Trang chủ Quy hoạch Quy hoạch chung xây dựng huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội...

Quy hoạch chung xây dựng huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội đến 2030

524
0

Quy hoạch chung huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội được thực hiện theo Quyết định số 5517/QĐ-UBND ngày 20/10/2015, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Phạm vi, ranh giới, thời hạn lập quy hoạch

Phạm vi lập quy hoạch Gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính huyện Phú Xuyên, quy mô khoảng 17.110,4 ha. Thời hạn quy hoạch đến 2030.


Ranh giới lập quy hoạch

  • Phía Bắc giáp các huyện: Thường Tín và Thanh Oai, thành phố Hà Nội;
  • Phía Nam giáp huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam;
  • Phía Đông giáp sông Hồng và huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên;
  • Phía Tây giáp huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội.

Quy hoạch chung huyện Phú Xuyên được thực hiện theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, huyện Phú Xuyên là huyện ngoại thành phía Nam thành phố Hà Nội với tính chất cơ bản là:

  • Khu vực phát triển mới về đô thị, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ và có vai trò là cực tăng trưởng mới tại cửa ngõ phía Nam của Hà Nội.
  • Đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy, đường sắt, có vai trò trung chuyển hàng hóa, dịch vụ, lao động từ các vùng lân cận vào Hà Nội và ngược lại.
  • Vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, làng nghề thủ công truyền thống có thương hiệu, có giá trị cao và vùng cân bằng sinh thái tự nhiên của Hà Nội, giới hạn sự phát triển của đô thị vệ tinh với hành lang xanh, dựa trên nền tảng hệ sinh thái vùng trũng của hệ thống sông Hồng, sông Nhuệ.

Quy hoạch chung định hướng phát triển không gian huyện Phú Xuyên

Quy hoạch chung huyện Phú Xuyên xác định các phân vùng chức năng và định hướng phát triển không gian đô thị đến 2030. Cụ thể:


Quy hoạch phân vùng chức năng: Các vùng chức năng huyện Phú Xuyên được chia thành 3 phân vùng phát triển như sau:

  • Vùng phát triển đô thị: Là vùng xây dựng thuộc đô thị vệ tinh. Vùng gồm có 2 thị trấn Phú Xuyên, Phú Minh và các xã Đại Thắng, Quang Trung, Sơn Hà, Phúc Tiến, Nam Triều, Nam Phong, Văn Nhân, Thụy Phú….
  • Vùng kiểm soát phát triển đô thị – hành lang xanh: Là một bộ phận của Hành lang xanh Thủ đô có chức năng phân tách không gian đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh gồm điểm dân cư nông thôn và sản xuất nông nghiệp. Bao gồm các xã: Văn Hoàng, Phượng Dực, Đại thắng (một phần), Quang Trung (một phần), Tân Dân, Sơn Hà, Hoàng Long, Hồng Minh, Phú Túc, Chuyên mỹ, Tri Trung, Hồng Thái, Thụy Phú (một phần), Nam Phong (một phần), Nam Triều (một phần), Phúc Tiến (một phần), Minh Tân, Khai thái, Quang Lãng, Tri Thủy, Bạch Hạ, Châu Can, Phú Yên, Vân Từ, Đại Xuyên. Vùng được phân thành 5 Vùng Cụm xã, mỗi cụm xã có 01 trung tâm cụm xã (Cụm đổi mới) tại Văn Hoàng, Hồng Thái, Hoàng Long, Minh Tân và Châu Can.
  • Vùng kiểm soát đặc biệt: Là vùng khu vực ngoài đê chiếm một phần diện tích tự nhiên của các xã Thụy Phú, Hồng Thái, Khai Thái, Quang Lãng. Các hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác sử dụng các công trình trong phạm vi bãi sông, hành lang đê điều tuân thủ các quy định của pháp luật về đê điều, phòng chống lụt bão và tiêu thoát lũ.
Bản đồ mặt bằng sử dụng đất các phân khu chức năng
Bản đồ mặt bằng sử dụng đất các phân khu chức năng

Định hướng tổ chức không gian đô thị: Hệ thống đô thị của Huyện được quy hoạch chung xây dựng, bao gồm thị trấn huyện lỵ Phú Xuyên, thị trấn Phú Minh và một phần Đô thị vệ tinh Phú xuyên. Cụ thể như sau:

  • Thị trấn Phú Xuyên có vai trò là trung tâm huyện lỵ, có chức năng trung tâm hành chính, dịch vụ thương mại, TDTT, văn hóa của huyện Phú Xuyên và hỗ trợ phát triển vùng nông thôn phía Nam Huyện trong giai đoạn hình thành đô thị vệ tinh.
  • Thị trấn Phú Minh có vai trò là trung tâm dịch vụ công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ cho các khu vực phát triển giai đoạn đầu tại đô thị vệ tinh.
  • 2 thị trấn Phú Xuyên và Phú Minh sẽ phát triển, mở rộng về phía Tây, gắn kết với không gian của đô thị vệ tinh sẽ hình thành trong giai đoạn dài hạn.
  • Đô thị vệ tinh Phú Xuyên sẽ có vai trò là hệ thống đô thị cửa ngõ phía Nam của Thủ đô với tính chất dịch vụ, công nghiệp, tiếp vận, đào tạo và y tế và hỗ trợ phát triển vùng nông thôn các huyện phía Nam, có các khu chức năng Trung tâm tổ hợp y tế cấp Vùng, Trung tâm cụm trường đào tạo, các khu đô thị mới, khu công nghiệp Phú Xuyên, Trung tâm tiếp vận Logistic gắn cảng Phú Xuyên.
Bản đồ định hướng không gian đô thị
Bản đồ định hướng không gian đô thị

Quy hoạch phát triển công nghiệp huyện Phú Xuyên

  • Hệ thống khu công nghiệp nằm trong quy hoạch chung huyện Phú Xuyên được xác định thu hút những ngành nghề như: dệt may, da giày, cơ khí chế tạo, điện tử tin học, lắp ráp ô tô,..
  • Hệ thống TTCN-làng nghề: Phát triển các cụm, cụm công nghiệp làng nghề mới gắn với việc phát triển của các làng nghề truyền thống, làng nghề phục vụ xuất khẩu và các làng nghề mới mở tại các xã. Xây dựng 5 điểm TTCN, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp tại 5 trung tâm cụm xã (cụm đổi mới): Văn Hoàng, Hoàng Long, Châu Can, Hồng Thái và Minh Tân. Xây dựng 12 cụm công nghiệp – làng nghề tại các xã: Văn Hoàng, Hoàng Long, Chuyên Mỹ, Phú Túc, Phú Yên, Vân Từ, Hồng Minh, Bạch Hạ, Sơn Hà, Phượng Dực, Đại Thắng, Tri Trung, quy mô 5-7 ha/cụm công nghiệp-làng nghề.
  • Hệ thống điểm giết mổ, chế biến gia súc tại 2 vùng chăn nuôi tại xã Quang Lãng và Tri Thủy.

Quy hoạch giao thông huyện Phú Xuyên

Quy hoạch chung huyện Phú Xuyên xác định hệ thống giao thông huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy:


Dữ liệu bản đồ được chúng tôi cập nhật liên tục và tải về miễn phí, nếu thấy hữu ích bạn có thể ủng hộ (donate) theo thông tin bên dưới. Xin cảm ơn !!!
Ngân hàng VP Bank / Số TK : 73331102 / Chủ TK : Mai Quang Dũng
Ủng hộ qua ví MOMO qua số điện thoại 0911 934 848 hoặc quét mã QR dưới đây:


Giao thông đường bộ: 

  • Quốc lộ 1A: nâng cấp, cải tạo mở rộng Quốc lộ 1A với quy mô bề rộng mặt cắt ngang điển hình B = 30-36m (4 làn xe cơ giới).
  • Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ: Thực hiện theo Quy hoạch chi tiết đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 21/01/2010.
  • Cao tốc Tây Bắc – Quốc lộ 5: xây dựng mới tuyến đường theo quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.
  • Trục Đỗ Xá – Quan Sơn: Xây dựng mới tuyến đường theo hướng Đông – Tây.
  • Tỉnh lộ 428: Cải tạo, nâng cấp tuyến đường đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng.
  • Tỉnh lộ 429: Cải tạo, nâng cấp tuyến đường đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng.
  • Đường Ngọc Hồi – Phú Xuyên (trục kinh tế phía Nam): Xây dựng mới tuyến theo hướng Bắc – Nam, kết nối huyện Phú Xuyên với đô thị trung tâm.
  • Đường đê sông Hồng: nâng cấp cải tạo mở rộng mái đê và mặt đê kết hợp làm đường giao thông.
  • Trục phát triển kinh tế Bắc Nam: Xây dựng mới tuyến theo hướng Đông – Tây, kết nối từ các huyện phía Tây đến tuyến đường Đỗ Xá – Quan Sơn tại địa phận huyện Phú Xuyên.

Giao thông đường sắt:

  • Cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Bắc – Nam thành đường đôi khổ 1435mm. Xây dựng mới ga Phú Xuyên trên tuyến tại vị trí cách ga hiện có khoảng 1,8km về phía Bắc, chức năng là ga trung gian lập tàu hàng, quy mô khoảng 22ha.
  • Xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi song song về phía Tây đường sắt hiện có, bề rộng hành lang tuyến khoảng 40m. Đoạn qua phía Nam huyện Phú Xuyên nghiên cứu 02 phương án hướng tuyến để kết nối với đoạn tuyến tiếp theo qua địa phận tỉnh Hà Nam. Nghiên cứu bố trí Depot của tuyến tại khu vực xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, quy mô khoảng 60ha.
  • Phương án xây dựng các tuyến đường sắt Quốc gia và bản vẽ tổng mặt bằng các ga, Depot trên tuyến sẽ được xác định cụ thể theo dự án riêng được cấp thẩm quyền phê duyệt

Giao thông đường thủy:


  • Cải tạo luồng lạch, nâng cấp sông Hồng thành tuyến vận tải thủy cấp I. Cải tạo, nâng cấp cảng Vạn Điểm – Phú Xuyên đạt công suất đến năm 2030: 2,5 triệu tấn/năm, cỡ tàu 800T.
  • Cải tạo sông Nhuệ, sông Lương, sông Duy Tiên, sông Vân Đình phục vụ mục đích du lịch, tiêu thoát nước và tưới tiêu thủy lợi.

Tham khảo thêm: Bản đồ quy hoạch sử dụng đất, huyện Phú Xuyên


Rate this post
Bài trướcQuy hoạch giao thông tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2030
Bài tiếp theoQuảng Nam phê duyệt đề cương phát triển đô thị Điện Bàn đến năm 2030 và năm 2045

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây