Trang chủ Quy hoạch Quy hoạch khu du lịch – khu bảo tồn thiên nhiên thành...

Quy hoạch khu du lịch – khu bảo tồn thiên nhiên thành phố Cần Thơ đến 2030, tầm nhìn 2050

68
0

Quy hoạch khu du lịch, khu bảo tồn thiên nhiên thành phố Cần Thơ trên địa bàn các huyện Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai và các quận Ô Môn, Thốt Nốt.

Hiện trạng các khu du lịch, khu bảo tồn thiên nhiên

TP Cần Thơ, tuy là một thành phố trung tâm ĐBSCL với nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, nhưng như vậy là chưa đủ để mang lại sức hấp dẫn lớn, thu hút lượng khách đông đảo. Một vấn đề đáng lưu tâm với các điểm du lịch của TP chính là sự trùng lặp các sản phẩm du lịch giữa các tỉnh trong khu vực, đồng thời còn chưa làm nổi bật được bản sắc riêng của các điểm, khu du lịch cũng như các định hướng, chiến lược phù hợp.


Trung tâm dịch vụ du lịch: Theo quy hoạch chung TP được phê duyệt năm 2013, bố trí các loại hình dịch vụ hỗn hợp tại khu đô thị Ninh Kiều – Bình Thủy, khu đô thị – công nghiệp Cái Răng, khu đô thị công nghiệp Thốt Nốt. Đối với loại hình dịch vụ du lịch, văn hóa truyền thống, du lịch sông nước, du lịch sinh thái vườn cây, nông nghiệp được tập trung phát triển đầu tư tại khu đô thị sinh thái Phong Điền, khu vực các cồn trên sông Hậu (cồn Ấu, cù lao Tân Lộc, cồn Cái Khế,…).

Hiện trạng hạ tầng du lịch thành phố Cần Thơ

Các công trình phục vụ du lịch đa dạng, có thể kể đến như: Tuyến phố đi bộ từ Bến Ninh Kiều đến chợ đêm Trần Phú, công trình cầu đi bộ Ninh Kiều, công viên sông Hậu. Cải tạo Hồ Búng Xáng, Công viên Lưu Hữu Phước, Công viên Hùng Vương, Bảo tàng TP. Ngoài ra, đầu tư các công trình, di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch như: Chiến thắng ông Hào. Mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Khu tưởng niệm cố soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền. Đền thờ Châu Văn Liêm, Di tích lịch sử Địa điểm thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ. Khu di tích lịch sử Lộ Vòng Cung, Đền thờ Vua Hùng…

Hiện nay, có 09 đường bay nội địa do các hãng hàng không Vietnam Airlines, vietjet Air, Vasco, Bamboo Airways khai thác và 02 đường bay quốc tế do các hãng airasia và Thai airasia khai thác. Tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và du lịch phát triển, trong đó việc kết nối các địa phương trọng điểm về du lịch để thu hút khách du lịch đến Cần Thơ. 


Hiện nay, tổng số có 616 cơ sở lưu trú du lịch, trên 10.500 phòng (trong đó khách sạn được công nhận từ 1 đến 5 sao là 133 khách sạn, với 5.030 phòng). Có 64 doanh nghiệp lữ hành (lữ hành nội địa: 39 doanh nghiệp, lữ hành quốc tế: 25 doanh nghiệp). Có 34 khu/điểm du lịch.

Về hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, có nhiều loại hình thương mại dịch vụ du lịch mới, cao cấp đươc đầu tư đưa vào khai thác như: Khách sạn Mường Thanh (5 sao), Khách sạn Vinpearl Cần Thơ (5 sao), Khách sạn Ninh Kiều Riverside (4 sao), Resort Azerai tại Cồn Ấu, Trung tâm hội nghị Yến tiệc CB Palace… Siêu thị Co.opmart, Siêu thị Mega market, Siêu thị Go Go, Trung tâm Thương mại Lotte, Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Hùng Vương và Xuân Khánh đang hoạt động, góp phần đa dạng dịch vụ, thu hút du khách

Danh sách các khu du lịch, khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn TP Cần Thơ:

Di tích lịch sử văn hoá:


  • Di tích lịch sử Địa điểm thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ – huyện Cờ Đỏ
  • Di tích lịch sử mộ nhà thơ Phan Văn Trị – huyện Phong Điền
  • Di tích Khảo Cổ Nhơn Thành – huyện Phong Điền
  • Di tích lịch sử Giàn Gừa – huyện Phong Điền
  • Khu di tích chiến thắng Ông Hào – huyện Phong Điền
  • Di tích Ông Đưa – huyện Thới Lai
  • Đền thờ Châu Văn Liêm – huyện Thới Lai
  • Di tích lịch sử Linh Sơn Cổ Miếu – Quận Ô Môn
  • Di tích lịch sử Đình Thới An – Quận Ô Môn
  • Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Chùa Cảm Thiên Đại Đế – Quận Ô Môn

Di tích lịch sử danh lam thắng cảnh:

  • Vườn cò Bằng Lăng – quận Thốt Nốt
  • DTLS Đình Tân Lộc Đông – quận Thốt Nốt
  • Khu du lịch sinh thái cù lao Tân Lộc – quận Thốt Nốt
  • Khu du lịch sinh thái Phong Điền – huyện Phong Điền
  • Khu du lịch Cồn Sơn – quận Bình Thuỷ

Phương hướng quy hoạch phát triển hạ tầng du lịch TP Cần Thơ

Hạ tầng du lịch chung

– Tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến gắn với các điểm, cụm, trung tâm du lịch trên địa bàn TP.Cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém chính là rào cản lớn đối với phát triển du lịch,những dự án nâng cấp giao thông sẽ làm tăng đáng kể khả năng kết nối, thu hút khách du lịch tới Cần Thơ.

– Cải thiện công tác quản lý môi trường, rác thải tốt hơn, tăng cường kế hoạch chương trình kiểm tra tình trạng môi trường. Xây dựng chương trình thu gom và xử lý rác thải cho chợ nổi Cái Răng và các khu điểm du lịch. Thực hiện hợp tác công tư trong bảo vệ môi trường, có các chương trình, dự án như cùng với người dân, du khách thực các hoạt động vệ sinh môi trường, vớt rác trên sông, trồng cây xanh,…Ngoài ra, cần đảm bảo công tác an ninh tại các khu du lịch để nâng cao trải nghiệm của du lịch.


Bản đồ quy hoạch phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến 2030, tầm nhìn 2050
Bản đồ quy hoạch phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến 2030, tầm nhìn 2050

Hạ tầng du lịch sông nước

Nâng cao hạ tầng để phục vụ du lịch đường sông Cần Thơ có các tuyến đường sông quan trọng kết nối TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ và các tỉnh, TP vùng ĐBSCL.

Các tuyến đường du lịch sông có thể phát triển bao gồm:

  • Tuyến đường sông nội địa: Cần Thơ – An Giang (đã triển khai), Cần Thơ – Côn Đảo, Cần Thơ – Bạc Liêu, Cần Thơ -TP Hồ Chí Minh
  • Tuyến đường sông quốc tế: Cần Thơ – Phnom Penh, Cần Thơ – Phnom Penh – Siem Riep, Cần Thơ – Châu Đốc – Phnom Penh – Băng Cốc.

– Nghiên cứu kết hợp các mô hình bán lẻ hiện đại trên chợ nổi (ví dụ như mô hình cửa hàng 7-eleven trên du thuyền tại Thái Lan.

– Tập trung đẩy mạnh đề án Phát triển Chợ nổi Cái Răng, xây dựng chợ nổi Cái Răng thành điểm đến đặc trưng của TP Cần Thơ, trong đó tập trung vào:

  • Sắp xếp trật tự các bến tàu, xây dựng và triển khai các dự án du lịch xanh, xây dựng phương án làm bờ kè tại chợ nổi. Cũng như nên có khu vực check-in chợ nổi. Văn hóa check-in tại một điểm du lịch đang ngày càng trở nên phổ biến, do vậy cần tận dụng xu hướng này để lan tỏa giá trị của chợ nổi Cái Răng.
  • Tăng cường quảng bá hình ảnh của chợ nổi qua các phương tiện truyền thông, đặc biệt là truyền thông trên nền tảng số. Cân nhắc việc mời các blogger du lịch có tầm ảnh hưởng đến trải nghiệm chợ nổi, liên kết với các chuyên trang du lịch như Trip Advisor hay các trang đánh giá về du lịch trên Facebook để quảng bá về chợ nổi.

Hạ tầng du lịch văn hóa

– Với các di sản văn hóa truyền thống: tập trung nâng cấp và bảo tồn cần các di sản văn hóa cốt lõi, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, Văn hóa chợ nổi Cái Răng, Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy, Hò Cần Thơ và Hát ru của người Việt ở Cần Thơ.

– Tích cực xây dựng và triển khai đề án phát triển kinh tế đêm ở khu vực quận Ninh Kiều, tập trung vào các dịch vụ: (1) ăn uống, chợ đêm. (2) kinh doanh, mua sắm. (3) các hoạt động vui chơi giải trí khác.

Hạ tầng du lịch MICE

– Khuyến khích xây dựng thêm các khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4-5 sao để phục vụ đối tượng khách hạng sang. Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng để có thể đa dạng hình thức: từ resort ven sông đến các homestay chất lượng cao, hay các khu nghỉ dưỡng ngay trên trang trại.

– Phát triển cơ sở hạ tầng hội nghị, hội thảo chất lượng cao: Phòng ốc hiện đại, cao cấp, có trung tâm hội chợ triển lãm đạt tiêu chuẩn để tổ chức những sự kiện, hội họp, hội nghị quốc tế tầm cỡ. Cung cấp đầy đủ các dịch vụ trọn gói. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch MICE sẽ tập trung phát triển ở quận Ninh Kiều, Cái Răng.

Hạ tầng du lịch theo định hướng “ Ngôi nhà thứ hai”

Xây dựng thêm các sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng dọc sông Hậu để phục vụ cho định hướng phát triển lĩnh vực “ ngôi nhà thứ hai” tại Cần Thơ. Điều này sẽ giúp Cần Thơ không chỉ trở thành một điểm đến cho khách du lịch đến tham quan trong thời gian ngắn hạn mà còn giúp Cần Thơ trở thành một nơi nghỉ dưỡng với không khí trong lành, cảnh quan sinh thái để khách hàng từ các tỉnh, thành khác có thể đến ở thường xuyên.

Quy hoạch không gian du lịch sinh thái, cảnh quan

Đây là một trong những lĩnh vực mũi nhọn, đồng thời tạo thành bản sắc chính và sợi dây liên kết tất cả các vùng đô thị Cần Thơ thành một TP lớn với bản sắc sông nước. Bao gồm không gian cảnh quan ven sông Hậu và các sông chính, sinh thái cảnh quan miệt vườn sẵn có ở Phong Điền và ven sông Hậu, từ Ô Môn tới Thốt Nốt, khu vực tạo mới không gian sinh thái sông nước quanh thị trấn Cờ Đỏ, thị trấn Thới Lai và hệ thống du lịch sinh thái nông nghiệp, trang trại theo mô hình nông trường sông Hậu, có thể mở rộng ra phía bắc nông trường sông Hậu và phía tây thuộc nông trường Cờ Đỏ.

Vùng đô thị sinh thái Phong Điền: Huyện Phong Điền hiện có diện tích rất lớn và cảnh quan sinh thái nhà vườn rất đẹp. Du lịch sinh thái miệt vườn chỉ còn là một trong những công năng và sẽ tập trung chính ở khu vực phía tây của huyện Phong Điền hiện nay và một phần khu vực miệt vườn của Thới Lai. Ngoài nhà ở cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng, vùng này cũng có thể phát triển thành trung tâm điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe, trung tâm thể dục thể thao cấp vùng.

Vùng du lịch nông nghiệp trang trại: Vùng này nằm giữa tuyến Ô Môn – Giồng Riềng và sông Thốt Nốt, gồm chủ yếu các phần thuộc huyện Cờ Đỏ và các quận Ô Môn, Thốt Nốt hiện nay.

Hiện nay thành phố Cần Thơ đang định hướng có 07 khu nông nghiệp công nghệ cao. Những cấu trúc này sẽ được phân bố đất đai tới 2025.

Trung tâm cây trái dạng miệt vườn sông nước truyền thống nằm ở phía tây Cái Răng, Phong Điền, ven sông Hậu thuộc Ô Môn, Thốt Nốt, kết hợp với bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Khu vực trang trại nông nghiệp đa năng, kết hợp vườn ao chuồng với du lịch trang trạng, du lịch cộng đồng, nằm ở các địa phận nông trường sông Hậu, nông trường Cờ Đỏ và có thể mở rộng về phía bắc nông trường sông Hậu. Trung tâm nghiên cứu và mô hình lúa nằm ở Thới Lai. Những vùng khác là nông nghiệp đô thị, đan xen trong các cấu trúc đô thị, với tác dụng về sinh thái, cảnh quan, xã hội, du lịch, nghỉ dưỡng nhiều hơn là nông nghiệp.

Quy hoạch phát triển thành phố Cần Thơ trở thành điểm du lịch sinh thái độc đáo: Xây dựng thương hiệu và định vị là một điểm đến du lịch sinh thái, nơi hội tụ và trưng bày các đặc sản, mô hình văn hóa, sinh thái, du lịch của ĐBSCL và hệ sinh thái ven sông với các kênh rạch và vị trí trung tâm ĐBSCL.

Tài liệu kèm theo:


Rate this post
Bài trướcUnveiling the Truth: Did DD Osama Really Die? Investigating the Circulating Death Rumors
Bài tiếp theoMC Mỹ Lan – Tiểu sử – Sự nghiệp – Nữ biên tập viên tài năng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây