Các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm tại trường Ischool Nha Trang là vi khuẩn Salmonella. Vụ ngộ độc đã làm hơn 200 học sinh phải nhập viện, đã có một trường hợp tử vong.
Thủ phạm gây ngộ độc thực phẩm là vi khuẩn Salmonella
Tối 21/11, Sở Y tế Khánh Hòa cho biết kết quả phân lập nuôi cấy mẫu phân ghi nhận tác nhân khiến hàng trăm học sinh trường Ischool Nha Trang ngộ độc, một trẻ tử vong là vi khuẩn Salmonella. Theo báo cáo của Sở, kết quả phân lập ban đầu ghi nhận tác nhân này nhạy với phần lớn kháng sinh.
Theo bác sĩ Doãn Uyên Vy – chuyên gia chống độc, phụ trách Phòng khám Chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết Salmonella là thủ phạm thường thấy trong nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, biểu hiện từ nhẹ đến nặng, có thể gây biến chứng nhiễm trùng máu, suy đa cơ quan dẫn đến tử vong. Dấu hiệu khởi phát thường gồm sốt, đau đầu, nôn ói, tiêu chảy… Khuẩn này có nhiều trong thực phẩm như trứng gà, rau sống, thực phẩm tươi sống.
Những ngày qua, bác sĩ Vy hỗ trợ trường Ischool Nha Trang từ xa để tìm nguyên nhân ngộ độc. “Từ thực đơn và triệu chứng của các học sinh chủ yếu là tiêu chảy, một số trẻ nôn ói, sốt, tôi cũng cho rằng do Salmonella, xuất phát từ món sốt trứng hoặc rau sống”, bác sĩ Vy nói. Trẻ nhiễm khuẩn Salmonella tiêu chảy nhiều có thể gây mất điện giải, nếu không bù điện giải kịp thời sẽ dễ hạ can xi, khiến bé lên cơn co giật, biến chứng.
Đến chiều nay, Sở Y tế Khánh Hòa ghi nhận không còn trường hợp nặng nào cần theo dõi. Tất cả bệnh nhân điều trị tại các cơ sở y tế đều được chăm sóc theo phác đồ nhiễm trùng, nhiễm độc do ngộ độc thực phẩm. 21 trường hợp nặng đã ổn định sức khỏe.
“Do phần lớn bệnh nhân đã được điều trị ổn định và xuất viện nên hiện tại không ghi nhận tình trạng bệnh nhân quá tải tại các cơ sở y tế”, báo cáo của Sở nêu. Nhiều bệnh nhân được bác sĩ cho xuất viện, song tâm lý còn lo lắng nên xin ở lại bệnh viện tiếp tục theo dõi.
Đến nay, số học sinh ngộ độc được các bệnh viện tiếp nhận là 648, trong đó 261 em được cho về nhà theo dõi, 176 trẻ đã xuất viện, còn 211 đang điều trị. Bệnh nhân ra viện đều được các bệnh viện kết nối và theo dõi sát sau đó để có hướng dẫn kịp thời khi cần thiết. Dự kiến ngày 22/11, Bệnh viện đa khoa tỉnh tổ chức tập huấn cho tất cả đơn vị y tế trên địa bàn cách tiếp nhận, chẩn đoán, theo dõi, điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhiễm trùng nhiễm độc do ngộ độc thực phẩm.
Ông Vương Ánh Dương, Cục phó Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cùng ba bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (gồm một chuyên gia chống độc, một bác sĩ truyền nhiễm và một bác sĩ chuyên ngành vi sinh) đã vào Nha Trang hỗ trợ. Sáng cùng ngày, 8 bác sĩ tại TP HCM cũng đã ra Khánh Hòa chi viện, khám và hội chẩn, lên phác đồ điều trị cho hơn 200 học sinh.
Bộ Y tế đề nghị ngành y tế Khánh Hòa tập trung nhân lực, trang thiết bị, thuốc và phương tiện, để điều trị, chăm sóc học sinh bị ngộ độc thực phẩm. Trường hợp cần hỗ trợ trực tiếp nhân lực và phương tiện, thuốc phục vụ điều trị, Sở Y tế báo cáo với Bộ.
Vi khuẩn Salmonella là gì?
Nhiễm vi khuẩn Salmonella là tình trạng nhiễm vi khuẩn Salmonella trong dạ dày và ruột. Bệnh này tương tự như viêm dạ dày. Phần lớn bệnh nhân bị nhiễm trùng nhẹ sẽ tự khỏi sau 4 đến 7 ngày mà không cần điều trị. Vi khuẩn Salmonella hay còn được gọi là vi khuẩn thương hàn gồm S. typhi và S. paratyphi A, B, C tất cả các chủng đều có khả năng gây bệnh thương hàn.
Vi khuẩn thương hàn đi vào hệ tiêu hóa của cơ thể, sau khi bị chết sẽ giải phóng ra nội độc tố. Vi khuẩn Salmonella chết càng nhiều càng có nhiều độc tố giải phóng tấn công vào cơ thể người nhiễm. Nội độc tố của vi khuẩn salmonella gây ra ảnh hưởng rất xấu tại ruột, nội độc tố sẽ làm tổn thương niêm mạc ruột (kích thích ruột gây đau bụng, làm chảy máu, hoặc có thể gây thủng ruột). Nội độc tố do vi khuẩn salmonella giải phóng đi vào máu đến hệ thần kinh trung ương làm tổn thương hệ thần kinh và nhiễm độc toàn thân.
Vi khuẩn Salmonella có sức sống và sức đề kháng tốt. Vi khuẩn này chịu được lạnh, ở nước đá sống 2 – 3 tháng, nước thường > 1 tháng, trong rau quả 5 – 10 ngày, trong phân 1 đến vài tháng. Vi khuẩn Salmonella bị tiêu diệt ở nhiệt độ 55 độ C/30 phút, cồn 90 độ C/vài phút, các chất khử trùng thông thường diệt được vi khuẩn dễ dàng (chloramin 3%, phenol 5%).
Triệu chứng nhiễm vi khuẩn Salmonella
Hầu hết những người bị nhiễm vi khuẩn Salmonella đều có các dấu hiệu và triệu chứng dưới đây trong thời gian 12-72 giờ sau khi phơi nhiễm với vi khuẩn:
- Tiêu chảy: Phân lỏng, sền sệt, màu vàng nâu, rất khắm, khoảng 5 – 6 lần/ngày
- Sốt cao liên tục (39 hoặc 400C)
- Máu trong phân
- Đau bụng sôi bụng và chướng bụng vùng hố chậu phải.
- Nhiễm độc thần kinh do độc tố vi khuẩn Salmonella (nhức đầu, mất ngủ, ác mộng, ù tai, nói ngọng).
- Phát ban nhỏ, bằng phẳng ở ngực, bụng, mạn sườn. Ban xuất hiện khoảng từ 7 – 12 ngày rồi biến mất.
- Trường hợp nặng người nhiễm vi khuẩn Salmonella có biểu hiện tay run bắt chuồn chuồn hoặc nằm bất động, vẻ mặt thờ ơ, đờ đẫn, li bì, mê sảng, hôn mê (thường ít gặp).
Trong một số ít trường hợp, nhiễm vi khuẩn Salmonella có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ. Tuy nhiên, có một số người dù bị nhiễm vi khuẩn Salmonella nhưng do cơ thể đã có kháng thể, số lượng vi khuẩn ít và độc lực của vi khuẩn yếu cho nên có thể bị rối loạn tiêu hóa vài ba ngày rồi tự khỏi, một số rất ít trong số đó trở thành người lành mang vi khuẩn, có thể kéo dài nhiều tháng.
Tác hại của vi khuẩn salmonella
Bệnh thương hàn do vi khuẩn Salmonella enterica typ huyết thanh typhi gây nên với bệnh cảnh sốt kéo dài, gây ra nhiều biến chứng nặng như:
- Xuất huyết tiêu hóa
- Thủng ruột
- Viêm cơ tim
- Viêm não dễ dẫn đến tử vong.
Để phòng ngừa bệnh thương hàn do vi khuẩn Salmonella gây ra mọi người cẩn
- Rửa tay bằng xà phòng và nước ấm sau khi đi vệ sinh, sau thay tã cho trẻ hoặc sau khi chạm vào động vật và trước khi ăn hoặc chế biến thức ăn.
- Nấu chín kỹ tất cả các loại thực phẩm (thịt bò, lợn, gà, vịt…)
- Không ăn trứng sống hoặc nấu chưa chín
- Chỉ uống sữa tiệt trùng
- Rửa thớt và kệ bếp dùng để chế biến thịt hoặc gia cầm ngay sau khi sử dụng để tránh lây nhiễm chéo sang các loại thực phẩm khác.
- Các nhà chức trách y tế cần có kế hoạch kiểm tra sức khỏe định kỳ và kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm các khách sạn, nhà hàng, nơi chế biến và phân phối thực phẩm (chợ, siêu thị…).