Thống kê của một đơn vị môi giới cho biết, Thị trường nhà đất đầu năn 2021 tăng khắp cả nước, giá đất tại Hạ Long cũng không ngoại lệ. Giai đoạn từ 2015 – 2019, giá đất xung quanh vịnh Hạ Long và các khu nghỉ dưỡng lớn tăng gấp 5 lần.
Tăng mạnh theo vị trí
Thống kê của một đơn vị môi giới cho biết, thị trường nhà đất tại Hạ Long những năm gần đây tăng trưởng nhanh và ổn định, trung bình tăng 2 – 3 lần mỗi năm. Giai đoạn từ 2015 – 2019, giá đất xung quanh vịnh Hạ Long và các khu nghỉ dưỡng lớn tăng gấp 5 lần. Ghi nhận mức tăng ấn tượng nhất là phân khúc biệt thự, đất đô thị vừa ở vừa nghỉ dưỡng ở các khu vực đắc địa trung tâm thành phố đã tăng đến 70 – 80% so với cuối 2020, đạt ngưỡng 40 triệu đồng/m2 vào tháng 3/2021 và đến nay đã tăng thêm khoảng 30%. Đất nền thổ cư Hạ Long từ khoảng 25 – 26 triệu đồng /m2 thời điểm trước tết nay cũng đạt ngưỡng 40 triệu đồng/m2.
Tại Vân Đồn, khác với cơn sốt đất năm 2019, thị trường tại đây đang phát triển ổn định và có chiều sâu hơn nhờ những tín hiệu tốt về chính sách quy hoạch phân khu, nhiều dự án hạ tầng giao thông huyết mạch về đích trong năm 2021. Giá đất có biên độ tăng đáng kể so với cuối năm 2020, đầu 2021 như: đất biệt thự quanh khu đô thị Thống Nhất tăng từ 22 triệu đồng/m2 lên 29 – 34 triệu đồng/m2; các lô đất nền liền kề Khu đô thị Ao Tiên giá khoảng 30 triệu đồng/m2 cuối 2020 thì nay đã điều chỉnh lên 38 – 40 triệu đồng/m2.
Theo đánh giá của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Vân Đồn cùng với Móng Cái sẽ là những địa phương được dự báo tăng giá bất động sản mạnh trong năm 2021, lên tới 10%. Còn tại Hạ Long, giá đất được dự báo sẽ tiếp đà tăng ổn định trong thời gian tới do quỹ đất sở hữu lâu dài tại khu vực trung tâm thành phố ngày càng khan hiếm.
Hạ tầng – Kinh tế dẫn đường
Khác với nhiều khu vực bị đánh giá là sốt ảo trong giai đoạn nửa đầu năm 2021, đà tăng giá tại Hạ Long không gây bất ngờ cho giới đầu tư. Trên thực tế, đà tăng này đã diễn ra liên tục theo quy luật trong nhiều năm trở lại đây, theo tốc độ phát triển hạ tầng cũng như kinh tế – xã hội toàn diện của Quảng Ninh.
Cùng với đó, dự án xây dựng 3 cây cầu Cửa Lục, trong đó cầu Cửa Lục 1 và 3 dự kiến hoàn thành trong năm nay sẽ giúp kết nối nhanh chóng Hạ Long với Hoành Bồ, mở ra không gian phát triển rộng rãi xung quanh vịnh Cửa Lục, nơi được quy hoạch là trung tâm mới của thành phố di sản.
Giai đoạn 2015 – 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Quảng Ninh đạt trên 10%, GRDP bình quân gấp hơn 2 lần bình quân chung của cả nước. Chất lượng tăng trưởng của tỉnh cũng thay đổi đáng kể với thành tích 4 năm liên tiếp giữ ngôi vị quán quân PCI nhờ vào việc thực hiện cải cách đột phá nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Cho đến nay, những doanh nghiệp tên tuổi nhất đều đã có mặt tại Quảng Ninh, cùng với các dự án hạ tầng đô thị, du lịch quy mô lớn, tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Có thể kể đến Tổ hợp vui chơi giải trí Sun World; Khu du lịch quốc tế Tuần Châu; hay Quẩn thể nghỉ dưỡng sinh thái FLC Hạ Long và sân golf FLC Golf Club Ha Long – những công trình điểm nhấn của thành phố di sản.
Giai đoạn 2015 – 2019, khách du lịch đến Quảng Ninh tăng ngoạn mục, từ 7,7 triệu lượt năm 2015 lên 14 triệu lượt năm 2019, doanh thu từ khách du lịch gấp 4,5 lần. Dù chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhưng du lịch Quảng Ninh vẫn có sự khôi phục nhanh chóng, tổng lượng khách đạt 8,8 triệu năm 2020.
Theo các chuyên gia, thế mạnh khác biệt của Quảng Ninh chính là hệ sinh thái du lịch hoàn chỉnh mang tính cộng sinh với đa dạng các dòng bất động sản, công trình bổ trợ du lịch như: khu đô thị, khu phố thương mại, khu vui chơi giải trí cao cấp… chứ không chỉ là khách sạn hay cơ sở lưu trú. Điều này giúp kéo dài được thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách, mang lại lợi nhuận cao và ổn định cho các dòng sản phẩm đầu tư.
Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa chóng mặt với tỷ lệ toàn tỉnh trên 64% đang tạo ra nhu cầu lưu trú và các dịch vụ đi kèm rất lớn. Giá trị các bất động sản cũng vì thế mà ngày càng tăng theo thời gian.
Theo Nhịp sống kinh tế