UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 14/5/2021 về việc thực hiện Chương trình hành động số 60 -CTr/TU ngày 05/7/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp du lịch của vùng và cả nước, đồng thời tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp; Kế hoạch đã đưa ra các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn:
Giai đoạn 2020-2030
Những mục tiêu và nhiệm vụ trong giai đoạn 2020-2030 của tỉnh Vĩnh Phúc về định hướng phát triển công nghiệp.
- Đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong bản thân ngành công nghiệp theo hướng đi vào công nghệ cao, tiến tiến, hiện đại
- Chuyên môn hoá, tự động hoá nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
- Phấn đấu tốc độ phát triển công nghiệp đạt 9-10%, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng – dịch vụ từ 95% trở lên; trong đó, dịch vụ – thương mại chiếm tỷ lệ trên 40%. Tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 50%.
- Tỷ lệ lao động trong khu vục công nghiệp và dịch vụ đến hết năm 2030 đạt 75%.
- Xây dựng được một số cụm liên kết ngành công nghiệp, doanh nghiệp trong tỉnh có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế.
- Định hướng xây dựng hoàn thành 20 khu công nghiệp và 32 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích đất khu công nghiệp lên 5.000 ha và đất CCN tăng thêm khoảng 212,39 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân các khu, CCN trên địa bàn tỉnh lên 70-80% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê
- Thu hút thêm 120.000-150.000 tỷ đồng vào đầu tư sản xuất tại các khu, CCN.
Giai đoạn 2030-2045
- Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại năm 2045. Phát triển các thế hệ mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông; phổ cập công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học.
- Phấn đấu trong nền kinh tế của tỉnh, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng – dịch vụ từ 96,% trở lên; trong đó, dịch vụ – thương mại chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Tỷ trọng công nghiệp, trong đó chủ yếu là công nghệ cao, tự động hóa;
Kế hoạch đề ra 03 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính:
1. Đầu tư phát triển các ngành công nghiệp trọng tâm đến năm 2030, bao gồm 07 ngành:
- Công nghiệp điện tử, tin học
- Công nghiệp cơ khí
- Công nghiệp dược phẩm
- Công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm
- Công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng
- Công nghiệp may, da giày
- Công nghiệp nông thôn.
2. Phát triển ngành, khu, cụm công nghiệp theo vùng lãnh thổ, gồm 09 huyện thành phố, trong đó, đáng chú ý như:
- Xây dựng trung tâm nghiên cứu công nghệ cao Vĩnh Yên
- Xây dựng mới khu sinh dưỡng công nghiệp (nghiên cứu cải tiến kỹ thuật công nghệ) cho các cơ sở công nghiệp…
3. Định hướng xây dựng các chính sách nhằm thu hút nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ với 07 nội dung:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách phát triển công nghiệp
- Chuyển dịch cơ cấu, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển
- Tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp
- Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp công nghiệp
- Phát triển công nghiệp hỗ trợ
- Phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp
- Chính sách khoa học và công nghệ cho phát triển công nghiệp
- Chính sách khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Chỉ đạo thực hiện
Để thực hiện các nhóm nhiệm vụ và giải pháp nói trên, UBND tỉnh đã giao các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách phát triển công nghiệp trên địa bàn.
Với vai trò và nhiệm vụ được phân công, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tích cực phối hợp với các sở, ngành, các địa phương hoàn thiện phê duyệt quy hoạch trong các ngành công nghiệp theo Luật Quy hoạch, với những nhiệm vụ trọng tâm như:
- Đảm bảo phân bố không gian lãnh thổ và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo định hướng ngành và điều kiện kinh tế – xã hội tại địa phương
- Nghiên cứu, xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm theo ngành, lĩnh vực, gắn với đóng góp của doanh nghiệp, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh
- Đẩy mạnh thu hút đầu tư, xúc tiến đầu tư trong nước, nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp ưu tiên…
Với những định hướng và giải pháp cụ thể ở trên, Vĩnh Phúc sẽ sớm trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại./.