Trang chủ Quy hoạch Quy hoạch vùng huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng đến 2030, tầm...

Quy hoạch vùng huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng đến 2030, tầm nhìn 2050

424
0

Quy hoạch Vùng huyện Thạnh Trị bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của huyện có tổng diện tích 287,47 km2. Đến năm 2030, Thạnh Trị sẽ trở thành huyện nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa lớn.

Huyện Thạnh Trị nằm trong vùng đất ngập nước mặn thuộc bán đảo Cà Mau, huyện này là một địa phương nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tôm sú, tôm càng xanh và cá đồng.


  • Diện tích: 28.090 ha.
  • Dân số: 86.262 người.

Thạnh Trị là huyện nông nghiệp thuộc vùng nông thôn của  tỉnh Sóc Trăng, cách thành phố Sóc Trăng 32 km, nằm dọc trên Quốc lộ 1. Địa hình huyện Thạnh Trị bằng phẳng, bị chia cắt nhiều bởi hệ thống kênh, rạch, nên kinh tế ở đây  sản xuất nông nghiệp là chính, chủ yếu là trồng lúa, màu, chăn nuôi và thủy sản nước ngọt.

Địa giới hành chính huyện Thạnh Trị:

  • Phía Tây và Nam giáp huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu
  • Phía Tây Bắc giáp thị xã Ngã Năm
  • Phía Đông Bắc giáp huyện Mỹ Tú
  • Phía Đông Nam giáp huyện Mỹ Xuyên
Cổng chào địa phận huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng
Cổng chào địa phận huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng

Phạm vi, tính chất, hướng phát triển trọng tâm

Phạm vi: Vùng huyện Thạnh Trị bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của huyện có tổng diện tích 287,47 km2.


Tính chất, vị thế, vai trò: Huyện Thạnh Trị tiếp tục giữ vai trò là huyện sản xuất nông nghiệp gắn với vùng nguyên liệu lúa (lúa cao sản, lúa đặc sản, lúa tài nguyên mùa,…) của tỉnh. Phát triển kinh tế – xã hội huyện Thạnh Trị theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển nông nghiệp bền vững, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng là quan trọng, là chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển của huyện thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch Vùng huyện Thạnh Trị gắn với quá trình xây dựng và hoàn thành tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây (giai đoạn 2021-2025), gắn với việc đầu tư xây dựng cảng nước sâu Trần Đề (2030). Các công trình này hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng sẽ góp phần tăng cường khả năng kết nối Thạnh Trị với các thị xã Ngã Năm, thị xã Vĩnh Châu với cảng nước sâu Trần Đề, phát huy tối đa khả
năng giao thương hàng hóa nông sản của huyện tiếp cận các thị trường tiêu thụ các tỉnh trong vùng đồng bằng Sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ và xuất khẩu ra thị trường thế giới. Với điều kiện kết nối như vậy sẽ tạo sức bật rất lớn đối với phát triển kinh tế – xã hội huyện trong tương lai.

Đến năm 2030, Thạnh Trị sẽ trở thành huyện nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa lớn, gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Sóc Trăng phát huy lợi thế cửa ngõ cùng với các công trình lớn của tỉnh sẽ triển khai trên địa bàn; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên một bước, tiệm cận với mức bình quân chung của tỉnh.


Tầm nhìn đến năm 2050, Thạnh Trị là một trong những huyện của tỉnh sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, qui mô lớn, công nghệ cao, công nghệ thông minh gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ; nâng cao được hiệu quả và giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể, cao hơn so với mức bình quân chung của tỉnh. 

Hướng phát triển trọng tâm ngành nông – lâm – thủy sản

Giai đoạn 2021-2025, sản xuất nông nghiệp gắn với kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025, phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất hàng hóa có giá trị và chất lượng theo nhu cầu của thị trường. Về tổ chức sản xuất tiếp tục thực hiện tổ chức sản xuất nông nghiệp của huyện theo 3 tiểu vùng. Cụ thể:

  • Vùng gò cao: quy mô diện tích 5.297,9 ha, tập trung sản xuất lúa đặc sản, lúa cao sản, phát triển lúa – màu, chuyên màu và chăn nuôi, bao gồm các xã Lâm Kiết, phía Nam các xã Tuân Tức, Lâm Tân;
  • Vùng cao trung bình: quy mô diện tích 8.030,6 ha, sản xuất lúa đặc sản, cơ cấu lúa tài nguyên mùa là chủ lực, thực hiện mô hình lúa – màu, chuyên màu, phát triển chăn nuôi trang trại, bao gồm thị trấn Phú Lộc, Hưng Lợi, xã Châu Hưng, phía nam xã Thạnh Trị;
  • Vùng trũng thấp: quy mô diện tích 8550 ha, tập trung sản xuất lúa cao sản là chính gắn với lúa đặc sản, lúa – thủy sản kết hợp, màu dưới chân ruộng và chăn nuôi; bao gồm các xã Thạnh Tân, phần lớn xã Vĩnh Lợi, Vĩnh Thành, phía Bắc các xã Thạnh Trị, Tuân
    Tức, Lâm Tân.

Quy hoạch huyện Thạnh Trị giai đoạn 2026-2030, xác định phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp số. Trong giai đoạn này, Thạnh Trị cần mạnh dạng đề xuất mô hình thí điểm sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp số áp dụng vào cây lúa, cây màu và nuôi trồng thủy sản.


Tầm nhìn đến năm 2050, Thạnh Trị là một trong những huyện của tỉnh sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, qui mô lớn, công nghệ cao, công nghệ thông minh gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ; nâng cao được hiệu quả và giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp. Nông nghiệp có chất lượng sản phẩm nông sản, tăng năng suất cây trồng và vật nuôi, nhất là năng suất lao động nông nghiệp
cao, tương đương với khu vực công nghiệp.

Bố trí, sắp xếp hệ thống các thị trấn, trung tâm cụm xã

Bố trí, sắp xếp hệ thống các thị trấn:

Theo đồ án Quy hoạch Vùng huyện Thạnh Trị định hướng phát triển đô thị huyện lỵ thị trấn Phú Lộc được xác định là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Thạnh Trị, là đầu mối giao thông, vận chuyển hàng hóa nhằm khai thác tiềm năng kinh tế trên hành lang tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây. Định hướng phát triển: thương mại, dịch vụ, nông nghiệp kỹ thuật cao, dịch vụ du lịch, nhân văn. Phát triển đô thị thành 2 khu vực phát triển: khu vực 01 quy mô khoảng 206 ha, khu vực 02: quy mô khoảng 121 ha. Triển khai thực hiện đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Phú Lộc đến năm 2030 theo Quyết định số 1178/QĐ-UBND ngày 18/5/2018 của UBND tỉnh Sóc Trăng, phấn đấu xây dựng thị trấn Phú Lộc đạt đô thị loại IV giai đoạn 2021-2025, đẩy nhanh nâng loại đô thị Phú Lộc vào năm 2023 trong bối cảnh huyện hội tụ đủ điều kiện về đầu tư phát triển hạ tầng thị trấn theo quy định.

Định hướng phát triển thị trấn Hưng Lợi: khai thác tiềm năng kinh tế đô thị trên hành lang tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây. Phát triển đô thị thành 2 khu vực phát triển: khu vực 01 quy mô khoảng 805 ha, khu vực 02: quy mô khoảng 1151 ha. Triển khai thực hiện đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Hưng Lợi đến năm 2030, nâng chất đô thị loại V giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030.

Định hướng phát triển các đô thị mới: giai đoạn 2031-2045, phát triển các đô thị mới Vĩnh Lợi, Thạnh Tân, Thạnh Trị, cụ thể như sau: giai đoạn 2026-2030 phát triển đô thị mới Vĩnh Lợi đạt đô thị loại V; giai đoạn 2031-2040, nâng chất đô thị loại V đối với đô thị Vĩnh Lợi; phát triển đô thị mới Thạnh Tân đạt đô thị loại V, giai đoạn 2041-2045, phát triển đô thị mới Thạnh Trị đạt đô thị loại V.

Định hướng phát triển nông thôn:

Theo quy hoạch vùng huyện Thạnh Trị, phương án phát triển nông thôn được thực hiện theo các giai đoạn cụ thể như sau:

  • Giai đoạn 2021-2025: Phấn đấu xây dựng huyện Thạnh Trị đạt mục tiêu huyện nông thôn mới vào năm 2024, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: xã Vĩnh Lợi, Lâm Tân, Thạnh Trị, Vĩnh Thành và Lâm Kiết, các xã Châu Hưng, Thạnh Tân, Tuân Tức đạt chuẩn nông thôn mới.
  • Giai đoạn 2026-2030: Phấn đấu xây dựng huyện Thạnh Trị đạt mục tiêu huyện nông thôn mới nâng cao với 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Định hướng phát triển hạ tầng xã hội

Hạ tầng giáo dục – đào tạo: Phát triển mạng lưới trường lớp thời kỳ 2021-2030 phù hợp với điều kiện thực tế của huyện Thạnh Trị và nhu cầu học tập của xã hội. Đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa giáo dục, huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục, đặc biệt chú trọng phát triển mạng lưới trường lớp cơ sở vật chất ngành giáo dục.

Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 100% chú trọng đầu tư, xây dựng, nâng cấp một số trường: Trường THCS Dân tộc nội trú; Trường mầm non Hưng Lợi, Phú Lộc, Châu Hưng, Vĩnh Lợi, Lâm Tân, Tuân Tức; Trường tiểu học Thạnh Tân 1, Thạnh Tân 2, Thạnh Trị 1, Lâm Kiết, Vĩnh Lợi, Tuân Tức 1, Châu Hưng 1, Phú Lộc 1, Vĩnh Thành; Trường THCS Phú Lộc, Thạnh Trị, Thạnh Tân, Vĩnh Thành, Lâm Tân; Trường THPT Trần Văn Bảy, Thạnh Tân, THCS-THPT Hưng Lợi…;

Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục giữ vững nâng chất tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu các trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. 

Hạ tầng y tế:

Trong thời kỳ Quy hoạch Vùng huyện Thạnh Trị, huyện tập trung nâng cấp cơ sở vật chất bệnh viện đa khoa và trung tâm y tế huyện giai đoạn 2021-2025, quy mô 200 giường, phấn đấu nâng chất đạt hang II tuyến huyện giai đoạn 2026-2030.

Giai đoạn 2021-2025, rà soát, sửa chữa nâng cấp xây dựng mới cơ sở hạ tầng y tế tuyến xã nâng cao chất lượng phục vụ yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, phấn đấu 100% xã, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã; sửa chữa, nâng cấp bổ sung trang thiết bị y tế chuyên dùng Trung tâm y tế huyện.

Giai đoạn 2026-2030, giữ vững và nâng chất 100% xã, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã, rà soát nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới các trạm y tế xã, thị trấn đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao:

Thị trấn Phú Lộc: Định hướng đề xuất bố trí xây dựng các thiết chế văn hóa theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Phú Lộc đến năm 2030 theo Quyết định số 1178/QĐ-UBND ngày 18/5/2018 của UBND tỉnh Sóc Trăng.

Thị trấn Hưng Lợi: Định hướng đề xuất bố trí xây dựng các thiết chế văn hóa theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Hưng Lợi đến năm 2030.

Xây dựng các công trình văn hóa cấp huyện như: Giai đoạn 2026-2030 xây dựng hoàn chỉnh Trung tâm văn hoá – thể thao huyện. Giai đoạn 2021-2025: Xây mới Trung tâm văn hoá – thể thao cấp xã tại xã Vĩnh Lợi và xã Thạnh Trị. Giai đoạn 2026-2030: Xây mới Trung tâm văn hoá – thể thao cấp xã tại các xã Châu Hưng, Vĩnh Thành, Thạnh Tân, Tuân Tức, Lâm Tân và Lâm Kiết. 

Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật

Ở cấp quốc gia và cấp vùng ĐBSCL: huyện Thạnh Trị có các công trình, dự án quan trọng được bố trí trên địa bàn:

  • Quốc lộ 1A, dự kiến duy trì và củng cố nâng cấp đoạn tuyến đi qua địa bàn, dự kiến đạt cấp II đồng bằng.
  • Quốc lộ 61B: dự kiến được quy hoạch đạt cấp III đồng bằng, đề xuất bổ sung nối dài QL61B, từ điểm giao với QL1A tại thị trấn Phú Lộc đến điểm giao với Quốc lộ Nam sông Hậu tại xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu.

Ở cấp tỉnh: giai đoạn 2021-2025, tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây dự kiến được triển khai xây dựng, tuyến dài 56,673 km và có 92 vị trí kênh rạch cắt ngang dự kiến xây dựng 46 cầu và 46 cống ngang đường quy mô xây dựng bao gồm: Xây dựng mặt đường, cầu trên tuyến và các hạng mục phụ trợ khác như nút giao thông; cống ngang, cống dọc; đường dân sinh; hệ thống chiếu sáng, hệ thống biển báo… tổng diện tích sử dụng đất toàn tuyến khoảng 92,9 ha. 

Phương án kết nối với tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây

Trong thời kỳ Quy hoạch Vùng huyện Thạnh Trị tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây dự kiến được triển khai xây dựng giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với huyện trong phát triển kinh tế – xã hội, tuyến có điểm đầu giao với Quản lộ Phụng Hiệp tại vị trí gần chân cầu Nàng Rền ở Phường 3 (TX. Ngã Năm) và điểm cuối tuyến giao với Dự án Đường bộ ven biển nối liền Trà Vinh – Sóc Trăng – Bạc Liêu.

Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây được xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng sẽ tạo cơ hội kết nối Thạnh Trị với các huyện, thị trong tỉnh như TX. Ngã Năm, huyện Mỹ Xuyên và TX. Vĩnh Châu, không chỉ có ý nghĩa phát triển đối với Thạnh Trị mà còn giúp các địa phương phát triển kinh tế liên huyện, liên vùng gắn kết với phát triển cảng nước sâu Trần Đề.

Phương án kết nối hệ thống giao thông với quốc lộ 1A

  • ĐH 64 kết nối các xã Thạnh Tân, xã Tuân Tức với QL 1A, nâng cấp, sửa chữa, làm mới đạt tiêu chuẩn cấp V hoặc VI đồng bằng.
  • ĐT 937B kết nối các xã Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Thành, xã Châu Hưng và thị trấn Hưng Lợi với với QL 1A dự kiến quy hoạch đạt cấp III đồng bằng.

Phương án kết nối hệ thống giao thông với quốc lộ 61B

  • ĐH 60 kết nối các xã Thạnh Tân, xã Lâm Tân với quốc lộ 61B, dự kiến nâng cấp, sửa chữa, làm mới đạt tiêu chuẩn cấp V hoặc VI đồng bằng.
  • ĐH 61 kết nối các xã Vĩnh Lợi, Vĩnh Thành, Thạnh Tân, Lâm Tân với QL 61B, dự kiến nâng cấp, sửa chữa, làm mới đạt tiêu chuẩn cấp V hoặc VI đồng bằng.
  • ĐH 63 kết nối các xã Thạnh Trị, Tuân Tức, Lâm Tân, Lâm Kiết với QL 61B, dự kiến nâng cấp, sửa chữa, làm mới đạt tiêu chuẩn cấp V hoặc VI đồng bằng.
  • ĐH 65 kết nối các xã Thạnh Trị, Vĩnh Thành với QL 61B, dự kiến nâng cấp, sửa chữa, làm mới đạt tiêu chuẩn cấp V hoặc VI đồng bằng.

Phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông của huyện

Kiến nghị tỉnh nâng cấp mở rộng một số tuyến đường chính của huyện nhằm đảm bảo tính kết nối phát triển giữa Thạnh Trị với các địa phương lân cận, cụ thể như sau:

Tuyến tránh Quốc lộ 1A: Đề xuất mở mới tuyến tránh quốc lộ 1A (tuyến tránh trung tâm thị trấn Phú Lộc) đấu nối vào tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông – Tây tại thị trấn Phú Lộc.

Hệ thống đường tỉnh:

  • ĐT 937B kết nối Thạnh Trị với quốc lộ 1A: nâng cấp, mở rộng toàn tuyến đạt chuẩn cấp III đồng bằng; điều chỉnh, mở mới hướng tuyến đường tỉnh 937B đoạn qua địa bàn huyện Thạnh Trị, từ điểm giao quốc lộ Nam sông Hậu, tại xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu giao Quảng lộ Phụng Hiệp, tại phường 3, thị xã Ngã Năm.
  • ĐT 938 kết nối Thạnh Trị với Ngã Năm, Mỹ Tú và Tp. Sóc Trăng, dự kiến quy hoạch cấp III đồng bằng.
  • ĐT 940 kết nối xã Lâm Kiết với huyện Mỹ Xuyên qua quốc lộ 1A, dự kiến quy hoạch cấp III đồng bằng. 

Hệ thống đường huyện: tập trung đầu tư một số tuyến đường huyện trên địa bàn huyện như ĐH 66, ĐH 62 và ĐH 69.

Giao thông đô thị:

  • Tập trung đầu tư hoàn thiện và nâng chất hệ thống giao thông đô thị tại thị trấn Phú Lộc góp phần nâng thị trấn Phú Lộc đạt đô thị loại IV giai đoạn 2021- 2025. Đặc biệt, đề xuất xây dựng tuyến tránh thị trấn Phú Lộc, dài 3,8km.
  • Đề xuất mở rộng tuyến đường Nguyễn Huệ tại thị trấn Phú Lộc nhằm tạo điều kiện thuận lợi kết nối phát triển kinh tế – xã hội của huyện với thị xã Ngã Năm.

Giao thông nông thôn:

  • Giai đoạn 2021-2025 tập trung nguồn lực đầu tư nâng chất hệ thống giao thông nông thôn, nhất là các tuyến đường huyện và đường liên xã nhằm góp phần đảm bảo mục tiêu đưa huyện trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2024.
  • Giai đoạn 2026-2030, tập trung nguồn lực đầu tư nâng chất hệ thống giao thông nông thôn tại các xã Châu Hưng, Thạnh Tân, Tuân Tức gắn với mục tiêu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa

  • Tuyến trục chính: Tuyến Ngã Năm – Mỹ Tú – Thạnh Trị – Mỹ Xuyên, đây là trục liên huyện quan trọng, kết nối Thạnh Trị với các huyện Ngã Năm, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên; quy hoạch tuyến vận tải thủy nội địa đạt cấp IV.
  • Các tuyến trục nhánh chính: Rạch Chàng Ré: từ ngã ba rạch Nhu Gia đến thị trấn Phú Lộc; quy hoạch tuyến vận tải thủy nội địa đạt cấp IV; Kênh Phú Lộc – Ngã Năm: kết nối Thạnh Trị với thị xã Ngã Năm, tuyến khai thác vận tải thủy nội địa đáp ứng với cấp V.

Hạ tầng phát triển cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại

Theo đồ án Quy hoạch Vùng huyện Thạnh Trị định hướng phát triển cụm công nghiệp: Cụm công nghiệp Thạnh Trị dự kiến bố trí giai đoạn 2021-2030, quy mô 50 ha, tầm nhìn đến năm 2050 mở rộng quy mô lên 75 ha, có vị trí tại ấp Xa Mau 2, thị trấn Phú Lộc. Ngành nghề thu hút đầu tư vào cụm: các ngành nghề phụ trợ cho sản xuất nông nghiệp, các ngành sơ chế bảo quản nông sản (lúa, thủy sản,…) các ngành nghề thâm dụng lao động như dệt may, da giày nhằm thu hút lao động địa phương.

Định hướng phát triển hạ tầng thương mại:

  • Thị trấn Phú Lộc đề xuất hình thành khu thương mại dịch vụ cấp đô thị theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Phú Lộc đến năm 2030 theo Quyết định số 1178/QĐ-UBND ngày 18/5/2018 của UBND tỉnh Sóc Trăng.
  • Thị trấn Hưng Lợi: đề xuất hình thành khu thương mại dịch vụ cấp đô thị theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Hưng Lợi đến năm 2030. Giai đoạn 2021-2025: cải tạo nâng cấp các chợ: chợ Phú Lộc, chợ Hưng Lợi, chợ Vĩnh Lợi; mở rộng các chợ: chợ Tuân Tức, chợ Thạnh Tân; chuyển đổi công năng các chợ: chợ Vĩnh Thành và chợ Lâm Tân. 

Tài liệu kèm theo:


Rate this post
Bài trướcQuy hoạch vùng liên huyện tỉnh Trà Vinh đến 2030, tầm nhìn 2050
Bài tiếp theoQuy hoạch vùng liên huyện Tỉnh Sóc Trăng đến 2030, tầm nhìn 2050

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây