Thông tin, bản đồ quy hoạch sử dụng đất huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, gồm: giao thông, xây dựng, quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phát triển không gian vùng, xây dựng đô thị và các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 67 / QĐ-UBND về Phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi lập quy hoạch huyện Cát Tiên
Toàn bộ ranh giới thuộc huyện Cát Tiên, gồm: 02 thị trấn (Cát Tiên, Phước Cát) và 7 xã (Quảng Ngãi, Đức Phổ, Phước Cát 2, Gia Viễn, Nam Ninh, Tiên Hoàng và Đồng Nai Thượng). Tổng diện tích 42.694 ha; ranh giới cụ thể như sau:
- Phía Bắc: giáp huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông;
- Phía Tây: giáp huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước;
- Phía Nam: giáp huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai;
- Phía Đông: giáp huyện Đạ Tẻh và huyện Bảo Lâm.
Nội dung, tính chất lập quy hoạch huyện Cát Tiên
Quy hoạch huyện Cát Tiên với tính chất vùng kinh tế động lực phía Tây Nam, tỉnh Lâm Đồng; vùng đệm của thành phố Bảo Lộc trong quy hoạch vùng III của tỉnh. Là vùng có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Lâm Đồng, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam bộ..
Quy hoạch huyện Cát Tiên đáp ứng được nhu cầu dự báo về dân số và hạ tầng đô thị. Theo dự báo về dân số đến 2025 dân số toàn huyện khoảng 40.000 người (dân số đô thị khoảng 19.700 người, dân số nông thôn khoảng 21.000 người); tỷ lệ đô thị hóa khoảng 48,4% (gồm: 2 đô thị loại V là Cát Tiên và Phước Cát).
Đến năm 2035: dân số toàn huyện khoảng 48.000 người (dân số đô thị khoảng 26.000 người, dân số nông thôn khoảng 22.000 người); tỷ lệ đô thị hóa khoảng 54,17% (gồm: 2 đô thị loại V là Cát Tiên và Phước Cát).
Đến năm 2050: dân số toàn huyện khoảng 56.000 người (dân số đô thị khoảng 32.800 người, dân số nông thôn khoảng 23.200 người); tỷ lệ đô thị hóa khoảng 58,57% (gồm: 2 đô thị loại V là Cát Tiên và Phước Cát).
Nội dung quy hoạch huyện Cát Tiên
Huyện Cát Tiên được xác định quy hoạch phát triển đến 2035 với 2 tiểu vùng phát triển gồm:
Tiểu vùng I: Là vùng phát triển kinh tế động lực của vùng huyện Cát Tiên với tính chất là Trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế; đô thị – dịch vụ – tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp chất lượng cao.
Phạm vi, diện tích: 02 thị trấn (Cát Tiên và Phước Cát) và các xã: Đức Phổ, Phước Cát 2, Quảng Ngãi; trong đó, thị trấn Cát Tiên là trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học – kỹ thuật; thị trấn Phước Cát là | trung tâm thương mại dịch vụ phía Tây Nam của huyện; tổng diện tích tiểu vùng I khoảng 21.825 ha.
Tiểu vùng II: Là vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, phát triển lâm nghiệp gắn với bảo tồn, phát triển rừng; du lịch sinh thái.
Phạm vi, diện tích: các xã: Nam Ninh, Gia Viễn, Đồng Nai Thượng, Tiên Hoàng, trong đó xã Gia Viễn là trung tâm tiểu vùng, định hướng giai đoạn 2035- 2050 tiếp cận tiêu chí đô thị loại V; tổng diện tích tiểu vùng II khoảng 20.869 ha.
Quy hoạch hệ thống hạ tầng đô thị huyện Cát Tiên
- Giai đoạn đến năm 2025 tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí còn yếu và thiếu của thị trấn Cát Tiên và thị trấn Phước Cát theo tiêu chí đô thị loại V.
- Giai đoạn đến năm 2035 tiếp tục đầu tư nâng cấp 02 đô thị này đạt chuẩn đô thị loại V.
Về đô thị thị trấn Cát Tiên
Quy mô diện tích đến năm 2025, tổng diện tích xây dựng khoảng 262 ha, đến 2030 khoảng 313 ha, đến 2050 khoảng 384 ha.
Là đô thị hạt nhân của vùng huyện, vừa là đô thị trong hệ thống đô thị vệ tinh của tiểu vùng III, là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật của vùng huyện. Phát triển đô thị Cát Tiên theo dạng tuyến dọc theo trục không gian chủ đạo là Quốc lộ 55B (đường tỉnh 721 cũ).
Về đô thị thị trấn Phước Cát
Quy mô diện tích đến năm 2025, tổng diện tích xây dựng khoảng 179 ha, đến 2030 khoảng 211 ha, đến 2050 khoảng 262 ha.
Là trung tâm tiểu vùng, trung tâm giao lưu kinh tế – văn hoá, trung tâm thương mại, dịch vụ phía Tây Nam của huyện Cát Tiên. Phát triển điểm dân cư tập trung theo trục không gian chủ đạo Quốc lộ 55B (đường tỉnh 721 nâng cấp).
Quy hoạch phát triển công nghiệp huyện Cát Tiên
- Xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo có công suất 20.000 – 30.000 tấn/năm
- Xây dựng nhà máy chế biến hạt điều có công suất 2.000 tấn/năm
- Xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi có công suất 10.000 tấn/năm)
- Xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời
- Phát triển các cơ sở sản xuất cơ khí để phục vụ phát triển các ngành kinh tế, sửa chữa máy móc nông nghiệp có kết nối thuận lợi với Quốc lộ 55B, đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương và Quốc lộ 14.
- Phát triển cụm công nghiệp tại xã Đức Phổ và thị trấn Phước Cát.
- Phát triển 3 làng nghề truyền thống hiện nay (làng nghề dệt thổ cẩm Buôn Go, làng nghề dệt thổ cẩm Tổ dân phố 15 và làng nghề tiểu thủ công nghiệp và dạy nghề mây tre đan lát Tổ dân phố 6 thị trấn Cát Tiên);
- Quy hoạch phát triển khu làng nghề truyền thống tập trung phía Nam thị trấn Cát Tiên để phát triển du lịch.
Quy hoạch phát triển hạ tầng xã hội và dịch vụ huyện Cát Tiên
- Về giáo dục đào tạo: Nâng cấp, mở rộng 10 trường Trung học cơ sở hiện có.
- Về y tế: nâng cấp Trung tâm y tế huyện Cát Tiên đến năm 2035 thành bệnh viện loại II, quy mô 160 giường; sau năm 2050 đạt quy mô 200 giường.
- Về văn hóa, thể dục thể thao: đầu tư, nâng cấp hệ thống văn hóa, thể dục thể thao hiện có.
- Về thương mại, dịch vụ:Đến năm 2025, đầu tư, nâng cấp 10 chợ hiện có (gồm: 01 chợ hạng II và 09 chợ hạng III). Giai đoạn 2025- 2035, phát triển thêm trung tâm thương mại tại thị trấn Cát Tiên và các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất.
Quy hoạch hạ tầng giao thông huyện Cát Tiên
Trong thời kỳ quy hoạch 2021 – 2035 huyện Cát Tiên tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các tuyến đường giao thông chạy qua địa bàn huyện như:
- Nâng cấp Tỉnh lộ 721 thành Quốc lộ 55B (đoạn từ xã Quảng Ngãi qua thị trấn Cát Tiên, xã Đức Phổ, thị trấn Phước Cát, xã Phước Cát 2), tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, lộ giới 24m – 40m.
- Nâng cấp, cải tạo các tuyến đường huyện đảm bảo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, lộ giới 23,5m – 30m.
- Xây dựng đường vành đai của thị trấn: 02 tuyến đường vành đai thị trấn Cát Tiên và 01 tuyến đường vành đai của thị trấn Phước Cát.
- Xây dựng đường tránh đô thị: phát triển tuyến đường tránh đô thị từ dốc Đá mài đến cầu Phước Cát 2.
- Nâng cấp hạ tầng giao thông đô thị và nông thôn kết nối liên hoàn với hệ thống đường tỉnh, đường huyện trong các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên cơ sở kế thừa và phát triển mạng lưới các tuyến đường giao thông hiện có.
Ngoài ra huyện Cát Tiên cũng quy hoạch hệ thống đường giao thông kết nối liên vùng, nhằm mục tiêu phát triển kinh tế của huyện như:
- Xây dựng đường kết nối từ xã Phước Cát 2 đi tỉnh Bình Phước.
- Xây dựng đường kết nối từ thị trấn Phước Cát đi tỉnh Bình Phước.
- Xây dựng đường kết nối từ trung tâm xã Đồng Nai Thượng đi xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm.
- Xây dựng đường kết nối từ xã Đồng Nai Thượng đi tỉnh Đắk Nông
- Xây dựng đường kết nối từ khu di tích khảo cổ học Cát Tiên đến tuyến đường ĐH 96;
- Nâng cấp kết nối từ đường ĐH 90 (thôn Ninh Hạ) đến đường ĐH 91 (thôn Trung Hưng) và kết nối đường ĐH 96 (thôn 3 xã Quảng Ngãi) đến ĐH 92,…
Dự án ưu tiên đầu tư và giai đoạn thực hiện
– Giai đoạn đến năm 2035 tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ vùng huyện gắn kết hạ tầng kỹ thuật cấp vùng và cấp tỉnh, đẩy nhanh quá trình phát triển thị trấn Cát Tiên và thị trấn Phước Cát.
– Giai đoạn 2035 đến năm 2050: tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn kết đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cấp tỉnh và cấp khu vực trên địa bàn huyện.
Tham khảo thêm:
Bản đồ quy hoạch giao thông, sử dụng đất huyện Di Linh, Lâm Đồng
Quy hoạch đô thị FiNom – Thạch Mỹ đến 2035