Trang chủ Quy hoạch Quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn tỉnh Thái Bình đến...

Quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn tỉnh Thái Bình đến 2030, tầm nhìn 2050

1156
0

Quy hoạch đô thị tỉnh Thái Bình đến 2030 toàn tỉnh có 28 đô thị gồm 01 đô thị loại I; 01 đô thị loại III; 07 đô thị loại IV; 19 đô thị loại V.

Theo quy hoạch tỉnh Thái Bình, hệ thống đô thị của tỉnh được định hướng phù hợp với điều kiện tự nhiên, hiện trạng và không gian kinh tế, xã hội của tỉnh; hệ thống đô thị trở thành động lực và hỗ trợ phát triển toàn diện công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.


Phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị xanh, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế đồng bộ hiện đại, được quản lý theo mô hình đô thị thông minh; hướng tới là “Đô thị lành mạnh – Đô thị hạnh phúc”.

Đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh Thái Bình đạt khoảng 30%. Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 40%.

Quy hoạch hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Quy hoạch hệ thống đô thị được tổ chức theo mô hình đô thị đa cực gồm đô thị trung tâm và các đô thị tiểu vùng. Được thực hiện cụ thể trong các giai đoạn như sau:


  • Giai đoạn 2021-2025: Hệ thống đô thị tỉnh Thái Bình có 24 đô thị gồm 01 đô thị loại I; 08 đô thị loại IV; 15 đô thị loại V.
  • Giai đoạn 2025-2030: Hệ thống đô thị tỉnh Thái Bình có 28 đô thị gồm 01 đô thị loại I; 01 đô thị loại III; 07 đô thị loại IV; 19 đô thị loại V.
Bản đồ quy hoạch đô thị, nông thông tỉnh Thái Bình đến 2030, tầm nhìn đến 2050.
Bản đồ quy hoạch đô thị, nông thông tỉnh Thái Bình đến 2030, tầm nhìn đến 2050.

1- Thành phố Thái Bình – Đô thị trung tâm vùng tỉnh

Quy hoạch xác định xây dựng thành phố Thái Bình phát triển đạt các tiêu chí đô thị loại I, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh; là đầu tàu dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thái Bình.

Định hướng phát triển không gian thành phố: Được thực hiện thành 02 giai đoạn. Cụ thể:

  •  Giai đoạn 2021-2025: Tập trung hoàn thiện có sở hạ tầng theo tiêu chí đô thị loại I; chuyển trọng tâm phát triển về phía Đông, hoàn thiện mô hình thành phố 2 bên sông Trà Lý. Phát triển đô thị từng phần, có trọng tâm trọng điểm, nâng cao hiệu quả dụng dụng đất; tập trung phát triển đô thị phía bên trong tuyến tránh S1 và đường vành đai phía Nam thành phố.
  • Giai đoạn 2025-2030: Mở rộng không gian thành phố về phía Bắc và phía Đông lấy thêm các xã Trung An, Vũ Hội (huyện Vũ Thư); Đông Dương, Đông Quang, Đông Hoàng, Đông Xuân (huyện Đông Hưng); Tây Sơn, Vũ Lễ, Vũ An (huyện Kiến Xương).

2- Đô thị Thái Thụy – Đô thị tiểu vùng Đông Bắc vùng tỉnh Thái Bình

Quy hoạch nhằm xây dựng huyện Thái Thụy trở thành đô thị vệ tinh, cửa ngõ phía Đông Bắc của tỉnh, kết nối với thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh và không gian biển quốc tế. Lấy phát triển công nghiệp dẫn dắt, làm động lực cho phát triển đô thị, dịch vụ và hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Cụ thể:


  • Giai đoạn 2021-2025: Tập trung hoàn thiện quy hoạch và nâng cao cơ sở hạ tầng đô thị Diêm Điền và vùng phụ cận (gồm thị trấn Diêm Điền (Thụy Lương, Thụy Hà) và các xã, Thụy Hải, Thụy Liên, Thụy Trình, Thái Thượng, Thái Nguyên, Hòa An) đã được công nhân đô thị loại IV. Phát triển đô thị hóa từng phần với hệ thống đô thị vệ tinh cho vùng gồm thị trấn Thái Ninh, các đô thị loại V là Thái Thịnh, Thụy Phong, Thụy Trường và Thụy Văn.
  • Giai đoạn 2025-2030: Nâng cấp toàn bộ huyện Thái Thụy thành đô thị loại III, thành lập thị xã Thái Thụy trực thuộc tỉnh Thái Bình; vùng nội thị gồm đô thị Diêm Điền và vùng phụ cận theo quy hoạch đã được phê duyệt.

3- Đô thị Tiền Hải – Đô thị tiểu vùng Đông Nam vùng tỉnh Thái Bình

Quy hoạch nhằm xây dựng huyện Tiền Hải trở thành đô thị vệ tinh, cửa ngõ phía Đông Nam của tỉnh, kết nối Thái Bình với Nam Định, Ninh Bình và vùng Bắc Trung Bộ. Lấy phát triển công nghiệp dẫn dắt, làm động lực cho phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch và hỗ trợ phát triển nông nghiệp.

  • Giai đoạn 2021-2025: Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị Tiền Hải và vùng phụ cận (gồm thị trấn Tiền Hải và các xã Tây Giang, Tây Ninh, Đông Lâm, Đông Cơ) đạt tiêu chí đô thị loại IV. Phát triển đô thị hóa từng phần với hệ thống đô thị gồm thị trấn Nam Trung, các đô thị loại V là Đông Minh và Nam Phú.
  • Giai đoạn 2025-2030: Mở rộng không gian thị trấn Tiền Hải về phía Đông lấy thêm đô thị Đông Minh thành đô thị loại IV; vùng nội thị gồm thị trấn Tiền Hải và xã Tây Ninh, Tây Giang.

4- Đô thị Hưng Hà – Đô thị tiểu vùng Tây Bắc vùng tỉnh Thái Bình

Mục tiêu quy hoạch nhằm phát triển đô thị Hưng Hà trở thành trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa xã hội và khoa học kỹ thuật của huyện Hưng Hà; đồng thời là đô thị tiểu vùng phía Tây Bắc, trung tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch của tỉnh Thái Bình.

Giai đoạn 2021-2025: Quy hoạch đô thị Hưng Hà và đô thị Hưng Nhân là 2 cực phát triển của đô thị Hưng Hà.


  • Đô thị Hưng Hà: Lấy thị trấn Hưng Hà làm trung tâm phát triển đô thị phát triển chủ đạo về phía Đông nhằm khai thác lợi thế hành lang tuyến Thái Bình – Hà Nam, QL39 trên địa bàn các xã Thống Nhất, Hồng Lĩnh, Minh Khai, Kim Trung đạt tiêu chí đô thị loại IV.
  • Đô thị Hưng Nhân: Quy hoạch thị trấn Hưng Nhân làm trung tâm phát triển đô thị phát triển chủ đạo về phía Đông nhằm khai thác lợi thế hành lang tuyến Thái Bình – Hà Nam, QL39 trên địa bàn các xã Tân Lễ, Tiến Đức, Liên Hiệp, Thái Hưng, Phúc Khánh đạt tiêu chí đô thị loại IV.

Các đô thị loại V là Thái Phương, Cộng Hòa, Hồng Minh.

  • Giai đoạn 2025-2030: Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị Hưng Hà và vùng phụ cận (gồm Thị trấn Hưng Hà, thị trấn Hưng Nhân và các xã Thống Nhất, Hồng Lĩnh, Minh Khai, Kim Trung, Tân Lễ, Tiến Đức, Liên Hiệp, Thái Hưng, Phúc Khánh, Thái Phương) đạt tiêu chí đô thị loại IV. Phát triển đô thị hóa từng phần với hệ thống đô thị gồm thị trấn Hưng Nhân.

Các đô thị loại V Cộng Hòa, Hồng Minh và khu dịch vụ sân golf Long Hưng tại xã Hồng Minh.

  • Tầm nhìn đến năm 2050: Phấn đấu, nâng cấp toàn bộ huyện Hưng Hà thành đô thị loại III, thành lập thị xã Hưng Hà trực thuộc tỉnh Thái Bình; vùng nội thị gồm đô thị Hưng Hà và vùng phụ cận. 

5- Đô thị Quỳnh phụ – Đô thị tiểu vùng Bắc vùng tỉnh Thái Bình

Mục tiêu quy hoạch nhằm phát triển đô thị Quỳnh Phụ trở thành trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa xã hội và khoa học kỹ thuật của huyện Quỳnh Phụ; đồng thời là đô thị tiểu vùng phía Bắc; là đầu mối giao thương, trung tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ của tỉnh Thái Bình.

  • Giai đoạn 2021-2025: Quy hoạch đô thị Quỳnh Côi và đô thị An Bài là 2 cực phát triển của đô thị Quỳnh Phụ. Đô thị Quỳnh Côi phát triển chủ đạo về phía Đông sang các xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Hưng, Quỳnh Hải, Quỳnh Hội. Đô thị An Bài phát triển chủ đạo về phía Tây sang các xã An Ninh, An Vũ, An Lễ, An Quý, An Ấp. Khai thác lợi thế hành lang các tuyến QL10, ĐT396 và Thái Bình – Hà Nam.
  • Giai đoạn 2025-2030: Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị Quỳnh Phụ và vùng phụ cận (gồm Thị trấn Quỳnh Côi, Quỳnh Hồng, Quỳnh Hưng, Quỳnh Hải, Quỳnh Hội và thị trấn An Bài, An Ninh, An Vũ, An Lễ, An Quý, An Ấp) đạt tiêu chí đô thị loại IV. Phát triển đô thị hóa từng phần với hệ thống đô thị loại V là An Đồng, Quỳnh Ngọc.
  • Tầm nhìn đến năm 2050: Phấn đấu hoàn thiện quy hoạch, nâng cấp toàn bộ huyện Quỳnh Phụ thành đô thị loại III, thành lập thị xã Quỳnh Phụ trực thuộc tỉnh Thái Bình; vùng nội thị gồm đô thị Quỳnh Phụ và vùng phụ cận
Sơ đồ hệ thống đô thị tỉnh Thái Bình
Sơ đồ hệ thống đô thị tỉnh Thái Bình

6- Đô thị Đông Hưng – Đô thị hỗ trợ thành phố Thái Bình

Mục tiêu quy hoạch nhằm phát triển đô thị Đông Hưng trở thành trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa xã hội và khoa học kỹ thuật của huyện Đông Hưng; là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, phát triển dịch vụ hỗ trợ cho đô thị trung tâm vùng thành phố Thái Bình.

  • Giai đoạn 2021-2025: Quy hoạch thị trấn Đông Hưng là trung tâm phát triển lan tỏa sang các xã lân cận, khai thác hiệu quả hành lang các tuyến QL10, QL39, tuyến tránh Đông Hưng, tuyến đường từ thành phố đi cầu Nghìn, phát triển đô thị 2 bên sông Tiên Hưng; sang địa bàn các xã Đông La, Đông Sơn, Đông Các, Đông Hợp và Nguyên Xá.
  • Giai đoạn 2025-2030: Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị Đông Hưng và vùng phụ cận (gồm Thị trấn Đông Hưng và các xã Đông La, Đông Sơn, Đông Các, Đông Hợp, Nguyên Xá) theo tiêu chí đô thị loại IV. Phát triển đô thị có trọng tâm, trọng điểm với 2 đô thị loại V là Đông Quan, Tiên Hưng.
  • Tầm nhìn đến năm 2050: Xây dựng huyện Đông Hưng trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Thái Bình; hệ thống đô thị, nông thôn có hạ tầng đồng bộ, hiện đại và phát triển bền vững.

7- Đô thị Vũ Thư – Đô thị hỗ trợ thành phố Thái Bình

Mục tiêu quy hoạch nhằm phát triển đô thị Vũ Thư trở thành trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa xã hội và khoa học kỹ thuật của huyện Vũ Thư; là đầu mối giao thương, phát triển dịch vụ hỗ trợ cho đô thị trung tâm vùng thành phố Thái Bình.

  • Giai đoạn 2021-2025: Quy hoạch xác định phát triển đô thị lấy thị trấn Vũ Thư là trung tâm phát triển lan tỏa sang các xã lân cận, khai thác hiệu quả hành lang các tuyến QL10, tuyến tránh S1, đường vành đai phía Nam thành phố, khai thác cảnh quan sông Hồng, sông Kiến Giang; Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị Vũ Thư và vùng phụ cận (gồm Thị trấn Vũ Thư và các xã Minh Khai, Minh Quang, Tam Quang, Dũng Nghĩa, Bách Thuận, Tân Lập, Tự Tân, hòa Bình, Song An) theo tiêu chí đô thị loại IV. Phát triển đô thị có trọng tâm, trọng điểm với 3 đô thị loại V là Vũ Tiến, Tân Phong và Xuân Hòa.
  • Giai đoạn 2025-2030: Xây dựng huyện Vũ Thư trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Thái Bình; hệ thống đô thị, nông thôn có hạ tầng đồng bộ, hiện đại và phát triển bền vững.

8- Đô thị Kiến Xương – Đô thị hỗ trợ thành phố Thái Bình

Mục tiêu quy hoạch nhằm phát triển đô thị Kiến Xương trở thành trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa xã hội và khoa học kỹ thuật của huyện Kiến Xương; là đô thị chuyển tiếp giữa đô thị trung tâm vùng tỉnh và vùng kinh tế động lực chủ đạo Khu kinh tế.

  • Giai đoạn 2021-2025: Phát triển đô thị Kiến Xương (Thanh Nê và An Bồi), khai thác hiệu quả hành lang các tuyến QL37B, ĐT458 và xây dựng đô thị bên sông Kiến Giang theo tiêu chí đô thị loại IV. Phát triển hệ thống đô thị loại V với vai trò hỗ trợ cho đô thị Kiến Xương và đô thị thành phố Thái Bình, gồm Vũ Quý, Thanh Tân, Bình Thanh và đô thị Trà Giang.
  • Giai đoạn 2025-2030: Xây dựng huyện Kiến Xương trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Thái Bình; hệ thống đô thị, nông thôn có hạ tầng đồng bộ, hiện đại và phát triển bền vững.

9- Đô thị Trà Giang – Đô thị kết nối TP. Thái Bình với Khu Kinh tế Thái Bình

Với mục tiêu quy hoạch xây dựng một đô thị mới có chức năng liên kết hỗ trợ phát triển cho thành phố Thái Bình, đồng thời là cầu nối phát triển giữa thành phố Thái Bình và Khu kinh tế Thái Bình; Đô thị Trà Giang là đô thị dịch vụ sinh thái, thông minh, là điểm đến của các Chuyên gia trong và ngoài nước làm việc trong Khu kinh tế tỉnh.

  • Giai đoạn 2021-2025, phát triển đô thị lấy Trà Giang là trung tâm phát triển lan tỏa sang các xã lân cận gồm Quốc Tuấn và Hồng Thái, khai thác hiệu quả hành lang các tuyến ĐT.464, cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh, khai thác cảnh quan sông Trà Lý.
  • Giai đoạn 2025-2030, Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị Trà Giang và vùng phụ cận theo tiêu chí đô thị loại IV.

Phương án quy hoạch phát triển khu dân cư nông thôn tỉnh Thái Bình

Định hướng quy hoạch nhằm xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, nông thôn ngày càng xanh – sạch – đẹp, quan hệ cộng đồng phát triển; tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh – xã hội và chính trị của tỉnh.

Định hướng cụ thể phát triển khu vực nông thôn

Các làng xã phát triển theo mô hình nông thôn mới gắn với các đặc thù của từng khu vực trên cơ sở bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và cơ sở sản xuất theo mô hình nông thôn mới theo các tiêu chí riêng của tỉnh Thái Bình. 

Bổ sung hoàn chỉnh các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu theo các chỉ tiêu chung của các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Tại các trung tâm xã hình thành đầy đủ các công trình hạ tầng xã hội như trường học, trạm y tế, chợ, bưu điện, nhà văn hóa… theo tiêu chuẩn quốc gia và quy định riêng của xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Tại các nhóm cụm xã phát triển trường phổ thông trung học, các trung tâm về văn hóa, các trung tâm chuyển giao công nghệ trên cơ sở các quy hoạch chuyên ngành được duyệt.

Định hướng phát triển nhà ở

Định hướng quy hoạch phát triển nhà ở được phân chia theo 3 khu vực khác nhau, mỗi khu vực có định hướng riêng biệt, phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của từng khu vực đó:

Đối với khu vục đô thị: Khuyến khích đầu tư phát triển nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp; nhà ở thương mại (gồm nhà ở thấp tầng và chung cư cao tầng); cải tạo khu chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp; nhà ở các hộ dân tự xây.

Đối với khu vục nông thôn: Phát triển nhà ở nông thôn gắn với mục tiêu về xây dựng nông thôn mới; các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; khuyến khích người dân xây dựng nhà ở theo mẫu nhà nông thôn truyền thống; hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; nhà ở cho các hộ nghèo.

Khu vực phát triển công nghiệp: Phát triển nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp đáp ứng nhu cầu ở và sản xuất theo hướng tích hợp hệ thống khu công nghiệp với hệ thống đô thị mới và các điểm dân cư công nghiệp. Tổng nhu cầu đất ở xã hội dành cho công nhân tại các KCN đến năm 2030 khoảng 196ha. Trong đó:

  • Đối với các khu công nghiệp ngoài Khu Kinh tế: KCN Sông Trà, KCN Gia Lễ, KCN Tiền Hải, KCN Cầu Nghìn, KCN Thaco…; bổ sung quỹ đất nhà ở xã hội cho công nhân, sử dụng chung hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như trường học, công trình y tế, văn hóa, thể thao,… với các khu dân cư liền kề và dịch vụ lân cận. Dự kiến quy mô khoảng 38ha.
  • Đối với các khu công nghiệp thuộc Khu Kinh tế: Xây dựng các mô hình đô thị – công nghiệp, khu dịch vụ – công nghiệp – đô thị, khu công nghiệp sinh thái có kết cấu hạ tầng đồng bộ. Dự kiến quy mô đất nhà ở xã hội cho công nhân khoảng 158ha.
  • Đối với các cụm công nghiệp: Trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện nay có 67 cụm công nghiệp (trong đó có 49 cụm công nghiệp hiện có, bổ sung mới 18 cụm), phân bố rộng đều trên địa bàn các huyện (trừ thành phố Thái Bình); các cụm công nghiệp này sử dụng lực lượng lao động tại chỗ hoặc theo cụm xã vì vậy không có nhu cầu đối với nhà ở dành cho công nhân. Do đó không quy hoạch nhà ở xã hội cho công nhân đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Quy hoạch phát triển một số các khu đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Tại thành phố Thái Bình:

  • Phát triển các khu đô thị phía Bắc sông Trà Lý trên địa bàn các phường Hoàng Diệu, xã Đông Mỹ, Đông Hòa, gắn với khu công viên sinh thái Hoàng Diệu và cảnh quan sông Trà Lý; giới hạn là phía Nam tuyến tránh S1.
  • Phát triển các khu đô thị phía Đông sông Trà Lý trên địa bàn các xã Vũ Lạc, Vũ Đông là các khu đô thị sinh thái ven sông Trà Lý, được quản lý theo mô hình đô thị thông minh; giới hạn là phía Tây tuyến đường vành đai phía Nam thành phố.
  • Phát triển các khu đô thị phía Tây thành phố trên địa bàn xã Phú Xuân, tiếp giáp hai bên đường Kỳ Đồng; giới hạn là phía Nam tuyến tránh S1.
  • Phát triển các khu đô thị phía Nam thành phố trên địa bàn các phường Quang Trung, Trần Lãm và xã Vũ Chính; giới hạn là phía Bắc tuyến đường vành đai phía Nam và phía Đông Bắc sông Kiến Giang.

Giai đoạn 2021-2025 diện tích khu đô thị mới khoảng 300ha; Giai đoạn 2025-2030 diện tích khu đô thị mới khoảng 500ha.

Tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Phát triển các khu đô thị mới tại các đô thị trên địa bàn tỉnh phải phù hợp với định hướng quy hoạch chung xây dựng xây dựng các đô thị được phê duyệt.

  • Tại đô thị Diêm Điền: Tập trung phát triển các khu đô thị tại vùng lõi đô thị trên địa bàn thị trấn Diêm Điền, Thụy Hà và Thái Thượng, giới hạn bởi phía Đông tuyến đường bộ ven biển. Chú trọng phát triển đô thị 2 bên sông Diêm Hộ gắn với khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Liên Hà Thái, Thái Thượng. Giai đoạn 2021-2025 diện tích khu đô thị mới khoảng 150ha; Giai đoạn 2025-2030 diện tích khu đô thị mới khoảng 200ha.
  • Tại đô thị Tiền Hải: Tập trung phát triển các khu đô thị về phía Đông theo mô hình đô thị biển, trên địa bàn thị trấn, Đông Lâm, Đông Cơ khai thác hành lang tuyến ĐT gắn với khu công nghiệp Tiền Hải, Tiền Hải 2+3; các khu đô thị hai bên đường Thái Bình – Cồn Vành. Giai đoạn 2021-2025 diện tích khu đô thị mới khoảng 150ha; Giai đoạn 2025-2030 diện tích khu đô thị mới khoảng 200ha.
  • Tại đô thị Hưng Hà: Phát triển các khu đô thị chủ đạo về phía Đông tiếp cận với khu Đền Trần và sông Hồng; Xây dựng các khu đô thị phía Nam tuyến Thái Bình – Hà Nam trên địa bàn thị trấn, Kim Trung, Hồng An, Thái Phương gắn với cụm công nghiệp Đồng Tu mở rộng, cụm công nghiệp Thái Hưng. Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp trên địa bàn các xã Duyên Hải, Văn Cẩm; Khu đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Tiên La; Khu đô thị – dịch vụ công nghiệp Tiên Hưng. Giai đoạn 2021-2025 diện tích khu đô thị mới khoảng
    80ha; Giai đoạn 2025-2030 diện tích khu đô thị mới khoảng 400ha. Giai đoạn 2021-2025 diện tích khu đô thị mới khoảng 80ha; Giai đoạn 2025-2030 diện tích khu đô thị mới khoảng 120ha.
  • Tại đô thị Quỳnh Côi, An Bài: Phát triển các khu đô thị nhằm kéo 2 trọng tâm Quỳnh Côi và An Bài lại gần nhau, trên địa bàn xã Quỳnh Hải, thị trấn An Bài và xã An Quý; Khu đô thị đại học khu vực xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Ngọc; Khu đô thị, thương mại, dịch vụ và du lịch sinh thái khoáng nóng cao cấp. Giai đoạn 2021-2025 diện tích khu đô thị mới khoảng 50ha; Giai đoạn 2025-2030 diện tích khu đô thị mới khoảng 150ha.
  • Tại đô thị Vũ Thư: Phát triển các khu đô thị 2 bên sông Kiến Giang; khu đô thị hai bên đường vành đai phía Nam và trục đô thị hai bên đường số 2 kéo dài. Xây dựng mô hình khu đô thị du lịch sinh thái, đô thị vườn ven sông Hồng khu vực Bách Thuận, Hồng Lý…. Chú trọng tạo các không gian xanh là vùng đệm với thành phố Thái Bình. Giai đoạn 2021-2025 diện tích khu đô thị mới khoảng 50ha; Giai đoạn 2025-2030 diện tích khu đô thị mới khoảng 100ha.
  • Tại đô thị Đông Hưng: Phát triển khu đô thị 2 bên sông Tiên Hưng, giới hạn là phía Tây tuyến tránh QL10 trên địa bàn các xã Đông các, Đông La; khu đô thị phía Đông thành phố Thái Bình trên địa bàn các xã Đông Á, Đông Quan. Giai đoạn 2021-2025 diện tích khu đô thị mới khoảng 30ha; Giai đoạn 2025- 2030 diện tích khu đô thị mới khoảng 50ha.
  • Tại đô thị Kiến Xương: Phát triển khu đô thị phía trong tuyến tránh phía Bắc đô thị; các khu đô thị hai bên đường Thái Bình – Cồn Vành; chú trọng phát triển đô thị 2 bên sông Kiến Giang. Giai đoạn 2021-2025 diện tích khu đô thị mới khoảng 90ha; Giai đoạn 2025-2030 diện tích khu đô thị mới khoảng 150ha.
  • Tại các thị trấn, đô thị loại V, các khu cực nằm trong khu vực quy hoạch đô thị: Phát triển khu đô thị mới tại khu vực trung tâm, theo hướng là các khu đô thị đồng bộ hiện đại, quy mô từ 10-20ha. 

Đến năm 2050, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 50%, toàn tỉnh có 18 đô thị: 01 đô thị loại I là thành phố Thái Bình; 03 đô thị loại III gồm thị xã Thái Thụy; Quỳnh Phụ, Hưng Hà. 04 đô thị loại IV là đô thị Tiền Hải, Vũ Thư; Đông Hưng; Kiến Xương và 10 đô thị loại V.


Rate this post
Bài trướcQuy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình
Bài tiếp theoThái Bình mở rộng Cụm công nghiệp Minh Lãng, huyện Vũ Thư

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây