Trang chủ Quy hoạch Quy hoạch phát triển Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi...

Quy hoạch phát triển Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến 2030, tầm nhìn 2050

188
0

Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến 2030 gồm các khu kinh tế, công nghiệp, cụm công nghiệp được xác định theo quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi đến 2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo định hướng phát triển công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tỉnh Quảng Ngãi, Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động số 37-CTr/TU ngày 26/3/2019 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.


Theo đó, để triển khai thực hiện Chương trình đạt kết quả, bảo đảm mục tiêu đề ra, UBND tỉnh giao sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng các tiêu chí, yêu cầu cụ thể nhằm lựa chọn, xác định vùng công nghiệp động lực, vùng trọng điểm có khả năng trở thành động lực lan tỏa tăng trưởng cho các địa phương của tỉnh. Đồng thời, xây dựng tiêu chí ưu tiên thu hút doanh nghiệp vào hoạt động trong các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) mà ngành nghề sản xuất kinh doanh tạo được giá trị gia tăng cao, tích hợp công nghệ thông tin, tự động hóa trong sản xuất và có quy trình, mô hình sản xuất dạng nhà máy thông minh, phát triển sản xuất các sản phẩm, thiết bị thông minh. Xây dựng tiêu chí phù hợp để đánh giá hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp tại các địa phương, xét chọn các cụm công nghiệp có khả năng thu hút đầu tư tốt để ưu tiên bố trí vốn ngân sách giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp, đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và định mức tỉ lệ bố trí vốn ngân sách trên cơ sở tổng chi ngân sách của địa phương hằng năm. Ngoài ra, xây dựng cơ chế, tập trung nguồn lực, tạo điều kiện để đầu tư phát triển khu công nghiệp Phổ Phong tương ứng với chỉ tiêu cơ cấu công nghiệp của huyện Đức Phổ. Xây dựng đề án thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và mức độ thông minh. Trong đó cần xây dựng chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên như sau:

Về công nghiệp khai thác khoáng sản: giao Sở Xây dựng chủ trì, xây dựng kế hoạch tìm nguồn vật liệu thay thế dần cho cát để làm vật liệu xây dựng thông thường, đảm bảo ngành khoáng sản vật liệu xây dựng phát triển hợp lý.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, xây dựng hoàn thiện nội dung phương án bảo vệ; điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản trong quy hoạch tỉnh, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Về công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống: giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xây dựng các vùng nguyên liệu trong chế biến đảm bảo có sự gắn kết chặt chẽ của chuỗi, cụm liên kết ngành trong sản xuất, chế biến, lưu thông và thị trường tiêu thụ; người dân trong vùng nguyên liệu được tham gia và được hưởng lợi nhất định trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.


Về công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: giao Sở Xây dựng chủ trì, rà soát, điều chỉnh, bổ sung hợp phần quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 cho phù hợp tình hình thực tế, thực tiễn tại địa phương, đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Về công nghiệp lọc hóa dầu, hóa chất: giao Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi chủ trì, xúc tiến thành lập Trung tâm Lọc hóa dầu và Trung tâm Năng lượng Quốc gia tại KKT Dung Quất; hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ Tập đoàn dầu khí Việt Nam sớm triển khai dự án nâng cấp, mở rộng công suất Nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 8,5 triệu tấn/năm.

Về công nghiệp dệt may – da giày: giao Sở Công Thương tiếp tục thực hiện kế hoạch xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường xuất khẩu mới đối với các sản phẩm của ngành công nghiệp dệt may – da giày, các sản phẩm chủ lực của tỉnh trên cơ sở thực hiện Kế hoạch xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1428/QĐ-UBND ngày 02/8/2016 của UBND tỉnh Quảng Ngãi; tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện những năm tiếp theo. Đồng thời, giao Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi chủ trì, tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển các dự án sản xuất thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, dự án ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho ngành dệt may – da giày; giảm dần tình trạng phụ thuộc vào thiết bị, nguyên, phụ liệu nhập khẩu (thực hiện hàng năm).


Về công nghiệp cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại: giao Sở Công Thương chủ trì, đánh giá toàn bộ năng lực ngành cơ khí trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển ngành cơ khí, luyện kim, cơ điện tử, thiết bị – phụ kiện điện tử phù hợp xu thế hội nhập, điều kiện hiện có của tỉnh,…

Tỉnh Quảng Ngãi có 2 khi kinh tế quan trọng đó là: Khu kinh tế (KKT) Dung Quất và Khu kinh tế Chu Lai. 2 KKT tạo thành cụm kinh tế động lực quan trọng; Cảng hàng không quốc tế Chu Lai là đầu mối giao thông quan trọng kết nối KKT với các tỉnh/thành phố lớn của cả nước (Hà Nội. Đà Nẵng, Hồ Chí Minh,) và quốc tế trong tương lai.

Trong đó, Khu kinh tế Dung Quất có được lợi thế gắn với cảng nước sâu Dung Quất, Cảng Sa Kỳ, có bờ biển dài và nằm trong vùng tuyến hàng hải quốc tế.


Quy hoạch phát triển khu kinh tế và khu công nghiệp

Ngày 09/11/1994, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 658/QĐ-TTg chọn Dung Quất làm địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam. Ngày 11/4/1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 207/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung Khu công nghiệp (KCN) Dung Quất.

Theo đó, KCN Dung Quất với diện tích 14.000ha (trong đó Quảng Ngãi 10.300 ha, Quảng Nam 3.700 ha) được xác định là KCN lọc hoá dầu đầu tiên của Việt Nam, là khu tập trung các ngành công nghiệp quy mô lớn, gắn với cảng biển nước sâu Dung Quất, sân bay quốc tế Chu Lai, là trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và giữ vai trò quan trọng về quốc phòng.

Ngày 16/8/1996 Ban Quản lý KCN Dung Quất được thành lập theo Quyết định số 553/TTg của Thủ tướng Chính phủ.Ngày 11/3/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 50/2005/QĐ-TTg thành lập và ban hành quy chế hoạt động của KKT Dung Quất và ngày 05/4/2005 ban hành Quyết định số 72/2005/QĐ-TTg thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý KKT Dung Quất.

Ngày 20/01/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 124/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 với tổng diện tích khoảng 45.332 ha, bao gồm: KKT hiện hữu: 10.300 ha, phần diện tích mở rộng: 24.280 ha và khoảng 10.752 ha diện tích mặt biển.

Hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung KKT Dung Quất đang trình thẩm định để chờ phê duyệt trong năm 2022.

Bản đồ quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Dung Quấ
Bản đồ quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Dung Quất

Theo đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050”, KKT Dung Quất sẽ trở thành đô thị biển vào năm 2050, là trung tâm phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia; lấy cảnh quan đô thị biển làm sức hấp dẫn, lấy nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển để đẩy mạnh kinh tế biển, hướng đến sự thịnh vượng.

Định hướng phát triển các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Dung Quất

Định hướng phát triển các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Dung Quất bao gồm diện tích đất dành cho các khu công nghiệp như sau:

1- Đất công nghiệp phía Tây (KCN Tây Dung Quất)

  • Diện tích hiện trạng: 813 ha
  • Diện tích quy hoạch đến 2030: 520 ha
  • Định hướng phát triển: Phát triển các KCN tập trung, KCN – ĐT – DV với tính chất là các khu công nghiệp nhẹ, công
    nghiệp hỗ trợ, điện khí; trung tâm dịch vụ hậu cần sân bay – logistics.

2- Đất công nghiệp phía Đông (KCN Đông Dung Quất)

  • Diện tích hiện trạng: 1.597 ha
  • Diện tích quy hoạch đến 2030: 2.210 ha
  • Định hướng phát triển: Phát triển công nghiệp nặng: công nghiệp lọc hóa dầu, đóng tàu, cơ khí, luyện kim, luyện
    cán thép; công nghiệp hỗ trợ cảng Dung Quất và các trung tâm dịch vụ hậu cần cảng biển – logistics

3- Đất công nghiệp – đô thị – dịch vụ Dung Quất II (KCN – ĐT – DV Dung Quất)

  • Diện tích hiện trạng: 0 ha
  • Diện tích quy hoạch đến 2030: 1.085 ha
  • Định hướng phát triển: Phát triển loại hình khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ; phát triển công nghiệp đa ngành, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường gắn với khu đô thị – dịch vụ hỗ trợ.

4- Đất CN Bình Hoà – Bình Phước (KCN Bình Hòa – Bình Phước)

  • Diện tích hiện trạng: 300 ha
  • Diện tích quy hoạch đến 2030: 915 ha
  • Định hướng phát triển: Phát triển công nghiệp tổng hợp, đa ngành (chủ yếu là công nghiệp nhẹ, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao), phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với công nghiệp Đông Dung Quất.

5- Đất công nghiệp Tịnh Phong (Khu CN Tịnh Phong hiện hữu; KCN Vsip; KCN Tịnh phong II (mở rộng)

  • Diện tích hiện trạng: 600,7 ha
  • Diện tích quy hoạch đến 2030: 795 ha
  • Diện tích quy hoạch đến 2050: 8.795 ha
  • Định hướng phát triển: Phát triển các KCN tập trung, CCN với tính chất là các khu công nghiệp tổng hợp đa ngành (chủ yếu là công nghiệp nhẹ, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao), phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với đô thị –
    dịch vụ Tịnh Phong cửa ngõ phía Tây Nam của KKT.

6- Đất công nghiệp – đô thị – dịch vụ Bình Thanh (KCN – ĐT – DV Bình Thanh)

  • Diện tích hiện trạng: 0 ha
  • Diện tích quy hoạch đến 2030: 2.500 ha
  • Diện tích quy hoạch đến 2050: 2.500 ha
  • Định hướng phát triển: Phát triển công nghiệp – đô thị – dịch vụ, phát triển công nghiệp đa ngành, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, gắn với khu đô thị – dịch vụ
Bản đồ phương án quy hoạch phát triển khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến 2030, tầm nhìn đến 2050
Bản đồ phương án quy hoạch phát triển khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến 2030, tầm nhìn đến 2050

Phương án quy hoạch phát triển khu công nghiệp ngoài khu kinh tế Dung Quất

Hiện tại phần lớn các khu công nghiệp đều nằm trong KKT Dung Quất, ngoài KKT Dung Quất thì có 2 KCN, KCN Quảng Phú (quy mô 146,76 ha) tại TP Quảng Ngãi và KCN Phổ Phong (quy mô 147 ha) tại TP Quảng Ngãi.

Theo định hướng sắp tới, ngoài các Khu công nghiệp trong KKT Dung Quất và 2 KCN nói trên, sẽ phát triển thêm 3 KCN mới, bao gồm:

  • Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Phú An (xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa),
  • Khu Công nghiệp và Đô thị Bắc Thiên Ấn (xã Tịnh Ấn Đông, Tịnh Châu, Tịnh Thiên, TP. Quảng Ngãi),
  • Khu công nghiệp đa ngành Bình Long (xã Bình Long, Bình Hiệp, huyện Bình Sơn).

Các khu công nghiệp nên phát triển chuyên môn hóa dựa trên đặc điểm về cơ sở hạ tầng- xã hội và định hướng không gian phát triển kinh tế xã hội chung của toàn tỉnh. Dựa trên kết quả phân tích, phương án phát triển các khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế Dung Quất được đề xuất như sau:

Khu công nghiệp Quảng Phú: Hiện đã thu hút được nhiều nhà đầu tư với tỷ lệ lấp đầy 100%. Do vậy trong giai đoạn 2021-2030, KCN Quảng Phú vẫn được duy trì và xem xét mở rộng thêm 7 ha (nâng tổng diện tích lên 147ha) với định hướng thu hút các loại hình công nghiệp nhẹ, ít gây ô nhiễm môi trường như: chế biến thủy sản, đồ uống, bao bì. Tuy nhiên trong giai đoạn 2031- 2050, với tốc độ đô thị hóa hiện nay của tỉnh Quảng Ngãi, việc bố trí KCN trong khu vực TP Quảng Ngãi sẽ không còn phù hợp. Vì vậy, trên cơ cở cân nhắc tình hình thực tế có thể xem xét di dời KCN này khỏi TP Quảng Ngãi.

Theo Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Quảng Ngãi đến năm 2040, chương trình hành động của khu đô thị phía Tây sẽ bao gồm việc dần chuyển đổi các hoạt động sản xuất của khu công nghiệp Quảng Phú thành các chức năng phát triển đô thị cho thành phố.

Định hướng quy hoạch sử dụng đất: Từng bước hình thành trung tâm dịch vụ logistic tại khu vực phía Tây phường Quảng Phú và di dời các nhà máy, xưởng sản xuất trong khu công nghiệp Quảng Phú và cụm công nghiệp Tịnh Ấn Tây ra ngoài đô thị.

Khu công nghiệp Phổ Phong: Hiện nay KCN này vẫn chưa tiến hành đầu tư hạ tầng và đi vào hoạt động. KCN nằm trên địa bàn huyện Đức Phổ cũng là một trong những địa bàn nằm trong vùng phát triển công nghiệp của tỉnh. Vì vậy, trong giai đoạn từ nay đến 2030, cần đẩy nhanh việc kêu gọi nhà đầu tư vào hạ tầng KCN cũng như thu hút doanh nghiệp sản xuất trong KCN theo các lĩnh vực ưu tiên như chế biến nông, lâm sản, và các ngành công nghiệp nhẹ ít gây ô nhiễm môi trường.

Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Phú An: Khu CN, ĐT và DV Phú An hướng tới thu hút đầu tư vào các ngành CN theo hướng bền vững như công nghiệp hậu cần (dịch vụ khu bãi, sửa chữa xe động cơ, đóng gói, ghi mã, v.v.), cũng như các ngành CN tận dụng thế mạnh sẵn có với hàm lượng khoa học và công nghệ cao, ít thâm dụng, tiết kiệm đất đai, đảm bảo môi trường, qua đó thực hiện chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu.

Khu Công nghiệp và Đô thị Bắc Thiên Ấn: Đặt mục tiêu xây dựng và kinh doanh hạ tầng công nghiệp. Khi Khu công nghiệp và đô thị Bắc Thiên Ấn đi vào hoạt động, sẽ hình thành một hệ thống đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, tiện ích công nghiệp. Ngoài ra, mục tiêu còn là tạo quỹ đất sạch nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư vừa và nhỏ, thu hút các nhà đầu tư có công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường, giải quyết nhu cầu về việc làm của người dân trong tỉnh,
tăng thu ngân sách cho địa phương.

Khu công nghiệp đa ngành Bình Long: Đặt mục tiêu xây dựng và kinh doanh hạ tầng công nghiệp, tạo quỹ đất sạch nhằm đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư vừa và nhỏ trong thời đại mới, tập trung thu hút nhà đầu tư sản xuất có công nghệ tiên tiến, ít ô nhiễm môi trường, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động trong tỉnh, tăng thu ngân sách cho địa phương.

Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi

Trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Quảng Ngãi xác định sẽ đẩy mạnh tiến độ để hoàn thiện hạ tầng tại các cụm công nghiệp đã được quy hoạch, đồng thời xem xét loại bỏ một số cụm công nghiệp ra khỏi quy hoạch.

Giai đoạn 2031 trở đi, tại các cụm công nghiệp, tiếp tục định hướng phát triển các ngành công nghiệp gắn với vị trí địa lý, tiềm năng nguyên liệu như như đã nêu trên, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, đồng thời đẩy mạnh chuyển dịch một số ngành như chế biến nông lâm thủy sản, dệt may da giày…

Hiện nay, 04 Cụm công nghiệp chưa tiến hành đầu tư hạ tầng mặc dù đã được phê duyệt thành lập và có quy hoạch chi tiết từ trước năm 2009, bao gồm:

Việc chậm trễ triển khai làm ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch phát triển kinh tế của các địa phương, đồng thời khiến nhiều hộ dân bị mất đất sản xuất. Do vậy, UBND tỉnh nên xem xét việc loại bỏ các CCN này khỏi phương án phát triển hệ thống KKT, KCN, CCN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Các cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch theo quyết định 1428/QĐ-UBND ngày 21/8/2015 song chưa có quy hoạch chi tiết và chưa tiến hành đầu tư, bao gồm:

  • CCN Tịnh Hà: Quy hoạch tại huyện Sơn Tịnh, tuy nhiên khu vực này định hướng phát triển đô thị- dịch vụ phục vụ cho KKT Dung Quất, vì vậy xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch phát triển CCN để phù hợp với định hướng không gian kinh tế – xã hội.
  • CCN Gò Su: Quy hoạch tại huyện Tư Nghĩa, tuy nhiên khu vực này hiện nằm trong vành đai an toàn của kho K2 thuộc bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi, do đó cần xem xét điều chỉnh ra khỏi quy hoạch phát triển cụm công nghiệp.
  • CCN Thu Xà: Quy hoạch tại huyện Tư Nghĩa với diện tích quy hoạch 25-30 ha, hiện nay vị trí này đã phê duyệt quy hoạch và đầu tư xây dựng công trình khu tiểu thủ công nghiệp làng nghề lốp bố tập trung và khu nghỉ dưỡng sinh thái Bãi Dừa. Đề xuất xem xét điều chỉnh ra khỏi quy hoạch phát triển cụm công nghiệp.
  • CCN Gò Cau: Quy hoạch tại xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa với diện tích 25-30 ha, tuy nhiên tại địa điểm này đã tồn tại 2 trang trai đang hoạt động, diện tích còn lại nhỏ (khoảng 9ha) và gần khu dân cư không đảm bảo điều kiện để thành lập cụm công nghiệp mới. Đề xuất xem xét điều chỉnh ra khỏi quy hoạch phát triển cụm công nghiệp.
  • CCN An Hội: Quy hoạch tại xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tuy nhiên hiện nay không đảm bảo khoảng cách cách ly theo Quy chuẩn 01/2021 đối với Khu liên hợp xử lý chất thải Nghĩa Kỳ.
  • CCN Núi Máng: Quy hoạch tại xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa với diện tích quy hoạch 25 – 30 ha, hiện nay các hộ dân sinh sống tại vị trí chân núi rất đông, diện tích còn lại trên đỉnh núi khoảng 4-5 ha, gần khu dân cư nên không thể thành lập cụm công nghiệp. Đề xuất xem xét điều chỉnh ra khỏi quy hoạch phát triển cụm công nghiệp.
  • CCN Đồi Sim: Quy hoạch tại xã Hương Trà, huyện Trà Bồng với quy mô 2 ha. Tuy nhiên vị trí này hiện nay không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của huyện. Do vậy đề xuất điểu chỉnh ra khỏi quy hoạch phát triển cụm công nghiệp.
  • Cụm tiểu thủ công nghiệp Trà Dinh: Theo nghị định 68/2017/NĐ-CP, CCN ở các địa bàn miền núi tối thiểu là 5ha. Quy mô đề xuất 1,5-2 ha của CCN Trà Dinh là nhỏ lẻ, không phù hợp. Vì vậy đề xuất điều chỉnh ra khỏi phương án phát triển cụm công nghiệp.
  • CCN Sơn Tây: Quy mô quy hoạch chỉ 3 ha tương đối nhỏ lẻ, đồng thời mặc dù đã được phê duyệt từ năm 2015 theo quyết định 1428//QĐ-UBND song không có tính khả thi, đề nghị điều chỉnh ra khỏi phương án phát triển cụm công nghiệp.
  • CCN Thạch Phổ: CCN đã được quy hoạch song đến nay chưa tiến hành khảo sát lập quy hoạch chi tiết, và không nằm trong quy hoạch sử dụng đất của tỉnh cũng như TP. Quảng Ngãi. Do đó, đề nghị điều chỉnh ra khỏi phương án phát triển cụm công nghiệp.
  • CCN hậu cần nghề cá Sa Kỳ: Thu hồi quyết định chủ trương đầu tư do chậm triển khai.
  • CCN hậu cần nghề cá Mỹ Á: Đã được quy hoạch song đến nay vẫn chưa được khảo sát, lập quy hoạch và không nằm trong kế hoạch phát triển hạ tầng công nghiệp của huyện Đức Phổ.
Bản đồ phương án quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến 2030, tầm nhìn đến 2050
Bản đồ phương án quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến 2030, tầm nhìn đến 2050

Danh mục các CCN duy trì và mở rộng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050

Danh mục các CCN đề nghị bổ sung giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050

Tài liệu kèm theo:


Rate this post
Bài trướcDanh sách Khu, Cụm công nghiệp tại tỉnh Lạng Sơn đang hoạt động và thành lập mới
Bài tiếp theoThông tin các khu, cụm công nghiệp tại tỉnh Quảng Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây