Trang chủ Quy hoạch Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch vùng huyện Như Thanh đến 2045

Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch vùng huyện Như Thanh đến 2045

259
0

Quy hoạch xây dụng vùng huyện Như Thanh đến 2045 được xác định theo mô hình “3 hạt nhân – 3 trục liên kết – 1 vành đai phát triển”

Ngày 16/5/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định số 1664/QĐ-UBND Về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045.


Phạm vi và ranh giới lập quy hoạch

Ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Như Thanh với 14 đơn vị hành chính (01 thị trấn và 13 xã), ranh giới lập quy hoạch cụ thể như sau:

Quy mô dân số và đất đai đến 2045, huyện Như Thanh

Về dân số:


  • Dự báo đến năm 2030, dân số toàn huyện gồm cả quy đổi khoảng 150.000 người; dân số đô thị khoảng 31.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 20,7%.
  • Dự báo đến năm 2045, dân số toàn huyện gồm cả quy đổi khoảng 200.000 người; dân số đô thị khoảng 120.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 60,0%.

Về đất đai:

  • Dự báo tổng diện tích đất xây dựng đến năm 2030 khoảng 6.370 ha – 6.640 ha;
  • Dự báo tổng diện tích đất xây dựng đến năm 2045 khoảng 7.620 ha – 8.150 ha;

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Như Thanh được xác định với tính chất là huyện thuộc vùng sinh thái rừng đầu nguồn phía Tây Nam của tỉnh; Là vùng trọng điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cấp Quốc gia; kết nối du lịch sinh thái Rừng với du lịch Biển của tỉnh Thanh Hóa; Là cửa ngõ giao thương của vùng đồng bằng với vùng miền núi phía Tây Nam tỉnh Thanh Hóa.


Quy hoạch định hướng phát triển không gian vùng

Quy hoạch phát triển không gian vùng huyện Như Thanh theo mô hình “3 hạt nhân – 3 trục liên kết – 1 vành đai phát triển” như sau:

  • 3 hạt nhân phát triển: vùng phía Bắc lấy Xuân Du làm hạt nhân, vùng trung tâm lấy Bến Sung làm hạt nhân và vùng phía Nam lấy Thanh Tân làm hạt nhân để lan tỏa phát triển trong quá trình đô thị hóa toàn huyện.
  • 3 trục liên kết: Trục Bắc Nam: Đường tỉnh 520, QL45; trục Đông Tây: Đường Nghi Sơn – Bãi Trành. Hình thành hành lang phát triển trung tâm huyện xuyên suốt theo chiều dài huyện từ Xuân Du đến Thanh Kỳ phát triển các quỹ đất dọc tuyến đường để bố trí các khu chức năng đô thị, công nghiệp, thương mại dịch vụ và các khoảng không gian nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái là không gian mở.
  • 1 vành đai phát triển: Đến năm 2045 hình thành “vành đai phát triển đô thị” lấy Khu du lịch Quốc gia Bến En làm trung tâm với lõi xanh là vùng hồ và rừng Quốc gia Bến En. Hình thành các khu vực dân cư, dịch vụ, công nghiệp dọc đường tỉnh 520 và các trục nối 2 đường nhánh đường KKT Nghi Sơn – Cảng hàng không Thọ Xuân. Phấn đấu thành lập thị xã du lịch Như Thanh trước năm 2045.

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Như Thanh được chia thành 03 phân vùng phát triển, cụ thể như sau:

Vùng 1 (vùng phía Bắc): bao gồm các xã Cán Khê, Xuân Du, Phượng Nghi, Mậu Lâm; trong đó, lấy Xuân Du là trung tâm vùng. Định hướng là vùng phát triển nông, lâm nghiệp chủ yếu theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi gia súc, gia cầm, con nuôi đặc sản; phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.


Vùng 2 (vùng trung tâm): bao gồm Thị trấn Bến Sung, các xã Hải Long, Xuân Thái, Phú Nhuận, Yên Thọ, Xuân Khang, Xuân Phúc; trong đó, lấy thị trấn Bến Sung là trung tâm vùng. Định hướng là vùng phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ thương mại; tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Vùng 3 (vùng phía Nam): Bao gồm các xã: Yên Lạc, Thanh Tân, Thanh Kỳ; trong đó lấy Thanh Tân làm trung tâm. Định hướng là vùng phát triển công nghiệp phụ trợ cho Khu kinh tế Nghi Sơn; các ngành công nghiệp có chọn lọc đảm bảo môi trường bền vững bên cạnh các khu dân cư, các loại hình công nghiệp như: chế biến nông sản, các khu vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, điện năng lượng mặt trời..vv.

Quy hoạch tổ chức hệ thống đô thị và nông thôn, huyện Như Thanh

Hệ thống đô thị huyện Như Thanh được định hướng phát triển theo 2 giai đoạn, cụ thể:

Giai đoạn 2030: Trên địa bàn huyện quy hoạch 01 đô thị và 02 trung tâm cụm xã, bao gồm:

  • Thị trấn Bến Sung (đô thị hạt nhân phát triển vùng trung tâm): phạm vi quy hoạch bao gồm thị trấn Bến Sung cũ và ranh giới thị trấn mở rộng với diện tích khoảng 2.192ha, dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 31.000 người. Định hướng đạt tiêu chuẩn đô thị loại V.
  • Trung tâm cụm xã Xuân Du (hạt nhân phát triển vùng phía Bắc);
  • Trung tâm cụm xã Thanh Tân (hạt nhân phát triển vùng phía Nam).

Giai đoạn 2031-2045: Phấn đấu thành lập thị xã du lịch Như Thanh trên cơ sở toàn bộ địa giới hành chính huyện Như Thanh, trong đó các khu vực nội thị dự kiến bao gồm: các xã, thị trấn hiện tại là: thị trấn Bến Sung, Xuân Du, Thanh Tân, Hải Long, Phú Nhuận, Yên Thọ, Xuân Phúc, Yên Lạc. Tổng dân số khu vực nội thị đạt khoảng 210.000 người.

Khu vực nông thôn huyện Như Thanh được định hướng phát triển như sau:

  • Phát triển các khu trung tâm xã theo hướng tập trung thành cụm công trình, đảm bảo bán kính phục vụ thuận lợi.
  • Các khu dân cư phát triển theo cụm nhằm sử dụng hiệu quả hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ưu tiên gắn với các khu trung tâm xã, các khu vực có giao thông kết nối thuận lợi; Cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng bảo đám môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa, lối sống, thuận lợi cho việc kết hợp phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.

Quy hoạch phát triển công nghiệp huyện Như Thanh

Định hướng phát triển Khu, cụm công nghiệp huyện Như Thanh được thực hiện trên tổng diện tích đất công nghiệp đến năm 2030 là 588,3 ha, đến năm 2045 là 1.284,6 ha, bao gồm các khu và cụm công nghiệp như sau:

  • Khu công nghiệp (thuộc KKT Nghi Sơn): Khu công nghiệp số 16 diện tích 470,0 ha tại xã Thanh Tân; Khu công nghiệp số 18 diện tích 40,2 ha tại xã Yên Lạc; Khu công nghiệp số 19 diện tích 606,1 ha tại xã Yên Lạc (dự kiến đến năm 2030 lấy khoảng 500 ha);
  • Cụm công nghiệp đến 2030: CCN Hải Long – Xuân Khang diện tích 50 ha tại xã Hải Long và xã Xuân Khang; CCN Vạn Thắng – Yên Thọ diện tích 21,29ha tại xã Yên Thọ; CCN Xuân Du diện tích 17 ha tại thôn 10 xã Xuân Du.
  • Cụm công nghiệp giai đoạn 2031-2045: Bổ sung CCN Xuân Phúc diện tích 30,0ha tại thôn Phúc Minh, xã Xuân Phúc và CCN Phú Nhuận diện tích 50ha tại thôn Phú Phượng, xã Phú Nhuận.

Phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản:

  • Quy hoạch các mỏ san lấp, mỏ làm vật liệu thông thường tại các xã Thanh Kỳ, Yên Lạc, Thanh Tân, Xuân Phúc,…
  • Như vậy diện tích đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản đến năm 2030 là 734,10 ha, bằng chỉ tiêu cấp tỉnh phân bổ.

Phát triển các cụm làng nghề:

  • Cụm làng nghề truyền thống miến dong Yên Lạc, cụm làng nghề truyền thống cây cảnh tại 8 thôn của xã Xuân Du; cụm làng nghề làm nem chua lợn mán Bến En tại thị trấn Bến Sung; cụm làng nghề sản xuất hương vị và gia vị của Cán Khê; làng nghề mỹ nghệ ở Xuân Thái; chế biến hàng hóa nông sản ở Yên Thọ…
  • Củng cố, khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống và du nhập các nghề mới; khuyến khích các hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Quy hoạch định hướng phát triển hệ thống hạ tầng xã hội

Trung tâm hành chính chính trị:

  • Các công trình hành chính chính trị, cơ quan cấp huyện cơ bản ổn định được bố trí tại khu vực thị trấn Bến Sung.
  • Các công trình hành chính, công cộng cấp xã hiện có cơ bản giữ ổn định. Một số đơn vị sẽ được điều chỉnh, di dời vị trí khi thực hiện theo quy hoạch Khu kinh tế Nghi Sơn mở rộng hoặc theo định hướng của địa phương trong giai đoạn quy hoạch, như Khu hành chính xã Thanh Kỳ, Khu hành chính xã Yên Lạc…

Hệ thống công trình y tế:

  • Mở rộng quỹ đất Bệnh viện và trung tâm y tế dự phòng để đáp ứng nhu cầu trong tương lai là trung tâm y tế của vùng huyện.
  • Cơ bản ổn định các trạm y tế xã, thị trấn hiện có.

Hệ thống công trình giáo dục:

  • Giữ nguyên hệ thống các trường trung học phổ thông, dành quỹ đất để mở rộng quy mô, nâng cấp đủ đáp ứng với sự phát triển dân số theo từng giai đoạn.
  • Giữ nguyên vị trí Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên tại vị trí hiện nay.
  • Cơ bản giữ nguyên quy mô, vị trí các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non tại vị trí hiện nay, cải tạo khuôn viên, dồn một số điểm lẻ, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học.
  • Dành quỹ đất thích hợp ở khu trung tâm, thuận lợi để kêu gọi đầu tư, xây dựng loại hình trường Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT ngoài công lập, theo hướng xã hội hoá.

Hệ thống công trình văn hóa – thể thao:

Trung tâm văn hóa – thể thao huyện, nhà văn hóa thiếu nhi, nhà văn hoá lao động, thư viện: bố trí phía Nam trung tâm hành chính thuộc một phần khu đất sân thể thao hiện nay, mở rộng sân thể dục thể thao về phía Đông kết hợp với quảng trường hành chính tạo thành quần thể các công trình Hành chính – chính trị – Văn hóa – Thể dục thể thao – Quảng trường – tượng đài.

Quy hoạch hạ tầng giao thông huyện Như Thanh

Quốc lộ:

  • Quốc lộ 45: chiểu dài qua huyện khoảng 18,0km; Quy hoạch đến năm 2045 nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III-IV, 2-4 làn xe.
  • Quy hoạch đoạn tránh qua thị trấn Bến Sung chiều dài tuyến 4km theo tiêu chuẩn đường cấp III, 04 làn xe.
  • Đường Nghi Sơn – Bãi Trành: Chiều dài qua huyện Như Thanh là 23,0km. Quy hoạch đến năm 2045 nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III-IV, 2-4 làn xe.
  • Nâng cấp tuyến đường tỉnh 506 (hiện tại) lên thành Quốc lộ 47B: (Thọ Xuân – Nghi Sơn) 2km, quy hoạch đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn đường cấp I.

Đường tỉnh: Các tuyến hiện có:

  • Đường tỉnh 505: (Chuối – Thanh Tân) 3km, quy hoạch đến năm 2045 đường cấp III.
  • Đường tỉnh 505B: (Thăng Long- Xuân Thái- Đường Nghi Sơn Bãi Trành): 32,4km; quy hoạch đến năm 2045 đường cấp III.
  • Đường tỉnh 514: (Thiều – Thượng Ninh) 13,5km, quy hoạch đến năm 2045 đường cấp III.
  • Đường tỉnh 520: (Sim – TT. Bến Sung – Thanh Tân) 48,0km, quy hoạch đến năm 2045 đường cấp III.
  • Đường tỉnh 520C: (TT Yên Cát- Xuân Khang) chiều dài qua huyện Như Thanh là 2,8km; quy hoạch đến năm 2045 đường cấp III.
  • Đường tỉnh 529: (Thanh Tân – Bò Lăn) 10,5km, quy hoạch đến năm 2045 đường cấp III.

Các tuyến mới đề nghị nâng cấp thành đường tỉnh:

  • Đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn – Tiểu dự án 2, có chiều dài 47 km, quy hoạch đến năm 2045 đường cấp III, hướng tuyến chủ yếu đi theo đường tỉnh 520.
  • Đường Tây Thanh Hóa- Nghi Sơn: Đoạn qua huyện Như Thanh có chiều dài 25,2 km; Đoạn 1: đi trùng với ĐT.505B đoạn từ ĐT.520 đến đường Nghi Sơn – Bãi Trành: có chiều dài 12,7km. Định hướng quy hoạch đến năm 2030 và 2045 theo quy hoạch ĐT.505B. Đoạn 2: từ đường Nghi Sơn – Bãi Trành đến đường tỉnh 529 có chiều dài 7,5km; trong đó có 3,5km là nâng cấp từ đường xã Thanh Tân, còn lại 4km làm mới. Định hướng quy hoạch đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn đường cấp III. Đoạn 3: từ ĐT.529 đi thị xã Nghi Sơn có chiều dài 7,7 km chủ yếu làm đường mới. Định hướng quy hoạch đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn đường cấp III.
  • Đường tỉnh 525 bổ sung (đường Thăng Long – Xuân Thái): chiều dài đoạn qua huyện Như Thanh dài khoảng 15km. Định hướng quy hoạch đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn đường cấp III.
  • Đường từ nút giao cao tốc Vạn Thiện đi Bến En: Có chiều dài qua huyện Như Thanh có chiều dài 5,2 km. Quy hoạch đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng.
  • Đường từ Thị trấn Bến Sung đi Bến En: chiều dài tuyến 3,5km. Quy hoạch đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn cấp III.
  • Đường từ Thị trấn Bến Sung đi Am Tiên: có chiều dài khoảng 8,8 km Quy hoạch đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn cấp III.
  • Quy hoạch mới tuyến đường tỉnh theo hướng Bắc Nam, song song với đường tỉnh 520; điểm đầu từ Cán Khê (Đường tỉnh 514) qua các xã Phượng Nghi, Mậu Lâm, Phú Nhuận, thị trấn Bến Sung, Yên Thọ, Yên Lạc; điểm cuối  tại Thanh Kỳ. Tuyến có một số đoạn trùng với đường huyện hiện có, dài 40km. Quy hoạch đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2-4 làn xe.
  • Quy hoạch nâng cấp tuyến đường huyện thị trấn Bến Sung – Vũ Yên (Nông Cống) thành đường tỉnh. Quy hoạch đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2-4 làn xe.
  • Quy hoạch nâng cấp tuyến đường từ đường tỉnh 520 đi Triệu Sơn (nâng cấp từ 1 nhánh của đường huyện ĐH.04 từ Xuân Du đi Hợp Thắng Triêụ Sơn) thành đường tỉnh. Quy hoạch đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2-4 làn xe.

Quy hoạch hệ thống đường huyện: Các đường huyện hiện có, một số đoạn tuyến nâng cấp thành đường tỉnh, còn lại quy hoạch đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn cấp IV; Đề xuất quy hoạch nâng cấp và mở mới một số tuyến đường ngang tạo kết nối mạng giao thông toàn huyện, bao gồm:

  • Tuyến đường TT Bến Sung- Yên Thọ: chiều dài tuyến khoảng 3km; Định hướng đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 4 làn xe.
  • Tuyến đường Phượng Nghi- Xuân Khang: chiều dài tuyến khoảng 6km; quy hoạch tuyến trên cơ sở một số đoạn tuyến hiện trạng và chủ yếu là đường mới; Định hướng đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn đường cấp III.
  • Tuyến đường từ Xuân Thái đi Thanh Tân: chiều dài tuyến khoảng 12km. Định hướng đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn đường cấp V.
  • Tuyến đường TT Bến Sung- Hải Long: chiều dài tuyến khoảng 4,8km; quy hoạch đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn đường cấp III.

Bến xe khách:

  • Quy hoạch 08 bến xe: 01 bến xe loại 1 (Xuân Phúc); 01 bến xe loại 3 (thị trấn Bến Sung); 01 bến xe loại 4 (Thanh Tân); 06 bến xe loại 6 (trong khu du lịch Bến En, Xuân Du, Mậu Lâm, Cán Khê, Phượng Nghi).
  • Bến thủy nội địa: Quy hoạch 02 bến đầu mối du lịch tại khu vực Bến En và xã Xuân Thái.

Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư tại huyện Như Thanh

Giai đoạn 2021-2030:

  • Dự án đường Vạn Thiện đi Bến En;
  • Dự án đường Bến En đi trung tâm TT. Bến Sung;
  • Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường Sim–TT.Bến Sung–Thanh Tân (ĐT. 520), tạm thời nâng cấp lên thành đường cấp IV;
  • Dự án Xây dựng bến xe khách huyện Như Thanh;
  • Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Bến En, huyện Như Thanh;
  • Xây dựng tuyến đường từ thị trấn Bến Sung đi Yên Thọ;
  • Xây dựng nhà máy nước Bến En công suất 25.000m3/ngày.đêm;
  • Xây dựng nghĩa trang tại phía Đông Nam thị trấn Bến Sung;
  • Dự án các khu dân cư đô thị, bao gồm: Dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí cao cấp Xuân Lai, thị trấn Bến Sung; Khu dân cư và tái định cư tại khu phố Vân Thành, thị trấn Bến Sung; Khu dân cư và tái định cư tại khu phố Đồng Mười, thị trấn Bến Sung; Dự án Khu dân cư mới Thung Ổi, thị trấn Bến Sung; Khu dân cư Xuân Phong, thị trấn Bến Sung. Dự án Khu đô thị mới Hải Vân.
  • Ưu tiên lập quy hoạch và thành lập 3 cụm công nghiệp của huyện, phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ lấp đầy 100%.
  • Dự án Đường giao thông từ đường tỉnh 520 đi Vạn Thành (Nông Cống);
  • Dự án Tuyến Quốc lộ 45 đoạn tránh thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa (Đường số 26 – đường vành đai phía đông): Từ Xuân Điền, Thị trấn Bến Sung đến ngã ba Vĩnh Lợi, xã Hải Long;
  • Dự án Đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn – Tiểu dự án 2;
  • Dự án Nạo vét và kè chống sạt lở bờ sông Khe Rồng trên địa bàn huyện Như Thanh;
  • Dự án tuyến đường thị trấn Bến Sung đi Khu di tích Am Tiên; – Tập trung thu hút đầu tư vào các dự án du lịch sinh thái, du lịch tâm
    linh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai sớm đưa dự án vào hoạt động tạo động lực chính để phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu;
  • Xây dựng, nâng cấp tuyến đường trục dọc song song với đường tỉnh 520 chạy từ Cán Khê đến Thanh Tân;
  • Xây dựng một số hạ tầng kỹ thuật cơ bản như hệ thống cấp điện, xử lý nước thải, chất thải rắn;
  • Hoàn thành mở rộng nâng cấp thị trấn Bến Sung và quy hoạch các điểm trung tâm xã.
  • Xây dựng các khu tái định cư vùng ngập lụt lòng hồ Sông Mực, hồ Yên Mỹ.
  • Xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình hồ đập, trạm bơm tưới và hệ thống kênh mương nội đồng trên địa bàn huyện;
  • Xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện.

Giai đoạn 2031-2045:

  • Tiếp tục xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Bến En;
  • Phát triển nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, tập trung;
  • Xây dựng, phát triển và hoàn chỉnh các khu vực đô thị, các khu dân cư sinh thái;
  • Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật;
  • Kêu gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp còn lại, nâng cao tỷ lệ lấp đầy ở các cụm công nghiệp;
  • Xây dựng các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn huyện.

Tài liệu kèm theo:


5/5 - (5 bình chọn)
Bài trướcĐiều chỉnh quy hoạch chung thị xã Bỉm Sơn đến 2045 là một trong 3 cực tăng trưởng
Bài tiếp theoQuy hoạch huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa đến 2045

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây