Trang chủ Quy hoạch Quy hoạch thành phố Phú Quốc đến 2030, tầm nhìn đến 2050

Quy hoạch thành phố Phú Quốc đến 2030, tầm nhìn đến 2050

415
0

Quy hoạch thành phố Phú Quốc sẽ mang đến các yếu tố mới về chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Quốc gia, của vùng tác động lên định hướng phát triển không gian của thành phố đảo Phú Quốc.

Những quyết định quy hoạch và chỉ đạo của Chính Phủ

Các chỉ đạo và định hướng mới của chính phủ về phát triển đảo Phú Quốc.

  • Thủ tướng chính phủ đã có Quyết định số 38/2006/QĐ – TTg về chính sách ưu đãi cao nhất cho các dự án đầu tư vào Phú Quốc.
  • Thủ tướng chính phủ đã có quyết định số 42/2007/QĐ – TTg thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của ban quản lý đầu tư đảo Phú Quốc.
  • Thông báo của văn phòng chính phủ số 150/ TB – VPCP về việc Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương nghiên cứu mô hình đảo Phú Quốc thành tổ chức hành chính – Kinh tế đặc biệt Phú Quốc trực thuộc Trung Ương.
  • Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo tại thông báo số 24/TB –VPCP quy hoạch đảo Phú Quốc cần phải được điều chỉnh, đặc biệt là quy hoạch hạ tầng phải bảo đảm cho tầm nhìn 100 năm sau.

Tầm nhìn quy hoạch sau 2030, tính chất chức năng mới. Các dự báo làm thay đổi định hướng phát triển không gian của thành phố Phú Quốc .

  • Tính chất, chức năng đảo Phú Quốc theo quyết định đã được phê duyệt trong đồ án QHXD đảo Phú Quốc năm 2005 bao gồm:
  • Là trung tâm du lịch sinh thái đảo, biển chất lượng cao của cả nước, khu vực & quốc tế; trung tâm giao lưu, thương mại và dịch vụ của vùng, cả nước, khu vực & quốc tế. Có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.
  • Ngoài các tính chất chức năng trên Phú Quốc cần có thêm những tính chất chức năng, mới dự kiến như sau:
  • đô thị đặc biệt: “Đặc khu hành chính – kinh tế Phú Quốc trực thuộc Trung Ương”.
  • Là trung tâm Du lịch – Dịch vụ đa lĩnh vực, khoa học công nghệ của vùng ĐBSCL, của quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Trung tâm vui chơi giải trí cao cấp; Trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp của quốc gia, khu vực & quốc tế; Trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng tầm cỡ khu vực.
  • Là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và giao lưu quốc tế; cửa ngõ Tây Nam của Việt Nam ra Khu vực ĐNÁ và Quốc tế.
  • Dự báo quy mô dân số, khách du lịch,quỹ đất dành cho phát triển không gian đảo với tầm nhìn đến năm 2030 và sau 2030

Giới thiệu về thành phố Phú Quốc

Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam (593km2), có diện tích tương đương đảo Quốc Singapore, Nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, trong Vịnh Thái Lan, khu vực có đường giao thông hàng hải, hành lang hàng không quốc tế quan trọng giữa Nam Á, Đông Á và Châu Úc. Đặc biệt trên vành đai kinh tế biển Việt Nam – Campuchia – Thái Lan. Phú Quốc có lợi thế sự liên kết giao thương bằng đường hàng không và hàng hải với các vùng quốc gia, vùng duyên hải Campuchia và Thái Lan. Quan hệ chặt chẽ với các trung tâm du lịch nổi tiếng của Đông Nam Á và thế giới.


Phú Quốc cách vùng phát triển công nghiệp và du lịch Đông Nam Thái Lan khoảng 500km, vùng Đông Malaysia khoảng 700 km, cách Singapore xấp xỉ 1.000km, gần kề cửa ngõ Tây Nam của Campuchia (cách 4 hải lý).

Dự án của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) về: Hợp tác phát triển du lịch tại vùng biển chung giữa 3 nước Việt Nam – Capuchia – Thái Lan đang được triển khai. Việc hoàn thiện hành lang kinh tế biển, nối liền 3 nước Thái Lan – Campuchia – Việt Nam, thông qua các cảng biển mở ra những cơ hội mới cho Kiên Giang nói chung và Phú Quốc nói riêng để dự báo phát triển.

Phạm vi, ranh giới điều chỉnh quy hoạch thành phố Phú Quốc

Việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc nghiên cứu thực hiện cho 2 giai đoạn gồm:


  • Quy hoạch phát triển dài hạn: Đến năm 2030 (cho khoảng 20 năm) và tầm nhìn sau năm 2030.
  • Quy hoạch phát triển ngắn hạn: Đến năm 2015 (cho khoảng 5 – 10 năm)
Sơ đồ kết nối thành phố Phú Quốc với vùng Đông Nam Bộ
Sơ đồ kết nối thành phố Phú Quốc với vùng Nam Bộ

Phạm vi nghiên cứu trực tiếp gồm: Toàn bộ huyện Đảo Phú Quốc với các đô thị: TT. Dương Đông, TT. An Thới và 8 xã: Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm, Hàm Ninh, Cửa Dương, Dương Tơ, Thổ Châu & xã Hòn Thơm (gồm các đảo phía Nam An Thới). Tổng diện tích đất tự nhiên: 593 km2 (58.923 ha).

Vị trí thành phố Phú Quốc trong vùng tỉnh Kiên Giang
Vị trí thành phố Phú Quốc trong vùng tỉnh Kiên Giang

Quy hoạch phân vùng phát triển tại thành phố Phú Quốc

Thành phố Phú Quốc được quy hoạch gồm 06 phân vùng phát triển gồm:

  • Vùng phát triển đô thị: Diện tích: 3.852 ha, gồm có Khu đô thị Cửa Cạn, Khu đô thị truyền thống Dương Đông, Khu đô thị An Thới.
  • Vùng phát triển di lịch: Diện tích: 3.861 ha, dọc theo bờ biển phía Tây là du lịch sinh thái, tại khu vực Bãi Vòng, Vịnh Đầm là du lịch hỗn hợp, khu vực Bãi Trường là khu vực phức hợp du lịch và khu dân cư.
  • Vùng phát triển nông nghiệp: Tổng diện tích : 5.813 ha, khu vực Bãi Thơm, Rạch Vẹm, Rạch Tràm, Gành Dầu, Cửa Cạn, Hàm Ninh được bố trí phát triển làng nghề; Khu vực Cửa Cạn, Cửa Dương, Hàm Ninh, Bãi Thơm là khu ở nông thông; Khu vực Cửa Dương, Cửa Cạn, Gành Dầu, Hàm Ninh, Bãi Thơm, Dương Tơ được bố trí là khu công nghiệp công nghệ cao.
  • Vùng phát triển lâm nghiệp: Tổng diện tích: 37.802 ha, Khu vực tập trung ở phía Bắc đảo là rừng tự nhiên, Khu vực phía Tây và Nam đảo, trên các dãy núi dọc theo hướng Bắc – Nam và đảo Thổ Chu là rừng phòng hộ.
  • Vùng cây xanh cảnh quan, công viên mặt nước và không gian mở: Diện tích : 3.399 ha.
  • Vùng đặc biệt: Diện tích: 2.624 ha trong đó đất chuyên dùng khoảng 1.849 ha và đầu mối kỹ thuật khoảng 1.135 ha gồm: Sân bay quốc tế; cảng quốc tế : Tại Bãi Đất Đỏ, An Thới; Cảng tổng hợp : Tại Vịnh Đầm; Bãi Thơm, Dương Đông; Tại sân bay quốc tế; cảng An Thới là khu phi thuế quan; Tại Dương Tơ, Hàm Ninh; Vịnh Đầm là khu tiểu thủ công nghiệp.

Quy hoạch phát triển hệ thống Khu đô thị tại thành phố Phú Quốc

Khu đô thị trung tâm Dương Đông:

Tại trung tâm của thành phố Phú Quốc được quy hoạch với tính chất là trung tâm hành chính dịch vụ công cộng; thương mại, tài chính quốc tế, dịch vụ du lịch và khu dân cư tập trung của đảo.


Quy mô: (đến năm 2030)

  • Dân số: 240 ngàn người
  • Đất Xây dựng đô thị: 502  ha.
Sơ đồ quy hoạch sử dụng đất khu đô thị Dương Đông
Sơ đồ quy hoạch sử dụng đất khu đô thị Dương Đông

Khu đô thị cảng An Thới

Nằm ở cửa ngõ phía Nam của đảo Phú Quốc, được quy hoạch với tính chất là khu đô thị cảng quốc tế, đầu mối kỹ thuật – trung tâm tiếp vận, phi thuế quan, thương mại, du lịch và dịch vụ du lịch và CN nhẹ; Trung tâm văn hoá. gìn giữ giá trị lịch sử, nhân văn của đảo

Quy mô: (đến năm 2030)


  • Dân số: 71 ngàn người.
  • Đất XD đô thị: 1020 ha.
Quy hoạch sử dụng đất khu đô thị An Thới
Quy hoạch sử dụng đất khu đô thị An Thới

Khu đô thị Cửa Cạn

Nằm ở phía Bắc của đảo Phú Quốc, được quy hoạch với tính chất là khu đô thị, hoạt động nghiên cứu, bảo tồn rừng, biển, nông nghiệp và du lịch của đảo .

Quy mô: (đến năm 2030):

  • Dân số: 26.500 người
  • Đất XD đô thị: 329 ha.
Quy hoạch sử dụng đất khu đô thị Cửa Cạn
Quy hoạch sử dụng đất khu đô thị Cửa Cạn

Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Phú Quốc

Quy hoạch phát triển du lịch được tỉnh Kiên Giang định hướng phát triển tại các khu vực gồm:

  • Bãi Thơm: Vị trí tại phía Bắc đảo; là khu Resort nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, giải trí thể thao biển, sân golf, công viên chuyên đề biển, tham quan làng nghề. Quy mô 375ha; Quy mô phòng: 2.200 phòng.
  • Gành Dàu: Vị trí: khu du lịch Gành Dàu nằm về phía Bắc đảo, phía bờ biển Tây, thuộc khu Gành Dàu. Là khu du lịch sinh thái hỗn hợp kết hợp với khu dân cư làng chài truyền thống. Quy mô diện tích: 25 ha; Quy mô phòng: 150 phòng.
  • Rạch Tràm: Vị trí: Khu du lịch Rạch Tràm nằm về phía Bắc đảo, phía bờ biển Tây, thuộc khu Rạch Tràm. Là một khu nghỉ dưỡng 4 – 5 sao kết hợp tham quan rừng tràm, rừng ngập mặn. Quy mô diện tích: 102 ha; Quy mô phòng: 300 phòng.
  • Rạch Vẹm: Vị trí: Tây Bắc đảo. Là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp kết hợp tham quan rừng sinh cảnh đặc trưng, tham quan làng nghề. Trạng thái hoang sơ, tự nhiên được giữ nguyên dành cho những du khách thích loại hình du lịch khám phá. Quy mô diện tích: 202ha; Quy mô phòng: 1.100 phòng;
  • Bãi Dài: Vị trí: Bãi dài nằm ở bờ Biển phía Tây Đảo từ Mũi Đá Trái đến Hòn Móng Tay. Là khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Có sân Golf gắn với các khu Resort thể thao biển, tham quan làng nghề. Quy mô diện tích: 567 ha; Quy mô phòng: 3.500 phòng.
  • Vũng Bàu: Vị trí: khu du lịch Vũng Bàu trải dài từ Hòn Móng Tay đến khu cảng Cá thuộc xã Cửa Cạn về phía bờ biển Tây. Là khu du lịch  nghỉ dưỡng 4-5-sao kết hợp điểm ngắm  cảnh và giải trí thể thao biển kết hợp làng  nghề truyền thống. Quy mô diện tích: 394 ha; Quy mô phòng: 2.500 phòng.
  • Khu du lịch Cửa Cạn: Vị trí: nằm ở bờ Tây Đảo nơi cửa sông của Rạch Cửa Cạn. Là khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, ngắm cảnh, giải trí thể thao sông, biển, giải trí sân Golf, tham quan làng nghề. Quy mô 250 ha; Quy mô phòng: 1.500 phòng.
  • Khu du lịch Bãi Ông Lang: Vị trí: Tại phía Nam bãi Cửa Cạn, giáp núi Ông Lang và núi Gành Gió. Là khu du lịch nghĩ dưỡng cao cấp. Quy mô đất du lịch: 200 ha. Quy mô phòng khoảng : 1.200 phòng.
  • Bãi Khem: Vị trí: Khu du lịch Bãi Khem nằm về phía Nam của đảo là khu nghĩ dưỡng sinh thái cao cấp, thể thao biển. Quy mô diện tích: 99 ha; Quy mô phòng: 550 phòng.
  • Bãi Sao: Vị trí: thuộc bờ biển phía Đông Nam đảo nằm giữa mũi Bãi Kem và mũi Bãi Sao. Là khu nghĩ dưỡng sinh thái cao cấp, khu thể thao biển, sân Golf. Quy mô 220 ha; Quy mô diện tích: 397 ha; Quy mô phòng khoảng : 2.500 phòng;
  • Mũi ông Đội: Vị trí: Đông Nam của đảo. Là khu nghĩ dưỡng sinh thái cao cấp, ngắm cảnh, thể thao biển. Quy mô diện tích: 40ha; Quy mô phòng khoảng : 250 phòng.
  • Bãi Đá Chồng: Vị trí tại phía Đông Bắc đảo; là khu dịch vụ du lịch, khu nghỉ dưỡng sinh thái, trung tâm dịch vụ casino Quy mô đất du lịch: 135 ha. Quy mô phòng khoảng : 800 phòng.
  • Suối Đá Bàn: Vị trí trung tâm đảo;  dưới chân núi Hàm Ninh. Là khu du lịch sinh thái. Quy mô 115 ha. Quy mô phòng: 700 phòng.
  • Quần đảo Nam An Thới: Vị trí ở phía cực Nam của đảo, thuộc xã An Thới. Là khu vực có các điểm du lịch sinh thái dưới tán rừng kết hợp tham quan bảo tồn môi trường biển; giải trí lặn biển, thể thao biển, ngắm cảnh  tham quan làng nghề.  Hòn Thơm sẽ chỉnh trang các khu dân cư, kết hợp phát triển các khu du lịch, dịch vụ, làng nghề, bến du thuyền. Quy mô đất du lịch: 150 ha. Quy mô phòng: 850 phòng.
  • Đảo Thồ Chu: Vị trí cực Nam của đảo  thuộc xã Thổ Chu, nơi đây phát triển du lịch sinh thái rừng, biển gắn với an ninh quốc phòng.

Quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông thành phố Phú Quốc

Hệ thống giao thông tại thành phố Phú Quốc có giao thông đối nội và giao thông đối ngoại. Trong đó, giao thông đối ngoại có đường hàng không và đường Biển.

Hạ tầng giao thông đối ngoại

Về hạ tầng giao thông đường không:

Cảng hàng không quốc tế mới hiện đang được triển khai xây dựng tại Dương Tơ có diện tích khoảng 898ha. Sân bay quốc tế mới Dương Tơ được thiết kế đạt tiêu chuẩn cấp 4F (theo tiêu chuẩn ICAO) với chiều dài đường hạ cất cánh = 3000m, rộng 45m cho các loại máy bay B767, A 321, A 320 hoạt động.

Về giao thông đường Biển:

Thành phố Phú Quốc đang thực hiện xây dựng hoàn thiện hệ thống cảng biển trên đảo để có khả năng tiếp nhận các tàu hàng hóa và hành khách tới đảo gồm:

  • Xây dựng cảng An Thới với quy mô hàng hóa thông qua cảng 450nghìn tấn, hành khách thông qua cảng 360 nghìn lượt người.
  • Xây dựng mới cảng Mũi Đầm trên cơ sở xây dựng đê chắn sóng từ Mũi Vịnh Đầm. Đê này có chiều dài gần 1km, cao khoảng 5m.
  • Xây dựng cảng du lịch nước sâu tại mũi Đất Đỏ.
  • Xây dựng các trung tâm đánh bắt hải sản lớn như Hàm Yên, Cửa Cạn, Bãi Thơm, Gành Dầu.v.v..
  • Xây dựng bến đánh bắt hải sản kết hợp cho các tàu du lịch neo đậu.
  • Xây dựng bến du lịch để giao lưu du lịch và giao thương với Campuchia tại Gành Dầu.
Sơ đồ quy hoạch hạ tầng giao thông thành phố Phú Quốc
Sơ đồ quy hoạch hạ tầng giao thông thành phố Phú Quốc

Hạ tầng giao thông nội bộ

Giao thông nội bộ của thành phố Phú Quốc chủ yếu là các tuyến đường bộ, các tuyến đường sẽ được phân cấp thành các trục đường chính, đường khu vực và đường nội bộ của các đô thị. Trong cùng một trục đường cũng sẽ có sự phân biệt khi đi qua đô thị và ngoài đô thị. Khi qua đô thị có thể mở rộng phần mặt đường cho xe 2 bánh và xe thô sơ, xây dựng vỉa hè đi bộ, ngoài đô thị chủ yếu là làn xe cơ giới và dải cách ly bảo vệ.

Nhằm phục vụ các nhu cầu phát triển của thành phố kết hợp an ninh quốc phòng. Mạng lưới này dự kiến quy hoạch theo nội dung dưới đây.

– Xây dựng tuyến đường trục chính cao tốc Bắc – Nam của đảo: An Thới – Dương Đông – Suối Cái với chiều dài khoảng 38 km gồm:

  • Đoạn An thới – Dương Đông: Mặt cắt ngang đường đôi mỗi bên rộng 9m, dải phân cách ở giữa rộng 3m.
  • Đoạn Dương Đông – Suối Cái: Mặt cắt ngang đường đôi mỗi bên rộng 9m, dải phân cách ở giữa rộng 3m.

Từ đường trục này có các nhánh đi tới các khu vực khác trên đảo như:

  • Đường Suối Cái – Bãi Thơm: Dài khoảng 12 km. Mặt đường rộng 4 làn xe (2 x 7.5m) dải phân cách 3m, dải cây xanh (hoặc vỉa hè khi qua khu dân cư) mỗi bên 7m, lộ giới rộng 32 m (Mặt cắt  D- D)
  • Đường Suối Cái – Gành Dầu: dài khoảng 18 km. Tuyến đường này có chiều rộng mặt đường 7 – 9 m, dải cây xanh (hoặc vỉa hè khi qua khu dân cư) mỗi bên 6m, lộ giới rộng 21 m (mặt cắt E – E  hoặc F – F)

– Xây dựng tuyến Dương Đông – Cửa Cạn có chiều rộng mặt đường 7 – 9 m, dải cây xanh mỗi bên 6m, lộ giới rộng 21 m.

– Xây dựng tuyến Dương Đông – Dương Tơ mặt đường đôi mỗi bên rộng 7.5m, bố trí tuyến Tramway ở giữa, lộ giới rộng 50m.

– Xây dựng đường quanh đảo chạy ven phía đông lên phía bắc đảo từ Bãi Vòng – Hàm Ninh – Cửa Dương – Bãi Thơm – Rạch Tràm – Rạch Vẹm mặt đường 5,5m.

Các công trình hạ tầng giao thông được ưu tiên thi công

Trong giai đoạn đầu cần đầu tư một số dự án chính như sau:

Giao thông đối ngoại:

  • Sân bay quốc tế Dương Tơ’
  • Cảng tổng hợp An Thới,
  • Cảng tổng hợp Vịnh Đầm ,
  • Kè chắn sóng Dương Đông, Bãi Thơm

Giao thông đường bộ trên đảo:

  • Trục đường chính Bắc Nam  (An Thới – Dương Đông – Suối Cái).
  • Đường Suối Cái – Gành Dầu.
  • Đường Dương Đông – Cửa Cạn – Gành Dầu.
  • Đường Dương Đông – Bãi trường – Bãi Khem.
  • Đường vòng quanh đảo.
  • Một số các tuyến đường nội bộ các khu đô thị theo quy hoạch xây dựng đợt đầu.

Các chỉ tiêu kỹ thuật của các tuyến đường xây dựng đợt đầu theo dự án được duyệt Tổng chiều dài đường chính xây dựng giai đoạn đầu khoảng 200km. Kinh phí xây dựng đường dự kiến khoảng 1200 tỷ đồng (không kể kinh phí xây dựng giao thông đối ngoại: sân bay, cảng biển … ).

Điều chỉnh quy hoạch thành phố Phú Quốc theo quyết định Quyết định 486/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Tổng diện tích điều chỉnh cục bộ quy hoạch thành phố Phú Quốc khoảng 674,53ha, chiếm 1,14% trong tổng diện tích theo quy hoạch chung đã được phê duyệt với 8 địa điểm được điều chỉnh. Quy mô dân số dự kiến tại các địa điểm điều chỉnh cục bộ khoảng 51.500 người, tăng 42.500 người so với quy hoạch chung đã được duyệt.

Bản đồ kế hoạch sử dụng đất thành phố phú Quốc năm 2021
Bản đồ kế hoạch sử dụng đất thành phố phú Quốc năm 2021

Theo quyết định này có tổng cộng 8 địa điểm được điều chỉnh quy hoạch mới thành phố Phú Quốc trong đó có nhiều diện tích đất nông nghiệp, đất rừng chuyển đổi sang làm du lịch.

Cụ thể: Địa điểm số 1 tại khu vực Bãi Khem – thị trấn An Thới điều chỉnh 15,19 ha bao gồm 5,38 ha đất rừng phòng hộ và 9,81 ha đất cây xanh cảnh quan thành đất du lịch sinh thái với hệ số sử dụng đất gộp (bruttô) trên toàn khu tối đa 2 lần, tầng cao xây dựng tối đa là 8 tầng.

Địa điểm số 2 khu vực cảng Bãi Đất Đỏ – thị trấn An Thới điều chỉnh chức năng cảng dầu khí thành cảng du lịch kết hợp hàng hoá, điều chỉnh từ 17,6ha đất cây xanh cảnh quan theo quy hoạch chung được duyệt thành đất dịch vụ hậu cần tại khu vực Bãi Đất Đỏ.

Địa điểm số 3 khu vực Tây Nam – thuộc Khu đô thị An Thới điều chỉnh vị trí một số khu chức năng, tổ chức lại không gian tại khu vực phía Tây Nam thuộc khu đô thị An Thới. Quy mô điều chỉnh 84,31 ha từ 15,39 ha đất ở mật độ cao; 1,23 ha đất ở mật độ thấp; 23,27 ha đất công trình công cộng; 20,76 ha đất cây xanh cảnh quan; 16,97 ha đất rừng phòng hộ; 1,88 ha đất bãi đá ven biển và 4,81 ha đất giao thông chuyển sang 63,13 ha đất đơn vị ở; 2,52 ha đất trung tâm thương mại dịch vụ; 5,75 ha đất cây xanh cảnh quan; 1,35 ha đất trụ cáp – hành lang tuyến cáp treo và 11,55 ha đất giao thông.

Đồng thời, bổ sung 3,55 ha đất mặt nước để bố trí tổ hợp công trình giải trí với khán đài kết hợp đường dẫn và sàn cảnh quan trên biển tại khu vực gần nhà ga đi cáp treo.

Địa điểm số 4 khu vực Đông Bắc núi ông Quán – thị trấn An Thới không điều chỉnh quy hoạch vị trí khu đất cây xanh và khu đất ở mật độ thấp theo quy hoạch chung được duyệt tại khu vực phía Bắc núi Ông Quán.

Địa điểm số 5 khu vực Hòn Thơm và tuyến cáp treo từ thị trấn An Thới ra đảo Hòn Thơm điều chỉnh chính xác lại phạm vi ranh giới khu du lịch Hòn Thơm theo Quyết định số 633 ngày 11/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ để phù hợp với diện tích phát triển du lịch đề xuất là khoảng 147,98ha và bổ sung khu thủy cung trên mặt nước khoảng 3,84 ha và cụ thể hóa tuyến cáp treo và các trụ cáp treo nối đảo chính Phú Quốc ra đảo Hòn Thơm theo Quyết định số 868 ngày 17/6/2015 của Thủ tướng.

Địa điểm này sẽ điều chỉnh diện tích 147,98 ha từ 22,3 ha đất làng nghề cải tạo chính trang; 13,21 ha đất du lịch sinh thái; 46,7 ha cây xanh cảnh quan; 16,13 ha đất bãi cát, bãi đá ven biển và 49,6 ha đất rừng phòng hộ chuyển sang 4,72 ha đất tái định cư; 105,19 ha đất du lịch hỗn hợp; 18,55 ha đất công viên chuyên đề; 12,42 ha đất cây xanh cảnh quan và 7,1 ha đất bãi cát, bãi đá ven biển.

Địa điểm số 6 khu vực Bãi Thơm, xã Bãi Thơm điều chỉnh 143,5 ha từ đất nông nghiệp và đất giao thông theo quy hoạch chung được duyệt thành 42,5 ha đất ở làng nghề, 14,5 ha đất giao thông, 86,5 ha đất du lịch sinh thái;

Địa điểm số 7 khu vực Đồng Cây Sao điều chỉnh 203ha từ chức năng đất dịch vụ du lịch giải trí phức hợp và sân golf và đất nông nghiệp theo quy hoạch chung được duyệt thành chức năng đất tái định cư và đất đơn vị ở được quy hoạch đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, cây xanh phục vụ dân cư tại khu vực và lân cận.

Cụ thể điều chỉnh từ 176,8 ha đất dịch vụ du lịch giải trí phức hợp và sân golf; 26,7 ha đất nông nghiệp thành 50 ha đất tái định cư; 105,44 ha đất đơn vị ở; 6,62 ha đất công trình công cộng; 28,46 ha đất cây xanh và không gian mở và 12,98 ha đất giao thông;

Địa điểm số 8 điều chỉnh khu vực bãi Cửa Cạn, xã Cửa Dương quy mô 55,6 ha từ chức năng đất nông nghiệp được duyệt sang chức năng đất du lịch sinh thái.

Xem chi tiết Bản đồ quy hoạch sử dụng đất thành phố Phú Quốc TẠI ĐÂY!


4.7/5 - (15 bình chọn)
Bài trướcCông bố quy hoạch Thị xã Duy Tiên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050
Bài tiếp theoFPT chọn khảo sát 200ha tại xã Minh Thắng huyện Chơn Thành

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây