Trang chủ QH giao thông Quy hoạch hạ tầng giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi đến...

Quy hoạch hạ tầng giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi đến 2030, tầm nhìn đến 2050

633
0

Quy hoạch giao thông tỉnh Quảng Ngãi đến 2030, tầm nhìn đến 2050, gồm: đường cao tốc, đường bộ, đường sắt, đường thủy và các công trình hạ tầng phục vụ cho giao thông trên địa bàn.

Mới đây, Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức Hội đồng thẩm định đồng ý thông qua Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện có bổ sung và chỉnh sửa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý Quảng Ngãi về sứ mệnh mới, trở thành cực tăng trưởng với động lực tăng trưởng mới… Đãt được 100% các thành viên thông qua.


Qua rà soát, đánh giá thực hiện các quy hoạch thời kỳ trước, cho thấy tỉnh Quảng Ngãi cần phải tiếp tục thực hiện đột phá về quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh. Qua đó nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng và kinh tế xã hội theo hướng bền vững trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh.

Quy hoạch hạ tầng giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi được thực hiện theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở cung cấp căn cứ pháp lý quan trọng để quản lý các hoạt động kinh tế – xã hội; làm cơ sở để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch đầu tư công của Tỉnh; sớm đưa vị thế phát triển của Quảng Ngãi thành một trong những tỉnh có vị thế lớn trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn theo hướng hiện đại, văn minh.

Phương hướng phát triển giao thông tỉnh Quảng Ngãi

Phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, bám sát định hướng của quy hoạch cấp quốc gia để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, thúc đẩy liên kết vùng.


Về đường bộ, thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghiên cứu, đầu tư xây dựng Tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Kon Tum khi được bổ sung vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, đảm bảo về điều kiện bố trí nguồn lực và quy định hiện hành, nhằm tăng tính kết nối giữa tỉnh Quảng Ngãi với tỉnh Kon Tum nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời trình cấp có thẩm quyền cho chủ trương thực hiện dự án Cao tốc Quảng Ngãi – Quảng Nam (CT22) trong kỳ Quy hoạch 2021 – 2030 khi tỉnh huy động đủ nguồn lực thực hiện.

Với các tuyến đường tỉnh, phấn đấu cải tạo, đầu tư nâng cấp, mở rộng 12 tuyến đường tỉnh hiện hữu và xây mới một số tuyến đường tỉnh khác đạt tối thiểu cấp III đồng bằng, đảm bảo kết nối đồng bộ giữa các địa phương trong tỉnh. Đối với những đoạn tuyến đi qua khu vực đô thị, sẽ được đầu tư theo quy hoạch xây dựng đô thị được phê duyệt.

Thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng mới tuyến đường sắt đô thị tại Khu kinh tế Dung Quất nhằm định hướng kết nối với tỉnh Quảng Nam.


Nghiên cứu phát triển cảng hàng không, sân bay tại vị trí có tiềm năng là huyện đảo Lý Sơn khi đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Thực hiện theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nâng cấp, cải tạo, khai thác hiệu quả các hạ tầng hàng hải công cộng đã có; nghiên cứu đầu tư xây dựng các trạm quản lý luồng hàng hải tại các huyện Bình Sơn, Lý Sơn và các địa phương khác có tiềm năng, phù hợp với các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và các quy hoạch khác có liên quan, tuân thủ theo quy định của pháp luật, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của Nhân dân.

Hình thành các bến (hàng hóa, hành khách), cảng sông theo các khu du lịch, khu – cụm công nghiệp, các dự án thu hút đầu tư và nhu cầu phát triển thực tế của địa phương, phát huy tối đa các tiềm năng kinh tế trên các vùng lãnh thổ.


Hiện trạng hệ thống hạ tầng giao thông tỉnh Quảng Ngãi

Tổng chiều dài đường bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2021 là 9.268,91km (1 tuyến Cao Tốc dài 40km; 05 tuyến đường Trung ương đầu tư dài khoảng 421,89km; 12 tuyến đường tỉnh dài khoảng 434,2km; 193 tuyến đường huyện dài khoảng 1.348,48 km và các tuyến còn lại dài khoảng 7.024,34km) với tỷ lệ cứng hóa đạt 75% được phân chia cụ thể như sau:

Hệ thống đường quốc gia: Các tuyến đường do Trung ương đầu tư bước đầu đã hình thành các trục dọc Bắc – Nam và trục ngang Đông – Tây chính trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi làm cơ sở để các tuyến đường địa phương kết nối hình thành mạng lưới đường liên hoàn. Hệ thống bao gồm 01 tuyến Cao Tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi dài 40 km tiêu chuẩn kỹ thuật được thiết kế với đường cao tốc 4 làn xe; 04 tuyến Quốc lộ và Tuyến Trường Sơn Đông với tổng chiều dài qua địa bàn Tỉnh là 421.89km tỷ lệ nhựa hoá đạt 100%.

Hệ thống đường tỉnh: Hệ thống đường tỉnh gồm 12 tuyến với tổng chiều dài là 434,2km. Tỷ lệ cứng hóa đạt 99% cùng với sự phân bố trên phạm vi rộng, hệ thống đường tỉnh kết hợp với hệ thống đường Quốc gia trên địa bàn Tỉnh hình thành các trục giao thông chủ đạo kết nối thành phố Quảng Ngãi với trung tâm các huyện (thị) đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân nội tỉnh và khu vực. Quy mô các tuyến đường tỉnh tương đối nhỏ, nhiều tuyến chưa đạt cấp VI – ĐB. Trong thời gian tới với sự phát triển KT – XH và sự hình thành các KCN, cụm CN mới, lưu lượng giao thông tăng đặc biệt là những xe có kích thước
và tải trọng lớn sẽ tạo ra áp lực lớn đòi hỏi phải nâng cấp và mở rộng các tuyến giao thông nằm trên trục giao thông quan trọng.

Hệ thống đường huyện: Hệ thống đường huyện với 193 tuyến có tổng chiều dài khoảng 1.348km, đã được cứng hóa khoảng 1.182 chiếm tỷ lệ 88%. Các tuyến đường huyện hiện nay chủ yế đạt tiêu chuẩn cấp V – VI, Chất lượng mặt đường sau nhiều năm đưa vào khai thác đã có dấu hiệu xuống cấp gây khó khăn cho việc đi lại của người dân đặc biệt trong mùa mưa lũ. Nhiều tuyến khu vực miền núi thường xuyên đối diện với tình trạng sạt lở.

Hệ thống đường giao thông nông thôn: Hệ thống đường giao thông nông thôn bao gồm các tuyến đường xã và đường giao thông nông thôn khác với chiều dài 6.617km với tỷ lệ cứng hóa đạt 68%. Tỷ lệ đường đất trong hệ thống đường thôn xóm nội đồng còn chiếm tỷ lệ tương đối cao gây khó khăn cho việc đi lại của người dân khu vực vùng xâu, vùng xa nhất là trong mùa mưa.

Hệ thống đường đô thị: Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 13 đơn vị hành chính trong đó có TP. Quảng Ngãi (đô thị loại II) và 1 thị xã và 11 huyện. Tổng chiều dài đường đô thị là 308,56km, đã được nhựa hóa, cứng hóa với tỷ lệ đạt 86%. Các đô thị lớn như thành phố Quảng Ngãi; Thị trấn; Thị xã có tuyến Quốc lộ đi qua đều hình thành các tuyến tránh có vai trò như tuyến vành đai đô thị.

Bản đồ hiện trạng hạ tầng giao thông tỉnh Quảng Ngãi
Bản đồ hiện trạng hạ tầng giao thông tỉnh Quảng Ngãi

Quy hoạch hạ tầng giao thông tỉnh Quảng Ngãi đến 2030

Hệ thống đường giao thông Quốc gia

Quy hoạch hạ tầng giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi cùng hệ thống đường giao thông Quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được định hướng quy hoạch phát triển gồm:

Hệ thống đường bộ: Theo Quyết định số 1454/QĐ-UBND ngày 01/09/2021 Phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 11 tuyến đường bộ do TW quản lý cụ thể như sau:

Tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông (CT1):

  • Đoạn 1: Đà Nẵng – Quảng Ngãi dài 127km, quy mô 6 làn xe. Quy hoạch giai đoạn trước năm 2030
  • Đoạn 2: Quảng Ngãi – Hoài Nhơn (Bình Định) tuyến dài 88km, quy mô 6 làn xe. Quy hoạch giai đoạn trước năm 2030

Tuyến cao tốc Quảng Nam – Quảng Ngãi (CT22): Tuyến có điểm đầu từ Cảng Dung Quất, Quảng Ngãi, điểm cuối đường cao tốc Đà Nẵng – Ngọc Hồi – Bờ Y, Quảng Nam, tuyến dài 100km, quy mô 4 làn xe. Quy hoạch giai đoạn sau năm 2030.

QL.1: Tại cửa khẩu Hữu Nghị, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đến huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, có chiều dài 2.482km, quy hoạch đạt cấp III, quy mô 4 làn xe.

QL.24:Thuộc nhóm quốc lộ chính yếu điểm đầu từ Quốc lộ 1, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi đến Quốc lộ 14C, Sa Thầy, Kon Tum, dài 225km, quy hoạch đạt cấp III, quy mô 2-4 làn xe.

Đường Trường Sơn Đông: Từ đường Hồ Chí Minh, Thạch Mỹ, Nam Giang, Quảng Nam đi qua huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi và kết thúc tại thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, dài 627km, quy hoạch đạt cấp III, quy mô 2-4 làn xe.

QL.24B:Thuộc nhóm quốc lộ thứ yếu điểm đầu từ Cảng Sa Kỳ, Quảng Ngãi đến Quốc lộ 24, Ba Tiêu, Ba Tơ, Quảng Ngãi, dài 108km, quy hoạch đạt cấp III-IV, quy mô 2- 4 làn xe.

QL.24C:Thuộc nhóm quốc lộ thứ yếu điểm đầu từ Cảng Dung Quất, Quảng Ngãi đến Quốc lộ 40B, Bắc Trà My, Quảng Nam, dài 95km, quy hoạch đạt cấp III-IV, quy mô 2-4 làn xe.

QL.24D (Sơn Hà – ĐH.34):Thuộc nhóm quốc lộ thứ yếu điểm đầu từ Quốc lộ 24B, Sơn Hà , Quảng Ngãi đến Đường Hồ Chí Minh, Đắk Hà, Kon Tum, dài 124km, quy hoạch đạt cấp III-IV, quy mô 2-4 làn xe. Quy hoạch giai đoạn trước năm 2030.

QL.19B (Tuyến nối QL.24 – QL.19):Thuộc nhóm quốc lộ thứ yếu điểm đầu từ Cảng Nhơn Hội, Bình Định đến Quốc lộ 24, Ba Tơ, Quảng Ngãi, dài 191km, quy hoạch đạt cấp III-IV, quy mô 2-4 làn xe. Quy hoạch giai đoạn trước năm 2030.

Đường Ven Biển qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi: Từ ranh giới tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam (Trung An) – điểm đầu đường ven Biển Dung Quất – Sa Huỳnh đến kho xăng dầu Phú Hòa – ranh giới tỉnh Quảng Ngãi – Bình Định, dài 105km, quy hoạch đạt cấp III-I.

Trên cơ sở những hành lang đường bộ là các tuyến giao thông quốc gia đi qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi phát triển các tuyến đường địa phương kết nối hình thành mạng lưới đường bộ liên hoàn từ Trung ương tới địa phương theo mục tiêu quy hoạch đề ra. Ưu tiên phát triển các tuyến nằm trong những hành lang kết nối quan trọng; những tuyến phá bỏ thế độc đạo nhằm tăng cường khả năng liên kết về bộ từ trung tâm Tỉnh đến trung tâm các huyện.

Bản đồ phương án quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông tỉnh Quảng Ngãi đến 2030, tầm nhì đến 2050
Bản đồ phương án quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông tỉnh Quảng Ngãi đến 2030, tầm nhì đến 2050

Hệ thống cảng biển: Theo quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/09/2021 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hệ thống cảng biển Quảng Ngãi cụ thể như sau:

Cảng biển Dung Quất (Quảng Ngãi): là cảng tổng hợp quốc gia có các bến chuyên dùng đầu mối quy mô lớn gắn với khu kinh tế Dung Quất, Khu liên hợp công nghiệp luyện kim,lọc hóa dầu, trung tâm điện khí Miền Trung phục vụ cho việc phát triển
kinh tế – xã hội liên Vùng và cả nước (loại I) bao gồm các khu bến:

  • Khu bến Dung Quất: Phạm vi bao gồm vùng đất ven biển và vùng nước khu vực Vịnh Dung Quất. Chức năng là khu bến phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội liên Vùng. Quy mô gồm các bến cảng tổng hợp, công ten nơ, hàng rời cho tàu trọng tải đến 50.000 tấn hoặc lớn hơn; có các bến chuyên dùng xuất sản phẩm dầu của liên hợp lọc hóa dầu, bến phục vụ công nghiệp đóng sửa tàu biển, bến chuyên dùng của các cơ sở luyện kim, công nghiệp nặng cho tàu trọng tải đến 200.000 tấn (luồng tàu trên 50.000 tấn do chủ đầu tư các cơ sở công nghiệp tự chịu trách nhiệm đầu tư);
  • Khu bến khác. Các bến cảng Sa Kỳ, Bến Đình (đảo Lý Sơn) là bến tổng hợp, khách phục vụ tuyến từ bờ ra đảo, tiếp nhận tàu hàng, tàu khách đến 2.000 tấn. Cảng Mỹ Á gắn với khu hậu cần nghề cá.

Hệ thống đường sắt: Theo quyết định số 1769/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 19/10/2021 về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hệ thống giao thông đường sắt quốc gia đi qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được định hướng cụ thể như sau:

  • Từng bước hiện đại hóa tuyến đường sắt Thống Nhất hiện hữu và đề xuất xây dựng tuyến nhánh kết nối khu kinh tế Dung Quất trong giai đoạn trước năm 2030.
  • Mở rộng các kho hàng hóa tại các ga đường sắt nhằm phát huy lợi thế vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn của tuyến đường sắt. Nâng cấp một số ga trên địa bàn tỉnh theo định hướng ưu tiên nhượng quyền khai thác, hợp tác phát triển logistics, cảng cạn (Phát triển ga Mộ Đức đường sắt thành trung tâm logistics kết nối đường sắt và đường bộ).

Cảng hàng không: Theo đề án quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống giao thông cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quảng Ngãi được định hướng sử dụng sân bay Chu Lai trong khu kinh tế mở Chu Lai thuộc xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, Tỉnh Quảng Nam với cự ly hơn 30km như sân bay của Tỉnh. Tuy nhiên để định hướng phát triển lâu dài và phục vụ những nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và nghiên cứu biển với vị trí địa lý của Tỉnh có bờ biển dài và địa hình đồi núi dốc hướng biển, Xem xét hình thành 01 sân bay trên đảo Lý Sơn. Giai đoạn đầu đó sẽ là sân bay chuyên dùng. Giai đoạn sau tùy theo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, sân bay này có thể nâng cấp thành sân bay vận chuyển hành khách với quy mô nhỏ (cảng hàng không).

Hệ thống giao thông đường tỉnh

Quy hoạch hạ tầng giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi và Phương án quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường tỉnh được xác định cụ thể như sau:

Đối với đoạn nằm trong đô thị hiện hữu hoặc quy hoạch thì theo quy hoạch đô thị được cấp thẩm quyền phê duyệt. Đoạn ngoài đô thị được quy hoạch cụ thể theo từng giai đoạn đối với từng tuyến cụ thể:

Đường tỉnh giữ nguyên chiều dài tuyến:

ĐT.621 (Châu Ổ – Sa Kỳ): Tuyến có chiều dài 23,6km (điểm đầu từ TT Châu Ô và điểm cuối là cảng Sa Kỳ). Giai đoạn 2026 -2030 quy hoạch toàn tuyến đạt cấp IV.

ĐT.623 (Sơn Hà – Sơn Tây): Tuyến có chiều dài 42,50km (điểm bắt đầu từ TT Di Lăng và điểm cuối xã Sơn Liên). Giai đoạn 2026 – 2030 quy hoạch toàn tuyến đạt cấp IV.

ĐT.623B (Quảng Ngãi – Thạch Nham): Tuyến có chiều dài 22,0km (điểm đầu tuyến đường Hoàng Hoa Thám thuộc phường Quảng Phú thành phố Quảng Ngãi và điểm cuối giao với QL24B tại Km25+500 thuộc xã Sơn Hạ huyện Sơn Hà). Giai đoạn 2021 – 2030 tiến hành duy tu bảo dưỡng thường xuyên.

ĐT.624 (Quảng Ngãi – Ba Động): Tuyến đường có chiều dài 54km (điểm bắt đầu Tp Quảng Ngãi và điểm cuối xã Ba Động). Giai đoạn 2026 – 2030 nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn cấp III.

ĐT.624B (Biển Hàm An – Đá Chát): Tuyến có chiều dài 35,1km (điểm bắt đầu từ biển Hàm An và điểm cuối là đèo Đá Chát). Giai đoạn 2026 – 2030 nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp III – IV.

ĐT.626 (Di Lăng – Trà Lãnh): Tuyến có tổng chiều dài 31,7km (điểm đầu tại thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà và điểm cuối là xã Hương Trà, huyện Trà Bồng). Giai đoạn 2021 – 2030 tiến hành duy tu bảo dưỡng thường xuyên.

ĐT.627B (Bồ Đề – Mỹ Á): Tuyến có chiều dài 39,7km (điểm đầu tại ngã ba Bồ Đề và điểm cuối tại cảng Mỹ Á). Giai đoạn 2026 – 2030 nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn cấp III – IV.

ĐT.628 (Quốc lộ 1 – Sơn Kỳ): Tuyến có chiều dài 63,6km (điểm đầu xã Nghĩa Phương và điểm cuối xã Sơn Kỳ). Giai đoạn 2026 – 2030 nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn cấp IV.

Đường tỉnh kéo dài tuyến: 

ĐT.622B ( Quốc lộ 1 – Trà Thanh): Tuyến có chiều dài khoảng 75km. Đường cấp IV và VI. Đường tỉnh ĐT622B đi qua địa phận các huyện Bình Sơn, Trà Bồng. Nền đường rộng 6,5- 25m, mặt BTN và BTXM rộng từ 5,5-15m.

ĐT.622C (Tịnh Phong – Trà Bình): Tuyến có chiều dài khoảng 40,3km (điểm đầu tại xã Tịnh Phong và điểm cuối tại xã Trà Bình). Kéo dài tuyến về phía Đông đi theo tuyến Hàng Da – Vĩnh Tuy đến giáp với đường ven biển (Dung Quất – Sa Huỳnh) tại xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi. Quy hoạch toàn tuyến giai đoạn 2031 – 2050 đạt tiêu chuẩn đường cấp III.

ĐT.624C (Đạm Thủy – Hành Tín): Tuyến có chiều dài khoảng 20,1km (điểm đầu biển Đạm Thủy và điểm cuối xã Hành Tín Đông). Giai đoạn 2026 – 2030 nâng cấp và kéo dài tuyến về phía Tây, đi qua cầu Hành Tín đến giáp đường ĐT.625 (Hành Thiện- Ba Chùa) và kết thúc tại xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành. Tuyến đạt tiêu chuẩn cấp III-IV.

Đường tỉnh mở mới:

ĐT.621C (Bình Hiệp – Đức Lợi): Điểm đầu bắt đầu từ nút giao tuyến QL1, xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn, tuyến về phía Tây song song với đường cao tốc Đà NẵngQuảng Ngãi, qua địa phận thành phố Quảng Ngãi; tuyến đi trùng với tuyến đường dẫn
đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, giao QL1 và kéo dài đến giáp đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh, xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức. Tuyến dài 17,4km, Quy hoạch giai đoạn 2031 – 2050 đạt tiêu chuẩn cấp III-IV.

ĐT.621D (QL.24C – Phổ An): Điểm bắt đầu từ QL.24C tại xã Bình Chương Tuyến bắt đầu từ nút giao tuyến QL24C, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn đi theo tuyến đường huyện ĐH.13 huyện Sơn Tịnh, tuyến qua cầu Trà Khúc III; theo tuyến Nghĩa ThuậnNghĩa Kỳ (ĐH.23C) thuộc địa bàn huyện Tư Nghĩa (giao với tuyến ĐT.623B). Tuyến tiếp tục đi theo tuyến đường huyện ĐH.23C, ĐH.54, ĐH.53, qua cầu Phước Thịnh, huyện Nghĩa Hành, đến Đức Hòa, Đức Tân, theo tuyến ĐH.38 đến Phổ Phong, huyện Mộ Đức; theo tuyến ĐH.42 đến điểm cuối xã Phổ An, Thị xã Đức Phổ với chiều dài 66,2km, Quy hoạch giai đoạn 2021 – 2050 đạt tiêu chuẩn cấp II- III. Riêng đoạn đường và cầu nối huyện Sơn Tịnh với huyện Tư Nghĩa được đầu tư trước năm 2030 với chiều dài khoảng 3,9km với quy mô đường phố chính đô thị thứ yếu cấp II (Bnền=26m, Bmặt=14m, Bvỉa hè=10m,
Bpc=2,0m).

ĐT.622 (Bình An – Hành Dũng): Tuyến bắt đầu từ nút giao tuyến ĐH.03, xã Bình An, huyện Bình Sơn đi theo tuyến đường huyện ĐH.09, qua sông Trà Bồng (cầu Thạch An), theo tuyến ĐH.12, ĐH.22 huyện Sơn Tịnh qua Sông Trà Khúc (cầu Trà Khúc mới); theo tuyến ĐH.54C, đến điểm cuối xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành (giao với tuyến ĐT.628) với chiều dài 37,4km. Quy hoạch giai đoạn 2031 – 2050 đạt tiêu chuẩn cấp III.

ĐT.622D (QL24B – Cà Đam): Điểm đầu từ QL.24B tại xã Tịnh Bồng, điểm cuối ĐT.622B với chiều dài 30km. Quy hoạch giai đoạn 2031 – 2050 đạt tiêu chuẩn cấp III.

ĐT.624D (Nghĩa Thương – Đức Chánh): Tuyến bắt đầu từ nút giao đường Hoàng Sa-Dốc Sỏi, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa; đi qua xã Nghĩa Hiệp, vượt Sông Vệ (cầu Sông Vệ mới), giao với tuyến ĐT.627B và đi về hường Nam đến điểm cuối xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức (giao với tuyến ĐT.624B) với chiều dài 8,2km, Quy hoạch giai đoạn 2031 – 2050 đạt tiêu chuẩn cấp III.

ĐT.626B (Di Lăng – Sơn Mùa): Từ vị trí nút giao giữa cầu Sông Rin mới và đường ĐH.77 đi theo đường ĐH.77 đến UBND xã Sơn Bao đi dọc Sông Rin kết nối vào vị trí nút giao giữa đường Trường Sơn Đông và đường trục chính trung tâm huyện Sơn Tây với chiều dài 8,4km. Quy hoạch giai đoạn 2031 – 2050 đạt tiêu chuẩn cấp III.

Tuyến đường bộ ven biển: Tiếp tục tập trung đầu tư hoàn thành tuyến Dung Quất – Sa Huỳnh. Quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030 đạt tiêu chuẩn cấp III.

Đường tỉnh nâng cấp từ đường huyện:

ĐT.623D (Sơn Thượng – Sơn Tinh – Trường Sơn Đông): Tuyến bắt đầu từ nút giao tuyến ĐT.623 (QL24D theo quy hoạch), xã Sơn Thượng, huyện Sơn Hà đi theo tuyến đường huyện ĐH.83B và ĐH.83 đến điểm cuối xã Sơn Lập, huyện Sơn Tây (gần cầu Ngọc Tem) với chiều dài 40km. Quy hoạch giai đoạn 2026 – 2030 đạt tiêu chuẩn cấp III – IV.

ĐT.623C (Thạch Nham – Ba Ngạc): Tuyến bắt đầu từ nút giao tuyến ĐT.623B (Quảng Ngãi-Thạch Nham), xã Nghĩa Thắng huyện Tư Nghĩa đi theo tuyến đường huyện ĐH.72 (Sơn Nham-Sơn Kỳ), huyện Sơn Hà, theo tuyến ĐH.80 đến điểm cuối xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ (giao tuyến QL24B) với chiều dài 57,4km. Quy hoạch giai đoạn 2026 – 2030 đạt tiêu chuẩn cấp III – IV.

ĐT.625 (Hành Thiện – Ba Chùa): Tuyến bắt đầu từ nút giao tuyến ĐT.624 (Quảng Ngãi-Ba Động), xã Hành Thiện, Huyện Nghĩa Hành đi theo tuyến đường huyện ĐH.57, ĐH.68 đến điểm cuối tại xã Ba Chùa, huyện Ba Tơ (giao với tuyến QL24) với
chiều dài 34,5km. Quy hoạch giai đoạn 2026 – 2030 đạt tiêu chuẩn cấp III – IV.

ĐT.627 (QL1 – Ba Tơ): Dài 37km với điểm đầu tại thị xã Đức Phổ, điểm cuối tại thị trấn Ba Tơ. Quy hoạch giai đoạn 2026 – 2030 đạt tiêu chuẩn cấp III – IV.

ĐT.621B (Châu Ổ – Trà Thủy): Dài 30km với điểm đầu tại thị trấn Châu Ô, điểm cuối tại xã Trà Giang. Quy hoạch giai đoạn 2026 – 2030 đạt tiêu chuẩn cấp III – IV.

Phương án phát triển đường vành đai, một số đường trục chính trong đô thị

Quy hoạch hạ tầng giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi với nhiệm vụ phát triển mạng lưới giao thông đô thị hiện đại, nhựa hóa 100%, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, liên hệ thuận lợi trong và ngoài đô thị.

Quản lý xây dựng hệ thống giao thông đô thị theo các đồ án quy hoạch chung đô thị đã được phê duyệt. Cần phải lập quy hoạch chung xây dựng các đô thị mới để làm cơ sở quản lý đầu tư xây dựng hệ thống giao thông. Nâng cấp và xây dựng mới các tuyến đường hướng tâm và đường tránh thành phố, thị xã.

Mở mới tuyến vành đai đô thị nhằm hạn chế dòng xe liên tỉnh đi qua trung tâm đô thị và trục chính đô thị giúp giảm áp lực giao thông đối với các tuyến giao thông đô thị hiện đang bị quá tải cụ thể như:

  • Tuyến tránh QL.1 phía Tây thành phố Quảng Ngãi: Điểm đầu đường dẫn cao tốc Đà Nằng – Quảng Ngãi và điểm cuối QL.1 với tổng chiều dài khoảng 19km. Quy hoạch giai đoạn 2026 – 2030 đạt quy mô cấp III.
  • Đường trục chính nối từ QL.1 đến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh: Điểm đầu tuyến giao với QL.1 tại Km 1051+600; Cuối tuyến kết nối với đường Dung Quất – Sa Huỳnh với chiều dài khoảng 14,75km. Quy mô đường đô thị với 06 làn xe.
  • Đường nối Bình Sơn – Tư Nghĩa: Tuyến đi qua địa bàn các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và Tp.Quảng Ngãi. Điểm đầu tại nút giao tuyến số 03 với tuyến Dốc Sỏi – Dung Quất, huyện Bình Sơn; điểm cuối giao với Quốc lộ 1 tại lý trình km 1063+ 700, huyện Tư Nghĩa với chiều dài toàn tuyến khoảng 36,5km. Công trình đường phố chính đô thị thứ yếu cấp II (Bnền=46m, Bmặt=24m, Bvỉa hè=12m, Bpc=10m).

Phương án phát triển giao thông nông thôn

Quy hoạch hạ tầng giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi đối với những đoạn tuyến đi qua khu vực đô thị theo quy hoạch đô thị đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt. Đối với những đoạn tuyến nằm ngoài khu vực đô thị quy hoạch chi tiết như sau:

  • Giai đoạn 2021 – 2030: nâng cấp các tuyến đường huyện quan trọng đạt tiêu chuẩn cấp VI, V theo tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô TCVN 4054-2005, giữ lộ giới chung 32,0 m cho tất cả các tuyến đường huyện. Ưu tiên nâng cấp các tuyến và đoạn tuyến chưa được cứng hóa phấn đấu đạt tỷ lệ cứng hóa 100%. Mở mới một số tuyến nhằm hoàn thiện hơn mạng lưới đường bộ trên địa bàn Tỉnh.
  • Giai đoạn 2031 – 2050: nâng cấp và mở mới các tuyến đường huyện đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp IV theo tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô TCVN 4054-2005, lộ giới 32,0 m.
  • Kết cấu mặt đường: láng nhựa hoặc bê tông xi măng; cầu trên tuyến có tải trọng tối thiểu 0,5HL93. Chú trọng kết nối thống các tuyến giữa các địa phương, tạo mạng lưới đường liên hoàn, thông suốt.

Hệ thống đường cao tốc: Quy hoạch hạ tầng giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi Đối với tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông (CT1): Đoạn Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã hình thành các nút giao liên thông để kết nối (Đường vào khu kinh tế Dung Quất tại Km 102+720; QL.24B tại Km 124+700). Đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn với các nút giao liên thông kết nối với đường quốc gia và đường địa phương. Đối với tuyến cao tốc Quảng Nam – Quảng Ngãi (CT22).

Hệ thống cảng biển: Hiện nay, Quảng Ngãi với hệ thống cảng biển được quy hoạch theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/09/2021 gồm Cảng biển Dung Quất; bến cảng Sa Kỳ đã được kết nối với hệ thống đường bộ hiện trạng và đặc biệt là tuyến đường Dung Quất – Sa Huỳnh, đây sẽ là lợi thế đặc biệt để kêu gọi xã hội hóa đầu tư cảng biển trong tương lai.

Tiếp tục triển khai quy hoạch các tuyến giao thông đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ngãi theo Quyết định số 2193/QĐ-UBND ngày 25/12/2012 và Quyết định số 742/QĐ-UBND ngày 26/05/2014 cụ thể như:

– Tuyến Sa Kỳ – Lý Sơn: Điểm đầu là cảng Sa Kỳ, xã Tịnh Kỳ, huyện Lý Sơn và điểm cuối là cảng Bến Đình, đảo Lý Sơn với chiều dài 32km. Giai đoạn 2021 – 2030, quy hoạch luồng tàu cấp II đường thủy nội địa.

– Tuyến sông Trà Bồng: Gồm hai đoạn cụ thể như sau:

  • Đoạn Châu Ổ – Sa Cần: Điểm đầu bến Châu Ô, thị trấn Châu Ô và điểm cuối là bến Sa Cần, cửa Sa Cần với chiều dài 10,1km. Giai đoạn 2021 – 2030, quy hoạch luồng tàu cấp IV đường thủy nội địa.
  • Đoạn Châu Ổ – Thủy điện Cà Đú: Điểm đầu bến Châu Ô và điểm cuối thủy điện Cà Đú với chiều dài 21km. Giai đoạn 2021 – 2030, quy hoạch luồng tàu cấp V đường thủy nội địa.

– Tuyến sông Kinh Giang: Điểm đầu là cảng Sa Kỳ, xã Tịnh Kỳ và điểm cuối là cảng Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa với chiều dài 19km. Giai đoạn 2021 – 2030, quy hoạch luồng tàu cấp IV đường thủy nội địa.

– Tuyến Đảo Lớn – Đảo Bé: Điểm đầu là cảng Bến Đình, xã An Vĩnh và điểm cuối là bến An Bình, xã An Bình với chiều dài 8km. Giai đoạn 2021 – 2030, quy hoạch luồng tàu cấp III đường thủy nội địa.

– Tuyến sông Trà Khúc: Quy hoạch giai đoạn 2021 – 2050 với hai đoạn cụ thể như sau:

  • Đoạn 1: Quy hoạch và đưa vào quản lý khai thác du lịch đoạn từ hạ lưu đập dâng sông Trà Khúc đến cửa Đại với chiều dài khoảng 10km. Luồng tàu cấp IV đường thủy nội địa.
  • Đoạn 2: Quy hoạch và đưa vào quản lý khai thác du lịch đoạn từ thương lưu đập dâng sông Trà Khúc đến đập thủy lợi Thạch Nham với chiều dài khoảng 20km. Luồng tàu cấp IV đường thủy nội địa.

– Tuyến sông Vệ: Quy hoạch đưa vào quản lý khai thác đoạn tuyến Cửa Lở, xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức đến ngã ba sông Liên, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành với chiều dài 29km. Quy hoạch giai đoạn 2021 – 2050 đạt cấp luồng quy hoạch là cấp V đường thủy nội địa.

– Tuyến sông Trà Câu: Quy hoạch và đưa vào quản lý khai thác vận tải hạ chế 11km phía hạ lưu đoạn từ xã Phổ Phong đến cửa biển Mỹ Á, xã Phổ Quang, thị xã Đức Phổ. Quy hoạch giai đoạn 2021 – 2050 đạt cấp luồng là cấp V đường thủy nội địa.

– Tuyến sông Thoa với sông Trường: Quy hoạch giai đoạn 2021 – 2050 đạt cấp luồng là cấp VI đường thủy nội địa với 02 đoạn cụ thể như sau:

  • Đoạn 1: Nằm trên tuyến sông Thoa chạy từ sông Vệ, Đức Hiệp, huyện Mộ Đức đến hợp lưu sông Trà Câu, xã Phổ Quang, thị xã Đức Phổ với chiều dài 28km.
  • Đoạn 2: Nằm trên sông Trường chạy từ đầm Lâm Bình, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ đến hợp lưu với sông Trà Câu, cửa Mỹ Á với chiều dài 4km.

– Tuyến Vạn Tường – Lý Sơn: Quy hoạch tuyến phục vụ du lịch sinh thái biển từ đất liền ra đảo và ngược lại với chiều dài khoảng 28km. Quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030 đạt cấp III đường thủy nội địa.

– Tuyến Tịnh Khê – Lý Sơn: Điểm đầu tài bến tàu Khê Lập, xã Tịnh Khê và điểm cuối là cảng Bến Đình, huyện Lý Sơn với chiều dài 32km. Quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030 đạt cấp III đường thủy nội địa.

– Tuyến Tịnh Khê – Vạn Tường: Điểm đầu tại bến tàu Khê Lập, xã Tịnh Khê và điểm cuối bến tàu Vạn Tường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn với chiều dài 30km. Quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030 đạt cấp III đường thủy nội địa.

– Tuyến Tịnh Khê – Sa Huỳnh: Điểm đầu là bến tàu Khê Lập, xã Tịnh Khê và điểm cuối là cảng Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ với chiều dài 60km. Quy hoạch giai đoạn 2021 – 2050 đạt cấp III đường thủy nội địa.

– 10 tuyến trong lòng hồ Đắcđrink (Đăk Lang – Huy Ra Lung; Đăk Lang – Nước Vương; Đăk Lang – Đăk Nên; Huy Ra Lung – Ra Manh; Huy Ra Lung – Nước Vương; Huy Ra Lung – Đăk Nên; Ra Manh – Đăk Lang; Ra Manh – Nước Vương; Ra Manh – Đăk Nên; Nước Vương – Đăk Nên).

Tài liệu kèm theo:


5/5 - (3 bình chọn)
Bài trướcBản đồ quy hoạch – Kế hoạch sử dụng đất huyện Bù Đốp (Bình Phước) đến 04/2024
Bài tiếp theoBản đồ quy hoạch – Kế hoạch sử dụng đất huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đến 04/2024

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây