Trang chủ Quy hoạch Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị đến 2030, tầm...

Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị đến 2030, tầm nhìn 2050

50
0

Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị đến 2030 với những địa danh, khu, điểm du lịch như: “Cửa Tùng – Cửa Việt – Đảo Cồn Cỏ”. Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (có Động Brai, núi Voi Mẹp được mệnh danh là “nóc nhà Quảng Trị”, hệ thống hang động và thác Tà Puồng, thác Ba Vòi,…), Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông (có hang Dơi, thác Đỗ Quyên, suối A Chò, động Balê.. )….Địa đạo Vịnh Mốc, đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, căn cứ Dốc Miếu, nhà tù Lao Bảo, sân bay Tà Cơn, thành cổ Quảng Trị,…

Hiện trạng phát triển ngành Du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Vị thế du lịch tỉnh Quảng Trị

Quảng Trị có vị trí chiến lược trong vùng Bắc Trung bộ, là điểm giao thông giữa các tuyến du lịch xuyên Việt (Quốc lộ 1A, Cao tốc Bắc Nam, đường Hồ Chí Minh) với hành lang Đông Tây; 02 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay tạo điều kiện thuận lợi để liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, và các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.


Là một điểm đến phụ trợ trên tuyến du lịch Con đường di sản Miền trung (Phong Nha, Kẻ Bàng – Cố đô Huế – Phố cổ Hội An – Thánh địa Mỹ Sơn). So với các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ, số lượng khách và thu từ hoạt động du lịch của Quảng Trị đều đứng ở vị trí thấp nhất.

Tài nguyên du lịch tỉnh Quảng Trị

Tài nguyên du lịch nổi bật của tỉnh là bờ biển dài 75km với nhiều bãi biển đẹp: Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy… Biển đảo của Quảng Trị được xác định là điểm nhấn và động lực để phát triển du lịch, tam giác “Cửa Tùng – Cửa Việt – Đảo Cồn Cỏ” trong tương lai sẽ trở thành khu du lịch biển đầu cầu trên tuyến Hành lang Đông Tây của tỉnh Quảng Trị.

Cảnh quan sinh thái tự nhiên của tỉnh Quảng Trị khá đa dạng, nổi bật như Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (có Động Brai, núi Voi Mẹp được mệnh danh là “nóc nhà Quảng Trị”, hệ thống hang động và thác Tà Puồng, thác Ba Vòi,…), Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông (có hang Dơi, thác Đỗ Quyên, suối A Chò, động Balê.. )….


Các di tích gắn với chiến tranh Việt Nam, Các điểm di tích nổi bật như Địa đạo Vịnh Mốc, đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, căn cứ Dốc Miếu, nhà tù Lao Bảo, sân bay Tà Cơn, thành cổ Quảng Trị,…đã tạo nên sản phẩm du lịch DMZ – một trong những sản phẩm du lịch độc đáo nhất của Quảng Trị, không nơi nào có được, thu hút lượng lớn khách quốc tế và trở thành thương hiệu du lịch của Việt Nam.

Công trình văn hóa tâm linh, tôn giáo tín ngưỡng (trong đó nổi bật là Tổ đình sắc tứ Tịnh Quang, Trung tâm hành hương Đức mẹ La Vang), các lễ hội dân gian như: lễ hội thống nhất non sông, lễ hội Trường Sơn huyền thoại, lễ hội hoa đăng trên sông Thạch Hãn, lễ hội đêm Thành Cổ Quảng Trị, lễ hội nhịp cầu Xuyên Á,…

Cột cờ bên đầu cầu Hiền Lương
Cột cờ bên đầu cầu Hiền Lương

Hiện trạng phát triển không gian du lịch của tỉnh Quảng Trị

Hiện nay, du lịch tại Quảng Trị phát triển chủ yếu tại các khu vực dọc các tuyến Quốc lộ quan trọng như Quốc lộ 1A và Quốc lộ 9, tập trung tại các khu vực đô thị như: thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị, Lao Bảo, Khe Sanh và một số điểm ven biển như Vĩnh Thái, Vịnh Mốc, Cửa Tùng, Cửa Việt và đảo Cồn Cỏ.


Một số khu, điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị:

  • Các khu du lịch biển: Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh); Cửa Việt (huyện Gio Linh); Đảo Cồn Cỏ; Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh); Triệu Lăng (huyện Triệu Phong);…
  • Các khu du lịch sinh thái: Trằm Trà Lộc (huyện Hải Lăng); Rú Lịnh (huyện Vĩnh Linh);…
  • Các di tích lịch sử cách mạng dọc theo tuyến Đường 9, Đường Hồ Chí Minh, khu vực cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Vịnh Mốc và thị xã Quảng Trị như: Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải; Thành Cổ Quảng Trị; Địa đạo Vịnh Mốc; Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn; Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9; Sân bay Tà Cơn – Đường 9 – Khe Sanh; Nhà tù Lao Bảo; Cồn Tiên – Dốc Miếu…

Một số tuyến du lịch đang khai thác như:

  • Tuyến du lịch nội tỉnh:
    • Tuyến khám phá vùng phi quân sự/Tour DMZ với các điểm tham quan như: Cầu treo Đakrông, chiến trường Khe Sanh, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, địa đạo Vịnh Mốc, Cồn Tiên, Dốc Miếu.
    • Tuyến du lịch phía Nam Quảng Trị: Thành cổ Quảng Trị – Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang – Nhà cố tổng bí thư Lê Duẩn; Tuyến Đông Hà – TX Quảng Trị – Triệu Phong – Hải Lăng – Đông Hà.
    • Tuyến phía Tây: Đông Hà – Cam Lộ – Krông Klang – Khe Sanh – Lao Bảo.
    • Tuyến Tây Tây Bắc: Đông Hà – Khe Sanh – Hướng Phùng – Hướng Lập (Brai – Tà Puồng – Chênh Vênh).
    • Tuyến du lịch Cồn Cỏ: Cảng Cửa Việt – Đảo Cồn Cỏ – Cột cờ Tổ quốc – Đài quan sát Thái Văn A – Hải đăng Cồn Cỏ – phòng truyền thống đảo Cồn Cỏ – Đài tưởng niệm – bãi tắm Bến Tranh.
  • Tuyến du lịch liên tỉnh: Huế – Quảng Trị – Quảng Bình với các điểm tham quan, du lịch như: TP Huế, Trung tâm hành hương Đức mẹ La Vang, Thành cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, địa đạo Vịnh Mốc, TP Đồng Hới, vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, …
  • Tuyến du lịch Quảng Trị – Lào – Thái Lan “một ngày ăn cơm ba nước”: TP Đông Hà – cửa khẩu Lao Bảo – Lào – Savannakhet – Thái Lan.

Phương án quy hoạch phát triển ngành du lịch tỉnh Quảng Trị đến 2030, tầm nhìn 2050

Kế thừa Nghị quyết số 35/2017/NQ-HĐND Về việc thông qua Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. UBND tỉnh Quảng Trị tiến hành lập quy hoạch tỉnh Quảng trị đến 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó lĩnh vực phát triển du lịch được tỉnh xác định là một vấn đề quan trong trong phát triển kinh tế – xã hội đến 2030.


Mục tiêu phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị

Phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Phát triển các sản phẩm du lịch gắn với lợi thế từng không gian du lịch, từng địa phương tạo sức hấp dẫn với khách du lịch.

Phương án phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị

Trên cơ sở định hướng chung về thị trường và sản phẩm du lịch tỉnh Quảng Trị như sau:

Thị trường quốc tế: Tập trung khai thác thị trường truyền thống (Tây Âu, Bắc Mỹ); thị trường mục tiêu có nguồn khách lớn (Thái Lan, Lào và các nước trên Hành lang kinh tế Đông Tây) và thị trường có tiềm năng (Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Niu – di – lân; Khách du lịch tôn giáo tín ngưỡng).

Thị trường khách nội địa: Khai thác thị trường từ thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, miền Trung; thị trường thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ; mở rộng khai thác thị trường Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Định hướng phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Quảng Trị

Sản phẩm du lịch đặc thù: Tập trung hình thành và đưa các sản phẩm đặc thù của Quảng Trị trở thành những sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế:

  • Du lịch DMZ: Phát huy tối đa lợi thế của hệ thống di sản chiến tranh. Đặc biệt “hình thành một trải nghiệm liên hoàn, thống nhất có kịch bản và ý tưởng rõ ràng nhằm cung cấp cho khách du lịch một bức tranh tổng thể về chiến tranh” với giá trị tư tưởng sự ác liệt của Chiến tranh và giá trị của Hòa bình.
  • Du lịch hành hương Đức mẹ La Vang: “Đưa Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang trở thành sản phẩm du lịch thế mạnh, đặc trưng, tạo sức cạnh tranh của du lịch tỉnh, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
  • Du lịch biển đảo: Phát triển tại vùng cát ven biển và đảo Cồn Cỏ, với các sản phẩm đa dạng từ cao cấp tới trung bình. Du lịch cao cấp tập trung tại tam giác phát triển du lịch của tỉnh, là đảo Cồn Cỏ- Cửa Tùng- Cửa Việt.
  • Du lịch sinh thái rừng, sinh thái hồ gắn với cộng đồng: Phát triển chủ yếu ở khu vực đồi núi phía Tây của tỉnh và các vùng hồ lớn, hoàn thiện hệ thống hạ tầng bổ trợ (các đài ngắm cảnh trên núi, trạm dừng chân, cơ sở lưu trú) kết hợp với các sản phẩm du lịch khác.
  • Du lịch biên mậu: phát triển du lịch đô thị biên mậu qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay gắn với các sản phẩm thương mại, mua sắm, trải nghiệm “du lịch quốc tế tại chỗ”.

Sản phẩm bổ trợ

  • Du lịch đô thị: Tập trung phát triển tại dải đô thị giới hạn giữa quốc lộ 1A và cao tốc Bắc – Nam. Phát triển các dịch vụ trải nghiệm như sinh thái hồ, lễ hội, văn hóa cộng đồng, gắn với dịch vụ “mỗi đô thị là một trải nghiệm”.
  • Du lịch sinh thái cảnh quan nông nghiệp, nông thôn. Hình thành các trang trang nông nghiệp công nghệ cao. Ưu tiên phát triển các sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng của Quảng Trị, sản phẩm làng nghề…. phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách.
  • Các sản phẩm bổ trợ khác: Du lịch MICE; Du lịch golf; Du lịch ẩm thực.
Một góc thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Một góc thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị

Định hướng tổ chức không gian du lịch tỉnh Quảng Trị

Phân vùng không gian lãnh thổ du lịch tỉnh Quảng Trị đảm bảo phù hợp với không gian phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tỉnh Quảng Trị gồm 04 không gian du lịch sau:

(1) Không gian du lịch vùng cát ven biển và đảo Cồn Cỏ

Phạm vi: Bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ và khu vực vùng cát ven biển thuộc huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng và Triệu Phong.

Định hướng: Phục hồi môi trường rừng sinh thái vùng cát, phát triển dịch vụ môi trường đan xen các khu du lịch và dân cư phát triển mới. Bảo tồn để khai thác và phát huy những giá trị về sinh thái, văn hóa như vùng cát, làng chài… Ưu tiên phát triển du lịch biển kết hợp bất động sản du lịch, nhằm phát huy lợi thế biển và nguồn lực từ bất động sản. Đặc biệt đưa tam giác du lịch Cồn Cỏ – Cửa Tùng – Cửa Việt là vùng động lực du lịch của tỉnh.

Sản phẩm du lịch chính hướng đến sinh thái biển gắn với vùng rừng vùng cát ven biển được phục hồi, gồm: Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp biển đảo; du lịch vui chơi giải trí (Thể thao biển; Thể thao cát, ..); Du lịch sinh thái rừng phòng hộ (cắm trại, thể thao, dã ngoại, …); du lịch MICE.

(2) Không gian du lịch sinh thái đầm trũng ven biển:

Phạm vi: Là dải đồng bằng đầm trũng ven biển nằm chủ yếu về  phía Đông quốc lộ 1 thuộc các huyện ven biển: Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong.

Định hướng: Phục hồi, bảo tồn sinh thái vùng trũng kết hợp phát triển du lịch sinh thái bền vững. Tập trung phát huy những giá trị nổi bật về sinh thái, tự nhiên, văn hóa, chú trọng phát triển du lịch gắn với cộng đồng, sinh thái đặc trưng gắn với các hoạt động trải nghiệm về nông nghiệp, dã ngoại, homestay.

Sản phẩm du lịch chính hướng đến sinh thái gắn với các vùng sinh thái ngập nước tự nhiên (trải nghiệm sinh thái nông nghiệp nông thôn, sinh thái sông Thạch Hãn); du lịch cộng đồng văn hóa làng chài ven biển, văn hóa nông nghiệp; du lịch lễ hội.

(3) Không gian du lịch đô thị đồng bằng cao

Phạm vi: Là dải đô thị trải dài từ Bắc – Nam, nằm giữa tuyến quốc lộ 1 và tuyến cao tốc Bắc Nam, thuộc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà, thị xã Quảng Trị và Hải Lăng.

Định hướng: Tập trung phát triển các trung tâm du lịch tạo nên các  “hub” du lịch thu hút các nhà đầu tư. Các điểm dân cư gắn với dịch vụ du lịch ven các hồ theo mô hình các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng hồ, du lịch cuối tuần, bất động sản du lịch… gắn với các đô thị. Tại các đô thị du lịch phát triển các dịch vụ nghỉ chân trong thời gian ngắn như kinh tế ban đêm, phố đi bộ, các cơ sở lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, các trải nghiệm gắn với dịch vụ “mỗi đô thị là một trải nghiệm”….Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử – văn hóa, đặc biệt các di tích thuộc tour du lịch DMZ. Phát triển trung tâm du lịch tôn giáo – văn hóa La Vang với các sản phẩm du lịch gắn với tâm linh, tín ngưỡng và văn hóa cộng đồng.

Sản phẩm du lịch chính: Du lịch DMZ; Du lịch hành hương Đức Mẹ La Vang; Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ; du lịch lễ hội.

(4) Không gian du lịch sinh thái, cộng đồng và văn hóa dân tộc thiểu số trung du và miền núi

Phạm vi: Thuộc vùng Trung du và miền núi của tỉnh, nằm về phía Tây đường cao tốc Bắc – Nam, thuộc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, Đakrông, Hướng Hóa.

Định hướng: Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp nông thôn trung du, đặc biệt tại các khu vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Phục hồi, bảo tồn sinh thái vùng núi cao, bảo vệ nguồn nước, rừng đầu nguồn, bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số đồng thời khai thác các loại hình du lịch bền vững, gắn với sinh thái nhằm tạo sinh kế mới cho người dân. Các điểm đô thị du lịch sinh thái núi theo mô hình các điểm du lịch điển hình về trải nghiệm văn hóa dân tộc, kết hợp với khám phá cảnh quan rừng.

Sản phẩm du lịch chính hướng đến sinh thái: Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Rào Quán; Du lịch sinh thái núi rừng gắn với các vườn quốc gia, rừng nguyên sinh; Du lịch lễ hội, văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số Bru -Vân Kiều, Pa cô; Du lịch mua sắm biên mậu gắn với cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay; Du lịch nông nghiệp, sinh thái nông thôn.

Các khu, điểm du lịch trọng điểm tỉnh Quảng Trị

Tập trung quy hoạch, thu hút đầu tư các khu, điểm du lịch trọng điểm, có thương hiệu tạo sức cạnh tranh cho phát triển du lịch:

Khu du lịch: Phát triển khu du lịch biển đảo Cồn Cỏ – Cửa Tùng – Cửa Việt thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp, văn hóa lịch sử của vùng Bắc Trung Bộ. Chú trọng bảo vệ sinh thái biển, phục hồi rừng phòng hộ; bảo tồn và phát huy giá trị các di tích Địa đạo Vĩnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh; Đôi bờ cầu Hiền Lương – Bến Hải và đồng thời đưa di tích Địa đạo Vĩnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh  trở thành di sản văn hóa thế giới.

Bãi biển Cửa Tùng vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ
Bãi biển Cửa Tùng vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ

Điểm du lịch trọng điểm:

– Trung tâm dịch vụ du lịch thành phố Đông Hà: Là điểm dừng chân cung cấp  dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, đầu mối đón tiếp luồng khách theo quốc lộ 1, cao tốc vào tỉnh. Tổ chức dịch vụ kinh tế ban đêm nhằm đa dạng dịch vụ trải nghiệm phục vụ khách du lịch.

– Trung tâm dịch vụ biên mậu Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, huyện Hướng Hóa: Là điểm du lịch mua sắm cửa khẩu gắn với dịch vụ trải nghiệm “du lịch quốc tế tại chỗ”, là đầu mối đón tiếp luồng khách trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC). Xây dựng trung tâm thương mại – dịch vụ Lao Bảo có quy mô tầm cỡ khu vực và quốc tế gắn với hệ thống cơ sở vật chất lưu trú, vui chơi giải trí, ăn uống, ….

Trung tâm dịch vụ biên mậu Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, huyện Hướng Hóa
Trung tâm dịch vụ biên mậu Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, huyện Hướng Hóa

– Trung tâm dịch vụ biên mậu cửa khẩu quốc tế La Lay, huyện Đakrông: Là điểm du lịch mua sắm cửa khẩu kết hợp du lịch sinh thái đô thị, đồng thời là đầu mối đón tiếp luồng khách trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây qua cửa khẩu quốc tế La Lay (PRA – EWEC). Chú trọng tạo ra các trải nghiệm hấp dẫn cho khách du lịch gắn với cảnh quan, sinh thái rừng, văn hóa dân tộc thiểu số. Đầu tư các cơ sở vật chất lưu trú, vui chơi giải trí, ăn uống, ….tại đô thị Tà Rụt.

– Vườn quốc gia Bắc Hướng Hóa, huyện Hướng Hóa (được nâng cấp từ Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa): Là điểm du lịch sinh thái trải nghiệm, khám phá thiên nhiên núi rừng mang tính giáo dục môi trường, kết hợp tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, nghiên cứu khoa học. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất tại các điểm tiềm năng phát triển du lịch gồm: Động Bai Rai, xã Hướng Lập; động KunLun, xã Hướng Việt; Tà Puồng, xã Hướng Việt; đèo Sa Mù, xã Hướng Việt; thác Chênh Vênh, xã Hướng Phùng; động Trỉa, xã Hướng Sơn.

Vườn quốc gia Bắc Hướng Hóa, huyện Hướng Hóa
Vườn quốc gia Bắc Hướng Hóa, huyện Hướng Hóa

– Điểm du lịch Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang, huyện Hải Lăng: Là điểm du lịch hành hương mang tâm quốc tế và kết nối vào các sản phẩm du lịch hành hương và hiện diện trên bản đồ du lịch hành hương thế giới.

– Điểm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng hồ Ái Tử: Vị trí tại xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong.

– Điểm du lịch sinh thái ven hồ Trúc Kinh: Vị trí tại xã Thạch An, huyện Cam Lộ.

– Điểm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái lòng hồ thủy điện Rào Quán: Vị trí tại xã Hướng Linh, huyện Hướng hóa.

‑ Điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Nghĩa Hy: Vị trí tại thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ.

– Các điểm di tích lịch sử văn hóa quan trọng:

  • Các điểm di tích lịch sử trên tuyến DMZ: Thành cổ Quảng Trị và Những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 (gồm 8 di tích thành phần); Nhà tù Lao Bảo; Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải (vĩ tuyến 17); Sân bay Tà Cơn – Đường 9 – Khe Sanh, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn,…
  • Điểm du lịch hệ thống khai thác và xử lý nước tại xã Gio An, huyện Gio Linh.
  • Các điểm di tích lịch sử văn hóa khác: Khu di tích Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn; Bảo tàng Quảng Trị,…

– Các điểm tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề: Làng nghề truyền thống chế biến rượu Kim Long; Làng nghề truyền thống bún, bánh Cẩm Thạch; Làng nghề truyền thống chế biến nước mắm Mỹ Thủy; Làng nghề truyền thống bánh ướt Phương Lang; Làng nghề truyền thống nón lá Trà Lộc; Nghề truyền thống làm mứt gừng Mỹ Chánh,…

– Các khu, điểm du lịch dọc bãi biển xã Kim Thạch, xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh), dọc biển huyện Triệu Phong, huyện Hải Lăng; khu du lịch sinh thái Thác Ba Vòi, xã Hướng Hiệp; Khu du lịch cộng đồng Klu, xã Đakrông; Trằm Trà Lộc (Hải Lăng);…


Rate this post
Bài trướcThe Maya Prince Incident: Examining the Backlash and Speculations Surrounding the Controversial Video
Bài tiếp theoLip Plumping Allegations: Did Carrie Underwood Get Her Lips Plumped, Go Under the Needle? Natural Beauty or Enhancement?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây