Trang chủ Đời sống Hiểu Rõ Các Tiêu Chí Trong Quan Hệ Đối Tác Chiến Lược...

Hiểu Rõ Các Tiêu Chí Trong Quan Hệ Đối Tác Chiến Lược – Toàn Diện Quốc Gia

28
0

Sau Chiến tranh lạnh, trong quan hệ quốc tế hình thành một số hình thức mới. Các quốc gia với thể chế chính trị, kinh tế khác nhau đã tìm những phương cách mới và áp dụng chúng một cách linh hoạt để thúc đẩy quan hệ với nhau. Một trong các hình thức quan hệ mới đó là việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, chiến lược toàn diện.

Liên minh và Chức năng của Liên minh

Liên minh (Alliance)

Liên minh là mối quan hệ hợp tác chính thức hoặc không chính thức giữa hai hoặc nhiều nước nhằm hỗ trợ lẫn nhau trên một mức độ nào đó về phối hợp chính sách liên quan đến các vấn đề về an ninh hiện tại và tương lai. Hình thái “an ninh tập thể” thường là cách thể hiện mô hình này. Theo đó các nước ký kết một hiệp ước (chính thức hoặc không chính thức) cam kết giúp đỡ nhau khi bất cứ thành viên nào bị đe dọa.


Chức năng của liên minh là để “củng cố an ninh của đồng minh” thông qua việc hợp tác để “hợp lực” chống lại một thế lực khác. Lịch sử quan hệ quốc tế cho thấy, sự phát triển của mô hình liên minh là các đồng minh đánh giá nhau qua khả năng trợ giúp nhau về mặt quân sự nhằm răn đe hoặc trừng phạt một liên minh đối lập.

Đối tác (Partnership)

Đối tác là thuật ngữ chỉ mối quan hệ cộng tác – hợp tác nhưng ở mức độ cao hơn và cụ thể hơn. Các nhà nghiên cứu định nghĩa: “Đối tác bao gồm hai hay nhiều bên hành động cùng nhau để nâng cao hợp tác bằng việc thực hiện những mục tiêu chung. Xây dựng những kênh/cơ chế giải quyết các bất đồng/tranh chấp, biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác và phương pháp đánh giá tiến bộ cũng như chia sẻ những thành tựu hợp tác”. Hành động cùng nhau chung mục tiêu và chung lợi ích là những tiêu chí của quan hệ đối tác.

Chiến lược (Strategic)

Chiến lược là sự quan trọng có tính toàn cục, then chốt và có giá trị tương đối lâu dài về mặt thời gian, đặc biệt, trong các bối cảnh liên quan đến việc sử dụng sức mạnh quân sự. “Chiến lược” dùng để chỉ tính tổng thể, để tạo sự khác biệt với những chi tiết (chiến thuật); nghệ thuật sử dụng nguồn lực, kết hợp với các giá trị về đạo đức, để đạt được những mục tiêu. Trong nhiều tình huống, từ “chiến lược” thường liên quan đến các lĩnh vực an ninh – quân sự mặc dù không hoàn toàn là một thuật ngữ chỉ dùng trong lĩnh vực an ninh – quân sự.


Đối tác chiến lược (Strategic Partnership)

Đối tác chiến lược chỉ một mối quan hệ hợp tác quan trọng (nhưng không nhất thiết chỉ tập trung trong lĩnh vực an ninh – quân sự) vừa có tính hướng vào mục tiêu cụ thể, vừa có hàm ý mong muốn quan hệ lâu dài (quan hệ “win – win” cùng có lợi). Đặc điểm của quan hệ đối tác chiến lược là không có giới hạn về không gian, thời gian; không hạn chế về đối tượng áp dụng; không hạn chế về lĩnh vực hợp tác, và không nhất thiết phải mang nội dung an ninh – quân sự.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay ông Joe Biden, lúc đó là phó tổng thống Mỹ, trong chuyến thăm chính thức Mỹ vào năm 2015 - Ảnh: TTXVN
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay ông Joe Biden, lúc đó là phó tổng thống Mỹ, trong chuyến thăm chính thức Mỹ vào năm 2015 – Ảnh: TTXVN

Đối tác chiến lược toàn diện

Đối tác chiến lược toàn diện là mối quan hệ đối tác chiến lược gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi. Đồng thời hai bên còn xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược.

Theo Tạp chí Cộng Sản, tác giả Nguyễn Thị Thìn (Học viện Ngoại giao) chỉ ra quan hệ đối tác chiến lược đầu tiên xuất hiện vào năm 1992 (giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ) và số lượng quan hệ này ngày càng gia tăng.


Theo tiến sĩ Lê Hồng Hiệp (Viện ISEAS – Yusof Ishak Singapore) cho biết đối tác chiến lược toàn diện là cấp cao nhất trong hệ thống thứ bậc đối tác ngoại giao của Việt Nam. Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nước được coi là có tầm quan trọng lớn đối với an ninh, thịnh vượng và vị thế quốc tế của mình.

Quan hệ đối tác chiến lược – Chiến lược toàn diện của Việt Nam

Với Việt Nam, đối tác chiến lược – chiến lược toàn diện là mối quan hệ chiến lược gắn với ngoại giao, kinh tế. Quan hệ đối tác chiến lược, chiến luwocj toàn diện mà Việt Nam quan niệm bao gồm hợp tác về an ninh, thịnh vượng và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo chung ngày 10/9. (Ảnh: Như Ý)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo chung ngày 10/9. (Ảnh: Như Ý)

– An ninh: quan hệ đối tác chiến lược đó sẽ giúp cho Việt Nam củng cố nền tảng ngoại giao và quốc phòng, hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong việc giữ gìn an ninh, bảo toàn chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.


– Thịnh vượng: mối quan hệ kinh tế với đối tác đó phải góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Nó thể hiện trên các lĩnh vực: quan hệ thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển (ODA) và chuyển giao công nghệ.

– Nâng cao vị thế của Việt Nam: quốc gia đối tác chiến lược toàn diện phải là những nước lớn, hoặc cường quốc hạng trung tiêu biểu; có vị thế và ảnh hưởng quan trọng, đáng kể đối với đời sống chính trị thế giới và khu vực.

Ngoài 3 tiêu chí an ninh, thịnh vượng, nâng cao vị thế của Việt Nam cần phải có những tiêu chí khác nữa như quan hệ lâu dài, cùng có lợi (mức độ lợi ích có thể chia đều, hoặc hơn kém do hai nước quy định), có niềm tin tưởng vào nhau.

Việc mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ chiến lược toàn diện với những quốc gia quan trọng trên thế giới phù hợp với lợi ích của mỗi nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực và thế giới chính là sự thể hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Những đối tác chiến lược – Chiến lược toàn diện của Việt Nam

Tính tới tháng 9/2023, hiện Việt Nam có: 5 Đối tác Chiến lược Toàn diện; 18 Đối tác Chiến lược (bao gồm cả 5 Đối tác Chiến lược Toàn diện) và 12 Đối tác Toàn diện. Trong đó 8/10 nước cùng là thành viên CPTPP (không tính Việt Nam) với 5 nước là Đối tác chiến lược và 3 nước là Đối tác toàn diện; 2 nước còn lại chưa có quan hệ đối tác cao là Peru và Mexico. Với các nước khối ASEAN, hiện Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao cao cấp với đầy đủ toàn bộ 9/9 nước thành viên (không tính Việt Nam) với 5 nước là Đối tác chiến lược và 2 nước là Đối tác toàn diện; 2 nước còn lại là Campuchia và Lào là Quan hệ đặc biệt.


Rate this post
Bài trướcQuy hoạch TPHCM Mạng Lưới Giáo Dục Nghề Nghiệp – Thách Thức và Triển Vọng
Bài tiếp theoBản đồ Quy hoạch – Kế hoạch sử dụng đất huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đến 05/2024

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây