Thông tin quy hoạch TP Cao Lãnh và TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp năm 2021, đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050.
Đồng Tháp là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là nơi sông Tiền chảy vào địa phận Việt Nam, có đường biên giới giáp với Campuchia có chiều dài hơn 50 km với 4 cửa khẩu, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế là Thường Phước và Dinh Bà.
I. Quy mô lập quy hoạch tỉnh Đồng Tháp
Quy mô lập quy hoạch tỉnh Đồng Tháp bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của tỉnh, với 3 thành phố và 9 huyện. Phạm vi lập quy hoạch tỉnh Đồng Tháp được giới hạn bởi:
- Phía Bắc giáp với tỉnh Prey Veng thuộc Campuchia,
- Phía Nam giáp với tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ
- Phía Tây giáp với tỉnh An Giang
- Phía Đông giáp với tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang.
Tỉnh Đồng Tháp có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 3 thành phố: Cao Lãnh, Sa Đéc, Hồng Ngự và 9 huyện với 143 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 9 thị trấn, 19 phường và 115 xã.
II. Thông tin, bản đồ quy hoạch thành phố Cao Lãnh, Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp
1. Thông tin, bản đồ quy hoạch tỉnh Đồng Tháp
Theo quy hoạch, đến năm 2025 tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh Đồng Tháp là 337.695 ha, trong đó: Đất nông nghiệp có diện tích 265.947 ha, Đất phi nông nghiệp có diện tích 71.748 ha, Đất khu bảo tồn thiên nhiên 7.313 ha, Đất đô thị 18.309 ha.
Định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế, xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế.
Quy hoạch bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện; xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử – văn hóa, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai…
2. Thông tin quy hoạch thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp
Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ TP.Cao Lãnh hiện hữu, bao gồm 8 phường (phường 1, 2, 3, 4, 6, 11, Hòa Thuận, Mỹ Phú) và 7 xã (Mỹ Trà, Mỹ Ngãi, Mỹ Tân, Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, Tịnh Thới, Hòa An) và phần mở rộng gồm thị trấn Mỹ Thọ, xã An Bình và một phần xã Nhị Mỹ (huyện Cao Lãnh).
Quy hoạch chung TP. Cao Lãnh đảm bảo các tiêu chí đô thi loại II, từ thời điểm lập quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
TP. Cao Lãnh được xác định lại so với quy hoạch được phê duyệt năm 2004, nhằm phù hợp với vị thế mới của thành phố. TP. Cao Lãnh là trung tâm hành chính của tỉnh, được xây dựng, phát triển kinh tế nhiều lĩnh vực:
- Công nghiệp dược phẩm
- Y học cổ truyền
- Giáo dục – đào tạo về y dược
- Nông nghiệp sức khỏe
- Du lịch chữa trị, nghỉ dưỡng
- Công nghiệp bổ trợ
- Công nghệ thông tin viễn thông
- Hạ tầng nhà ở – dịch vụ – xã hội.
TP. Cao Lãnh sẽ kết nối với TP.Sa Đéc và các vùng lân cận dọc sông Tiền như: Thị trấn Mỹ Thọ, xã Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh), huyện Lấp Vò, huyện Thanh Bình.
Đồng thời, TP. Cao Lãnh cũng là đô thị hỗ trợ cho tỉnh Đồng Tháp trong giao thương quốc tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL):
- Kết nối với TP.Hồ Chí Minh, Campuchia và vùng Tây Nguyên.
- Hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch, đóng góp cho tỉnh Đồng Tháp trong chiến lược an ninh – quốc phòng của vùng ĐBSCL.
3. Thông tin quy hoạch TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp
Định hướng phát triển cho TP Sa Đéc trong giai đoạn tới trở thành đô thị loại II và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh Đồng Tháp.
- Phù hợp với định hướng quy hoạch hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
- Phù hợp với Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050.
- Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng kinh tế ĐBSCL đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Việc điều chỉnh quy hoạch từ đồ án quy hoạch chung mức đô thị thành đồ án quy hoạch chung mức độ thành phố thuộc tỉnh sẽ xác định lại mục tiêu, động lực phát triển, quy mô dân số, đất đai, các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật để từ đó tìm ra mô hình phát triển phù hợp, tạo tiền đề phát triển bền vững trong tương lai.
Bên cạnh đó, điều chỉnh quy hoạch cũng là cơ hội để giúp giảm thiểu các thách thức, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, từ đó giúp thu hút đầu tư phát triển nhờ giảm thiểu việc sản xuất manh mún, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý hơn, tạo điều kiện phát triển cho hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Trên đây là tổng hợp thông tin quy hoạch TP Cao Lãnh và TP Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp trong giai đoạn 2021 đến 2030 định hướng phát triển đến 2050.