Bà Mạnh Vãn Chu đã được hàng trăm người chào đón và được trải thảm đỏ ngay khi vừa đáp máy bay xuống Thâm Quyến, Trung Quốc.
Được biết trước giờ máy bay chỏ bà Mạnh hạ cánh tại sân bay Thâm Quyến hàng trăm người đã tới giương biểu ngữ chào đón bà Mạnh. Bảng điện tử tại sảnh đến của sân bay cũng hiện dòng chữ “chào mừng Mạnh Vãn Chu trở về nhà” trên nền đỏ.
Bà Mạnh Vãn Chu 49 tuổi, con gái của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, trở về Trung Quốc sau khi đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến pháp lý kéo dài gần 3 năm với giới chức Mỹ.
Trước đó Bà Mạnh bị giới chức Canada bắt giữ vào ngày 1/12/2018 tại sân bay Vancouver theo đề nghị của Mỹ. Washington cũng đề nghị dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ để xét xử với cáo buộc nói dối HSBC về mối quan hệ của Huawei với Skycom, một công ty kinh doanh ở Iran. Tuy nhiên, Huawei đã bác bỏ cáo buộc và cho rằng vụ việc nhằm vào bà Mạnh Vãn Chu mang động cơ chính trị.
Ngay sau khi đặt chân xuống sân bay Thâm Quyến bà Mạnh đã nói “Cuối cùng thì tôi cũng đã trở về nhà. Tôi không thể nói nên lời trong khoảnh khắc vừa đặt chân trở lại Trung Quốc”, bà Mạnh phát biểu sau khi xuống máy bay, theo Thời báo Hoàn Cầu.
Video được Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát trực tiếp cho thấy bà Mạnh Vãn Chu trong trang phục màu đỏ đã bước đi trên thảm đỏ được trải đến tận chân máy bay. Các nhân viên Huawei đứng quanh máy bay đã nồng nhiệt chào đón bà Mạnh, và một người mặc đồ bảo hộ đã trao cho bà một bó hoa.
Bà Mạnh Vãn Chu được trả tự do sau khi Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố đã đạt một thỏa thuận trì hoãn truy tố bà tới tháng 12/2022. Theo đó, bà Mạnh nhất trí đưa ra “một tuyên bố sự thật”, thừa nhận bản thân cố ý cung cấp thông tin gian dối cho ngân hàng HSBC. Đổi lại, Mỹ sẽ rút lại yêu cầu Canada dẫn độ.
Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu đã đẩy căng thẳng giữa Canada và Trung Quốc leo thang trong 3 năm qua. Ngay sau khi bà Mạnh được về nước, Trung Quốc cũng đã thả tự do cho 2 công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor. Hai người này đã bị giới chức Trung Quốc bắt giữ hồi tháng 12/2018 vì cáo buộc làm gián điệp, không lâu sau khi Canada bắt bà Mạnh.