Trang chủ QH giao thông Quy hoạch giao thông tỉnh Ninh Bình 2021-2030

Quy hoạch giao thông tỉnh Ninh Bình 2021-2030

3899
0

Quy hoạch giao thông tỉnh Ninh Bình bao gồm: thành phố Tam Điệp và các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn…

Ninh Bình là một tỉnh nằm ở cửa ngõ cực nam miền Bắc, Việt Nam. Ninh Bình có vị trí quan trọng của vùng cửa ngõ miền Bắc và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Đây là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế và văn hoá giữa khu vực châu thổ sông Hồng với Bắc Trung Bộ, giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ với vùng rừng núi Tây Bắc. Thế mạnh kinh tế nổi bật của Ninh Bình là các ngành công nghiệp vật liệu xây dựng và du lịch.


Hiện trạng mạng lưới giao thông

Hiện trạng giao thông đường bộ

Mạng lưới đường bộ đến nay có tổng cộng khoảng 3.770 km đường được phân cấp, phân loại, bao gồm 08 tuyến Quốc lộ dài 240.79 km, 19 tuyến đường tỉnh dài 259,5km, đường huyện 209,87km, đường đô thị 157,77km, đường xã 1.483,9km, đường chuyên dùng 234,44 km. Bên cạnh đó còn có 4.386,89 km đường giao thông nông thôn trong các thôn xóm. Nhiều cây cầu lớn được xây dựng như Cầu Nam Bình (1.637 m), cầu Gián Khẩu, cầu Hoàng Long (850m)… Đường cao tốc qua Ninh Bình có tuyến cao tốc Ninh Bình-Thanh Hóa (tuyến cao tốc Bắc Nam) đang đầu tư xây dựng sẽ góp phần nâng cao tốc độ lưu thông, mức độ kết nối với giao thông khu vực. Trên địa bàn tỉnh có hơn 300km đường cấp III, gần 60km đạt tiêu chuẩn đường cấp II, đô thị; 100% đường Quốc lộ, đường tỉnh đã được cứng hóa bằng Bê tông xi măng, bê tông nhựa, đá dăm láng nhựa trong đó hơn 50% đã được thảm bê tông nhựa:

a) Cao tốc: 24,5km: Đường cao tốc qua Ninh Bình có tuyến cao tốc phía Đông trên trục Bắc Nam gồm 02 đoạn: Đoạn Cao Bồ – Mai Sơn dài 15,245km, trong đó đoạn qua tỉnh Ninh Bình là 10,145km; đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 dài 63km, trong đó đoạn qua tỉnh Ninh Bình là 14,35km hiện đang được thi công và sắp đưa vào sử dụng. Tổng chiều dài cao tốc qua Ninh Bình là 24,5km.

b) Đường Quốc lộ (8 tuyến): Dài 213,90 km, trong đó: Cục Quản lý Đường bộ I quản lý 03 tuyến: QL.1, QL.10, QL.1 tránh TP Ninh Bình; Sở GTVT Ninh Bình quản lý 05 tuyến dài 148,38km: QL.12B, QL.21B, QL.38B, QL.45, đường nối QL.1 với cảng Ninh Phúc.


c) Đường tỉnh (19 tuyến): Dài 259,5km, chi tiết được thể hiện trong bảng dưới đây!


d) Các loại đường khác

Đường đô thị: Dài 157,77km Đường chuyên dùng : Dài 234,44km Đường đê kết hợp GT : Dài 219,1km Đường huyện : Dài 209,87km Đường xã, liên xã: Dài 1.483,9 km. Ngoài ra, còn có trên 4.386,89 km đường giao thông nông thôn khác (trong các thôn xóm và nội đồng)..

Hiện trạng đường sắt

Tuyến đường sắt Thống Nhất dài 1.726km, qua 22 tỉnh, thành phố có tiêu chuẩn kỹ thuật là đường đơn khổ rộng 1000mm được đưa vào khai thác từ năm 1905. Đoạn chạy qua địa bàn tỉnh Ninh Bình có chiều dài 21,6 km (từ km113+400 – km135+000) với 4 ga hành khách và hàng hóa thuộc Thành phố Ninh Bình, Thành phố Tam Điệp và huyện Hoa Lư, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách của tỉnh đến thủ đô Hà Nội, các tỉnh Miền Trung, miền Nam và kết nối với với các tuyến đường sắt khác. Ngoài tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội – Tp Hồ Chí Minh, trên địa bàn tỉnh còn có 2 tuyến đường sắt chuyên dùng (nhánh rẽ vào Nhà máy phân lân Ninh Bình) nối với đường sắt quốc gia tại Km120+520, có tổng chiều dài 2,072 km và tuyến đường sắt chuyên dụng nối với cảng Ninh Bình dài khoảng 2,0km.


Hiện trạng giao thông đường thủy

a) Hệ thống đường thủy nội địa do Trung ương quản lý

Trung ương quản lý 4 tuyến thủy nội địa dài 155,5 km gồm tuyến sông Đáy, tuyến sông Hoàng Long, tuyến sông Vạc, và tuyến kênh Yên Mô (kênh Nhà Lê) cụ thể như sau:

Tuyến sông Đáy: đoạn chảy qua tỉnh Ninh Bình điểm đầu từ cầu Đoan Vĩ điểm cuối là phao số 0 cửa Đáy với chiều dài 85,0 km chảy qua các huyện Gia Viễn, Hoa Lư, TP. Ninh Bình, huyện Yên Khánh, Kim Sơn qua cửa Đáy đổ ra biển

Tuyến sông Hoàng Long: đoạn chảy qua tỉnh Ninh Bình điểm đầu cầu Nho Quan điểm cuối ngã ba Gián Khẩu chảy vào sông Đáy. Sông Hoàng Long chảy qua các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư đều thuộc tỉnh Ninh Bình. Chiều dài 28km.

Tuyến sông Vạc: chảy trong tỉnh Ninh Bình, được bắt nguồn từ ngã ba sông Vân tại Cầu Yên huyện Hoa Lư điểm cuối hợp lưu vào sô ng Đáy tại ngã ba Kim Đài huyện Kim Sơn. Sông Vạc chảy qua các huyện Yên Mô, huyện Kim Sơn với chiều dài 28,5 km, chiều rộng trung bình từ 50 – 70 m.

Tuyến kênh Yên Mô: đoạn chảy qua tỉnh Ninh Bình, điểm đầu ranh giới tỉnh Thanh Hóa t ại ngã ba Chính Đại, điểm cuối hợp lưu vào sông Vạc tại ngã ba Đức Hậu huyện Yên Mô với chiều dài 14km.

b) Hệ thống đường thủy nội địa do địa phương quản lý

Hệ thống đường thủy nội địa do địa phương quản lý gồm có 12 tuyến thủy nội địa, kênh dài 143,3 km. Sông do địa phương quản lý chủ yếu là sông cấp V,VI.

Tuyến sông Mới: chảy trong huyện Yên Khánh được bắt nguồn từ sông Đáy tại Âu Xanh, điểm cuối gặp sông Vạc tại Đức Hậu có chiều dài 8.5km.

Tuyến sông Ân: được bắt nguồn từ sông Đáy điểm đầu xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh , điểm cuối xã Lai Thành huyện Kim Sơn với chiều dài 17km.

Tuyến sông Hoành Trực: sông chảy trong huyện Kim Sơn, được bắt nguồn từ cống Phát Diệm sông Đáy chảy qua các xã Kim Tân, Kim Mỹ của huyện Kim Sơn hơp lưu với sông Càn tại cống Càn xã Kim Mỹ với chiều dài 8km.

Tuyến sông Cà Mau: được bắt nguồn từ sông Yên Mô tại Yên Từ, huyện Yên Mô, điểm cuối sông Hoành Trực tại Kim Tân, huyện Kim Sơn với chiều dài 20km.

Tuyến sông Lồng: được bắt nguồn từ xã Yên Phú huyện Yên Mô, điểm cuối Kênh Yên Mô với chiều dài 5km.

Tuyến sông Càn: được bắt nguồn từ ranh giới huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa chảy qua huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đổ ra biển Bình Minh huyện Kim Sơn, đoạn qua tỉnh Ninh Bình có chiều dài 9,3km.

Tuyến sông Bôi: được bắt nguồn từ Xích Thổ huyện Nho Quan, điểm cuối Kênh Gà hợp lưu vào sông Hoàng Long vời chiều dài 30km.

Tuyến sông Lạng: được bắt nguồn từ thượng lưu tiếp giáp tỉnh Hòa Bình chảy qua xã Phú Sơn huyện Nho Quan xuống hợp lưu vào sông Hoàng Long tại cầu Nho quan với chiều dài 6km.

Tuyến sông Rịa: được bắt nguồn từ cầu Rịa xã Phú Lộc huyện Nho Quan chảy qua huyện Gia Viễn hợp lưu vào sông Hoàng Long tại Gia Lạc huyện Gia Viễn với chiều dài 12km.

Tuyến sông Chanh: được bắt nguồn từ sông Hoàng Long tại Trường Yên huyện Hoa Lư hợp lưu vào sông Vân tại cầu Yên với chiều dài 12km.

Tuyến sông Vân: được bắt nguồn từ sông Đáy, điểm đầu là Âu Thuyền TP. Ninh Bình chạy dọc theo QL1A hợp lưu với sông Hệ Dưỡng và sông Vạc tại cầu Yên huyện Hoa Lư với chiều dài 6 km.

Sông Hệ Dưỡng: được bắt nguồn từ khu vực Tam Cốc, Bích Động huyện Hoa Lư chảy xuống hợp lưu vào sông Vân và sông Vạc tại cầu Yên với chiều dài 9,5km.

Thực trạng hệ thống hạ tầng bến bãi

Bến xe: Trên địa bàn hiện có 11 bến xe khách trong đó có 01 bến xe khách là bến xe Tam Điệp đang tạm dừng hoạt động; Bến xe Nam Thành, bến xe thị trấn Yên Ninh, bến xe phía đông thành phố Ninh Binh mới chỉ có một hai đơn vị vào đăng ký khai thác, các tuyến và phương tiện chủ yếu tập trung ở 3 bến thuộc Xí nghiệp bến xe khách Ninh Bình. Riêng trên địa bàn huyên Kim Sơn có 4 bến xe tuy nhiên lượng xe hoạt động tại các bến thị trấn Bình Minh, Lai Thành, Kim Đông rất thấp, hiệu quả khai thác bến xe kém.

Các bến xe trên địa bàn đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí về cấp hạng bến theo quy định tại thông tư 73/2015/TT-BGTVT ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Bộ Giao thông Vận tải.

Hiện tại các bến xe khách trên địa bàn tỉnh chủ yếu phục vụ vận chuyển hành khách, đối với hàng hóa chỉ kết hợp vận chuyển với quy mô nhỏ mà chưa có bến hàng hóa chuyên dụng.

Về bãi đỗ xe: Trong thành phố Ninh Bình cũng như các huyện trong Tỉnh hiện nay gần như không có các bãi đỗ xe công cộng vì thế các phương tiện dừng đỗ tùy tiện, chủ yếu tại các khu đất rộng, mới được xây dựng có diện tích lớn như: Nhà văn hóa, Sân vận động… thậm chí trên cả các tuyến đường tỉnh và Quốc lộ. Một số tuyến đường rộng được bố trí một phần mặt đường thành vị trí đỗ xe taxi như: Đường Tràng An, đường Lê Hồng Phong,… Hiện trên địa bàn TP Ninh Bình có một số bãi đỗ xe của tư nhân cho thuê như bãi đỗ xe trên đường Lê Đại Hành.

Trạm dừng nghỉ: Tỉnh Ninh Bình có 3 Trạm dừng nghỉ trong đó: 01 trạm được đầu tư bởi Jica của Nhật Bản nằm trên Quốc lộ 1 thuộc địa phận phường Nam Thành, Thành phố Ninh Bình có quy mô 15.295 m2, mặc dù được đầu tư tương đối bài bản tuy nhiên việc khai thác và hoạt động của trạm dừng nghỉ chưa đạt được những hiệu quả như mong chờ.

02 trạm dừng nghỉ tại đoạn Km10+00 tuyến đường kết nối cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình với QL.1 tại vị trí thuộc xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình với diện tích 30.000 m2 mỗi trạm.

Ga đường sắt: Hiện Ninh Bình có 4 ga đường sắt là: Ninh Bình, Cầu Yên, Ghềnh và Đồng Giao đều là ga dọc đường có quy mô nhỏ, nhà ga đều thuộc loại bán vĩnh cửu (trừ ga Ninh Bình).

Hệ thống cảng, bến, bến khách ngang sông: Thống kê số lượng cảng, bến thủy nội địa đang khai thác trên địa bàn tỉnh Ninh Bình theo huyện/thành phố.

Phương án quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông tỉnh Ninh Bình

Quan điểm và mục tiêu

Quan điểm: 

– Phù hợp với đường lối, chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước và của tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030 và định hướng sau 2030; quy hoạch phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

– Kế thừa những kết quả quy hoạch và thực tiễn đầu tư phát triển của ngành giao thông vận tải và các ngành có liên quan.

– Cải tạo và phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải theo hướng chiến lược, đồng bộ, bền vững, có trọng tâm trọng điểm, có bước đi phù hợp, có đột phá từng bước tạo nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, liên hoàn, kết nối giữa các lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không, hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển các ngành nghề khác như công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ… thông qua các trung tâm logistic, hệ thống bến, cảng, ga.

Mục tiêu:

a) Về đường bộ: Đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống giao thông vận tải đường bộ tỉnh Ninh Bình đạt được các mục tiêu cơ bản sau:

– Rà soát, điều chỉnh các tuyến đường tỉnh đã được quy hoạch trong giai đoạn đến năm 2020 tại Quyết định số 1037/QĐ-UBND ngày 18/12/2012 của UBND tỉnh, đề xuất bỏ, kết hợp, bổ sung các tuyến đường tỉnh để từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông. Đảm bảo mạng lưới giao thông hợp lý, khoa học, tinh gọn để làm cơ sở phát triển các tuyến đường địa phương như đường huyện, đường xã.

– Rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất hóa các tuyến đường tỉnh hiện hữu để đảm bảo tiêu chuẩn của các tuyến đường tỉnh theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ; đảm bảo quy mô, chiều dài tuyến.

– Xây dựng hoàn thành nâng cấp cải tạo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ có tính huyết mạch liên vùng trong tỉnh và liên kết với tỉnh bạn; thường xuyên duy tu bảo đảm giao thông thông suốt êm thuận an toàn. Giai đoạn từ nay đến 2030 ưu tiên khép kín tuyến theo quy hoạch.

– Tập trung nguồn lực đầu tư trọng tâm vào đầu tư mới một số tuyến trục chính tạo đột phá như tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa; tuyến Đông Tây; tuyến đường bộ ven biển….

– Phấn đấu hoàn thành việc lập dự án các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ theo quy hoạch làm cơ sở xác lập nhu cầu vốn và cắm mốc giới bảo đảm phát triển bền vững, giảm thiểu chi phí GPMB khi triển khai xây dựng. Khuyến khích các huyện lập quy hoạch GTVT trên cơ sở quy hoạch giao thông tỉnh phục vụ công tác đầu tư và cắm mốc giới hệ thống đường giao thông huyện.

– Tiến tới nâng cấp chuẩn hóa các tuyến quốc lộ đạt từ cấp III đồng bằng trở lên, đường tỉnh đạt từ cấp IV đồng bằng trở lên, riêng các đoạn qua đô thị xây dựng đạt quy mô theo quy hoạch đô thị.

b) Về đường thủy nội địa:

– Xây dựng hệ thống luồng lạch phục vụ hiệu quả các tuyến đường thủy nội địa quốc gia và địa phương một cách khả thi nhất, phù hợp với nguồn lực và nhua cầu phát triển hiện tại và trong tương lai của tỉnh Ninh Bình.

– Xây dựng căn cứ để quản lý các tuyến vận tải đường thủy nội địa cũng như căn cứ để phát triển hệ thống cầu vượt sông và phối hợp khai thác hệ thống sông ngòi bến bãi cùng các ngành khác.

– Xây dựng kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy. Chú trọng phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh một cách có trọng tâm, trọng điểm, không đầu tư giàn trải, manh mún góp phần thúc đẩy phát triển vận tải đường thủy nội địa; nâng cao năng lực, chia sẻ thị phần vận tải và giảm tải cho vận tải đường bộ, giảm chi phí vận tải, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

– Xây dựng một số cảng, bến thủy nội địa quan trọng và hạ tầng kết nối giao thông với giao thông đường bộ, đường sắt. Các giải pháp từng bước khắc phục tình trạng phát triển các cảng, bến thủy nội địa một cách tự phát, thiếu kết nối với mạng lưới giao thông đường bộ.

c) Về đường sắt: 

– Cải tạo, nâng cấp, từng bước đưa các tuyến vào cấp kỹ thuật đường sắt quốc gia; nghiên cứu, xây dựng đường sắt khổ 1,435 m. Đầu tư nâng cấp hệ thống đường, nhà ga, bến bãi, nâng tốc độ và đảm bảo an toàn chạy tàu.

– Quy hoạch tuyến đường sắt tốc độ cao đoạn đi qua địa phận tỉnh Ninh Bình với tiêu chí đảm bảo tính khả thi về mặt bằng, đảm bảo thuận lợi về mặt kết nối với các loại hình vận tải khác, đảm bảo tính tiếp cận dễ dàng tại các khu vực đông dân cư.

d) Về hàng không: Nghiên cứu khả năng phát triển sân bay Ninh Bình cũng như khả năng kết nối với các sân bay lân cận.

e) Về cảng biển: Nghiên cứu tính khả thi trong xây dựng cảng biển hành khách tại khu đô thị Cồn Nổi và cảng hàng hóa tại khu kinh tế biển Kim Sơn đảm bảo tính kết nối với các hành lang vận tải biển, làm động lực cho sự phát triển của vùng và toàn tỉnh.

f) Về hạ tầng bến bãi: 

– Hệ thống bến xe: Hoàn thiện hệ thống bến xe với 3 loại hình bến là bến hành khách liên tỉnh, bến buýt nội tỉnh và bến hỗn hợp, từng bước đưa các hoạt động trung chuyển, lưu giữ hàng hóa về trung tâm logistics.

– Hệ thống trạm dừng nghỉ: Tuân quy hoạch hệ thống trạm dừng nghỉ dọc các tuyến cao tốc, quốc lộ của quốc gia.

– Hệ thống bãi đỗ xe: Bãi đỗ xe tĩnh trong các đô thị và các khu du lịch tuân thủ theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt.

– Hệ thống cầu, hầm, phà: Quy hoạch các nút giao trọng điểm kết nối giao thông địa phương với các tuyến cao tốc, quy hoạch các cầu vượt sông trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh để tăng cường kết nối vùng, miền; kết nối tỉnh với các tỉnh lân cận.

Các định hướng phát triển giao thông tỉnh Ninh Bình

Mạng lưới đường bộ: Theo Quy hoạch ngành quốc gia Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh Ninh Bình có 2 tuyến cao tốc và 9 tuyến quốc lộ, chi tiết như sau:

1. Cao tốc: gồm 2 tuyến: 

a) Đường cao tốc Bắc Nam phía Đông (CT.01): Hướng tuyến chi tiết đoạn Ninh Bình – Thanh Hóa: Điểm đầu tại nút giao Cao Bồ (tỉnh Nam Định), điểm cuối tại nút giao QL.45 (tỉnh Thanh Hóa). Với chiều dài đoạn Cao Bồ – QL.45 khoảng 78km trong đó đoạn qua tỉnh Ninh Bình là 24,5km . Quy mô đến 2030 quy mô 6 làn xe.

b) Đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng (CT.08): Điểm đầu giao cao tốc Bắc Nam phía Đông tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, điểm cuối giao với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, thành phố Hải Phòng, dài khoảng 109km trong đó đoạn đi qua địa phận tỉnh Ninh Bình khoảng 20km. Quy mô 4 làn xe.

2. Quốc lộ: gồm 9 tuyến

a) Quốc lộ hiện có:

  • Quốc lộ 1: Đoạn qua địa phận tỉnh ninh mình có điểm đầu tại cầu Đoan Vĩ, điểm cuối tại dốc Xây, hướng tuyến cơ bản đi theo hướng tuyến hiện trạng có điều chỉnh cục bộ tại vị trí đường tránh thành phố Ninh Bình (chuyển đường tránh thành phố Ninh Bình thành QL.1A). Chiều dài khoảng 33,6km. Quy mô đường cấp III, 04 làn xe.
  • Quốc lộ 10: Đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình có điểm đầu tại cầu Non Nước, Đông Thành – Ninh Bình, điểm cuối tại cầu Điền Hộ, Lai Thành – Kim Sơn, hướng tuyến cơ bản bám theo hướng tuyến hiện trạng. Chiều dài đi qua tỉnh Ninh Bình khoảng 38,5km. Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật: cấp III, 2-4 làn xe.
  • Quốc lộ 12B: Điểm đầu giao đường ven biển (đê Bình Minh II), huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đến điểm cuối giao QL.6 huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, chiều dài: 140km. Đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình từ đê Bình Minh II, huyện Kim Sơn đến ranh giới tỉnh Ninh Bình – Hòa Bình tại xã Đồng Phong, Nho Quan. Hướng tuyến cơ bản đi theo hiện trạng, cải tuyến cục bộ sử dụng đoạn tuyến Ql.21B từ thị trấn Phát Diệm đến giao Ql.12B tại Yên Từ – Yên Mô thành Ql.12B. Chiều dài toàn tuyến đoạn đi qua địa phận tỉnh Ninh Bình dài 66,0 km, quy mô đường cấp III, 2 làn xe.
  • Quốc lộ 21B: Đoạn đi qua địa phận tỉnh có điểm đầu từ phà Quỹ Nhất, điểm cuối giao QL.1, thành phố Tam Điệp. Hướng tuyến cơ bản giữ nguyên hiện trạng, cải tuyến cục bộ đoạn từ Lai Thành – Kim Sơn đến Yên Hồng – Yên Mô cấp III, 2-4 làn xe.

b) Quốc lộ kéo dài:

  • Quốc lộ 45: Đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình có điểm đầu giao đường QL.21C thị trấn Me, huyện Gia Viễn, điểm cuối tại ranh giới tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa tại xã Phú Long – Nho Qua. Hiện tại Ql.45 có chiều dài khoảng 9km, tiếp tục kéo dài Ql.45 đoạn từ Ql.12B đến giao với QL.21C tại thị trấn Me – Gia Viễn trên cơ sở tuyến Đt.477C hiện có nâng chiều dài lên 23km. Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật: cấp III-IV, 2 làn xe.
  • Quốc lộ 38B: Đoạn qua tỉnh Ninh Bình có điểm đầu giao ĐT.476 tại xã Ninh Khang – Hoa Lư, điểm cuối Giao QL.12B, xã Lai Sơn – Nho Quan, chiều dài 22,8km, hướng tuyến cơ bản đi theo tướng tuyến hiện tại. Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật: cấp III, 2-4 làn xe. Tiếp tục xây dựng đoạn tuyến QL.38B kết nối Ninh Bình với Nam Định.

c) Quốc lộ nâng cấp từ đường tỉnh:

  • Quốc lộ 37C: Đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình có điểm đầu tại đê sông Đáy xã Gia Trấn – Gia Viễn, điểm cuối tại ranh giới tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình tại xã Xích Thổ – Nho Quan. Chiều dài khoảng 30,9km. QL.37C được nâng cấp từ đường tỉnh 477 đoạn từ Khu công nghiệp Gián Khẩu đến xã Gia Tường – Nho Quan và đường tỉnh 479 đoạn xã Gia Tường đi xã Xích Thổ sang tỉnh Hòa Bình. Quy hoạch đường cấp IV, 2 làn xe.
  • Quốc lộ 21C: Đoạn đi qua địa phận tỉnh Ninh Bình có điểm đầu tại ranh giới tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình tại xã Gia Hòa – Gia Viễn, điểm cuối tại nút Mai Sơn trên đường cao tốc Bắc Nam, huyện Yên Mô, có chiều dài 35,3km. Hướng tuyến QL.21C được nâng cấp trên cơ tuyến ĐT.477B cũ, đến nút giao với QL.38B tại xã Trường Yên tuyến đi trùng với QL.38B và đường tránh phía tây thành phố Ninh Bình về nút giao Mai Sơn. Quy hoạch đến năm 2030 đạt cấp III, 4 làn xe, định hướng đến năm 2050 nâng cấp thành 6 làn xe.
  • Đường ven biển: Đường ven biển đoạn đi qua địa phận tỉnh Ninh Bình từ Cồn Thoi (ranh giới giữa tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình) đến An Hải (ranh giới giữa tỉnh Ninh Bình và tỉnh Thanh Hoá) dài 9km. Quy mô cấp III, 2-4 làn xe.

d) Chuyển cấp quốc lộ:

  • Đường nối QL.1 – Cảng Ninh Phúc: Nối từ Cảng Ninh Phúc đến Quốc lộ 1 thuộc địa phận thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, chiều dài 13,3km. Tuyến có tính chất kết nối từ Cảng Ninh Phúc với Quốc lộ 1, Quốc lộ 10.
  • Các đoạn tuyến của QL.1A, QL.12B và QL.21B sau cải tuyến được chuyển về địa phương quản lý.

3. Đường tỉnh: Gồm 26 tuyến

  • ĐT.476 (đường Bái Đính – Kim Sơn): Điểm đầu giao QL.38B tại Gia Sinh – Gia Viễn, điểm cuối giao đường Đông – Tây tại thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn, tuyến quy hoạch đi trên đê hữu sông Đáy. Hướng tuyến đi theo hướng tuyến hiện trạng, được quy hoạch với chiều dài khoảng 69,8 km, quy mô đường cấp III, 4làn xe.
  • ĐT.477: Điểm đầu tuyến giao QL.37C tại xã Gia Vân, huyện Gia Viễn, điểm cuối tuyến theo QL.12B xã Đồng Phong, Nho Quan. Hướng tuyến đi trên cơ sở tuyến ĐT.477 hiện hữu, kéo dài đến giao QL.12B tại xã Văn Phong, chiều dài khoảng 12,6km, quy mô đường cấp IV, 2làn xe.
  • ĐT.477B: Điểm đầu giao QL.38B tại xã Gia Phong – Gia Viễn, điểm cuối giao ĐT.479D tại xã Cúc Phương – Nho Quan. Chiều dài khoảng 14,2km, quy mô đường cấp IV-III, 2- 4 làn xe, trong đó: Đoạn từ QL.38B đến ĐT.479 dài 8,1km, quy mô đường cấp III, 4 làn xe. Đoạn từ ĐT.479 đến ĐT.479D dài 6,1km, quy mô đường cấp IV-III, 2-4 lần xe.
  • ĐT.477C: Điểm đầu giao QL.38B tại xã Sơn Lai – Nho Quan, điểm cuối giao ĐT.477D tại xã Gia Hòa – Gia Viễn. Hướng tuyến đi theo hiện trạng trong đó có 5km trùng với QL.45 quy hoạch. Được quy hoạch với chiều dài khoảng 12km, quy mô cấp IV, 2 làn xe.
  • ĐT.477D: Điểm đầu giao QL.1 tại Gia Trấn – Gia Viễn, điểm cuối giao QL.12B tại xã Đồng Phong, thị trấn Nho Quan. Hướng tuyến đi theo ĐT.477D hiện trạng đến cầu sông Bôi xã Gia Hưng, tiếp tục kéo dài đến QL.12B tại thị trấn Nho Quan. Được quy hoạch với chiều dài khoảng 37,7km, quy mô cấp IV, 2 làn xe.
  • ĐT.478: Điểm đầu tại nút giao đường tránh QL.1 tại xã Ninh Giang – Hoa Lư, điểm cuối tại nút giao QL.1 và QL.12B tại xã Mai Sơn – Yên Mô. Được quy hoạch từ việc chuyển QL.1 đoạn trong thành phố Ninh Bình về tỉnh quản lý với chiều dài khoảng 15.5 km, quy mô đường cấp III, 4làn xe.
  • ĐT.478B: Điểm đầu giao ĐT.476 tại Cảng Ninh Phúc, điểm cuối tại Chùa Bích Động , xã Ninh Hải – huyện Hoa Lư, hướng tuyến đi theo ĐT.478B và đường nối QL.1 với cảng Ninh Phúc hiện trạng. Hướng tuyến đi theo hiện trạng đường nối QL.1 – Cảng Ninh Phúc và ĐT.478B cũ, được quy hoạch với chiều dài khoảng 12km, quy mô tối mô từ cấp III, 2 -4 làn xe, trong đó: Đoạn từ cảng Ninh Phúc đến Tam Cốc dài khoảng 9km, quy mô đường cấp III, 04 làn xe; Đoạn từ Tam Cốc đến Bích Động dài khoảng 3km, quy mô đường cấp III, 02 làn xe.
  • ĐT.478C: Điểm đầu tại nút giao Mai Sơn, điểm cuối giao QL.38B tại xã Trường Yên – Hoa Lư. Hướng tuyến đi qua các xã Ninh Vân, Ninh Thắng, Ninh Tiến đến nối với đường Tràng An hiện trạng, được quy hoạch với chiều dài khoảng 17,3km, quy mô tối mô từ cấp III, 2 -4 làn xe.
  • ĐT.479: Điểm đầu giao đường gom cao tốc Mai Sơn – Thanh Hóa, điểm cuối ĐT.479B tại xã Lạc Vân- Nho Quan, hướng tuyến đi theo ĐT.479, ĐT.479E, ĐT.479C, ĐT.478D cũ. Được quy hoạch với chiều dài khoảng 27km, quy mô đường cấp III, 4 làn xe.
  • ĐT.479B: Điểm đầu giao với ĐT.477 tại xã Lạc Vân – Nho Quan, điểm cuối tại Thạch Bình – Nho Quan, hướng tuyến đi theo tuyến hiện trạng và đoạn ĐT.477 cũ. Được quy hoạch với chiều dài khoảng 8,5km, quy mô đường cấp IV, 2 làn xe.
  • ĐT.479C: Điểm đầu giao QL.38B tại Chùa Bái Đính, điểm cuối giao ĐT. 479D tại xã Kỳ Phú – Nho Quan, hướng tuyến đi theo tuyến hiện trạng hiện có trong đó có đoạn dài 1.15km trùng với tuyến ĐT.479. Được quy hoạch với chiều dài khoảng 13,86km, quy mô từ cấp III, 2 làn xe.
  • ĐT.479D: Điểm đầu giao QL.45 tại xã Phú Long – Nho Quan, điểm cuối giao QL.12B, ĐT.477D tại Văn Phong – Nho Quan, hướng tuyến đi theo ĐT.479D và tuyến đường Cúc Phương – Nho Quan hiện có. Được quy hoạch với chiều dài khoảng 19,6km, quy mô từ cấp IV, 2 làn xe.
  • ĐT.480 (Trục Đông – Tây): Điểm đầu tại Cồn Nổi, điểm cuối giao đường tránh TT.Nho Quan. Hướng tuyến đi từ Cồn Nổi đến ĐT.481D đi trùng với dự án ĐT.482D đang được triển khai, đến cắt QL.1 tuyến đi dọc phía nam đồi Dài đến gần đường cao tốc Bắc Nam phía Đông đi sông song nối với đoạn tuyến Đông – Tây giai đoạn 1 tại nút giao vòng xuyến phường Tây Sơn-Tam Điệp. Chiều dài khoảng 66,5km. Đoạn từ Cồn Nổi đến đường ven biển chiều dài khoảng 12km quy mô cấp III, 02-04 làn xe. Đoạn từ đường ven biển đến Nho Quan chiều dài khoảng 54,5km quy mô cấp II, 4-8 làn xe.
  • ĐT.480B: Điểm đầu giao ĐT.476, Xã Khánh Thiện huyện Yên Khánh, điểm cuối giao giao đường trục Đ-T tại xã Yên Lâm – Yên Mô, hướng tuyến đi theo ĐT.480B và QL.12B hiện trạng đoạn từ Yên Lâm đến Yên Phong. Được quy hoạch với chiều dài khoảng 17km, quy mô từ cấp IV-III, 2-4 làn xe.
  • ĐT.480C: Điểm đầu tại ngã ba Thông – Khánh Cư- Yên Khánh, điểm cuối giao ĐT.483C tại xã Yên Đồng- Yên Mô, hướng tuyến đi theo ĐT.480C, ĐT.481B, QL.21B hiện trạng đoạn từ Yên Thịnh đến Yên Đồng. Được quy hoạch với chiều dài khoảng 18,5km, quy mô từ cấp IV, 2 làn xe.
  • ĐT.481: Điểm đầu giao ĐT.467 tại xã Khánh Cường – Yên Khánh, điểm cuối giao đường huyện Yên Mô tại xã Yên Lâm – Yên Mô. Hướng tuyến chạy song song với tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn trong xã Khánh Trung, Khánh Cường – Yên Khánh, đi qua các xã Khánh Nhạc, Khánh Hồng huyện Yên Khánh sang các xã Yên Lâm, Yên Mạc, Yên Lâm huyện Yên Mô đến giao với ĐT.483C. Được quy hoạch với chiều dài khoảng 22,5km, quy mô đến năm 2030 đạt cấp III, 4 làn xe, tầm nhìn đến năm 2050 đạt cấp II, 6 làn xe.
  • ĐT.481B: Điểm đầu giao giao QL.10 tại ngã ba Thông, Khánh Cư, Yên Khánh, điểm cuối giao ĐT.481D tại xã Khánh Thành – Yên Khánh, hướng tuyến đi theo ĐT.481B, ĐT.480C, ĐT.482E hiện trạng. Được quy hoạch với chiều dài khoảng 16,8km, quy mô từ cấp IV, 2 làn xe.
  • ĐT.481D: Điểm đầu tại bến Đò mười xã Khánh Thành -huyện Yên Khánh, điểm cuối giao QL.10 tại Lai Thành – Kim Sơn, hướng tuyến đi theo ĐT.481D hiện có. Được quy hoạch với chiều dài khoảng 11,2km, quy mô từ cấp IV, 2 làn xe.
  • ĐT.482: Điểm đầu giao ĐT.476 xã Khánh Công – Yên Khánh, điểm cuối giao ĐT.482C tại xã Kim Chính – Kim Sơn, hướng cơ bản đi theo tuyến đi theo ĐT.482 cũ có điều chỉnh cục bộ đoạn đi qua các xã Khánh Thủy, Khánh Nhạc – huyện Yên Khánh. Được quy hoạch với chiều dài khoảng 10km, quy mô từ cấp IV, 2 làn xe.
  • ĐT.482B: Điểm đầu giao với QL.10 tại xã Ân Hòa, Kim Sơn, điểm cuối giao QL.21B tại xã Lanh Thành, Kim Sơn. Được quy hoạch với chiều dài khoảng 8,7km, quy mô đường cấp III đồng bằng, 2làn xe.
  • ĐT.482C: Điểm đầu giao Ql.1 tại phường Nam Phong – Ninh Bình, điểm cuối giao Đt.476 tại xã Kim Chính – Kim Sơn, hướng tuyến đi dọc theo sông Vạc. Được quy hoạch với chiều dài khoảng 27,7km, quy mô đường cấp III đồng bằng, 4 làn xe.
  • ĐT.482D: Điểm đầu giao QL.12B cũ tại xã Yên Mạc – Yên Mô, điểm cuối giao ĐT.481D tại xã Yên Lộc – Kim Sơnh. Hướng tuyến đi qua xã Yên Lộc-Kim Sơn và xã Yên Nhân – Yên Mô. Được quy hoạch giai đoạn 2021-2025 với chiều dài khoảng 6km, quy mô đường cấp IV đồng bằng, 2 làn xe. Giai đoạn 2026-2030 nâng cấp thành 1 đoạn tuyến của QL.12B sau cải tuyến.23.
  • ĐT.482G: Điểm đầu giao ĐT.476 tại xã Khánh Hải – Yên Khánh, điểm cuối giao ĐT.482C tại xã Khánh Vân- Yên Khánh. Được quy hoạch là tuyến đường vành đai đô thị Yên Ninh, giai đoạn 2021-2025 với chiều dài khoảng 5,5km, quy mô đường cấp III đồng bằng, 4 làn xe. Giai đoạn 2026-2030 chuyển về huyện quản lý.
  • ĐT.483: Điểm đầu tại nút giao Khánh Hòa – cao tốc Bắc Nam phía Đông, điểm cuối giao nút giao QL.10 với ĐT.481 tại xã Khánh Nhạc- Yên Khánh. Hướng tuyến trên cơ sở ĐT.483 hiện hữu, và ĐT.482E đang xây dựng, chiều dài 13,4km, đoạn từ ĐT.478B đến QL.10 quy mô đường cấp III 04 làn xe, đoạn qua nội thị Yên Ninh theo quy mô quy hoạch đường đường đô thị được duyệt.
  • ĐT.483B: Điểm đầu giao ĐT.483 tại xã Khánh Hòa – Yên Khánh, điểm cuối giao ĐT.480C tại xã Yên Hưng – Yên Mô. Hướng tuyến đi từ Khánh Hòa đi qua trung tậm thị trấn Yên Thịnh, tiếp tục cắt sông Lồng đến cắt với ĐT.480C. Quy hoạch với chiều dài khoảng 10,55km, quy mô đường cấp III, 2-4 làn xe.
  • ĐT.483C: Điểm đầu giao Đt478B tại Ninh Sơn – Ninh Bình, điểm cuối giao QL.10 tại xã Lai Thành-Kim Sơn. Hướng tuyến đi từ ĐT.478B đến ga đường sắt trên cao tại xã Khánh Thượng – Yên Mô xuống hồ Yên Thắng từ đó đi theo đường đê hồ Đồng Thái. Được quy hoạch với chiều dài khoảng 26,5km, quy mô tuyến cấp IV-III, 2-4 làn xe,

4. Hệ thống bến xe:

Quy hoạch 13 bến trong đó có 6 bến giữ nguyên quy mô hiện trạng khai thác với chức năng bến hỗn hợp. 3 bến khách gồm bến phái Đông thành phố Ninh Bình, 2 bến xây dựng mới ở phía bắc thành phố Ninh Bình và bến thành phố Tam Điệp. Chuyển bến Kim Sơn thành bến buýt, bãi đỗ xe phục vụ chủ yếu du lịch huyện Kim Sơn. Xây dựng mới 2 trạm xe buýt, trung chuyển tuyến tại thị trấn Me – Gia Viễn và xã Phú Lộc – Nho Quan. Các hoạt động vận chuyển, trung chuyển hàng hóa được quy hoạch về các trung tâm logistics và cảng ICD của tỉnh

Mạng lưới giao thông đường thủy

1. Các tuyến đường thủy cấp Quốc gia

  • Tuyến sông Đáy: Tuyến Cửa Đáy – Ninh Bình chiều có dài 72 km; quy hoạch tuyến đến năm 2030 đạt tiêu chuẩn cấp đặc biệt. Từ Ninh Bình đến Gia Thành chiều dài 21km quy hoạch đến năm 2030 đạt cấp II.
  • Tuyến sông Yên Mô: Đoạn tuyến từ Ngã ba Đức Hậu đến Nga Sơn dài 14 km đảm bảo các loại phương tiện thủy 300 tấn qua lại. Lắp đặt hệ thống phao tiêu báo hiệu. Duy tu luồng lạch, giữ cấp sông loại III. Cải tạo, thanh thải chướng ngại vật trên đoạn thượng lưu.

2. Các tuyến đường thủy địa phương

  • Tuyến sông Hoàng Long: Từ ngã ba Gián Khẩu (kết nối với sông Đáy) đến cầu Phú Sơn – Nho Quan. Sông Hoàng Long chảy qua các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư đều thuộc tỉnh Ninh Bình. Chiều dài 34km. Chuyển cấp từ Trung ương về địa phương quản lý, quy hoạch đến năm 2030 đạt cấp cấp III đoạn từ Ngã ba Gián Khẩu đến cầu Nho Quan, đạt cấp IV đoạn từ cầu Nho Quan đến Phú Sơn – Nho Quan.
  • Tuyến sông Vạc: Đoạn tuyến từ Cầu Yên đến Kim Đài dài 28,5 km. Chuyển cấp từ Trung ương về địa phương quản lý, duy tu luồng lạch, giữ cấp sông loại III.
Quy hoạch giao thông tỉnh Ninh Bình
Quy hoạch giao thông tỉnh Ninh Bình
  • Tuyến sông Bôi: Bắt nguồn từ Xích Thổ huyện Nho Quan, điểm cuối Kênh Gà hợp lưu vào sông Hoàng Long vời chiều dài 18km. Với hiện trạng các công trình kiên cố trên tuyến sông Bôi hiện nay, đề xuất quy hoạch cấp sông đến năm 2030 đạt từ cấp IV.
  • Tuyến sông Rịa: Từ Gia Lạc – Gia Viễn đến Phú Lộc – Nho Quan dài 12km, quy hoạch đạt cấp IV-V đến năm 2030.
  • Tuyến sông Chanh: Từ Âu Chanh – Hoa Lư đến Ninh Tiến – Ninh Bình dài 12km. Với định hướng phát triển tuyến ĐTNĐ phục vụ du lịch, không có phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông trên tuyến, do đó quy hoạch tuyến đạt cấp VI đến năm 2030.
  • Tuyến sông Hệ Dưỡng: Từ Cầu Yên – TP Ninh Bình đến Ninh Hải – Hoa Lư dài 9,5km, quy hoạch đạt cấp V đến năm 2030.
  • Tuyến sông Vân: Bắt nguồn từ âu thuyền thành phố Ninh Bình, điểm cuối cầu Yên – Tp. Ninh Bình với chiều dài 7km. Duy trì sông đạt cấp V đến năm 2050.
  • Tuyến sông Mới: Bắt nguồn từ sông Đáy tại Âu Xanh – Yên Khánh, điểm cuối gặp sông Vạc tại Đức Hậu – Yên Khánh có chiều dài 8km. Với hiện trạng các công trình kiên cố trên tuyến sông Mới hiện nay và điều kiện khó khăn trong việc mở rộng luồng do vướng các tuyến đê kiên cố, đề xuất quy hoạch cấp sông đến năm 2030 đạt từ cấp V.
  • Tuyến sông Lồng: Bắt nguồn từ kênh Yên Mô – Yên Mô, điểm cuối TT. Yên Thịnh – Yên Mô với chiều dài 8km. Với hiện trạng các công trình kiên cố trên tuyến sông Lồng hiện nay và điều kiện khó khăn trong việc mở rộng luồng do vướng các tuyến đê kiên cố, đề xuất quy hoạch cấp sông đến năm 2030 đạt từ cấp V.
  • Tuyến sông Đằng: Từ Khánh Dương-Yên Mô đến Cầu Đằng – Yên Mô, dài 10km, quy hoạch đạt cấp IV-V đến năm 2030.
  • Tuyến sông Càn: Đoạn tuyến từ Cửa Càn – Kim Sơn đến Văn Hải – Kim Sơn dài 14.2 km. Quy hoạch đến năm 2030 đạt cấp cấp II đoạn từ cửa Càn đến Kim Hải – Kim Sơn (Cách cầu sông Càn 200m về phía hạ lưu), đạt cấp V đoạn từ cách cầu sông Càn 200m về phía hạ lưu đến Văn Hải – Kim Sơn.
  • Tuyến sông Ân: Từ Lai Thành – Kim Sơn đến Khánh Thành – Yên Khánh, dài 17km. Với hiện trạng các công trình kiên cố trên tuyến sông Ân hiện nay và điều kiện khó khăn trong việc mở rộng luồng do vướng các tuyến đê kiên cố, đề xuất quy hoạch cấp sông đến năm 2030 đạt từ cấp V.
  • Tuyến sông Vực: Từ Sông Đáy – Kim Sơn đến Sông Ân – Kim Sơn dài 5km, quy hoạch đạt cấp V đến năm 2030, định hướng đạt cấp IV – V đến năm 2050.
  • Tuyến sông Cà Mâu: Từ Kim Mỹ – Kim Sơn đến Yên Nhân – Yên Mô dài 20km, duy trì luồng lạch đạt cấp V đến năm 2030, định hướng đạt cấp VI-V đến năm 2050.
  • Tuyến sông Sào Khê: Với định hướng phát triển tuyến ĐTNĐ phục vụ du lịch, không có phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông trên tuyến do đó quy hoạch sông Sào từ cống Trường Yên đến ngã ba sông Vân – Ninh Thắng với chiều dài 14,5km đạt cấp VI

Mạng lưới hệ thống cảng thủy nội địa

a) Cảng biển: Theo luận chứng phát triển cảng biển đã đề cập ở trên, đề xuất quy hoạch 02 cảng biển trên địa bàn tỉnh Ninh Bình gồm:

  • 01 cảng loại III vụ hành khách tại khu vực khu Cồn Nổi.
  • 01 cảng hàng hóa loại III tại khu vực khu kinh tế biển Kim Sơn

b) Cảng thủy nội địa – Cảng hàng hóa: Theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo Quyết định số 1829/QĐ- TTg ngày 31/10/2021 của Thủ tướng chính phủ Ninh Bình có 30 cảng trong đó 25 cảng trên sông Đáy, 2 cảng trên sông Hoàng Long, 3 cảng trên sông Yên Mô, sông Vạc vac các cảng khác.

Theo quy hoạch cảng, bến thủy nội địa tỉnh Ninh Bình theo Quyết định số 1798/QĐ-UBND ngày 22/12/2017 của UBND tỉnh, cập nhật thêm 14 cảng trên sông Đáy và 4 cảng trên các tuyến sông khác.

– Cảng hành khách: Quy hoạch 1 cụm cảng khách Ninh Bình nằm trên sông Đáy quy hoạch với cỡ tàu 100 ghế, công suất 50 nghìn hành khách/năm theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

– Bến thủy nội địa: Rà soát, cập nhật bổ sung các bến thủy đủ điều kiện hoạt động, xóa bỏ các bến thủy nội địa không còn hoặc không đủ điều kiện hoạt động. Theo đó có tổng 105 bến thủy nội địa được đưa vào quy hoạch trong đó trên sông Đáy có 17 bến hiện trạng, 11 bến bổ sung mới; sông Hoàng Long 13 bến hiện trạng, 7 bến bổ sung mới; sông Vạc 20 bến trong đó đề xuất bỏ 1 bến không đủ điều kiện; sông Yên Mô 3 bến; sông Bôi 13 bến hiện trạng, 10 bến bổ sung mới; sông Mới 4 bến; sông Hệ Dưỡng 2 bến; sông Đằng 5 bến trong đó đề xuất bỏ 3 bến không đủ điều kiện, sông Lồng 3 bến, bỏ 1 bến trên sông Sui không đủ điều kiện.

Mạng lưới đường sắt

a) Đường sắt Thống Nhất: Tuyến đường sắt Thống Nhất dài 1.726km, đoạn chạy qua địa bàn tỉnh Ninh Bình có chiều dài 21,6 km (từ km113+400 – km135+000). Nâng cấp khu đoạn, các cầu yếu, hệ thống thông tin tín hiệu. Cải tạo hành lang an toàn giao thông và các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ. Đoạn đường sắt Thống Nhất đi qua Ninh Bình; nằm trong khu đoạn Hà Nội – Vinh

b) Đường sắt tốc độ cao: Tuyến đường sắt cao tốc dự kiến chạy song song với đường cao tốc và Quốc lộ 1, dự kiến điểm đầu tại Ninh Phúc – Ninh Bình, điểm cuối tại Nam Sơn – Tam Điệp, chiều dài dự kiến đi qua tỉnh khoảng 21km.

c) Đường sắt chuyên dụng: Kéo dài tuyến đường sắt kết nối ga Ninh Bình với cảng Ninh Bình đến cảng Phúc Lộc và trung tâm logistics Ninh Bình dài 5km với vai trò kết nối trực tiếp, vận chuyển hàng hóa từ cảng và trung tâm logistic khu vực này với vận chuyển đường sắt.

Kéo dài tuyến đường sắt kết nối ga Cầu Yên với các khu công nghiệp ven sông Hệ Dưỡng dài 3km với vai trò kết nối trực tiếp, vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp này với vận chuyển đường sắt.

Quy hoạch đường sắt chuyên dụng kết nối trung tâm logistic Tam Điệp với ga Đồng Giao dài 35km với vai trò kết nối trực tiếp, vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp Tam Điệp I và Tam Điệp II với vận chuyển đường sắt.

d) Ga đường sắt: Đối với đường sắt Thống Nhất: Cải thiện chất lượng dịch vụ và hạ tầng 4 ga đường sắt là: Ninh Bình, Cầu Yên, Ghềnh và Đồng Giao nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

  • Ga Ninh Bình: Trong giai đoạn 2026-2030 khi cảng Phúc Lộc phát triển thành cảng ICD và trung trâm logistics Ninh Bình phát triển, ga Ninh Bình được mở rộng để phù hợp với nhu cầu vận tải hàng hóa do đó cần dự trữ quỹ đất để nâng diện tích sân ga lên 10.000m².
  • Ga cầu Yên: Quy hoạch sân ga bốc dỡ, và lưu giữ hàng hóa với quy mô tối thiểu khoảng 3.000m².
  • Ga Đồng Giao:Dự trữ quỹ đất phát triển để nâng diện tích sân ga lên 10.000m².
  • Ga Ghềnh: Quy hoạch giữ nguyên quy mô ga Ghềnh, nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện trạng nhằm nâng cấp chất lượng phục vụ của nhà ga.

Đối với đường sắt cao tốc: Dự kiến bố trí một ga hành khách tại xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô nhằm kết nối với các tuyến đường cao tốc tạo nên một mạng lưới giao thông tốc độ cao.

Cảng hàng không

Quy hoạch định hướng đến năm 2050 dự trữ quỹ đất xây dựng cảng hàng không quy mô từ 300-500ha tại xã Khánh Thủy, Khánh Nhạc – Yên Khánh. Trong giai đoạn quá độ, có thể xây dựng tại đây sân bay taxi và sân bay trực thăng chuyên dụng.

Mạng lưới trung tâm logistic

Trên cơ sở lợi thế về các phương thức vận tải bao gồm đường bộ, đường thủy, đường sắt và quy hoạch trong tương lai có thêm hệ thống cảng hàng không, cảng cạn dự kiến quy hoạch các trung tâm logistic như sau:

– Xây dựng trung tâm logistic tại khu công nghiệp Tam Điệp II. Phục vụ chính các khu vực Nho Quan, Tham Điệp, Yên Mô và các khu vực phía Bắc Thanh Hóa. Quy mô dự kiến khoảng 20 -30ha.

– Xây dựng trung tâm logistic tại khu vực ngoại thành phía Đông thành phố Ninh Bình tại khu vực quanh nút giao giữa hai đường cao tốc. Phục vụ chính các khu vực Hoa Lư, Ninh Bình, Yên Khánh. Quy mô dự kiến khoảng 20 -30ha.

– Xây dựng trung tâm logistic tại khu kinh tế biển Kim Sơn. Phục vụ chủ yếu cho khu kinh tế biển Kim Sơn. Quy mô dự kiến khoảng 5-10 ha.

– Định hướng xây dựng trung tâm logistic tại khu vực xã Yên Khánh khi có nhu cầu phát triển.

Với hiện trạng quá tải, thiếu hụt các bến xe hàng hóa đặc biệt là đối với thành phố Ninh Bình, việc xây dựng sớm trung tâm logistics sẽ góp phần giải quyết được tình trạng này, do đó kiến nghị xây dựng trung tâm logistics Ninh Bình và Tam Điệp trong giai đoạn 2021-2025 từng bước thay thế các bến xe hàng hóa và làm tiền đề cho việc phát triển thành các trung tâm điều phối, trung chuyển hàng hóa của tỉnh và các địa phương lân cận.


Rate this post
Bài trướcQuy hoạch phát triển đô thị tỉnh Hậu Giang đến 2030, tầm nhìn 2050
Bài tiếp theoQuy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến 2030, tầm nhìn 2050

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây