Trang chủ QH giao thông Quy hoạch giao thông tỉnh Thái Bình đến 2030, tầm nhìn 2050

Quy hoạch giao thông tỉnh Thái Bình đến 2030, tầm nhìn 2050

4952
0

Quy hoạch giao thông tỉnh Thái Bình phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050) như: cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng (CT.08), cao tốc Hưng Yên – Thái Bình (CT.16), vành đai 5 Hà Nội (CT.39), đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình; quốc lộ 10, 37B, 39B, tuyến đường bộ ven biển (giai đoạn 1)

Quyết định số 2034/QĐ-UBND ngày 26/7/2016 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030


Mục tiêu quy hoạch giao thông tỉnh Thái Bình

Giao thông đường bộ 

Quy hoạch giao thông tỉnh Thái Bình nhằm xác định mục tiêu đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp mạng lưới đường bộ để nâng cao năng lực khai thác, rút ngắn thời gian tiếp cận đến các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của các tỉnh trong khu vực cũng như các trung tâm chính trị, khu kinh tế, các khu công nghiệp, nông nghiệp, khu di tích, khu du lịch của tỉnh. Cụ thể:

Đến 2030:

  • Đối với cao tốc quốc gia, quốc lộ và tuyến đường bộ ven biển: Phối hợp với các cơ quan trung ương, các tỉnh lân cận nghiên cứu đầu tư theo từng giai đoạn và nâng cấp cải các tuyến theo quy hoạch (Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Chính phủ về việc Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050) như: cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng (CT.08), cao tốc Hưng Yên – Thái Bình (CT.16), vành đai 5 Hà Nội (CT.39), đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình; quốc lộ 10, 37B, 39B, tuyến đường bộ ven biển (giai đoạn 1)… 
  • Đối với cao tốc địa phương: Quy hoạch đầu tư xây dựng theo từng giai đoạn các tuyến: đường từ thành phố Thái Bình đi Cồn Vành; đường Thái Bình – Hà Nam (giai đoạn 2); đường từ thành phố Thái Bình đi nút giao Đồng Tu.
  • Đối với đường tỉnh: Cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường hiện trạng đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp IV đồng bằng, điều chỉnh một số đoạn tuyến tránh khu vực trung tâm đô thị; đầu tư xây dựng một số tuyến mới.

Tầm nhìn đến 2050:


  • Đối với cao tốc quốc gia, quốc lộ và tuyến đường bộ ven biển: Phối hợp với các cơ quan trung ương, các tỉnh đầu tư hoàn thiện các tuyến cao tốc quốc gia, quốc lộ theo quy hoạch ngành quốc gia. Đầu tư hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển theo quy hoạch.
  • Đối với cao tốc địa phương: Đầu tư xây dựng hoàn thiện các tuyến: đường từ thành phố Thái Bình đi Cồn Vành (điểm cuối giao với đường bao biển khu Cồn Thủ, Cồn Vành); đường từ thành phố Thái Bình đi nút giao Đồng Tu kết nối sang Hưng Yên qua đường Vành đai 5 và CT.16.
  • Đối với đường tỉnh: Đầu tư hoàn thiện các tuyến đường tỉnh theo quy hoạch.

Quy hoạch giao thông đường thủy nội địa, tỉnh Thái Bình

Giai đoạn đến 2030:

Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và đơn vị liên quan đảm bảo cấp kỹ thuật tuyến luồng đường thủy trên sông quốc gia như sông: Hồng, Luộc, Hóa, Trà Lý và Thái Bình. Từng bước triển khai đầu tư xây dựng một số cảng quan trọng trên sông quốc gia và tuyến đường bộ kết nối. Bổ sung công năng các cảng chuyên dùng hiện có thành cảng tổng hợp.

Tầm nhìn đến 2050:


Tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và đơn vị liên quan đảm bảo cấp kỹ thuật tuyến luồng đường thủy trên sông quốc gia như sông: Hồng, Luộc, Hóa, Trà Lý và Thái Bình. Đầu tư xây dựng và nâng cấp các cảng trên sông quốc gia và hoàn thiện các tuyến đường bộ kết nối.

Quy hoạch giao thông đường biển

Giai đoạn đến 2030:

Từng bước đầu tư Cảng biển Thái Bình theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021. Trọng tâm là đầu tư xây dựng (giai đoạn 1) khu bến cảng tại cửa sông có khả năng tiếp nhận cỡ tàu đến 50.000 tấn.


Tầm nhìn đến 2050:

Đầu tư khu bến cảng tại cửa sông (giai đoạn 2) có khả năng tiếp nhận cỡ tàu trên 50.000 tấn

Quy hoạch giao thông đường sắt

Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và đơn vị liên quan triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021.

Bản đồ phương án phát triển giao thông vận tải tỉnh Thái Bình đến 2030
Bản đồ phương án phát triển giao thông vận tải tỉnh Thái Bình đến 2030

Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tỉnh Thái Bình

Quy hoạch hệ thống đường cao tốc

Cao tốc liên vùng, liên tỉnh:

Thái Bình có vị trí địa lý thuận lợi – nằm phía Nam trong tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, nằm ở trung tâm tam giác phát triển vùng Duyên hải Bắc Bộ là Hà Nội – Ninh Bình – Hải Phòng, có tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế. 

Hệ thống đường cao tốc liên vùng quy hoạch qua địa bàn tỉnh Thái Bình thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021; cụ thể, trên địa bàn tỉnh có 03 tuyến cao tốc, gồm:

  • Ninh Bình – Hải Phòng (CT.08);
  • Cao tốc Thái Bình – Hưng Yên (Vành đai 5 Hà Nội – CT.16 –Thái Hà GĐ2);
  • Vành đai 5 Hà Nội (CT.39):

Cao tốc CT.08 (Ninh Bình – Hải Phòng): theo quy hoạch quốc gia cao tốc CT.08 có chức năng hỗ trợ QL10 kết nối cảng Hải Phòng với khu vực Bắc Trung bộ; đường có điểm đầu là đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, thành phố Ninh Bình; điểm cuối là đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Tổng chiểu dài toàn tuyến là 109km, quy mô đến năm 2030 là 4 làn xe.

Đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình chiều dài khoảng 43km chia làm 2 đoạn: đoạn đầu tại xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương đến nút giao quốc lộ 37 và 37B (34km); đoạn 2 trùng với tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng từ nút giao quốc lộ 37 và 37B đến điểm cuối phía Bắc tỉnh tại đò Gảnh, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy (9km). Đến năm 2050 quy mô dự kiến 4 – 6 làn xe.

Cao tốc CT.39 (vành đai 5 Hà Nội): theo quy hoạch quốc gia có điểm đầu tại Km367+100 đường Hồ Chí Minh, Hà Nội; điểm cuối trùng với điểm đầu. Tổng chiều dài toàn tuyến là 272km, quy hoạch đến năm 2030 quy mô là đường 6 làn xe. Chiều dài tuyến đường qua địa phận tỉnh Thái Bình khoảng 26,5km có điểm đầu là cầu Thái Hà; điểm cuối tại xã Quỳnh Giao huyện Quỳnh Phụ; Quy mô đến năm 2030 là 6 làn xe được chia làm 2 đoạn: đoạn từ cầu Thái Hà đến xã Văn Cẩm huyện Hưng Hà đã hoàn thành với quy mô hiện trạng là đường cấp II đồng bằng; đoạn 2 từ Văn Cẩm đến Quỳnh Hoa dự kiến đầu tư theo dự án trọng điểm vùng Thủ đô trước năm 2030.

Cao tốc Thái Bình – Hưng Yên: có chức năng là tuyến kết nối thành phố Hà Nội với khu vực Duyên hải Bắc Bộ qua địa phận tỉnh Thái Bình; theo quy hoạch quốc gia tuyến có điểm đầu tại Vành đai 4 Hà Nội trên địa phận tỉnh Hưng Yên; điểm cuối với đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng tại địa phận tỉnh Thái Bình. Tổng chiểu dài toàn tuyến khoảng trên 70km, quy mô đến năm 2030 là 4 làn xe. Chiều dài tuyến tại địa phận Thái Bình khoảng 35,8km được chia thành 2 đoạn: Đoạn 1 (nút giao tại xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà đến nút giao QL10 tại xã Đông Hải, Quỳnh Phụ) dài 12,2km; Đoạn 2 (từ nút giao QL10 tại xã Đông Hải, Quỳnh Phụ đến Cao tốc CT.08 Ninh Bình – Hải Phòng tại xã Thụy Xuân, h.Thái Thụy dự kiến ra cảng nước sâu phía Bắc cửa Diêm Điềm) dài 23,6km. 

Cao tốc địa phương

Định hướng các tuyến đường tỉnh quy hoạch mới từ quy mô đường cấp II đồng bằng giai đoạn đến năm 2030, nâng cấp thành đường cao tốc nội vùng của địa phương với quy mô cao tốc 4 làn xe giai đoạn sau năm 2030 nhằm kết nối các tuyến cao tốc liên vùng đi qua địa bàn tỉnh, kết nối các tuyến quốc lộ và vùng kinh tế trong tỉnh tạo ra các hành lang kinh tế, kỳ vọng tạo nên những đột phá mạnh mẽ về kinh tế – xã hội cho tỉnh Thái Bình trong giai đoạn quy hoạch.

Đường cao tốc địa phương được định hướng quy hoạch gồm 04 tuyến cụ thể như sau:

Đường bộ ven biển Thái Bình: Được Thủ tướng chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18/01/2010 có chiều dài khoảng 3.041 km; trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình dài khoảng 43,7km trở thành trục giao thông xương sống của khu kinh tế Thái Bình, tạo động lực thu hút đầu tư vào khu kinh tế Thái Bình. Tuyến đường sẽ kết nối Thái Bình với tam giác phát triển: Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Ngoài ra, công trình còn kết nối với cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), sân bay quốc tế Cát Bi, cửa khẩu tại Quảng Ninh.

Đường từ thành phố Thái Bình đi Cồn Vành: chiều dài khoảng 34,2km, quy mô 4 đến 6 làn xe có điểm đầu tại nút giao Chu Văn An với đường vành đai phía Nam thành phố; điểm cuối giao với đường trục khu du kịch Cồn Thủ, Cồn Vành (dự kiến là đường tỉnh Đt.465 kéo dài). Giai đoạn 1 đoạn từ thành phố đến nút giao với QL37B tại xã Nam Bình, Kiến Xương chiều dài khoảng 16km quy mô đường cấp II đồng bằng đang được triển khai. Chức năng quy hoạch tuyến đường nhằm phục vụ phát triển kinh tế biển, du lịch biển của tỉnh Thái Bình tại khu vực Cồn Thủ, Cồn Vành trong những năm tới.

Đường từ thành phố Thái Bình đi nút giao Đồng Tu (đường Vành đai 5 Hà Nội): có chiều dài khoảng 18,6km; Điểm đầu tại nút giao đường tránh S1 tại xã Tân Bình, Tp Thái Bình đến điểm cuối là nút giao Đồng Tu (CCN Đồng Tu) phía Tây thị trấn Hưng Hà, huyện Hưng Hà. Quy mô quy hoạch đến năm 2030 là đường cấp II đồng bằng (định hướng đườngcao tốc), sau năm 2030 định hướng là đường cao tốc nội tỉnh với quy mô cao tốc 4 làn xe.

Đường từ thành phố Thái Bình đi Cầu Nghìn: là tuyến đường tỉnh trọng điểm đang triển khai đầu tư xây dựng, chạy song song phía Đông tuyến QL10 hiện tại. Chiều dài tuyến khoảng 21,6km; quy mô đường quy hoạch cấp II đồng bằng, định hướng sau năm 2030 quy mô đường 4 đến 6 làn xe cao tốc. Theo lý trình dự án, điểm đầu tuyến: tại Km2+500 đấu nối với đường dẫn cầu vượt sông Hóa, xã An Thanh, huyện Quỳnh Phụ, điểm cuối: Tại Km23+809 đấu nối với đường Võ Nguyên Giáp, xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình (cách nút giao QL10 với tuyến tránh S1 khoảng 350m về phía Đông).

Quy hoạch hệ thống đường Quốc lộ

Đường quốc lộ chính bao gồm: 10, 39, 37, 37B và 39B thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021. Cụ thể:

  • Tuyến Quốc lộ QL10 chạy theo hướng Nam Định đi Hải Phòng, chiều dài tuyến 41km; Ngoài các đoạn tuyến đã đạt tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng, các đoạn tuyến cấp III đồng bằng hiện tại được giữ nguyên. Khi tuyến đường từ thành phố đi cầu Nghìn được đầu tư xây dựng hoàn thành sẽ chuyển thành QL10, tuyến đường QL10 hiện tại chuyển thành đường tỉnh.
  • Tuyến Quốc lộ 37: Xây dựng tuyến mới và cầu vượt sông Hóa, đồng thời chuyển Quốc lộ 37 cũ thành đường tỉnh (đoạn từ thị trấn Diêm Điền đi cầu phao Sông Hóa). Khi tuyến Quốc lộ 37 mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng, tuyến Quốc lộ 37 hiện tại sẽ chuyển thành đường tỉnh.
  • Tuyến Quốc lộ QL37B: Nâng cấp các đoạn còn lại Quốc lộ 37B, đồng thời xây dựng đoạn tránh qua khu dân cư xã Bình Định, huyện Kiến Xương. Tuyến Quốc lộ 37B đi qua thị trấn Kiến Xương và qua khu vực xã Bình Định, xã Hồng Tiến huyện Kiến Xương được nắn tuyến để đảm bảo phù hợp với định hướng hệ thống và cấp đô thị tại khu vực.
  • Tuyến Quốc lộ QL39 sẽ được nắn tuyến đi ngoài đô thị khi đi qua thị trấn Đông Hưng huyện Đông Hưng và thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà.

Đường Quốc lộ bổ sung

Tuyến Quốc lộ QL39B (tuyến quốc lộ quy hoạch bổ sung bằng cách nâng cấp tuyến đường trên địa bàn các tỉnh Hưng Yên – Thái Bình – Nam Định): Tuyến có điểm đầu là nút giao thị trấn Ân Thi (Hưng Yên), giao với QL38 tại Km47+500; điểm cuối là nút giao thị trấn Lạc Quần (Nam Định), giao với QL21 tại Km174+100; tổng chiểu dài tuyến L=89,2km. Trên địa phận tỉnh Thái Bình tuyến bắt đầu từ cầu La Tiến, đi theo đường huyện ĐH.60 qua nút giao xã Thống Nhất đến đường tỉnh ĐT.452; sau đó tuyến đi trùng với đường tỉnh ĐT.454 đến phà Sa Cao. Tổng chiều dài đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Thái Bình khoảng 45km.

Bản đồ quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Thái Bình, tầm nhìn đến 2050
Bản đồ quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Thái Bình, tầm nhìn đến 2050

Quy hoạch hệ thống giao thông đường tỉnh

Tuyến đường tỉnh bao gồm: các tuyến đường hiện trạng; tuyến đường mới; quy mô tối thiểu cấp III đồng bằng. Ngoài ra, sẽ điều chỉnh, thay thế một số tuyến, đoạn tuyến đường tỉnh tránh các trung tâm đô thị; nâng cấp một số tuyến đường thành đường tỉnh và chuyển
một số tuyến đường tỉnh thành đường huyện phù hợp với tính chất của tuyến đường và định hướng kết nội hệ thống đô thị toàn tỉnh.
 

Quy hoạch hệ thống đường giao thông đô thị

Tại thành phố Thái Bình: Giai đoạn 2021-2025 tập trung hoàn thành đường vành đai phía Nam thành phố; giai đoạn 2025 -2030 sau khi không gian thành phố mở rộng cần tiếp tục nghiên cứu quy hoạch tuyến vành đai 2 với khoảng cách lý tưởng từ 2,5-3,0km so với tuyến vành đai hiện tại. 

Quy hoạch khung giao thông trong định hướng vùng không gian đô thị thành phố Thái Bình đến năm 2030, bao gồm:

  • Vành đai trung tâm nằm trong địa phận nội đô thành phố Thái Bình bao bọc không gian đô thị trung tâm (dự kiến tuyến từ đường đê sông Trà Lý là đường Trần Quang Khải qua đường Trần Thủ Độ – Trần Đại Nghĩa ở phía Bắc, kết thúc ở đường Hùng Vương; phía Nam bắt đầu từ ngã ba Phúc Khánh vào đường Doãn Khuê, đến vị trí sông 3-2 đi dọc theo đường Đinh Tiên Hoàng lên đường đê Trần Quang Khải).
  • Vành đai 1 hình thành trên cơ sở tuyến đường tránh S1 ở phía bắc và tuyến đường tránh phía Nam thành phố (có thể nghiên cứu tuyến nối từ khu vực thôn Nghĩa Chính xã Phú Xuân đi theo đường bao phía Tây Khu công nghiệp Phúc Khánh nối sang khu vực xã Song An, xã Trung An đấu nối vào đường tránh phía Nam để phân tách đô thị thành phố Thái Bình và vùng đô thị thị trấn Vũ Thư).
  • Vành đai 2 quy hoạch mới cách vành đai 1 từ 2,5km đến 4km.

Tại các khu vực định hướng quy hoạch đô thị loại IV trở lên: Quy hoạch hệ thống đường vành đai đô thị để đảm bảo kết nối đồng bộ giao thông đô thị và hệ thống giao thông đối ngoại. Các đô thị từ loại IV trở lên định hướng phân loại đến năm 2030 theo kế hoạch của Chính phủ và định hướng đô thị trong quy hoạch lần này gồm: thành phố Thái Bình (I); Diêm Điền (III); An Bài – Quỳnh Côi (III); Hưng Nhân – Hưng Hà (III); Tiền Hải (IV); Đông Hưng (IV); Vũ Thư (IV); Trà Giang (IV).

Quy hoạch hệ thống bến xe, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ

Hệ thống bến xe khách:

  • Duy trì các bến xe khách hiện đang hoạt động, bao gồm 10 bến: Bến trung tâm thành phố Thái Bình; bến Hoàng Hà, bến Thái Thụy; bến Hưng Hà, bến Hưng Nhân huyện Hưng Hà; bến Đông Hưng; bến Kiến Xương, bến Bồng Tiên – Chùa Keo huyện Vũ Thư; bến Tiền Hải; bến Quỳnh Côi huyện Quỳnh Phụ. Đến năm 2030 nâng cấp các bến sau đạt tối thiểu loại 4 gồm: bến Tiền Hải; bến Hưng Nhân huyện Hưng Hà; bến Quỳnh Côi huyện Quỳnh Phụ.
  • Quy hoạch và xây dựng mới: Bến xe phía Tây, bến xe phía Nam thành phố Thái Bình; bến xe Chợ Lục, bến xe Thái Thụy huyện Thái Thụy; bến xe Cồn Vành, bến xe Đông Minh, bến xe Nam Trung, huyện Tiền Hải; bến xe An Bài, bến xe bến Hiệp huyện Quỳnh Phụ đạt tiêu chuẩn tối thiểu loại 4. Đồng thời khi xây dựng mới, nâng cấp các đô thị thị từ loại IV trở lên, bổ sung tối thiểu 01 bến xe khách với tiêu chuẩn tối thiểu loại 4.

Trạm dừng nghỉ: theo QCVN 43:2012/BGTVT, trạm dừng nghỉ đường bộ được xây dựng dọc theo tuyến quốc lộ hoặc tỉnh lộ để cung cấp các dịch vụ phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông. Dự kiến quy hoạch 08 vị trí trạm dừng đường bộ nghỉ trên địa bàn tỉnh Thái Bình như sau:

  • Tại huyện Thái Thụy: quy hoạch 02 vị trí trạm, trong đó: 01 vị trí nằm ở phía Bắc hoặc phía Nam thị trấn Diêm Điền trên tuyến đường bộ ven biển; 01 vị trí nằm tại xã Thái Giang ven tuyến đường tỉnh ĐT.457 (ĐT.457 kết nối với đường tỉnh ĐT.396B và QL.37B thành tuyến đường trục Bắc – Nam của tỉnh).
  • Huyện Tiền Hải: quy hoạch 01 vị trí nằm ở khu vực xã Nam Hưng (cửa ngõ phía Nam vào Khu kinh tế Thái Bình).
  • Huyện Kiến Xương: quy hoạch 01 vị trí nằm ven tuyến đường Thái Bình – Cồn Vành. 
  • Huyện Vũ Thư: quy hoạch 01 vị trí nằm ven tuyến đường Thái Bình – Đồng Tu.
  • Huyện Hưng Hà quy hoạch 02 vị trí: 01 vị trí ven đường cao tốc Thái Hà tại khu vực đền Trần, 01 vị trí ven đường vành đai 5 Hà Nội tại khu vực xã Duyên Hải (cửa ngõ vào khu du lịch nước khoáng nóng và khu du lịch tâm linh đền Tiên La).
  • Huyện Quỳnh Phụ: quy hoạch 01 vị trí tại khu vực gần nút giao cao tốc Thái Bình – Hưng Yên và quốc lộ 10.
  • Huyện Đông Hưng và thành phố Thái Bình: quy hoạch 01 vị trí trạm dừng nghỉ nằm ven quốc lộ 10 tại khu vực vùng giao của hai đô thị.

Vị trí trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ: Quy hoạch trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh; ưu tiên quy hoạch tại các vị trí đầu mối giao thông, tuyến đường có mật độ phương tiện cao.

Bãi đỗ xe: Tại các huyện, thành phố, đô thị bố trí các bãi đỗ xe đảm bảo nhu cầu dừng đỗ của các loại phương tiện.

Quy hoạch giao thông đường biển tỉnh Thái Bình

Đường biển thuộc địa phận tỉnh Thái Bình (từ cửa sông Thái Bình đến cửa Ba Lạt): Tổng chiều dài 56km và có 5 cửa sông lớn (Thái Bình, Diêm Điền, Trà Lý, Lân, Ba Lạt). Đầu tư khu bến cảng tại cửa sông (giai đoạn sau năm 2030) có khả năng tiếp nhận cỡ tàu trên 50.000 tấn.

Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, tỉnh Thái Bình

Căn cứ quy hoạch các tuyến đường thủy, hệ thống cảng theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1829/QĐ-TTg ngày 31/10/2021. Bổ sung quy hoạch các cảng trên sông Thái Bình khu vực huyện Thái Thụy và nghiên cứu quy hoạch một số bến hàng hóa thủy nội địa.

Đường thủy nội địa

  • Đường thủy nội địa do Trung ương quản lý: Trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 5 tuyến đường thủy nội địa Quốc gia do Trung ương quản lý gồm: Sông Hồng (cấp I), sông Hóa (cấp IV), sông Luộc (cấp II), sông Thái Bình (cấp III) và sông Trà Lý (cấp II, III) với tổng chiều dài là 262,5km.
  • Đường thủy nội địa địa phương: Tổng có 15 tuyến đường thủy nội địa địa phương chiều dài 207km. Năm 2019, UBND tỉnh đã công bố mở luồng đường thủy nội địa địa phương trên 8 tuyến sông địa phương với tổng chiều dài 136,

Cảng thủy nội địa

Về cảng hàng hóa: Cụm cảng Thái Bình phục vụ cỡ tàu 2.000 tấn, tổng công suất 8.400.000 tấn/năm, đến năm 2030 nhu cầu sử dụng đất 58,8ha. Bao gồm khu cảng sông Trà Lý: Thái Bình, Bắc Trà Lý (cầu Trà Lý), Trà Lý (khu bến Trà Lý), Mỹ Lộc (Nhiệt điện Thái Bình 1 và 2), Thái Thọ, Vinacomin; khu cảng sông Hồng (các cảng: Tân Đệ, Hòa Bình, Cống Kem, Lân và cảng khác); khu cảng sông Luộc (các cảng: Hiệp, Triều Dương, An Đồng và cảng khác); khu cảng sông Hóa (các cảng: KCN Quỳnh Phụ, hàng hóa nhà máy thép Shengli Việt Nam và cảng khác); khu cảng sông Thái Bình (các cảng: Thụy Tân, cảng nước sâu).

Các cảng chuyên dùng hiện có sẽ đầu tư, bổ sung công năng thành các cảng tổng hợp, bao gồm: Cảng thủy nội địa xăng dầu Thái Bình trên sông Hồng (cảng Hòa Bình); Cảng thủy nội địa hóa chất Vinacomin, Cảng thủy nội địa nhiệt điện Thái Bình 1 và 2 trên sông Trà Lý; Cảng thủy nội địa chuyên dùng ShengLy trên sông Hóa.

Về cảng hành khách: Cụm cảng khách Thái Bình, bao gồm các cảng trên các sông: Hồng, Luộc, Trà Lý và Hóa; cỡ tàu 150 ghế; công suất 200.000 lượt HK/năm, đến năm 2030 nhu cầu sử dụng đất 2,6ha. Ngoài ra, phát triển một số cảng khách du lịch trong Khu Kinh tế Thái Bình.

Bến thủy nội địa trên sông quốc gia và sông địa phương

  • Bến hàng hóa: Quy hoạch các bến hàng hóa trên các sông, ưu tiên tại các vị trí có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đảm bảo phù hợp với quy hoạch của các huyện, thành phố; đáp ứng nhu cầu xếp dỡ hàng hóa, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
  • Bến khách ngang sông: Quy hoạch các bến khách ngang sông trên các sông, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, nhất là tại các nơi chưa có tuyến đường bộ, cầu kết nối thuận lợi.


4.8/5 - (9 bình chọn)
Bài trướcLinh Miu là ai? Sự thật về hot girl này gây sốt mạng xã hội
Bài tiếp theoVì Sao Dự Án Khu Đô Thị Mới Sao Mai Tại Cần Thơ Bị Thu Hồi?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây