Nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết dịch Covid lần thứ tư gây tác hại nặng nề, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ gặp khó khăn, đứng trước nguy cơ phá sản. Các DN mong muốn Chính phủ sớm có gói hỗ trợ về thuế, lãi vay ngân hàng.
Nguy cơ phá sản
Hiệp hội Taxi ba miền (Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn trước đại dịch Covid-19.
Theo hiệp hội, dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 ở nhiều tỉnh thành khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải taxi lâm vào khốn khó. Lượng hành khách giảm đến 80-90% dẫn đến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, đời sống người lao động lao đao, không có thu nhập. Hàng loạt doanh nghiệp taxi đứng trước nguy cơ phá sản, nợ xấu tăng cao.
Hiệp hội Taxi ba miền kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp. Cụ thể, giảm từ 3 đến 5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để bổ sung vốn lưu động, khôi phục hoạt động kinh doanh.
Một loạt doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh cũng than thở, hoạt động vận tải hành khách hơn một tháng qua gần như tê liệt vì dịch Covid. Nhiều doanh nghiệp chỉ đạt công suất 10-20% nên thua lỗ nặng nề. Nguyện vọng chung của các doanh nghiệp này là muốn được ngân hàng giảm lãi suất về mức 3-5%/năm. Chưa kịp hồi phục sau những đợt dịch trước, giờ thêm đợt dịch này, xe còn nằm “đắp chiếu”. Nếu không được giảm lãi vay hay khoanh nợ, giãn nợ, nguy cơ phá sản rất cao.
Vì thế, các doanh nghiệp mong muốn được ngân hàng khoanh nợ gốc và lãi phải trả đến cuối năm 2021 để tái đầu tư, phục vụ hoạt động kinh doanh sắp tới.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh cũng kêu cứu. Một số doanh nghiệp phát hành và chiếu phim cũng vừa có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ, phản ánh từ cuối tháng 1/2020 đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động điện ảnh. Doanh thu từ hoạt động chiếu phim và phát hành phim gần như bằng 0 do khách không đến rạp. Nguồn phim và kế hoạch sản xuất phim cũng chịu tác động dây chuyền.
Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải chịu các loại chi phí như: thuê mặt bằng, lương và phúc lợi cho nhân viên. Các doanh nghiệp lo lắng, với tình trạng hiện nay, có thể lâm vào phá sản nên kiến nghị hỗ trợ về thuế, lãi vay ngân hàng và gia hạn nộp bảo hiểm.
Ngành du lịch cũng chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19 khi cao điểm du lịch hè năm nay sắp qua, doanh nghiệp coi như mất trắng. Hầu hết các doanh nghiệp đều đang trong tình trạng ngừng hoạt động. Những doanh nghiệp vay vốn ngân hàng “ngồi trên lửa”. “Chúng tôi đang vay vốn ngắn hạn từ ngân hàng với lãi suất 9,5%/năm nên mong nhất là được giảm lãi vay”, giám đốc một công ty du lịch ở Hà Nội chia sẻ.
Mong chờ gói hỗ trợ
Nhân viên tín dụng một Ngân hàng TMCP lớn tại Hà Nội cho biết, từ cuối tháng 5 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã liên hệ hỏi về chính sách hỗ trợ, giảm lãi vay. Thực tế hiện nay, nhu cầu được giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ hoặc miễn, giảm phí giao dịch của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đang rất lớn. Đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải.
Còn tại một số ngân hàng, việc thu hồi nợ trong tháng 5 vừa qua gặp khó khăn do dịch Covid. Nhiều doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn nên không thể tất toán nợ đúng hạn, nguy cơ nợ xấu gia tăng.
Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cần tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới… theo thẩm quyền và theo quy định; kiểm tra, giám sát chặt việc triển khai chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân chưa trả được nợ do dịch bệnh. Đồng thời, cắt giảm tối đa chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng. Từng tổ chức tín dụng căn cứ năng lực, khả năng tài chính của đơn vị mình để tính toán giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác.
Các doanh nghiệp rất chờ đợi sự hỗ trợ này. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, yêu cầu này chưa hẳn đã được các ngân hàng thương mại thực hiện bởi không mang tính bắt buộc và khó hy vọng lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm mạnh cũng như việc khoanh nợ, giãn nợ được xem xét, quyết định nhanh.
Lãi suất cho vay mới cũng khó hy vọng giảm. Nếu giảm lãi suất trong tình hình hiện nay, lượng cung tiền được bơm ra nhiều, có thể tạo áp lực lạm phát. Dư địa giảm lãi suất cho vay không nhiều trong bối cảnh một số ngân hàng vừa điều chỉnh tăng lãi suất đầu vào gần đây và thanh khoản không còn dồi dào.
Một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, Covid có tác động rất lớn đến thu nhập của các hộ gia đình Việt Nam. Tác động của đại dịch sẽ làm giảm thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình trung bình 9,8%. Khi thu nhập giảm, chi tiêu sẽ bị thắt chặt, đầu ra của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tăng trưởng giảm. Trong hoàn cảnh này, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ tốt hơn. Các doanh nghiệp, ngoài mong muốn được giảm lãi vay, còn kỳ vọng được giảm thuế Giá trị gia tăng (VAT) để kích cầu tiêu dùng.