Trang chủ Công nghiệp Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp tỉnh Đắk Nông đến...

Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp tỉnh Đắk Nông đến 2030, tầm nhìn 2050

199
0

Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Nông xác định theo hướng chế biến, sản xuất sâu gắn với nguồn tài nguyên dồi dào sẵn có của tỉnh; đảm bảo phát triển bền vững với môi trường.

Tỉnh Đắk Nông thực hiện huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đầu tư phát triển theo chiều sâu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào các ngành công nghiệp tỉnh có lợi thế, từng bước hình thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường, với các ngành chủ lực là công nghiệp Alumin – Nhôm, năng lượng tái tạo và chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; giảm dần các ngành công nghiệp thâm lao động; chú trọng bảo vệ môi trường, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia và giải quyết các vấn đề xã hội.


Bản đồ quy hoạch định hướng phát triển lĩnh vực công nghiệp tỉnh Đắk Nông
Bản đồ quy hoạch định hướng phát triển lĩnh vực công nghiệp tỉnh Đắk Nông

Mục tiêu cụ thể phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Nông

Đến năm 2025: Tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt 16,7%; tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 16,06%/năm.

Đến năm 2030: Tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đến 2030 phấn đấu đạt 23%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30%; tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 18,88%/năm; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu khoảng 20%.

Định hướng phát triển các ngành công nghiệp chủ lực tỉnh Đắk Nông

Giai đoạn đến năm 2025: Huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng và đưa vào sản xuất các dự án ở các ngành công nghiệp công nghiệp luyện alumin – nhôm, công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến nông lâm sản dựa trên lợi thế của tỉnh về các nguồn tài nguyên.


Giai đoạn đến năm 2030: Tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát triển các ngành công nghiệp alumin – nhôm và các sản phẩm sau nhôm, xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia.

Tầm nhìn 2050: Phát triển công nghiệp alumin – nhôm và sản phẩm sau nhôm để xây dựng tỉnh Đắk Nông trở thành trung tâm luyện kim màu lớn nhất nước. Phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản công nghệ cao và ưu tiên phát triển lĩnh vực công nghiệp mới.

Bản đồ quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Đắk Nông
Bản đồ quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch phát triển Công nghiệp sản xuất alumin – nhôm – sau nhôm

Để thực hiện mục tiêu quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Nông. Thời gian tới tỉnh sẽ thực hiện những nhiệm vụ cụ thể như sau:


  • Đầu tư nâng cao công suất của nhà máy alumin Nhân Cơ.
  • Hoàn thiện hạ tầng, giải quyết các thủ tục liên quan để đưa dự án sản xuất nhôm của doanh nghiệp Trần Hồng Quân đi vào hoạt động để sớm có sản phẩm nhôm và các sản phẩm sau nhôm.

Hoàn tất hồ sơ thủ tục, sớm triển khai và đưa các tổ hợp dự án đi vào vận hành:

  • Dự án Nhà máy tuyển bô xít – Alumin – Nhôm Hòa Phát của Tập Đoàn Hòa Phát;
  • Dự án chế biến bô xít – alumin – nhôm Đắk G’long của Tập đoàn Việt Phương;
  • Chế biến sâu quặng bô xít (sản xuất Alumina – Điện phân nhôm kim loại) của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang và các
    tập đoàn khác…

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp sản xuất nhôm và sản phẩm sau nhôm. Từng bước đưa tỉnh Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia, trung tâm luyện kim màu lớn nhất nước.

Giai đoạn 2021-2030:


  • Đa dạng hóa các hình thức và đối tác đầu tư để sớm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông do tỉnh có lợi thế và tiềm năng lớn về tài nguyên khoáng sản bauxit.
  • Đầu tư mở rộng nâng công suất lên 2.000.000 tấn alumin/năm cho Nhà máy Alumin Nhân Cơ; trong đó, Nhà máy thực hiện cường hóa, nâng công suất dây chuyền sản xuất alumin từ 650.000 tấn/năm lên 750.000 – 800.000 tấn/năm và đầu tư thêm dây chuyền sản xuất alumin thứ hai với công suất 1.300.000 triệu tấn alumin/năm.
  • Đầu tư xây dựng mới Nhà máy sản xuất alumin Đắk Nông 2 với công suất 950.000 tấn/năm tại địa bàn huyện Đắk Glong; nguồn nguyên liệu lấy từ mỏ bauxit “1-5”, mỏ bauxit Quảng Sơn và các mỏ bauxit lân cận.
  • Đầu tư xây dựng mới nhà máy tuyển quặng, công suất 5 triệu tấn/năm tại xã Đắk D’rung huyện Đắk Song; nhà máy Alumin, công suất 2 triệu tấn Alumin/năm và dự án điện phân nhôm, công suất 0,5 triệu tấn/năm tiếp giáp 2 xã Nâm N’Jang và Trường Xuân huyện Đắk Song.
  • Đầu tư xây dựng mới sản xuất Alumina, công suất 1,2 triệu tấn/năm và nhà máy điện phân nhôm kim loại công suất 500.000 tấn/năm tại xã Thuận Hà và xã Thuận Hạnh huyện Đắk Song.

Giai đoạn 2031-2050:

  • Xem xét đầu tư nâng công suất sản xuất Alumina và điện phân nhôm tùy theo điều kiện thực tế và nhu cầu thị trường.
  • Kêu gọi đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ công nghiệp khai thác bauxit, luyện alumin, điện phân nhôm như: công nghiệp hóa chất, môi trường, cơ khí, dịch vụ ngân hàng,….
Bản đồ quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Đắk Nông
Bản đồ quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến nông lâm sản tỉnh Đắk Nông

Tỉnh sẽ Đắk Nông sẽ tập trung khuyến khích các nhà máy chế biến nông, lâm sản hiện có đổi mới trang thiết bị, dây truyền công nghệ tiên tiến, hiện đại để vừa nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có, vừa tạo các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, đồng thời thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm công nghiệp mới, trong đó tập trung vào các sản phẩm có lợi thế, gồm: cà phê, tiêu, điều, cao su, cây ăn quả, gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các sản phẩm từ chăn nuôi như thịt gia súc, gia cầm, da, mật ong, chế biến thức ăn gia súc .v.v…

Giai đoạn 2021-2025:

  • Duy trì và phát huy tối đa công suất hoạt động của các dự án chế biến cà phê nhân trên địa bàn theo giấy phép được cấp.
  • Thu hút thêm các dự án chế biến cà phê bột để nâng công suất chế biến lên từ 4-5.000 tấn/năm.
  • Thu hút các dự án chế biến điều để nâng công suất chế biến hạt điều khô lên từ 8-10.000 tấn/năm.
  • Thu hút các dự án chế biến hồ tiêu để nâng công suất lên khoảng 35.000 tấn/năm.
  • Thu hút các dự án chế biến đậu phộng, đậu nành sấy xuất khẩu để nâng công suất lên từ 10-12.000 tấn/năm.
  • Thu hút các dự án chế biến sâu các loại trái cây xuất khẩu.
  • Thu hút thêm các dự án sản xuất sản phẩm từ gỗ để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Giai đoạn 2026-2030:

  • Tiếp tục thu hút đầu tư các dự án chế biến cà phê, nâng công suất chế biến cà phê nhân lên 350.000 – 400.000 tấn/năm; cà phê bột từ 8.000 – 10.000 tấn/năm.
  • Thu hút thêm các dự án chế biến điều, nâng công suất chế biến lên từ 15.000 – 20.000 tấn/năm.
  • Thu hút các dự án chế biến hồ tiêu để nâng công suất chế biến lên từ 40.000 – 45.000 tấn/năm.
  • Thu hút các dự án chế biến đậu phộng, đậu nành sấy để nâng công suất lên từ 15.000 – 20.000 tấn/năm.
  • Tiếp tục thu hút các dự án chế biến trái cây, hoa quả.

Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp năng lượng, tỉnh Đắk Nông

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp năng lượng tỉnh Đắk Nông, trong đó ưu tiên phát triển điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh gắn với quy hoạch phát triển điện quốc gia, sử dụng công nghệ hiện đại theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; đảm bảo 100% xã, thôn, buôn có điện lưới quốc gia và trên 99% hộ gia đình được cấp điện an toàn.

Giai đoạn 2021-2025:

  • Tiếp tục đầu tư và đưa vào vận hành các nguồn điện mặt trời và điện gió đang đầu tư theo quy hoạch quốc gia trên địa bàn tỉnh theo công suất thiết kế.
  • Rà soát, bổ sung vào quy hoạch điện VII (điều chỉnh) và quy hoạch điện VIII các dự án điện gió, điện mặt trời.

Giai đoạn 2026-2030:

  • Tiếp tục khai thác tối đa công suất, hiệu quả các dự án điện gió, điện mặt trời hiện có.
  • Thực hiện đầu tư và đưa vào vận hành từ 60 – 70% dự án đăng kí.

Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp tiềm năng

Công nghiệp khai thác khoáng sản:

Tỉnh có nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản có trữ lượng còn lại đến nay lớn như: đá xây dựng (102,1 triệu m3), cát xây dựng (6,2 triệu m3), sét gạch ngói (10,3 triệu m3),….phục vụ cho công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, tỉnh còn có trữ lượng khá lớn
các loại khoáng sản quý hiếm, bán quý khác như: vàng, wonfram, thiếc, đá opalcanxeđoan,..đang được thăm dò, khai thác.

Giai đoạn 2021-2025:

  • Duy trì công suất các dự án khai thác khoáng sản đã cấp phép trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích đầu tư, đổi mới công nghệ khai thác.
  • Thu hút các dự án lớn, có quy mô và công nghệ tiên tiến để phát triển, nâng cao năng lực sản xuất của ngành.
  • Đưa các dự án khai thác wonfram, kaolin vào khai thác.

Giai đoạn 2026-2030:

  • Duy trì và khai thác có hiệu quả các dự án khai thác hiện có.
  • Rà soát, đánh giá lại hiệu quả, tác động của các dự án để có phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường.

Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng:

Giai đoạn 2021-2025:

  • Tiếp tục duy trì và đảm bảo công suất hoạt động các dự án sản xuất hiện có.
  • Thu hút 01 dự án đầu tư chế biến cát nhân tạo từ đá mi bụi.

Giai đoạn 2026-2030:

  • Thu hút các dự án để nâng công suất sản xuất các sản phẩm: Đá xây dựng, đá xẻ lên từ 50% so với hiện tại.
  • Thu hút dự án sản xuất gạch viên để nâng công suất sản xuất lên từ 150-200 triệu viên/năm.
  • Tiếp tục thu hút các dự án sản xuất cát nhân tạo từ đá mi bụi để đa dạng hóa sản phẩm vật liệu xây dựng và tận dụng nguồn tài nguyên đá xây dựng, đá xẻ trên địa bàn.

Công nghiệp cơ khí:

Định hướng phát triển các sản phẩm công nghiệp cơ khí của tỉnh Đắk Nông gắn với nhu cầu sản xuất, chế biến nông lâm sản và các ngành công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh, góp phần từng bước hiện đại hóa nền sản xuất. Phát triển các sản phẩm cơ khí đi vào chiều sâu, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Giai đoạn 2021-2025:

  • Thu hút đầu tư các nhà máy cơ khí sản xuất máy phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp, chế biến nông lâm sản, tưới tiêu,…
  • Thu hút đầu tư nhà máy cơ khí chế tạo máy và sửa chữa thiết bị phục vụ cho các ngành công nghiệp khai khoáng trên địa bàn.

Giai đoạn 2026-2030:

  • Thu hút đầu tư các dự án cơ khí sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp sản xuất bauxite, nhôm.
  • Thu hút các dự án sản xuất sản phẩm máy móc, thiết bị phục vụ chế biến sâu nông lâm sản.

Quy hoạch phát triển công nghiệp sản xuất hóa chất và cao su:

Tỉnh Đắk Nông có ngành nông nghiệp khá phát triển, nguồn tài nguyên than bùn có trữ lượng lớn tập trung ở Đắk Mil (112,5 triệu tấn), Krông Nô (65,8 triệu tấn) để phát triển công nghiệp sản xuất phân bón. Ngành công nghiệp khai khoáng, đặc biệt là khai thác auxite cần sử dụng nhiều loại hóa chất cơ bản như: NaOH, Na2O, H2SO4,…

Các động sản xuất, thương mại đang từng bước phát triển, nhu cầu về sản xuất các loại bao bì ngày càng cao. Ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm từ cao su, plastic còn nhiều tiềm năng về nguyên liệu và thị trường.

Giai đoạn 2021-2025:

  • Thu hút thêm các dự án sản xuất phân bón vi sinh từ nguồn nguyên liệu than bùn.
  • Duy trì hoạt động ổn định các dự án nhà máy sản xuất hóa chất cơ bản, sản xuất bao bì, chế biến các sản phẩm cao su, plastic.
  • Khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao công suất hoạt động.

Giai đoạn 2026-2030:

  • Tiếp tục thu hút các dự án sản xuất hóa chất cơ bản, sản xuất bao bì, chế biến sản phẩm cao su, plastic.
  • Nâng cao công suất hoạt động các dự án hiện có.

Thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp khác:

Theo dự báo, xu hướng thu hút dòng đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào địa bàn tỉnh Đắk Nông từ nay đến năm 2030 sẽ tăng cao do lợi thế về đất đai, lao động từ các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và từ vùng Duyên hải Nam trung bộ giảm dần, với các ngành chính như: công nghiệp cơ khí, điện tử, điện dân dụng; công nghiệp may mặc, gia công giày dép; công nghiệp hoá chất, sản xuất đồ nhựa dân dụng phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt; công nghiệp sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật;…

Vì vậy, việc chuẩn bị các điều kiện cần và đủ, đặc biệt là đất đai để đón nhận các nhà đầu tư thuộc các lĩnh cực nêu trên đầu tư vào địa bàn tỉnh là rất cần thiết.

Quy hoạch định hướng phát triển công nghiệp theo không gian lãnh thổ

Định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh Đắk Nông được phân làm 04 khu vực chính kết nối với các vùng động lực và hành lang phát triển kinh tế của tỉnh. Các khu vực công nghiệp được phân bố phù hợp trên không gian toàn tỉnh Đắk Nông, gắn kết với từng vùng liên huyện của tỉnh.

1- Khu vực công nghiệp trung tâm tỉnh (thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk R’lấp)

Khu vực công nghiệp trung tâm tỉnh Đắk Nông được hình thành bởi sự tập trung lớn các khu công nghiệp Nhân Cơ (hiện hữu), Nhân Cơ 2 (đang triển khai) thuộc xã Nhân Cơ và các Cụm công nghiệp khác thuộc huyện Đắk R’lấp và TP. Gia Nghĩa, gắn với vùng động lực trung tâm tỉnh có chức năng chính là dịch vụ đô thị, công nghiệp và du lịch.

Trong giai đoạn dài hạn (sau năm 2030) hình thành Khu công nghiệp Đắk Ru (huyện Đắk R’lấp) gắn kết trong tổng thể Khu vực công nghiệp trung tâm tỉnh Đắk Nông.

Khu vực công nghiệp trung tâm tiếp cận thuận lợi với đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14), Cao tốc CT2 và các trục ngang N5, đường vành đai Kiến Đức, Gia Nghĩa, vừa kết nối liên vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nguyên và vùng duyên hải miền Trung.

Định hướng phát triển vùng động lực trung tâm gắn với chức năng công nghiệp được xác định là tiềm năng lợi thế và phát triển trọng tâm của tỉnh trong giai đoạn hiện tại, hướng đến 2030 và tầm nhìn đến 2050.

Từng bước hình thành các đô thị công nghiệp gắn với các khu vực công nghiệp và chuỗi đô thị công nghiệp khu vực trung tâm gắn với TP. Gia Nghĩa và Thị xã Đắk R’lấp được mở rộng về phía Tây gắn với đô thị Đắk Ru huyện Đắk R’lấp (tiếp giáp tỉnh Bình Phước), hình thành đô thị công nghiệp Đắk Ru, đón đầu xu hướng phát phiển công nghiệp gắn với tỉnh Bình Phước.

2- Khu vực công nghiệp phía Bắc (huyện Cư Jut)

Khu vực công nghiệp phía Bắc tỉnh Đắk Nông được hình thành bởi sự tập trung khu công nghiệp Tâm Thắng hiện hữu và các cụm công nghiệp lân cận thuộc huyện Cư Jut, Đắk Mil và Krông Nô, gắn với vùng động lực chính phía Bắc với hạt nhân trung tâm là đô thị Ea T’ling có chức năng chính là dịch vụ đô thị, công nghiệp và du lịch.

Khu vực công nghiệp phía Bắc tiếp cận thuận lợi với đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14), Quốc lộ 28 và các trục ngang N1 vừa kết nối liên vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nguyên và vùng duyên hải miền Trung.

Định hướng phát triển vùng động lực phía Bắc gắn với chức năng công nghiệp được xác định là tiềm năng lợi thế, vừa là đối trọng vừa tương hỗ phát triển công nghiệp của TP. Buôn Ma Thuột (Khu công nghiệp Hòa Phú) và phát triển trọng tâm của tỉnh trong giai đoạn hiện tại, hướng đến 2030 và tầm nhìn đến 2050.

3- Khu vực công nghiệp Quảng Sơn (huyện Đắk G’long)

Khu vực công nghiệp Quảng Sơn được hình thành trên nền khu công nghiệp Quảng Sơn tại huyện Đắk G’long, được đề xuất thành lập trong giai đoạn 2026- 2030 và đưa vào hoạt động sau năm 2030. Khu vực công nghiệp này gắn với đô thị Quảng Sơn với chức năg chính của đô thị là du lịch và công nghiệp. Đây là vùng đô thị nằm giữa kết nối 02 đô thị phía Bắc (Đắk Mâm) và phía Nam (Quảng Khê) trong
vùng liên huyện phía Đông của tỉnh Đắk Nông.

Khu vực công nghiệp Quảng Sơn tiếp cận thuận lợi với Quốc lộ 28 và các trục ngang N4, kết nối khu vực công nghiệp phía Bắc (Khu công nghiệp Tâm Thắng) với Khu vực công nghiệp trung tâm (Khu công nghiệp Nhân Cơ và Nhân Cơ 2), thông qua đường Hồ Chí Minh và Cao tốc CT2 để kết nối với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nguyên và vùng duyên hải miền Trung (Quốc lộ 28 – Quốc lộ 55).

Định hướng phát triển khu vực công nghiệp Quảng Sơn gắn với đô thị Quảng Sơn góp phần làm vùng động lực cho khu vực trung tâm vùng liên huyện phía Đông (huyện Đắk G’long và Krông Nô).

4- Khu vực công nghiệp Nâm N’Jang (huyện Đắk Song)

Khu vực công nghiệp Nâm N’Jang được hình thành trên nền khu công nghiệp Đắk Song 1 (Xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song) và khu công nghiệp Đắk Song 2 (Xã Đắk N’Drung và Nâm N’Jang huyện Đắk Song) và các cụm công nghiệp lân cận tại huyện Đắk Song, được đề xuất thành lập và hoạt động trong giai đoạn 2030- 2050. Khu vực công nghiệp này gắn với đô thị Nâm N’Jang với chức năg chính của đô thị là
công nghiệp và dịch vụ. Đây là vùng đô thị phía Nam của đô thị Đức An (đô thị hạt nhân trung tâm huyện lỵ của huyện Đắk Song), gắn với vùng liên huyện phía Tây của tỉnh Đắk Nông.

Khu vực công nghiệp Nâm N’Jang tiếp cận thuận lợi với đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) và các trục ngang N3 và N4, kết nối với khu vực công nghiệp phía Bắc (Khu công nghiệp Tâm Thắng) và Khu vực công nghiệp trung tâm (Khu công nghiệp Nhân Cơ và Nhân Cơ 2) thông qua đường Hồ Chí Minh và Cao tốc CT2 để kết nối với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nguyên và vùng duyên hải miền Trung (Quốc lộ 28 –
Quốc lộ 55). Bên cạnh đó, trục giao thông ngang N4 (Đắk Buk So – Quảng Sơn – Quảng Hòa) kết nối Khu vực công nghiệp Nâm N’Jang với Khu vực công nghiệp Quảng Sơn.

Định hướng quy hoạch phát triển khu vực công nghiệp Nâm N’Jang gắn với đô thị Nâm N’Jang góp phần làm vùng động lực cho khu vực trung tâm vùng liên huyện phía Tây tỉnh Đắk Nông (huyện Đắk Song và Tuy Đức).

Tham khảo bản đồ quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Nông tại đây!


Rate this post
Bài trướcDanh sách Khu, Cụm công nghiệp tại Vĩnh Long đang hoạt động và quy hoạch mới
Bài tiếp theoQuảng Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây