nghiệp nằm trên địa bàn của phường Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang. Diện tích quy hoạch 170 ha, đến năm 2020, đã thực hiện 65 ha, thu hút được với 18 dự án đã đăng ký đầu tư, trong đó: 07 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, 04 dự án đang trong quá trình đầu tư. Khu công nghiệp Long Bình An cách trung tâm thành phố Tuyên Quang khoảng 10km, là khoảng cách phù hợp giữa trung tâm đô thị và khu công nghiệp, đảm bảo các hoạt động sản xuất trong khu công nghiệp không ảnh hưởng đến trung tâm thành phố.

b) Khu công nghiệp Sơn Nam: Diện tích quy hoạch 150 ha (đến năm 2020, đã thực hiện 11 ha), đã thu hút 7 dự án, trong đó: 04 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, 03 dự án đang trong quá trình đầu tư. Tuy nhiên, khu công nghiệp Sơn Nam được xác định nằm trong khu vực tiềm năng khoáng sản theo Luật Khoáng sản; vì vậy tỉnh đã có chủ trương dừng mở rộng và chuyển đổi khu công nghiệp Sơn Nam thành đất sản xuất, các dự án đã đầu tư trong khu công nghiệp Sơn Nam (cũ) được bảo đảm lợi ích theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Thực trạng về cụm công nghiệp tỉnh Tuyên Quang

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, đến nay đã thành lập 5 cụm công nghiệp tổng diện tích 300,3 ha. Hiện nay, năm (05) cụm công nghiệp đã quy hoạch chi tiết, với đất công nghiệp là 196 ha, thu hút được 23 dự án (16 dự án đã đi vào hoạt động) tổng vốn đăng ký đầu tư trên 2.290 tỷ đồng, diện tích đất đăng ký (theo chủ trương đầu tư) 108,5 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 55%, tạo việc làm trên 10.000 lao động làm việc trong cụm công nghiệp; 01 cụm công nghiệp mới được thành lập, chưa triển khai quy hoạch chi tiết. Cụ thể:

a) Cụm công nghiệp Phúc Ứng, huyện Sơn Dương: Được quy hoạch và thành lập cụm công nghiệp theo Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 18/01/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập cụm công nghiệp Phúc Ứng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, diện tích 75ha. Quyết định số 548/QĐ-UBND ngày 04/11/2019 của Ủy ban nhân dân huyện Sơn Dương về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp Phúc Ứng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. (Đã hoàn thiện)

b) Cụm công nghiệp Thắng Quân, huyện Yên Sơn: Được quy hoạch và thành lập cụm công nghiệp theo Quyết định số 35/QĐ-UBND ngày 18/02/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Cụm công nghiệp Thắng Quân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, diện tích 41ha. Quyết định số 312/QĐ-UBND ngày 21/9/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 35/QĐ-UBND ngày 18/02/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Cụm công nghiệp Thắng Quân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang (điều chỉnh quy mô diện tích từ 41ha lên 58,1ha). (Đã hoàn thiện)

c) Cụm công nghiệp An Thịnh, huyện Chiêm Hóa: Được quy hoạch và thành lập cụm công nghiệp theo Quyết định số 414/QĐ-UBND ngày 24/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Cụm công nghiệp An Thịnh, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, diện tích 78ha. Quyết định số 222/QĐ-UBND ngày 17/8/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh quy mô diện tích Cụm công nghiệp An Thịnh, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang (điều chỉnh diện tích từ 78 ha xuống 75ha). (Đã hoàn thiện)

d) Cụm công nghiệp Tân Thành, huyện Hàm Yên: Được quy hoạch và thành lập cụm công nghiệp theo Quyết định số 256/QĐ-UBND ngày 21/9/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Cụm công nghiệp Tân Thành, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, diện tích 72,2ha. Quyết định số 3612/QĐ-UBND ngày 11/12/2019 của Ủy ban nhân dân huyện Hàm Yên Phê duyệt Quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp Tân Thành, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. (Đã hoàn thiện)

đ) Cụm công nghiệp Khuôn Phươn, huyện Na Hang: Được quy hoạch và thành lập cụm công nghiệp theo Quyết định số 316/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về việc thành lập Cụm công nghiệp Khuôn Phương, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, diện tích 20 ha. (Đã hoàn thiện)

Quy hoạch phát triển ngành và khu/cụm công nghiệp tỉnh Tuyên Quang

Phương án phát triển ngành công nghiệp:

Theo đồ án quy hoạch tỉnh Tuyên Quang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 325/QĐ-TTg. Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục mở rộng quy mô của nhóm ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện, luyện thép, khai thác lợi thế của tỉnh phù hợp với sức chịu tải môi trường, tỉnh tập trung phát triển các ngành công nghiệp tạo việc làm cho nhiều lao động như công nghiệp chế biến lâm sản, nông sản, sản xuất lắp ráp điện tử, thiết bị điện, công nghiệp sản xuất đồ gia dụng, công nghiệp dệt may, da giày, … và công nghiệp chế tạo.

Công nghiệp chế tạo liên quan tới sử dụng sản phẩm luyện thép (cán kéo thép, cơ khí máy móc, đồ dùng kim loại, khung thiết bị xây dựng, linh kiện, …) nhằm phát huy lợi thế vận tải nguyên liệu và sản phẩm luyện kim, đồng thời sử dụng lực lượng lao động trong tỉnh và vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Như vậy, việc liên kết cộng sinh, tuần hoàn giữa công nghiệp luyện kim, nông sản hàng hóa chất lượng cao và công nghiệp chế tạo, chế biến sẽ tạo nên một cụm ngành công nghiệp trọng điểm hàng đầu của tỉnh. 

Tỉnh Tuyên Quang xác định phát triển công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, phát triển năng lượng điện, trong đó:

Đối với công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản: Duy trì các cơ sở sản xuất đang hoạt động hiện tại, thực hiện kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản phù hợp với nhu cầu thị trường, hạn chế mở rộng công nghiệp khai thác khoáng sản trong tương lai.

Đối với công nghiệp chế biến chế tạo: Đẩy mạnh các hoạt động cốt lõi để phát triển dựa trên hiện trạng công nghiệp của tỉnh, chuyển từ sản xuất các sản phẩm đem lại giá trị thấp sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn và có thể tái chế, thân thiện với môi trường và tăng tỷ trọng xuất khẩu.

Công nghiệp gia công kim loại, cơ khí, điện, điện tử: Thu hút đầu tư, phát triển các dự án gia công kim loại, cơ khí đặc biệt là những dự án quy mô lớn, trong đó ưu tiên đầu tư các dự án chế tạo, gia công chi tiết máy, thép hình công nghệ cao, kết cấu thép, tôn lợp và các sản phẩm khác có giá trị cao từ sản phẩm luyện thép. Hỗ trợ các cơ sở cơ khí liên kết sản xuất với các cơ sở công nghiệp tại các tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng. Định hướng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tại thành phố Tuyên Quang, các huyện: Sơn Dương, Yên Sơn và Hàm Yên.

Phương án phát triển công nghiệp chè: Tổng diện tích chè tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030 duy trì với diện tích 8.500ha. Sản lượng chè tươi các loại ước đạt trên 65.000 tấn/năm. 

Phát triển mạng lưới cơ sở chế biến chè giá trị cao: Phát huy công suất, nâng cao chất lượng sản phẩm 03 nhà máy và trên 40 cơ sở chế biến chè của doanh nghiệp, hợp tác xã hiện có. Thu hút đầu tư cơ sở nhà máy chế biến chè Shan tuyết hữu cơ trên địa bàn các xã: Sinh Long, Hồng Thái (huyện Na Hang) gắn với cải tạo vùng chè Shan hiện có.

Định hướng công nghệ chế biến: Đến năm 2025, nâng tỷ lệ sử dụng máy móc vào chế biến chè đạt 100%, bao gồm các khâu như sao chè, phân loại chè, đóng gói và dán nhãn sản phẩm để sản xuất một số sản phẩm như chè duỗi, chè viên, chè móc, …

Công nghiệp gia công kim loại, cơ khí, điện, điện tử: Thu hút đầu tư, phát triển các dự án gia công kim loại, cơ khí đặc biệt là những dự án quy mô lớn, trong đó ưu tiên đầu tư các dự án chế tạo, gia công chi tiết máy, thép hình công nghệ cao, kết cấu thép, tôn lợp và các sản phẩm khác có giá trị cao từ sản phẩm luyện thép. Hỗ trợ các cơ sở cơ khí liên kết sản xuất với các cơ sở công nghiệp tại các tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng. Định hướng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tại thành phố Tuyên Quang, các huyện: Sơn Dương, Yên Sơn và Hàm Yên.

– Định hướng thu hút các dự án cơ khí vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại các huyện: Yên Sơn, Sơn Dương, thành phố Tuyên Quang.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn kết với các ngành công nghiệp của vùng và khu vực, mục tiêu là tạo nền tảng cho phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh phát triển bền vững, đa dạng hóa ngành công nghiệp, từng bước phát triển hệ sinh thái công nghiệp.

Bản đồ phương án quy hoạch khu/cụm công nghiệp tỉnh Tuyên Quang
Bản đồ phương án quy hoạch khu/cụm công nghiệp tỉnh Tuyên Quang

Phương án phát triển khu công nghiệp

Phương án quy hoạch bố trí sắp xếp khu công nghiệp của tỉnh Tuyên Quang trong thời kỳ 2021-2030 được xây dựng dựa trên các yếu tố sau:

– Yếu tố giao thông: Các khu công nghiệp cần được bố trí tại vị trí thuận lợi về giao thông, như: gần đường cao tốc, quốc lộ, gần vị trí đầu mối các tuyến đường tỉnh, có khả năng tiếp cận nhanh đến các đầu mối giao thông, đầu mối xuất nhập khẩu, thị trường tiêu thụ lớn như cảng biển, sân bay, đô thị lớn.

– Yếu tố lao động và thị trường: Các khu công nghiệp cần được bố trí ở khu vực có nguồn lao động, hoặc có các yếu tố thuận tiện để thu hút được nguồn lao động từ các khu vực xung quanh.

– Yếu tố hạ tầng kỹ thuật: Hạ tầng giao thông nội vùng thuận tiện, hạ tầng cấp điện, cấp thoát nước đủ khả năng đáp ứng cho phát triển công nghiệp.

Trong thời kỳ quy hoạch, tỉnh sẽ thực hiện mở rộng khu dân cư khu vực dự kiến thành lập đô thị Hồng Lạc, xã Tam Đa gắn với nhu cầu ở của lao động làm việc tại khu công nghiệp Tam Đa (huyện Sơn Dương).

Dự kiến mở rộng các khu công nghiệp đã thành lập, thành lập mới các khu công nghiệp khi tỉnh được Thủ tướng Chính phủ bổ sung chỉ tiêu quy hoạch và Kế hoạch sử dụng đất, cụ thể như sau:

– Thành lập Khu công nghiệp Tân Long: Định hướng thu hút đầu tư các lĩnh vực: Chế biến nông sản – thực phẩm, đồ uống, may mặc, cơ khí, chế biến gỗ, sản xuất giấy, bột giấy, các ngành công nghiệp chế biến chế tạo khác.

– Thành lập Khu công nghiệp Nhữ Khê: Định hướng thu hút đầu tư các lĩnh vực: cơ khí, chế biến gỗ, sản xuất đồ gỗ; sản xuất đồ dùng và thiết bị điện, điện tử; vật liệu xây dựng. Khu công nghiệp Nhữ Khê được thành lập mới nằm trên đường nối với Cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ, cách nút giao vào cao tốc khoảng 3 – 7 km, cách không xa trung tâm thành phố Tuyên Quang, là khu vực có địa hình tương đối bằng phẳng, thuận lợi để hình thành khu công nghiệp.

– Thành lập mới Khu công nghiệp Nam Sơn Dương: Định hướng thu hút đầu tư các lĩnh vực: chế biến nông lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng; lắp ráp điện, điện tử; sản xuất hàng tiêu dùng; dệt may, da giầy; sản xuất thức ăn chăn nuôi; thủ công mỹ nghệ và các dự án công nghiệp thuộc các lĩnh vực khác.

– Thành lập mới Khu công nghiệp Thái Sơn – Thành Long: Định hướng thu hút đầu tư các lĩnh vực: chế biến nông sản – thực phẩm, phân bón, chế phẩm phục vụ nông nghiệp; chế biến gỗ, sản xuất đồ gỗ; sản xuất vật liệu xây dựng và các dự án công nghiệp thuộc các lĩnh vực khác.

Như vậy, Tuyên Quang sẽ có 7 khu công nghiệp (KCN) đến năm 2030, trong đó có ba KCN phân bổ theo Quyết định ngày 9/3/2022 về việc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 – 2025; 4 KCN được thành lập mới khi tỉnh được bổ sung chỉ tiêu quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.

Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Tuyên Quang

Phương án phát triển hệ thống cụm công nghiệp của tỉnh Tuyên Quang trên cơ sở các vùng nguyên liệu, năng lực và yêu cầu phát triển sản xuất, nhu cầu thị trường tại từng khu vực, địa phương, bố trí cụm công nghiệp tại vị trí phù hợp với khả năng tiếp cận vùng nguyên liệu, nguồn lao động và các yếu tố sản xuất khác.

Theo đó, Tỉnh tập trung thu hút đầu tư lấp đầy 05 cụm công nghiệp đã thành lập, phát triển thêm 19 cụm công nghiệp dọc các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh (trong đó: 05 cụm công nghiệp đã được thành lập, 01 cụm công nghiệp chuyển đổi từ khu công nghiệp và thành lập mới 18 cụm công nghiệp). Đến năm 2030, Tuyên Quang dự kiến có 24 cụm công nghiệp, tổng diện tích các cụm công nghiệp khoảng 1.113 ha. Cụ thể:

a) Thành phố Tuyên Quang

– Thành lập cụm công nghiệp An Hoà – Long Binh An: diện tích 75 ha địa điểm tại phường Đội Cấn và xã Thái Long, thành phố Tuyên Quang. Định hướng thu hút đầu tư các lĩnh vực: Công nghiệp hỗ trợ, điện tử, chế biến thực phẩm, đồ uống, chế biến nông sản sản xuất đồ gia dụng; sản xuất bao bì; sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ đô thị và các ngành công nghiệp khác.

– Thành lập cụm công nghiệp Thái Long – Lưỡng Vượng: diện tích 50 ha, địa điểm các xã: Thái Long, Lưỡng Vượng. Định hướng thu hút đầu tư các lĩnh vực: Công nghiệp hỗ trợ, điện tử, sản xuất đồ gia dụng, sản xuất bao bì, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến thực phẩm, đồ uống, chế biến nông sản và các ngành công nghiệp khác.

b) Huyện Yên Sơn

– Cụm công nghiệp Thắng Quân: diện tích cụm công nghiệp trong kỳ quy hoạch là 58,1 ha. Định hướng thu hút đầu tư lĩnh vực: sơ chế và chế biến gỗ, sản xuất đồ gỗ, công nghiệp phụ trợ ngành gỗ. Liên kết nhà máy chế biến, sản xuất gỗ tại Cụm công nghiệp Thắng Quân với vùng nguyên liệu gỗ Yên Sơn, Chiêm Hóa, Hàm Yên.

– Thành lập cụm công nghiệp Nhữ Khê: diện tích dự kiến 40 ha, địa điểm tại xã Nhữ Khê. Định hướng thu hút đầu tư các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, điện – điện tử, may mặc, sản xuất đồ gia dụng, sản xuất bao bì, chế biến nông sản, sản xuất thực phẩm, đồ uống và các ngành công nghiệp khác.

– Thành lập mới cụm công nghiệp Yên Sơn: diện tích 53 ha, trên địa bàn các xã Thắng Quân, Chân Sơn. Định hướng thu hút đầu tư lĩnh vực: Sơ chế và chế biến gỗ, sản xuất đồ gỗ, công nghiệp phụ trợ ngành gỗ. Liên kết nhà máy chế biến, sản xuất gỗ tại cụm công nghiệp Yên Sơn với vùng nguyên liệu gỗ Yên Sơn, Chiêm Hóa, Hàm Yên.

– Thành lập cụm công nghiệp Trung Môn: diện tích 30 ha, trên địa bàn xã Trung Môn. Định hướng thu hút đầu tư lĩnh vực: Công nghiệp hỗ trợ, điện tử; sản xuất đồ gia dụng; sản xuất bao bì; sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ đô thị; chế biến thực phẩm, đồ uống và các ngành công nghiệp khác.

– Thành lập cụm công nghiệp Xuân Vân: diện tích 50 ha, trên địa bàn xã Xuân Vân. Định hướng thu hút đầu tư các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến nông sản hàng hóa như sơ chế, chế biển cam, bưởi, chè, cây dược liệu, dự án điện sinh khối, công nghiệp dệt may, da giày; đồ gỗ và các ngành công nghiệp khác.

– Thành lập cụm công nghiệp Phủ Thịnh: diện tích 35 ha, trên địa bàn xã Phú Thịnh. Định hướng thu hút đầu tư lĩnh vực: Công nghiệp chế biến nông sản hàng hóa như sơ chế, chế biến cam, bưởi, chè, cây dược liệu, may mặc, đồ gỗ và các ngành công nghiệp khác.

c) Huyện Sơn Dương

– Điều chỉnh khu công nghiệp Sơn Nam: với diện tích quy hoạch kỳ trước là 150 ha thành cụm công nghiệp Sơn Nam có diện tích 50,0 ha. Định hướng thu hút đầu tư các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; sản xuất vật liệu xây dựng.

– Thành lập mới cụm công nghiệp Ninh Lai – Thiện Kế, diện tích 75 ha trên địa bàn xã Sơn Nam. Định hướng thu hút đầu tư các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo công nghiệp hỗ trợ; sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến gỗ; chế biến thực phẩm và các ngành công nghiệp khác.

– Giữ nguyên hiện trạng diện tích cụm công nghiệp Phúc Ứng: 75 ha, địa điểm xã Phúc Ứng. Định hướng thu hút đầu tư các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất thiết bị điện, điện tử, sản xuất bao bì và các ngành công nghiệp khác.

– Thành lập cụm công nghiệp Phúc Ứng 2, diện tích 60 ha, địa điểm: Xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương. Định hướng thu hút đầu tư các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; sản xuất vật liệu xây dựng, may, da giày, sản xuất thiết bị điện, điện tử, sản xuất bao bì.

– Thành lập cụm công nghiệp Phúc Ứng 3, diện tích khoảng 40 ha, trên địa bàn xã Phúc Ứng. Định hướng thu hút đầu tư các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; sản xuất vật liệu xây dựng; may, da giày, sản xuất thiết bị điện, điện tử, sản xuất bao bì.

– Thành lập mới cụm công nghiệp Tam Đa, diện tích 75 ha, tại xã Tam Đa, huyện Sơn Dương. Định hướng thu hút đầu tư các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất thức ăn chăn nuôi; sản xuất phân bón, chế phẩm phục vụ nông nghiệp và các ngành công nghiệp khác.

d) Huyện Chiêm Hoá

– Cụm công nghiệp An Thịnh diện tích 75,0 hạ trên địa bàn xã Phúc Thịnh. Định hướng thu hút đầu tư các lĩnh vực: Sản xuất chế biến gỗ; chế biến nông sản; gỗ; cơ khí chế tạo, lắp ráp; vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác.

– Thành lập cụm công nghiệp Yên Nguyên, diện tích 30,0 ha trên địa bàn xã Yên Nguyên. Định hướng thu hút đầu tư các lĩnh vực: Chế biến nông sản; sản xuất, chế biến gỗ; vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác.

– Thành lập cụm công nghiệp Trung Hòa, diện tích 25,0 ha trên địa bàn xã Trung Hòa. Định hướng thu hút đầu tư các lĩnh vực: Sơ chế nông sản, chế biến nông sản; chế biến gỗ; vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác.

– Thành lập cụm công nghiệp Xuân Quang, diện tích 20,0 ha trên địa bàn xã Xuân Quang. Định hướng thu hút đầu tư các lĩnh vực: Chế biến nông sản; chế biến gỗ; sản xuất vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác.

đ) Huyện Hàm Yên

– Cụm công nghiệp Tân Thành diện tích 72,0 ha trên địa bàn xã Tân Thành. Định hướng thu hút đầu tư các lĩnh vực: Chế biến nông sản, thực phẩm; chế biến gỗ; vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác.

– Thành lập mới cụm công nghiệp Đức Ninh diện tích 25,0 ha; địa điểm tại xã Đức Ninh. Định hướng thu hút đầu tư các lĩnh vực: Chế biến cam và trái cây, dệt may, da giày, sản xuất phân bón, chế phẩm phục vụ trồng trọt, chăn nuôi và các ngành công nghiệp khác.

– Thành lập mới cụm công nghiệp Thái Sơn diện tích 30,0 ha tại xã Thái Sơn. Định hướng thu hút đầu tư các lĩnh vực: chế biến cam và trái cây; dệt may, da giày, sản xuất phân bón, chế phẩm phục vụ trồng trọt, chăn nuôi và các ngành công nghiệp khác.

e) Huyện Lâm Bình

– Thành lập cụm công nghiệp Phúc Sơn 1, diện tích khoảng 30,0 ha, địa điểm: Xã Phúc Sơn. Định hướng thu hút đầu tư các lĩnh vực: chế biến nông sản – thực phẩm, ưu tiên các dự án chế biến lạc, dược liệu; sản xuất đồ thủ công, mỹ nghệ; dệt may, da giày; sản xuất vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác.

– Thành lập cụm công nghiệp Phúc Sơn 2, diện tích khoảng 20,0 ha, địa điểm: Trên địa bàn xã Phúc Sơn. Định hướng thu hút đầu tư các lĩnh vực: chế biến nông sản – thực phẩm, ưu tiên các dự án chế biến lạc, dược liệu; sản xuất đồ thủ công, mỹ nghệ; dệt may, da giày; sản xuất vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác.

g) Huyện Na Hang:

Cụm công nghiệp Khuôn Phươn, giữ nguyên diện tích 20 ha. Định hướng thu hút đầu tư các lĩnh vực: Chế biến nông sản, thực phẩm, ưu tiên các dự án chế biến dược liệu, sản xuất chè, chế biến thủy sản gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ; sản xuất vật liệu xây dựng.

Tài liệu kèm theo:


4.8/5 - (5 bình chọn)
Bài trướcQuy hoạch giao thông tỉnh Tuyên Quang đến 2030 – 2050
Bài tiếp theoKhu công nghiệp SHI IP Tam Dương, huyện Tam Dương 162,33 ha

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây