Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang ban hành Nghị quyết số 147-NQ/TU về 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp phát triển công nghiệp đến 2030
Nghị quyết đã đề ra mục tiêu tổng quát: Bắc Giang trở thành tỉnh trọng điểm về công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng vào năm 2030.
Mục tiêu cụ thể:
– Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành công nghiệp bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 19%/năm; đóng góp trong cơ cấu GRDP của tỉnh tăng từ 49,7% năm 2020 lên 60% năm 2030.
– Tốc độ tăng trưởng giá trị công nghiệp bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 26%/năm; đến năm 2030, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt khoảng 2.200.000 tỷ đồng.
– Huy động vốn đầu tư phát triển trong lĩnh vực công nghiệp giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 855 nghìn tỷ đồng.
– Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong lĩnh vực công nghiệp đến năm 2030 đạt trên 90%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 40%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 11%/năm.
– Nâng tỷ trọng đóng góp vào ngân sách nhà nước tỉnh của ngành công nghiệp từ 30,9% năm 2020 lên 36% năm 2030.
– Thành lập mới 23 khu công nghiệp (KCN), mở rộng 5 KCN, sáp nhập 6 cụm công nghiệp(CCN) vào KCN, với tổng diện tích 6.518ha; nâng tổng số KCN trên địa bàn tỉnh vào năm 2030 là 29 KCN, với tổng diện tích 7.840 ha.
– Thành lập mới 29 CCN và mở rộng 3 CCN với tổng diện tích 1.853 ha; đưa ra khỏi quy hoạch 9 CCN, với diện tích 372,6 ha; tổng số CCN trên địa bàn tỉnh vào năm 2030 là 66 CCN, với tổng diện tích 3.209 ha.
– Trong đó, đến cuối năm 2025 có thêm ít nhất 5 KCN, 9 CCN có hạ tầng đồng bộ đưa vào sử dụng để thu hút các dự án đầu tư công nghệ hiện đại.
Nghị quyết đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau:
(1) Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với nhiệm vụ phát triển công nghiệp;
(2) Nâng cao chất lượng công tác lập và quản lý quy hoạch phát triển công nghiệp;
(3) Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thu hút đầu tư phát triển công nghiệp;
(4) Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh;
(5) Nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp;
(6) Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công nghiệp;
(7) Tăng cường quản lý về bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn dịch bệnh phục vụ phát triển công nghiệp;
(8) Tập trung phát triển nguồn lực; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp;
(9) Nâng cao vai trò của mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tích cực tham gia vào quá trình phát triển công nghiệp…
Định hướng phát triển trong giai đoạn 2021 – 2030
Nhất quán, kiên trì, kiên định quan điểm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp là trụ cột, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; phát triển công nghiệp đồng bộ với phát triển đô thị, dịch vụ để tạo ra “hệ sinh thái công nghiệp”.
Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp lớn có tính chất dẫn dắt, kết nối doanh nghiệp khác; chấp thuận có chọn lọc các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp theo phương châm lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh và từng địa phương để đẩy mạnh phát triển công nghiệp; sử dụng hợp lý tài nguyên, lao động; gắn phát triển công nghiệp với bảo đảm quốc phòng – an ninh, bảo vệ môi trường; tạo nguồn cung việc làm dài hạn và thu nhập ổn định, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa; giải quyết tốt các vấn đề xã hội trong quá trình phát triển công nghiệp.