Trang chủ Quy hoạch Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bạc Liêu đến 2030, tầm...

Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bạc Liêu đến 2030, tầm nhìn 2050

156
0

Quy hoạch phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tỉnh Bạc Liêu với hệ thống các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Định hướng đến năm 2025, Bạc Liêu trở thành một tỉnh có công nghiệp phát triển.

Kế thừa Quyết định số 75/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2011-2020. Tỉnh Bạc Liêu thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 được thực hiện như sau:


Tập trung triển khai thực hiện các dự án công nghiệp mang tính động lực (Nhà máy điện LNG Bạc Liêu 3.200 MW, các nhà máy Điện gió, Khu công nghiệp Láng Trâm, khu công nghiệp Ninh Quới…); phát triển thêm một số cụm công nghiệp với quy mô hợp lý (ở những khu đất sản xuất kém hiệu quả) để thúc đẩy phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp theo quy hoạch đã đề ra.

Khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ hiện đại đối với các nhà máy chế biến thuỷ sản hiện có; phát triển thêm một số nhà máy chế biến nông sản nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh.

Thu hút mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của tỉnh trên tinh thần chủ động và tích cực mời gọi đầu tư. Phát huy đầy đủ, có hiệu quả các nguồn lực bên trong, tranh thủ hợp tác quốc tế, hợp tác liên tỉnh, liên vùng, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo đảm an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.


Phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng an ninh.

Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp mà sản phẩm có thị trường ổn định, có lợi thế so sánh, hiệu quả kinh tế cao, thu hút được nhiều lao động; phục hồi và phát triển các làng nghề truyền thống.

Tạo bước chuyển biến căn bản trong đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, Bạc Liêu trở thành một tỉnh có công nghiệp phát triển. Cụ thể:


Phát triển không gian công nghiệp, hệ thống khu – cụm công nghiệp

1. Định hướng phát triển

Trong qui hoạch hiện còn hiệu lực, Bạc Liêu chủ trương xây dựng 3 khu công nghiệp, gồm Khu công nghiệp Trà Kha (TP.Bạc Liêu), Khu công nghiệp Ninh Quới (H.Hồng Dân), Khu công nghiệp Láng Trâm (thị xã Giá Rai) và 6 cụm công nghiệp (CCN) ở các huyện. Đến nay có 1 Khu công nghiệp (Trà Kha) và 2 Cụm công nghiệp đi vào hoạt động với qui mô nhỏ, hạ tầng chưa đồng bộ, hiệu quả còn thấp. Phần lớn các DN chế biến thủy sản – vốn là loại hình doanh nghiệp có lượng xả thải lớn ra môi trường, vẫn nằm ngoài KCN và CCN. Phát triển KCN, Cụm công nghiệp chưa ngang tầm với nhu cầu và tiềm năng của tỉnh, khi qui mô KCN quá nhỏ, chưa đủ lớn để có thể giảm chi phí, tăng hiệu quả khi đầu tư và vận hành hạ tầng khu công nghiệp, chưa thu hút được nhà đầu tư đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN; khâu đền bù, giải phóng mặt bằng vừa phức tạp, vốn đầu tư lớn, nhiều rủi ro, ngân sách địa phương không hỗ trợ; chính sách thu hút doanh nghiệp vào hoạt động trong KCN, Cụm công nghiệp chưa hấp dẫn. Bạc Liêu là tỉnh có qui mô khu công nghiệp nhỏ nhất cả nước và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề xuất xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung, có qui mô lớn hơn, làm nòng cốt xây dựng các trung tâm đầu mối tỉnh, trong đó ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nông nghiệp, nhằm tạo thuận lợi cho liên kết sản xuất, cung ứng vật liệu, giảm chi phí vận tải và phân phối hàng hóa. Các khu, cụm công nghiệp cần gắn kết với khu vực đô thị, hệ thống kết cấu hạ tầng liên kết nội tỉnh, ngoài tỉnh để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh. Ưu tiên phát triển và mở rộng KCN, cụm công nghiệp ở khu vực đô thị động lực của tỉnh; hạn chế việc chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao để mở rộng, phát triển công nghiệp một cách phân tán. Rà soát, đánh giá lại các KCN đã thành lập nhưng chưa được đầu tư xây dựng để có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đảm bảo sử dụng đất hiệu quả.

Kế thừa quy hoạch khu công nghiệp hiện có, Quy hoạch tỉnh lần này đề xuất phát triển mới Khu công nghiệp Bạc Liêu khoảng 500ha (tại xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu); cùng với KCN Ninh Quới (H Hồng Dân) và KCN Láng Trâm (TX.Giá Rai) tạo thành 3 đỉnh của tam giác tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, cạnh tăng trưởng là các tuyến giao thông kết nối nội và ngoại tỉnh cùng với chuỗi đô thị quan trọng nhất trên địa bàn tỉnh; mỗi KCN có chức năng phù hợp với nhu cầu phát triển và vị trí của KCN.


2. Phương án phát triển

Trên cơ sở đó, Quy hoạch tỉnh xác định phương án phát triển các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp của tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xác định cụ thể như sau:

Về Khu công nghiệp:

1- Khu công nghiệp Trà Kha: Do không còn diện tích để mở rộng, quy hoạch giữ nguyên hiện trạng 66 ha; hiện đã đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật; đến năm 2022 tỷ lệ lấp đầy đạt 100%.

2- Khu công nghiệp Láng Trâm: KCN Láng Trâm có lợi thế nằm sát thành phố Cà Mau – tỉnh Cà Mau, sân bay Cà Mau, cao tốc Cà Mau – Cần Thơ (trong tương lai gần). Giữ nguyên diện tích và vị trí qui hoạch hiện hữu 96,54 ha. Quy hoạch đến năm 2025, hoàn thành hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy đạt tối thiểu 60%; đến năm 2030 tỷ lệ lấp đầy trên 90%.

– Chức năng chính: Là trung tâm chế biến thủy sản lớn nhất tỉnh, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sửa chữa tàu thuyền, sản xuất, sửa chữa dụng cụ cơ khí qui mô nhỏ, trung tâm kho chứa và bảo quản thủy sản, dịch vụ logistic, tài chính, hải quan, đào tạo lao nghề, thu hút và tác động lan tỏa ra cả vùng lân cận thuộc tỉnh Cà Mau. Vùng nguyên liệu chính là khu vực trọng điểm nuôi, đánh bắt thủy sản, kể cả khu nông nghiệp công nghệ cao, trọng điểm sản xuất tôm giống của vùng ĐBSCL, thuộc địa bàn huyện Đông Hải, Hòa Bình, thị xã Giá Giá Rai.

– Kết nối chính: KCN Láng Trâm kết nối với TP.Cà Mau và cao tốc Cà Mau-Cần Thơ, về Cần Thơ; kết nối với TP.Bạc Liêu qua QL.1, mở ra biển đông qua cảng Gành Hào. Kết nối nội tỉnh qua hệ thống đường tỉnh lộ, kể cả đường bộ và đường thủy.

Khu công nghiệp Láng Trâm, nằm giáp Cà Mau, nên hướng kết nối chính qua Quốc lộ 1 nối với cao tốc Cần Thơ-Cà Mau và sân bay Cà Mau, kết nối với Trung tâm đầu mối cấp vùng đặt tại Cà Mau và Trung tâm đầu mối Cần Thơ.

– Xúc tiến đầu tư: Tích cực mời gọi nhà đầu tư và đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phấn đấu đến cuối năm 2025 xây dựng hoàn thành hạ tầng khu công nghiệp. Áp dụng phương thức vừa đầu tư hạ tầng, vừa mời gọi đầu tư các cơ sở sản xuất vào khu công nghiệp.

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào khu công nghiệp. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để di dời các nhà máy chế biến thủy sản xây dựng tự phát ở xung quanh khu vực này vào khu công nghiệp, nhằm quản lý tốt vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bản đồ Phương án phát triển Khu công nghiệp thời kỳ 2021-2030 tỉnh Bạc Liêu
Bản đồ Phương án phát triển Khu công nghiệp thời kỳ 2021-2030 tỉnh Bạc Liêu

3- Khu công nghiệp Ninh Quới: Giữ nguyên qui mô diện tích theo quy hoạch hiện hữu là 257,2 ha (trong đó: diện tích dành cho phát triển công nghiệp là 152,8 ha). Đến năm 2025, bổ sung vào quy hoạch hệ thống khu công nghiệp quốc gia; đến năm 2030, hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, tỷ lệ lấp đầy trên 60%.

– Chức năng chính: Công nghiệp chế biến nông sản, chế biến thực phẩm, rau củ quả, công nghiệp may mặc, cơ khí sửa chữa, sản xuất sản phẩm cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng; dịch vụ tài chính, đào tạo nghề, trung chuyển hàng hóa ra ngoài tỉnh hướng về Cần Thơ hoặc TP HCM, dịch vụ logistic.

– Kết nối chính: Kết nối ngoài tỉnh qua tuyến quốc lộ Quản lộ – Phụng Hiệp – Cà Mau, nối với cao tốc Cần Thơ-Cà Mau; đường thủy quốc gia kênh Quản lộ – Phụng Hiệp; Theo quy hoạch giao thông Đồng bằng sông Cửu Long thì trong tương lai có đường cao tốc từ Hà Tiên – Rạch Giá (Kiên Giang) về Bạc Liêu đi theo bờ phải kênh Cầu Sập – Ninh Quới – Ngan Dừa và đường Hồ Chí Minh đi qua Ba Đình. Kết nối nội tỉnh qua hệ thống đường tỉnh, cả đường bộ và thủy.

KCN Ninh Quới, nằm gần tỉnh Hậu Giang, nên chủ yếu kết nối qua cao tốc Cần Thơ-Cà Mau với Trung tâm đầu mối tổng hợp vùng tại Cần Thơ.

4- Khu công nghiệp Bạc Liêu: Do khu công nghiệp Trà Kha hiện hữu có qui mô nhỏ, hiện đã lấp đầy không thể mở rộng thêm, khó có thể thu hút đầu tư phát triển kinh tế công nghiệp và nâng cao tỷ lệ đô thị hóa cho TP.Bạc Liêu trong tương lai (khó giữ chân người lao động và thu hút người lao động ở nơi khác chuyển đến,…). Việc quy hoạch một KCN tầm cỡ quanh khu vực Thành phố Bạc Liêu (gọi chung là KCN Bạc Liêu) là rất cần thiết cả về kinh tế và xã hội; quy hoạch diện tích khoảng 500 ha45 (tại xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu). KCN Bạc Liêu mới này có nhiều lợi thế để phát triển: Thuận lợi về giao thông khi tiếp giáp tuyến đường liên tỉnh (Quốc lộ Nam Sông Hậu) và sông Bạc Liêu để đến cảng nước sâu Trần Đề của cả vùng ĐBSCL trong tương lai; đồng thời mở ra biển Đông với cảng biển Vĩnh Hậu A dự kiến cho tàu 50.000 tấn phục vụ Nhà máy LNG trong tương lai, gần Đường ven biển quốc gia; lại nằm trong khu vực trọng điểm nuôi và đánh bắt thủy sản của tỉnh; là khu đất lớn nằm xa khu dân cư, đảm bảo các vấn đề môi trường. Quy hoạch đến năm 2025, bổ sung KCN Bạc Liêu vào quy hoạch hệ thống khu công nghiệp quốc gia; sau năm 2025 hoàn thành hạ tầng và lấp đầy tùy theo điều kiện cụ thể của tỉnh.

– Chức năng chính: Với vị trí trọng yếu, có chức năng tổng hợp cao, gồm: chế biến thủy sản, sản xuất thức ăn chăn nuôi, trung tâm logistic, kho lạnh, dịch vụ hải quan, tài chính, đào tạo, nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ. Vùng nguyên liệu của KCN Bạc Liêu chủ yếu phân bố ở các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, ngoại ô TP.Bạc Liêu.

– Kết nối chính: Từ KCN Bạc Liêu kết nối qua QL.1, Đường Nam sông Hậu tới TP Sóc Trăng, cảng Trần Đề và cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng tới TP.Cần Thơ; kết nối với TP.Cà Mau qua QL.1, tới cao tốc Cà Mau-Cần Thơ tới Cần Thơ; mở ra Biển Đông qua cảng khí Vĩnh Hậu A (nằm trong quy hoạch cảng biển quốc gia); kết nối nội tỉnh qua hệ thống đường tỉnh lộ.

KCN Bạc Liêu sẽ kết nối chủ yếu về phía Sóc Trăng và Cần Thơ; kết nối với Trung tâm đầu mối thủy sản cấp vùng tại tỉnh Sóc Trăng, cảng Trần Đề; kết nối với Trung tâm đầu mối tổng hợp cấp vùng đặt tại Cần Thơ, qua Quốc lộ 1 và QL.91B (đường Nam sông Hậu); trong tương lai khi cao tốc Cần Thơ-Cà Mau hoàn thành trong đó có đoạn qua Bạc Liêu, có một phần kết nối qua ĐT.978 ra cao tốc đi Cần Thơ.

Về Cụm công nghiệp

Trong thời kỳ 2021 – 2030 tiếp tục giữ quy hoạch đầu tư phát triển 04 cụm công nghiệp theo Quyết định số 75/QĐ-UBND ngày 20/01/2014 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh Bạc Liêu về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển “Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp Tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; đồng thời, quy hoạch phát triển thêm 03 cụm công nghiệp Đông Hải, Chủ Chí 2 và Châu Hưng46 và 02 cụm công nghiệp Tân Thạnh 1 và Tân Thạnh 2 (Thị xã Giá Rai)47. Tổng diện tích các Cụm công nghiệp quy hoạch đến năm 2030 khoảng 435 ha, bao gồm:

Bản đồ Phương án phát triển Cụm công nghiệp thời kỳ 2021-2030 tỉnh Bạc Liêu
Bản đồ Phương án phát triển Cụm công nghiệp thời kỳ 2021-2030 tỉnh Bạc Liêu

1/ Cụm công nghiệp Chủ Chí (Huyện Phước Long): Quy mô diện tích 30 ha, nằm trên địa bàn xã Phong Thạnh Tây B, huyện Phước Long; đến năm 2025, hoàn thành hạ tầng và lấp đầy trên 50%; đến năm 2030 lấp đầy trên 90%.

2/ Cụm công nghiệp Vĩnh Mỹ (Huyện Hòa Bình): Quy mô diện tích 30 ha, vị trí tại ấp 14, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình; đến năm 2025, hoàn thành hạ tầng và lấp đầy trên 50%; đến năm 2030 lấp đầy trên 90%.

3/ Cụm công nghiệp Vĩnh Lợi (Huyện Vĩnh Lợi): Quy mô diện tích 50 ha, vị trí nằm dọc theo tuyến Kênh Bạc Liêu – Vàm Lẽo, thuộc 02 xã Hưng Hội và Hưng Thành của huyện Vĩnh Lợi; đến năm 2025, hoàn thành xong hạ tầng và lấp đầy trên 50%; đến năm 2030 lấp đầy trên 90%.

4/ Cụm công nghiệp Hồng Dân (Huyện Hồng Dân): Quy mô diện tích 50 ha, tại xã Lộc Ninh, Huyện Hồng Dân; đến năm 2025, hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500; đến năm 2030, hoàn thành hạ tầng và lấp đầy trên 50%.

5/ Cụm công nghiệp Đông Hải (huyện Đông Hải): Quy mô diện tích khoảng 75 ha, tại xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải; đến năm 2025 đưa vào quy hoạch, đến năm 2030 hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 và hạ tầng, lấp đầy khoảng 50%.

6/ Cụm công nghiệp Chủ Chí 2 (Huyện Phước Long): Quy mô diện tích 30 ha, nằm trên địa bàn xã Phong Thạnh Tây B, huyện Phước Long; đến năm 2025 đưa vào quy hoạch, đến năm 2030 hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 và hạ tầng, lấp đầy khoảng 50%.

7/ Cụm công nghiệp Châu Hưng (Huyện Vĩnh Lợi): Quy mô diện tích 30 ha, nằm trên địa bàn thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi; đến năm 2025 đưa vào quy hoạch, đến năm 2030 hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 và hạ tầng, lấp đầy khoảng 50%.

8/ Cụm công nghiệp Tân Thạnh 1 (Thị xã Giá Rai): Quy mô diện tích khoảng 70 ha; tại ấp 8, xã Tân Thạnh, thị xã Giá Rai; đến năm 2025 đưa vào quy hoạch, đến năm 2030 hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 và hạ tầng, lấp đầy khoảng 50%.

9/ Cụm công nghiệp Tân Thạnh 2 (Thị xã Giá Rai): Quy mô diện tích khoảng 70 ha; tại ấp 8, xã Tân Thạnh, thị xã Giá Rai; đến năm 2025 đưa vào quy hoạch, đến năm 2030 hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 và hạ tầng, lấp đầy khoảng 50%.

Các cụm công nghiệp tập trung thu hút, phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, thủy sản; cơ khí phục vụ nông nghiệp; sửa chữa tàu thuyền; sản xuất vật liệu xây dựng; di rời các cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nằm trong các khu dân cư trên địa bàn vào các cụm công nghiệp nhằm ổn định sản xuất và bảo đảm vệ sinh môi trường.

Tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025; Theo đó, quy hoạch sử dụng đất theo phân bố của chính phủ giao cho UBND tỉnh Bạc Liêu, xác định qui mô đất dành cho Khu công nghiệp là rất thấp (chỉ có 160 ha). Về tầm nhìn lâu dài, tỉnh Bạc Liêu cần quy hoạch 04 Khu công nghiệp (815,34 ha) và 09 Cụm công nghiệp (435 ha) như trên. Tuy nhiên, theo Điều 3 của Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ có giao “Các địa phương tập trung nguồn lực thực hiện tốt các chỉ tiêu sử dụng đất trong kế hoạch 05 năm (2021-2025). Quá trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh nhu cầu sử dụng đất đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh phù hợp với quy định hoặc trình Quốc hội xem xét điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2026- 2030) vào năm 2024”. Vì vậy, đối với tỉnh Bạc Liêu; đến năm 2025 (còn 03 năm nữa), phát triển đất Khu công nghiệp theo chỉ tiêu Chính phủ giao kế hoạch 5 năm (2021-2025); sau năm 2025 sẽ báo cáo Thủ tướng điều chỉnh theo nhu cầu sử dụng đất Khu công nghiệp trong Quy hoạch tỉnh. Còn các Cụm công nghiệp sẽ phát triển theo nhu cầu của tỉnh đề xuất phù hợp với qũy đất.

Tài liệu kèm theo:


Rate this post
Bài trướcQuy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bạc Liêu đến 2030, tầm nhìn 2050
Bài tiếp theoBản đồ quy hoạch – Kế hoạch sử dụng đất huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) đến 04/2024

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây