TP Thủ đức chính thức được UB Thường vụ Quốc hội cho thành lập với mô hình “thành phố trong thành phố”. Việc xác định quy mô, tổ chức bộ máy của thành phố mới được tranh luận nhiều…
Với Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM được UB Thường vụ Quốc hội được thông qua chiều 9/12, TP Thủ Đức chính thức được thành lập với diện tích tự nhiên là 211,56 km2 và quy mô dân số 1.013.795 người.
3 quận hợp thành một thành phố
Tại Nghị quyết được thông qua, TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ 49,79 km2 diện tích tự nhiên, 171.311 người của Quận 2; toàn bộ 113,97 km2 diện tích tự nhiên, 310.107 người của Quận 9 và toàn bộ 47,80 km2 diện tích tự nhiên, 532.377 người của quận Thủ Đức.
Như thế, sau khi thành lập, TP Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người. TP Thủ Đức sau khi thành lập giáp Quận 1, Quận 4, Quận 7, Quận 12, quận Bình Thạnh; tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương.
Nghị quyết cũng cho phép thành lập phường An Khánh trên cơ sở nhập toàn bộ 2,03 km2 diện tích tự nhiên, 4.333 người của phường Bình Khánh và toàn bộ 1,89 km2 diện tích tự nhiên, 18.821 người của phường Bình An.
Sau khi thành lập, phường An Khánh có 3,92 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 23.154 người, giáp các phường An Lợi Đông, An Phú, Bình Trưng Tây, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm; Quận 7 và quận Bình Thạnh.
Các phường trên địa bàn TP Thủ Đức
Với các phương án sắp xếp trên, TP Thủ Đức sẽ có 34 phường: An Khánh, An Lợi Đông, An Phú, Bình Chiểu, Bình Thọ, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Cát Lái, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Hiệp Phú, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Linh Trung, Linh Xuân, Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tam Bình, Tam Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Tân Phú, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm, Trường Thạnh, Trường Thọ.
Cùng với nội dung trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giải thể Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh
Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức theo quy định của pháp luật.
Ủy quyền tối đa cho Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức
Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu ủng hộ mô hình đổi mới “thành phố trong thành phố” tại đây với kỳ vọng mang lại lợi ích lớn cho người dân, khai thác hết tiềm năng của thành phố lớn nhất cả nước.
Đánh giá của các chuyên gia
Về quy mô thành phố Thủ Đức, với hơn 1 triệu dân, là cấp quận duy nhất tại TPHCM có đầy đủ mô hình một cấp chính quyền địa phương (gồm cả HĐND và UBND), ông Giàu đề nghị cung cấp rõ hơn thông tin về việc triển khai hoạt động quy hoạch, cơ cấu nhân sự các cơ quan nhà nước.
Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục Phan Thanh Bình phân tích, Thủ Đức chiếm tới 1/3 GRDP của TPHCM, là trung tâm công nghệ sáng tạo, là cửa ngõ phía Đông để kết nối với khu vực trung tâm kinh tế miền Đông Nam Bộ, quy mô, tiềm năng rất lớn.
Chính quyền đô thị của thành phố Thủ Đức, theo ông Bình, “là anh của huyện và là em của tỉnh”, cần được giao quyền tương xứng. Ông Bình đặt vấn đề, vị thế của Chủ tịch thành phố thậm chí không thua kém Phó Chủ tịch TPHCM.
Ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khuyến cáo “không làm phức tạp vấn đề”. Việc sắp xếp đơn vị hành chính ở thành phố Thủ Đức đơn giản là nhập 3 quận (Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức) làm một, bản chất vẫn là địa giới hành chính huyện Thủ Đức trước đây.
“Như vậy, thành phố Thủ Đức vẫn là một đơn vị hành chính cấp quận/huyện, không nên nói đây là “anh của quận, là em của tỉnh”, làm rối vấn đề” – Chủ tịch Quốc hội góp ý.
Báo cáo thêm tại phiên họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trình bày, quá trình xây dựng đề án chính quyền đô thị TPHCM được thành phố chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều năm, khảo sát, đánh giá nhiều chiều, trong đó có việc thành lập thành phố Thủ Đức theo mô hình “thành phố trong thành phố”.
Kế hoạch phát triển TP Thủ Đức
Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM, thành phố đang lên kế hoạch đầu tư để phát triển 8 trung tâm trọng điểm của thành phố Thủ Đức.
Về nguồn nhân lực, sau sắp xếp, có hơn 600 cán bộ dôi dư, TPHCM đã có phương án để giải quyết theo lộ trình 5 năm, nhưng Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nêu mốc cam kết với Bộ Nội vụ là đến 2022 sẽ hoàn thành. Song song với đó, thành phố cũng sẵn sàng kế hoạch đào tạo cán bộ để ít nhất sẽ đạt chuẩn quốc tế ở 8 ngành nghề như y tế, du lịch, tài chính ngân hàng, quản lý đô thị…
Chính sách phát triển
Về chính sách với TP Thủ Đức, ông Phong trình bày, vấn đề đã được quy định trong đề án chính quyền đô thị TPHCM. Theo đó, TPHCM có thẩm quyền trình lên Chính phủ, UB Thường vụ Quốc hội quyết định việc tổ chức mô hình “thành phố trong thành phố” theo hướng để tạo đột phá, phát huy hiệu lực, hiệu quả trong điều hành.
“TPHCM đã xây dựng đề án để ủy quyền với 85 đầu việc cho Chủ tịch UBND cấp quận. Theo tinh thần này, thành phố chủ trương ủy quyền ở mức cao nhất cho Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức” – ông Phong nói.
Theo Dantri.com.vn