Trang chủ Quy hoạch Thách thức và giải pháp cho việc phát triển du lịch bền...

Thách thức và giải pháp cho việc phát triển du lịch bền vững tại An Giang

256
0

Tỉnh An Giang, nằm ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn tại miền Tây Nam Bộ. Với các địa danh nổi tiếng như chùa Bà Chúa Xứ, đền Tổ Quốc, cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, khu di tích thánh địa Tây An và nhiều bãi tắm đẹp, An Giang đã thu hút một lượng lớn du khách trong những năm gần đây. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch bền vững tại An Giang vẫn đang gặp phải nhiều thách thức và cần có những giải pháp thích hợp để giải quyết. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những thách thức và giải pháp cho việc phát triển du lịch bền vững tại tỉnh An Giang.

Bản đồ phương án quy hoạch ngành du lịch tỉnh an giang
Bản đồ phương án quy hoạch ngành du lịch tỉnh an giang

Thực trạng ngành du lịch An Giang

Năm 2020, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch của tỉnh đạt 336 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2016-2020 đạt 0,4%/năm; thu hút 6,5 triệu lượt du khách, tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2011-2020 đạt 2,3%/năm; trong đó, lượt khách lưu trú của các khách sạn đạt chuẩn là 300 nghìn lượt; lượt khách lưu trú tại các nhà nghỉ, nhà trọ ước đạt 430 nghìn lượt; khách quốc tế đạt 15 nghìn lượt.


Các loại hình du lịch:

– Du lịch tâm linh: Phát triển rất mạnh với điểm nhấn là Lễ hội lớn nhất ở An Giang, có tầm ảnh hưởng mạnh trong cả nước đó là lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Thành phố Châu Đốc, nơi có địa danh núi Sam và miếu Bà đã trở thành trung tâm du lịch của An Giang. Bên cạnh lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, An Giang còn có nhiều tài nguyên và di tích tiêu biểu khác phù hợp cho loại hình du lịch tâm linh như Núi Cấm, và nhiều chùa, tháp, điện ở khu du lịch Cù Lao Giêng… Tuy nhiên, hiện nay, du lịch tâm linh chủ yếu phát triển theo chiều rộng hơn là chiều sâu nên loại hình du lịch này cũng chỉ dừng lại ở các hoạt động tham quan, chiêm ngưỡng kiến trúc của các công trình tôn giáo, thực hiện các nghi lễ cúng kiếng, cầu khấn là chủ yếu. Thời gian lưu trú ngắn nên khả năng tạo nguồn thu cho người dân và ngân sách địa phương không nhiều.

– Du lịch văn hóa: Du lịch văn hóa cũng là một thế mạnh của du lịch An Giang, với điểm nhấn lớn là Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo Ba Thê.

– Du lịch trải nghiệm hay du lịch cộng đồng (homestay): An Giang hội đủ các yếu tố đầu vào để phát triển loại hình du lịch này. Một số loại hình du lịch trải nghiệm đang có như du lịch trải nghiệm nhà sàn được tổ chức mạnh ở cù lao Ông Hổ, TP. Long Xuyên; du lịch trải nghiệm tìm hiểu văn hóa dân tộc Khmer và Chăm…


Mặc dù An Giang có tài nguyên du lịch phong phú và nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm du lịch đồng bộ, tuy nhiên, sự liên kết hiện nay giữa các tài nguyên và sản phẩm du lịch còn khá rời rạc.

Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động du lịch:

Hiện nay, An Giang có 99 cơ sở lưu trú du lịch với gần 3.000 phòng, trong đó số lượng cơ sở được phân hạng là 65 cơ sở gồm 01 khách sạn 4 sao; 06 khách sạn 3 sao; 07 khách sạn 2 sao; 24 khách sạn 1 sao và 31 cơ sở đủ điều kiện tối thiểu. Nhìn chung, số lượng cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh không nhiều, phần lớn là phục vụ nhu cầu khách phổ thông. Toàn tỉnh chưa có khách sạn nào đạt tiêu chuẩn 5 sao, các khách sạn 3-4 sao phân bố chủ yếu ở thành phố Châu Đốc và Long Xuyên. Dịch vụ lưu trú cao cấp dành cho đối tượng khách hàng trung lưu trở lên vẫn chưa hình thành. Điều này có thể sẽ làm giảm chất lượng của dịch vụ du lịch địa phương.

Đầu tư phát triển hạ tầng du lịch:

Giai đoạn 2016-2020, ngành du lịch đã thu hút đầu tư 25 dự án với tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng. Trong đó, một số dự án tập trung vào các khu vui chơi giải trí, khách sạn, nhà hàng như: Công viên trò chơi Núi Cấm, Khu du lịch văn hóa tâm linh – cáp treo Bà Chúa Xứ, Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Trà Sư, Khu vui chơi giải trí Hải Đến, khu nghỉ dưỡng Sang Như Ngọc (Núi Cấm)… đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch Núi Sập, Khu du lịch Soài So, cơ sở hạ tầng Khu du lịch Núi Cấm, đường lên đỉnh Núi Sam.


Đánh giá chung:

Ngành du lịch tỉnh An Giang có nhiều tiềm năng nhưng chỉ mới được chú trọng, đánh giá đúng mức gần đây. Các sản phẩm du lịch chủ yếu là khai thác các lợi thế sẵn có. Các khu du lịch trọng điểm bước đầu xây dựng thương hiệu nhưng năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chưa có tính bền vững. Mặc dù du lịch tỉnh thu hút nhiều du khách nhưng mức chi tiêu bình quân của du khách còn thấp. Các hoạt động du lịch bước đầu tạo việc làm với mức thu nhập thấp hoặc trung bình, nhưng ngân sách mang lại cho tỉnh lại không cao, trong khi để phát triển mạnh mẽ ngành này đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn. Nguồn lực của tỉnh còn hạn chế nên việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn khiêm tốn. Công tác quản lý tại các khu du lịch trọng điểm còn thiếu chặt chẽ, chưa có sự phối hợp tốt giữa các đơn vị chức năng ở địa phương. Công tác hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án cũng còn chậm. Công tác xúc tiến quảng bá chưa chuyên nghiệp, chưa có đủ nguồn lực để tham gia các đợt xúc tiến ngoài nước. Giao thông kết nối đến An Giang cũng như giao thông nội tỉnh đã có những cải thiện đáng kể trong thời gian qua nhưng vẫn chưa đáp ứng tốt đối với nhu cầu du khách đến An Giang từ các địa phương khác và di chuyển giữa các điểm du lịch trong tỉnh.

Thực trạng các khu du lịch tại An Giang

Khu du lịch Mỹ Hòa Hưng – cồn Phó Ba

Điểm nhấn của Khu du lịch Mỹ Hòa Hưng – cồn Phó Ba là Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Đây là nơi lưu giữ hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa – lịch sử về thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Hiện là di tích lịch sử – văn hóa đặc biệt cấp quốc gia.

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê có vị trí tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn. Đặc biệt là khu di tích đặc biệt cấp quốc gia Óc Eo – nguồn tài nguyên du lịch vô giá mà huyện đang sở hữu, với các điểm như: chùa Linh Sơn cổ tự, Di tích Nam Linh sơn tự, Di tích gò Cây Thị A, gò Cây Thị B… mỗi năm đón hơn 100.000 lượt khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu. Bên cạnh đó, còn có cụm núi Ba Thê: gồm 5 núi Ba Thê, núi Nhỏ, núi Tượng, núi Trọi và núi Chóc, Núi Ba Thê lớn nhất với độ cao 221 m, chu vi khoảng 4.220 m, nằm lẻ loi giữa cánh đồng Tứ giác Long Xuyên, thuộc thị trấn Óc Eo.


Khu Du lịch quốc gia Núi Sam

Đây là khu di tích nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử, văn hóa tâm linh đựợc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia: Miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu, Tây An Tự, Chùa Hang… Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Khu du lịch Núi Cấm

Khu du lịch Núi Cấm có vị trí tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Núi Cấm cao khoảng 716 m, là điểm du lịch trọng điểm của tỉnh với hệ thống sinh thái rừng đa dạng và phong phú, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, khí hậu mát mẻ quanh năm. Các công trình kiến trúc trên Núi Cấm gồm chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, hồ Thủy Liêm… Ngoài ra, khu du lịch còn có các cảnh quan tự nhiên độc đáo: vồ Thiên Tuế, động Thủy Liêm, vồ Bồ Hông, vồ Ông Bướm, suối Thanh Long, hang Bác Vật Lang, hang Ông Thẻ, hang Ông Hổ,…

Khu du lịch Núi Sập

Khu du lịch Núi Sập có vị trí tại thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn. Là một trong những ngọn núi góp phần tạo thêm vẻ đẹp cho vùng Bảy Núi An Giang. Tuy không cao nhưng núi Sập vẫn giữ được cho mình nét hoang dã bởi tán cây rừng bao phủ. Vẻ đẹp của núi Sập còn được tôn lên nhờ hệ thống 3 hồ nước thông nhau bằng các đường hầm xuyên núi: hồ Số 1, hồ Số 2 và hồ Ông Thoại.

Khu du lịch Cù Lao Giêng

Khu du lịch Cù Lao Giêng thuộc địa bàn 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới. Khu du lịch Cù Lao Giêng có vị trí nằm giữa sông Tiền, có chiều dài 12 km và chiều rộng lên đến 7 km, nơi đây từ lâu được biết đến là một “Cù lao xanh”.

Khu bảo tồn, khu vực cần được bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh

Khu bảo tồn

Khu bảo tồn loài và sinh cảnh, tổng diện tích 2.668 ha, trong đó gồm:

– Khu Cô Tô – Tức Dụp – Tà Pạ: Diện tích 2.168 ha.

– Búng Bình Thiên (đất ngập nước): Có vị trí tại ấp Búng Lớn, xã Nhơn Hội, huyện An Phú, quy mô 500 ha. Búng Bình Thiên có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với diện tích mặt nước vào mùa nước nổi, được xem là hồ nước ngọt lớn nhất miền Tây. Búng Bình Thiên còn là nơi sinh sống của cộng đồng người Kinh, Hoa, Chăm, Khmer với những nét văn hóa dân tộc đặc sắc, ẩm thực phong phú, đa dạng. UBND huyện An Phú đã phê duyệt quy hoạch chung khu du lịch Búng Bình Thiên thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và giải trí với diện tích 139 ha. Tuy nhiên, đến nay, khu vực này vẫn còn hoang sơ, chưa được đầu tư phát triển để khai thác tiềm năng du lịch. Khu bảo vệ cảnh quan, tổng diện tích 6.279,5 ha, trong đó gồm:

– Khu Núi Sam: Diện tích 171 ha.

– Khu Núi Cấm: Diện tích 4.188 ha.

– Thoại Sơn (cụm Núi Sập, Núi Ba Thê, Núi Tượng, Núi Nhỏ): Diện tích 370,5 ha.

– Rừng tràm Trà Sư (đất ngập nước) ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên: Tổng diện tích Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 về quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020 là 1.050 ha. Phân theo hiện trạng sử dụng đất rừng trồng gỗ ngập phèn là hơn 707 ha; đất trống ngập nước phèn và đất mặt nước gần 122 ha; đất đang trồng lúa nước hơn 200 ha và đất khác hơn 18 ha. Các phân khu chức năng khu bảo vệ nghiêm ngặt diện tích 365 ha, chiếm 35% tổng diện tích tự nhiên của khu bảo vệ cảnh quan; phân khu phục hồi sinh thái diện tích 523 ha, chiếm 50% tổng diện tích tự nhiên của Khu bảo vệ cảnh quan; phân khu dịch vụ hành chính diện tích 162 ha, chiếm 15% tổng diện tích tự nhiên của khu bảo vệ cảnh quan.

– Rừng tràm huyện Tri Tôn (đất ngập nước): Diện tích 500 ha.

Khu bảo vệ kết hợp sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, tổng diện tích 4.075 ha, gồm cụm Núi Phú Cường: 328 ha, Núi Dài: 2.701 ha, Núi Dài Năm Giếng 855 ha, Núi Ông Két: 191 ha.

Khu vực cần được bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh

– Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên.

– Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê: Có vị trí tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn.

– Khu di tích lịch sử – văn hóa Núi Sam: Thuộc xã Vĩnh Tế, Châu Ðốc, bao gồm 2 điểm tham quan tiêu biểu là Miếu Bà Chúa Xứ và Lăng Thoại Ngọc Hầu với tổng diện tích khoảng 2 ha. Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã định hướng phát triển Lăng miếu Núi Sam thành điểm du lịch quốc gia.

– Khu di tích – lịch sử nhà mồ Ba Chúc thuộc thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn.

– Khu di tích – lịch sử Đồi Tức Dụp

Định hướng và giải pháp phát triển ngành du lịch An Giang đến 2030

Định hướng phát triển

Du lịch tỉnh An Giang cần xác định phát huy các giá trị truyền thống, văn hoá, con người mang “đặc sắc” An Giang để bảo đảm phát triển bao trùm, bền vững và hướng tới thịnh vượng. Tập trung phát huy những yếu tố đặc sắc trên để giúp An Giang vừa phát triển kinh tế thông qua các hoạt động du lịch đặc thù, nhất là du lịch văn hóa tâm linh, du lịch lịch sử, vừa phát triển xã hội theo hướng văn minh, giàu đẹp.

Phát triển du lịch An Giang trên cơ sở khai thác các nguồn tài nguyên tự nhiên và văn hoá hướng tới mục tiêu kinh tế, song vẫn đảm bảo các mục tiêu về xã hội, quốc phòng an ninh, văn hóa và sinh thái trong tương lai. Phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Đầu tư phát triển hạ tầng du lịch vừa đảm bảo khai thác lợi thế vùng giáp biên vừa đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng biên giới.

Phát triển loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái là mục tiêu dài hạn của Tỉnh. Bên cạnh đó, phát triển du lịch cộng đồng, kết hợp phát triển nông nghiệp, làng nghề nông thôn theo hướng bền vững, nhằm ổn định sinh kế cho người dân trong ngắn hạn. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng chiến lược để nâng cấp du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong trung và dài hạn.

Bảo tồn và phát huy giá trị đa văn hoá: phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của cộng đồng người Chăm, Khmer, Hoa. Bên cạnh đó, đảm bảo tính hoà hợp và đa dạng văn hoá của các dân tộc tại đây (Kinh, Chăm, Khmer, Hoa).

Tăng cường liên kết vùng và quốc tế: Tăng cường liên kết và hợp tác phát triển du lịch An Giang trong mối quan hệ liên vùng, liên khu vực, gắn với ĐBSCL. Đặt quá trình phát triển du lịch của An Giang trong mối quan hệ với sự phát triển du lịch các tỉnh trong vùng ĐBSCL, khu vực Đông Nam Bộ, khu vực ASEAN.

Phát triển chuỗi giá trị liên ngành gắn với phát triển nông nghiệp bền vững: Phát triển du lịch tâm linh An Giang trở thành mối mắc xích gắn kết ngành nông nghiệp và làng nghề tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ. Khai thác tính độc đáo của từng địa phương, từng thương hiệu nông sản (lúa mùa nổi, sản phẩm dược liệu, hũ mắm, khô cá…) làm lợi thế cạnh tranh trên thị trường du lịch.

Mục tiêu phát triển

Đến năm 2030, An Giang trở thành trung tâm du lịch năng động, sáng tạo với các loại hình độc đáo, khác biệt về sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh kết hợp du lịch trải nghiệm sinh thái bậc nhất tại vùng ĐBSCL; An Giang là trung tâm “du lịch văn hóa tâm linh” của cả nước; là nơi cung cấp dịch vụ du lịch thân thiện nhất, hấp dẫn nhất và cạnh tranh nhất cho du khách. Đến năm 2050, An Giang là trung tâm du lịch xanh64 của vùng ĐBSCL. Ngành du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng góp quan trọng vào cơ cấu kinh tế, ngân sách địa phương và thu nhập – việc làm cho người dân, nhất là khu vực nông thôn. Du lịch An Giang là hình ảnh, là thương hiệu mới của tỉnh.

Đến năm 2030, hoàn thành cơ bản chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; Khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tăng tỉ lệ đóng góp trong cơ cấu GRDP chung của tỉnh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho xã hội. Xây dựng thương hiệu và phấn đấu đưa An Giang trở thành trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL và cả nước.

– Giai đoạn 2021-2025, ngành du lịch An Giang phấn đấu đón 42 triệu lượt khách, năm 2025 đạt 10 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú chiếm 30%. Giai đoạn 20262030 đón 48 triệu lược khách, năm 2030 đạt 12 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú chiếm 50%. – Giai đoạn 2021-2025, ngành du lịch An Giang phấn đấu doanh thu 27.800 tỷ đồng, năm 2025 doanh thu từ du lịch đạt 7.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2026-2030, phấn đấu doanh thu 39.000 tỷ đồng, năm 2025 doanh thu từ du lịch đạt 10.000 tỷ đồng.

– Đến 2025 có thêm ít nhất 01 khu du lịch văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn; có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 5 sao; có các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn tại các khu du lịch trọng điểm và các thành phố lớn như Long Xuyên, Châu Đốc.

Phương án phát triển du lịch

a) Loại hình, sản phẩm du lịch Phát triển từng loại hình du lịch đặc thù theo định hướng không gian tiểu vùng, trên quan điểm là lấy một vài loại hình du lịch làm mũi nhọn, đồng thời kết hợp đa dạng các loại hình du lịch khác để bổ trợ và tăng tính trải nghiệm cho du khách.

Nhóm 1: Phát triển loại hình du lịch văn hóa, tâm linh kết hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng với 2 trung tâm chính là Châu Đốc và Tịnh Biên – Tri Tôn, gồm các địa phương: Châu Đốc, Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn và một phần huyện An Phú (bờ tây sông Hậu).

Trung tâm du lịch Châu Đốc:

– Trung tâm du lịch Châu Đốc, bao gồm cả An Phú Tân Châu, được kết nối với bên ngoài qua Quốc lộ 91, về sau có thêm tuyến cao tốc Châu Đốc – Long Xuyên – Cần Thơ, tuyến N1; tuyến QL 91C, cầu Long Bình kết nối với Phnompenh – Campuchia.

– Sản phẩm du lịch chính: Du lịch tâm linh, lễ hội; du lịch vui chơi, giải trí (trường đua bò giải trí); du lịch mua sắm đặc sản Châu Đốc; du lịch tham quan di tích lịch sử (chợ Châu Đốc), nhà cổ Châu Đốc; du lịch văn hóa dân tộc Chăm (làng Chăm); du lịch làng nghề: dệt chăm Châu Phong, dệt lụa Tân Châu; du lịch sinh thái sông nước: làng cá bè Châu Đốc, Búng Bình Thiên (nghỉ dưỡng, thể thao dưới nước: lướt ván, chèo thuyền Ka-yak).

Trung tâm du lịch Tịnh Biên – Tri Tôn:

– Với thế mạnh là cửa khẩu quốc tế đường bộ chính của An Giang, Tịnh Biên sẽ là nơi trung chuyển khách liên tuyến quốc tế Việt Nam – Campuchia. Tịnh Biên với Khu du lịch Núi Cấm và đặc biệt rừng tràm Trà Sư với hệ sinh thái ngập nước độc đáo có sức hút rất lớn đối với du khách quốc tế, khách đến từ TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Bắc.

– Sản phẩm du lịch chính: Du lịch sinh thái đất ngập nước và sinh thái núi (núi Cấm, núi Trà Sư); du lịch hành hương, dã ngoại Núi Cấm; du lịch nghỉ dưỡng, trị bệnh, đồng thời khôi phục và quảng bá vùng dược liệu Thất Sơn; du lịch mua sắm (siêu thị miễn thuế cửa khẩu Tịnh Biên); du lịch văn hóa lễ hội (Hội đua bò Bảy Núi); du lịch thăm quan di tích lịch sử (Nhà mồ Ba Chúc, Đồi Tức Dụp); du lịch thể thao giải trí, mạo hiểm như: dù lượn, leo núi, đua xe địa hình….

Nhóm 2: Phát triển loại hình du lịch sinh thái kết hợp du lịch cộng đồng với sản phẩm du lịch nông thôn (làng nghề kết hợp văn hóa, trải nghiệm nông nghiệp, tham quan ngắm cảnh, trải nghiệm cộng đồng) là sản phẩm mũi nhọn tại các địa phương: Tân Châu, Phú Tân, Chợ Mới và một phần huyện An Phú (bờ đông sông Hậu).

Nhóm 3: Cụm Long xuyên, Thoại Sơn, Châu Thành là trung tâm hành chính, cung cấp dịch vụ tổng hợp, vui chơi giải trí, thể thao phù hợp phát triển loại hình du lịch cộng đồng kết hợp các sản phẩm, dịch vụ vui chơi giải trí, đặc biệt là các sản phẩm giải trí về đêm, khảo cổ Óc Eo là di tích quốc gia đặc biệt đang hoàn chỉnh hồ sơ công nhận di sản văn hóa thế giới và du lịch tâm linh tại khu Thiền viện Trúc lâm An Giang.

Trung tâm du lịch Long Xuyên – Chợ Mới – Thoại Sơn:

– Trung tâm du lịch Long Xuyên, bao gồm cả Châu Thành, Chợ Mới, Thoại Sơn. Với vị trí là đô thị trung tâm, tỉnh lỵ của tỉnh, hàng năm Long Xuyên tiếp nhận nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham dự hội nghị, hội thảo và làm việc với các cơ quan ban ngành của tỉnh. Tuy nhiên, về tài nguyên du lịch, ngoài khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở Mỹ Hòa Hưng, Long Xuyên không có nhiều điểm đặc biệt so với các vùng khác. Vì vậy, nếu chỉ tập trung phát triển khu lưu niệm thì khó để giữ chân du khác lưu lại lâu ở cụm du lịch này. Để thu hút và giữ chân khách, cần lấy du lịch sinh thái cù lao (Cù Lao Ông Hổ và Cù Lao Giêng) làm sản phẩm du lịch đặc thù cho cụm du lịch này. Cần tổ chức lại các điểm tham quan, nghỉ ngơi tại hai cù lao, đặc biệt là xây dựng bến tàu du lịch hiện đại, rút ngắn khoảng cách di chuyển từ Long Xuyên sang Mỹ Hòa Hưng.

– Đối với Cù Lao Ông Hổ, nơi có khu lưu niệm Bác Tôn vừa được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, An Giang phấn đấu sớm hoàn thiện quy hoạch Khu đô thị Mỹ Hòa Hưng và trình Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều chỉnh, bổ sung điểm du lịch quốc gia thành Khu du lịch cấp quốc gia.

– Với Cù Lao Giêng trên sông Tiền thuộc huyện Chợ Mới có hệ thống cơ sở di tích kiến trúc tôn giáo độc đáo và tuyệt đẹp cùng với hệ sinh thái ruộng vườn đa dạng rất thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng (homestay). Cù Lao Giêng sẽ là điểm dừng chân thú vị cho khách du lịch đường thủy quốc tế tuyến Cần Thơ – Phnômpênh hoặc tuyến TP. HCM – Mỹ Tho – Phnômpênh.

– Sản phẩm chính của cụm du lịch này sẽ là: Du lịch tham quan di tích lịch sử; du lịch vui chơi, giải trí, thể thao; du lịch sinh thái, cộng đồng; du lịch đường sông và loại hình du lịch hội nghị, hội thảo.

Trung tâm du lịch Óc Eo – Thoại Sơn:

An Giang được xác định là một trung tâm của nền văn hóa Óc Eo. Di tích văn hóa Óc Eo Ba Thê đã được nhà nước công nhận là di tích đặc biệt cấp quốc gia năm 2013. khảo cổ Óc Eo đang hoàn chỉnh hồ sơ công nhận di sản văn hóa thế giới và du lịch tâm linh tại kh u Thiền viện Trúc lâm An Giang Vì vậy, Óc Eo đang đang trở thành điểm đến hấp dẫn mới của vùng Thoại Sơn. Để kết nối các di tích của nền văn hóa này cần có mức độ đầu tư lớn (đường giao thông dẫn vào khu Gò Cây Thị, sa bàn mô tả các khu vực văn hóa Óc Eo ở An Giang, phục chế một số hiện vật, đền đài..), tạo thành tour du lịch chuyên đề khám phá một nền văn hóa huyền thoại và rất huy hoàng trong lịch sử của vùng đất Phương Nam. b) Bố trí không gian các khu, điểm du lịch Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành các khu, điểm du lịch như sau:

Khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2030
Khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2030

Giải pháp phát triển ngành du lịch tỉnh An Giang

Giải pháp về đầu tư hạ tầng du lịch

Mục tiêu là tăng cường hạ tầng kết nối đến các khu du lịch và hạ tầng phục vụ du lịch, du khách. Đổi mới mạnh mẽ phương thức kêu gọi đầu tư trong phát triển hạ tầng du lịch; trong đó chú trọng áp dụng hình thức xã hội hóa như PPP, BOT, BT trong đầu tư hạ tầng du lịch.

Nhóm giải pháp về hạ tầng giao thông:

Hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để thu hút và nâng cao mức độ hài lòng của khách du lịch. Với hiện trạng cơ sở hạ tầng đường bộ yếu kém, nhỏ hẹp đang là một rào cản và thách thức rất lớn đối với phát triển du lịch của địa phương. Do vậy, cần đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp các tuyến đường bộ (tỉnh lộ) quan trọng, các tuyến giao thông nối liền khu, điểm du lịch; có kế hoạch khai thác các tuyến đường thủy để đón khách quốc tế từ Campuchia; đầu tư xây dựng cảng du lịch, trạm dừng chân để phục vụ trung chuyển khách; cải thiện cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ vận chuyển hành khách trong tỉnh.

Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tiếp cận các làng nghề trọng điểm, hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cùng các dịch vụ, tiện nghi tại các cơ sở sản xuất đảm bảo điều kiện hoạt động kinh doanh kết hợp phục vụ du lịch.

Nhóm giải pháp về hạ tầng dịch vụ du lịch (bao gồm các cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng, khu ăn uống, khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, nâng cấp các điểm, khu du lịch) Thu hút đầu tư vào lĩnh vực xây dựng nhà hàng, khách sạn (đạt chuẩn từ 4 sao trở lên), trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, khu vui chơi, giải trí tại các trung tâm, thành phố lớn của tỉnh; đặc biệt ưu tiên đầu tư tại 4 khu du lịch trọng điểm của tỉnh; phát huy sản vật vùng thượng nguồn sông Mekong để tạo ra các món ẩm thực tươi, sạch, hấp dẫn, khác biệt để phục vụ trong cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống.

Đầu tư, nâng cấp chỉnh trang đô thị, tôn tạo cảnh quan, xây dựng hình ảnh môi trường Xanh – Sạch – Đẹp tại thành phố Long Xuyên và thành phố Châu Đốc; phát huy cảnh quan tự nhiên sông nước tại thành phố Long Xuyên, nâng cấp xây dựng công viên văn minh, hiện đại, sạch, đẹp.

Nâng cấp, tu bổ, bảo tồn các công trình văn hóa tiêu biểu, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia như nhà thờ, tiểu thánh đường, chùa Khmer, các đình, chùa, trước hết phục vụ cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, sau là để phục vụ khai thác du lịch văn hóa, du lịch tâm linh.

Nhóm giải pháp về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông:

Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông hiện đại trong phát triển du lịch, hướng đến thực hiện Chương trình chuyển đổi số tỉnh An Giang. Đảm bảo mọi du khách đến An Giang đều có thể tiếp cận hệ thống thông tin chỉ dẫn rõ ràng, cụ thể liên quan đến tất cả hoạt động du lịch của tỉnh.

Đẩy mạnh thanh toán điện tử vào các dịch vụ du lịch: nhà hàng, khách sạn, tour, mua sắm…và nhiều hình thức lựa chọn điểm tham quan, điểm ăn uống, giải trí… cho du khách đến An Giang.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư tại các khu, điểm du lịch được qui hoạch của tỉnh An Giang, chủ yếu tập trung vào 4 khu trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh cao trong vùng: Khu Du lịch Núi Sam – Miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đốc), Khu Du lịch Núi Cấm – rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên), Khu du lịch Mỹ Hòa Hưng – cồn Phó Ba (TP. Long Xuyên) và Khu di tích Văn hóa Óc Eo – Ba Thê (Thoại Sơn). Trong đó, xây dựng các loại hình du lịch, sản phẩm chủ lực của từng khu, chú trọng khai thác khu nghỉ dưỡng kết hợp trị liệu bằng thảo dược tại Khu du lịch Núi cấm; mở rộng không gian, tổ chức lại kinh doanh và đa dạng hóa loại hình dịch vụ phục vụ du khách tại rừng tràm Trà Sư; tiếp tục triển khai công viên văn hóa Núi Sam, đồng thời kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, resort, chợ đặc sản, siêu thị, trung tâm mua sắm hiện đại tại Châu Đốc để khai thác lượt khách đến cúng và trả lễ Bà Chúa Xứ hàng năm; xây dựng khu du lịch nhà vườn kết hợp du lịch sinh thái vùng sông nước tại cù lao ông Hổ – cồn Phó Ba; tiếp tục triển khai qui hoạch Khu di tích Óc Eo – Ba Thê tại huyện Thoại Sơn.

Giải pháp về xây dựng nguồn nhân lực phục vụ du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao để đáp ứng sự hài lòng và thu hút du khách:

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề, đặc biệt có trình độ ngoại ngữ để đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch tỉnh An Giang là ngành kinh tế mũi nhọn.

Giải pháp xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho du lịch An Giang:

Để phát triển được ngành du lịch An Giang thành ngành kinh tế mũi nhọn, công tác quy hoạch, xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu du lịch An Giang cần quan tâm đầu tư và đổi mới hơn thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng website du lịch An Giang, tuyên truyền quảng bá rộng rãi về các tiềm năng, điều kiện tự nhiên, sự khác biệt vùng miền, những địa danh, thắng cảnh, văn hóa ẩm thực miền sông nước nhằm thu hút du khách.

Giải pháp chuyển đổi số trong phát triển du lịch

Xây dựng các giải pháp về du lịch số, du lịch thông minh cho du khách trong và ngoài nước, cụ thể: – Hệ thống Internet công cộng thông minh phục vụ du khách; – Phát triển cổng thông tin du lịch, các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch trong và ngoài nước các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch (lưu trú, nhà hàng, sản phẩm đặc trưng của tỉnh…), thuyết minh du lịch dịch tự động ra các ngôn ngữ phổ biến. Kết nối liên thông, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp du lịch.

Tổng hợp – Quy hoạch tỉnh An Giang đến 2030

(Quy hoạch du lịch tỉnh An Giang: Long Xuyên, Châu Đốc, Tân Châu, An Phú, Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, Thoại Sơn, Tịnh Biên, Tri Tôn.)


4.7/5 - (8 bình chọn)
Bài trướcKế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp An Giang đến 2030
Bài tiếp theoBình Định điều chỉnh diện tích Cụm công nghiệp Gò Cầy, huyện Tây Sơn lên 75 ha

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây