Trang chủ Du lịch Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long đến 2030

Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long đến 2030

157
0

Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long xác định tiếp tục kêu gọi đầu tư 05 dự án phát triển du lịch, bao gồm: khu thương mại dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí Mỹ Thuận, khu du lịch Mỹ Hòa, khu du lịch sinh thái Cồn Giông, khu du lịch sinh thái cồn Đông Hậu và khu liên hợp Văn hoá – Thể thao – Du lịch Cái Ngang và 04 khu quy hoạch du lịch được UBND tỉnh phê duyệt năm 2001: khu du lịch sinh thái Mỹ Hòa thị xã Bình Minh, khu du lịch sinh thái Quới Thiện Vũng Liêm, khu du lịch sinh thái Đồng Phú Long Hồ, khu du lịch sinh thái Lục Sĩ Thành Trà Ôn.

Vĩnh Long nằm ở vùng du lịch Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều thế mạnh phát triển du lịch: có vị trí địa lí thuận lợi, có nguồn tài nguyên du lịch phong phú (cả tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn); trong đó, nổi bật là cảnh quan sông nước, hệ sinh thái vườn cây ăn trái, khí hậu điều hòa và một số di tích lịch sử – văn hóa như khu tưởng niệm Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Văn Thánh Miếu… Từ nguồn tài nguyên đó có thể tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức thu hút đối với du khách trong và ngoài nước. Trong những năm qua, du lịch của tỉnh có những bước phát triển mạnh, song hiệu quả còn hạn chế. Lợi ích từ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Vì vậy, cần phải nghiên cứu, phân tích đánh giá thật đầy đủ thực trạng phát triển dựa trên những lợi thế của tỉnh, từ đó đề xuất những giải pháp hợp lí để thúc đẩy du lịch Vĩnh Long đạt hiệu quả cao và bền vững.


Thực trạng phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long

Vĩnh Long là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tọa độ địa lí từ 9o52’45” – 10o19’50” vĩ độ Bắc và từ 104o41’25” – 106o17’00” kinh độ Đông, phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Tiền Giang và Bến Tre; phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh Trà Vinh; phía Tây và Tây Nam giáp Thành phố Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng; phía Tây Bắc giáp tỉnh Đồng Tháp. Tỉnh nằm ở vị trí là cầu nối với Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ – 2 trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, khoa học kĩ thuật và du lịch lớn của cả nước. Với vị trí như trên, du lịch Vĩnh Long có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, đóng góp vào sự phát triển chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như du lịch cả nước.

1. Tiềm năng du lịch

Vĩnh Long là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch sông nước miệt vườn, du lịch tham quan các di tích lịch sử – văn hóa… Vĩnh Long là vùng đồng bằng, sông ngòi chằng chịt, có nhiều cù lao (cù lao An Bình, huyện Long Hồ; cù lao Dài, huyện Vũng Liêm; cù lao Mây, huyện Trà Ôn), đất đai màu mỡ, những vườn cây trái trĩu cành. Tài nguyên khí hậu khá thuận lợi cho việc phát triển các loại hình du lịch. Tài nguyên sinh vật cũng khá phong phú và đa dạng. Đặc biệt, Vĩnh Long nổi tiếng với những loại trái cây như bưởi Năm Roi, Bình Minh, vườn cam sành Tam Bình…, thuận lợi trong phát triển các hoạt động du lịch sinh thái, tham quan và thưởng thức trái cây đặc sản.


Tiềm năng du lịch nhân văn cũng khá đa dạng. Vĩnh Long hiện có 44 di tích được xếp hạng, trong đó có 10 di tích quốc gia phục vụ phát triển du lịch. Các di tích lịch sử, văn hóa nổi bật như Đình Long Thanh (phường 5, thành phố Vĩnh Long), Văn Thánh Miếu (phường 4, thành phố Vĩnh Long), khu tưởng niệm Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (xã Long Phước, huyện Long Hồ), lăng Ông Thống Chế Điều Bát (xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn)… C

ác lễ hội gắn với phong tục tập quán, với nếp sống của dân cư nông nghiệp, nông thôn tạo sự thu hút đối với du khách như lễ hội Kỳ Yên, lễ Chol Chnam Thmay, lễ Oc Oom Boc, lễ hội lăng Ông Thống Chế Điều Bát… Bên cạnh đó, Vĩnh Long hiện có 25 làng nghề nổi tiếng với những sản phẩm độc đáo tạo sự thích thú với du khách như làng nghề bánh tráng ở xã Tường Lộc, huyện Tam Bình và xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, làng nghề sản xuất gạch – gốm ở ven sông Cổ Chiên thuộc địa phận huyện Long Hồ và huyện Mang Thít

2. Các hoạt động du lịch

Các điểm và loại hình du lịch đang khai thác Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long hiện nay có rất nhiều điểm du lịch đã được khai thác và đưa vào hoạt động dựa trên thế mạnh sẵn có của địa phương (tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, cơ sở hạ tầng…). Các điểm du lịch đang khai thác và thu hút nhiều du khách như: điểm du lịch sinh thái Mai Vàng, điểm du lịch sinh thái Mai Quốc Nam, khu du lịch trang trại Vinh Sang, khu du lịch Trường An, khu tưởng niệm Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, khu tưởng niệm Cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Văn Thánh Miếu, đình Long Thanh, lăng Ông Thống Chế Điều Bát…


Vĩnh Long có nhiều loại hình du lịch đã được khai thác như du lịch sinh thái ở cù lao An Bình, huyện Long Hồ với các điểm du lịch sinh thái Mai Quốc Nam, điểm du lịch sinh thái Cai Cường, điểm du lịch sinh thái Mười Hưởng…; du lịch sông nước miệt vườn trên sông Cổ Chiên, sông Hậu…; du lịch tham quan các di tích lịch sử – văn hóa tại chùa Tiên Châu, Văn Thánh Miếu, đình Long Thanh…; du lịch vui chơi giải trí tại khu du lịch trang trại Vinh Sang, khu du lịch Trường An…; du lịch dã ngoại, tham quan miệt vườn và du lịch ẩm thực dân gian tại các điểm du lịch sinh thái ở cù lao An Bình, huyện Long Hồ…; du lịch lễ hội tại lăng Ông Thống Chế Điều Bát, chùa Tiên Châu…; du lịch làng nghề tại làng sản xuất gạch – gốm Thanh Đức, huyện Long Hồ, làng mai Phước Định, huyện Long Hồ; làng bánh tráng Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn…

3. Đánh giá về thực trạng du lịch Vĩnh Long

Vĩnh Long là tỉnh có nhiều tiềm năng cả về tự nhiên lẫn nhân văn để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch tham quan các di tích lịch sử – văn hóa… Tuy nhiên, trong những năm qua, việc khai thác tổng hợp các lợi thế để phát triển du lịch còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, chưa gắn với những nguyên tắc của phát triển bền vững, chưa đáp ứng yêu cầu chung trong chiến lược phát triển du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và du lịch cả nước.

Để du lịch tỉnh Vĩnh Long đạt hiệu quả cao, cần phải đánh giá đầy đủ, toàn diện những thành tựu và hạn chế của du lịch tỉnh Vĩnh Long. Đồng thời, phải có những giải pháp phát triển du lịch theo hướng bền vững như giải pháp về cơ chế chính sách; quản lí du lịch; đầu tư phát triển du lịch; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; liên kết, hợp tác du lịch; quảng bá, xúc tiến du lịch; bảo vệ môi trường, bảo tồn và tôn tạo tài nguyên du lịch… mới có thể đưa du lịch Vĩnh Long phát triển mạnh, bền vững trong tương lai.


Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long đến 2030

1. Về quy hoạch

Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các ngành liên quan tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1976/QĐ-UBND ngày 06/9/2016 của UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy Vĩnh Long về phát triển Du lịch giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long; Quyết định số 2763/QĐ-UBND ngày 27/12/2017 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển Văn hóa và Du lịch tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tiếp tục kêu gọi đầu tư 05 dự án phát triển du lịch được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 1177/QĐ-UBND ngày 13/7/2015 gồm: khu thương mại dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí Mỹ Thuận, khu du lịch Mỹ Hòa, khu du lịch sinh thái Cồn Giông, khu du lịch sinh thái cồn Đông Hậu và khu liên hợp Văn hoá – Thể thao – Du lịch Cái Ngang và 04 khu quy hoạch du lịch được UBND tỉnh phê duyệt năm 2001: khu du lịch sinh thái Mỹ Hòa thị xã Bình Minh, khu du lịch sinh thái Quới Thiện Vũng Liêm, khu du lịch sinh thái Đồng Phú Long Hồ, khu du lịch sinh thái Lục Sĩ Thành Trà Ôn.

Tập trung triển khai Nghị quyết 173/2019/NQ-HĐND, ngày 31/5/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đến năm 2030. Phấn đấu đến năm 2030, cơ sở lưu trú du lịch, điểm, khu du lịch phục vụ tốt cho các sự kiện lớn và nhu cầu ngày càng cao của du khách.

– Tập trung tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án di sản văn hóa đương đại huyện Mang Thít tại điểm nhấn, nét du lịch đặc thù của tỉnh.

2. Phát triển vùng dịch vụ, du lịch trọng điểm

Quy hoạch xác định thành phố Vĩnh Long, huyện Long Hồ, thị xã Bình Minh và huyện Vũng Liêm tiếp tục là bốn trung tâm du lịch quan trọng của tỉnh Vĩnh Long, là đầu mối, động lực để thúc đẩy các khu vực lân cận cùng phát triển, cụ thể:

– Thành phố Vĩnh Long: Quy hoạch không gian đô thị sáng – xanh – sạch – đẹp, chú ý quan tâm vận động xã hội hoá nhà vệ sinh công cộng phục vụ nhu cầu khách du lịch; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật để phát triển du lịch theo hướng văn minh hiện đại, kết nối các tuyến du lịch ngoại ô thành phố và vùng phụ cận, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch; kết hợp tham quan di tích văn hoá lịch sử, làng nghề, giải trí, mua sắm, phố đi bộ…tạo môi trường du lịch lành mạnh, không chèo kéo, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách.

– Huyện Long Hồ: Đẩy mạnh phát triển các khu, điểm du lịch trên các xã cù lao với sản phẩm du lịch đặc thù là homestay. Duy trì diện tích tự nhiên của vườn cây ăn trái, áp dụng kỹ thuật trồng trọt tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm trái vụ để phục vụ du khách. Tiếp tục phát triển du lịch sinh thái sông nước kết hợp với văn hoá, danh nhân, trang trại, nuôi trồng thuỷ sản,…, từng bước hình thành khu du lịch cộng đồng để đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là khu du lịch quốc gia chuyên về du lịch sinh thái sông nước, tạo điều kiện cho du lịch Vĩnh Long kết nối với tuyến du lịch quốc gia.

Du khách quốc tế tham quan nhà cổ Cai Cường, huyện Long Hồ
Du khách quốc tế tham quan nhà cổ Cai Cường, huyện Long Hồ

Huyện Long Hồ sẽ đưa vào Chương trình nông thôn mới của huyện ưu tiên đầu tư các tuyến đường ở các xã cù lao kết hợp phục vụ du lịch, rà soát hoàn thiện các đoạn đường đến các homestay. Có hướng chuẩn bị xây dựng các tuyến giao thông kết nối thuận tiện phát triển du lịch khi Cầu Đình Khao xây dựng xong.

Tiếp tục kêu gọi xã hội hoá xây dựng bến tàu đạt chuẩn (quy mô nhỏ) ở các điểm du lịch cù lao để phục vụ du khách.

Đề xuất giải pháp nạo vét phù hợp cho tuyến kênh Mương Lộ và sông Cái Muối phục vụ phát triển du lịch, gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên để hướng đến phát triển du lịch bền vững.

– Thị xã Bình Minh: Tiếp tục triển khai dự án đường vào khu du lịch sinh thái Mỹ Hòa, phát huy giá trị các làng nghề truyền thống như nghề làm tàu hủ ky, tương chao, nghề làm nhang, xà lách xoong, bưởi Năm Roi, trái thanh trà… làm vệ tinh kết nối với thành phố Cần Thơ.

– Huyện Vũng Liêm: Phối hợp Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch mời gọi đầu tư một số hạng mục tại khu vực Bảo tàng Nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long; kêu gọi doanh nghiệp và nhân dân đầu tư các điểm du lịch trên các xã cù lao, phát triển các vườn trái cây đặc sản, phát huy các giá trị văn hoá lịch sử, làng nghề truyền thống, trải nghiệm nông nghiệp lúa nước; phát huy giá trị di tích khu mộ mẹ danh nhân Thoại Ngọc Hầu, khu lưu niệm cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Tượng đài Lê Cẩn – Nguyễn Giao gắn phát triển du lịch tại địa phương.

Các huyện Long Hồ, Trà Ôn, Tam Bình: Phối hợp Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch mời gọi đầu tư các khu quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn của huyện như: Khu du lịch sinh thái Đồng Phú, khu du lịch sinh thái Lục Sĩ Thành, khu du lịch sinh thái cồn Đông Hậu, khu liên hợp Văn hoá – Thể thao – Du lịch Cái Ngang, … để phát triển du lịch.

Riêng huyện Bình Tân sẽ thực hiện phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của huyện như: khoai lang, bắp, dưa hấu, các sản phẩm có nguyên liệu từ khoai lang…và các thế mạnh của địa phương để thu hút khách tham quan du lịch.

3. Phát triển nguồn nhân lực

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh tổ chức tập huấn công tác quản lý, các lớp nghiệp vụ như: Thuyết minh viên, hướng dẫn viên và nghiệp vụ du lịch khác cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch.

Đầu tư kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng dân cư tại các khu, điểm du lịch.

* Giai đoạn 2021 – 2025

Mỗi năm mở 03 lớp, kinh phí 120.000.000đ/năm x 5 năm = 600.000.000đ, nhà nước hỗ trợ 40%, phần kinh phí còn lại vận động xã hội hoá.

* Giai đoạn 2026 – 2030

Mỗi năm mở 02 lớp, kinh phí 80.000.000đ/năm x 5 năm = 400.000.000đ, nhà nước hỗ trợ 30%, phần kinh phí còn lại vận động xã hội hoá.

4. Nguồn vốn đầu tư

Tỉnh Vĩnh Long xác định tranh thủ các nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch từ ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thiết chế văn hoá, thể thao, tôn tạo các di tích văn hoá, lịch sử, các làng nghề, các dự án phục vụ phát triển du lịch.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư hoạt động kinh doanh du lịch.

Dành một phần vốn ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư phát triển các chương trình, dự án của Trung ương trên địa bàn.

5. Phát triển các sản phẩm chủ yếu

Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long xác định đến 2025, mỗi huyện, thị xã, thành phố đưa vào khai thác từ 02 đến 05 điểm tham quan du lịch; có thêm nhiều sản phẩm du lịch phục vụ yêu cầu mở rộng không gian, hình thành thêm nhiều chương trình, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh.

Kêu gọi đầu tư phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch đặc thù sông nước, kết hợp với các hoạt động: nghiên cứu khoa học, nghỉ dưỡng, đào tạo huấn luyện thể thao, biểu diễn nghệ thuật, kết hợp tham quan làng nghề, di tích văn hoá lịch sử, danh nhân, ưu tiên phát triển các dự án phục vụ ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí về đêm để tăng ngày lưu trú du khách.

Phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long bằng việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu mua sắm và kích thích chi tiêu của du khách.

Hàng năm, các sở ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long lập kế hoạch phát triển du lịch nhằm tạo điều kiện để vận động nguồn vốn xã hội hoá đầu tư cho phát triển sản phẩm du lịch mới: Trò chơi dưới nước, du lịch dã ngoại, ẩm thực trên sông, công viên gốm,…

6. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư và phát triển thị trường

Theo định hướng quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long, Ban chỉ đạo Phát triển du lịch, Ban chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại của tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá xúc tiến phát triển du lịch, liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước phát triển thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế.

Tỉnh Vĩnh Long cần tham gia sâu, rộng vào các hội chợ, hội thảo về du lịch tổ chức trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường; xuất bản đa dạng ấn phẩm du lịch phục vụ việc tham gia các hội chợ, hội thảo chuyên ngành du lịch để tạo sự quan tâm chú ý của các công ty lữ hành, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch của tỉnh mở rộng quan hệ hợp tác, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, chú trọng phát triển các tour liên kết với thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đưa khách đến tham quan Vĩnh Long.

Các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cần quan tâm đến việc đăng cai tổ chức sự kiện cấp vùng và cấp quốc gia để thu hút khách du lịch đến Vĩnh Long và quảng bá điểm đến của tỉnh.


Rate this post
Bài trướcThe Private Life of Stella Stevens: Unraveling the Mystery of Her Personal Relationships
Bài tiếp theoThe Enigmatic Love Life of Matt Rife: Unmasking His Girlfriend

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây