Trang chủ QH giao thông Quy hoạch giao thông tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2030

Quy hoạch giao thông tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2030

4120
0

Quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 – 2030 phù hợp với chiến lược phát triển GTVT Việt Nam và đáp ứng nhu cầu phát triển KT- XH, hướng tới đô thị Vĩnh Phúc.

Quy hoạch không gian mạng lưới giao thông tỉnh Vĩnh Phúc

Với quan điểm phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông đồng bộ, bền vững, hiện đại; ưu tiên phát triển khung hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc để phát triển đô thị Vĩnh Phúc thành đô thị loại 1, tiến tới trở thành thành phố Vĩnh Phúc trực thuộc Trung ương; tăng cường kết nối giữa vùng đô thị Vĩnh Phúc với các vùng kinh tế khác trên cơ sở phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế của tỉnh, vừa qua, HĐND tỉnh đã đồng ý để UBND tỉnh điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2030.


Hệ thống giao thông đối ngoại:

  • Đường bộ (đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai; các quốc lộ chạy qua địa bàn, đường vành đai 5 vùng Hà Nội, các ĐT: 301, 306, 307 và 307B).
  • Đường sắt Hà Nội – Lào Cai đang cải tạo nâng cấp xây dựng tuyến đường sắt khổ đường 1435mm, đường đôi, điện khí hoá, tốc độ 200 km/giờ
  • Đường sông trên sông Hồng và sông Lô với các cảng sông cấp quốc gia Vĩnh Thịnh, Đức Bác, Như Thụy.

Hệ thống giao thông đối nội

Lấy thành phố Vĩnh Yên làm trung tâm: Hệ thống đường này xuất phát từ thành phố Vĩnh Yên và mạng giao thông đường bộ là QL.2B và hệ thống đường tỉnh.

Hệ thống đường vành đai

Đường vành đai 1, 2 và bán vành đai 3 là hệ thống liên kết vòng tròn giữa hệ thống giao thông đối ngoại và hệ thống giao thông hình nan quạt. Đây là hệ thống giao thông chủ yếu để nối liền các khu công nghiệp, các cụm du lịch và dịch vụ của tỉnh, tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn kết nối và phục vụ đắc lực cho hệ thống giao thông đối ngoại.

Bản đồ quy hoạch giao thông tỉnh Vĩnh Phúc
Bản đồ quy hoạch giao thông tỉnh Vĩnh Phúc

Quy hoạch chi tiết hệ thống giao thông

Nhằm tránh lưu lượng giao thông quá lớn vào trung tâm đô thị, giải tỏa, điều phối các luồng xe quá cảnh qua khu vực Vĩnh Yên cũng như thống nhất giữa quy hoạch GTVT với Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, Quy hoạch phân khu đô thị Vĩnh Phúc, 5 tuyến đường vành đai sẽ được hình thành.


Quy mô hệ thống đường tỉnh giữa các đồ án quy hoạch đã duyệt sẽ được cập nhật, rà soát để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, quy mô tối thiểu đạt đường cấp III đồng bằng.

Một số tuyến đường, công trình giao thông, cầu lớn vượt sông sẽ được bổ sung quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030 như:

  • Tuyến đường ven chân núi Tam Đảo, đoạn từ Đại Lải đi Tây Thiên với tổng chiều dài khoảng 23,6km.
  • Tuyến đường kết nối trục Bắc Nam (Vĩnh Phúc) với trục trung tâm Khu đô thị mới Mê Linh, kéo dài kết nối đường Hàm Nghi đến QL2 tại Phúc Thắng, Phúc Yên với tổng chiều dài 16,3km.
  • Nâng cấp mở rộng QL2B nhằm phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh với chiều dài 24,2km.
  • Đường song song đường sắt từ Phúc Yên đến cầu Hạc Trì (2 bên của đường sắt) với chiều dài trung bình 33km mỗi bên.
  • Cầu Vĩnh Phú, đường dẫn đầu cầu đến ĐT.306 kết nối huyện Sông Lôthành phố Việt Trì với quy mô cầu dài khoảng 700m, rộng 16,5m.
  • Cầu Vân Phúc kết nối huyện Yên Lạchuyện Phúc Thọ (Hà Nội) với quy mô cầu dài 1.200m, rộng 16,5-24m…
Bản đồ quy hoạch giao thông đến 2030, tỉnh Vĩnh Phúc
Bản đồ quy hoạch giao thông đến 2030, tỉnh Vĩnh Phúc

Việc Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 là cơ sở để đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới giao thông hợp lý, thống nhất trong toàn tỉnh, hình thành những trục giao thông kết nối các cụm, khu vực phát triển kinh tế của tỉnh.

Quy hoạch phát triển giao thông liên kết vùng tỉnh Vĩnh Phúc

Hệ thống giao thông đường bộ:


Hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ tạo liên kế vùng tỉnh Vĩnh Phúc gồm: cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường vành đai, đường trục chính đô thi, được định hướng phát triển tạo thành các trục dọc Bắc Nam kết nối khu vực thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc…các tuyến trục đường ngang Đông Tây kết nối các tính phía Đông (Bắc Giang, Thái Nguyên, Lang Sơn) với các tỉnh phía Tây (Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La), hình thành các tuyến đường hướng tâm kết nối đối nội trong tỉnh kết hợp mạng đường vành đai tạo nên kết nối liên hoàn thông suốt từ đối nội đến đối ngoại,nâng cao khả năng kết nối giao thương giữa tỉnh Vĩnh Phúc với các khu vực khác trong vùng.

Các tuyến đường kết nối tỉnh Vĩnh Phúc với các đô thị, thông qua các tuyến đường cao tốc, quốc lộ. Từ đó khẳng định được vị thế là hạt nhân trung tâm và phụ cận quan trọng của Hà Nội. Trong đó:

  • Tuyến đường CT05, QL2 là các tuyến trục ngang kết nối thủ đô Hà Nội, với các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai đến cửa khẩu Lào Cai. Ngoài ra từ tuyến CT5 thông qua cao tốc Nội Bài Hạ Long (CT9) kết nối các đầu mối hạ tầng quan trong trong vùng và đất nước như: sân bay Nội Bài, Sân bay Vân Đồn, Cửa khẩu Móng Cái và các công trình đầu mối như cảng biển,…
  • Tuyến đường vành đai 5 kết nối tỉnh Vĩnh Phúc với các tỉnh thuộc vùng Thủ đô như Phú Thọ, Hoà Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên,…Tuyến kết nối liên thông với cao tốc Bắc – Nam đi các tỉnh miền Trung.
  • Tuyến đường QL2C kết nối theo trục dọc từ TX. Sơn Tây đến tỉnh Tuyên Quang, thông qua CT02 kết nối đi các cửa khẩu khu vực tỉnh Hà Giang. Định hướng phát triển bổ sung các tuyến kết nối huyện tỉnh Vĩnh Phúc (tại Bình Xuyên) với đường Vành đai 4 -vùng thủ đô (thuộc khu vực Mê Linh).
Sơ đồ định hướng phát triển liên kế vùng tỉnh Vĩnh Phúc
Sơ đồ định hướng phát triển liên kế vùng tỉnh Vĩnh Phúc

Giao thông đường sắt:


Phát triển kết nối giao thông đường sắt từ cửa khẩu Lào Cai đi qua các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương,… kết nối đi khu vực cảng biển Hải Phòng, cảng biển Quảng Ninh đến cửa khẩu Móng Cái. Tuyến đường sắt kết nối hành lang kinh tế khu vực phía Bắc.

Sơ đồ định hướng phát triển kế nối vùng bằng đường sắt
Sơ đồ định hướng phát triển kế nối vùng bằng đường sắt

Giao thông đường thủy:

Hệ thống giao thông thủy tỉnh Vĩnh Phúc được quy hoạch phát triển hành lang kết nối giao thông đường thuỷ tuyến Hà Nội -Việt Trì – Lào Cai, tuyến Việt Trì – Tuyên Quang – Na Hang kết nối với khu vực cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh. Cụ thể:

  • Phát triển các tuyến đường kết nối đường bộ và hệ thống cảng thuỷ nội địa. Trong đó nâng cấp hệ thống đường vành đai 5 và các tuyến giao thông kết nối đường vành đai tỉnh Vĩnh Phúc với cảng thuỷ nội địa nâng cao kết nối đường bộ với đường thuỷ nội địa.
  • Xây dựng hệ thống Trung tâm ICD Logistics giúp gắn kết các phương thực vận tải tạo tiền đề phát triển vận tải đa phương thức.
  • Tập trung nguồn lực mở lối các cảng, kết nối cảng thuỷ với hệ thống đường vành đai gắn kết giao thông đường bộ và đường thuỷ. Ngoài ra xây dựng hệ thống giao thông hoàn chỉnh nâng cao kết nối giữa đường bộ với đường sắt và đường thuỷ.

Quy hoạch định hướng phát triển giao thông tỉnh Vĩnh Phúc

Phương án phát triển mạng lưới giao thông của tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được xác định cụ thể như sau:

Giao thông đường bộ

Xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông tuân theo quy hoạch giao thông đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được phê duyệt. Trong đó:

Đường cao tốc:

Cao tốc Nội Bài – Lào Cai: Duy trì khai thác tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đề xuất xây dựng 02 nút giao cao tốc: Nút IC2 – nút giao với đường Nguyễn Tất Thành tại Km7+850, nút IC5 – nút giao với QL.2C tại Km31+492 trong giai đoạn 2021-2025 để nâng cao năng lực vận tải cho các khu vực trên địa bàn tỉnh.

Đường vành đai V vùng thủ đô

  • Tuyến 1: Từ cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi tỉnh Thái Nguyên, tuyến đường hiện đã có chủ trương đầu tư với tiêu chuẩn cấp I đồng bằng, Bnền = 32,5m (chưa bao gồm đường gom song hành hai bên) trong đó: Bmặt = 2×14,25 = 28,5m; Bpc = 3m; Bl = 2×0,5m =1,0m
  • Tuyến 2: Nâng cấp, mở rộng tuyến đường QL2C kết nối từ cao tốc Nội Bài Lào Cai (tại nút giao IC5) đi khu vực thị xã Sơn Tây lên thành đường VĐ5. 

Đường Quốc lộ:

Duy trì khai thác các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh trong đó đề xuất nâng cấp quy mô các tuyến đường tuân thủ theo quy hoạch được bộ quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được phê duyệt.

Quốc lộ 2: Duy trì quy mô đường cấp II – III trong đó xây dựng hệ thống đường gom 2 bên tuyến đường với quy mô đường gom cấp tối thiểu cấp III.

  • Chuyển đoạn tuyến QL2 từ nút giao tuyến tránh QL2 (huyện Bình Xuyên) đến nút giao tuyến tránh QL2 (huyện Yên Lạc) chuyển thành được địa phương.
  • Chuyển tuyến tránh QL2 nhập thành tuyến QL2 mới.
  • Xây dựng tuyến từ QL2 kết nối cầu Hạc Trì.

Quốc lộ 2B: Chuyển toàn tuyến thành đường địa phương quản lý theo Quyết định số 319/QĐ-BGTVT ngày 02/3/2021 của Bộ GTVT. – Quốc lộ 2C:

  • Nâng cấp mở rộng tuyến đường QL2C từ cầu Vĩnh Thịnh đến nút giao IC5 giao cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Chuyển toàn bộ đoạn tuyến thành đường vành đai V vùng Thủ đô.
  • Đoạn tuyến còn lại duy trì khai thác với quy mô cấp II-III như hiện nay.
  • Điều chỉnh chuyển hướng tuyến QL.2C từ Km21+450 – Km27+150 và đoạn tuyến từ Km36+100 – Km40+815 QL.2 thành đường địa phương sau khi dự án cải tạo, mở rộng QL.2 đoạn Vĩnh Yên – Việt Trì hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng.
  • Quy hoạch bổ sung tuyến tránh QL2C với quy mô cấp II để giảm tải cho tuyến hiện trạng do không có khả năng mở rộng. Xây dựng đường gom trên tuyến tránh đat quy mô tối thiểu thiểu cấp III.

Quốc lộ 2D: Nâng cấp tuyến đường Vĩnh Ninh – Đạo Trù và đoạn tuyến ĐT.302 từ tuyến Vĩnh Ninh – Đạo Trù đến QL2C đạt quy mô tối thiểu cấp IV chuyển toàn bộ đoạn tuyến thành QL2D kéo dài.

Bản đồ định hướng mạng lưới đường quốc lộ
Bản đồ định hướng mạng lưới đường quốc lộ

Đường vành đai: Trên cơ sở của quy hoạch không gian phát triển tỉnh Vĩnh Phúc, mạng lưới giao thông của tỉnh hình thành 5 đường vành đai, trong đó vành đai 1, 2, 3 nằm trong đô thị Vĩnh Phúc. Vành đai 4, 5 vừa có tính chất đối nội và đối ngoại, đóng vai trò kết nối các trung tâm đô thị, công nghiệp và du lịch chính của tỉnh. Cụ thể:

Vành đai 1:

  • Có vai trò kết nối các tuyến đường cấp nội bộ với đường cấp khu vực, cấp đô thị đảm bảo giao thông thuận tiện, kết nối thông suốt và an toàn. Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
  • Tuyến đường quy hoạch có điểm đầu tại ngã tư T50 (nút giao QL2 phường Tích Sơn) tuyến đi theo đường lam Sơn qua khu dân cư tỉnh uỷ, đường trục chính KĐT nam Vĩnh Yên đến điểm đầu tại ngã tư T50, phường Tích Sơn. Tổng chiều dài tuyến đạt 15,4km, hiện toàn bộ tuyến đã khép kín, quy mô nền đường tối thiểu 33m, 4-6 làn xe.

Vành đai 2:

  • Vành đai 2 có chức năng phục vụ vận tải bao quanh khu vực trung tâm và kết nối các tuyến đường cấp nội bộ, cấp khu vực với mạng giao thông đối ngoại, kết nối các đầu mối giao thông vận tải, là vành đai phân cấp giao thông đô thị và giao thông ngoại thị.
  • Tuyến đường quy hoạch có điểm đầu tại Km27+650 Ql2 gần cây xăng Quất Lưu đi theo hướng dọc khu công nghiệp Khai Quang đến đường Tôn Đức Thắng, tuyến tiếp tục đi theo đường Lương Thế Vinh đến điểm giao Quốc lộ 2B, đi dọc theo lữ đoàn 204, qua trường THCS Thanh Vân đến giao với QL2C. Tuyến đi theo đường Thanh vân – Quán Tiên đến ngã tư Quán Tiên và đi theo đường tránh QL2 đến vị trí đầu tuyến.
  • Tổng chiều dài tuyến là 24,2km. Quy mô quy hoạch: Nâng cấp các tuyến đường hiện hữu đạt quy mô 4-6 làn xe, đối với tuyến xây dựng mới 7,6km với quy mô 4-6 làn xe, nền đường tối thiểu 46m.

Vành đai 3:

  • Tuyến đường vành đai quan trọng nhất vừa có chức năng giao thông vành đai đô thị , vừa có chức năng giao thông kết nối liên vùng và giao thông đối ngoại. Tuyến đường phục vụ bao quanh vùng nội thành phục vụ vận tải các tỉnh tránh qua khu vực đô thị Vĩnh Phúc, kết nối với Quốc lộ, hệ thống công trình đầu mối hạ tầng đảm nhận việc phân bổ giao thông từ ngoài vào khu vực nội thành và ngược lại để giảm bớt lưu lượng giao thông tập trung vào các tuyến đường hướng tâm.
  • Tuyến được quy hoạch điểm đầu giao QL2 (tại TT Hương Canh) đi theo đường Hương Canh – Tân Phong, đường Tân Phong (Bình Xuyên) -Trung Nguyên (Yên Lạc), đường Hợp Thịnh – Đạo Tú, ĐT.310C (ĐT.310 – Đại Lải) và chạy theo tuyến ĐT302 đến điểm đầu giao QL2.
  • Tổng chiều dài tuyến vành đai 3 là 41,4 km, hiện nay đoạn tuyến đã thực hiện 32,7km đề xuất duy tu bảo dưỡng, giữ cấp, nâng cấp quy mô từ 4-6 làn xe, xây dựng mới tuyến với chiều dài 8,7km quy mô 4-6 làn xe bề rộng nền tối thiểu 36m.

Vành đai 4:

  • Tuyến đường vành đai 4 có chức năng giao thông liên vùng liên kết các khu vực đô thị vệ tinh và các khu công nghiệp của tỉnh và giao thông đối ngoại. Phục vụ vận tải khu vực đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, kết nối hệ thống quốc lộ, cao tốc, hệ thống đầu mối giao thông vận tải.
  • Tổng chiều dài tuyến vành đai 4 là 70,5km trong đó đã xây dựng khoảng 43,5km.
  • Định hướng nâng cấp quy mô các tuyến hiện hữu đạt 4-6 làn xe, xây dựng mới 27km đạt quy mô 4-6 làn xe, bề rộng nền đường tối thiểu đạt 24m. Đối với đoạn tuyến đi qua đê Tả và đê Hữu sông Phó Đáy cần đảm bảo không gian thoát lũ.

Vành đai 5: Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

  • Tuyến đường có chức năng giao thông liên vùng liên kết các khu du lịch quốc gia phục vụ vận tải bao quanh vùng du lịch của tỉnh.
  • Tổng chiều dài tuyến là 103,6km, trong đó đã xây dựng 76,3 km. Định hướng xây dựng mới 27,3 km đoạn tuyến Tây Thiên -Tam Sơn, đoạn từ ĐT.302 đến ĐT.302B và đoạn từ ĐT.302B đến ĐT.301 đạt quy mô 3-6 làn xe, bề rộng tối thiểu đạt 12m. Nâng cấp đoạn đi trùng đê ven Sông Lô và đê tả Sông Hồng.

Đường tỉnh: Định hướng phát triển mạng lưới giao thông đường tỉnh:

  • Nâng cấp, cải tạo hệ thống đường tỉnh, đường đồng cấp tương đương đạt tối thiểu cấp III và đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân. Trong đó xây dựng đường gom đối với các tuyến đường để đảm bảo giao thông an toàn, nâng cao kết nối hướng đến phát triển giao thông bền vững.
  • Quy hoạch mở mới các tuyến đường đồng cấp tương đương đường tỉnh có chức năng kết nối liên vùng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Quy mô các tuyến đường quy hoạch mới tối thiểu cấp III, xây dựng đồng bộ đường gom 2 bên tuyến.

Đường huyện: Các tuyến đường huyện có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của các huyện. Bởi vậy trong phương án phát triển mạng giao thông đề xuất và kiến nghị từ các nguồn để nâng cao hiệu quả của hệ thống giao thông.

Về quy mô cấp hạng và số hiệu của từng tuyến đường huyện căn cứ theo quy hoạch chung, quy hoạch vùng huyện.

Đường đô thị: Phát triển giao thông đô thị được xây dựng phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị, phát triển không gian và bố trí hạ tầng kỹ thuật của đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại phát triển.

  • Xây dựng các tuyến đường giao thông đô thị: các tuyến tránh quốc lộ, tuyến đường vành đai, đường tỉnh qua khu vực đô thị.
  • Xây dựng nâng cấp các hệ thống đường chính qua đô thị đảm bảo các tuyến đường có hè đường, hệ thống hạ tầng đồng bộ.

Giao thông Đường sắt

Đường sắt Quốc gia: Quy hoạch mạng lưới đường sắt Quốc gia tuân thủ theo theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Đường sắt Hà Nội – Lào Cai:

  • Duy trì khai thác tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai đi qua địa bàn tỉnh.
  • Tập trung nâng cao năng lực, chất lượng vận tải và cải tạo nâng cấp hạ tầng phục vụ giao thông đường sắt. Trong đó xây dựng, nâng cấp hệ thống ga hiện trạng đảm bảo các ga đều có chức năng vận tải.

Quy hoạch mới tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai – Hải Phòng mới:

  • Đoạn qua địa bàn tỉnh chạy song song với cao tốc Hà Nội – Lào Cai, chiều dài trên địa bàn tỉnh từ Phúc Yên đến Sông Lô khoảng 45 km.
  • Đề xuất xây dựng 4 ga mới: Ga Đức Bác, ga Lập Thạch (kết hợp ICD Lập Thạch), ga Tam Dương và ga Bình Xuyên, mở rộng quy mô ga Phúc Yên. Định hướng tuyến đường sắt xây dựng sau năm 2030.
Bản đồ định hướng phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia
Bản đồ định hướng phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia

Đường Sắt đô thị: Xây dựng 03 tuyến đường sắt đô thị nối các trung tâm chính của tỉnh, đi trên cao khu vực ngoài đô thị, đi ngầm trong khu vực nội đô, bao gồm:

  • Tuyến đường sắt đô thị số 1: Ga đầu mối Vĩnh Yên – Phúc Yên – Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Tuyến dựa trên cơ sở tuyến đường sắt quốc gia cũ Hà Nội – Lào Cai nối từ ga đầu mối tại Vĩnh Yên qua Tp. Phúc Yên và kết thúc tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, chiều dài khoảng 37 km.
  • Tuyến đường sắt đô thị số 2: Ga đầu mối Vĩnh Yên – trung tâm thành phố Vĩnh Yên – Sơn Tây (Hà Nội), tuyến đi song song với QL.2C nối từ ga đầu mối tại Vĩnh Yên, qua Vĩnh Tường và kết thúc tại Thị xã Sơn Tây (Hà Nội), chiều dài khoảng 23 km.
  • Tuyến đường sắt đô thị số 3: ga đầu tại Tây Thiên đi theo đường ven chân núi Tam Đảo, kết nối khu vực Hồ Đại Lải và kết thúc tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Bản đồ định hướng phát triển mạng lưới đường sắt đô thị
Bản đồ định hướng phát triển mạng lưới đường sắt đô thị

Giao thông Đường thuỷ

Phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa phù hợp với định hướng phát triển giao thông vận tải trong Quy hoạch tổng thể Quốc gia và kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác để phát huy hiệu quả của toàn hệ thống giao thông vận tải. Nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, duy trì tuyến thủy cấp II đối với đường thủy Hà Nội – Việt Trì trên sông Hồng và nâng cấp tuyến thủy Việt
Trì – Tuyên Quang trên sông Lô đạt cấp II.

Đề xuất giai đoạn 2021-2030 xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các cảng thủy:

  • Cảng Vĩnh Thịnh (trên tuyến đường thủy sông Hồng), đạt công suất 800 nghìn tấn/năm, tiếp nhận cỡ tàu tư 1000-2000 tấn.
  • Cảng Như Thụy (trên tuyến đường thủy sông Hồng), đạt công suất 800 nghìn tấn/năm, tiếp nhận cỡ tàu tư 1000-2000 tấn.
  • Cảng Đức Bác (trên tuyến đường thủy sông Lô) đạt công suất 800 nghìn tấn/năm, tiếp nhận cỡ tàu tư 1000-2000 tấn.
  • Cảng Cam Giá (trên tuyến đường thủy sông Hồng), là cảng tổng hợp đạt công suất hành hóa 500 nghìn tấn/năm, tiếp nhận cỡ tàu tư 1000-2000 tấn. Ngoài chức năng vận chuyện hàng hóa, cảng Cam Giá còn là cảng hành khách kết hợp du lịch.
  • Ngoài ra quy hoạch, xây dựng các cảng thủy nội địa địa phương như: Cảng Hải Lựu, cảng Đông Phong, cảng Sơn Đông, cảng Cao Đại, cảng Trung Hà đạt công suất 300-500 nghìn tấn/năm, tiếp nhận cỡ tàu đến 1000 tấn, nhằm phát triển vận tải đường thủy đa dạng, giảm áp lực cho vận tải đường bộ.
Bản đồ định hướng phát triển đường thuỷ
Bản đồ định hướng phát triển đường thuỷ

Xem và tải về Bản đồ quy hoạch giao thông tỉnh Vĩnh Phúc


4.6/5 - (10 bình chọn)
Bài trướcQuy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc đến 2030, tầm nhìn 2050
Bài tiếp theoQuy hoạch chung xây dựng huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội đến 2030

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây